Hình trên net
Sau năm năm thành hôn chúng tôi vẫn chưa có con. Những ngày hạnh phúc vui vẻ, quấn quýt bên nhau từng giờ, từng phút cũng bắt đầu sút giảm. Chỉ có hai vợ chồng đi ra, đi vào nên căn nhà cũng bớt dần sự ấm cúng mà chúng tôi đã có từ ngày về với nhau. Tình yêu vẫn còn đậm đà, nhưng đến một lúc nào đó, muốn tình yêu được bền chặt hơn thì cần phải có sự hiện diện của người thứ ba. Cái người thứ ba này tuy bé nhỏ, tuy sẽ làm cho hai người lớn bận rộn, lo lắng, mệt nhọc, nhưng đổi lại mái gia đình sẽ trở nên sinh động và hạnh phúc hơn. Tôi bắt đầu thở dài thườn thượt và trong lòng nhuốm lên ít nhiều mặc cảm. Cái mặc cảm của người vợ không giúp chồng làm tròn trách nhiệm người con trai trưởng trong gia tộc. Thái thì vẫn ung dung, thoải mái. Anh thường nói:
- Không có gì phải lo lắng, con là của Chúa cho, Chúa không cho, có nghĩa là mình không mắc nợ con nít. Em không thấy mình khỏi phải thức khuya dậy sớm, khỏi phải mang tã, mang sữa đùm đề mỗi khi đi đâu là một điều khỏe khoắn hay sao?
Tôi biết Thái nói thế nhưng trong lòng anh vẫn ao ước một đứa con. Tôi đã nhiều lần bắt gặp ánh mắt thèm thuồng của anh khi nhìn những đứa bé tung tăng, chạy nhảy mỗi khi tan lễ nhà thờ. “Chúa ơi, con cầu xin mãi sao Chúa chẳng nhậm lời con”. Tôi van xin, khóc lóc rồi giận hờn Chúa, tôi không xin nữa… “Chúa muốn con đau khổ thì Chúa cứ ngoảnh mặt với con đi”.
Một đêm tôi nằm mơ. Trong giấc mơ tôi bế một bé gái xinh xắn, dễ thương vô cùng, hai bàn tay nhỏ xíu của nó vòng quanh cổ tôi và tôi ôm chặt tấm thân bé bỏng, đáng yêu đó vào lòng. Bỗng một cơn giông ùa đến, đứa bé vuột khỏi tay tôi. Tiếng kêu “mami, mami” làm tôi bàng hoàng tỉnh giấc. Ngồi bật dậy, trong đầu tôi chợt bừng lên ý nghĩ “tại sao không xin một đứa con nuôi”. Tôi đánh thức Thái dậy, kể lại giấc mơ và nói với Thái điều tôi vừa nghĩ đến. Vẻ đăm chiêu trên khuôn mặt Thái làm tôi bồn chồn không biết Thái có đồng ý hay không. Tôi cố thuyết phục Thái. Anh hứa sẽ suy nghĩ. Nhưng thời gian dần trôi, sự im lặng của Thái cũng cuốn trôi đi sự nôn nóng của tôi. Tôi lại chìm vào nỗi buồn cố hữu.
Rồi một ngày, Thái hối hả tìm tôi trong giờ ăn trưa. Anh hỏi tôi còn giữ ý định xin con nuôi nữa không. Lòng tôi lại bắt đầu rộn rã. Tôi gật đầu lia lịa như sợ Thái đổi ý. Thái cho biết, ban sáng, có chị bạn làm chung kể cho anh nghe chuyện một cô gái rất trẻ đang mang thai, còn khoảng bốn tháng nữa sẽ sinh, cô không có khả năng giữ đứa con này nên muốn tìm người để cho. Tôi mừng rỡ và cùng Thái tìm gặp Linh Đa -tên cô gái.
