Thường thì ngày Chúa Nhật nào mà không có giờ bay; anh dậy sớm để đi lễ ở nhà thờ chính tòa trên đường Hoàng Diệu, đối diện trường Trung học Minh Đức, không hiểu sao anh không thích dự lễ ở nhà thờ của Sư đoàn trong sân bay, hình như Linh Mục Tuyên Úy hơi chú ý đến anh và cho rằng anh là một “con chiên lộn xộn”, sau buổi lễ anh một mình lang thang trên phố; vào quán Cao Nguyên ăn vài cái bánh paté chaud, uống một ly sữa đậu nành nóng, nếu rạp Diệp Kính hay Thăng Long có phim gì hay anh sẽ mua vé vào xem, buổi trưa ghé vào tiệm cơm Tứ Hải ăn một dĩa cơm chiên Dương Châu rồi về phòng nghỉ ngơi, anh rất muốn viết thư cho cô nhỏ của mình nhưng chữ nghĩa trong đầu anh cứ lãng đãng rong chơi đâu đó, trưa không ngủ được; anh vào cà phê Nhớ kiếm vài người bạn nói chuyện trên trời dưới đất, sau đó đến nhà trực của phi đoàn xem lịch bay cho ngày mai, gặp mấy người phi công như anh, nói đôi ba câu chuyện về chuyến bay, về chiến sự, gia đình, bồ bịch..., chán rồi anh ra cổng sân bay; leo lên chiếc xe lam vào thành phố. Dù đi đâu anh cũng mang theo cô nhỏ trong nỗi nhớ của mình.
Thành phố Pleiku nằm lẫn trong sương mù, một “phố núi cao, phố núi đầy mây”. Chân lang thang không định hướng, cảm thấy lạnh vì “ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”, anh kéo cao cổ áo bay, đi ngang cà phê Vị Thủy anh ghé vào, chiều Chúa Nhật khách đông hơn mọi ngày, đa số là lính, thấy phía bên hông quán nhộn nhịp tiếng nói cười lao xao, anh bước qua đó theo lối rẽ bên hông, à thì ra ngoài quán bán cà phê ra còn có thêm một bàn pingpong, cô chủ quán xinh đẹp có đôi chân dài đang tranh tài với một chàng Pilot, anh để ý thấy cô này mỗi lần xoáy đỡ trái banh lại ưa giậm mạnh chân phải xuống nền nhà, bao nhiêu người đứng xem hình như nhìn vào cô chủ quán hơn là nhìn những đường banh của hai người đánh qua trả lại, nên cô ta hơi có vẻ kiêu hãnh vì nhan sắc và những cú xoáy banh của mình. Anh không cảm thấy vui nên trả tiền cà phê và ra về, anh thích lang thang trên phố, thích đi trên những con đường bụi đỏ hơn và anh nhớ cô rất nhiều, lòng lúc nào cũng nhủ rằng “thế nào cũng phải viết một lá thư dài thật dài, chuyền vào trong đó những nỗi nhớ nhung của mình” để gởi cho cô nhỏ của anh. Thế nhưng anh chỉ tự hẹn với mình mà thôi chứ khi về đến phòng anh lại mở cassette để nghe nhạc và rồi chìm dần vào trong giấc ngủ của một buổi chiều muộn.
Đêm nay phi trường lại bị pháo kích, anh đã quen dần với không khí, hơi hướng của cuộc chiến ở nơi đây, không giật mình giao động như ngày mới đến. Khi phải đối đầu với hiểm nguy anh trở nên gan dạ, can đảm hơn, những chuyến bay ở nơi đây trở nên thi vị đầy hấp dẫn, anh chao lượn đôi cánh chim sắt nhỏ bé trên bầu trời rộng lớn một cách tài tình như một người làm xiếc đang đánh đu trên dây. Anh đắm say và quên hết mọi thứ cho tới lúc đáp xuống đường băng của phi trường.
Lá thư vẫn chưa viết dù đã hai tuần trôi qua sau chuyến ghé thăm rất ngắn ngủi cô nhỏ của mình, anh cất giấu hình ảnh cô vào một ngăn rất sâu kín, rất đặc biệt trong trái tim, vẫn chưa có ngày phép, chưa có sự trùng hợp ngày anh được nghỉ bay và chuyến lên Đà Lạt của một chàng lái trực thăng nào đó trong phi đoàn, nhưng có những lúc lại trùng hợp với một chuyến bay ra Qui Nhơn hay vài ngày được biệt phái lên xứ Buồn Muôn Thủa, anh mang theo cô trong nỗi nhớ của trái tim mình nhưng… anh không cảm thấy buồn. Bây giờ mỗi khi đi trên phố gặp cô nào đó hỏi han làm quen, anh cười đáp lễ bằng một câu bông đùa, thỉnh thoảng anh cũng xao xuyến đôi chút khi gặp ánh mắt nhìn tha thiết của một cô sơn nữ đứng bên đường và bất chợt dường như là: “một buổi chiều nao lòng thấy bâng khuâng”…
Phố núi Pleiku có lắm quán cà phê, quán nào anh cũng vào cho biết; nào là Dinh Điền, Văn, Vị Thủy, Cao Nguyên… có vài vũ trường để người ta vào đó nhảy nhót như Phượng Hoàng, Hoàng Lan… nhưng anh thường xuyên vào quán Nhớ trong phi trường vì không phải ngày nào anh cũng ra phố, mà anh thì lại thích uống cà phê.
