Bà cụ ở gần nhà tôi, con dâu của cụ cũng người trong làng và còn có họ xa với nhà tôi. Nói họ xa là vì cách gọi trong cái làng nhỏ ở một miền quê chứ thực ra thì cũng phải mấy đời rồi. Có điều ở quê cứ ra ngõ gặp nhau là cậu, mợ, thím, dì... nghe thân thiết lắm!
Con dâu bà cụ hơn tôi chắc cũng phải mười mấy tuổi chứ không ít, vì tôi nhớ khi chị ấy đi lấy chồng thì tôi còn học lớp 3 hay 4 gì đấy.
Thời buổi gạo châu củi quế, ăn khoai sắn thay cơm ấy, ai đã từng trải qua mới hiểu được nó khổ sở cực nhọc đến thế nào.
Gọi là ăn cơm theo thói quen chứ may lắm thì có nồi cơm mà chỉ thấy hạt cơm bám vào khoai sắn lởm chởm trong nồi.
Không có hạt gạo nào để độn thì cứ cả củ luộc lên ăn trừ bữa thôi...
Thế mới có câu chuyện cười ra nước mắt: Ở nhà nọ ông bố sợ mọi người biết mình nghèo phải ăn khoai trừ bữa thay cơm (dù ai cũng vậy nhưng cái thời lòng tự trọng của con người được đặt lên trên hết chứ không như giờ nhà mấy tầng mà cố sống cố chết xin cho được cái sổ hộ nghèo... nên ông dặn đứa con mới 4, 5 tuổi rằng "mỗi lần gọi bố ăn cơm thì phải nói con mời bố vào ăn cơm chứ không được nói ăn khoai nhé!"
Hôm sau đến bữa, ông bố đang chơi bên nhà hàng xóm thì đứa con được mẹ sai đi mời bố về ăn. Nhớ lời bố dặn, nó vừa chạy vừa la "bố ơi mời bố về ăn cơm không người ta ăn hết củ to!!!!"
Trở lại câu chuyện...
Nhà chồng chị có khá hơn chút nên thường xuyên có cơm độn như vậy để ăn nghĩa là đến bữa ăn còn được dùng bát chứ không phải dùng rổ như nhà tôi hay nhiều nhà khác trong làng.
Chị không đẹp rực rỡ nhưng khỏe mạnh đằm thắm, đặc biệt nụ cười thường trực trên đôi môi rất hồng dù không son phấn gì khiến cho bọn trẻ con chúng tôi cứ ước ao, còn các cụ già thì bảo đó là hồng phúc, các anh con trai thì chết mê chết mệt. Gặp người lớn tuổi chị cúi đầu chào nhỏ nhẹ lễ phép, còn với lũ con nít chị thường xoa đầu rồi hỏi tùy vào lúc chúng tôi đi học về hay đi đâu.
Học hết lớp 7, ở nhà được vài năm thì ông bà cụ đưa lễ đến dạm hỏi chị cho con trai út của ông bà.
Bố mẹ chị đồng ý ngay, phần vì chị cũng đến tuổi lấy chồng mà thời đấy chiến tranh cánh đàn ông trong làng tòng quân gần hết, chỉ còn những người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc trong nhà đã có người đi nghĩa vụ thì mới được ở nhà, phần nữa chị là con cả sau chị còn 5 đứa em gái, đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, bố mẹ chị bảo vậy. Thời đó có con gái lớn trong nhà được ví như bom nổ chậm chưa biết bố mẹ bị bôi tro trát trấu vào mặt khi nào nên có người đến cưới hỏi là bố mẹ như trút được gánh nặng lo âu đang đè trong lồng ngực...
Chị về làm dâu ông bà rồi lần lượt những đứa con của anh chị ra đời.
Hầu như cứ 2 năm một đứa, biết làm sao được, anh chị khỏe mạnh và yêu nhau.
Ông bà nội ngoại vui mừng cười ha hả, anh chị cũng vui nhưng biết rằng vất vả khó nhọc nhiều lên.