Theo thỏa thuận, chúng tôi đón Linh Đa về nhà để lo lắng, chăm sóc cho cô trong suốt thời gian chờ ngày sinh nở. Khi Linh Đa sinh xong chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục nhận đứa bé làm con và trao cho cô số tiền năm ngàn đô. Thêm một điều kiện nữa là Linh Đa không được trở lại tìm con. Mọi sự liên hệ phải được cắt đứt kể từ khi Linh Đa rời khỏi nhà chúng tôi. Đến giờ phút này, tôi không biết điều kiện đó có quá tàn nhẫn đối với Linh Đa hay không. Phần tôi, tôi nghĩ, phải làm mọi cách để đứa bé không bao giờ biết rằng chúng tôi là cha mẹ nuôi của nó.
Những ngày chờ đợi Linh Đa sinh nở tôi sống trong nỗi bồn chồn, háo hức. Tôi sắm sửa từng cái quần cái áo, từng bình sữa, bịch tã. Căn phòng baby được trang hoàng như một tiểu hoàng cung. Tôi vui bao nhiêu thì Linh Đa buồn bã bấy nhiêu. Nét u sầu của Linh Đa làm lòng tôi thêm lo lắng. Tôi sợ Linh Đa đổi ý. Tôi sợ Linh Đa sẽ bỏ đi bất ngờ. Mỗi ngày, từ chỗ làm việc tôi gọi điện thoại thăm chừng Linh Đa mấy bận. Nói là lo lắng cho Linh Đa, nhưng thật sự, cái ý nghĩ Linh Đa không muốn cho con nữa, cô sẽ trốn đi làm tôi ăn ngủ không yên.
Linh Đa rất kín đáo, không bao giờ hé môi về thân phận của mình, dù nhiều lần tôi tìm cách khéo léo tra hỏi. Điều đó càng làm tôi hồi hộp hơn. Trước khi sinh khoảng hai ngày, trong lúc giúp Linh Đa sắp xếp đồ đạc, cô bỗng nhiên ôm chầm lấy tôi khóc nức nở:
- Chị ơi, có phải em là người mẹ tàn nhẫn không? Tại sao em đem cho con em? Tại sao em không thể giữ nó lại, nó là con em mà.
Những lời nói của Linh Đa làm tôi hoảng hốt, nhưng nỗi đau khổ của Linh Đa lại khiến tôi bùi ngùi. Tôi không biết phải nói gì để tôi không buồn và Linh Đa không đau khổ. Thôi thì mọi sự phó dâng trong tay Đức Mẹ. Tôi ôm chặt lấy Linh Đa, khép nhẹ đôi mắt trong lời cầu nguyện miên man. Những giây phút nặng nề ấy rồi cũng trôi qua, Linh Đa lau nước mắt, nhìn tôi với giọng van nài, cầu khẩn:
- Chị hứa sẽ thương con em như con ruột của chị nghe. Mai này, dù chị có con cũng đừng hất hủi nó nghe chị.
Tôi gật đầu trong nước mắt. Linh Đa lôi từ trong chiếc xách tay ra một quyển album nhỏ, đưa cho tôi xem tấm ảnh một thanh niên người Mỹ thật trẻ, thật đẹp trai và nói:
- Jason, ba của đứa bé.
Theo lời Linh Đa kể thì cô và Jason yêu nhau nhưng ba mẹ cô không đồng ý nên hai người đưa nhau trốn sang Dallas. Qua đây, chẳng bao lâu thì Jason bị tai nạn giao thông và qua đời. Giờ đây, cô bơ vơ một thân một mình, sợ không lo cho con nổi nên cô đành dứt bỏ núm ruột của mình. Linh Đa yêu cầu chúng tôi mướn apartment sẵn cho cô, để khi rời bệnh viện cô sẽ đến ở đó. Linh Đa không muốn nhìn mặt con vì cô sợ rằng sẽ không đủ can đảm rời bỏ con mình. Tôi mừng rỡ và an tâm trước quyết định này của Linh Đa. Phần tôi, tôi cũng sắp xếp dọn về một tiểu bang khác để tránh những phiền phức có thể xảy ra trong tương lai.
***
Mười bảy năm trôi qua, Kathy càng lớn càng xinh đẹp. Không ai nghĩ Kathy là con nuôi của chúng tôi, dù Kathy là một thiếu nữ mang nét đẹp Tây phương. Làm sao có thể nghi ngờ, bởi chính tôi cũng mang trong người hai dòng máu.
