Ảnh: Đặng Hiếu Sinh
- Liên Hương à! Lấy hai ly nước coi!!!
Chiếc ly chưa kịp đặt xuống bàn, Hồng Tước đã giành lấy từ tay tôi uống ừng ực.
- Ở lại ăn cơm đi con!
Má chồng lên tiếng mời khách.
– Thôi con về. Thấy mặt người ta nặng như đá… chắc con nuốt không vô.
– Con vuốt giận, má xin lỗi… con đừng buồn, để rồi má tính.
Tôi xuống bếp, tay ngắt từng cọng rau mà nghe đau thắt trong lòng. Có tiếng dép lẹp xẹp, hối hả trở vào khi cánh cửa vừa đóng lại.
- Ủa! làm cô giáo mà bất lịch sự vậy thì dạy dỗ ai hả? Khách tới nhà mà mặt xưng, mày xỉa thì còn ai dám tới nữa… Ở được thì ở, không được thì dọn đi, chứ cứ lầm lầm, lì lì tao không chịu nổi đâu à nghen.
Tôi muốn hỏi “Thưa má, bây giờ, con hay chị Hồng Tước mới thật sự là dâu của má?” mà sao cổ họng như bị đóng kín, nuốt hoài không trôi cục nghẹn. Mới ngày nào má chồng cấm cửa không cho Hồng Tước bước vào nhà để rước bé Thỏ đi chơi cuối tuần theo như thỏa thuận lúc hai vợ chồng Đài làm thủ tục ly dị, sao bây giờ lại má má, con con, thân thiện như chưa hề có những lần ấu đả đến độ thù ghét nhau. Rõ ràng là Hồng Tước muốn trở lại với Đài, nhưng điều tôi thắc mắc là không biết từ bao giờ và bằng cách nào, người đàn bà ấy có thể mua chuộc được bà má chồng khó tính này.
Ba năm trước, Hồng Tước bỏ Đài và đứa con gái bốn tuổi để chạy theo người đàn ông Mỹ làm “Sales Manager” cho một hãng xe. Đang làm thợ trong tiệm nail, Hồng Tước được hứa hẹn sẽ trở thành bà chủ của ba tiệm Nail một lúc nếu chị chấp nhận tình yêu của anh ta. Cái viễn ảnh huy hoàng đó đã che lấp hình ảnh người chồng nghèo nàn mang ý chí tiến thân, đang lò mò theo đuổi chương trình Đại Học. Số lương ít ỏi của công việc bán thời gian cuối tuần của Đài khiến Hồng Tước phải gánh hầu hết mọi chi phí trong gia đình nên vợ chồng xào xáo mãi. Hồng Tước khinh khi chồng ra mặt khi chị cong cớn, hách dịch “Học làm gì, dù anh có ra kỹ sư, lương cũng không hơn con thợ nail này đâu. Nghe lời tôi, dẹp quách cái mớ chữ nghĩa vô dụng của anh để dũa móng tay kiếm tiền không chừng ăn chắc, mặc bền hơn”. Mặc cho vợ mắng nhiếc, miệt thị, Đài không trả lời một tiếng, chỉ vùi đầu vào sách vở. Anh quyết tâm phải đạt được nguyện vọng của mình, cũng là một cách để chứng minh cho vợ thấy, con đường anh đang đi tới không phải là con đường cô muốn vạch ra cho anh.
Là bạn của Đài từ lúc còn học lớp ESL, cuối tuần tôi và Đài lại làm việc chung ca trong một hãng điện tử nên vào giờ ăn trưa anh thường tâm sự với tôi những điều không thể nói cùng ai. Thỉnh thoảng Đài hỏi “Tôi phải làm gì bây giờ?”. Biết Đài là người ham học, thích tiến thân, tôi không muốn khuyên Đài gác việc học sang một bên, lo cho gia đình trước đã, nên chỉ im lặng để Đài được nói, được giải tỏa những nỗi bực bội trong lòng. Gia đình nhỏ chưa yên, em gái của Đài từ tiểu bang khác lại gọi sang, bảo Đài đón mẹ về để thi hành bổn phận của người con trai trưởng vì cô em không chịu được tính nết khó khăn, bẳn gắt và coi trọng của cải của bà cụ. Con ruột còn chịu không nổi thì làm sao con dâu có thể sống chung hoà bình với bà, nhất là sự có mặt của bà thêm phần hao hụt ngân quỹ gia đình. Thôi thì Hồng Tước đạp bàn, đá ghế, mắng chó, chửi mèo, ngay đứa con gái vừa chập chững biết đi đôi khi cũng ăn đòn mà không biết tại sao. Cuối cùng, Đài đành phải bỏ học, tìm việc làm toàn thời gian, cố gắng gìn giữ cho gia đình được êm ấm. Nhưng sự cố gắng của Đài không cứu vãn được hạnh phúc đang đứng trên bờ vực thẳm khi có người thứ ba xuất hiện. Người đàn ông bản xứ đẹp trai, hào phóng, cứ cuối tuần lại đến tiệm để cắt móng tay, làm “massage” kèm theo những tán tỉnh ngọt ngào và lời hứa mà Hồng Tước nghĩ rằng chỉ xảy ra trong chuyện cổ tích “Anh sẽ mua cho em ba tiệm nail để em làm chủ và mặc sức đếm tiền”. Lời hứa ấy quá hấp dẫn đối với Hồng Tước, người đàn bà ham mê vật chất. Và người phụ nữ trẻ đẹp với thân hình nẩy lửa cũng quá hấp dẫn đối với người đàn ông lắm tiền. Thế là hai người cùng gật đầu với ánh mắt đắm đuối trao nhau.
