User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
hoastrongtim
Thắm thoát mà Tết đã gần kề, thấm thoát mà tôi đã tha hương hơn 40 năm rồi, thấm thoát mà từ một thiếu nữ ngây thơ bước chân và khóa học tiếng Đức rồi được nhận vào là một hãng dược phẩm, lập gia đình cuối cùng là đến ngày... về hưu non. Sau đó chẳng mấy chốc đến lượt chồng tôi cũng chính thức vào cuộc sống của những người... ngồi bên cửa sổ canh ăn trộm giùm cảnh sát. Ôi thời gian!
 
Cuộc sống của những cặp vợ chồng về hưu không đơn giản và hạnh phúc như tôi tưởng tượng mặc dù tôi và chồng tôi đã quá quen thuộc nhau từ hơn 30 mấy năm rồi. Thậm chí đôi lúc tôi còn cảm thấy giữa hai người là một khoảng cách mênh mông bí ẩn, các con đã lớn và ra riêng, căn nhà càng trống trải, tôi càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Cả cuộc đời hết lo cho chồng chăm sóc các con, cơm nước chợ búa, dọn dẹp nhà cửa, tính toán chi tiêu, đi làm, ngoại giao, thời gian của tôi không còn chỗ cho chính bản thân mình và cho cái gọi là “hâm nóng tình yêu“ của hai vợ chồng nữa. Cuộc sống quay theo guồng máy lạnh lùng vô tư đến lđáng sợ, tôi và chồng tôi cũng quay theo nó, từ từ chúng tôi quen với guồng máy ấy, chẳng kịp suy nghĩ, chẳng kịp thở để chuẩn bị cho một tương lai của hai đứa khi guồng máy vô tình này đột nhiên ngừng lại. Cuối cùng thì nó cũng ngừng, tôi hụt hẫng và anh cũng vậy. Những câu chuyện từ từ gượng gạo vì hai đứa hình như chẳng có gì chung ngoài căn nhà rộng lớn và hai đứa con ngoan.
 
Những bữa cơm vẫn nóng sốt nhưng mạnh ai người nấy nhìn vào điện thoại di động của mình, chìm đắm vào thế giới của riêng mình. Tôi còn có việc là một bà nội trợ vẫn nấu ăn dọn dẹp săn sóc vườn tược nhà cửa, còn anh hầu như chẳng có gì làm ngoài việc đọc sách, lên mạng xem tin tức hay điện thoại tán dóc với mấy ông bạn già về tình hình thời sự hay kể cho nhau nghe về những kỷ niệm thuở thanh xuân. Những câu chuyện mà tôi thuộc lòng và rất ngạc nhiên là sao bọn họ lại có thể lập đi lập lại cho nhau nghe rồi cười rất thích thú cứ y như là chuyện mới xảy ra ngày hôm qua vậy? May là hai đứa cùng có một mảnh vườn rộng lớn để săn sóc, lâu lâu rủ bạn bè, hàng xóm qua nướng thịt, tảng lờ tuổi tác, tảng lờ thời gian trôi đi một cách lạnh lùng. Có lẽ như thế mãi cho đến ngày một người sẽ ở lại một mình trong căn nhà rộng rãi minh mông này. Từ từ chúng tôi bắt đầu mỗi kẻ một phòng vì người này không chịu được giờ giấc đi ngủ khác biệt và cả tiếng ngáy của người kia. Đôi lúc tôi tự nghĩ phải đội ơn internet ngàn vạn lần vì không có nó, chúng tôi sẽ sống ra sao với nhau trong những tháng ngày lê thê này? Tôi say sưa xem phim bộ trên mạng, lướt Facebook trò chuyện với bạn bè  bà con khắp nơi, theo dõi mọi tin tức của họ, đôi lúc quên mất rằng mình đang có một ông chồng. Có lẽ chính anh cũng thế, thành ra chúng tôi gần như là…hàng xóm của nhau chứ chẳng có vẻ gì là một đôi vợ chồng cả nhưng dù sao chúng tôi vẫn có ý thức về sự ràng buộc của nghĩa vợ chồng (tình thì chắc đã hết từ lâu rồi). Cái ý thức chiếm hữu này nổi lên mãnh liệt khi có một biến cố đặc biệt xảy ra trong cuộc đời lẽ ra rất phẳng lặng của chúng tôi hiện tại.
 
