
- Bố! Bố! Thức dậy đi ăn sáng!
An lay nhè nhẹ vừa đủ đánh thức tôi.
- Mấy giờ rồi!?
Tôi hỏi trổng không vừa hé mắt nhìn ra ngoài balcony. Từ khi tàu rời bến Passageiros de Santa Apolonia ở Lisbon đến giờ tôi không biết chính xác đang ở đâu, lúc nào, ngoại trừ khi đến bến đầu tiên tại Ponta Delgada, Azores, Portugal lúc11 giờ sáng ngày Thứ Ba 1 tháng 11, 2022. Tôi nhớ ngày giờ này vì gồm các con số thật đặc biệt!


Thấm thoát An và tôi rời nhà gần một tuần lễ. Lang thang mấy ngày ngoài phi trường, lo sốt vó vì đường bay trì trệ, đổi chuyến bay, cho đến lúc phi cơ đáp tại Lisbon mới yên tâm, và khi lên tàu chờ khởi hành mới thở phào nhẹ nhõm.
Một ngày sống tại Lisbon không là bao nhưng cũng có cơ hội thăm viếng vài nơi như dự định, thưởng thức vài món và nhất là hương vị cà phê au crème thì không thể nào quên được. Dân chúng ở đây thật lịch sự, những người chúng tôi tiếp xúc đều thông thạo Anh ngữ; nhờ vậy tôi không phải thi thố vốn liếng tiếng Bồ Đào Nha trong-bụm-tay mà tôi học qua Google để chuẩn bị cho chuyến đi!
Vì cơn bão bất chợt tháng Mười Một này nên theo lịch trình chuyến đi phải hủy bỏ trạm dừng tại đảo Praia Da Vitoria, Azores, cách trạm dừng đầu tiên một ngày hải hành và chúng tôi đành chịu thêm một ngày lênh đênh.
Giờ đây con tàu lắc lư lướt sóng.
Chân trời ửng hồng nhả khối lửa đỏ ối.
Đại dương thức giấc.
Bình minh vừa lố dạng.
Một ngày mới bắt đầu.
- Mặt trời mọc rồi Bố! An nhoẻn miệng đáp với nụ cười cố hữu đầu ngày.
An hay gọi tôi là "Bố" từ ngày hai đứa thân nhau. Tôi không cảm thấy già bởi tiếng gọi "Bố" của cô "Bắc kỳ nho nhỏ", nhưng thấy ấm áp, bớt lẻ loi khi có An bên cạnh dù tư bề vắng lặng, ngoại trừ mường tượng tiếng sóng vỗ quanh tàu. Tôi không cảm thấy ngày dài lê thê nhàm chán dù mấy ngày qua chúng tôi bị "nhốt" trên tàu, mà ngoài khung cửa không một bóng hải âu. Nhìn bản đồ hải hành trên TV, hình ảnh con tàu cô đơn vây quanh bởi sóng nước trùng dương, miệt mài băng qua rặng núi ngầm Mid-Atlantic Ridge hướng Bắc-Nam ngăn đôi hai lục địa Mỹ và Phi châu. Cũng tuyến hải hành tương tự cách nay nhiều thế kỷ đã mang người Châu phi và Âu châu đầu tiên sang lục địa Tân thế giới làm thay đổi cuộc sống dân bản xứ.
- B... ố! Thay đồ kẽo trễ ăn sáng, mấy ngày nay nhớ món trứng luộc với trái cây tươi!
An kéo dài lê thê tiếng Bố. Tiếng An giục đem tôi về thực tại, uể oải ra khỏi giường nhưng lòng còn luyến tiếc. Dạo này không mấy thuở tôi dậy sớm nhất là khi lênh đênh trên biển, thế nên thường ăn sáng và uống thuốc trị đủ thứ bệnh già vào khoảng gần trưa.

Tôi lẽo đẽo theo An lên phòng ăn.
Nhờ có An nên tôi không lo trễ thang máy. Tiếng "đinh-đoong" báo hiệu thang máy tôi đã bỏ ngoài tai từ lâu vì bệnh điếc lác; nhờ vậy nên cũng chẳng buồn nghe sự đời lắm điều "trái tai". Tôi chẳng biết căn bệnh này mắc phải từ lúc nào nhưng ngày càng trở nặng, nhất là sau khi bị heart attack lần thứ nhì cách nay khoảng hơn hai năm. Cũng vì lãng tai nên khi cùng bạn bè chuyện vãn, tôi vô tình với dáng như rất chăm chú theo dõi câu chuyện mà An kể lại nhiều lần bắt gặp. Dần dà tôi mất đi cái thú nghe tiếng chuông-gió trầm bổng sau nhà, tiếng mưa tí tách phát ra từ lò sưởi, tiếng gió hú những hôm giông bão... và cả tiếng thì thầm trong đêm.
