Mấy tháng dịch bệnh, nhiều gia đình rất vui khi mọi người được ở nhà cùng nhau, nhưng cũng có không ít người than rằng họ rất “khó thở,” không phải vì nhiễm virus, mà là không khí… bất hòa, nhiều vụ “đụng độ” giữa cha mẹ và con cái.
Có những giải pháp rất đơn giản, nhưng không phải gia đình nào cũng biết cách áp dụng, theo Popsugar.
Khi đi bộ cùng nhau, giúp cha mẹ chia sẻ, tìm hiểu về tâm tư, suy nghĩ của con và giải tỏa những khúc mắc giữa hai bên. (Hình minh họa: Hieu Tran/Unsplash)
Chỉ 10 phút mỗi ngày
Chị Angela Anagnost-Repke, một phụ nữ có hai con 6 và 8 tuổi. Những tưởng con còn bé như thế, có gì mà phải cãi vã? Nhưng không, chị cho biết: “Gần đây, tôi nhận thấy các con và vợ chồng tôi dễ cáu giận hơn bình thường. Chúng tôi có thể tranh cãi nảy lửa về một vấn đề nhỏ và không ai chịu nhường ai. Thậm chí, những cơn tức giận luôn đeo bám và khiến chúng tôi dễ nổi cáu hơn.”
Định thần sau những cuộc cãi vã, chị nhận ra vợ chồng chị đang mải mê vì những tranh cãi không đáng có trong gia đình mà quên mất rằng các con của họ cần được quan tâm, chia sẻ và yêu thương nhiều hơn.
Chị tiến hành một thử nghiệm nhỏ. Trong vài ngày, mỗi ngày chị dành ra 10 phút chơi cùng con trai, trong khi chồng chị trò chuyện với con gái. Ngày tiếp theo, họ đổi vị trí.
Ngày đầu tiên, chị ở bên con trai 8 tuổi trong khi chồng ngồi cùng con gái 6 tuổi. Ở sân sau, chị và con trai chơi đá bóng trong khi chồng chị và con gái nướng bánh mì trong bếp.
“Thử nghiệm này đã thành công ngoài sự mong đợi của chúng tôi,” chị cho biết. Vợ chồng chị trở nên nhẹ nhàng hơn, ít cãi vã hơn, mà nếu có cũng đều xí xóa rất nhanh, không còn… ngấm ngầm tức giận như trước.
Kể từ đó, vợ chồng chị giữ nguyên “lịch trình” mỗi ngày sẽ dành ra 10 phút để ở bên con. Trong thời gian này, không ai được phép làm việc riêng, chỉ được tập trung vào “bạn đồng hành” của mình mà thôi. Có nhiều ngày họ bị “lố” 10 phút, vì thời gian trôi qua rất nhanh.
“Khi thông báo về kế hoạch mới, tôi thấy trong ánh mắt các con có sự ngạc nhiên xen lẫn hứng khởi,” chị Anagnost-Repke nói. “Tôi đoán lũ trẻ đang tưởng tượng ra hàng ngàn trò chơi, hoạt động đã ấp ủ từ lâu để được làm cùng cha mẹ. Vì thế, tôi nói các con có thể chọn lựa các hoạt động tùy thích và cha mẹ sẽ tham gia vô điều kiện.”
“Thú thực, vì công việc bận rộn, không phải lúc nào chúng tôi cũng dành được thời gian cho nhau. Cũng có lúc chúng tôi phải bỏ lỡ một số ngày, nhưng nói chung, hoạt động này đang dần trở thành thói quen trong nhà,” chị cho biết thêm.
Chị thừa nhận dù chỉ có những giây phút ngắn ngủi bên nhau, vợ chồng chị cũng đủ nhận ra sức sáng tạo vô biên của các con, vì các hoạt động mỗi ngày hầu như chẳng bao giờ trùng lặp. Đôi khi là chơi thể thao, lúc khác là chơi cờ bàn hoặc các cháu đề nghị cả gia đình cùng ở bên nhau. Đó là khoảnh khắc ngắn nhưng tưởng như kéo dài vô tận và rất hạnh phúc.
“Điều đặc biệt nhất là gia đình tôi đã gắn kết lại. Chúng tôi bớt cáu giận, hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Tôi không chỉ vui vì có thời gian ở bên con mà còn nhẹ nhõm vì tránh được các cuộc cãi vã. Bây giờ, tôi thấy các con nghe lời hơn, chủ động làm việc nhà hơn. Thậm chí tôi còn bỏ qua một vài lỗi lầm của con,” chị chia sẻ.
