User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
vetthuongrimau
 
Bức thư được tôi giấu kín trong hộc tủ cả tuần nay đã bị Phúc Lan tìm thấy. Khuôn mặt con bé xanh như tàu lá khi chìa ra hỏi tôi bằng giọng hằn hộc:
 
- Mẹ trả lời sao cho “ổng”?
 
Lãng tránh tia nhìn rực lửa của đứa con gái thân yêu. Tôi lắc đầu:
 
- Mẹ chưa trả lời.
 
Căn phòng bỗng trở nên im ắng một cách lạ thường. Tôi đưa mắt nhìn Phúc Lan, không nói một lời. Con bé ngồi bệt xuống sàn nhà, gục mặt vào đầu gối, hai cánh tay ôm tròn đôi chân thon dài. Kinh nghiệm cho biết, những lúc con bé “nổi cơn” thì tôi nên im lặng. Chỉ cần dăm mười phút sau nó sẽ trở lại bình thường và tỏ vẻ ân hận vì sự nóng nảy quá đáng của mình. Nhìn đôi vai Phúc Lan không ngừng run lên theo từng tiếng nấc, tôi bước nhẹ về phòng khóa trái cửa lại.
 
Trong ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn ngủ tôi thả dòng tư tưởng lùi lại sáu năm về trước.
***
… Tôi và Doãn quen nhau từ những ngày còn làm việc chung ở hãng điện tử. Chỉ bảy tháng sau chúng tôi quyết định làm lễ thành hôn. Bạn bè ngỡ ngàng khi nhận được thiệp mời của tôi. Ai cũng bảo sao tôi quá hấp tấp không chịu tìm hiểu thêm một thời gian nữa. Tôi chỉ biết cười rồi trả lời rằng “đó là quyết định của Doãn” nhưng trong lòng tôi thì tràn ngập niềm tin tưởng. Tin tưởng Doãn và tin tưởng vào tình yêu mà tôi vẫn cho rằng rất tuyệt vời và bền vững.
 
Sau khi sinh Phúc Lan, Doãn khuyên tôi nên nghỉ hãng, tìm việc làm ở nhà để có thể trông con. Dĩ nhiên, điều đó cũng phù hợp với ý nghĩ của tôi, vì tôi không nỡ lòng xa con cả ngày trong khi nó còn quá bé bỏng. Sau những đắn đo suy nghĩ tôi chọn nghề may, vì với công việc này tôi có thể kiếm được khá tiền nếu chịu khó làm việc nhiều giờ. Những ngày tháng miệt mài với nghề may tôi mới vất vả làm sao. Doãn là một “người chồng Việt Nam” đúng kiểu. Đi làm về anh chỉ biết nằm dài trên sofa xem TV trong khi tôi tất bật với bữa cơm chiều, tắm rửa cho con, lau chùi, dọn dẹp nhà cửa. Đã thế, hôm nào vì phải tranh thủ thời gian để kịp giờ giao hàng, bữa cơm phải trễ nãi thì Doãn nhăn nhó, dằn vật tôi “đàn bà gì mà chỉ có bữa cơm cho chồng mà lo cũng không xong” rồi giận dỗi lái xe đi vùn vụt. Tôi nghẹn ngào nhìn theo Doãn tự hỏi, chẳng lẽ anh không biết rằng tôi phải miệt mài trên chiếc máy may để kiếm tiền, rồi còn chăm sóc cho chồng, cho con và rất nhiều chuyện không tên khác trong căn nhà này. Nước mắt tôi ứa ra khi Doãn trở về nhà, đi thẳng vào phòng ngủ mà không nhìn đến mâm cơm tôi đã dọn sẵn.
 
Những lần đến nhà chị Thảo, nhìn anh Trực lăng xăng tắm rửa cho con hay giúp chị rửa sạch chồng chén trong bồn tôi cảm thấy tủi thân vô cùng. Chị Thảo còn kể rằng những ngày chị bệnh hoạn thì một tay anh nấu nướng, săn sóc cho chị. Khi bạn bè tấm tắc khen ngợi anh Trực thì Doãn lại bỉu môi “cái thằng suốt đời chỉ biết làm mọi cho vợ”. Những lời nói của Doãn cho tôi biết rằng, tôi sẽ suốt đời đóng vai một người vợ bất hạnh.
 
