Ban nhạc Bee & Butterfly hòa tấu bản Vườn Hoa Ong Bướm du dương và khiêu gợi đến nỗi đại biểu các tộc động vật đều đứng dậy và khiêu vũ ngay tại hội trường. Đại diện Mật Phong tộc là một Ong Chúa to lớn nhưng rất đẹp. Bà mặc áo màu vàng đen bay quanh hội trường như hãnh diện về dòng tộc mình. Khi bản Vườn Hoa Ong Bướm vừa dứt, các đại biểu vỗ tay vang dội. Ong Chúa cúi đầu chào và cảm ơn các đại biểu động vật. Bà mang cặp mắt kiến trắng xanh nhạt, rút bài tham luận trong túi ra và bắt đầu đọc.
***
Tôi là Ong Chúa dòng Mật Phong Địa Trung Hải. Người Việt Nam gọi chúng tôi là Ong hay văn vẻ hơn là Mật Phong tức Ong Mật. Người Anh gọi chúng tôi là Bee; người Pháp là abeille và người Trung Hoa là Mifeng (Mật Phong). Các nhà động vật học gắn tên La Tinh cho chúng tôi là Apis mellifera thuộc gia đình Apidae.
Loài Ong chúng tôi là loài côn trùng có cánh và bay xa được. Loài người quí chúng tôi chớ không ghê tởm như đối với các loài côn trùng khác vì chúng tôi sản xuất ra mật và sáp. Chúng tôi có liên hệ xa với kiến, mối và ruồi. Người Pháp há không gọi chúng tôi là Mouches a miel? Chữ mellifera (La Tinh) có nghĩa là mang theo mật.
Là côn trùng, vóc dáng chúng tôi rất nhỏ. Chiều dài của Mật Phong tộc lối 1- 1.5 cm. Thân hình chúng tôi phủ đầy lông với mắt thường có thể trông thấy được. Chúng tôi có ba cặp chân đầy lông lá và móng vuốt nhỏ nhưng nhọn và sắc bén. Cặp mắt chúng tôi như được cấu tạo bằng thủy tinh mầu. Dù vậy thị giác của chúng tôi rất kém. Chúng tôi mặc quần áo đen, xám, vàng tùy theo chi tộc. Chúng tôi có kim có nọc độc ở cuối thân mình. Đó là vũ khí của Mật Phong tộc. Hầu hết các thân tộc Mật Phong đều chích. Ong Mật cũng chích. Ong Vàng hay Ong Nghệ (Bumble Bee) Bombus lapidarius là loại Ong chích đau nhức nhất. Cũng có tộc không chích như Ong Giú.
Tuổi thọ của Mật Phong tộc rất ngắn: 120 ngày đến 150 ngày. Ong Đực sau khi giao tình với Ong Chúa thì chết ngay.
Xã hội Mật Phong tộc là xã hội có tổ chức, có chỉ huy và có giai cấp. Đó là xã hội mẫu hệ. Xã hội chia ra làm ba giai cấp:
1. Ong Chúa (Queen Bee) là mẹ của tất cả các Ong Con trong ổ. Tuổi thọ của Ong Chúa dài hơn tất cả: 2 năm đến 3 năm. Trong một ổ trung bình có từ 15,000 đến 20,000 Mật Phong nhưng chỉ có một Ong Chúa mà thôi. Nếu có hai Ong Chúa thì tổ sẽ loạn lên vì những cuộc tranh chấp quyền hành gây chết chóc khủng khiếp cho đến khi chỉ còn một Ong Chúa thắng trận mà thôi. Nếu Ong Chúa mất các Ong Thợ nữ nuôi một Ong Cái bằng Sữa Ong Chúa để chị Ong này phát triển khả năng sinh dục để sinh trứng nở ra ấu trùng và có đàn Ong con. Mỗi ngày Ong Chúa có thể sinh đến 1,500 trứng! Một ổ có từ 15,000- 20,000 đơn vị Mật Phong. Nếu ổ quá đông, thức ăn thiếu thốn nhất là vào mùa đông phấn hoa và mật hoa không có. Trong trường hợp đó một số Ong Đực bi đuổi ra khỏi ổ. Những anh nầy trở thành vô gia cư và vô lương thực nên chết nghẽo vào mùa đông rét buốt. Thường thường xảy ra những cuộc tranh giành quyền sống trong tổ khi có nạn nhân mãn trong tổ. Trong trạng thái thiên nhiên mỗi ổ Mật Phong có tối đa 20,000 Mật Phong thuộc đủ thành phần giai cấp. Ổ Ong nuôi ở nhà có đến 80,000 Mật Phong. Họ được nuôi bằng phấn hoa, mật hoa và bằng mật đường để sản xuất nhiều mật và sáp.
