User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
authiphucan
Tác giả Âu Thị Phục An - Nguồn: https://xunauvn.org/tag/au-thi-phuc-an/
 
Những năm 70 Âu Thị Phục An là tác giả của vài truyện ngắn gây tiếng vang trên tạp chí Văn trước khi tờ báo văn học nầy bị bóp chết do tình hình chánh trị thay đổi. Từ đó cây bút nầy im lặng cho tới gần 40 năm sau - nếu tôi không lầm vì ở quá xa. Gần đây mới thấy chị thỉnh thoảng xuất hiện lại trên tờ Quán Văn của nhóm Nguyên Minh ở Sàigòn.
 
Rồi thì cuối năm 2023 tác giả nầy cho ra đời tập thơ Độc Thoại Trắng.
 
Đây là tập thơ nói nhiều vấn đề - nhưng phải nhận rằng nó rất khó đọc_ Ẩn trong những cụm từ ngăn ngắn, đứng riêng rẻ thì không mang ý nghĩa gì, nhưng ở trong một khổ thơ thì mang nhiều ý nghĩa tiềm ẩn.
 
Trước tiên là lời than rằng ‘chúng ta’ mất tất cả, mất luôn cái gọi là mộng mơ, thứ dễ kiếm tìm để sở hữu nhứt. Họ trở thành nhóm người cô độc, mất trắng, chẳng còn gì hết ngoài chính thân mình. So sánh với bầu trời trên cao, chỉ sở hữu những đám mây vô hồn thì bầu trời hạnh phúc hơn họ vì còn có bầu bạn:
 
Một cõi mộng mơ/ cũng không có/ chúng ta mất trắng/những bình minh cho riêng mình.
Bầu trời xanh/ trên cao/ dù sao cũng sung sướng hơn chúng ta/ nó có những thánh thần. 
(Một Cõi Mộng Để [Cũng] Không Có)
 
Vậy ‘chúng ta’ là ai? Tác giả dùng từ nầy nhiều lần trong suốt tập thơ. Tùy cảm nhận của người đọc mà phiếm từ ‘chúng ta’ được xác nhận là nhóm nào đó, rộng lớn là dân chúng trong nước, nho nhỏ là bạn đọc. Tôi tạm thời cho chữ chúng ta là bạn đọc, những bạn đọc đồng cảm với tác giả để nghe tâm sự của chị...
 
Và ‘chúng ta’ ở trong thời khoảng buồn bã, cảm nhận nó lướt qua đời mình mau lẹ một cách tàn nhẫn bằng tác động của nó lên tóc chúng ta. Đánh dấu cái già tiến tới với tốc độ chóng mặt của thân phận mình:
 
Thời gian xám/ trôi trên bầu trời xanh/những sợi tóc/ đang bạc. (Tôi Gối Đầu Lên Mùa Xuân)
 
Một chỗ khác, cũng diễn tả ý nầy:
 
Thời gian bay qua cửa sổ (Giáp Ngọ 2014)
 
Cõi thơ của Âu Thị Phục An cũng có những cuộc tình. Nhưng là cuộc tình đau đớn rướm máu, không trọn vẹn, bi đát. Chiến cuộc Mậu Thân 68 được nhắc lại xa gần bằng những hình tượng rùng rợn:
 
Những cẳng chân và tay/ trộn vào nhau/ những đầu bê bết máu/của tướng cướp và lính đào ngũ/ của thi sĩ và giám thị.
 
Và trong trận chiến đó người thi sĩ – dân chúng bình thường, ngơ ngác phản ứng trước tình huống mà mình không ngờ trước - đã nằm xuống, yên nghỉ ngàn thu với sự tiếc thương của người tình – dân chúng chung quanh:
 
Nắng trưa vẫn quái và nồng nàn/ mùi khói đạn bám trên ngực áo/ tôi rùng mình/ khi cúi hôn thi sĩ. (Nắng Trưa Vẫn Quái Và Nồng Nàn)
 
Khi trận chiến kia xảy ra thì người thơ Âu Thị Phục An mới bước vào tuổi biết yêu và rất vụng về trong nụ hôn đầu đời của người con gái:
 
Tôi đã xé rách một nụ hôn/ thời dậy thì/ và run lập cập/ trên răng nhau/ vào một buổi trưa mùa xuân 68. (Nắng Trưa Vẫn Quái Và Nồng Nàn)
 
Người tình thi sĩ đã trở thành chiến sĩ lúc đó để bảo vệ tình nhân – tượng trưng cho chúng ta, cho đám đông dân chúng - và đã thất bại.
 
Đó đây trong thơ của Phục An cũng ghi lại được cuộc vượt thoát bi hùng qua biển cả của những người quyết chí ra đi để lại tiếng thở dài triền miên của người ở lại.
 
