User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
khackhoaiatpa
 
“Tôi dướn người về phía trước làm như đáp trả lại nụ hôn vội vàng của Vị nhưng thật ra để tránh cho phiến lưng bị chàng ép mãi vào vách”.
(Phục An)
 
Truyện ngắn đầu tay của Âu Thị Phục An có tựa “Những Ngày Không Định Trước”, do Mai Thảo chọn đăng trên giai phẩm Văn số ra ngày 19.10.1974. (Sau truyện ngắn này, tạp chí Văn liên tục đăng 3 truyện khác của chị: “Thăm Viếng”, “Màu Áo Hẹn” và “Bên Kia Mùa Hè”).
 
Trước đó, chị có thơ, văn đăng rải rác trên Tuổi Ngọc, nhật báo Dân Chủ và các báo văn nghệ ở Sài Gòn, nhưng phải đợi đến lần xuất hiện này, độc giả mới biết thêm một cây bút nữ còn trẻ là Âu Thị Phục An. Nói biết thêm, bởi cách viết của cô sinh viên ban Triết, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn không có kiểu cách làm dáng, khô cứng thường thấy ở các cây bút mang khuynh hướng dùng ngôn ngữ “triết học tra tấn văn chương”. Văn chị cứ “tỉnh queo” đến lạnh lùng trong những tình huống mà lẽ ra là đón đợi những vồn vập, rực cháy, những háo hức nồng nàn… Đọc những truyện ngắn của chị, nhiều khi tôi nghĩ, chị như một kẻ lữ hành trên con đường vắng, không có người đồng hành để trò chuyện, đành phải dồn nén lại. Sự dồn nén đó cứ lướt thướt trôi theo dòng suy nghĩ chảy xọc vào ngòi bút, giống như một thỏi băng tan chảy.
 
Truyện ngắn đầu tay “Những Ngày Không Định Trước” có cấu trúc dạng nhật ký nhằm giãi bày tâm trạng của một cô gái trẻ, chính xác là một nữ sinh bậc cuối Trung Học đang bước vào những ngày cuối cùng của kỳ thi Tú Tài và đang đón đợi người sẽ là chồng tương lai. Lẫn lộn giữa chuyện thi cử, đậu rớt “chẳng mừng lắm” và “chẳng hề buồn hoặc toan tính…” là tâm trạng chờ đợi và chẳng chờ đợi gì về chuyến gặp mặt người yêu, ở một nơi đóng quân nào đó, sẽ đến nhà thăm gia đình nàng. Tình yêu của cô nữ sinh Trung Học với anh chàng quân nhân tên Thăng lơ lửng một cách lạnh lẽo. Họ gần bên nhau mà như xa cách nhau, không hề biểu lộ một tình cảm đặc biệt của những kẻ khao khát yêu, khắc khoải đợi chờ những nụ hôn cháy bỏng. Cứ giả định rằng, nếu Thăng không đến, hẳn cô gái kia cũng chẳng băn khoăn đặt những câu hỏi tại sao. Bởi có gặp hay không thì cũng như chuyện đậu và rớt Tú Tài vậy thôi trong suy nghĩ của cô trước đó.
 
 
Trong khoảng thời gian chờ đợi, quanh quẩn trong đầu óc nàng là những hoài nghi. Nàng cố gắng lý giải về mối tình đầu. Mối tình này có “tồn tại” hay không “tồn tại” trong cô. Thăng có thật là chồng tương lai? Và cô, cuối cùng chỉ còn lại mối hoài nghi cứ ngày càng trương phình lên: “Tôi chịu không biết ra sao cả cũng như nhiều lần tự hỏi tôi yêu Thăng, chúng tôi có thật yêu nhau hay mỗi đứa chỉ yêu những điều lý thú do cuộc tình này mang lại”.
 
