User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tam
 
Vợ chồng nào mà chẳng cãi nhau. Vấn đề là sự cãi cọ đó có đưa đến ly dị hay không, và nếu có thì hai người nhịn nhục đến bao lâu rồi cuối cùng quyết định anh đi đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
 
Đây là bảng tỷ lệ ly dị hàng năm của mỗi quốc gia, và số năm trung bình hai vợ chồng ở với nhau cho đến khi quyết định chia tay:  
 
Quốc gia Tỷ lệ ly dị hàng năm Số năm cuộc hôn nhân tồn tại
Luxembourg 87%
Tây-Ban-Nha 65%
Pháp 55% 13 năm
Nga 51% 5.6 năm
Hoa Kỳ 46% 12.2 năm
Đức 44% 15 năm
Anh 42% 11 năm
Canada 38% 13.8 năm
Úc 38% 12 năm
Nhật-Bản 36% 11 năm
Italy 30.7% 18 năm
Việt Nam 28% (hay 31.4%)
Mexico 15% 12 năm
Ấn Độ 1%
Phần đông phụ nữ là người muốn xin ly dị. Điều này không ngạc nhiên vì đàn ông phạm tội ngoại tình, tứ đổ tường nhiều hơn đàn bà, vũ phu hơn đàn bà, và tù nhân phạm pháp đa số là đàn ông.
Nếu ai không muốn sống cả đời với ông chồng phải gió hay bà vợ chằng lửa thì đừng lấy người Ấn Độ.
 
Ở Mexico, số người ly dị quá nhanh sau khi lấy nhau nên chính phủ đang đề nghị là vợ chồng mới cưới chỉ được cấp chứng chỉ hôn nhân tạm thời trong vài năm đầu. Qua thời gian này thì mới được cấp giấy giá thú thật sự.  
 
Con số ly dị ở Việt Nam chỉ dựa trên một vài tài liệu và rất thô thiển, thành ra chắc chắn là nó không đúng hoàn toàn. Hai con số phần trăm bên trên của Việt Nam là tôi ghi lại từ hai nguồn khác nhau tôi tìm trên Internet.
 
Tôi thấy một nguồn tra khảo chỉ dựa trên dữ kiện của Bến Tre và Ninh Bình. Theo dữ kiện này thì hơn 50% người xin ly dị tuổi từ 18 đến 38. Và  trong 67.9% trường hợp, vợ là người nộp đơn xin ly dị.
 
Trong khi tìm tài liệu về ly hôn ở Việt Nam (Việt Nam bây giờ không dùng chữ ly dị), tôi đọc bản tin ngày 07 October 2002  của Agence France Presse.  Mấy ông đọc xong bảo đảm chờ vợ ngủ say ban đêm rồi lấy chuyến máy bay nửa đêm về sáng trực chỉ Việt Nam tìm phụ nữ:
 
Trần Việt Chu, 75 tuổi ở tỉnh Quảng Trị làm nghề thợ hồ, giữ ngôi không chính  thức là người đàn ông có vợ và con nhiều nhất Việt Nam: 16 vợ, 86 con.
 
Chu lập gia đình lần đầu tiên năm 17 tuổi. 10 năm sau, bà vợ đầu tiên chết. Chu tái giá nhưng rồi trong nửa thế kỷ kế tiếp lấy thêm 14 vợ, thành một đại gia đình. Nghề nghiệp dẫn ông ta phiêu lưu tứ xứ và đi đến đâu thì ông ta cũng ngủ với một người đàn bà khác”.
 
Ở Mỹ, nếu ai đã ly dị lần đầu, bây giờ muốn làm đám cưới nữa thì nên suy nghĩ cho kỹ. Đây là tỷ lệ ly dị theo số hôn nhân:
 
·    Đám cưới lần thứ nhất:      42%-45% sẽ ly dị.
·    Đám cưới lần thứ nhì:        60% sẽ ly dị.
·    Đám cưới lần thứ ba:         73% sẽ ly dị
 
Việt Nam ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó nên dù rằng bị lập gia đình từ lúc còn non choẹt, thậm chí không biết mặt mũi người mình sẽ lấy ra làm sao, hai vợ chồng ở với nhau cho đến chết. Bây giờ thì  không có chuyện đó. Những cặp lấy nhau rồi ly dị nhanh nhất thường là trẻ tuổi, lúc lợi tức thấp và ít học. Thành ra các cô cậu độc thân đừng nên lập gia đình sớm, đợi đến 60 tuổi cũng chưa muộn.
 
