User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
cuc hoa mi ha noi 8 
- Hi mẹ! mẹ khỏe không?
 
Chị ngồi bật dậy, thật nhanh vói tay bốc điện thoại. Không trả lời câu hỏi của con mà chị hồi hộp với câu hỏi của mình:
 
- Con hả? Công việc mới ra sao? con có thích không?
 
Tiếng cười bật ra từ phía bên kia đầu dây. Đứa con gái luôn thấu hiểu nỗi lo lắng -có khi không cần thiết- của mẹ mình:
 
- Dạ thích.
 
Chị thở dài nhẹ nhõm, thả mình nằm dài xuống giường, miệng thì thầm lời cảm tạ Ơn Trên trong khi Diệu Hà huyên thuyên nói về ”ngày đầu tiên ở nhiệm sở mới”. Giọng nói líu lo hòa lẫn niềm sung sướng như òa vỡ của con gái khi tìm được công việc thích hợp khiến chị vui mừng quá đỗi. Mấy tháng qua, dù chị luôn miệng nói “không sao đâu, cứ coi như con được nghỉ ‘vacation’ dài hạn để dưỡng sức” nhưng trong lòng thì lại lo ngay ngáy vì biết con còn phải trả nợ xe, nợ tiền học, tiền thuê nhà, bảo hiểm và nhiều thứ linh tinh nữa. Bây giờ thì chị có thể ngủ một giấc đến sáng chứ không bị giật mình nửa đêm, nghĩ đến con mà thương ứa nước mắt.
 
“Con lớn rồi, nó có thể tự làm mọi việc, lo lắng làm gì cho mệt. Em không thấy nó giỏi hơn mình ngày xưa nhiều lắm sao?”. Điều đó chị đã biết, nhưng lạ lùng thay, dưới mắt chị, những đứa con vẫn mãi mãi còn bé thơ như thuở nào. Cái thuở anh chị vừa chân ướt, chân ráo sang Mỹ được hơn một năm. Lúc ấy, Diệu Hà mới ba tuổi, nửa đêm lên cơn sốt ngay khi anh phải đi làm xa nhà gần một tuần lễ, chị thức dậy, vừa quýnh quáng tìm thuốc, vừa thút thít khóc vì lo lắng cho con, lại thêm nỗi sợ hãi vì không quen ở nhà một mình. Diệu Hà lồm cồm ngồi dậy, đưa hai bàn tay nhỏ xíu nóng như lửa, ôm lấy khuôn mặt chị, giọng đớt đát “Mẹ từng chợ na” (mẹ đừng sợ nha). Y hệt cách anh dỗ dành mỗi khi có chuyện gì làm cho nó sợ hãi. Thương quá, chị ôm siết con vào lòng khóc nức nở.
 
Từ nhỏ đã như thế, lớn lên, Diệu Hà lại càng chu đáo hơn trong việc săn sóc chị lúc ốm đau, hoặc an ủi mỗi khi chị gặp chuyện buồn phiền. Diệu Hà giống anh tính ôn hòa, nhân hậu, luôn quan tâm giúp đỡ người khác và giống chị tính đa sầu, đa cảm, hay thương vay khóc mướn những chuyện không phải của mình. Có lần, Diệu Hà giọt vắn giọt dài, tỉ tê kể lể với chị chuyện ba của đứa bạn bỏ mẹ nó, về Việt Nam cưới vợ trẻ và bày tỏ suy nghĩ của mình một cách nghiêm khắc “người vợ có thể tha thứ cho chồng, nhưng đứa con sẽ không tha thứ cho người cha, vì đứa con luôn xem cha là thần tượng của mình”. Cũng từ câu chuyện này chị mới biết rõ Diệu Hà yêu thương và ngưỡng mộ ba nó đến dường nào. Điều đó khiến chị vui và an tâm, vì tin rằng con gái sẽ nhìn vào cách sống của “thần tượng” của nó như một tấm gương soi. Bên cạnh niềm vui lại có thêm nỗi lo lắng khi chị nhận ra con gái mình là người sống nội tâm, nên luôn cầu nguyện cho con đừng gặp phải những biến cố lớn lao trong cuộc sống. Nếu Diệu Hà cũng yếu đuối giống như chị, liệu nó có chống chọi nổi những phong ba bão táp của cuộc đời khi đã quen được ba mẹ yêu thương, chìu chuộng?
 