Bây giờ đang bắt đầu vào mùa đông; trời Pleiku lạnh kinh khủng, có đôi khi nắng đẹp tuyệt vời, anh phải bay nhiều hơn trong những ngày nắng đẹp ấy, anh quay quắt dọ hỏi để làm sao có được; dù chỉ là một ngày phép thôi vào ngày lễ Giáng Sinh; đó sẽ là món quà rất ý nghĩa mà anh muốn dành tặng cho cô nhỏ của mình; hơn vạn bức thư… chưa viết của anh.
Chiều nay anh theo mấy người bạn trong phi đoàn về xã Phú Thọ chơi, đó là một ngôi làng nhỏ cách thành phố khoảng chừng 7 cây số, ở đó có một quán nhậu với món đặc biệt nhất là món “vịt đút lò” mà các bạn anh quảng cáo là ngon tuyệt vời, khách muốn ăn cứ việc ra chuồng vịt lựa chọn, thích con nào thì chỉ cho chủ quán, chủ quán bắt ngay con vịt đó đưa vào bếp để làm thịt, vì vậy khách đến quán này phải kiên nhẫn chịu khó chờ. Ngồi trên chiếc xe Ford của Không Quân, anh nhìn ra hai bên đường thấy có rất nhiều những cụm Dã Quỳ hoang dại nở hoa vàng rất đẹp, phía trong xa một tí toàn là một màu xanh của ruộng lúa, bắp, sắn, đậu phộng và các thứ cây trồng khác. Nằm chơ vơ đìu hiu trong màu đỏ của đất là một trại gia binh, vài người phụ nữ bồng con đứng lóng ngóng bên đường; có lẽ đang chờ chồng, trông họ nhếch nhác và buồn buồn làm sao ấy.
Đến cổng chào của xã Phú Thọ phía bên tay phải có con đường đất nhỏ; chiếc xe rẽ vào đó. Hai bên đường là những nếp nhà đơn sơ nằm gần nhau, nơi đây là một vùng đất có vẻ trù phú, dân ở khá đông đúc, trước mắt anh hiện ra một ngôi Thánh Đường nhỏ chỉ có một tháp chuông, xe chạy cặp theo hông nhà thờ vì quán nhậu nằm ngay phiá sau ngôi Thánh Đường bé nhỏ của làng Phú Thọ.
Kể ra quán nhậu này cũng hay hay, thích nhất là sự thoáng mát, ông chủ quán tên Kinh mừng rỡ đón tiếp những người khách quen (chỉ có anh là khách lạ mà thôi). Vì là lần đầu tiên đến đây nên anh tò mò bước ra ngoài thay vì ngồi chờ đợi và cùng tán gẫu với bạn bè; anh muốn tìm hiểu, khám phá vùng đất trông rất dễ thương này. Lâm men theo con đường làng đất đỏ dẫn đến một con đập nhỏ, anh ngồi lên con đập, nhìn bao quát quang cảnh chung quanh mình, những luống bắp xanh mượt mà, những vườn cam trĩu nặng trái trên cành nằm bao bọc mấy nếp nhà đơn sơ nho nhỏ, nhìn bề ngoài thì nó mang một vẻ bình yên, trù phú, nhưng biết đâu được bên trong là gì?
Và… anh chợt ngạc nhiên thích thú đến ngẩn ngơ khi thấy một đoàn người Thượng gồm cả đàn ông, đàn bà, con trai con gái nối đuôi nhau thành một hàng dài đang đi lên con đập, đàn ông con trai đóng khố, đàn bà con gái quấn xà rông, con nít thì ở truồng, tất cả bọn họ đều không mặc áo dù trời đang lạnh buốt, trên môi các ông thì ngậm chiếc tẩu thuốc, còn đàn bà và con nít mỗi người ngậm điếu thuốc lá to bằng ngón tay cái, họ bập bập từng hơi nhả ra những làn khói có mùi khét lẹt, trên lưng mỗi người đều có mang một chiếc gùi đan thật công phu, họ nhìn anh cười rất đơn sơ thân thiện để lộ ra hai hàm nướu mòn hết cả răng, mấy người phụ nữ thì có hai cái rái tai lòng thòng lủng một lỗ lớn, và anh càng ngạc nhiên hơn khi thấy một cô gái Thượng chừng 17 – 18 tuổi có nét đẹp hoang dại đầy quyến rũ với làn da nâu trơn láng và một bộ ngực không chê vào đâu được. Anh ngây người ra nhìn cô không chớp mắt. Thấy có chàng trai người Kinh đang nhìn mình chăm chú, cô gái mắc cỡ vội đưa hai tay lên che ngực… Tự nhiên anh cảm thấy xấu hổ vì sự khiếm nhã rất vô ý của mình, anh quay mặt đi chỗ khác, tủm tỉm cười và đứng lên, rời khỏi con đập trở về quán, chắc hẳn các bạn đang nóng lòng chờ anh.