Cách lý luận, suy nghĩ của cô gái hơi lạ và ngược đời khi tách tình yêu thành hai mảnh thật và không thật. Hai mảnh đó nảy sinh ra “những điều lý thú do cuộc tình này mang lại” như là mệnh đề tiên quyết để biết “có thật yêu nhau”. Như vậy, cô gái trẻ đã phân thân với những thắc mắc, những cật vấn về mối tình, mà ngay cả chính bản thân cô ta cũng không chắc chắn lắm!
 
Trong truyện không hề thấy có một dòng chữ nào, theo dạng “lỡ mai anh chết em có buồn không”, hay: “Mai anh về trên đôi nạng gỗ / Bại tướng về làm gã cụt chân – Linh Phương”. Các chi tiết trong truyện không đẩy lên theo kết cấu kịch. Nó cứ lặng lẽ chảy như một dòng nước nhỏ, vừa vặn cho kích thước tra hỏi. Bóng dáng vật vờ giữa yêu hay chưa yêu luôn xuất hiện trong đầu cô gái trẻ, đôi lúc như một trò chơi, có cũng được, nếu không cũng chẳng mất gì. Mà cũng đúng thôi, bởi truyện được viết xong vào tháng 7 năm 1974 tại Bạc Liêu, khi mà bối cảnh cuộc chiến miền Nam đang lúc cao trào cho những đợt tấn công, phản kích sau khi hiệp định Paris bị vất sang bên để cả hai phía bắt tay nói với nhau bằng súng đạn. Tâm trạng hoài nghi, nỗi thất vọng, mệt mỏi có dịp bùng lên ở cách sống, cách ăn nói, suy nghĩ của thanh niên thời bấy giờ. Ngay chính những tình cảm liên quan đến cuộc sống và bản thân, họ cũng không hề tin là có thật: “Thăng vẫn không thay đổi thế ngồi, thế ngồi làm chúng tôi gần như đưa lưng về nhau”.
 
Thế hệ trẻ thời đó đã đánh mất niềm tin chăng? Họ mệt mỏi chán ngán chăng? Họ lúng túng một cách khá vất vả khi tìm kiếm và đối mặt với những sự thật chăng? Có thể là vậy, bởi đời sống bên ngoài đã lấy đi của họ tất cả, chỉ chừa lại nỗi hoài nghi sưng tấy lên, ngày mỗi đầy trong đầu óc: “Có phải yêu nhau là tổ chức những đuổi bắt miệt mài là tìm kiếm một điều đã gặp nhưng không cho là điều tìm kiếm. Tôi chợt rùng mình sợ hãi khi chợt nhận thấy mình như một con kiến bò quanh quẩn mãi trong một vòng tròn rất rộng”.
 
Truyện không có gì mới, vẫn theo motif chàng là quân nhân, nàng là nữ sinh, yêu nhau. Nhưng có cái lạ là sự lạnh lùng ở cả hai nhân vật cân bằng nhau, đến độ gần như dửng dưng, tàn nhẫn. Họ có vẻ như già trước tuổi. Già ở tính cách và già cả tâm hồn! Đọc lại lần nữa, mới hay chị luôn đặt bên cạnh ngòi bút của mình những dấu hỏi to tướng, chẳng có câu trả lời: “Đậu, rớt, những tên gọi, những dấu hỏi vẽ lên không hề đem theo được một hình ảnh vui buồn nào. Lạ không?
 
Nhưng phải đợi đến 4 tháng sau, khi truyện ngắn “Thăm Viếng” đăng trên giai phẩm Văn, số đặc biệt Văn Chương Nữ Giới ra ngày 1.2.1975, cùng với các đàn chị Nguyễn Thị Vinh, Trần Thị Tuệ Mai, Hoàng Hương Trang, Trùng Dương, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Trần Thị NgH. thì độc giả mới thực sự chú ý đến cái tên Âu Thị Phục An. Nói chú ý bởi cấu trúc và nội dung câu truyện càng lạnh hơn; lạnh như một thỏi thép bỏ vãi đâu đó sau chái nhà.
 