Đó là một ngày nắng ấm trời trong, chúng tôi tham dự cuộc diễu hành Tết Việt Nam tại Cali. Lẽ ra, tôi không hào hứng gì lắm với một chuyến bay dài chỉ vì mục đích là ăn Tết Việt Nam nơi đất khách. Nhưng khi thật sự được đi chợ Tết, xem các đoàn diễn hành, tôi mới nhận thấy chồng mình nói có lý:
 
- Tết Việt Nam ở Mỹ mới thật sự là  Tết Việt Nam em ạ!
 
Tôi như được sống lại những năm tháng xa xưa khi hòa mình vào dòng người tấp nập đi chợ Tết, cùng vỗ tay reo hò vui vẻ như họ khi các đoàn người và xe diễn hành trang hoàng lộng lẫy đi qua. Chợt tôi chú ý thấy chồng mình đột nhiên im bặt và đăm đăm nhìn qua bên kia đường. Có một nhóm phụ nữ vừa đến, họ đứng vào chỗ trống bên cạnh, tất cả đều mặc những kiểu áo dài cách tân mà theo cái nhìn của tôi thì rất phản cảm. Chợt một người trong số họ quay ra đằng sau nắm tay một thiếu phụ trẻ kéo ra trước. Bà ta nói gì đó chắc có lẽ là muốn cho người thiếu phụ này được xem cuộc diễn hành rõ ràng hơn thay vì phải đứng lặng lẽ đằng sau mọi người. Tôi giật mình và cũng như anh nhìn người thiếu phụ trẻ nọ như bị thôi miên. Cô hoàn toàn khác với mọi người đang hiện diện trong tà áo dài nữ sinh truyền thống màu trắng muốt. Tà áo mộc mạc đơn sơ nhưng làm nổi bật dáng vóc thon thả của cô. Đôi mắt dịu dàng, mái tóc đen mướt xõa qua vai, khuôn mặt được trang điểm rất nhẹ nhàng không có sự can thiệp của thẩm mỹ viên càng làm cho cô  đặc biệt hơn với những người xung quanh. Tôi chú ý đến cả đôi tay đang cầm hai lá cờ Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa của cô thậm chí chúng cũng không có dấu vết gì chứng tỏ chủ nhân hay lui tới các tiệm nail để làm đẹp. Càng nhìn, người thiếu phụ trẻ này càng quyến rũ với những nét đẹp Á Đông  của những người thuộc thế kỷ trước.
 
Mãi sau, khi tiếng pháo Tết nổ đì đùng đâu đó, tôi giật mình quay sang chồng và sững sờ thấy anh vẫn đờ người nhìn nhân vật liêu trai bên kia đường. Cảm giác ngưỡng mộ, yêu mến đột nhiên biến sạch, tôi bực tức hích vào anh càu nhàu.
 
- Anh đi xem diễn hành hay đi xem… đàn bà vậy?
 
Anh cũng giật mình ngượng ngập thú nhận:
 
- Lâu lắm rồi anh mới gặp lại một hình ảnh nữ sinh Gia Long sống động như vậy!
 
Tôi nguýt chồng bực bội:
 
- Vậy sao?
 
Dù thâm tâm tôi thừa nhận anh nói đúng nhưng tôi vẫn không vui khi nghe chồng mình có vẻ thán phục một người đàn bà khác. Tôi đang ghen chăng? Hình như mà có lẽ đúng là như vậy thì phải? Tôi không hiểu được có cái gì đó như một dòng điện nóng chạy qua đầu rồi chạy qua tim nhoi nhói. Cuộc vui đâm ra biến thành sự khó chịu bứt rứt trong lòng. Tôi cau mày nói với chồng:
 
- Em thấy hơi nhức đầu, mình về khách sạn đi anh!
 