2. Ong Thợ (Worker Bee) đều là Ong Cái nhưng không biết thú yêu đương với các anh Ong Đực như Ong Chúa. Nhiệm vụ của Ong Thợ là lo xây ổ, làm sạch ổ, hút phấn hoa, mật hoa tạo ra mật, sáp, nuôi Ong Chúa và Ong Con trong ổ. Điều đặc biệt là những Ong Thợ nữ này có đẻ trứng dù không ái ân với Ong Đực. Ấu trùng của trứng nầy trở thành những Ong Đực không làm công tác truyền giống được.
3. Ong Đực (Drones) là những thành phần làm công tác truyền giống với Ong Chúa. Các anh ấy chết thê thảm trên không trung vì đấu đá nhau giành quyền ái ân với Ong Chúa. Chúng ta tạm gọi đó là những chuyến bay hôn vụ của các Ong Đực. Sau cùng Ong Đực chiến thắng yêu đương với Ong Chúa trên không rồi sau đó rời bỏ cõi đời.
Có bốn (04) loại Ong Mật:
a. Ong Mật nhỏ (Tiểu Mật Phong) ở vùng Đông Nam Á mang tên khoa học Apis florea.
b. Ong Mật vùng Đông Á như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản. Tên khoa hoc của loài Ong Mật này là Apis cerana. Người Trung Hoa sớm nuôi loài Ong Mật nầy.
c. Ong Mật khổng lồ vùng Đông Nam Á mang tên khoa học Apis dorsata.
d. Ong Mật Tây Á, Âu Châu và Phi Châu mang tên khoa học Apis mellifera. Người Ai Cập sớm nuôi Mật Phong để lấy mật ăn và làm thuốc. Họ du nhập giống Mật Phong Apis mellifera này từ Bắc Phi sang các quốc gia ven biển Địa Trung Hải.
Dòng Mật Phong của chúng tôi đông đảo và có mặt khắp nơi trên thế giới mặc dù chúng tôi có nhiều kẻ thù. Kẻ thù của chúng tôi là Chim, Gấu, Kiến v.v. Bọn nhà Gấu ăn mật và phá ổ của chúng tôi. Chúng ăn hết lương thực của chúng tôi. Chúng tôi chích chúng té từ trên cây xuống đất nằm bất tỉnh vài phút sau thấy chúng ngồi dậy. Loài người thấy vậy truyền tụng tính năng trị liệu của mật Gấu! Gió là kẻ thù vô hình của tộc Mật Phong. Gió cuốn thân nhân chúng tôi biệt tích khi đi hút phấn hoa và mật hoa.
Chúng tôi giúp ích cho loài người rất nhiều. 75% công tác thụ phấn hoa cho cây trái của loài người do tộc Mật Phong chúng tôi đảm nhận. Loài người dùng mật của chúng tôi để ăn và làm thuốc. Mật do các chị Ong Thợ làm ra bị Gấu và loài người cướp đi rất nhiều. Mật là thức ăn ngọt và bổ dưỡng. Mật Ong có monosaccharides, fructose, glucose, 70- 80% đường, Ca, K, P, Mg, sodium chlorine, sinh tố C, B1, B2 v.v. Từ nhiều thế kỷ trước người Ai Cập cổ, Hy Lạp, đế quốc La Mã, người Ấn Độ và tín đồ Hồi Giáo biết dùng mật Ong để trị bịnh. Người Ai Cập cổ dùng mật Ong để trị vết thương. Các lương y Hy Lạp ngày xưa cho rằng dùng mật ong sẽ được sống lâu. Mật Ong được dùng để chữa bịnh đau dạ dày, tim mạch, viêm. Mật Ong khử trùng, kháng trùng và có nhiều antioxidants. Sáp là một sản phẩm khác của các chị Ong Thợ. Loài người dùng nó làm đèn cầy và dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm. Việc nuôi Ong lấy mật và sáp là một ngành kinh doanh mang nhiều lợi nhuận cho loài người. Ngành nầy xuất hiện trên Địa Cầu cách đây 8,000 năm. Mức sản xuất mật Ong trên thế giới vào năm 2013 lối 620,000 tấn. Các nước sản xuất nhiều mật Ong là: Nga: 68,000 tấn; Ấn Độ: 61,000 tấn; Mễ Tây Cơ: 57,000 tấn; Iran: 44,000 tấn.