“Thăm Viếng” thuộc thể văn kể chuyện. Nhân vật chính xưng tôi (cùng em gái người yêu) đi thăm vị hôn phu đang thụ huấn tại quân trường Thủ Đức. Ngay những dòng đầu tiên của truyện, dường như chị đã báo trước cho người đọc sẽ có điều gì đó khác hẳn những cuộc thăm viếng thông thường của những cặp tình nhân với bao nỗi chờ mong, khao khát, nhớ nhung… bằng những dòng chữ tỉnh táo đến sắc lạnh: “Lần đầu tiên, cùng với Viên lên thăm Vị ở quân trường ngày Chủ Nhật, lúc ấy tôi đã là vợ chưa cưới của chàng rồi”. Tính cách của “tôi”, hoặc vì quá thông minh, hoặc được thụ hưởng tính cách giáo dục của một gia đình nền nếp, nên “tôi” chỉ quan sát, đứng ngoài mà quan sát, rồi để cho cảm xúc trườn qua sự quan sát ấy với một ý thức xẻ ngang giữa tỉnh táo và đông cứng, đôi khi như tách biệt, đứng hẳn ra ngoài rìa sự thăng hoa của loại tình cảm bị dồn ứ của các nhân vật phụ “tôi chỉ thấy tội nghiệp cho mọi người”, khi tận mắt nhìn thấy: “…những bóng mát tạm bợ và một vài chiếc lều được dựng vội vã nên trống trải và xiêu vẹo che giấu một cách hời hợt những cặp tình nhân nằm với nhau bên trong. Những cặp tình nhân hôn nhau, vuốt ve một cách tự nhiên như chung quanh họ là một nơi riêng biệt vậy”. Ngoại cảnh đã tạt gáo nước lạnh buốt vào tâm giới “tôi”, để nảy bật ra thứ tình cảm không mấy thân thiện. “Tôi” bị nhìn thấy về mọi sự diễn ra bên ngoài cho đến lúc “tôi” tự nhìn lại “tôi” trong một khung cảnh đầy bất ngờ không kém. Đó là lúc Vị tách “tôi” ra khỏi em gái anh ta, đưa vào một gian buồng và “tôi” đã dùng sức mạnh lý trí đến mức tối đa để làm co quắp tình cảm đang cháy bùng trong người. Bởi “tôi đủ thông minh hiểu để không hỏi han gì”. Có thể và không hẳn là mặc cảm phạm tội, nhưng trước đó “tôi” đã nhìn thấy cảnh phô diễn thứ tình cảm “nhếch nhác” rất tự nhiên ngoài khu tiếp tân khóa sinh, khiến sự liên tưởng càng trở nên mạnh mẽ hơn với chỗ hai người đang đứng: “Một căn phòng tắm lộ thiên, có thùng đựng nước, có quần áo lót của đàn bà vắt bừa bãi trên dây”. Cú chạm mặt hơi bất ngờ vào vị trí hai người sắp yêu nhau khiến “tôi” càng lúc càng rơi vào trạng thái căng cứng đến khó chịu. Ngay cả khi hai người đang hôn nhau nơi không mấy sạch sẽ và thơ mộng kia, thì sự tỉnh táo trong con người “tôi” vẫn luôn chiếm ưu thế. Những rung động thân xác khi trao đổi nhau những nụ hôn khắc khoải đợi chờ của Vị đã bị “tôi” đẩy xuống, nằm bẹp dí ở chỗ cái khóa soutien. Cảm giác đau nổi lên thật mạnh mẽ, thế chỗ cho những ngọt ngào, nồng cháy… Nó lấn át cả sự háo hức, đón đợi nơi người bạn trai để cuối cùng tạo thành mối tương quan cộng hưởng giả tạo ở động tác “dướn người”: “Vị quay lại. Chàng hôn tôi. Bỗng tôi cảm thấy đau nhói lên ở phía sau lưng vì chiếc soutien bị cấn vào vách ván. Tôi dướn người về phía trước làm như đáp trả lại nụ hôn vội vàng của Vị nhưng thật ra để tránh cho phiến lưng bị chàng ép mãi vào vách”.
 