Anh ngạc nhiên nhìn tôi:
 
- Sao vậy? Mới vừa rồi anh thấy em còn vui vẻ hào hứng lắm mà? Cuộc diễn hành có lẽ sắp kết thúc rồi, em chờ thêm một chút nữa mình về có được không?
 
– Nhưng em mệt, em nhức đầu-Tôi nói gần như hét-Anh  không đi thì em về một mình.
 
Anh vội gật đầu nhưng nhìn vẻ mặt tôi cũng đọc được sự bất mãn hiện lên khá rõ. Tâm tôi dịu lại, bao năm qua tôi nổi tiếng là một người vợ hiền, hiện đúng nghĩa nên anh hay khoe với bạn bè rằng anh có một người vợ hiền. Tôi ít khi phản đối giận giữ chồng con và hoàn toàn tin tưởng nơi anh: Một ông chồng bắc kỳ năm tư chính hiệu nai vàng, chí thú làm ăn, tiết kiệm, chung thủy hết lòng yêu thương các con. Tóm lại là anh không có lỗi lầm gì lớn để tôi phải hét lên cả. Hôm nay tự nhiên vì một người phụ nữ trẻ dễ thương bên kia đường mà tôi đã hét chồng, cứ thử tưởng tượng lúc bắt gặp họ đang thực sự ôm nhau thì tôi sẽ ra sao?
 
Anh đưa tôi về phòng, pha trà, lấy thuốc nhức đầu, hỏi vợ có muốn ăn gì không để mình đi mua. Tôi cũng cảm thấy hơi đói và nhớ hàng bánh mì thơm phức ngoài phố nên ngỏ ý muốn ăn. Chồng tôi vội vã nói “Anh đi ngay!”. Tự nhiên một cảm giác bất an đấy lên, tôi toan cản lại thì bóng anh đã khuất dạng. Tôi bắt đầu cảm thấy mình nhức đầu thật. Những tư tưởng hắc ám tràn ngập tâm hồn. Bắt đầu là ý nghĩ rằng anh đi đâu mà lâu thế? Tiệm bánh mì chỉ có vài phút lái xe gần đây thôi mà? Tại sao anh lại vội vàng chạy như bay khi tôi đề nghị mua bánh mì? Vì bình thường anh đâu có nhanh dữ vậy? Cuối cùng thì chồng tôi cũng về với hai ổ bánh mì nóng. Thay vì nói lời cảm ơn tôi cau mày nói lẫy:
 
- Sao anh đi lâu thế? Chắc bận chạy ra xem tiếp cuộc diễu hành của “nữ sinh Gia Long” chứ gì?
 
- Anh bị lạc đường. Em đỡ nhức đầu chưa?
 
Giọng nói anh vẫn từ tốn hòa nhã, chẳng có lý do gì để bực tức nữa tôi im lặng ăn bánh mì mà như đang nuốt vào sỏi đá.
 
