User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
machongnangdau
Hình trên net
 
Năm nay tôi bốn mươi lăm tuổi. Tính ra, tôi đã ở đất Mỹ này được hai mươi chín năm. Ra đời từ miền đất quê mùa ở tận Cà Mau, mới mười hai tuổi má đã dắt tôi lên nhà người bà con cho ở đợ. Nói như vậy, tôi không có ý oán trách má tôi mà chỉ để mọi người biết vì sao mà chữ nghĩa của tôi không đầy lá mít. Đó là về mặt chữ nghĩa, chứ còn về khoa ăn nói thì tôi thuộc loại có hạng. Tôi có thể kể vanh vách mọi chuyện không sót một chi tiết nhỏ, lại còn được bạn bè khen là có duyên ăn nói. Bởi vậy mới có câu chuyện kể ngày hôm nay.
 
Năm bảy lăm, thừa lúc bà chủ nhà chuẩn bị đi di tản, tôi xin bà cho tôi về quê thăm gia đình -năm đó tôi được mười sáu tuổi- bà chủ hù tôi:
 
- Giặc giã loạn lạc tới nơi, xe cộ đâu mà đi. Theo bà sau này sung sướng tấm thân.
 
Tôi biết bà nói vậy chứ thực ra là để phụ bà chăn ba đứa con nhỏ. Vậy là tôi cũng được đeo một bọc quần áo nhỏ lên vai, leo xuống tàu, vượt biển tìm tự do.
 
Sang Mỹ được mười lăm năm thì bà chủ qua đời. Các con bà cũng đã lớn và học hành đỗ đạt, mỗi người đi một hướng, nên tôi trở thành người trơ trọi. Tôi lò mò đi vào Shop may xin học nghề. Nhờ sáng dạ nên không bao lâu tôi trở thành thợ ráp thành thạo. Ở đây, tôi quen anh Mạnh là thợ ủi. Mạnh xấu trai lại không được cao mấy, nhưng bù lại anh có tài ca vọng cổ rất mùi. Nghe riết rồi tôi đâm ghiền. Từ chỗ cảm giọng hát qua cảm người cũng không xa. Tôi tuy ít học nhưng rất thích đọc tiểu thuyết. Trời cũng thương, ban cho tôi một chút thông minh nên nhiều khi mò mẫm tôi cũng viết được vài dòng văn hoa -Bởi vậy, có lần đi coi ca nhạc, nghe ca sĩ Khánh Ly nói, cô chỉ học tới Tiểu Học thôi, nhưng đọc bài cô viết trên báo đâu có thua nhà văn thứ thiệt, tôi nghĩ đến mình rồi thầm ước… biết đâu chừng cũng có ngày… Có lần tôi sáng tác mấy câu vọng cổ đưa anh Mạnh hát. Cái giọng ngọt rịu của anh làm tim tôi rung động. Cũng vì lẽ đó mà khi anh hỏi cưới, tôi gật đầu liền.
 
Nhà Mạnh chỉ có ba mẹ con. Anh Hai đã có gia đình. Mạnh ở với mẹ, nên khi cưới về tôi có được bà má chồng. Lúc gần đám cưới, mấy chị bạn trong Shop may hù tôi dữ lắm. Ai cũng nói làm dâu cực khổ trăm đường, có khi còn bị chửi mắng nếu gặp bà già khó tính. Dầu sao, tôi cũng đi ở đợ từ nhỏ, quen hầu hạ, nhịn nhục nên đâu có gì để sợ.
 
Hay không bằng hên, tôi gặp bà má chồng quá đỗi dễ thương và hiền hậu. Hai má con tôi thương nhau như ruột thịt, nên coi như tôi đã thoát khỏi cái cửa ải trầy trật nhất. Nhưng chưa hết cái mừng thì tôi đụng cái cửa ải thứ hai mới đinh tai, nhức óc. Đó là anh chồng yêu quý của tôi. Chưa đầy bốn mươi tuổi mà Mạnh khó khăn như một ông già bảy mươi. Anh lỗi phải từ chuyện nhỏ. Điều gì không vừa ý thì anh đập đồ đạc, la hét, chửi bới lung tung. Có lần anh hùng hổ nhào tới tát tôi một bạt tay. Tôi chưng hửng. Dầu thân phận nghèo hèn, nhưng từ nhỏ tới lớn tôi chưa hề bị ai đánh. Vậy là tôi nổi tam bành, vác cây lau nhà đang cầm trên tay nện cho anh một cái chí tử. Bây giờ đến phiên má chồng tôi chưng hửng, còn anh chồng tôi thì tá hỏa, dông tuốt vô phòng, leo lên giường đánh một giấc. Nói cho oai chứ thiệt ra là ba cái rượu nó vật anh chàng mệt nhừ, đứng không vững nên anh mới chịu thua dễ dàng. Còn lại bà má chồng, bà dáo dác, ngó trước ngó sau rồi kéo tay tôi nói nhỏ:
 
- Trời đất, sao mày gan quá vậy? Nó dộng thêm cho mày một bạt tay nữa thì ông bà ông vãi mày cũng tiêu.
 