- Con về đến nhà rồi. Bye mẹ!
 
Tuy đoán được câu trả lời của con, nhưng chị vẫn âu yếm hỏi:
 
- Chiều, con có muốn qua ăn cơm với ba mẹ không?
 
- Dạ thôi! hồi sáng con đã nấu thức ăn sẵn rồi.
 
– Ừ! vậy cũng được.
 
Chị mừng thấy con thật sự trưởng thành. Khi biết con gái rời nhà chồng, dọn về ở gần mình, anh nói “Vậy là từ rày, mỗi chiều đi làm về, con nhỏ sẽ dẫn chồng qua đây ăn cơm của mẹ để khỏi phải nấu nướng”. Nhưng thật bất ngờ, đứa con gái mà lúc còn ở với ba mẹ chưa một lần vào bếp nay lại chịu khó tập tành chuyện nội trợ. Chẳng biết chàng rể mới toanh không nói được tiếng Việt của chị có ngon miệng không với cô thợ nấu mới vào nghề cứ phải nhấc điện thoại để hỏi mẹ “món này nấu làm sao?”. Tuy vậy, chị lại tin chàng rể hiền lành có nụ cười thật dễ thương không phải là người kén ăn và đủ “ga lăng” để khen nịnh vợ như đã từng khen mẹ vợ nấu ăn ngon nhất (có lẽ, ngoài anh ra, nó là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng khen chị!!!)
 
- À!… mẹ ơi!
 
Chị kịp giữ máy lại để nghe tiếng Diệu Hà hối hả vang lên:
 
- Con quên nói với mẹ, chút nữa Diệu Ân qua nhà con ăn cơm rồi tụi con đi xem phim. Tối nay, Diệu Ân sẽ ngủ ở nhà con vì tụi con về trễ lắm, em sợ làm mất giấc ngủ của ba mẹ.
 
- Ủa! sao Diệu Ân không gọi mẹ?
 
- Em gọi mẹ không được nên nhờ con.
 
Hỏi vậy thôi chứ chị còn lạ gì cái tật hành hạ, yêu sách chị của Diệu Ân và Diệu Hà thì luôn luôn làm tròn bổn phận người “chị Cả”. Trong tập ảnh lưu niệm của gia đình, chị thích nhất tấm hình Diệu Ân ngồi trên ghế, vênh mặt nhìn lên trần nhà trong khi Diệu Hà cúi xuống, chăm chú cột dây giày cho em bằng đôi bàn tay bé xíu. Ngoài ”tài” vòi vĩnh, cô út Diệu Ân lại thêm tính thắc mắc, tò mò. Chị nhớ năm lên tám, Diệu Ân có xin mua chị mua một món đồ chơi đắt tiền và chị đã trả lời “không” một cách dứt khoát. Cô út phụng phịu trách móc:
 
“Bạn con muốn cái gì ba mẹ nó cũng cho, còn con xin thì mẹ nói không hoài“.
 
Chị ôm đứa con gái đang khóc thút thít vào lòng, nhẹ nhàng giải thích:
 
“Ba mẹ cũng muốn mua cho con tất cả những gì con thích, nhưng ba mẹ nghèo lắm con biết không?”.
 
Diệu Ân ưỡn người ra nhìn chị bằng đôi mắt trong veo, hồn nhiên hỏi:
 
“Tại sao ba mẹ nghèo?”.
 