Năm đầu tiên chung sống với nhau Doãn còn đưa tiền lương về để tôi trang trải mọi chi phí trong gia đình. Sau đó, lấy cớ cần phải giúp đỡ cha mẹ và các em ở Việt Nam, Doãn chỉ đưa tôi nửa số lương, rồi dần dần anh lơ đi và cũng không cần bận tâm làm sao tôi có đủ tiền để trả tiền nhà, tiền điện nước, tiền chợ và những thứ vụn vặt khác. Tháng nào ít hàng may, không đủ tiền, tôi nhắc Doãn trả tiền nhà thì coi như chiến tranh lạnh sẽ xảy ra. Doãn lầm lầm, lì lì chẳng nói với tôi tiếng nào sau khi vất lên bàn tấm check. Tôi tự an ủi rằng, vì Doãn còn nặng gánh gia đình mà đồng lương lại khiêm nhường nên tôi phải thông cảm cho anh.
 
Khi Phúc Lan được bốn tuổi, tôi lại nhận giữ trẻ để kiếm tiền thêm. Thường những đứa bé tôi giữ là con của bạn bè, chúng khoảng chín, mười tuổi nên tôi cũng không phải vất vả chăm nom, mà đôi khi sự có mặt của chúng còn giúp cho tôi có thêm thì giờ để may vá, vì Phúc Lan có bạn chơi đùa, không lẩn quẩn quấy rầy tôi.
 
Với quan niệm hạnh phúc là do mình tạo ra, nên tôi cố dằn lòng không nghĩ đến những điều không tốt của Doãn. Tôi cố tạo một bầu không khí gia đình vui vẻ nên đã tránh được phần nào những căng thẳng giữa tôi và Doãn. Đặc biệt, Phúc Lan rất thương bố. Mỗi chiều, khi Doãn về đến nhà là nó không rời anh một bước. Doãn thích con trai, nên đối với đứa con gái này anh ít khi bày tỏ tình cảm. Nhiều lúc tôi phải giải thích cho Phúc Lan hiểu vì bố đi làm về mệt nên cần yên tĩnh để con bé đừng quấy rầy Doãn. Những lúc ấy con bé chui vào góc nhà, bàn tay bé xíu mân mê con búp bê nhưng mắt vẫn nhìn bố chằm chằm như chỉ chờ dịp Doãn nhìn nó, cười nhẹ một cái là nó chạy uà đến nhảy bổ vào lòng bố. Nhiều lúc tôi phải giấu những giọt nước mắt thương xót đứa con gái bé bỏng, tội nghiệp của mình.
 
Đến năm Phúc Lan mười một tuổi, tôi vẫn chưa sinh được cho Doãn một đứa con trai như anh mong muốn. Trong những lá thư của em gái Doãn từ Việt Nam gửi sang lúc nào cũng kèm theo câu hỏi quen thuộc “bao giờ anh mới cho mẹ thằng cháu nội đích tôn”. Thỉnh thoảng, Doãn vẫn nói đùa:
 
- Nếu ở vào thời trước thì em phải tìm vợ bé cho chồng để dòng họ anh có người nối dõi tông đường.
 
Tôi cũng đùa theo:
 
- Em tìm lỡ anh không vừa ý thì sao. Anh tự tìm đi.
 
Doãn đâu biết phía sau nụ cười chừng như rất thoải mái của tôi là nỗi buồn lo xao xiết trong lòng.
 
Mùa hè năm ấy hãng của Doãn tổ chức picnic cho nhân viên và gia đình. Lần đầu tiên Phúc Lan được đùa chơi thỏa thích trong khung cảnh thiên nhiên, con bé náo nức vui mừng, gặp ai nó cũng chào hỏi, tíu tít chuyện trò. Sau bữa ăn trưa tôi ngồi ở dãy bàn đá bâng quơ nhìn mặt nước đang lung linh dưới ánh nắng chói chang thì có tiếng gọi ơi ới của Phúc Lan:
 
- Mẹ! Mẹ ơi!
 
