
Thúy Vy bước vào nhà, đặt chiếc vali nhỏ vào một góc, anh tài xế taxi kệ nệ khiêng giúp cô hai gói hành lý nặng nề khác xuống để bên cạnh. Cô ngỏ lời cảm ơn rồi ân cần hỏi:
– Năm ni người ta về đây chắc đông, anh cũng kiếm được chút hỉ?
– Đỡ đỡ thui cô nợ! Chắc tui kiếm thêm chút rồi chạy lo dịch vụ qua bên Anh theo thằng em họ đi làm ăn coi bộ khá hơn.
Thúy Vy giật mình khi nghe anh tài xế taxi hồn nhiên tâm sự. Qua nước Anh mà làm ăn khá, nhanh có tiền thì chỉ có nước… đi trồng cỏ cần sa chứ còn con đường nào khác? Nhưng thôi chuyện đó thường quá, cả làng này ai mà chẳng biết dù chẳng ai nói ra. Anh tài xế đi rồi, Thúy Vy mới kéo va li vào nhà trong vừa đi vừa gọi:
- Con về nì! Ba mạ mô rứa?
Bình thường mỗi lần về, cô toàn báo tin trước cho cả nhà biết nhưng bao giờ đi đón cô thì gần như cả dòng cả họ ngồi gần chật hết chiếc xe 24 chỗ. Mọi người rảnh rỗi quá mà, với lại ai cũng thích “Việt kiều“ về quê mặc dù Việt kiều này ra ngoại quốc chỉ là một công nhân bình thường, cày hùng hục như trâu để thoát khỏi cảnh quê khó khăn nghèo đói. Mẹ cô từ nhà sau vội vàng chạy ra rối rít mừng rỡ:
- Chu choa! Sao con ni về chừ không báo cho ba mạ biết?
Cô ôm mẹ dịu dàng hỏi:
– Mạ khỏe không? Ba với thằng Tính đi mô rứa? Con muốn cả nhà bất ngờ nên không báo trước
– Ba qua ăn tân gia nhà bác Quang. Con bác hai đứa đi làm xây dựng bên Đức, khá lắm, mới gửi tiền cho bác xây nhà lớn đó.Thằng Tính chạy xe hợp đồng trên Vinh chắc mai mới về chừ.
Cô lo lắng nhìn mẹ:
- Con nghe nói thằng Tính làm ăn dạo ni bết lắm hả mạ?
Bà ngập ngừng nói nho nhỏ:
- Ừ! Mạ có biết chi mô. Nghe nói nó đã bán bớt một chiếc xe hơi rồi.
Thúy Vy thở dài, tội nghiệp tuổi mới 24 mà nhìn cô chững chạc già dặn như một người đang ở tuổi 30. Mình cô gánh cả gia đình khốn khổ như bao nhiêu thanh niên thiếu nữ ở cái xứ Nghệ Tĩnh khô cằn sỏi đá này. 18 tuổi cô đã sang Đài Loan đi lao động để xây lại cho gia đình một căn nhà tươm tất. Hết hợp đồng ba năm ở Đài Loan, cô lại tiếp tục ký thêm hợp đồng hai năm sang Hàn Quốc lao động, trở về thì lại tìm cửa sang Nhật đi làm. Nhà cửa càng cao, càng rộng, em cô tạo xe, sắm mọi tiện nghi đầy đủ, thân cô càng tiều tụy gầy mòn. Cả làng này còn có đứa thanh niên nào ở nhà nữa đâu, nhà nào cũng như một biệt thự số thu nhỏ nhưng toàn ông già bà lão, đồng ruộng hoang tàn như trong thời chiến tranh vậy. Nếu không ra nước ngoài lao động thì cũng đi trồng cần sa, lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan hoặc là vào Vũng Tàu, Sài Gòn, Hà Nội lập nghiệp. Hạng chót là ra Vinh thành phố gần nhất để mưu sinh. Trời ơi! Bác Hồ nếu còn đến bây giờ chắc cũng chả chịu sống ở quê đâu, chắc là bác cũng đi “xuất khẩu lao động” như các cháu ngoan của bác thôi (?).