Ngành nuôi Ong chưa phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam vì chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi Ong, vì không có nhiều vườn hoa và vườn cây ăn trái cho Ong có phấn hoa và mật hoa. Trước năm 1975 Đà Lạt và Bình Lợi có nuôi Ong Mật.
Việc buôn bán mật Ong trên thế giới lên đến 2.3 tỷ Mỹ Kim. Trung Hoa là nước xuất cảng nhiều mật Ong và thu được 288 triệu Mỹ kim tức 12% tổng số tiền xuất cảng mật trên thế giới. Kế đó là Tân Tây Lan: 200 triệu; Argentina: 163 triệu; Mễ Tây Cơ: 156 triệu v.v.
Những thân nhân gần của Mật Phong là:
- Ong Nghệ (Bumble bee) (vì mặc áo quần màu vàng) mang tên khoa học Bombus lapidarius, gia đình: Apidae. Ong Nghệ chích rất đau. Thông thường khi Ong chích thì chính kẻ chích chết vì mất kim độc. Điều này không đúng với Ong Nghệ. Ong Nghệ có nhiều lông đen, có vệt vàng. Đuôi màu hung đỏ. Ong Chúa to lớn hơn Ong Đực và Ong Thợ. Ong Đực không hút phấn hoa.
- Ong Đục Gỗ (Carpenter Bee) mang tên khoa học Xylocopa virginiaca, gia đình: Anthophoridae hay Apidae. Khi bay Ong Đục Gỗ tạo một âm thanh rất lớn. Các anh chị này có nhiều vết xanh trên mình. Lưỡi của Ong Đục Gỗ rất dài để hút nhụy hoa cà tím, cà tô mát và các loại hoa thực vật khác. Vì có lưỡi dài nên Ong Đục Gỗ (vì có khả năng đục lỗ trên gỗ để làm chỗ ẩn nấp) được người Anh gọi là Long- tongued bees. Ong Đục Gỗ làm hư hại gỗ của loài người đáng kể. Một loài Ong khác thuộc gia đình Anthophoridae được gọi là Ong Lỗ vì đục hang, lỗ dưới đất hay trên thân cây để làm nơi cư trú.
- Ong Mật Phi Châu Aoa (Killer bee) mang tên khoa học Apis mellifera scutellata, gia đình Apidae. Các anh chị Mật Phong này gốc ở Nam Phi được du nhập vào Brazil để lai giống Ong Mật địa phương năm 1956. Một số thoát khỏi Brazil và tiến sang các nước Nam và Trung Mỹ rồi Bắc Mỹ. Các anh chị này rất gây hấn và luôn luôn tìm cách lấn áp các tộc Mật Phong khác. Năm 1990 Hoa Kỳ bắt đầu thấy xuất hiện giống Mật Phong Phi Châu Hoá đầy gây hấn này. Ong Mật Phi Châu Hoá có thân hình phủ lông màu vàng cam. Họ gặp ai chích nấy không cần phải đụng đến ổ của họ. Khi ổ của họ bị thặng dư dân số họ đánh giết nhau để giành chỗ ở. Ai đi ngang ổ của họ trong buổi tranh chấp này có thể bị chích đến tử vong! Ong Mật Phi Châu Hoá cũng có tổ chức và chỉ huy như Ong Mật Apis mellifera nhưng họ sản xuất ít mật hơn. Hèn gì mấy thằng cha Việt Nam nói: Kẻ dữ không giàu. Khi chích người hay chích vào động vật khác Ong Mật chết. Ong Thợ (nữ) chỉ sống 50 ngày; Ong Đực (Drones) sống 70 ngày. Ong chúa sống đến 03 năm.
- Ong Lá (Leaf cutting bee) làm ổ trên gỗ mục hay trên lá khô. Ong Lá có nhiều lông đen tuyền. Dưới bụng có phần lông vàng. Ong Lá mang tên khoa học Megachile rotunda thuộc gia đình Megachilidae. Ong Lá rất dữ và chích rất đau.