Thính giác, thị giác xuống dốc thấy rõ theo tuổi thời gian. Tôi không còn nhận biết chính xác âm giai âm sắc khi thưởng thức bản nhạc hay, không thể vô đúng "tông" bản nhạc yêu thích dù máu văn nghệ vẫn đầy ắp trong tim. Dụng cụ trợ thính không thể thay thế những gì trời ban mà tôi đánh mất. Còn đôi mắt sau khi mổ catarack cách nay mấy năm thị giác đã được phục hồi. Tôi lại được ngắm ánh trăng thơ mộng, hoàng hôn trên đại dương, dáng con chim nhỏ lắc lư trên chót vót ngọn cây lô-quát sau nhà khi chiều xuống... nhưng lại nhìn thấy nhiều điều "gai mắt". Tôi tìm được những gì trời ban cho ánh mắt, nhưng sao nhìn thấu lòng người!
80 tuổi trời gồm, 33 tuổi thật nhiều kỷ niệm nơi quê hương thân yêu và, 47 năm nơi quê người chỉ với vài ba chuyện đáng nhớ. Tuổi đời càng cao nhưng vẫn còn lắm điều cần phải học trong chu kỳ làm người: học để sống với mầm móng nhiều căn bệnh, học để sống trong cơ thể mà sinh lực như ngọn đèn hiu hắt, học để chấp nhận ngũ giác quan thoái hóa và, học để biết im lặng đúng nghĩa là vàng như ông bà mình dạy. Và, "im lặng" còn là cách để sống bình an, là hy sinh tột cùng, là nhẫn nhịn, là không biết không nghe không thấy... mặc người giàu tưởng tượng khoác cho bất cứ áo nón nào họ thích.
Nhìn từng áng mây lang thang vô định!
Nhìn biển rộng mút mắt không bến bờ!
Nhìn từng đợt sóng lao xao không biết về đâu!
Lan man nghĩ ngợi mà ly cà phê đầu ngày giúp tôi tỉnh ngủ giờ nguội ngắt. Bên ngoài khung cửa sóng nước lô xô vỗ vào mạn tàu trắng xóa như bực mình vì con người làm xáo động cuộc sống lang thang vô định.
Tôi tìm được chỗ trong phòng ăn vừa để ngắm bình minh thiệt đẹp trên đại dương, vừa có dịp quan sát ông-đi-qua-bà-đi-lại, để rồi tí nữa đây sẽ "nhiều chuyện" với An về những gì tôi vừa tiếp nhận qua "bộ nhớ" của Bố-già ở ngưỡng cửa bát-thập.
Ai bảo "tám-mươi là khổ! tám mươi sướng lắm chứ!", như thuở nhỏ tôi thường nghĩ bướng "ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ", mỗi khi bị la rầy không lo ăn học lớn lên có nước đi...!
An mang thức ăn về bàn. Tôi lững thững đi lấy phần mình khi con tàu tròng trành trực chỉ phương Tây.
Ăn sáng với hai trứng luộc, một tô trái cây tươi gồm dưa tây, dưa hấu và khóm, mà An gọi là trái thơm. Ngồi bóc vỏ trứng luộc mà nhớ nước mắm ớt. Ước gì có chén cơm trắng ăn với trứng giầm nước mắm ớt thì không có thứ gì tôi chịu đổi, ngoại trừ chai bia và trứng vịt lộn thì "Già Bờm" này cười toe!
Quanh đây đa số là người đồng trang lứa, bởi không có việc gì cần phải làm, con cháu đã lớn khôn, bây giờ chúng tôi nghĩ đến thân phận như sung rụng không biết lúc nào, nên tận hưởng những đồng cắc còn lại của cuộc sống. Có lắm người còn nhàn rỗi hơn An và tôi, họ đọc sách, có bà đan áo không biết cho mình hay cháu chắt gì đây, có người vừa bảnh mắt đã họp bàn đánh cờ dominoes, chơi bài năm- mươi-hai lá, có người chăm chú vào cái tablet...