Cha và con. (Hình minh họa: Kon Karampelas/Unsplash)
Đi bộ cùng trẻ
Chị Katharine Stah cũng có một cậu con trai và một cô con gái, tâm sự: “Trong gần chín năm làm mẹ, tôi nhận ra hầu như không vấn đề nào liên quan đến trẻ em, dù lớn hay nhỏ, có thể giải quyết dễ dàng. Như con trai 3 tuổi của tôi không chịu ngồi bô từ ngày biết đi vệ sinh trong bồn cầu, hay con gái 8 tuổi thường xuyên thức giấc vào nửa đêm.”
Khi các con lớn hơn, vấn đề của chúng cũng phát triển theo. Chị nhận ra rằng, cách ứng phó với các vấn đề của trẻ cũng phải thay đổi. Đôi khi chị cũng bị đi sai đường trong việc dạy dỗ con. Chẳng hạn, nếu chị thường xuyên nhượng bộ những đòi hỏi của con, bé sẽ nhõng nhẽo, và ỷ lại.
Nhưng mỗi lúc muốn hiểu con nhiều hơn để điều chỉnh phương pháp nuôi dạy, chị lại gặp trở ngại. “Có lúc, các cháu không chịu chia sẻ, khi khác lại làm những hành động khiến tôi khó giữ bình tĩnh,” chị nói. “Sự quan tâm của tôi bị con coi là nghiêm khắc. Nhiều ngày, khi gia đình tôi muốn dành thời gian cho nhau thì vợ chồng tôi lại có công việc hoặc các con mải mê xem phim, chơi điện tử. Khi nhiều vấn đề chưa được giải quyết tồn đọng, chúng tôi trở nên dễ cáu gắt.”
Gần đây, chị Katharine Stah phát hiện một phương pháp kết nối cảm xúc, suy nghĩ với các con, dù đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Đó là đi bộ cùng trẻ mỗi ngày.
Kinh nghiệm của chị, đi bộ, hành động không cầu kỳ nhưng có thể tránh xa các thiết bị điện tử, giúp gắn kết những thành viên trong gia đình thông qua việc tán gẫu, trò chuyện. Đi bộ mà không sử dụng điện thoại là bài tập thể dục hữu ích cho mọi lứa tuổi. Hơn nữa, nó cho phép chúng ta cởi mở hơn với bạn đồng hành, chú ý đến những điều bình dị trong cuộc sống.
“Khi đi bộ cùng nhau, chúng ta không tập trung vào nhiệm vụ hay vấn đề cụ thể, mà chuyển sang trạng thái thả lỏng, bớt phòng vệ, từ đó thúc đẩy nhu cầu được chia sẻ. Đó là hoạt động lý tưởng giúp bạn chia sẻ, tìm hiểu về tâm tư, suy nghĩ của con và giải tỏa những khúc mắc giữa hai bên,” chị nói.
Dù chỉ có những giây phút ngắn ngủi bên nhau, nhưng đó là niềm vui của con khi được cha mẹ quan tâm. (Hình minh họa: Kon Karampelas/Unsplash)
Thật ra, với chị Katharine Stah, đây không phải là phương pháp mới mẻ gì. Chị cho biết, cha mẹ chị thường sử dụng phương pháp này để chia sẻ với chị em chị. Nhưng khi lớn lên, do bận bịu công việc, chị đã quên nó. Chị cho biết: “Trước kia, mẹ tôi thường áp dụng phương pháp này khi muốn cùng em trai tôi bàn về những điều khó nói. Không chỉ đi bộ, mẹ tôi cùng em đạp xe, chơi bóng, những hoạt động không liên quan đến vấn đề cần nói đến.”
Bằng cách di chuyển cơ thể, đánh lạc hướng tâm trí, trẻ em có thể diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc giấu kín trong lòng theo cách tự nhiên hơn. Từ đó, cha mẹ có thể hiểu những điều làm trẻ em rối bời hay những khác biệt trong tư duy của hai thế hệ, để từ đó, phụ huynh điều chỉnh phương pháp nuôi dạy con.
Khi đi dạo cùng các con, vợ chồng chị thường nói về những điều nhỏ nhặt như cảnh vật xung quanh, cảm xúc hiện tại. Sau đó họ chuyển sang các vấn đề lớn lao như mục tiêu của các con trong năm học tới, những khó khăn ở trường hay với bạn bè, những điều con đang lo lắng bên ngoài vấn đề trường học. Có những câu chuyện mà nếu không đi bộ, cha mẹ không nghĩ con cái sẽ kể cho mình nghe.
Những cuộc đi bộ không bao giờ bị những cuộc điện thoại từ công việc của cha mẹ làm phiền, hay những món đồ chơi bóng loáng, màn hình trò chơi điện tử nhấp nháy của con.
Trong mái ấm gia đình, đôi khi những vật chất ấy đã cản trở sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ ở bên con, đi bộ cùng con, dù không nhiều, nhưng thời gian ấy có thể khơi gợi những sẻ chia theo cách tự nhiên nhất, phá tan cản trở vô hình, đem lại hạnh phúc cho gia đình. (Đ.Trang)
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/