Mãi đến tối mọi người mới đứng lên rời bàn nhậu, vui vẻ ra về với một cái bụng đầy ắp thức ăn và bia rượu. Trong đêm tối con đường về thành phố sâu hun hút và đầy sự đe dọa, nhưng rồi cũng về đến phi trường, bước vào phòng mình anh nằm dài ra nệm, lòng sảng khoái. Với anh; chiều hôm nay thật thi vị và đầy ý nghĩa, anh bắt đầu có cảm tình với thành phố Pleiku này như người ta đã viết: “Phố xá không sang nên phố tình thân”. Anh nhỏm dậy vì rất muốn viết thư kể cho cô nhỏ của anh câu chuyện ban chiều bên đập nước nhưng;… cũng như lần trước, chỉ mới ghi được Pleiku, ngày… tháng… năm…là anh ngồi thừ người, đăm chiêu nhìn ra ngoài màn đêm sâu thăm thẳm của phi trường rộng lớn mênh mông. Từ ngọn đèn néon trong phòng chiếu ra ngoài cửa sổ, ánh sáng của nó có màu trắng mờ mờ nhạt nhạt đang lả lơi ôm lấy bụi chuối, bây giờ anh mới để ý thấy cây chuối ngày đầu khi lên đây chỉ mới ra bắp hoa mà nay đã trổ buồng, những nhánh chuối nho nhỏ có màu xanh nõn thật dễ thương. Anh thở dài, thời gian trôi qua vừa nhanh vừa chậm. Nhanh là khi anh không để ý đến nó; mỗi sáng thức dậy là vội vã lao nhanh tới phòng trực nhận lệnh bay, leo lên phi cơ và bay vào bầu trời cao xanh thẳm. Thường thì sau mỗi chuyến bay anh về phòng với vẻ mệt nhoài, anh nhớ cô và mong chờ có một ngày gần nhất được gặp cô, đó là lúc mà thời gian trôi qua thật chậm.
Lá thư chưa có thêm một dòng chữ nào mà anh lại buồn ngủ ríu cả mắt, anh dặn với lòng: thôi thì mai viết cũng được, nhất định mai sẽ viết cho cô nhỏ của mình. Ôi, chữ “mai” của anh sao mà… ở tận đâu đâu.
***
Đà Lạt bắt đầu những ngày lập đông nên trời rất lạnh làm cô nhớ anh vô cùng, chờ đợi mãi hoài mà vẫn chưa có thư của anh, cô lo lắng cho anh nhiều hơn là giận hờn, lúc này cô rất thích đọc báo nhất là những tin tức về chiến sự ở các vùng cao nguyên Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuộc, tim cô nhói đau khi đọc thấy những tin tức không mấy tốt lành; vì anh thường xuyên bay trên bầu trời của những vùng đất ấy, và nhất là khi báo đăng tin phi trường bị pháo kích là cô nghẹn ngào khóc vì lo sợ.
Hôm nay Chúa Nhật, sau khi đi lễ ở nhà thờ Con Gà về cô ghé vào chợ mua mấy cuộn len để đan áo ấm cho anh, cô chọn màu vỏ trái me vì có một lần cô nghe anh kể là anh rất thích màu ấy, và mua thêm hai bộ que đan. Ý nghĩ đan cho anh một chiếc áo len làm quà Giáng Sinh làm cô cảm thấy lòng bất chợt vui vui, xúc động nhưng rồi nỗi lo âu và nhung nhớ kéo lòng cô chùng xuống.
Những điều đang thay đổi ở nơi cô bấy lâu nay không lọt qua khỏi đôi mắt của cha và chị Mai, sau buổi cơm tối cha cô không về phòng vội như mọi khi, ông ra ngồi ở phòng khách mắt đăm chiêu nhìn làn khói từ ly trà bay la đà trong khoảng không, cô biết có điều gì đó không bình thường nên cũng không dám về phòng mình, cô đến ngồi đối diện trước mặt cha chờ đợi. Cha cô nhấp một ngụm trà thong thả hỏi cô:
- Mấy lúc sau này cha thấy con có điều gì đó bồn chồn lo lắng và lại hay buồn nữa, có thể nói cho cha biết được không?
Cô cắn môi đến rướm máu, cha cô đang chạm vào nỗi đau trong sâu thẳm của trái tim cô, ước gì người hỏi cô là mẹ, cô sẽ dễ dàng thố lộ biết bao nhiêu, Thu rưng rưng nước mắt, cô trả lời một câu mà ngay chính cô cũng không ngờ:
- Con nhớ mẹ quá.
Cha cô không mấy tin vào câu trả lời này, ông nhíu mày hỏi lại:
- Có thật không con?
Cô chỉ có thể gật đầu, thật sự thì cô cũng rất nhớ mẹ đồng thời lẩn trong nỗi nhớ ấy là hình ảnh của anh đang choáng ngợp cả tâm hồn làm cho cô đau đớn muốn khóc. Cha cô cầm ly nước trà lên và xoay xoay nó trong hai lòng bàn tay, mắt thoáng vẻ đăm chiêu, ông ngồi trầm ngâm một lúc lâu sau đó mới lên tiếng, nhưng cố gắng lắm để không làm cho cô bối rối:
- Lâu rồi cha không thấy người phi công ấy đến nhà…
Cô cúi đầu tránh ánh mắt của cha:
- Dạ… có lẽ anh ấy bận vì phải bay nhiều.
- Môi trường và cuộc sống của những người Phi Công khó làm cho họ giữ được tấm lòng chung thủy, vì họ thường xuyên bay lượn trên bầu trời cao, được đến rất nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người nên tâm hồn của họ rất phóng khoáng, dễ đổi thay. Cha lo cho con nếu như lòng con đang vương vấn người phi công đó.