Tôi thầm ra dấu cho An "cụ ông cùng trang lứa" với tôi vận quần short để lộ cặp chân thật tội nghiệp; còn tôi thì chưa giám phô trương nó một phần vì tàu đang qua vùng trời còn lạnh, một phần vì bộ chân ống điếu của mình vừa được Cô-Vít thăm trước chuyến viễn du.
Con tàu tròng trành vì biển động.
Thực khách bước ngả bước nghiêng đi lấy thức ăn, vậy mà có người cho đó làm vui. Mấy ngày qua, tôi gặp nào "đồng hương" Texas, người "cùng xứ" ở West Virginia, một người khác trùng tên James vóc dáng giống ông bạn láng giềng bên cạnh đang coi chừng nhà giùm. Vợ chồng James đến từ Panama city ở cùng Double Tree hotel, Lisbon với An và tôi trước khi lên tàu.
Trên tàu thức ăn ê hề, tuy không cao lương mỹ vị, nhưng sáng-trưa-chiều-tối hay khuya lúc nào cũng có sẵn. Kể từ khi du lịch đường tàu, tôi thích ăn pizza vào lúc quá nửa đêm. Những người phục vụ trên tàu thật tận tụy. Trong khi du khách xuống bến ngoạn cảnh thì họ lo hoàn tất nhu cầu tiện ích, dọn dẹp phòng ốc để kịp khi khách trở về. Nếu đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, thì ánh mắt của họ chứa cả vùng trời quê hương. Không sự hy sinh nào có thể lượng giá, nhất là phải xa nhà để gia đình có được cuộc sống dễ chịu hơn. Họ là hiện thân của ba má tôi lúc sanh tiền cực khổ nuôi con; cũng như tôi trước đây tất bật ngày đêm làm lại cuộc đời nơi xứ lạ quê người sau khi quê hương đổ nát. Hình ảnh cô gái mảnh khảnh lau sàn tàu lúc nửa khuya khi ngoài trời mưa bão khiến tôi liên tưởng đến thời gian cơ cực của mình trong mấy tháng Hè tại bệnh viện trước đây.
Buổi ăn sáng xong!
An và tôi lững thững về phòng xem lại bản tin để tìm nơi lang thang cho hết một ngày trên đại dương. Hôm nay là ngày thứ năm chúng tôi bị "nhốt" trên tàu được gọi là "Fun day at sea!" thật ra không có gì "fun" vì những thứ tiêu khiển lâu ngày trở thành nhàm chán. Các show giải trí thường tẻ nhạt.
An và tôi rời phòng ngủ, im lặng bên nhau ngoài balcony nhìn trời nước mênh mông.
Mặt trời chưa lên cao.
Gió mạnh, biển động nhấp nhô từng đợt sóng vàng.
Ánh mắt tôi bị cuốn hút bởi không gian vô cùng!
Trong khi con tàu tìm về bến, tôi thả hồn lang thang theo đợt sóng, theo áng mây và hình dung vóc dáng từng người thân đã bỏ tôi đi. Họ mang theo một nửa kỷ niệm và tôi giữ một nửa cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, thì mớ kỷ niệm sẽ trở về số không đánh dấu cuộc sống con người bắt đầu và chấm dứt. Còn biết nhớ thương thực sự là hạnh phúc, bởi tiềm ẩn trong lòng còn biết mình là ai như sông có nguồn cội. Cuộc sống và định mệnh, thử hỏi mấy ai mong cưỡng lại những gì trời ban khi vào đời, bởi đây là cõi tạm "Đến trần truồng và đi vẫn tay không" (*).
Những ngày sống trên tàu là những ngày chúng tôi không phải lo cơm ngày hai buổi nồi-niêu-xoong-chảo hay dọn dẹp phòng ốc giường chõng. Xa nhà chỉ mấy hôm làm tôi nhớ các chậu hoa nơi sân trước, vườn sau; được chăm sóc chúng là niềm vui để thấy ngày bớt tẻ nhạt. Ngắm nhìn các đóa hoa tươi sắc để cảm nhận cuộc đời còn lắm niềm vui. Được chăm sóc các chậu hoa sắp bị vứt đi của các nơi bán cây cảnh là điều hạnh phúc. Nhìn chúng khởi sắc hồi sinh, tôi thầm ước có được phép nhiệm mầu để cứu những người thân yêu thoát khỏi tử thần. Thay vì vô vọng nhìn nhịp tim của nhà tôi, của con tôi chậm dần... chậm dần... đến khi biểu-tâm-đồ chỉ còn là đường thẳng xanh lè. Nhà tôi và con tôi thực sự trở về chốn bình yên thẳng hướng Tây Phương Cực Lạc hay một nơi vô định; không phải bôn ba trong cuộc sống như biểu đồ ngoằn ngoèo lên xuống lúc sanh tiền.