Những ngày ấy Đài mới thê thảm làm sao. Tôi không ngờ, giấu trong cái dáng dấp cao lớn, phương phi của Đài là một tâm hồn yếu đuối. Anh ngã xuống như cọng cỏ lau dưới cơn mưa bão phũ phàng. Má Đài cuống cuồng báo tin cho em gái của Đài. Có lẽ, cô em đã ngán ngẫm bà má đến tận cổ hoặc nghĩ rằng đó chỉ là một cái cớ để bà gặp cô đòi hỏi, than thở, trách móc nên làm lơ. Quanh đi, quẩn lại chỉ có tôi là người thân cận duy nhất của Đài. Má Đài gọi tôi hằng ngày để chở bà đi chợ, đưa rước bé Thỏ đi học, kể cả chuyện đưa Đài đi bác sĩ chữa bệnh. Không dưng tôi trở thành cột trụ tinh thần cho gia đình Đài. Bé Thỏ nhớ mẹ nên đeo dính lấy tôi, khóc lóc, năn nỉ tôi đưa đi tìm mẹ. Không được, bé òn ỉ xin tôi ở lại ngủ với nó. Vậy đó… từng ấy sinh hoạt cứ tiếp diễn ngày từng ngày. Thời gian trôi, tháng năm trôi…. và rồi tôi yêu Đài lúc nào không biết.
- Liên Hương!
Tôi giật bắn người khi Đài gọi như hét vào tai tôi.
- Em làm gì mà như người mất hồn vậy. Anh hỏi hai ba lần em vẫn không nghe.
- Ồ! Anh về rồi à?. Anh xem TV một chút đi, em xào thịt xong mình ăn cơm.
- Để anh phụ một tay. Em đi làm về cũng mệt vậy!
Đài ngả đầu cụng vào trán tôi cùng nụ hôn phớt trên má rồi cầm đĩa trứng luộc nhanh tay lột vỏ. Có tiếng má chồng dấm dẳng mỉa mai:
- Nấu có h..a..i món hà, mà làm hoài không xong. Chậm còn hơn rùa. Con nhớ không Đài, hồi đó Hồng Tước lẹ làng lắm. Nó mà vô bếp, ào một cái là xong liền.
Trái tim tôi như có ai xiết một cái đau điếng. Tôi quay sang nhìn Đài. Không một chút thay đổi trên nét mặt, anh cười dễ dãi:
- Má có nhớ lộn không? Hồi đó, đầu bếp chính là má mà. Năm khi mười họa, cô ta có nấu thì cũng chỉ có hai món là trứng và lạp xưởng chiên. Món này, bảo đảm, không cần học cũng làm được.
Má chồng im lặng một lúc rồi nói tiếp bằng giọng hân hoan:
- Hồi nãy con Hồng Tước có ghé thăm má.
- …
- Con biết tại sao nó ghé không?
-…
- Má không ngờ nó còn nhớ ngày sinh nhật của má. Lại đây, lại đây Đài.
- Con đang bận tay mà.
Giọng má chồng trở nên gay gắt:
- Bỏ đó cho nó làm… lại đây coi cái này một chút không được sao?
Đài lắc đầu ngán ngẩm, nhưng cũng rửa tay bước đến cạnh sofa.
- Nè! con thấy đẹp không? Cái này ít nhất cũng năm ly đó nghe. Hồi nào tới giờ má ao ước hoài mà chưa có. Vầy… có chết cũng mãn nguyện.
Thì ra, chỉ cần chiếc nhẫn hột xoàn năm ly là Hồng Tước có thể lấy lại cảm tình của bà mẹ chồng cũ một cách dễ dàng.
- Con thấy không, nếu không có Hồng Tước thì đâu có ai nhớ tới ngày sinh nhật của bà già này.