Rửa mặt cho mát xong, Thúy Vy vào bếp phụ mẹ làm cơm. Hai mẹ con chuyện trò về thân phận của bà con hàng xóm hiện tại.
– Vy nì! Con còn nhớ thằng cu Thiêu con ông Cừ không?
– Ông Cừ ở cuối xóm nhà mình phải không mạ?
– Ừ! Tội nghiệp lắm, nó đi đường rừng vượt biên qua đến Đức làm xây dựng gì đó. Rồi nó không có giấy tờ mà bị mắc bệnh ung thư chết bên nớ. Người ta quyên tiền chở xác nó về. Nợ nần còn một mớ chưa trả được.
Thúy Vy ngậm ngùi nhớ lại hình ảnh người thanh niên gầy gò hiền lành chịu khó cả xóm ai cũng quý vì cái tính dễ dãi ai nhờ gì cũng làm. Vậy số phận sao mà… cô ngập ngừng hỏi mẹ:
- Vậy…vậy… con nhỏ Thúy em của anh Thiêu ra răng rồi hả mạ?
Cô vẫn không quên được cô em gái dễ thương xinh đẹp của Thiêu, người mà ngày xưa từng là ”tình địch” của cô trong mối tình đầu. Mẹ cô im lặng một lát rồi đưa tay chậm nước mắt nói nhỏ:
– Nó vào Sài Gòn, lấy chồng Hàn Quốc rồi không biết sao bị chồng nó đánh chết, hủ cốt năm ngoái mới đưa về.
– Răng khổ rứa hả mạ? Thúy Vy sững sờ kêu lên.
– Ừ! – Mẹ cô ngậm ngùi tiếp – Cả làng này ai cũng có nhà to, đẹp, nhưng nhà ai cũng được xây lên bằng máu và nước mắt đó con nợ! Tội nhất là vợ chồng chú Cầu: hai thằng con nghe dịch vụ chi chi rứa, qua nước ngoài trồng cần sa, bị bắt bỏ tù cả hai. Con bé Út cũng chạy được đường dây qua Nga, rồi qua Đức đi giữ trẻ, rồi đẻ đứa con để được nhận ở lại. Ai chừ, thằng chồng giả của nó hết làm tiền rồi lại bắt thằng chồng thật của nó đưa vợ đến nhà nạp mình mỗi tuần một lần.
Thúy Vy rùng mình mở to mắt nhìn mẹ kêu lên:
- Ghê rứa mạ! Răng mà nhỏ Út nỏ chịu đi hợp tác lao động như con có phải đỡ hơn không?
Mẹ cô thở dài:
- Hai anh nó ở tù, tiền đâu mà chạy dịch vụ như con? Ban đầu nó vô Sài Gòn làm quán gì nớ, kiếm vừa đủ để đi. Nhưng dù sao nó còn đỡ hơn con bé Hoa nhà thím Xinh.
Thúy Vy kinh hãi nhìn mẹ khẽ hỏi:
– Nhỏ Hoa bị răng rứa mạ?
– Nó lấy chồng Trung Quốc không phải lấy một thằng mà lấy… cả họ. Nó mới tự tử chết, hôm qua là 49 ngày của nó.
Thúy Vy ngồi phịch xuống sàn nhà, nước mắt chảy dài. Ôi trời! Sao bạn bè của cô long đong lận đận thế? Sao làng quê của cô khốn khổ khốn nạn đến dường này? Tối hôm đó dù mẹ chiều cô làm đủ những thứ đồ ăn mà cô thích nhưng cô vẫn cảm thấy như mình đang nuốt vào sỏi đá. Ba cô lo lắng nhìn đứa con gái yêu ôn tồn hỏi:
- Nhìn con nỏ vui hỉ! Thôi thì hết hợp đồng đi Nhật con ở nhà với ba mạ. Con vất vả mấy năm nay, bi chừ nhà mình bây giờ cũng đỡ rồi.