Càng ngày nồi cơm càng to hơn, bởi đông người mà lượng gạo không tăng nên phải tăng kích cỡ của nồi để chứa thêm khoai sắn!
Đến bữa ăn cháu nội đứa bên này đứa bên kia vít tay ông bà nội xuống để nhìn cho rõ trong bát ông bà có gì ngon hơn của chúng không.
Ban đầu khi các cháu còn phải bón chưa tự xúc ăn được thì có thịt hay cá chị đều dọn ra mâm rồi gắp cho bố mẹ chồng và họ còn được ăn, sau này các cháu lớn hơn chút tự xúc cơm ăn được thì chẳng mấy khi ông bà ăn được miếng thịt hay cá nữa bởi ông bà thương cháu nên nhường, có khi chị đã gắp lên bát ông bà rồi chúng nó còn vít bát ông bà xuống để gắp sang bát nó...
Nó có biết gì đâu, đứa lớn cũng chỉ 4 tuổi đang ở truồng... đến cơm gạo trắng còn thèm chứ nói gì đến mùi thơm của cá thịt...
Nhìn cảnh ấy chị the sắt ruột vì thương bố mẹ chồng già yếu còn phải trông coi bồng ẵm con cho mình, vừa thương những đứa con thơ dại... đang cần ăn để lớn.
Nhưng rồi chị vẫn ưu tiên chăm sóc bố mẹ chồng trước.
Đến bữa những đứa con của chị "khám" bát ông bà nội cũng chẳng có gì hơn ngoài ít cơm và khoai lổn nhổn trong bát nên chúng yên tâm ngồi xuống ăn hết phần mình rồi chạy đi chơi. Khi đó cũng là lúc ông bà ăn đến phần bát cơm phía dưới...
Trời ơi thì ra hôm thì ít cá chị đã gỡ xương, hôm thì thịt đã được chị băm nhỏ hoặc nấu kỹ cho mềm nằm ngay dưới bát...
Mẹ chồng nhìn trân trân vào con dâu mình rồi nghẹn ngào hai dòng nước mắt chảy ra thi nhau rơi xuống bát cơm.
Chị cũng khóc rồi nói với bố mẹ chồng nếu thương các cháu thương chị thì im lặng ráng ăn để đảm bảo sức khỏe và chăm sóc cho các cháu để anh chị yên tâm mà đi làm.
Chuyện chị giấu con thức ăn ngon dưới bát cho bố mẹ chồng cứ thế bay đi mãi, tiếng thơm lan khắp xóm làng...
Vốn yêu quý chị từ trước nay các ông già bà cả càng yêu mến chị nhiều hơn. Chị trở thành tấm gương sáng về lòng hiếu thảo với bố mẹ chồng mà ai cũng nhắc đến.
Các bố mẹ có con gái lớn trong làng thường đưa chị ra để dạy con mình trước khi về nhà chồng...
Các em gái của chị chưa kịp lớn đã có người đến... đặt chỗ.
Bố mẹ đẻ của chị sung sướng tự hào...
Bố mẹ chồng chị sống được với chị hơn trăm tuổi mới mất. Mẹ chồng chị còn bảo chị nâng tuổi thọ của bà lên mấy chục năm ấy chứ...
Con cái chị lớn học thành ông nọ bà kia nhưng chẳng ai nhớ tên thật, đến chơi cứ hỏi cái thằng vít bát bà nội xuống mà kiểm tra đó à... rồi cười vang trong niềm hạnh phúc.
Nay chị đã mất, nhưng cách cư xử và tấm lòng hiểu thảo của người con dâu ấy với bố mẹ chồng vẫn sống mãi trong tâm trí mọi người...
Tôi cứ nghĩ mãi nghĩ mãi... và mỗi khi có điều gì đó không vui về mẹ chồng mình tôi lại nghĩ đến chị và mọi điều không vui ấy tự nhiên tan biến.
Cảm ơn chị, cảm ơn một người con dâu mà bất cứ bố mẹ chồng nào cũng đều ao ước!!!!
Kim Bạch Kim - 25/8/2020