 
Viết một cách trần trụi như thế này, nhất là một nhà văn nữ, hẳn nhiên sẽ gợi sự tò mò đối với người đọc. Nhưng để cho sự trần trụi không làm “tổn thương” đến các nhân vật trong truyện, chị đã khéo léo che giấu đi những nhục cảm khi “tôi dướn người về phía trước”. Động tác ấy không phải là sự cộng hưởng, đáp trả mà tác động bởi khóa móc soutien. Vị thì không nhận biết ở chỗ một đằng cái khoái cảm bị đè xuống, đằng kia thì cứ bốc cao lên. Một sự lừa dối ngọt ngào!
 
Trong quyển Văn học miền Nam, tập Tổng quan, Võ Phiến có nhắc nhiều lần cái cynique trong văn học và ông cho trâng tráo là cách viết, cách nói cực đoan của tinh thần hoài nghi, thể hiện rất rõ thông qua các nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH., Lệ Hằng… Và, đấy là hậu quả của “chiến tranh và hỗn loạn, hoàn cảnh xã hội của giai đoạn 64-75 tạo cho người ta một lối sống khác hẳn trước” (sđd, trg 292). Nhận xét này cũng có phần có cái lý của nó, khi mà tầng lớp thanh niên có học luôn tự dằn vặt về những tha nhân, thượng đế, tồn tại hay không tồn tại, những khách thể và chủ thể, sống và chết… trong bối cảnh đất nước loạn lạc, đều ít nhiều ảnh hưởng bởi trào lưu triết học hiện sinh của Pháp từ giữa thế kỷ XX.
 
Hiện tượng này cũng dần lấp ló nơi một Âu Thị Phục An bắt đầu bước chân vào làng văn với cái cynique đầu tiên trong truyện ngắn đầu tiên của chị, tuy có nhẹ nhàng hơn, kín đáo hơn các nhà văn nữ đi trước. Mà cũng có thể là chị biết điểm dừng, biết kềm chế, không để cho sự “nổi loạn”, cái trâng tráo của bản thân đi quá xa, khiến người đọc (thuở đó) bỗng có chút giật mình như cái kết ở truyện thứ hai này? “Thăm viếng lần nữa? Ồ, không ai đủ can đảm đưa tay đập vào vết thương của mình lần thứ hai. Không bao giờ. Căn phòng tắm lộ thiên. Cái móc soutien bị cấn và trăm ngàn nỗi cùng quẫn trong đầu… Không bao giờ. Tôi im lặng nghe Viên an ủi. Im lặng vì không biết phải phân bày như thế nào. Mà dù có phân bày chắc Viên cũng không thể nào tin được việc ấy đã xảy ra”.
 
Cả giới văn nghệ lẫn độc giả chờ đợi ở sự bứt phá của Phục An, như họ đã từng trông đợi sự thành công của những Túy Hồng, Trùng Dương, Nhã Ca… và gần hơn là Trần Thị NgH., Lệ Hằng. Nhưng tất cả đều đặt dấu chấm hết, kể cả người viết mới lẫn những nhà văn đã thành danh, sau ngày 30.4. Một quãng lặng khá dài, không ai cầm nổi bút, ngoại trừ một số rất ít…
 
Phục An cũng nằm trong số đó và chị chỉ viết trở lại chừng 5, 3 năm nay với hơn 10 truyện ngắn, nhưng phong cách thì không còn giữ được như trước 75! Tất cả các truyện ở giai đoạn này, hầu như nói về bạn bè một thời. Vị trí của họ bị thay đổi. Họ lao vào các công việc chân tay để mưu sinh; họ thất chí, rượu chè bệnh tật và cái chết (“Dù Chỉ Một Lần Cũng Không Thể”, “Trạm Cuối”), hoặc về mối tình lỡ kể chuyện người thì chồng chết vì tai nạn, kẻ thì tự ái về cách đối xử của vợ, bỏ nhà ra đi. Họ tình cờ gặp nhau, tìm đến với nhau, chia sẻ nỗi bất hạnh, cô đơn và rồi hạnh phúc bên nhau (“Mùa Thu Ẩm Ướt”)…
 