Tôi quay lại thấy Phúc Lan đang bế trên tay một đứa bé trai khoảng sáu tháng, lúp xúp đi về phía tôi. Tôi hoảng hốt đứng dậy:
 
- Cẩn thận, coi chừng té em bây giờ.
 
Người phụ nữ đi bên cạnh Phúc Lan cúi đầu chào và nói với tôi:
 
- Không sao đâu chị, Phúc Lan giỏi lắm.
 
Tôi đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ xíu, thằng bé toét miệng cười trông thật dễ thương. Phúc Lan nhúi đầu vào cổ, thằng bé cười hăng hắc.
 
- Con thích em bé không?
 
Tiếng Doãn vang lên thật ấm áp từ phía sau tôi. Phúc Lan nhanh nhẹn gật đầu, miệng không ngớt:
 
- Thích, con thích em bé lắm.
 
Người phụ nữ nhìn Doãn cười thật tươi:
 
- Anh Doãn giới thiệu đi chứ!
 
- À! đây là cô Hương Mai bạn đồng nghiệp của anh. Còn đây là bà xã tôi.
 
Người phụ nữ có tên Hương Mai đẹp sắc sảo. Đôi mắt ướt rượt dưới hàng lông mi rậm được vuốt cong và thân hình thon thả với bờ ngực vun đầy như thỏi nam châm cuốn hút người đối diện. Không những thế, Hương Mai còn có lối nói chuyện thật ngọt ngào và thân mật. Chỉ qua dăm ba câu chuyện ngắn ngủi mà tôi đã có cảm tình với Hương Mai. Phúc Lan thì khỏi nói, nó mê cả hai mẹ con Hương Mai.
 
Ngày hôm sau, chị Thùy -vợ của bạn Doãn- gọi điện thoại hỏi thăm về chuyến pinic mà chị bận không thể tham dự được. Sau một hồi trò chuyện loanh quanh chị hỏi tôi:
 
- Chị có gặp người đẹp của phòng hành chánh không?
 
Tôi ngơ ngác:
 
- Là ai vậy?
 
- Cô Hương Mai đó!
 
- À! có. Cô ấy đẹp thật.
 
Rồi tôi huyên thuyên kể chuyện mẹ con của Hương Mai:
 
- Chị biết không, Phúc Lan nó mê thằng bé con của Hương Mai quá chừng. Anh Doãn hỏi đùa, con có muốn đem em bé về nuôi không, cô Hương Mai cho con đó. Tưởng thật, ngày nào bố đi làm về nó cũng chạy ra hỏi, sao bố không đem em bé về.
 
- Nói với Phúc Lan, coi chừng có ngày bố Doãn đem em bé về thì mẹ con của Phúc Lan khóc tiếng Campuchia đó nghe!
 
Tôi cười vang với lối nói dí dỏm của chị Thùy.
 
Thời gian sau đó, ngày cuối tuần nào mà tôi bận với mớ hàng phải giao gấp trong ngày, Doãn thường chở Phúc Lan sang nhà Hương Mai cho nó chơi với thằng bé Tony. Tuần nào rảnh rỗi tôi cũng hay mời Hương Mai ăn cơm, vì nghe Doãn nói chồng của Hương Mai đi làm xa ít khi có mặt ở nhà. Tôi chưa từng gặp mặt chồng của Hương Mai, nên thỉnh thoảng vẫn nhắc chừng Doãn phải thận trọng trong quan hệ với Hương Mai, kẻo chồng Hương Mai hiểu lầm. Doãn trêu tôi “cẩn thận quá đáng”. Anh còn nói “chồng của Hương Mai cũng là bạn của anh. Anh ấy chẳng rảnh rang để nghi ngờ bậy bạ như em lo lắng đâu”.
 
Cuối năm ấy Doãn nói với tôi:
 
- Anh muốn về Việt Nam thăm mẹ.
 
- Sao anh không đợi đến hè để cho Phúc Lan về thăm bà nội luôn thể.
 
Tôi thắc mắc. Doãn nói:
 
- Mẹ già rồi em ạ! Lúc nào đi được thì đi, biết thế nào mà chờ đợi.
 