Thúy Vy buông đũa phân trần:
- Anh Tô có nhắn tin cho con hồi còn ở bên Nhật nì: Có đường dây đi làm bên Anh nỏ phải đi ”trồng cỏ” mô. Nghe nói lương cao việc nhẹ, con quyết định đi nữa.
Mẹ cô lo lắng vội vàng khuyên:
- Mạ nghe Huyện mình có mấy vụ xe chở người qua bên Anh bị chết giữa đường đó con nợ! Con suy nghĩ cẩn thận chưa? Liệu anh Tô nớ có tin được không?
Thúy Vy nắm tay mẹ trấn an:
– Tin chớ! Anh Tô ni lo cho con mấy vụ rồi, mạ yên tâm!
– Tùy con thôi! Ba mạ già rồi, miễn là tụi con yên ổn. Nhà mình rộng như rứa, ăn uống nó bi nhiêu, con cái lại đi hết…
Thúy Vy ái ngại nhìn vẻ buồn rầu của cha mẹ nhưng cô biết bây giờ ở quê thì chỉ có nước tự sát từ từ. Lứa tuổi của cô giờ chẳng còn ai, làm gì cũng chẳng ra tiền, đời sống buồn tẻ, khí hậu khắc nghiệt. Mấy cha có chức có quyền rảnh rỗi thì săm soi gái nhà lành có nhan sắc.
- Ba mạ để con đi! Chuyến này làm ăn được, con về lo cho thằng Út nhà mình đi luôn. Ở nhà, nó ăn chơi nhiều chả mấy chốc mà tiêu tán sự nghiệp.
Nhắc đến thằng con trai bất tài vô dụng, ông bà đành đầu hàng xuôi theo mọi ý muốn của cô.
– Bao giờ thì con đi lại?
– Con ở nhà vài tháng lo giấy tờ đã.
Sau bữa cơm, cô ra sân vườn ngắm nghía đám hoa, bụi rau sau hè. Tự nhiên cô nhớ tha thiết đến những đóa hoa hồng lộng lẫy xinh đẹp nơi xứ người mà cô đã từng nhìn qua. Đất quê cô không biết có trồng được hoa hồng hay không? Dân quê cô cả đời chẳng biết hoa hồng là gì. Cô nghĩ bụng kỳ này sẽ đem giống hoa hồng về quê trồng để cha mẹ cô nhìn cho vui mắt. Nhà cô sẽ đẹp nhất làng vì vườn hoa hồng đủ màu lộng lẫy. Ít lâu sau, giấy tờ hoàn tất, cậu em phải bán nốt chiếc xe để có đủ tiền cho dịch vụ. Cậu tin tưởng chị đi được rồi sẽ lo cho mình cũng ra nước ngoài, rồi mình sẽ chẳng thua kém ai trong cái huyện này. Tiễn Thúy Vy đi, lại một xe hơi 24 chỗ đầy bà con hàng xóm. Mọi người cười nói hân hoan chúc tụng cô tới tấp, ai cũng trêu đùa chờ ngày cô đi một sẽ… về ba.
Cô đi và cuối cùng ra đi vĩnh viễn. Chuyến xe oan nghiệt chở người lậu từ Pháp qua Anh bị tắc đường, tài xế mở nhiệt độ thật thấp ở kho lạnh đằng sau. Để cuối cùng khi bị kiểm tra thì hỡi ôi! 39 thân người khỏa thân chết cứng trong kho lạnh sau xe trong đó có Thúy Vy.
Từ Pháp qua Anh đoạn đường đó có nhiều hoa hồng nhưng cô không bao giờ còn được trông thấy nữa. Xác cô được đưa về quê cũ, hoa hồng nhỏ lệ xót thương.
Thi Thi Hồng Ngọc
2021