- Ong Bầu hay Ong Bắp Cày (Hornet .<.Anh.>.; Frelon: Pháp.>. Từ Điển Đào Đăng Vỹ dịch là Ong Bầu. Từ Điển Anh- Việt của Hà Nội dịch là Ong Bắp Cày) mang tên khoa học Vespa orientalis tức là gốc ở phương Đông như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Nam Âu, Do Thái, Madagascar v.v. Ong Bắp Cày thuộc gia đình Vespidae. Thân thon dài trên 3 cm màu hung đỏ; lông mịn màu hung đỏ; chích rất đau. Theo kinh nghiệm bản thân Ong Bầu rất to nhưng không chích người. Chiếc xe Scooter của Ý được mô phỏng theo hình dạng của các anh chị Ong Bắp Cày nên mới đặt tên là Vespa.
Chúng tôi là loài côn trùng có chỉ huy, có tổ chức chặt chẽ. Chúng tôi nuôi sống và làm giàu cho loài người bằng mật và sáp do Ong Thợ dày công sản xuất. Chúng tôi là những bà mụ tạo sự sinh nở cho các anh chị thảo mộc. Loài người chê chúng tôi theo chế độ mẫu hệ. Mấy chị Gà đẻ mỗi ngày một trứng. Tôi sinh mỗi ngày từ 1,500 trứng đến 2,000 trứng thì con cái tôi phụng sự tôi có gì lạ? Loài người há không khen ngợi những người con hiếu để sao? Sao lại mâu thuẫn khi chê chế độ mẫu hệ? Xấu chỗ nào? Các nữ Ong Thợ của chúng tôi xây dựng chỗ ở và có những phi vụ chuyển vận phấn hoa, mật hoa về tổ tạo thành mật và sáp để nuôi mình, nuôi Mẹ và nuôi thế hệ trẻ. Họ vui vẻ trong công tác không giống chuyện lao động cưỡng bách, bóc lột công sức giữa người và người trong xã hội phụ hệ ưu việt của loài người.
Loài người ăn mật của chúng tôi, làm giàu bằng việc sản xuất mật Ong; dùng mật Ong để trị bịnh. Vậy mà họ nỡ um hàng chục ngàn Mật Phong tử để ăn và khen là béo bổ! Ngôn từ của loài người nói về Mật Phong tộc chúng tôi không có một lời cảm ơn hay một lời nói tốt.
Khi đụng chạm đến người có thế lực và giàu có người ta nói:
Đụng vào ổ Ong rồi!
Ong và Bướm là hai loại côn trùng có cánh và biết bay. Cả hai đều hút nhụy hoa. Vậy mà Ong và Bướm bị xem là phường ăn chơi.
Ong Ve (tiếng kêu vo vo của Ong và tiếng rền rĩ của Ve) chỉ những lời chê bai của dư luận quần chúng.
Ong chường Bướm chán ám chỉ gái giang hồ hết duyên vì nhan sắc phai tàn nên không được người khác phái đoái hoài.
Ong qua Bướm lại là cụm từ có nghĩa xấu trong xã hội Khổng Giáo.
Ong qua Bướm lại cũng chỉ các thiếu nữ có hồng nhan được nhiều người khác phái gấm ghé:
Ong non ngứa nọc là cụm từ chỉ những thiếu niên còn trẻ nhưng sớm nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết:
Nuôi Ong tay áo, nuôi Khỉ dòm nhà nói lên sự bội phản tai hại của người mình nuôi dưỡng trong nhà nhưng dòm ngó nội tình trong nhà.
Như Ong vỡ ổ phản ánh sự ồn ào, vô trật tự do cãi vã hay vui cười quá độ mà ra.
Ngọt mật chết ruồi cho thấy sự tai hại khi tin tưởng và thích thú với lời nói nịnh bợ và ngọt ngào tựa như con ruồi vì ham hút mật mà chết vì mật.
Mật nguyệt là tuần trăng mật của cặp vợ chồng mới cưới.
Mật lạp là sáp lấy từ ổ Ong.
Trước năm 1975 ở Sài Gòn có tờ báo Con Ong.