Doãn đi được hai tuần thì bất ngờ tôi nhận được điện thoại của chị Thùy:
 
- Có chuyện này, ông chồng tôi không cho nói, nhưng nghĩ tới nghĩ lui thấy tức quá tôi phải cho chị hay.
 
- Chuyện gì thế chị Thùy? Chị đang ở đâu vậy?
 
- Tôi đang ở Việt Nam. Chị biết tôi gặp ai không?
 
Tôi hớn hở:
 
- A! chắc chị gặp anh Doãn phải không? ảnh cũng về Việt Nam thăm bà nội của Phúc Lan cách đây hai tuần.
 
Giọng chị Thùy trở nên gay gắt:
 
- Ừ! đúng rồi,nhưng không phải tôi gặp một mình anh Doãn đâu mà có luôn bà Hương Mai và thằng nhỏ nữa.
 
- Hả! có chồng của Hương Mai đi cùng không?
 
- Chồng con gì? Ông Doãn nói gạt chị đó. Ở hãng ai mà không biết nó cặp với ông Doãn. Tôi muốn nói cho chị cảnh giác nhưng ông chồng tôi cấm ngặt, tôi đâu dám. Thôi… thôi… tôi cúp máy, ông chồng tôi về tới rồi!!!
 
Chiếc máy điện thoại rơi khỏi tay tôi từ lúc nào không biết. Một tiếng “cộp” vang lên khô khan như phát súng vừa bắn trúng trái tim tôi. Tôi ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào góc tường thở những hơi mệt nhọc. Đầu óc tôi tê cứng và trống lốc một cách kỳ lạ. Cứ như thế tôi nhìn trừng trừng vào khoảng không cho đến lúc có tiếng chuông cửa “Phúc Lan về. Phải bình tĩnh, bình tĩnh”. Tôi thầm nhắc nhở mình như thế.
 
Phúc Lan bước vào cửa nhìn tôi lo lắng:
 
- Mẹ bệnh hả? Sao mặt mẹ xanh, trán mẹ đầy mồ hôi vậy?
 
Tôi kéo tay Phúc Lan, rồi ôm chặt nó vào lòng, nước mắt ứa tràn trên đôi má:
 
- Mẹ hơi mệt nhưng chắc không sao!!!
 
Buổi tối, chờ Phúc Lan ngủ xong tôi trở về phòng, lục lọi những ngăn tủ của Doãn. Tôi không tìm thấy một vết tích nào để có thể giải tỏa nỗi nghi ngờ của mình. Điều chị Thúy nói có thật không hay Doãn và Hương Mai chỉ tình cờ gặp nhau? Trong lần trò chuyện trước, chị Thúy có vẻ không ưa gì Hương Mai nên cái nhìn của chị có thể lệch lạc chăng?
 
Suốt đêm tôi trằn trọc, lăn lộn trên giường không sao chợp mắt được. Tôi bứt rứt, bồn chồn, đầu óc choáng váng, nhức nhối. Vừa buồn, vừa giận tôi đưa tay tự đập vào đầu mình. Không biết tôi đã vung vẩy thế nào mà sợi dây điện của chiếc đèn đọc sách kẹp trên thành giường vướng vào tay tôi rơi xuống đất. Những mảnh thủy tinh văng vào kẹt giường tôi phải kéo tấm nệm ra để nhặt lấy từng mảnh. Một phong bì lớn màu vàng đậm nằm giữa hai tấm nệm thò ra ngoài. Tôi cầm lên, tay run run kéo ra một lá thư và ba tấm ảnh. Một tấm ảnh Doãn đang bế đứa bé vừa mới sinh. Một tấm ảnh Hương Mai ôm đứa con mới sinh, bên cạnh là Doãn với nụ cười rạng rỡ đang dang tay ôm choàng lấy vai Hương Mai. Một tấm ảnh có lẽ chụp gần đây nhất, thằng bé Tony ngồi trên đùi Doãn, Hương Mai đứng, lên mái tóc anh thật tình tứ.
 
Tay chân tôi như mềm nhũn ra, hơi thở chừng như đứt quãng, nhưng tôi vẫn cố mở thư ra dù đã tự bảo mình đừng mở. Những hàng chữ của cô em Doãn như nhẩy múa trước mắt tôi.
 