Hôm sau chúng tôi đi tham quan lòng vòng quận Cam và như một định mệnh, chồng tôi nhìn thấy một ngôi chùa nhỏ và hỏi tôi có muốn vào không? Tôi gật đầu dù biết bản thân mình chẳng phải là một Phật tử chứ đừng nói là thuần thành. Gia đình tôi theo đạo thờ ông bà, cha tôi tin tưởng nhất là nếu con cháu hiếu kính tổ tiên biết săn sóc bảo vệ mồ mả các bậc tiền nhân thì nhất định tương lai sẽ có hậu vận tốt. Còn chồng tôi thì có bố mẹ theo đạo Phật, từ nhỏ anh cũng được quy y nhưng lớn lên trong thời loạn ly rồi vượt biên ra nước ngoài, lòng tín thành của anh nhạt phai dần theo năm tháng. Nhưng không hiểu sao khi đi du lịch bất cứ nơi nào đó nếu phát hiện ra một ngôi chùa thì chúng tôi đều thích đi vào chiêm ngưỡng. Lần này, vừa bước chân vào chùa, tôi đã thấy người thiếu phụ trẻ “nữ sinh Gia Long” đang đứng thắp nhang trước tượng Bồ Tát Quan Âm. Đương nhiên là cô không thể nào nhận ra tôi nhưng tôi lại nhìn cô bây giờ càng rõ ràng hơn: Tất cả không thay đổi chỉ trừ thay vì trong tà áo dài trắng tinh khôi, bây giờ cô lại mặc đồ lam chiếc áo người Phật tử. Nếu tôi quay về còn cô đi thẳng thì cuộc đời của cả hai đã khác rồi. Chợt xoay lại thấy hai vợ chồng tôi đang nhìn mình, cô mỉm cười, nụ cười dễ thương thân thiện:
 
- A Di Đà Phật!
 
Tôi chấp tay chào lại nhưng mắt lại liếc về phía chồng mình. Anh đang cúi đầu nên tôi không thể đoán ra được tâm trạng của anh lúc đó. Nhìn cô bây giờ còn có vẻ trẻ hơn cả hôm qua nên tôi ngập ngừng chẳng biết xưng hô như thế nào cho phải lẽ. Trong thâm tâm, tôi chỉ cầu sao cho cô gọi chúng tôi bằng: cô chú để chặn trước con đường nguy hiểm mà tôi nghĩ rằng chồng mình có lẽ sắp sửa đi vào.
 
- Chúng tôi tham quan quận Cam ngang qua đây thấy chùa này mở cổng nên muốn vào lễ Phật- Chồng tôi ngỏ lời trước
 
- Dạ! Chánh điện đằng kia, xin mời anh chị theo em. À quên nữa! Trưa nay ở đây có tổ chức cơm chay mời anh chị ở lại dùng bữa cơm chùa đạm bạc.
 
Cô này vừa có cả thanh lẫn sắc, sự lo ngại và lòng ganh tỵ của tôi lại bốc lên ngùn ngụt dù đang đứng trước tượng Ngài  Quán Thế Âm với dung nghi đầy lòng từ bi hỷ xả. Chưa kịp phản ứng thì chồng tôi lại lên tiếng:
 
- Vâng! Chúng tôi sẵn lòng chứ, tôi thích ăn cơm chay ở chùa lắm. Nhớ hồi nhỏ được mẹ đưa đi hoài. Chùa làm món gì cũng ngon cả.
 
Tôi lại có cảm tưởng công lao dậy sớm trang điểm cả tiếng đồng hồ, bộ đồ sang trọng và những thứ trang sức đắt tiền trên người tôi chẳng có một chút ảnh hưởng nào với chồng mà toàn bộ sự chú ý của anh đã dồn hết vào bộ đồ lam và khuôn mặt rạng rỡ tươi thắm kìa. Chẳng lẽ lại “nhức đầu“ thêm lần nữa dù tôi cảm thấy mình hình như đang lên cơn thoạt nóng thoạt lạnh. Giọng người thiếu phụ trẻ chợt có vẻ quan tâm lo lắng:
 
- Em  thấy chị nhà có vẻ không được khỏe. Chị ơi! Vào nhà khách uống ly trà nóng nghỉ một chút đi!
 
Dòng suối trong veo hiền hòa chảy vào đám lửa sân si đang ngùn ngụt trong lòng tôi. Đôi mắt dịu dàng thành thật của cô như thôi miên tôi ngoan ngoãn đi theo, nhận ly trà nóng thơm ngát ngọt ngào từ tay cô, tôi dần dần bình tĩnh lại.
 