Nhưng thay vào chỗ khuyết trên, Phục An chuyển sang làm thơ, với một bút lực khá mạnh mẽ. Thơ chị xuất hiện khá đều đặn trên các trang mạng văn học. Yếu tính trong thơ chị vẫn là phận người, nỗi cô đơn chồng chất, những bất hạnh, sự bất lực và chút hạnh phúc mong manh. Đọc những dòng thơ của Âu Thị Phục An, tôi có cảm giác như đang ngồi thiu thiu nghe những khúc nhạc đồng quê theo dòng Bluegrass, bởi chị luôn lồng vào đó là những câu chuyện, đôi khi như một truyện ngắn rút gọn:
 
Nàng đang tắm.
Nàng đang khỏa thân trong phòng tắm.
Nàng đang ngồn ngộn sức sống trong kia.
Chàng đẩy cửa bước vô.
 
Nàng đang kỳ cọ liền khựng lại. Anh muốn tắm? Không, anh muốn nhìn em thôi, em cứ tắm đi. Nàng nói. Coi chừng ướt anh. Không sao mà. Nàng cười rồi vô tư tắm táp.
Bỗng dưng nàng quay lại nhìn chàng. Anh muốn… không? Chàng ngập ngừng. Nếu có thể.
Nàng chống hai tay vào tường, đưa lưng về phía chàng. Nếu anh muốn, thì có thể mà.
Chàng lả đi trên giường. Cơn mệt lại đến.
Bất lực trước cái chết, hai dòng nước mắt trào ra, ngoằn ngoèo chảy loang trên khuôn mặt hốc hác của chàng.
Nàng đã cố gắng giúp đỡ chàng thật nhiều. (Lần Cuối Cùng Trong Phòng Tắm).
 
Có dịp ngồi bàn về thơ Âu Thị Phục An, nhiều bạn trẻ và nhiều trung niên cho rằng chị khai thác sex đến mức tối đa. Sex như là hơi thở trong thơ chị. Tôi không nghĩ vậy. Bởi sau khi đọc những bài thơ chị đăng trên các trang mạng, sex chỉ là cái cớ để chị bày tỏ thái độ, cảm xúc của cá nhân trước những vòng xoáy thời cuộc. Vì ngay chính chị cũng phải hứng chịu cảnh ngộ cay đắng đó. Chị không sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh sex như một thứ tình dục luôn đắt hàng (chữ dùng của Nguyễn Thị Hải Hà trên văn chương việt, rằng: “Sex Sells. Người Mỹ thường hay nói thế. Cái gì có dính líu đến chuyện chăn gối thường dễ hấp dẫn người nghe người xem người mua bán, như tôm tươi thường đắt hàng. Các nhà văn Hoa Kỳ khá dạn tay khi viết về tình dục. John Updike, Philip Roth, Paul Auster, Joyce Carol Oates đều mang tình dục vào tác phẩm”
 
Thơ Phục An cũng không dung tục như Vệ Tuệ trong tác phẩm “Điên Cuồng Như Vệ Tuệ” (Trung Quốc), hay sàm sỡ thô bỉ như “Sợi Xích” của Lê Kiều Như. Đó là những thứ cặn bã, rác rưởi của loại văn chương hạ cấp!
Tính dục trong thơ Phục An trong veo như giọt sương mai, chỉ để diễn đạt nội tâm, giãi bày những ẩn ức về mặt tâm lý, không hề có sự ức chế sinh lý. Những hình ảnh chúng ta bắt gặp trong thơ, thông qua từ ngữ mang tính ẩn dụ nhiều hơn. Chị không dùng ngôn ngữ nhằm phô diễn sức nặng vốn có của hình ảnh thông thường, mà hơn hết là để chuyển tải tứ thơ. Vì, theo ông Đặng Tiến: “Nói đến lời trong thơ là nói đến từ ngữ, hình ảnh và nhịp điệu, nói đến cả khoảng im lặng bên trong câu thơ, hoặc chung quanh bài thơ…” (Đặng Tiến, Thơ, thi pháp và chân dung, trg 58, nxb Phụ Nữ, HN, 2009). Và: “Ý trong thơ, khác với ý trong văn xuôi, ở chỗ nó không có giới hạn, không có kích thước. Tạm nói là nó mông lung, bất định” (sách đd, trg 60).
 