Nghĩ cho cùng, Sống cũng khổ mà chết cũng khó khăn!
Người y tá trực lạnh lùng tắt máy, rút dây nhợ lủng lẳng, đến cầm tay tôi an ủi:
- Sorry!
- Thank you! Tôi đáp nhẹ nhàng như hơi thở đủ cho mình nghe.
Tôi cảm thấy bất lực!
Từng giọt nước mắt khô chảy ngược vào tim mặn đắng!
Cô đơn mà không có ngôn từ nào diễn đạt đủ những điều mình đang gánh chịu!
Im lặng trong lúc này là nói lên thật nhiều xúc cảm với người thân vừa trút hơi thở cuối cùng!
Rồi họ đi về đâu! Bắt đầu cuộc sống mới, hay thiên đường vĩnh cửu!
Nụ hôn cuối cùng được đặt trên vầng trán không chút hơi ấm mà tôi hằng kinh nghiệm cho từng người thân ra đi!
Tất cả ập đến như thác lũ không thể chống đỡ.
Tôi lầm lì vì bỗng chốc quá khứ hiện về.
Ngoại cảnh mờ dần!!!
An trao tôi chiếc khăn và lặng lẽ siết tay tôi thật chặt. Hơi ấm chuyển từ từng đốt tay sưởi ấm lòng tôi thay cho lời nói vỗ về yêu thương. An nhìn tôi, mỉm cười hướng mắt về đôi chim nhỏ xíu đang rượt bắt nô đùa trên lượn sóng. Cuộc sống có đôi, không kể con người, chim muông, là điều luật tự nhiên của sinh vật trên địa cầu. Ngay cả đôi đũa ăn cơm mất một sẽ không làm nên việc, đôi dép tôi mang mất một sẽ trở thành khập khiễng...
Trở vào phòng, TV không có gì hay vì toàn chiếu đi chiếu lại mấy chương trình cũ rích. Chúng tôi tìm đến sport bar để may ra được xem Word serries baseball đang thời kỳ gay cấn khi rời Hoa Kỳ, nhưng ở đây toàn chiếu các trận soccer và, môn thể thao xa lạ rugby mà tôi đã phải xem mấy tháng trời khi công tác tại Nam Phi vào trước năm 2000, được gọi là Y2K.
An và tôi tình cờ đến khu bán đấu giá các bức tranh trưng bày trong phòng. Thảo nào tôi không thấy giá tiền khi tò mò muốn biết trị giá bức tranh mình ưa thích. Buổi đấu giá tranh vỏn vẹn khoảng một tiếng đồng hồ. Người tham dự chỉ gồm những người sưu tầm, khách "chơi tranh" và những ai tò mò như chúng tôi. Có nhiều bức tranh được thông qua thật nhanh vì không ai thích; có những bức khởi đầu bằng vài trăm đô, có bức bạc ngàn, rồi cứ thế tăng dần vì có nhiều người muốn sở hữu nó.
- Tiền đâu mà lắm thế! Tôi quay qua An thì thầm.
An ra dấu cho tôi đừng "linh tinh" vì quanh phòng đấu giá mọi người im phăng phắc rúc đầu thì thầm. Các bức tranh "có phước" được đưa đi khỏi phòng để đóng thùng ngay sau khi bán.
Rốt cục, hai đứa chia tay. An đi tìm mua vài món quà tặng bè bạn con cháu. Còn tôi thì đến thăm casino đầy khói thuốc. Tiếng leng keng của máy, tiếng ồn ào của các "tay chơi" quanh bàn craps. Màu sắc, âm thanh sôi động, làm cho máu cờ bạc trong người bốc khói. Đối với tôi, đi cruise mà không đến viếng casino là thiếu sót một góc cạnh sinh hoạt trên tàu. Tôi bắt đầu thử thời vận cho đến khi An tìm để cùng đi ăn vì tối nay là ngày elegant dinner là dịp để khách có dịp ăn vận lả lướt.