“…
Từ ngày biết mình có được thằng cháu nội đích tôn mẹ mừng lắm. Mẹ nói anh làm gì thì làm cũng phải sắp xếp bế nó về cho mẹ được thấy mặt cháu một lần trước khi nhắm mắt.
 
Còn anh nha! Em phục anh sát đất luôn. Chị Hương Mai quá đẹp, đẹp không thua gì tài tử Hàn quốc. Anh dùng chiến thuật gì mà “cua” được chị ấy trong khi anh đã có vợ?
 
Em thương và cảm phục chị Linh vô cùng. Chị thật rộng lượng - gặp em thì còn khuya mới có chuyện chấp nhận - Thấy hình của anh với chị Linh, chị Hương Mai, bé Phúc Lan và thằng cu Tony đứng xúm xít bên nhau thật hạnh phúc mẹ mừng lắm….”
 
Thì ra, bấy lâu nay Doãn và Hương Mai đã lừa lọc để đưa tôi vào vai chính của một màn kịch mà tôi không hề biết. Trời ạ! Có còn ai ngu hơn tôi nữa không? Nỗi uất ức khiến tôi gào lên lúc nào không biết. Phúc Lan hoảng hốt chạy vào phòng ôm chặt lấy tôi vừa khóc vừa hỏi:
 
- Mẹ ơi! mẹ làm sao vậy?
 
Tôi ôm lấy con gái khóc ngất. Phúc Lan vỗ nhẹ vào vai tôi vài cái bỗng xô bật tôi ra, chụp lấy những tấm ảnh đang nằm phơi trên giường. Tôi bàng hoàng rồi tự trách mình tại sao không kềm chế để Phúc Lan phải nhìn thấy những vật chứng đau lòng. Đứa bé vừa mười hai tuổi nó đã đủ trí khôn để đoán biết những bất hạnh đang xảy đến cho cuộc đời của nó, nhưng thật sự nó không đủ sức để chịu đựng cơn sốc kinh hoàng này. Tôi ôm lấy con miệng miên man nói như một cái băng cassette, mẹ xin lỗi con, mẹ xin lỗi con.
 
Doãn trở về, tôi không dằn được cơn xúc động như đã từng tự dặn dò mình. Ném ảnh và thư lên bàn tôi hỏi Doãn:
 
- Anh trả lời sao với những tấm ảnh và lá thư này.
 
Doãn im lặng và bình tĩnh hơn tôi tưởng. Anh như đã chuẩn bị trước mọi thứ. Tôi cố ngăn, nhưng nước mắt vẫn tuôn không ngừng.
 
- Bấy lâu nay hai người đã toa rập để dối gạt tôi, biến tôi thành một trò hề rẻ tiền.
 
Doãn thản nhiên không chút băn khoăn:
 
- Em bình tĩnh. Anh không có ý đó. Tất cả chỉ vì em không sinh được cho mẹ anh một đứa cháu nội mà mẹ anh vẫn hằng ao ước.
 
Tôi gào lên:
 
- Vậy Phúc Lan không phải là cháu nội của mẹ à?
 
- Nhưng nó không phải là con trai - Doãn cười khẽ như chế giễu - Em không từng nghe ông bà mình nói sao, mười đứa con gái không bằng đứa con trai. Em hiểu điều này mà.
 
Phúc Lan đứng dựa góc tường mặt nó xanh như chàm. Không một giọt nước mắt nào trên khuôn mặt ngây thơ nhưng ánh mắt của nó chứa đầy nỗi oán hận.
 
Đêm đó tôi không vượt qua được nỗi đau quá lớn, nên đã tự cắt đứt mạch máu ở cổ tay để kết liễu đời mình. Doãn hay được anh gọi xe cứu cấp, đồng thời báo tin cho chị tôi biết. Chị Vân kể lại, Doãn đã đứng trên lầu nhìn xuống một cách dửng dưng để một mình Phúc Lan và chị lên xe Ambulance cùng tôi đến bệnh viện.
 