Cha cô thở ra, không biết với tiếng thở ra này ông có trút được khối đá lo lắng đang đè nặng trong tim mình hay không? Tự nhiên cô cảm thấy có lỗi với cha vì đã làm cho ông phải bận tâm suy nghĩ. Sự im lặng kéo dài giữa hai cha con tạo nên một khoảng không gian đặc quánh rất ngột ngạt, cô không dám thở mạnh vì sợ làm đổ vỡ một cái gì đó ở trong cô, ước gì mẹ còn sống thì sẽ dễ dàng biết bao nhiêu, cô sẽ nép vào lòng mẹ để khóc và để được vỗ về an ủi, còn với cha sao mà khó quá dù cô rất là muốn…
Chị Mai đã xong việc dọn dẹp dưới bếp, chị bước lên phòng khách nhìn thấy nét mặt buồn buồn của cô em gái và sự trầm ngâm của cha mình, chị ái ngại nhìn hai người thân với ánh mắt dò hỏi. Thu nói với cha:
- Xin cha cho phép con về phòng nghỉ.
Cha cô gật đầu nhưng ông vẫn cứ xoay xoay ly nước trong hai lòng bàn tay, chờ cô đi qua khỏi ngưỡng cửa phòng khách, cha cô nói với chị Mai:
- Cha cảm thấy lo cho em con, hình như em con luôn nghĩ đến người phi công ấy, anh ta đẹp trai quá nên khó có người con gái nào mà không bận tâm đến. Cha nhờ con gần gũi với em nhiều hơn để tìm hiểu tâm tình của em mà an ủi, khuyên bảo em, phải chi mẹ con còn sống…
Cô nghe tiếng chị Mai nhẹ nhàng nói với cha:
- Dạ, con cũng thấy như cha và cũng lo cho Thu như thế, con sẽ cố gắng tìm hiểu và gần gũi với em nhiều hơn.
Những điều cha cô và chị Mai nói làm cô rất hoang mang chao đảo nhưng hơn lúc nào hết cô nhớ anh vô cùng. Cô trăn trở với những mũi kim đan và cô không muốn nghĩ gì ngoài việc đan cho anh một chiếc áo len.
Mùa đông nên thư viện nhiều người đến hơn, vừa để tránh cái lạnh ở bên ngoài vừa để ôn thi, tìm tài liệu, chuẩn bị bài… Thường thì các sinh viên của các phân khoa phải làm một tiểu luận cho kỳ thi đệ nhất rồi mới nghỉ Tết. Cô bận rộn nhiều với công việc hơn, luôn tay nhận thẻ sinh viên, có khi phải vô kho tìm sách khi những kệ bên ngoài không có, rồi lại nhận giấy, trả thẻ sinh viên… chiếc áo len cô đan vẫn chưa tiến xa hơn được nửa thân áo, nhưng nỗi nhớ của cô thì xa tận chân trời của phố núi Pleiku.
Còn hơn hai tuần là đến lễ Giáng Sinh, buổi tối cô ngủ muộn hơn bình thường vì còn phải thức nhiều để đan cho xong chiếc áo len, chị Mai ái ngại cho cô em gái út của mình, chị ngỏ ý muốn đan giùm cô nhưng cô từ chối, cô muốn dành trọn ý nghĩa trong từng mũi kim đan, và nỗi nhớ trải dài theo từng hàng len.Vẫn chưa có thư anh nhưng bây giờ cô không nôn nóng bồn chồn như những ngày đầu anh mới đi, những hàng cây Anh Đào trên mỗi con đường của thành phố Đà Lạt và của trường Đại Học đang chớm nụ, có nghĩa là mùa xuân đang tới gần, mỗi buổi chiều cô luôn liếc nhìn vào chiếc ghế anh ngồi để mà ao ước một điều: anh đang ngồi ở đó cười với cô; nhẹ nhàng như anh vẫn thế.
Đúng như lòng mong ước của mình, trước Giáng Sinh ba ngày anh có đước hai ngày phép, kể ra không phải là Lâm may mắn gì đâu vì để có được hai ngày phép quí giá đó; anh phải bay thế cho người bạn suốt một tuần (ngoài những giờ bay của anh), đó là một sự hoán đổi mà anh vẫn thường làm lúc còn bay ở Nha Trang. Chiều nay ra phố, anh đi lên đi xuống đường Hoàng Diệu đến mấy lần, đi qua đi lại gần như hết cả những con đường trên phố mà vẫn chưa chọn được một món quà nào thích hợp để mua tặng cô, ngày mai anh sẽ bay lên Đà Lạt, vui quá. Không tìm mua được gì mà chân đã mỏi nên anh vào quán Dinh Điền uống một ly cà phê sữa đá, gặp một người bạn trong phi đoàn rủ anh tối nay qua Phượng Hoàng nhảy nhót vài điệu cho đỡ buồn chân nhưng anh từ chối. Chiều xuống nhanh nên anh vội vã quay trở về nơi ở của mình, nấu một gói mì Vị Hương ăn cho qua bữa sau đó anh lặng ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài và thấy buồng chuối đang ươm vàng, anh chợt nảy ra ý tưởng thật ngộ nghĩnh: “hay là hái nguyên cả buồng chuối này đem lên làm quà?” rồi anh bật cười vì cái ý nghỹ đầy chất quê của mình, cuối cùng anh thở ra vui vẻ với một quyết định rất đặc biệt và nói cho riêng mình nghe: “ – cô nhỏ của anh ơi,anh sẽ mang tặng em cả tấm thân này của anh” không còn ưu tư nữa, Anh bình thản ngủ một giấc thật ngon lành.
Đêm nay phi trường không bị pháo kích.