Biển nào mà chàng đã vượt qua/ biển nào mà chàng đã rửa mặt/ Lá thư tình nhỏ nhoi trong cạp quần/đẫm ướt vị mặn/chàng đã khóc trên bờ biển nào/ nàng nằm chờ/ thế kỷ vụt qua... (Tẩy Rửa)
 
Thân phận chúng ta, một thân phận nghèo hèn, hi vọng một sự đổi thay lớn để mình được đổi đời khá hơn chút đỉnh, nhưng trông hoài mà không thấy gì hết, ngoài đời vẫn êm ru, dòm lại mình vẫn ở trong ngôi nhà tềnh toàng, trên miếng đất mà mình chẳng bao giờ có được cái sổ đỏ xác nhận chủ quyền:
 
Dẫu gì/ cũng gần 40 năm trụi trơ số kiếp/ dẫu gì mặt đất cũng êm ru / vẫn ngủ trong căn nhà không số/ trên miếng đất không bao giờ có chủ quyền.
 
Cuộc sống nhàm chán, vô vị, không suy nghĩ, không phản ứng gì với những hoạt cảnh trái lòng mà mình chứng kiến, ngày lại ngày bay qua trong vô nghĩa kéo dài:
 
Buổi sáng cà phê/ chiều nhậu/ hết một ngày (Sợi Tóc Nhìn Nhau).
 
Trong chán chường với cuộc đời hiện tại, tác giả ước vọng mình, bằng cách nào đó, được trôi về miền đất khác nhiều tươi đẹp và thơ mộng hơn:
 
Đêm nay/ lại trôi dạt/ đến một miền đất đầy cỏ hoa (Tôi Đang Ở Đâu Trên Miền Đất Nào)
 
Bài thơ Không Tên (trang 110) diễn tả ý nầy rõ ràng nhứt: Chán nản về những thực tế không vừa ý, chúng ta chỉ còn chui vào những ký ức ngọtlàm nũng với tình yêu và chập chờn với những giấc mơ tời trong lúc ngủ.
 
Nếu thơ của thi sĩ Phục An bị cắt ngang dọc, xuống hàng quá ngổ ngáo và đặc biệt thì từ ngữ của nhà thơ làm ngạc nhiên người đọc như kệ mẹ nó đi/ tới đâu hay đó (trang 113), xạo ke (trang 110), đỏ hoét (trang 115), im ru (113), chúng tôi sẽ cùng nhau ân ái (trang 111)...
 
Những từ ngữ hay cách nói mà nhà thơ phải can đảm và thành thật với chữ nghĩa khi nó nhảy ra từ trong đầu để làm ứng viên cho tác giả đưa vào trong bài thơ của mình.
 
Tác giả có khuynh hướng tả thực, nhưng không đi vào trường phái của những người tả chân xã hội, trong bài thơ Sống, Phục An đưa ra hai cuộc đời để người đọc tự thấm thía. Một cặp tình nhân không nghĩ gì ngoài tình yêu của họ, và họ gặp thấy một bà lão bán rau, hàng của bà lèo tèo chút rau mọn mong bán hết để mua sửa mua gạo cho cháu. Hai cuộc đời đi song song nghịch chiều, ai lo phận nấy:
 
Rồi chúng tôi đi qua nhau/ hai cuộc đời đi qua mắt nhau (Sống)
 
Đây là bài thơ theo tôi là có nhiều ý nghĩa trong toàn tập thơ.
 
Nếu phải dùng một ý niệm nào đó làm chủ đạo xuyên suốt tập thơ thì tôi nói rằng tác giả bất như ý về cuộc sống hiện tại – của mình, của chúng ta - và thường trốn tránh thực tại bằng những gì chị có thể tìm thấy để dựa vô đó như tình yêu, như giấc mơ, như cuộc sống ngày qua ngày không có gì đáng nói...
 
Nếu bạn hỏi: Thế thì bài nào hay nhứt trong tập thơ?
 
Cái đó thì tùy cảm quan của từng người, nhưng tôi muốn vinh danh bài thơ Ái Tình (trang 108) là bài thơ tình ngổ ngáo và thành thực nhứt trong suốt tập thơ. Xác định đó xin được làm cái kết cho bài viết vội nầy, nhứt là mấy câu kết nghĩ rằng mình nên trích ra để cho độc giả chưa có tập thơ trước mặt:
 
Nhưng với ái tình/ làm gì có ai có lỗi/ khi cánh cung vương lên/ mặc cho mũi tên cứ bay/ vút vào một trái tim nào đó.
 
Một vài nhà văn, nhà thơ Âu Mỹ xác nhận rằng làm thơ là làm chánh trị. Đó là nói theo nghĩa rộng của tác dụng thơ với người đọc, tôi cho rằng Âu Thị Phục An tuy có nói tới cảnh sống chung quanh bà nhưng chỉ là những ý nghĩ phát xuất từ con tim nhạy cảm của người thơ hơn là từ lòng chung thân bất mãn của con người đối với xã hội đương thời.
 
Nguyễn Văn Sâm
Quê người, năm thứ 45, ngày 17 tháng 10 năm 2024
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com