Vào thế kỷ XIX Võ Duy Dương tức Thiên Hộ Dương (Thiên Hộ: tước danh dự dành cho người giàu có cống hiến cho triều đình hay xã hội) dùng chiến thuật Ong Vò Vẽ, một loại ong chích rất đau và có thể gây tử vong nếu bị chích trên 50 mũi, để đánh Pháp khi tiến vào chiến khu Đồng Tháp Mười. Nghe nói chiến thuật nầy cũng được Mặt Trận Giải Phóng dùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam II.
Chữ Honey của người Anh còn có nghĩa ngọt ngào và âu yếm giữa vợ chồng. Chữ Bee trong tiếng Anh chỉ về Ong nhưng trong tiếng lóng nó chỉ người hay vật vĩ đại.
Trong thực vật học ta có:
- Honey dew melon là một loại dưa trơn, ruột trắng xanh nhạt rất ngọt và có nhiều mật. Tên khoa học của loài dưa này là Cucumis melo inodorus.
- Honeysuckle là dây kim ngân hoa Lonicera japonica có hoa trắng rất thơm nhất là về đêm. Khi mới nở hoa màu trắng. Lúc gần tàn hóa chuyển sang màu vàng nhạt. Hoa mang tên kim ngân hoa là vì thế (kim: vàng; ngân: bạc).
- Honey mushroom (mật khuẩn vì có vị ngọt) là một loài nấm ăn được mọc dưới gốc cây xồi. Tên khoa học của mật khuẩn là Armillaria mellea.
- Bee balm là bạc hà tím Monarda didyma; hoa thơm mùi chanh hấp dẫn Ong đến hút mật.
- Bee nettle là bạc hà gai hoa trắng mang tên khoa học Lamium album.
- Bee orchid tức phong phong lan (phong: con Ong) mang tên khoa học Ophrys apifera.
- Bee plant là một loại thảo mộc ở Bắc Mỹ mang tên khoa học Cleome serrulata. Hoa cây nầy thu hút Ong đến để hút mật.
- Mật diệp hay Thiên cúc, Cúc ngọt Stevia serrata.
- Mật đằng (Dây ngọt) dùng để trị bịnh tiểu đường mang tên khoa học Salacia oblonga.
- Mật quả Pouteria dulcifica thuộc gia đình Sapotaceae của cây sa-bô- chê.
- Mật sâm (cây trứng cá) Muntingia calabura.
- Mật thảo (Cỏ Thánh) Hierochloe odorata.
Một hiệu xà bông Trung Hoa mang tên Bee & Flower Ginseng Soap (Ong & Hoa Xà Bông Nhân Sâm).
Hoa Kỳ có một loại chiến đấu cơ siêu âm thanh mang tên thân thuộc chúng tôi. Đó là chiến đấu cơ F/ A- 18 Super Hornet.
Có một loại bánh có nhiều lổ giống như ổ Ong nên được gọi là bánh tàng Ong hao hao giống bánh wafle.
Thánh Kinh đề cập nhiều đến Ong và mật Ong. Nước Do Thái cổ được xem là xứ tràn đầy sữa và mật Ong. Ong và mật Ong được nhắc đến trong Deuteronomy 1:44, 7:12; Joshua 21: 27, 24: 12; Judges 14:8; Psalms 118: 12; Isaih 7:18; Exodus 23: 28.
Trong Đề 40 con, Ong chiếm số 16. Vì thị giác của Ong rất yếu nên họa sĩ của loài người vẽ Ong tiêu biểu cho người cận thị. Trên mặt đất này không ai kiêu ngạo bằng loài người. Họ không ngừng mỉa mai, châm biếm, ngạo nghễ muôn loài động vật trên vũ trụ nầy.
Có một loại chim thuộc gia đình điểu tộc Meropidae rất thích ăn thịt Ong nên được gọi là bee eater hay bee bird. Ở Úc Đại Lợi có một loài chim thuộc gia đình Meliphagidae dùng mỏ và lưỡi để hút mật hoa. Loài chim này được gọi là honey eater (chim hút mật).
Trong tướng số học người ta cho rằng:
Trong Thiên Văn Học có sao Praesepe hay sao Manger (Cái Máng) hay sao Beehive Cluster (Sao Tàng Ong) trong trung tâm chòm sao Cancer (Con Cua).
Beehive State là biệt danh của tiểu bang Utah của Hoa Kỳ.