Chị bật cười vì câu hỏi ngây thơ của con, nhưng bờ môi thì ướt đẫm vị mặn của những giọt nước mắt vừa rơi xuống. “Ước gì mình cũng giàu có như người ta để hai con được sung sướng”. Chị biết, đó là một mơ ước thật xa vời đối với vợ chồng chị! Nhưng chị tin mỗi người đều có một số phận, nên vui vẻ chấp nhận những gì Bề Trên đã an bài.
 
Một lần khác, Diệu Ân xin mua máy game, anh lắc đầu vỗ nhẹ túi áo:
 
“Tiền mẹ giữ hết rồi, ba đâu có đồng nào”.
 
Diệu Ân kề tai anh hỏi nhỏ:
 
‘Sao ba không giữ tiền? Mà… ba có thích giữ tiền không?”
 
Anh cũng kề tai Diệu Ân thì thầm:
 
“Thích chứ, nhưng nếu ba giữ tiền thì cả nhà mình sẽ không có nhà để ở”.
 
Đôi mày Diệu Ân nhíu lại… như không hiểu hết ý nghĩa của câu trả lời. Nhưng có lẽ chữ “thích” của anh làm Diệu Ân hài lòng nên hấp háy đôi mắt:
 
“Con cũng “thích” giống như ba”.
 
“Ba cũng ” thích” giống như con”.
 
Hai cha con ôm nhau cười tít mắt. Ở vai trò người cha, đáng lý phải cứng rắn để dạy dỗ con thì trái lại anh quá dễ dãi và nuông chìu con hết mực. Sợ con hư hỏng nên chị phải nghiêm khắc rày la để hướng con vào nề nếp. Chị từng nói với anh:
 
“Con của mình, dù tốt hay xấu mình vẫn quý, vẫn thương. Nhưng một đứa trẻ không ngoan ngoãn làm sao có thể thu phục được cảm tình của người ngoài. Em nghĩ, nếu chỉ có ba mẹ thương con thì chưa đủ, nó cần thêm sự quý mến của người chung quanh thì cuộc đời mới có ý nghĩa và thêm phần ấm áp. Vì thế, nếu anh đã dành vai cha hiền thì em đành phải đóng tròn vai mẹ dữ“.
 
Tuy không phản đối, nhưng anh vẫn muốn “dùng tình cảm để uốn nắn con cái” như anh vẫn luôn thuyết phục chị nhưng không được, nên thỉnh thoảng anh lại trêu ghẹo chị qua câu hỏi “móc ngoéo”:
 
“Ở nhà này, hai con sợ ai nhất?”
 
Diệu Ân lém lỉnh nhìn chị bằng ánh mắt rụt rè -giả vờ- và nói bằng giọng thì thào trong trẻo:
 
“Sợ mẹ nhất!”
 
“Ba cũng giống hai đứa… sợ mẹ nhất”.
 
Anh le lưỡi rút vai, rồi ba cha con dụi trán vào nhau cười hí hố. Đối với chị, hình ảnh ấy dễ thương lạ lùng. Và đó cũng là giây phút chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc, dù chị đang mím môi, quắc mắt nhìn về phía những người chị yêu thương nhất với khuôn mặt “hình sự”.
 
Ngày tháng trôi, hai đứa con lớn lên với tình thương đầy ắp dành cho ba -dĩ nhiên cũng có phần của chị trong đó, nhưng chắc chắn sẽ ít hơn anh- cộng thêm nỗi tự hào. Tự hào về những công việc thiện nguyện anh đã và đang làm không nề hà cực nhọc. Tự hào về những chăm lo, săn sóc rất chu đáo của anh dành cho gia đình nhỏ bé. Tự hào về tư cách, đạo đức của anh -theo cách nghĩ “chủ quan” của hai đứa con- trong câu than thở:
 
“Hai đứa cứ nhắc nhở nhau, là con của ba không được làm thế này, là con của ba không được làm thế kia. Hừ! làm con của ba khổ quá, khổ quá!!!”.
 