Những ngày nằm bệnh viện tôi héo hắt chờ đợi Doãn để được nhìn thấy anh và nghe anh nói một lời xin lỗi, nhưng mãi đến khi tôi về vẫn không thấy bóng dáng Doãn. Chị Vân không tiếc lời nguyền rủa Doãn. Chị dặn tôi đừng ký tên vào giấy ly hôn, đừng vì tức giận mà tạo cơ hội tốt cho người chồng phản bội.
 
Tôi gật đầu hứa với chị như hứa với chính mình đừng dại dột để trở thành người thua cuộc, nhưng khi trở về nhà, đối diện với Doãn, với thái độ hững hờ lạnh nhạt của anh tôi mới hiểu được tận cùng ý nghĩa của câu nói “giữ người ở chứ không giữ được người đi”. Duyên đã hết, nợ chẳng còn thì có làm gì đi nữa cũng chỉ là tự làm khổ mình. Ý nghĩ đó mang đến cho tôi một sự bình an. Tôi nhẹ nhàng ký tên vào tờ giấy ly hôn, không một lời trách móc cãi vã để Doãn có thể yên vui với cuộc tình mới.
 
Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua. Cuộc đời tôi rồi cũng sẽ hết. Tôi không muốn dây dưa, níu kéo làm ảnh hưởng đến tâm lý của Phúc Lan khi mỗi ngày nó phải nghe những lời đay nghiến của mẹ, chứng kiến thái độ phũ phàng của bố.
 
Lần trở về sau cùng Doãn dắt theo thằng bé Tony. Anh bảo Tony “hug” chị Phúc Lan như thằng bé vẫn làm. Khác với những lần trước - Phúc Lan thường ôm lấy thằng bé quay vòng vòng - lần này Phúc Lan hét lên như nổi cơn điên.
 
- Mang nó đi ngay. Con không muốn nhìn thấy nó. Cả bố nữa, bố đừng trở lại đây. Con ghét bố. Con hận bố.
***
Sáu năm đã trôi qua. Sáu năm với những ngày tháng có đủ niềm đau và nỗi buồn cùng sự cố gắng đôi khi vượt quá sức chịu đựng của chính mình, mẹ con tôi đã có được một cuộc sống tạm ổn thì tôi nhận được tin của Doãn.
 
Phải sáu năm sau Doãn mới biết được thằng bé Tony không phải là con của anh. Người tình xưa của Hương Mai -người đã bỏ đi khi Hương Mai vừa cấn thai - đã trở lại. Cuộc tình xưa tưởng đã nằm yên trong quá khứ không ngờ đã mạnh mẽ sống lại. Hương Mai thú nhận sự thật với Doãn. Anh bị Hương Mai lôi kéo vào vòng tình cảm để làm người đàn ông “hốt vỏ” mà không hề biết rằng mình ngu ngơ như cậu bé con đang tập tành làm người lớn.
 
Doãn viết rằng, anh mong muốn nhận được sự tha thứ của tôi. Anh muốn tôi mở lòng để anh có cơ hội đền bù những thiếu sót, lỗi lầm đối với đứa con gái tội nghiệp của mình.
 
Tôi không biết phải trả lời sao, bởi trong một góc khuất của trái tim tôi hình bóng Doãn vẫn còn nằm yên nơi đó. Có phải vì “tình yêu như trái phá con tim mù lòa” hay vì tôi không muốn con tôi phải thiếu cha?
 
Đừng bắt tôi giải thích tại sao. Bởi chính tôi cũng không hiểu được mình.
 
Nhưng dù có còn sót lại chút tình nào cho Doãn tôi cũng không thể làm được điều mình muốn, bởi vì câu trả lời của tôi còn phụ thuộc vào câu trả lời của Phúc Lan. Đứa con gái bé bỏng ngày nào nay đã mười tám tuổi. Nó có quyền quyết định theo suy nghĩ của nó. Và câu trả lời của nó sẽ là “không. Bố con đã chết từ năm con mười hai tuổi”- như nó vẫn thường nói với những người hỏi thăm về gia thế của nó.
 
Tôi không dạy Phúc Lan câu nói (độc ác) đó, nhưng chính Doãn. Doãn đã dạy cho nó bằng thái độ tàn nhẫn của anh khi bỏ rơi đứa con gái của mình và để lại trong lòng nó một vết thương không bao giờ lành.
 
Ngân Bình

 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com