Câu chuyện càng lúc càng có chiều hướng thân tình hơn. Cô tỏ ý rất vui khi biết chúng tôi là dân Việt cư ngụ tại Châu Âu. Cô kể mình đã từng đi du lịch Châu Âu nhiều lần và rất thích phong cảnh lãng mạn, cổ kính, trữ tình bên đó. Cô khen ngợi người Việt Nam sống tại các nước Tây âu đều rất có phong cách, dễ thương, chân thật, hiền hòa và an phận. Trong lúc nói chuyện, cô chăm chú nhìn thẳng vào tôi rồi lắng nghe tôi nói với một thái độ đầy tôn trọng. Nhìn vào đôi mắt tràn đầy tình thương mến của cô, không hiểu sao tôi cứ có cảm tưởng chồng mình cũng đang nhìn cô như vậy.
 
Sao bữa cơm trưa, cô ngỏ ý mời chúng tôi đến thăm nhà cũng gần chùa. Lần này, không đợi chồng lên tiếng tôi vội vàng đồng ý ngay. Căn hộ của một người đàn bà trẻ độc thân khá xinh xắn thanh lịch gọn gàng và rất tao nhã chứng tỏ chủ nhân là một người có nội tâm phong phú và tâm hồn lãng mạn. Từ giã nhau, cô đưa tôi tấm danh thiếp với lời mời hẹn ngày gặp lại. Cô là một nhân viên bán hàng mỹ phẩm cao cấp cho một công ty tên tuổi. Tôi vội hỏi những loại mỹ phẩm nào làm cho cô trẻ đẹp đến thế. Cô ngượng ngùng cúi đầu:
 
- Thú thật với chị! Em không dùng mỹ phẩm thường xuyên. Em toàn ăn rau và trái cây, thời gian rảnh, em không hề săn sóc sắc đẹp mà chỉ tập trung cho việc niệm Phật, ngồi thiền và nghe giảng Pháp.
 
Bao nhiêu lo ngại, ghen tức, đố kỵ trong lòng tôi bay biến như một quả bóng xì hơi. Đôi mắt cô nhìn tôi trong trẻo, đẹp lạ lùng. Một thoáng thôi tôi tự nghĩ: ”Nếu mình mà là đàn ông chắc mình cũng…”
 
Chuyện xảy ra cách đây đã hơn một năm và tưởng như đi vào quên lãng. Chúng tôi trở về nhà. Những ngày hưu trí lê tê lại bắt đầu. Cả hai lại vui đầu vào hai Thế giới ảo của riêng mình trên mạng internet. Cho đến một ngày chồng tôi đi họp mặt cuối tuần với các bạn học cũ tại một nước láng giềng bên cạnh. Tôi đã quen với những ngày như thế này hoặc những lần anh đi công tác xa nên chẳng hề bận tâm.
 
Buổi chiều ở nhà rảnh rỗi và như có một động lực gì đó vô tình xui khiến tôi đi vào phòng làm việc của chồng mở máy vi tính và tìm đọc những trang thư của anh trên mạng. Cái gì thế này? Tim tôi dường như ngừng đập, đầu óc choáng váng. Tôi phải thở mấy hơi thật dài thật sâu để trấn tĩnh lại tinh thần. Trên một trang thư hình ảnh người thiếu phụ trẻ “nữ sinh Gia Long đẹp mơ màng diễm ảo với những bài thơ của Đinh Hùng, Nguyên Sa, và của cả chủ nhân  đầy tình tứ lãng mạn, say đắm, ngọt ngào. Tôi lấy hết bình tĩnh ngồi đọc từ đầu. Phải công nhận là những dòng thư ban đầu của Phượng Kiều (thật tên cũng đẹp như người) không hề ẩn chứa chút tình yêu nào với chồng tôi cả. Toàn những chuyện trời mây, trăng, nước vô thưởng vô phạt, thậm chí cả chuyện đạo chuyện chính trị, chuyện văn chương, ẩm thực. Nhưng những dòng thư của chồng tôi thì dường như ý tứ khá lộ liễu về cảm tình sâu đậm của anh dành cho cô. Dù sao thì tôi cũng công nhận rằng hai người họ rất hợp nhau như một đôi bạn tri âm tri kỷ.
 