Có rất nhiều lý do đưa đến vợ chồng ly dị: chán chường,  không còn thương yêu, cãi nhau liên tục, tính tình hai người khác biệt, ngoại tình, lấy nhau quá sớm, thiếu tiền, say rượu/ dùng ma túy, vợ bị đánh đập, không thích gia đình bên chồng/vợ, xung đột tôn giáo, thiếu sex, lười biếng, không đả thông tư tưởng, bị kiểm soát quá nghiêm khắc, bạn bè xấu, phạm pháp, kỳ vọng vào chồng/vợ quá cao, gian dối, bị chỉ trích liên tục…
 
Theo các cuộc thăm dò ý kiến thì bốn nguyên nhân chính yếu làm cho vợ chồng ly dị là: ngoại tình, tiền bạc khó khăn, không đả thông tư tưởng nói cho nhau nghe những gì mình suy nghĩ mà cứ giấu trong lòng, và cãi nhau.
 
Chồng chị tôi là người Mỹ, tên là Dave. Hôn nhân hai người rất hạnh phúc vì Dave không những tiêu biểu cho một người hoàn hảo, mà còn tiêu biểu cho một người chồng hoàn hảo, không một điểm nào chê trách được: Dave không tứ đổ tường, không hút thuốc hay uống rượu, nhũn nhặn, khiêm nhường, nói năng nhỏ nhẹ, không bao giờ nóng giận, lúc nào cũng khen, không bao giờ chỉ trích, để ý và săn sóc người khác, siêng làm việc từ thiện, lúc còn đi làm thì làm tối đa (Dave đã về hưu), chăm sóc vườn tược, năng làm việc nhà, dẫn vợ đi du lịch, ga-lăng với vợ (đến giờ mà vẫn mở cửa xe cho vợ, khi ăn thì kéo ghế ngồi cho vợ…), chiều ý vợ tuyệt đối, vợ la thì… im, không bao giờ đi chơi một mình mà không có vợ, không bao giờ dòm ngó một phụ nữ khác…
 
Nếu tất cả mọi ông chồng như Dave thì vợ chồng không bao giờ ly biệt cho đến khi Thượng Đế cất một người đi sớm.
 
Dave là “thần tượng” của tôi. Tôi muốn bắt chước cư xử như Dave vì ai cũng thích một người có tính nết dễ thương. Nhưng cái đau khổ là giống như Niết Bàn, tôi sẽ không bao giờ đạt đến mục tiêu mơ ước vì tôi còn quá nhiều tật xấu: tôi lớn tiếng, tính tôi nóng nẩy, tôi hay chỉ trích, và tuyệt đối tôi không thể nào ga-lăng với vợ kiểu Dave vì tôi mắc cỡ: ngay cả mua hoa cho vợ mà tôi còn mắc cỡ thì mở cửa xe cho vợ, kéo ghế cho vợ là chuyện khoa học giả tưởng đối với tôi.
 
Thế nhưng vợ chồng tôi tương đối hạnh phúc vì hiếm khi cãi nhau. Có rất nhiều lý do tại sao chúng tôi không lời qua tiếng lại: người nào không thích điều gì thì nói ra  không để bụng, và tôi tuy dữ và khó chịu như Thiên Lôi nhưng vợ tôi rất hiền, hầu như không bao giờ phàn nàn. Nàng có một cá tính tốt giống Dave mà tôi không thể nào bắt chước: không bao giờ để ý đến tính xấu của người khác. Vì thế nàng có rất nhiều bạn, so với số bạn của tôi thì chỉ bằng số người chết đi lạc vào sa mạc Sahara.
 
Tôi biết tôi có vài tính xấu nên tôi tuyệt đối trung thành với Đảng, với chủ nghĩa xã hội, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ấy xin lỗi tôi viết nhầm xin sửa lại: tuyệt đối trung thành với vợ, với chủ nghĩa vợ là trên hết, hết lòng phụng sự phụ nữ, phục vụ vợ tôi.
 
Tôi nghiêm túc kiểm điểm, xác định mục tiêu và nhiệm vụ, phối hợp xử lý, nâng cao hiệu quả công tác hầu vợ, phát huy vai trò của người chồng, chống các biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh, phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc vợ.
 
“Talk is cheap” – “Nói miệng rẻ tiền”. Tôi luôn luôn chứng tỏ lời nói của tôi bằng hành động: tất cả việc nhà cần sức lao động tôi làm hết không để cho vợ làm: từ lau chùi phòng tắm đến rửa bát, hút bụi nhà cửa, ủi quần áo, rửa & hút bụi xe hơi, đổ rác… Tôi cũng có một triết lý cùn về vợ chồng là vợ tôi là phụ nữ  chân yếu tay mềm, thành ra  nếu có chuyện cãi nhau thì tôi sẵn sàng chịu thua vì thua vợ chẳng xấu mặt nào. Tôi chỉ ăn thua đủ với kẻ nào mạnh hơn tôi.
 