Sau mấy ngày "Fun day at sea!" nhàm chán. Sáng hôm sau tàu cập Royal Naval Dockyard, Bermuda. Nơi đây đã có một chiếc tàu khác bỏ neo từ sớm. Sở dĩ tôi chọn chuyến đi này cũng vì tò mò muốn đặt chân trên phần đất thuộc địa Anh từ đầu thế kỷ 17th với nhiều huyền thoại; trong khi An e dè vì nhiều chuyện bí ẩn về Bermuda Triangle. Và, hôm nay chúng tôi đến đây an toàn dù ngoài trời mưa gió vì cơn bão rớt Nichole. Bến tàu khang trang, trên đồi cao các dinh thự kiến trúc như bên Âu châu nhiều thế kỷ trước. Pháo đài phòng thủ trên mỏm hòn đảo thiết trí súng đồng đen hướng ra khơi như thi gan cùng những thách thức từ bên ngoài. Chúng tôi đội mưa xuống bến mua vài món quà, chụp vài bức ảnh kỷ niệm để ghi nhớ ngày đặt chân đến đây: Thứ Hai ngày 7 tháng 11, 2022.

Lại một ngày qua, các sinh hoạt trên tàu một ngày như mọi ngày, có bingo, show ca nhạc, TV ngoài trời quanh hồ bơi, karaoke, ... khi tàu rời bến để khách tiêu khiển sau một ngày họ lang thang trên đảo. Riêng comedy show thì không có trong sách vở của tôi chỉ vì thính giác mình bị khập khiễng, đến khi hiểu ra thì mọi người đã cười ồ từ lâu. Tom Cruise và "Top Gun: Maverich" là phim cuối cùng An và tôi xem trước khi rời tàu.
Màn đêm xuống khi mặt trời chìm dần trong sóng nước.
Con tàu hướng về vùng biển Caribbean mà chúng tôi đã nhiều lần đi qua. Sóng biển lô xô như đón chào người trở lại. Grand Turk là chặng dừng chân kế tiếp của cuộc hành trình. Sau đó tàu đến vùng Guantanamo Bay là nơi Hoa Kỳ giam giữ tù binh Al Qaeda, rồi dạ hành suốt đêm hướng Tây Bắc dọc theo hải phận Cuba.
Khi mặt trời ửng hồng phương Đông, tàu băng qua eo biển Havana và Key West, rồi chuyển hướng để sáng hôm sau cập bến Tampa là chặng cuối cùng sau gần hai tuần xuyên đại đương.
Hôm nay là buổi sáng cuối cùng của chuyến đi.
Ly chén nằm chỏng chơ trên bàn sau buổi ăn sáng.
Mặt trời lên cao.
Mớ rong biển lềnh bềnh mà mấy ngày qua không tìm đâu thấy.
Chúng tôi trở về vùng an toàn quen thuộc, rồi mai đây An và tôi sẽ gặp lại những gì đã bị chúng tôi tạm quên trong cuộc hành trình, dài với chúng tôi, nhưng ngắn so với đời người và không thấm gì với vũ trụ.

Tôi cảm thấy buồn vì phải xa con tàu và những người phục vụ. Du khách lên xuống tàu như con người trên chuyến xe cuộc đời. Một quãng đời đã qua và bao nhiêu chặng còn lại nào ai biết cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. An trao món quà nhỏ và chút hiện kim cho người dọn phòng Larry, thay lời cảm ơn anh đã giúp chúng tôi thoải mái suốt cuộc hành trình. Bao nhiêu năm được sống trên quê hương, bao nhiêu phần đất tôi đã đi qua, gót giày saut lê khắp cùng nẻo đường đất nước; rốt cuộc chỉ còn tấm thẻ bài theo tôi đến xứ lạ. Những phần đất, những vùng biển, núi cao, đô thị tôi đã đi qua nhưng không biết bao giờ có dịp trở lại. Thời gian không gian thay đổi nhanh đến không bắt kịp. Như chuyến đi này tôi thường không biết chính xác giờ giấc, đang ở đâu, lúc nào, vì tất cả di động; chỉ trông chờ vầng thái dương đánh dấu ngày vừa chấm dứt hay ngày mới bắt đầu để biết mình được sống thêm một ngày nữa. Và, giờ đây tàu lênh đênh trong vịnh Mexico ven biển Florida mà cách đây mấy hôm sóng gió tơi bời vì bão Nichole!