Đọc nhiều lần, cảm quan của tôi về thơ Phục An vẫn là: sex phi sex. Xin dẫn một bài thơ của chị:
 
bám vào lềnh bềnh vỉa hè
những bộ xương người cúi xuống nâng ly
bám vào phù hoa
những bộ xương người cúi xuống nâng bi
da thịt em trắng ngần
ướp nhầy nhụa máu trinh
dâng anh một lần
toang hoác bình minh
con gái
 
run rẩy lột xác trên những mép giường
em trượt trên chất nhờn
cay đắng
của em
nụ cười em hóa đá
cứng đờ lút vào dung nham
cơn hứng lậm vào khuya
chờ giờ hóa thạch
em muốn bám vào cội nguồn
lần nữa tái sinh
vỉa hè ủ em
hằng đêm
và anh đẩy em
tuột trôi vào lỗ cống muộn phiền
em muốn ngậm vào em
con vật nào
có thật.
(Thả Trôi)
 
Cách dùng từ ngữ (langue) như lời nói (parole) để diễn đạt ý như kiểu bài thơ “Thả Trôi” trên đây rất dễ gây ngộ nhận, hiểu lầm, chỉ vì chị mượn những thực thể, những hình tượng ngoại giới tạo chất liệu cho cái tứ sâu xa bên trong, là những phiền muộn, đau đớn không cùng của một kiếp người là thân phận bị xô giạt một góc “lỗ cống” nào đó chỉ có mình chị mới bị trói chặt chân tay?
 
Rồi đến cái nhếch nhác ở một góc phố nhỏ trong thành phố chị đang sống có những cái “phình phịch, hổn hển, leng keng” giữa một bên là thánh thiện và bên kia là sự trần trụi đến nao lòng. Nỗi buồn cuộn lên từ ngoại cảnh “bị nhìn thấy” là con đường nhỏ Huyền Trân “tai tiếng”, dội ngược vào trí não tạo thành những sắc màu, những âm thanh:
 
cái đầu chó gặm mất rồi
não văng tứ phía
mạch đập ở cổ còn phình phịch
cái lưỡi tuột lại le ra
trái tim tím tái còn thở hổn hển
hai cái chuông đồng treo hai đầu vú nhỏ
đung đưa bài thánh ca trên những sợi lông tơ
núp sau gốc cây đường huyền trân công chúa
áo xống tuồng tích hoa lá cành
nghiễm nhiên kiếm sống
 
phố chảy cuồn cuộn ánh đèn đêm
những con rắn lửa nhảy múa dưới háng
nàng và trong miệng nàng
cỏ ướt đẫm tinh trùng
người ta vẫn thấy khoái
khi ngồi tuốt trên gác chuông
nhà thờ đức bà
làm dáng
với những hình nhân cục cựa dưới chân đèn
luôn nẩy ngược và rên
thành phố không buồn ngủ
thành phố nằm ngửa nàng lại lắc leng keng
hai cái chuông treo trên hai đầu vú
nhỏ
muộn phiền
(Lắc Chuông).
 
Đọc những câu thơ này, nghe ra thơ không phải là thơ, càng không phải văn xuôi. Nó là sự sắp đặt cố ý của người viết, như trong các thập niên 50, 70 của thế kỷ trước, Thanh Tâm Tuyền đã cách tân thơ bằng cách “phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ… tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới” (Đặng Tiến, http://www.diendantheky.net/2012/03/ang-tien-thanh-tam-tuyen.html).
 