Buổi sáng trời Đà Lạt thật đẹp, khi anh lên tới thì thành phố vẫn còn ngái ngủ trong màn sương mỏng như một cô gái đẹp đang lười biếng nằm trên giường chờ nắng lên. Hoa Anh Đào hé nở từng cánh nhỏ màu hồng non, cành lá ngậm tràn đầy những giọt sương lạnh của đêm qua, vạt cỏ hai bên đường lấp lánh nước, anh hít thở bầu không khí thơm lành của ban mai đầy hương hoa bay trong gió. Đời đẹp quá và đáng yêu làm sao, túi xách của anh đựng vài đồ dùng cá nhân cần thiết nhẹ hẫng trên tay, anh huýt sáo một bản nhạc rất quen thuộc nhưng lại không nhớ được tựa bài hát là gì, nghĩ thật buồn cười.
Con đường đến nhà cô phủ đầy màu hồng non của hoa Anh Đào và hàng rào nhà cô phủ rực rỡ màu vàng tươi của Dã Quỳ, cánh cổng xanh kia rồi với nhánh Tường Vi đong đưa trong gió. Tự nhiên anh cảm thấy mình trở nên lãng mạn kèm theo một chút ngớ ngẩn khi trái tim anh đập rộn ràng. Lâm đứng bên kia đường dưới gốc cây Anh Đào đối diện với cánh cổng nhà cô, anh nói một mình “- cô nhỏ ơi, chắc em còn ngủ? Nếu thế thì em hư lắm nhé, sương đã tan rồi, nắng đã lên, em hãy dậy đi nào, có anh đang đứng chờ em nơi đây.” Anh bật cười ra tiếng vì thấy mình cải lương quá trời.
Nếu như đôi chân có cánh, cô sẽ bay đến bên anh dù anh chỉ ở bên kia đường, cả một vùng trời bừng sáng chung quanh nơi anh đứng làm cô như bị lóa mắt, có nỗi vui nào hơn? Có niềm hạnh phúc nào bằng khi anh đang đứng đó, dưới gốc cây hoa Anh Đào để chờ cô như từ thủa nào. Hình như anh cũng không thể kiên nhẫn chờ cô lâu hơn được nữa nên vội vàng băng qua đường đến bên cạnh cô, cầm lấy bàn tay bé nhỏ mềm mại của cô, bàn tay ấy bỗng run lên nhè nhẹ trong tay anh, cô liếc nhìn vào nhà, giờ này cha cô đang nghe nhạc ở trong phòng, đó là thói quen mỗi buổi sáng của ông, chị Mai đang lo cho hai đứa bé ăn sáng trước khi đưa chúng đến trường, còn cô thì thích ra khỏi nhà thật sớm để lên đồi Cù, ngồi dưới cây thông già một lúc và nhìn ngắm nhìn thành phố rộn ràng thức giấc chào một ngày mới, rồi sau đó cô mới vào thư viện. Hôm nay cũng thế, cô ra khỏi nhà sớm nhất và thấy anh đứng bên kia đường…
Câu đầu tiên anh nói với cô là:
- Nhớ em dễ sợ.
Thật hạnh phúc khi được nép vào vai anh, hai người chưa ai nói với nhau một lời nào nhưng họ nghe rất rõ từng nhịp đập hai trái tim của nhau, hòa vào trong nhau, hương của bao nhiêu loài hoa đang phủ lấy chung quanh họ, quyện vào từng bước chân của hai người.
Anh đưa cô vào tiệm phờ Tùng để ăn sáng, bây giờ anh mới nói câu thứ hai:
- Em có đói không? Anh đói bụng quá trời luôn.
Chỉ một cái gật đầu thôi là hai tô phở nóng được đưa ra, hơi bốc lên nghi ngút, mùi thơm của hành ngò, của hạt tiêu, của váng mỡ màu vàng ươm trộn lẫn vào với nhau, tất cả đều chui vào mũi của hai người làm cho cái đói được nhân đôi khi họ đang cùng ngồi bên nhau. Anh hồn nhiên ăn một cách ngon lành trong khi cô còn rón rén mắc cỡ vì đây là lần đầu tiên cô ngồi ăn với một chàng trai, hơn nữa trước khi ra khỏi nhà cô đã ăn một khúc bánh mì và uống một ly sữa, nhưng cô thật ái ngại nếu để anh ăn một mình còn cô chỉ ngồi nhìn… như thế thì kỳ quá.
- Mình đi uống cà phê nhé, anh có rất nhiều chuyện muốn kể em nghe.
Cô ngập ngừng:
- Em… còn phải đến thư viện làm việc.
Anh ngẩn ngơ kêu lên đầy tiếc rẻ:
- Ui da; anh chỉ có hai ngày phép ngắn ngủi, không lẽ với hai ngày phép đó anh chỉ ngồi trong thư viện để nhìn em thôi sao?
Cô nhìn anh vẻ thoáng buồn nhưng bỗng nhiên nhớ ra ngày tháng… cô reo lên thích thú:
- Anh ơi, hôm nay là thứ Bảy, buổi chiều em được nghỉ, còn cả ngày mai Chúa Nhật nữa,
Anh sung sướng cười rất tươi:
- Ừ ha, anh thật là may mắn khi có được hai ngày phép rất trùng hợp vào thứ Bảy và Chúa Nhật, thế mà anh quên mất điều này, có lẽ vì nóng lòng lên thăm em, bây giờ chúng mình cùng đến thư viện, anh ngồi đó đọc sách và chờ em, thích ghê.