Tiếng thở dài của má chồng như xoáy vào tai. Nhức nhối. Trong lúc dọn chén dĩa lên bàn, tôi vẫn chờ đợi một câu nói nào đó từ Đài. Có thể là một là câu hỏi “Bé Thỏ hôm nay có ngoan không?” như thường ngày Đài vẫn hỏi để má chồng đừng nhai đi, nhai lại cái điệp khúc Hồng Tước, Hồng Tước và Hồng Tước… Nhưng Đài chỉ gật gù, cười tủm tỉm. Có lẽ, anh cũng bị cuốn theo câu chuyện của người vợ cũ. Cơn bực tức làm lưỡi tôi đắng chát, khô ran. Miếng cơm trong miệng hình như có sỏi đá trộn vào.
****
Từ Việt Nam tôi trở lại Mỹ sớm hơn thời gian dự định một tuần, dù bệnh tình của ba tôi chưa thật sự ổn định. Lòng dạ tôi nôn nóng, bồn chồn. Chuyện gì đã xảy ra? Tôi hoang mang tự hỏi hàng chục lần khi không liên lạc được với Đài, trừ một lần duy nhất khi tôi về đến Saigon ngày đầu tiên. Trong cuộc chuyện trò, Đài ân cần dặn dò “Ở bên đó em cứ an tâm săn sóc cho ba, mọi việc bên đây anh sẽ lo ổn thỏa”. Tôi có thể an tâm được sao khi hình dung sự hiện diện của Hồng Tước trong những bữa cơm chiều suốt thời gian tôi vắng mặt. Thái độ lửng lơ của Đài càng làm cho nỗi lo lắng của tôi ngày một nhiều hơn. Và Đài đã bật cười khi tôi ngập ngừng nói với anh những suy nghĩ của mình. “Em không tin anh sao?” “Dạ tin, nhưng em cũng tin câu nói của người xưa, vợ chồng cũ không rủ cũng tới… huống gì, bây giờ chị Hồng Tước lại xinh đẹp hơn trước, đã vậy còn được má ủng hộ…”. Tôi nghẹn lời với những giọt nước mắt rươm rướm trên mi. “Em thừa biết anh không phải là người chuộng cái đẹp bên ngoài. Vậy thì đừng nghĩ vẩn vơ nữa mà hãy nắm chặt tay anh, hai đứa mình cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để giữ vững mái ấm gia đình”.
Câu nói đó khác nào lời thề hứa thủy chung, vậy mà suốt hai tuần kế tiếp, Đài không một lần liên lạc với tôi. Bất cứ khi nào tôi gọi về má chồng cũng là người bắt điện thoại với câu trả lời “thằng Đài đang bệnh, nó mệt lắm không nói chuyện được”. Sao có thể vô lý như thế? Không lẽ Đài bệnh nặng đến nỗi không còn sức lực để nói với tôi một câu ngắn ngủi? Tôi hoàn toàn không tin lý do má chồng đưa ra giữa vô vàn ý nghĩ hỗn độn. Có lẽ, đây là bước đầu tiên trong kế hoạch tái hợp của Đài và Hồng Tước mà mẹ chồng là người hỗ trợ đắc lực. Bên cạnh đó còn có bé Thỏ, một sợi dây nối kết hiệu quả nhất. Dù bé Thỏ thương tôi hơn mẹ ruột của nó, nhưng rồi cũng có ngày bé Thỏ sẽ rời xa tôi. Và tôi sẽ thương nhớ biết bao với hình ảnh của những lần bé Thỏ nhất định không cho Hồng Tước nắm tay hoặc ôm vào lòng. Nó vùng vẫy, la hét cho đến khi vuột khỏi mẹ thì chạy lại ôm chầm lấy tôi, vừa đưa tay quẹt nước mắt, vừa nhìn Hồng Tước một cách tức tối. Rồi những cử chỉ thật dễ thương khi bé Thỏ nắm tay Đài đặt vào tay tôi, nghiêm mặt “ra lệnh”, Ba xin lỗi Mom đi, mỗi khi tôi và Đài giận nhau. Hay những khi tôi bệnh, bé Thỏ bắt chước Đài ngồi cạnh bên, cầm chiếc khăn tay lau mồ hôi trán cho tôi dỗ dành, Mom ngoan nha, uống thuốc cho mau hết bệnh. Còn với Đài, sẽ không còn nữa vòng tay ấm áp, yêu thương anh vẫn dành cho tôi. Tôi biết, so về nhan sắc tôi kém xa Hồng Tước. Thân hình mảnh mai của tôi -mà Đài thường nói đùa, mỏng như tờ giấy- làm sao có thể sánh với thân hình nóng bỏng, đầy hấp lực của Hồng Tước. Tôi không kiêu sa, quyến rũ như Hồng Tước, chỉ đơn sơ một tấm lòng chân thành, tha thiết dành cho Đài. Nhưng tấm lòng đó, chắc gì còn giá trị đối với Đài như ngày xưa anh từng nói “đây là món quà quý giá nhất mà Thượng đế đã tặng cho anh”.