Đọc hết cả tiếng đồng hồ cũng chẳng phát hiện ra người đẹp có yêu hay thích chồng mình không? Tôi chán nản toan bỏ cuộc để đi xem phim bộ tiếp thì đột nhiên đọc đến một lá thư sau cùng của chồng mình gởi cho Phượng Kiều. Mở đầu bằng bức ảnh anh chụp cô cách đây hơn một năm về trước với lời thú nhận rằng anh đã yêu em ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ. Em đâu hay biết phải không?
 
Tâm hồn bấn loạn, đầu óc tôi hoang mang nghĩ ngay đến vấn đề ly dị .Trong tư tưởng của tôi lúc đó chồng mình là một gã đàn ông đầy đủ những gì xấu xa tồi tệ nhất trên đời, còn cô nàng kia là một con hồ ly tinh chính hiệu Hoa Kỳ (!). Tôi lục tủ lấy ra một tờ giấy vội vàng viết ngay một lá đơn ly dị tự mình ký tên một bên và chừa lại một bên kia chờ chồng về ký. Tôi điên cuồng lồng lộn lên trong căn nhà hoang vắng suy tính cách chia của thế nào cho chồng mình thiệt thòi nhất. Đôi ba lần nhấc điện thoại lên định tố anh cho tất cả bạn bè, con cái, thân tộc biết tội lỗi tày trời của anh, nhưng cuối cùng lại bỏ máy xuống rồi ôm mặt khóc sướt mướt, nức nở như chưa bao giờ được khóc trong đời. Chẳng còn lòng dạ nào ăn uống tôi đi tìm thuốc nhức đầu và ngủ thiếp đi trong cơn mộng mị kỳ quái hỗn loạn. Hình ảnh rõ ràng nhất trong giấc mộng là cảnh gia đình hạnh phúc của nhà hàng xóm và cặp uyên ương đang yêu nhau đó chính là chồng tôi và Phượng Kiều.
 
Tôi hét lên không chấp nhận được sự thật cay đắng này và choàng tỉnh dậy lúc trời còn tờ mờ sáng. Không thể ngủ tiếp được nữa, tôi vào phòng tắm định rửa mặt cho tỉnh để tìm mưu tính kế. Nhìn vào gương tôi chợt hoảng hốt: Trời ơi! Đó là gương mặt tôi sao? Chỉ có qua một ngày đau khổ mà nó trở nên tàn tạ thảm thương, sự bình an biến mất chỉ có nét hận thù, độc ác hiện lên làm tôi còn phải rùng mình.
 
Nghĩ rằng không thể ở lại căn nhà này được nữa, dù ngày mai anh sẽ về. Tôi toàn tính đến ở với các con nhưng sực nhớ chúng nó đều có bạn, đến trong hoàn cảnh này thì chỉ làm khổ cho chúng mà thôi. Đột nhiên, tôi nhớ đến một cô bạn không thân lắm đang là quả phụ mấy năm rồi, cô này có thể tin cậy được. Thế là tôi sắp đồ vào vali với trái tim tan nát, ê chề, trước khi đi, tôi quyết định gửi cho chồng và… Hồ ly tinh một lá thư với những lời lẽ cay nghiệt nhất thì mới hả dạ. Tôi mở máy và sửng sốt khi nhận được thư trả lời của Phượng Kiều sau một tuần chồng tôi tỏ tình với cô.
 
Anh thân mến!
 