Thưa quý vị, là mẹ của hàng chục ngàn con, tôi vẫn đau khổ khi thấy Điểu tộc ăn sạch các Ong Thợ trong các phi vụ tìm lẽ sống cho thế hệ trẻ dòng Mật Phong tộc. Một số bị gió lớn cuốn đi. Bọn Gấu trèo cây cao để ăn mật mặc cho Ong Non bị vất vung vãi cho kiến tha. Độc hại nhất là loài người. Bọn họ trùm đầu, cổ, tay chân bằng vải bó dây rồi đốt lửa, ung khói cho Ong trong ổ bay tứ tán để lấy mật, sáp, bắt Ong Non đem về ăn, bắt Ong Chúa ngâm rượu uống cho được cường dương! Mật Phong tộc chúng tôi xem đó là hành động khủng bố và cướp phá đáng ghê tởm. Họ nói xấu chúng tôi hơn là nói tốt. Họ làm xe Vespa dựa vào hình ảnh duyên dáng của mấy chị Ong Bầu. Chúng tôi có thưa họ vi phạm bản quyền gì đâu! Họ làm chiến đấu cơ siêu thanh cũng dựa vào hình ảnh hào hùng của dòng Hornet. Thân nhân những người bị loại phi cơ này bắn chết nguyền rủa thân nhân dòng Hornet “ít hiền” của chúng tôi. Họ khen phụ nữ có eo lưng giống như thân hình chúng tôi. Họ viết nhiều sách vở nói về chúng tôi. Họ lập trại nhốt chúng tôi trong những cái lồng khổng lồ. Hàng năm vào mùa hè họ cho chúng tôi đến những vùng có nhiều vườn hoa, vườn cây ăn trái để chúng tôi hút nhụy hoa. Họ cho chúng tôi ăn mật đường như thức ăn phụ cần thiết để tạo ra mật Ong. Khi chúng tôi bị nhiễm khuẩn IAPV (Israel Acute Paralysis Virus) và chết hàng loạt thì họ lo lắng không ít. IAPV là võ khí vi trùng sát hại tộc Mật Phong một cách khủng khiếp. Thỉnh thoảng tôi, Ong Chúa dòng Mật Phong, ghé các lò đường ở Đông Nam Á để thăm các đồng nghiệp sản xuất chất ngọt nhưng xem chừng loài người không thân thiện với bất cứ ai trong chúng ta. Họ thờ ơ không tiếp đón chúng tôi còn báo động để bọn an ninh của chúng đem võ khí hóa học chứa trong bình nhỏ bằng cườm tay để tìm cách tiêu diệt chúng tôi.
Chuyện của chúng tôi đến đây thì dứt. Cảm ơn toàn thể quí đại biểu lắng nghe bài tham luận của Mật Phong tộc chúng tôi. Chúng tôi là côn trùng lao động thuần nữ phái chỉ biết chăm sóc ổ, bảo vệ ổ, hay xây dựng ổ ngày càng to lớn và tiện nghi, hút phấn và mật hoa để ăn và nuôi đàn em nhỏ dại chào đời hàng loạt vài chục ngàn đơn vị. Do đó chúng tôi không có thi sĩ, nhạc sĩ cũng không có anh hùng lao động vì tất cả đều lao động gian khổ rồi. Chúng tôi cũng không có dũng sĩ vì tất cả chúng tôi đều là dũng sĩ khi có kẻ lạ đụng vào ổ của chúng tôi thì chúng tôi ùa ra chích kẻ ngoại nhập mưu toan phá ổ chúng tôi vẫn biết rằng mỗi lần chích vào kẻ địch chúng tôi mất một đơn vị Mật Phong. Đến đây xin mời quí đại biểu thưởng thức bài Ngọt Mật Chết Ruồi do nhạc sĩ Cigale sáng tác.
Dưới hội trường có tiếng xì xào của các tộc Ruồi lẩm bẩm rủa sả Ong Chúa. Gấu nhìn các đại biểu Ruồi và mỉm cười. Gấu nói: “tao vì ăn mật Ong mà té cây suýt chết. Bọn bây chết vì mật Ong là phải. Con cháu tụi bây sau này cũng vậy thôi. Chết ngọt ngào. Đáng hay không?”
Ong Chúa Mật Phong Tộc Địa Trung Hải Apis mellifera biệt danh Miss Mediterranean Queen Bee.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.