User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Trong mối quan hệ giữa người với người với nhau, đặc biệt là trong tình yêu và hôn nhân, việc trải qua những thăng trầm cùng nhau sẽ giúp gắn kết, nhường nhịn và yêu thương nhau hơn.
 
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nắm tay nhau suốt cuộc đời khi cả hai không cùng tiếng nói hoặc một trong hai không còn tôn trọng lẫn nhau. Lúc này, mối quan hệ không còn là sự yêu thương nữa mà chuyển sang thành sự khó chịu, tiêu cực và độc hại.
 
lydodaukho1
Một người đàn ông bạo hành sẽ biết cách xoay chuyển tình thế, khiến bản thân phụ nữ cảm thấy mình là người có lỗi. (Hình: Afif Kusuma/Unsplash)
 
Nhưng vẫn có rất nhiều người, đặc biệt là ở phái nữ, thường hay sợ hãi phải rời bỏ, tiếp tục ở lại và dính chặt vào tình cảm cho dù người chồng, người yêu của mình đối xử không tốt với mình.
 
Dưới đây là năm lý do khiến chị em gặp khó khăn trong việc quyết định chấm dứt mối quan hệ mà chỉ đem lại tiêu cực cho mình, theo trang mạng Brightside.
 
1. Sợ cô đơn
 
Theo một cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học tại American Psychological Association thực hiện, được đăng trên Journal of Personality and Social Psychology, nỗi sợ cô đơn khi mọi thứ phải bắt đầu lại một mình là lý do chính khiến chúng ta không dám buông tay một mối quan hệ, cho dù nó tệ với mình như thế nào.
 
Ngoài ra, một số định kiến vẫn còn tồn tại đến ngày nay chính là việc ly hôn, ly thân và sống một mình sau khi chia tay đồng nghĩa với việc bạn là kẻ thua cuộc. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là điều hoàn toàn ngược lại.
 
2. Tự ti với chính bản thân mình
 
Một nghiên cứu khác do các giáo sư tại trường đại học University of Waterloo thực hiện cho thấy, những người có tư tưởng tự ti vào bản thân thường sẽ có xu hướng gắn kết chặt với đối phương trong mối quan hệ, cho dù đối phương đối xử không tốt với mình.
 
Giáo Sư Megan McCarthy, một trong những người tham gia cuộc nghiên cứu, cho biết những ai có quan niệm tiêu cực và nghi ngờ bản thân thường sẽ hay lo lắng về những suy nghĩ của người khác đối với họ. Đồng thời, những người này cũng dễ dẫn đến hành động phòng thủ và tránh đối đầu với những mâu thuẫn, và lảng tránh sự thật.
 
Sau một thời gian chịu đựng, dần dần những người tự ti sẽ bị gắn chặt suy nghĩ rằng mình là người có lỗi và chính bản thân mình mới là người gây ra mâu thuẫn vợ chồng, đôi lứa.
 
3. Luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm với hành động của đối phương
 
Sau khi trải qua các tình huống khó chịu và mâu thuẫn vói nhau, thông thường, một người đàn ông bạo hành sẽ biết cách xoay chuyển tình thế, khiến bản thân phụ nữ cảm thấy mình là người có lỗi, và đây chính là hành động mà các nhà tâm lý gọi là “gaslighting,” tức là hành vi lạm dụng nhận thức của nạn nhân.
 
Khi hành vi này phát triển sẽ dễ khiến bạn không còn suy nghĩ rõ ràng nữa, và luôn cảm thấy bối rối, lo lắng, không tin tưởng vào bản thân và luôn cảm thấy mình không đủ tốt. Tất cả những gì bạn nghĩ chính là mình phải luôn cố gắng tốt hơn, tốt hơn nữa nếu như “cơm không lành, canh không ngọt” trong gia đình và luôn tự chỉ trích bản thân.
 
lydodaukho
Một trong những lý do khiến bạn luôn cảm thấy đau khổ, không lối thoát là khi bạn mất niềm tin vào bản thân mình. (Hình: Keira Burton/Pexels)
 
4. Ảo tưởng hy vọng mọi thứ sẽ bình thường trở lại
 
Chúng ta luôn hy vọng rằng người bạn đời hay người yêu của mình sẽ thay đổi và tình yêu giữa cả hai vẫn còn đâu đó. Bạn sẽ có suy nghĩ rằng mối quan hệ sẽ được cứu vãn vì bạn tiếc khoảng thời gian cả hai từng hạnh phúc đến với nhau.
 
Tuy nhiên, một mối quan hệ lành mạnh là khi có sự nỗ lực, cố gắng và cùng vươn lên từ cả hai phía. Nếu một trong hai không có dấu hiệu sửa chữa, cải thiện hay thay đổi bản thân thì cho dù bạn cố gắng bao nhiêu đi nữa thì nó cũng chỉ từ một chiều mà thôi.
 
5. Nỗi sợ bị từ chối
 
Nỗi sợ bị từ chối ở đây chính là nỗi sợ trong tương lai khi bạn nghĩ đến viễn cảnh trái tim bạn sẽ bị tổn thương lần nữa và bạn là người không xứng đáng có được hạnh phúc. Chính vì điều này khiến bạn chần chừ và cứ tiếp tục bám víu vào đối phương.
 
Những người sợ bị từ chối là những người gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân, bày tỏ suy nghĩ, chính kiến cá nhân và có khả năng tự bảo vệ mình. (KD)
 
 

 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com