Cả thành phố Đà Lạt bừng sáng vì màu các màu sắc của hoa Anh Đào, Dã Quỳ, Hoa Hồng, Cánh Bướm, và nhất là màu vàng của hoa Mimosa trước cổng trường Đại Học, nhưng trên tất cả là màu má của cô đang ửng hồng vì hạnh phúc, màu đen của đôi mắt cô đang long lanh và màu áo bay của anh… sao mà đẹp quá khi đi bên cô, dịu hiền trong áo dài tím với áo len bên ngoài và khăn quàng cổ màu trắng của cô..
Sáng nay cô đến thư viện trễ hơn mọi buổi sáng khác, tuy thế vẫn chưa đến nổi làm cho các anh chị sinh viên phải chờ đợi cô. Hình như có nhiều người ngạc nhiên ghê lắm khi thấy cô Quản thủ thư viện với đôi mắt sáng long lanh, đôi má hồng hồng, đôi môi đỏ thắm, nhu mì khép nép, đầy vẻ e ấp đi bên cạnh một chàng phi công thật đẹp trai, hào hoa phong nhã. Có nhiều tiếng xuýt xoa và có người kêu lên: “- ôi chà; đẹp đôi quá chừng.” Cô sung sướng, lòng thầm cảm ơn người đã thốt lên lời khen đó. Đi ngang qua giảng đường Minh Thành anh định ghé vào một chút, nhưng cảm thấy ngại ngùng khi mình đang mặc bộ đồ bay mà vào giảng đường thì… chỉ làm cho mọi người chú ý nhiều nên lại thôi.
Bỗng dưng cô có cảm tưởng mình thật là “không phải phép” khi cứ nhìn đồng hồ và mong cho thời gian trôi đi thật nhanh, thâm tâm cô nghĩ rằng mình thật có lỗi với cha vì những điều thay đổi trong cô làm cho cha phải lo lắng, nhưng đồng thời cô lại cảm thấy mình đang rất hạnh phúc và cô không thể nào khước từ được hạnh phúc mà cô có ngay lúc này. Cô nhẩm tính từ ngày thay cha vào đây làm công việc quản thủ thư viện; cũng được tám tháng rồi và thời gian của buổi đầu tiên anh đưa cô về nhà dưới cơn mưa: đã sáu tháng…
… Sáu tháng với bao nhiêu biến chuyển trong tâm hồn cô, trong sự cô đơn và trái tim luôn khép kín bây giờ lại đầy ắp nỗi nhớ, choán hết cả tâm trí cô với hình ảnh của chàng trai đang ngồi ở cuối phòng… cô có thể lý giải được tại sao và tại sao? Nhưng cô không dám thú nhận câu trả lời vì cảm giác vừa sợ hãi vừa băn khoăn cộng thêm vào đó là nỗi bất an lẫn một chút hoài nghi bởi những lời cha cô đã nói với cô hôm nào, vẫn ám ảnh mãi hoài trong cái đầu nhỏ bé, ngây thơ và cô độc của mình. Anh đẹp trai, phong nhã, lại là một phi công với cuộc đời thường xuyên bay lượn trên bầu trời cao rộng, thường xuyên đáp xuống những miền đất mới lạ… Còn cô thì thế nào đây?: - Một tâm hồn khép kín, e ngại với cuộc sống bên ngoài, chỉ có những cuốn sách và bốn bức tường lúc nào cũng ở kế bên để làm bạn với cô, những con đường cô thường đi xa lắm thì từ nhà đến viện Đại Học. Rồi từ Viện trở về nhà, mỗi tuần một lần đi lễ ở nhà thờ Con Gà, tạt vào chợ, rẽ qua phố rồi về nhà, không xa hơn, không nhiều hơn, cô thích ngồi dưới một gốc thông trên Đồi Cù để nhìn mây bay, để tưởng tượng và để khao khát một điều gì đó không thể có trong tầm tay với của mình, cô xa lạ với quán xá và những nơi đông người qua lại; thế đó.
Anh đã về lại Pleiku, hai ngày phép tuy ngắn ngủi của anh nhưng đã đem đến cho cô thật nhiều hạnh phúc, sung sướng. Đêm nay, trong sự yên lặng hoàn toàn của căn nhà nhỏ, cô ngồi bên cửa sổ khép nhẹ đôi mắt để nhớ lại những gì đã có của hai ngày vừa qua, tim cô đập rộn ràng với những hồi ức còn rất mới mẻ. Hương đêm ngập tràn vào phòng, hình như có mùi thuốc lá anh thường hút thoang thoảng đâu đây, cô hít vào buồng phổi một hơi nhẹ và dài. Và như một cuốn phim quay chậm, cô nhớ lại rất rõ từng chi tiết…
… Trưa thứ Bảy anh đưa cô về nhà, hẹn ba giờ chiều sẽ đến nhà thăm rồi xin phép cha cô để cô được cùng anh ra phố. Cô nôn nao chờ đến giờ hẹn của lần hẹn hò đầu tiên trong đời. Đúng ba giờ anh đến nhà cô với áo chemise trắng, phía ngoài là áo blouson xám có viền cổ màu cam và cái quần Jean xanh, chân mang đôi giày da màu nâu kiểu Mọi, trong bộ đồ này anh đẹp một vẻ đẹp thật nho nhã thanh lịch nhưng lại phảng phất nét “bụi bụi” bởi cái quần Jean hơi bạc màu nơi đầu gối. Cha cô vẫn giữ một thái độ trung dung đối với anh và cho phép anh chỉ được đưa cô đi chơi trong khoảng thời gian nhất định. Cô đã chuẩn bị sẵn món quà dành tặng anh là chiếc áo len mà cô vừa đan xong ngày hôm kia, chiếc hộp đựng quà được gói lại cẩn thận bằng một tờ giấy kiếng trong veo in nhiều hình bông hoa. “Trông thật xinh như cô nhỏ của anh”. Anh cười, nói với cô như vậy khi nhận gói quà và đó cũng là một lời khen làm cho cô ngượng ngùng. Chiều nay cô mặc áo dài lụa màu vàng non như tơ trời, áo len trắng và khăn quàng cổ cũng trắng luôn. Cô thật dễ thương, trong ngần, mong manh dễ vỡ.