Qua cơn giận, nghĩ lại thấy mình cũng quá trớn nên tôi cười xẻn lẻn. Mẹ chồng tôi chép miệng thở dài:
 
- Hồi trước tao bị ba thằng Mạnh đánh hà rầm mà có dám hó hé gì đâu.
 
Tôi tròn mắt:
 
- Thiệt vậy sao?
 
- Cái con… không lẽ tao vu oan, giá họa cho ổng.
 
Rồi bà kéo tôi ngồi xuống ghế, kể lể chuyện ngày xưa. Ôi! sao mà buồn tủi, thảm thương. Vừa làm dâu trăm bề cay đắng. Vừa làm vợ trăm nỗi đắng cay. Chuyện đã xưa lắm rồi, vậy mà bà khóc thút tha, thút thít như mới xảy ra hôm qua. Ngẫm nghĩ một lát tôi nói:
 
- Má nghĩ anh Mạnh có giống ba không?
 
Bà ngập ngừng:
 
- Tính nó cũng nóng nảy, cộc cằn lắm. Má cầu trời cho nó đừng có giống ổng để khỏi khổ thân con.
 
Tôi trợn mắt:
 
- Con nói trước cho má biết. Ảnh đánh con là con đánh lại đó, con không hiền như má đâu.
 
Bà cũng trợn mắt nhìn tôi:
 
- Đâu được, đàn bà con gái phải giữ nề giữ nếp, làm vậy coi sao được.
 
Thời gian sau đó, Mạnh gia nhập vào “băng” nhậu. Hầu như mỗi ngày, sau giờ làm việc anh đều đi nhậu đến khuya lơ, khuya lắc mới về. Về đến nhà thì bắt đầu quậy. Lúc thì lè nhè chửi mắng tôi, lúc thì cự nự bà má. Những lúc đó anh bươi móc chuyện năm xửa, năm xưa, những chuyện mà tôi không còn nhớ, để bắt lỗi hai má con tôi. Mới đầu chỉ là chửi mắng, lần lần thượng cẳng tay, hạ cẳng chân.
 
Thật ra, vì nể má nên tôi phải nhịn, chứ cái mửng chân đi không chấm đất, tôi chỉ cần xô nhẹ một cái anh chàng cũng xiểng niểng rồi. Thấy tôi nhịn, Mạnh được trớn ngày càng làm tới. Hỏi ra thì mới biết, mấy ông bạn nhậu của Mạnh, ông nào cũng quen thói chồng chúa vợ tôi từ lúc còn ở Việt Nam. Cứ nhậu vô vài miếng thì khoe ta đây là tay tổ xếp sòng, vợ sợ một phép, buồn buồn xáng cho vợ mấy bạt tai, vợ cũng chỉ ôm mặt khóc chứ không dám trả treo. Chắc nghe mát lỗ tai nên Mạnh cũng học đòi. Từ đó nhà cửa sóng gió liên miên.
 
Chuyện này chưa xong, Mạnh lại quay sang trò chơi mới… Có bồ nhí. Tôi nổi cơn ghen. Vậy là chiến tranh bùng nổ. Mạnh kiếm cớ tôi không có con nên đòi ly dị. Tôi chán chường cho thói đời đen bạc, lại thêm vì trải qua một thời gian dài vợ chồng gây gổ, xung đột không dứt, nên tôi cũng chẳng tha thiết gì để giữ lại người chồng hư đốn này. Vì thế tôi đồng ý chia tay.
 
Ngày tôi khăn gói ra đi, má chồng tôi là khóc bù lu bù loa. Tôi cũng không ngăn được nước mắt khi rời bỏ căn nhà thân yêu. Tôi ôm chặt lấy bà, khóc như chưa từng khóc. Tôi biết tôi sẽ ra đi với nỗi nhớ thương tràn ngập trong lòng. Điều trớ trêu là người tôi thương nhớ không phải chồng tôi mà là má chồng. Để quên chuyện đau buồn, tôi theo người bạn về Dallas, xin việc làm ở một hãng điện tử. Ngày ngày đi về trong căn phòng nhỏ đơn độc tôi nhớ má vô cùng. Nghĩ lại số phận mình thật hẩm hiu. Thuở nhỏ, vừa hơn mười tuổi đầu đã phải xa cha xa mẹ. Lấy chồng, có được bà má chồng tốt lành là phúc mấy mươi đời, vậy mà tôi không hưởng được cái phúc đó. Đối với Mạnh lòng tôi hoàn toàn nguội lạnh, nhưng mỗi khi nhớ đến má chồng lòng tôi xốn xang. Tôi biết Mạnh không phải là đứa con có hiếu. Không biết nàng dâu mới đối xử với má ra sao. Bà quê mùa và hiền lành quá, cả đời đã khổ vì chồng nay lại khổ vì con.
 