Cách đây hai năm, Kathy đã vinh dự đoạt được chức Á Hậu trong một cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam của tiểu bang. Điều đó mang lại cho tôi và Thái sự vui mừng và niềm vinh dự lớn lao. Nhưng cũng chính trong cái vinh dự ấy mà tôi suýt chết ngất khi nhận được một bức thư do Kathy mang về. Tôi hỏi của ai, Kathy nói:
- Con không biết, cô Trang trong Ban Giám Khảo nói có người nhờ cô đưa thư này cho con để chuyển đến mẹ.
Bức thư có những dòng chữ ngắn ngủi:
Kính anh chị Thái,
Chắc anh chị không quên Linh Đa, người con gái bất hạnh ngày xưa. Nhờ lòng quảng đại của anh chị mà em mới có được cuộc sống an lành như ngày hôm nay và con em -đứa con em đã nhẫn tâm dứt bỏ- được bình yên, hạnh phúc trong tình yêu thương đậm đà, bao la của anh chị. Bao năm qua em sống trong nỗi hối hận triền miên. Em bị Trời phạt nên phải làm người đàn bà tuyệt tự dù đã lập gia đình mười hai năm rồi. Nhìn thấy con em khôn lớn, xinh đẹp và sung sướng trong cuộc sống em cũng cảm thấy lòng mình đỡ phần ray rứt. Xin anh chị nhận nơi đây lòng biết ơn của em.
Linh Đa
Bức thư làm tôi lo sợ đến ngã bệnh. Tôi bàn với Thái phải lập tức dời chỗ ở, nếu không, con gái tôi sẽ biết sự thật, tôi sẽ mất con… rồi.… không biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp. Tôi khóc lóc, hoảng hốt từng ngày. Trái lại Thái rất điềm tĩnh. Anh ân cần an ủi và khuyên nhủ tôi những điều phải trái. Anh nói không có sự thật nào có thể giấu giếm mãi nếu Linh Đa muốn tìm lại con, và trong tâm tình người mẹ tôi nghĩ sao về nỗi đau khổ của một người mẹ có con mà không thể nhìn con. Phải, tôi không nên quá ích kỷ như thế, Linh Đa đã nhường cho tôi niềm vui trong tình mẫu tử suốt mười bảy năm rồi còn gì. Một điều nữa, không lẽ tôi cứ mãi trốn tránh sự thật. Thế là chính tôi và Thái đích thân tìm kiếm Linh Đa.
Linh Đa bật khóc khi biết chúng tôi quyết định sẽ cho Kathy gặp cô và nói sự thật cho nó biết. Khi nói lên điều ấy tôi cảm thấy lòng mình như nhẹ hẫng trong niềm cảm xúc trào dâng. Nhưng trái ngược với điều chúng tôi nghĩ, Linh Đa đã từ chối “đặc ân” đó. Linh Đa cho rằng, sự thật này sẽ là một cú sốc lớn nhất trong cuộc đời của một đứa bé chưa thật sự trưởng thành. Và chính Linh Đa cũng sẽ rất xấu hổ khi được Kathy gọi bằng mẹ, vì cô cho rằng mình không xứng đáng. Cuối cùng, Thái đưa ra giải pháp: gia đình tôi và Linh Đa sẽ bắt đầu tới lui thăm viếng nhau để tạo sự thân mật rồi từ đó sẽ tìm cơ hội để Kathy nhận Linh Đa làm mẹ nuôi. Như vậy, cả hai đều không mất con mà tâm tình của Kathy cũng không bị xáo trộn vì nỗi niềm ngang trái này.
Giờ đây, mỗi lần nghe Kathy âu yếm gọi ”Mẹ Linh Đa” tôi lại nở một nụ cười mãn nguyện khi chợt nghĩ mình đã hoàn thành một “trách nhiệm cao cả”. Trong một góc sâu thẳm của tình cảm, tôi nhận thấy mình không còn nỗi lo lắng mất con mà còn được thêm một cô em gái rất mực hiền lành và dễ thương.
Ngân Bình