Nói như thế không có nghĩa là không có chuyện bực bội xảy ra hằng ngày trong đời sống vợ chồng. Thí dụ như có hai việc xảy ra tháng rồi làm chúng tôi “xì-nẹc” lẫn nhau:
 
– Tôi hay lau chùi tủ lạnh nên để ý vợ tôi để nhiều hộp thủy tinh đựng đủ loại thức ăn nên mới hỏi nàng những món đó là gì, nếu không dùng thì vất đi. Nàng bảo tôi là nàng biết hết những hộp thủy tinh đó, không cần tôi nói.
 
– Mỗi lần lái xe, tôi de xe ra khỏi garage rồi mới mang dây an toàn. Vợ tôi  thấy điều đó là chướng nên lần nào tôi chở nàng đi là khi vừa ngồi vào trong xe, nàng đã nhắc tôi cài dây an toàn. Một hôm đã bực dọc vì một chuyện khác, nghe nàng nói thế thì tôi mới la lên là lúc nào tôi cũng mang dây an toàn trước khi lái đi nên không cần nàng nhắc.
 
Ngay sau khi hai bên “xì-nẹc” nhau, tôi nhận thấy ngay là trong thí dụ đầu, vợ tôi là người có trọng trách nấu cơm hàng ngày nên mệt nhọc, và có lẽ nàng đang bực dọc chuyện gì nên xì-nẹc khi tôi hỏi là phải. May là tôi đã im lặng không nói gì hết, không nổi giận trả lời lại nàng vì nếu không thì đã lớn chuyện. Tôi học thêm bài học là đừng hỏi làm gì, việc của nàng thì để nàng lo. 
 
Trong thí dụ thứ hai, tôi thấy tuy điều nàng nói làm tôi bực mình, nhưng nó vô thưởng vô phạt, đáng nhẽ tôi không nên nổi cáu trả lời. Câu nói của tôi vô ích vì chẳng những nó không làm tôi bớt nóng, mà nó lại làm vợ tôi giận vì ý của nàng muốn lo lắng cho tôi  mà lại bị tôi la vô lý. Một câu nói không làm gia tăng tình yêu của vợ dành cho mình, thí dụ như câu: “Hôm nay anh thấy em đẹp quá”, mà chỉ đào hố sâu ngăn cách giữa đôi bên như ở đây thì không nên nói.
 
Rút tỉa kinh nghiệm này mà tôi huấn luyện cho chính tôi là nếu tôi định mở lời với vợ mà không có ý khen thì tôi sẽ không  nói. 
 
Phụ nữ Việt nhịn nhục chồng hơn là phụ nữ Âu Mỹ. Vì thế mà hôn nhân của người Việt tồn tại lâu dài hơn. Nếu ly dị thì phần đông nguyên do là vì mấy ông chồng thấy nhan sắc vợ phai tàn nên muốn tìm một phụ nữ trẻ tuổi khác.
 
Khi lập gia đình, đôi tân hôn thề non hẹn biển là sẽ chung sống với nhau cho đến chết. Nếu ly dị chỉ vì vợ nhan sắc tàn phai thì không những người chồng không có cái “Tín” – không giữ lời hứa ở với nhau trọn đời, mà còn  không có cái “Nhân” – không thương hại vợ phải sống một mình khi bị chồng bỏ, không có cái “Nghĩa” – lo lắng cho người khác trước khi lo cho mình, không có cái “Lễ” –  xem thường lễ cưới chỉ xảy ra một lần trong đời.   
 
Xã hội ngày nay bảo đảm loạn hơn 2500 về trước trong thời Khổng Tử với triết lý là kẻ sĩ phải có năm đức tính: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ly dị vợ không phải vì lý do chính đáng vợ phạm pháp thì các ông chồng đã góp phần biến đổi xã hội hôm nay trở thành vô đạo đức.  
 
chuicauLove is… lau cầu tiêu cho nàng
 
macvong
Love is… mắc võng cho nàng nằm
 
tronglan
Love is… trồng hoa lan cho nàng
 
Không chuẩn bị phức tạp mà lại ra hoa: Mỗi lần mua hay được khách tặng hoa lan, sau khi hoa tàn, thay vì vất đi thì chúng tôi đem chậu lan lên lầu để trong phòng tắm trên thành bồn tắm. Chỉ việc tưới nước đều đặn thế mà năm này qua năm khác, cây lại ra hoa trở lại. Có lẽ vì tình cờ mà không khí ở bồn tắm là môi trường thuận lợi cho việc trồng lan. Ảnh chụp là một bên bồn tắm độ chục cây lan lại nở hoa cùng một lúc.   
 
Nguyễn Tài Ngọc

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com