Không thể nói Phục An chịu hay không chịu ảnh hưởng của Thanh Tâm Tuyền, nhưng chắc chắn một điều là chị đã chọn lựa thơ tự do như là môi trường tốt nhất cho sự sáng tạo của mình, để hoàn thành chức năng “tra vấn và trả lời” như nhà văn Alain Robbe-Grillet đã từng khẳng định, rằng đó chính là thiên chức của nhà văn.
 
Không ai có thể ngăn cấm nhà văn: thôi đừng phẫn nộ, đừng chua chát, rời xa bi kịch đã rồi của dân tộc. Cái ngóc ngách đau đớn cùng tận kia, trước nhãn quan của nhà văn là thượng đế trên chính mảnh đất mình, được Phục An giải mã bởi những hình ảnh chồng chất nhau, níu kéo nhau, tạo thành những chuỗi âm thanh bi phẫn:
 
nàng xõa tóc
chạy dưới nắng tháng tư
hai cái mông tròn huyền hoặc
đung đưa
bình minh rọi những tia nắng đen
điên cuồng qua nách
cát nhảy dưới gót chân bất hạnh
máu ứa từ môi thâm
tháng tư đuổi từ sau lưng
xương rồng đâm lên vú
biển ôm nàng ngất ngư
nắng của tháng tư rơi từ một bình minh đen tối
nắng cũng rơi từ âm cung mê lối
chạy đi tìm bóng của ảo tưởng xưa xa
ngày về rất vội
về dù dòng sông quê hương chật chội…
chỉ muốn trần truồng gào khóc những điêu linh.
 
(Bình Minh Đen)
 
Và, dẫn thêm bài thơ khác để nhấn mạnh thiên chức nhà văn trong ngòi bút chị:
 
tôi rất buồn
khi đi trên những con đường không còn vỉa hè
khi
(…) ngồi rung đùi trong nhiều biệt thự
spa, resort, hotel năm sao, du lịch Thái Lan, Sing, Trung Quốc
những cái chợ tự phát bên lề đường không cần đóng thuế
những “gái chợ đông” ôm thúng co giò chạy khi thấy công an
những “trai giữa chốn ba quân” trơ mặt chạy xe ôm nám đen khuôn mặt
tôi rất buồn
khi đất nước tôi
chạy theo (…)
20 năm máu lửa chết chóc xảy ra.
(Năm Mới Vẫn Không Có Gì Mới)
 
Thế giới thơ của Phục An đa chiều, rộng nghĩa. Chị đã phá bỏ những luật lệ trong thơ cổ điển (như nhiều nhà thơ đi trước đã từng làm) để tìm kiếm cái đẹp, dẫu cho cái đẹp ấy hàm chứa bao nỗi nhục nhằn của một kiếp người. Tuy nhiên, khi đến với thế giới thơ Phục An, nếu chỉ lướt qua, một lần thì dễ bị những ẩn ngữ kia đánh lừa, bởi bề ngoài ngôn ngữ mang đầy chất phồn thực, lớp lớp những khoái cảm của tính dục là “những khắc khoải, thao thức về thân phận, khát vọng làm người của một con người” như chị đã từng tâm sự.
 
Đa chiều và rộng nghĩa chỉ khi nào người đọc chịu khó đào xới ở dưới tầng sâu để thấy được cái ý ẩn nấp trong lời, như một vì sao lạ giữa muôn ngàn tinh tú giữa tầng không mênh mông.
 
Chị là người đã miệt mài mang thơ đi tìm sự tự do tuyệt đối trong khoái cảm tính dục, vất vả lăn tới chân trời xa lạ, mà ở đó cái đẹp là những câu trả lời từ những tra vấn liên tục về phận người?
 
Nguyễn Lệ Uyên

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com