***
Đứng trước cửa nhà, đưa tay bấm chuông tôi hồi hộp thầm nghĩ, nếu người mở của là Hồng Tước thì tôi sẽ nói gì và làm gì, hay chỉ cố nuốt những giọt nước mắt tủi hờn vào trái tim đau rồi lặng lẽ quay lưng bước đi, nhường cái hạnh phúc mình đang có cho người đến trước. Ý nghĩ đó khiến tôi nhói lòng khi có tiếng mở khóa lịch kịch. Khác với điều tôi tưởng tượng, hiện ra trước mắt tôi là khuôn mặt phờ phạc của má chồng. Bà sửng người nhìn tôi rồi ôm choàng lấy tôi mếu máo:
- Con về rồi à? Thằng Đài nó bị ung thư rồi con ơi!
Chiếc vali trên tay rơi xuống, tôi tháo giày, chạy vội vào phòng để nhìn thấy Đài nằm trên giường, người gầy rạc. Tôi ôm chầm lấy Đài khóc nức nở, má chồng đứng bên cạnh cũng sụt sùi lau nước mắt. Đài không nói gì chỉ đưa tay vuốt nhẹ mái tóc tôi.
- Anh bệnh từ bao giờ, sao không báo cho em biết?
Đài không trả lời. Ngước mắt nhìn má chồng, anh nói:
- Má nấu cho con miếng cháo… được không má?
- Được, được! Con chịu ăn là tốt lắm.
Má chồng trả lời bằng giọng mừng rỡ rồi nhanh nhẹn bước ra khỏi phòng. Tôi nắm lấy bàn tay của Đài áp vào má, trách móc:
– Tại sao anh không gọi cho em mà cũng không trả lời điện thoại. Anh có biết em lo lắng, buồn bã đến chừng nào không?
Đài nhìn tôi bằng ánh mắt rạng ngời trên khuôn mặt tràn ngập nét vui tươi chẳng khác chi người khỏe mạnh. Cái siết tay thật chặt của Đài làm tôi đau điếng, nhưng nhờ vậy mà nỗi lo sợ trong lòng tôi chừng như đã nhẹ đi.
- Bệnh tình anh ra sao? Bác sĩ nói thế nào hả anh?
Đài cúi đầu, che miệng cười rúc rích.
- Anh không sao hết! Vẫn khỏe như trâu.
Tôi thút thít:
- Anh đừng gạt em.
Đài kề tai tôi nói nhỏ:
- Anh không gạt em, chỉ gạt má thôi. Không nói chuyện điện thoại với em cũng là một phần của khổ nhục kế đó.
- Là.. là sao?
- Thật sự anh bị sưng phổi, nhưng khi thấy má cuống quýt lo lắng anh mới nghĩ ra một cách để má đừng gây rối rắm cho vợ chồng mình nữa. Sau nhiều ngày suy tính, anh nói dối là bị ung thư và trong thời gian này anh nhịn ăn để tẩy sạch cơ thể theo cách thằng Minh bày cho anh. Dĩ nhiên là anh bị xuống cân ào ào, vì thế Má tin ngay. Má cũng biết bệnh này khó trị nên khi nghe nguyện vọng của anh là được sống những ngày còn lại vui vẻ, hạnh phúc với em thì má mủi lòng và không còn đem chuyện Hồng Tước ra áp lực anh với lý do rất hợp lý là để bé Thỏ không trở thành đứa con thiếu mẹ. Vả lại, má cũng thấy, từ lúc nghe anh mang căn bệnh hiểm nghèo thì đâu thấy cô ta tới lui nữa.
Tôi cảm thấy bất nhẫn:
- Biết anh bệnh nặng mà chị ấy lại đành lòng…
Đài ôm siết tôi trong đôi tay ấm áp:
- Bộ em tưởng ai cũng dại như em, thấy khổ mà cũng quyết nhào vô lãnh của nợ hay sao?
Tôi úp mặt vào ngực Đài thì thầm trong niềm hạnh phúc tràn trề:
- Cám ơn anh đã làm những điều tốt đẹp cho em.
Hôn nhẹ trên hàng mi ướt lệ của tôi, Đài khẽ nói bằng giọng trầm ấm:
– Vì em xứng đáng được như thế.
Ngân Bình