Em đã đọc đi đọc lại lá thư anh gửi tuần trước, tâm tình của anh em rất hiểu. Thật ra, em đã hiểu ngay từ lần đầu tiên khi anh hối hả chạy đến bên em khẩn khoản xin được chụp một tấm hình để nhớ lại thời vàng son mơ mộng của tà áo dài nữ sinh Gia Long dạo nào. Hôm đó cũng có vài người đến xin chụp ảnh nhưng em từ chối, không hiểu sao khi nhìn thẳng vào mắt anh, có một động lực gì đó lạ lùng thôi miên làm em đồng ý lời đề nghị của anh ngay lập tức. Chụp hình xong, em định bỏ đi, ánh mắt anh đăm đăm nhìn làm em thật sự cảm thấy xao động. Em quay lại đưa anh tấm danh thiếp, hành động như một quán tính lạ lùng chứ không phải do lý trí quyết định. Em vội vã bỏ đi như chạy, em sợ mà cũng chẳng biết mình đang sợ hãi cái gì? 
 
Hôm sau, em gặp anh tại chùa và từ đó biết anh đã có chị. Lại một lần nữa, em có một cảm giác lạ lùng như đã nhìn thấy chị ở đâu đó và từ bao giờ rồi. Chị rất dễ thương và hiền hậu, nhưng hôm đó, em đọc trong ánh mắt sự lo lắng, sợ hãi và hình như có vẻ oán trách khi chị nhìn em. Ánh mắt đó làm em hiểu ra rằng cả ba chúng ta đang lâm vào hoàn cảnh oan trái. Tự nhiên, em thấy xót thương và tràn đầy lòng thông cảm với chị. Anh có để ý là suốt những cuộc trò chuyện, em chỉ nhìn vào chị thôi không? Tuy vậy, em cũng biết rất rõ anh đang nhìn em và tâm tình anh lúc đó ra sao rồi. Em nghĩ rằng chị chắc chắn không ghét bỏ gì em nhưng linh cảm của người vợ bắt chị ấy phải ném đi danh thiếp mà em trao để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Chị cũng như rất nhiều người khác trên đời không thể tưởng tượng và hiểu rằng mỗi người trong chúng ta dù là Vua Chúa, Tổng Thống, người thông minh vĩ đại, đại thương gia, nhà khoa học lỗi lạc thiên tài cũng không thể thay đổi được luật nhân quả và đều bị nghiệp lực chi phối. Nghiệp này khi hội đủ nhân duyên sẽ cho ra hoa trái mà không cách nào cản trở được. Chị thủ tiêu tấm danh thiếp nhưng không ngờ nó nằm trong túi áo anh, chị đã quên đi chuyện cũ nhưng không ngờ em lại ở ngay trong tâm thức của anh. Đúng! Chúng ta đã có nhân duyên tiền kiếp, nhưng kiếp này hữu duyên vô phận. Thực tế là cả hai chúng ta đều bám rễ quá sâu vào đời sống này. Cả hai đều thừa biết không bao giờ có can đảm rời bỏ môi trường sống đã quá quen thuộc với mình trong bao tháng năm dài để đến với người kia.
 
Quan niệm của riêng em là tình yêu nên đi kèm hạnh phúc, nếu có dính dáng đến đau khổ thì nó sẽ không còn đẹp và trong sáng nữa. Nếu mình yêu nhau càng sâu đậm, ý tưởng đầu tiên là chiếm hữu và trong trường hợp của mình thì làm khổ lây ra biết bao người khác. Chị ấy khổ đã đành, còn các con thì sao? Liệu chúng nó có đột ngột chấp nhận kẻ làm khổ mẹ chúng không? Rồi anh cũng sẽ rơi vào mớ bòng bong này và cũng khổ theo vì tự nhiên bị mất tất cả, phải rời bỏ căn biệt thự khang trang để cuối cùng về sống vật vờ trong căn hộ bé xíu của em ư? Với đời sống đầy hối tiếc sau này liệu cả hai chúng ta có còn mơ mộng, có còn yêu nhau như thuở ban đầu nữa không? Anh không phải là một Phật tử thuần thành nhưng mà em! Từ lâu rồi em không có kẻ thù vì em học và thực hành câu: ”Oan gia nên giải không nên kết” mà Đức Phật đã dạy.
 