Hai người đi bên nhau trên những con đường trong thành phố dưới hàng cây đầy hoa Anh Đào, anh đưa cô lên những ngọn đồi, xuống những con dốc; đi quanh bờ hồ Xuân Hương có màu nước trong xanh hơi gờn gợn lăn tăn những làn sóng nhỏ. Anh đưa cô đi qua những ngôi biệt thự cổ xưa có chừng trăm năm về trước, đến ga xe lửa bỏ trống đầy cỏ mọc. Anh kể cho cô nghe về những câu chuyện, những huyền thoại gắn liền với từng nơi mà anh đưa cô đến, nơi nào gần thì đi bộ, nơi nào xa thì ra bến xe lam, những chuyến xe lam đưa cô tới những nơi cô chưa từng tới; chỉ nghe nói mà thôi,… sao anh hiểu biết nhiều đến thế? Cô cảm thấy mình thật là ngây ngô đáng thương làm sao khi cô không biết gì nhiều về một thành phố mà cô luôn tự hào, hãnh diện khi mình là người của Đà Lạt mộng mơ xinh đẹp. Những gì cô biết, những kiến thức cô có thường là nằm trong những cuốn sách mà cô đọc ở thư viện, có những cái xa vời đâu đâu, lắm khi không có thật và cũng không gần gũi cho lắm, không như những điều anh biết và kể cho cô nghe. Cuộc sống của cô luôn khép kín, co rút trong một không gian ngắn và hẹp kể từ ngày mẹ mất. Cô kể cho anh nghe về điều đó, anh cảm thấy hình như cô chỉ hé mở cho anh xem một phần rất nhỏ của cánh cửa tâm hồn cô, vẫn còn thật nhiều bí ẩn trong cái đầu xinh xinh với mái tóc chấm ngang vai ấy.
Họ mỏi chân lắm lắm thì phải. Khi lên lưng chừng dốc của Đồi Cù, ở nơi có vạt cỏ rộng trải dài, mềm mượt êm êm, anh ngừng lại phồng to hai bên má lấy hơi phù miệng thở ra thật dài, anh cười dí dỏm nói với cô:
- Em làm như anh đây nè, tuy xấu một chút nhưng khỏe lại liền.
Rồi anh lấy khăn mouchoise trong túi quần ra trải lên cỏ, kéo tay cô cùng ngồi xuống bên mình. Phía bên kia bờ hồ là nhà hàng Thủy Tạ nơi đó có một chiếc trực thăng đang đậu, anh vò vò cọng cỏ trong tay, nghiêng đầu qua hỏi cô:
- Hai đứa mình qua bên kia hồ, vào nhà hàng Thủy Tạ uống nước ha?
Cô ngập ngừng:
- Em sợ vào trong đó đông người mà lại phải tốn rất nhiều tiền, ngồi nơi đây thoáng mát và ít người qua lại… em đang muốn nghe anh kể chuyện của anh ở Pleiku và tại sao không viết thư cho em.
Anh vờ nhăn mặt:
- Nhưng em có biết là anh đang khát nước khô ran khô rốc cả cổ rồi không?
- Ngồi một chút thôi rồi đi uống nước, nhưng chỉ vào nơi nào không tốn nhiều tiền.
Anh cười nhìn cô đầy cảm động trước sự chân thật, ngoan hiền của cô:
- Ừa, chút xíu xuống phía dưới Đồi Cù, mình uống nước ở quán bên đây bờ hồ vậy, mà này, em nhìn xem nắng chiều nay đẹp quá, màu nắng hơi hanh hanh vàng, nếu em không ngại thì cho anh nằm xuống trên cỏ năm phút thôi, anh thích nhìn mây bay trên trời.
Nói là xin phép thế thôi chứ chưa xong câu nói anh đã nằm dài lên cỏ, hai tay vòng ra phía sau làm gối kê đầu, mắt nhìn lên bầu trời xanh đang chuyển dần qua màu xám bạc, anh cảm thấy buồn cười vì lắm lúc anh thật là cải lương. Đúng thời gian năm phút của im lặng và êm ái, anh ngồi bật dậy, đưa tay cho cô nắm và kéo cô lên theo. Chiều xuống chầm chậm theo từng bước chân của hai người khi bóng bóng họ ngã dài theo bóng nắng ở sau lưng.