**
Những dòng chữ trên đây được viết khi tàu lênh đênh sóng nước, khi đầu óc miên man nghĩ về thân phận mình và vũ trụ bao la. Tâm sự như dòng nước bắt nguồn từ tim đến mười đầu ngón tay trải đầy trang labtop, như sông xuôi về biển rộng. Hình ảnh những người thân, quê hương, làng nước, ẩn hiện. Đại dương như gạch nối giữa nơi tôi đã sinh ra và nơi tôi đang sống. Sóng nước cho tôi bình an và nỗi ưu tư cũng dần dà tan biến. Đầu óc nhẹ nhàng như vừa thức giấc sau đêm ngủ yên với mộng đẹp. Đau nhức thể xác biến mất như có phép của chiếc đũa nhiệm mầu.
Cảm giác thoải mái như vừa đọc số huyết áp và nhịp tim mình trở lại bình thường. Tất cả dồn dập lấp đầy một quãng đời mình rồi phút chốc biến mất như giấc mơ, khi căn nhà thân yêu ẩn hiện trước mắt như đang ngóng đợi người thân trở về.
Và, Hôm nay Thanksgiving, cũng là ngày tôi bước vào đời binh nghiệp cách nay hơn sáu thập niên, đã biến cuộc sống thư sinh thành người lính biết hy sinh cho đồng đội, tổ quốc quê hương.
Giờ đây, nhìn những thứ mua làm kỷ niệm trước mắt, dù xa vạn dặm tôi vẫn hình dung được xuất xứ của nó; rõ ràng như tôi biết mình đến đây từ bên kia nửa vòng trái đất. Từ nay, đại dương không còn bị khuấy động bởi chúng tôi; sóng nước, rong biển, hải âu, những nơi chúng tôi đã đi qua được trả lại bình yên. Con tàu nhỏ xíu đã cho tôi cảm giác thênh thang trên biển. Hỏa tiễn Artemis vừa phóng khỏi địa cầu đã gởi về hình ảnh quả đất của chúng ta là trái cầu nhỏ nhắn xanh xanh dễ thương, trong đó có mảnh vườn sau nhà, có quê hương, có đại dương bát ngát tôi vừa đi qua, đang cưu mang gần 8 tỷ sinh linh; thế nhưng, hạnh phúc như đôi chim nhỏ mà An chỉ cho tôi thật khó tìm, và sinh hoạt hài hòa mà tôi kinh nghiệm trong thời gian trên tàu là món hàng xa xỉ! Hình ảnh đó, sự tương quan tương đối giữa con người, sự vật và vũ trụ giúp tôi chiêm nghiệm thêm về cuộc sống, và tự hỏi sẽ còn lại gì... phải chăng chỉ có tình yêu là vĩnh cửu?!
Không gian sao bao la
con người quá bé nhỏ
chưa bằng hạt cát phù sa
không bằng bụi mờ trong gió...
chưa bằng hạt cát phù sa
không bằng bụi mờ trong gió...
Chạnh nhớ về dĩ vãng
mất rồi còn đâu nữa quê hương ơi
và tuổi thơ
và nơi bắt đầu cuộc đời
giọt nước mắt này cho tấm thân côi cút
như con cháu sau này sẽ khóc tôi thôi
mất rồi còn đâu nữa quê hương ơi
và tuổi thơ
và nơi bắt đầu cuộc đời
giọt nước mắt này cho tấm thân côi cút
như con cháu sau này sẽ khóc tôi thôi
Tương lai! Ôi, mỉa mai xa lạ...
Còn hiện tại, cớ sao thẫn thờ...
tôi đang làm gì, hay im lặng ngồi chờ cam chịu
tôi sẽ còn lại gì, hay nhắm mắt đợi chờ giấc ngủ triền miên...
Còn hiện tại, cớ sao thẫn thờ...
tôi đang làm gì, hay im lặng ngồi chờ cam chịu
tôi sẽ còn lại gì, hay nhắm mắt đợi chờ giấc ngủ triền miên...
Nhưng kìa
nhìn trong mắt em
cả khung trời thu hẹp êm đềm
lặng thinh trong lời nói yêu thương
tôi thấy thiên đường vĩnh cửu...
nhìn trong mắt em
cả khung trời thu hẹp êm đềm
lặng thinh trong lời nói yêu thương
tôi thấy thiên đường vĩnh cửu...
(Trích "Sẽ Còn Lại Gì...", Phạm Văn Hòa)
Phạm Văn Hòa, 11/2022
(*) Mai Tôi Đi - Thái Thúc Hoàng Minh