Tết vừa rồi, tôi theo người bạn cùng hãng đến nhà chị Cúc ăn Tết. Tôi vui mừng đến rơi nước mắt khi gặp má Mạnh ở đây. Má ôm cứng lấy tôi khóc tức tửi. Hỏi ra mới biết, vì không ở được với vợ Mạnh nên má về với anh Hai. Ở đây, nàng dâu này cũng hỗn hào, xéo xắt không thua gì vợ Mạnh. Má đau khổ quá không biết làm sao thì nghe người bạn nói có đứa cháu -là chị Cúc- ở Dallas đang cần người trông coi nhà cửa và nấu ăn cho gia đình. Vậy là má lặng lẽ ra đi. Giúp việc cho chị Cúc mỗi tháng má được trả lương tám trăm đồng, ăn ở luôn với chủ nhà. Tôi nghe má kể mà bất nhẫn trong lòng. Hai người con trai mà chẳng ai quan tâm đến mẹ để má phải sống lây lất một cách buồn tủi. Cũng may, chị Cúc rất nhân hậu nên má được đối đãi tử tế. Nhìn má gầy gò với tấm lưng hơi còng, lui cui chạy tới chạy lui dọn dẹp, lau chùi mà tôi thấy quặn lòng. Suốt bữa tiệc tôi quanh quẩn ở bếp phụ giúp. Má vừa lau nước mắt vừa cười:
 
- Bây giờ gặp được mày ở đây má mừng quá. Má thấy đỡ phần cô đơn.
 
Khi từ giã, tôi tự hứa với mình sẽ tìm cách mang má về sống với tôi. Hai tháng sau, sau khi sắp xếp xong tôi đến thăm má và cho biết ý định của tôi, má ôm tôi ríu rít vui mừng:
 
- Hai má con mình được sống với nhau như hồi trước má mừng lắm.
 
Nghe tôi kể lại tình cảnh của má, chị Cúc xúc động:
 
- Tội bà cụ, có hai người con trai mà bây giờ phải sống với con dâu.
 
Rồi chị thở dài, cay đắng:
 
- Vậy mà ai cũng ham con trai. Như chị đây, không sinh được con trai cũng rêm mình, rêm mẩy với bên chồng.
 
Cuối tuần đó tôi trở lại rước má. Chị Cúc biếu cho má thêm một tháng lương và vỗ vai tôi ân cần:
 
- Thấy em và dì Tư, mẹ chồng nàng dâu quấn quýt nhau chị cảm động lắm. Ước gì chị được như vậy.
 
Thế là hai má con tôi tìm lại được niềm vui trong cuộc sống.
 
Cách đây một tháng, bỗng nhiên Mạnh gọi điện thoại cho tôi đòi lại bà má. Tôi không biết tại sao anh tìm ra số điện thoại của tôi. Nhưng điều đó cũng chẳng sao, đáng nói là anh có thể mở miệng hỏi tôi:
 
- Cô dụ má tôi về ở chung để hầu hạ cô đó hả?
 
Tôi nổi dóa nạt lại:
 
- Bộ anh tưởng ai cũng thích được hầu giống anh hả? Có một bà mẹ mà không biết chăm lo còn ở đó lỗi phải với tôi.
 
Má chồng tôi giành lấy điện thoại. Bà giận dữ vừa khóc, vừa mắng nhiếc:
 
- Không có con Thơm thì bây giờ tao còn mang thân ở đợ cho người ta. Đồ vong ơn bội nghĩa không biết mang ơn nó mà còn kiếm chuyện.
 
Tôi vào phòng nhấc điện thoại lên nghe thì được biết Mạnh muốn đón má về vì vợ anh đang bệnh nặng, hai đứa con nhỏ không ai chăm sóc. Tôi xót xa tự hỏi, sao trên đời lại có hạng người chỉ biết đến mình mà không bao giờ nghĩ đến người khác. Mạnh không hề thắc mắc xem từ ngày rời khỏi nhà anh, má đã sống thế nào. Tôi gác máy, nghĩ đến ngày má rời khỏi căn nhà này mà nghe lòng mình nặng trĩu. Ngoài kia, giọng má vang lên:
 
- Nếu vợ mày còn mạnh khỏe, có khi nào mày nghĩ đến bà già này xem bây giờ bả sống chết ra sao không?
 
Má cúp máy cái cụp trong hơi thở dồn dập vì tức giận. Lau nhanh những giọt nước mắt, má hỏi tôi:
 
- Má có nhẫn tâm quá không con?
 
Tôi ôm má:
 
- Tại người ta nhẫn tâm với má trước mà….
 
Chậm những giọt mồ hôi trên trán má tôi trêu ghẹo:
 
- Má bỏ con đi mới là nhẫn tâm đó.
 
Má nhìn tôi ánh mắt tràn đầy niềm hạnh phúc. Cầu xin ơn trên cho má luôn khỏe mạnh để hai má con tôi được hưởng những chuỗi ngày đầm ấm, vui vẻ bên nhau.
 
Ngân Bình
(Theo chuyện kể của chị Thơm)

 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com