Trong tiếng kêu khổ của con có cả niềm hãnh diện về ba của mình. Chị sung sướng và thầm cầu nguyện cho anh luôn xứng đáng với lòng tin cậy của con. Bởi vì, bất cứ một sự thất vọng nào, dù là vô tình do anh gây ra cũng sẽ mãi mãi là vết thương không lành trong trái tim nhỏ bé của hai đứa con luôn nhìn vào anh như một hình tượng khả kính, một chỗ dựa tinh thần vững vàng nhất.
***
“Chớp mắt là đã ba mươi ba năm gắn bó cuộc tình sâu. Cám ơn em biết bao cho vừa từ những ngày quen nhau, chiến tranh và những năm tù đày sau cuộc chiến. Cám ơn em với những chắt chiu để gia đình bé nhỏ này trở thành mái ấm cho hai đứa con lớn lên theo cuộc tình mình.
 
Dù cuộc sống có đôi khi lăn tăn vài con sóng nhỏ, nhưng tình yêu vợ chồng vẫn mặn nồng, bền vững. Hãy cám ơn nhau về những hy sinh, lo lắng mình đã dành cho nhau trong niềm hạnh phúc vô bờ em nhé!
 
Thương em mãi mãi”.
 
Xếp mảnh giấy màu xanh gói trọn những dòng chữ yêu thương anh đã viết cho chị trong ngày “Anninversary” vào album, nơi gìn giữ tất cả hình ảnh, thư từ anh chị thường viết cho nhau trong mỗi lần kỷ niệm ngày cưới, chị nghe lòng mình tràn ngập nỗi xúc động. Đọc câu anh viết “cuộc sống có đôi khi lăn tăn vài con sóng nhỏ” chị bật cười khi nhớ lại lời anh thường nói mỗi khi chị cằn nhằn anh về cái tật bừa bãi, thiếu ngăn nắp để chị cứ phải lui cui dọn dẹp.
 
“Em hãy dành thời gian nhìn cái bàn, cái tủ xem có sạch sẽ hay không để nhìn anh một chút. Có thể nào…’ em bớt sạch sẽ để thêm yêu thương’ cho anh đỡ khổ không em?
 
Sau cái liếc mắt sắc như dao để thay câu trả lời, chị chợt nghĩ… hình như anh nói không sai. Có đôi lúc đang trò chuyện vui vẻ chợt nhìn thấy cái chìa khóa xe nằm không đúng chỗ hay cái mũ vất bừa nơi lò sưởi chị lại bực bội đổi giọng trách móc làm anh tiu nghỉu, không khí gia đình mất vui. Từ đó, chị nghe lời anh “bớt”, nhưng không phải bớt sạch sẽ mà bớt càm ràm. Và anh có tiến bộ “chút xíu”, không bày biện thoải mái như trước. Dĩ nhiên, chị phải chấp nhận cái “chút xíu” đó khi anh thành thật thú nhận:
 
“Em thông cảm cho anh, vì anh đã ráng hết sức rồi!”.
 
Nhưng có lẽ, đoạn văn tình cờ đọc được trên internet đã đánh động chị để chị vui vẻ thông cảm cho anh về cái tính mà anh cho rằng đã quen mấy chục năm nên khó sửa “trong cuộc sống, còn có rất nhiều thứ không hoàn hảo, và cả những con người không hoàn hảo. Cái mà tôi học được trong nhiều năm qua, chính là biết chấp nhận những lỗi lầm của nhau, và vui mừng với những nét độc đáo của nhau”.
 
Khi những thanh củi trong lò sưởi đã cháy đều, anh trở lại sofa cùng ly rượu đỏ. Với nụ cười âu yếm, anh ngồi xuống cạnh chị… và chị cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của những lời thật đẹp trên tấm thiệp Giáng Sinh chị đã đọc được do người bạn gửi đến “ấm áp không phải là khi hai bàn tay xoa vào nhau mà chính là lúc một bàn tay khẽ nắm một bàn tay”.
 
 
Ngân Bình

 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com