Em dù có yêu anh bao nhiêu đi nữa sao bằng được mấy chục năm tận tụy của chị dành cho chồng con. Khi nhìn chị lần đầu tiên, em biết rất rõ chị là một người vợ hiền, đảm đang và rất mực chiều chồng. Anh suy nghĩ kỹ đi! Những món ăn mà chị nấu cho anh bao năm trời liệu anh có quên được không? Đó là nói đến chuyện rất nhỏ thôi, còn biết bao những săn sóc chu đáo khác nữa, cả những thói quen của anh mà chỉ có chị hiểu và đáp ứng được. Liệu có tình yêu nào lấp đầy chỗ trống ấy không?
 
Anh yêu em thật ra chỉ yêu cái hình ảnh ảo về nữ sinh Gia Long thuở xa xưa mà thôi. Rồi em sẽ trở thành như chị bởi vì dù em có đi hết các thẩm mỹ viện trên thế giới, em cũng không thể tránh được sự tàn phá ghê gớm của thời gian, anh có nghĩ đến vấn đề này không?
 
Cuối cùng, điều mà cả hai ta tưởng như kinh thiên động địa hoặc đẹp như một bầu trời xanh cao vời vợi lại trở nên tầm thường trống rỗng, vô vị, chỉ còn lại ân hận, hối tiếc mà thôi. Người ta thường là như vậy khi ngồi ở dưới mặt đất thì mơ mộng được bay bổng lên mây xanh nhưng khi được lên mây xanh vài tiếng đồng hồ lại muốn trở về ngay về mặt đất có phải không?
 
Anh thấy đó! Em đã nói rất thật lòng và em tin là anh hiểu vì anh là người rất thông minh. Hãy giữ nguyên một tình anh em, bạn bè trong sáng như xưa, hãy nhìn lại thực tế của đời thường và yêu quý, tìm hiểu chị như những ngày đầu tiên gặp gỡ! Nếu anh biết rằng yêu và thông cảm cho chị chính là yêu em, chính là vì  em và làm cho em vậy.
   
Không biết từ bao giờ, nước mắt tôi rơi như mưa nhưng không phải là những giọt lệ đau khổ, uất ức mà là từ lòng hối hận, yêu thương và tràn đầy kính trọng của tôi dành cho người mà cách đây vài phút là một con hồ ly tinh chính hiệu Hoa Kỳ (?) Tôi đã không lầm người, trời ơi! Lần đầu tiên tôi cảm thấy thế nào là tình yêu chân chính, tình yêu của lòng nhân ái, vị tha, cảm thông sâu sắc. Lòng tin về Đức Phật từ bi và giáo pháp của Ngài đã nhen nhúm trong lòng tôi từ từ trở nên mãnh liệt bởi vì Phượng Kiều một tấm gương sống động về một người Phật tử học và hành theo giáo pháp. Nếu ai cũng như cô thì thế giới này chẳng có chiến tranh. Nước mắt tôi vẫn rơi ướt đẫm cả tờ đơn ly dị  làm những dòng chữ trở nên nhoè nhoẹt. Tôi xé vội tờ giấy oan gia ấy vất vào sọt rác, lau khô nước mắt, lấy ra một tờ giấy khác chép lại địa chỉ email của Phượng Kiều với ý định tha thiết mời cô sang nhà mình chơi ít lâu rồi nhờ cô hướng dẫn cho tôi con đường vào đạo. Tôi mở vali xếp lại quần áo vào tủ, suy nghĩ xem làm món gì chồng mình thích nhất vì ngày mai anh về rồi.       
 
Tôi mở tung cánh cửa, bước ra vườn thở bầu không khí trong lành, tươi mát, say sưa ngắm những bông hồng xinh đẹp đang khoe sắc trong ánh nắng đầu hè chan hòa. Trong tim tôi hình như cũng đang nở ra những đóa hoa tươi thắm tràn đầy tình yêu thương, hạnh phúc.
            
Thi Thi Hồng Ngọc
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com