Hai chỗ ngồi bên cạnh bờ hồ, hai ly nước được đưa ra, gió từ bờ hồ thổi lên làm cô lạnh buốt, anh kéo cô ngồi xích lại sát vào anh hơn, cô rụt rè trong nỗi run sợ lẫn trong một cảm giác rất lạ lùng, vừa ấm áp vừa say say như khi người ta uống một ly rượu mạnh. Nhạc từ trong quán văng vẳng đưa ra nhẹ nhàng êm ái với những bản tình ca của ngoại quốc. Anh bắt đầu kể cho cô nghe về những điều cô muốn biết, nhiều và nhiều lắm, nhất là về những chuyến bay đầy nguy hiểm trên vùng trời lắm bất an vì chiến sự, có những buổi chiều một mình lang thang trên phố mang theo trong lòng nỗi nhớ nhung, rồi những chuyến bay qua những làng quê xa lạ mà người Thượng nhiều hơn người Kinh. Anh kể về buồng chuối bên cửa sổ phòng đang chín hườm và ý nghĩ “chân quê” của mình là mang nó theo để làm quà cho cô khi mà… suốt một buổi chiều lang thang trên phố nhưng không làm sao mua được cho cô một món quà, ngày kia anh về lại chắc không còn nữa. Suýt chút nữa thì anh kể về câu chuyện bên đập nước Phú Thọ và cô sơn nữ đẹp tuyệt vời theo nhiều nghĩa, nhưng may mà anh dừng lại kịp lúc vì anh không thể làm cho cô mắc cỡ về sự khiếm nhã vô tình của mình chiều hôm đó bởi tâm hồn cô quá tinh khôi.
Nhưng mà… anh buồn buồn nói với cô một điều rất thật trong suy nghĩ của mình:
- Thời gian gần đây phi trường Pleiku thường xuyên bị pháo kích, có nhiều đêm tụi anh đang ngủ say (vì mệt bởi ban ngày phải bay nhiều ) thì phi trường bị pháo, còi báo động hú vang rền trời, tụi anh giật mình dậy thật nhanh, chân thì chạy còn tay thì kéo khóa áo, có khi chưa kịp cột dây giày, phải làm sao chạy ngay tới chỗ máy bay đậu, leo ngay lên máy bay mà bay thật nhanh, thật cao để quan sát tìm cho ra ổ đạn pháo kích của vc mà báo về cho căn cứ. Đôi khi anh cảm thấy sợ hãi vì sinh mạng của mình thật mong manh, nhất là khi hay tin có chiếc máy bay của một người bạn bị bắn trúng và rơi ở đâu đó, hoặc khi nghe tin đồng đội của mình chết mà không tìm ra xác, cảm giác của anh lúc đó buồn vô cùng, nỗi buồn không làm sao tả nổi. Nhưng mà em biết không? anh thích bay và thích được bay, mỗi lần bước vào buồng lái, cất cánh bay cao vào bầu trời rộng lớn là tụi anh như quên hết mọi sự sợ hãi, mọi cảm giác lo âu, mọi tư tưởng chán nản mà chỉ biết chao lượn ngả nghiêng đôi cánh thật lả lướt, thật đẹp mắt cho thỏa chí… Bây giờ thì anh lại rất yêu thành phố Pleiku bụi đỏ mù trời vào ngày nắng và bùn lầy bám nặng gót giày những ngày mưa. Phố núi tuy mang mùi vị của chiến tranh nhưng đầy tình thân, gần gũi nhau chứ không xô bồ náo nhiệt bon chen như những thành phố khác, anh thích vẻ hoang sơ cũng như sự đằm thắm của cảnh và người ở nơi đó, ước gì có em ở Pleiku với anh, anh thật là hạnh phúc. Pleiku nằm gọn trong bài hát “Còn chút gì để nhớ để quên”. Mỗi lần ra phố, đi lên đi xuống là anh thấy đúng với một câu trong bản nhạc, bây giờ thì anh thuộc nằm lòng bài hát đó.
Giọng anh ngậm ngùi, chùng hẳn xuống làm cô rưng rưng, cô cúi đầu che giấu những giọt nước mắt sắp sửa rơi xuống má, anh cầm lấy tay cô đưa lên đặt vào phía bên trái ngực của mình, nơi đó có trái tim anh đang đập từng nhịp rộn ràng, anh nói nhỏ:
- Có em ở trong này nên anh vui biết mấy. Anh biết em chờ thư anh ghê lắm nhưng không hiểu sao đã biết bao nhiêu lần ngồi vào bàn để viết cho em, tự nhiên lúc ấy đầu óc anh đặc sệt, cứng ngắt, khô ran, anh chỉ có thể nói cho mình anh nghe là anh nhớ em quá chừng. Hình như anh không có khiếu văn chương.
Lúc này mới thấy cô cười, chao ôi, nụ cười đẹp làm sao, nó làm cho khuôn mặt cô sáng bừng:
- Em không tin đâu, anh đang học Văn Khoa cho dù chỉ là học hàm thụ, dân Văn Khoa văn chương lưu loát lắm mà.
- Em sai rồi, Văn Khoa có hai loại, một là những người giỏi về văn chương, thơ phú, lúc nào cũng lưu loát bồng bềnh, còn một là… dở ẹt như anh đây này. Nói đến Văn là nói đến ý tưởng cứ tự do bay bổng thoải mái, không như Toán học là phải chính xác từng con số “cộng trừ nhân chia” hay như bên Khoa học thì các thành phần hóa học khi hòa lẫn vào nhau nó sẽ cho ta kết quả của sự biến đổi nhất định. Anh phân tích cho em biết nhé: với toán học thì hai cộng hai phải là bốn, không thể khác được, còn văn ấy à… hai cộng hai có thể là năm, là bảy, là chín tùy theo mình muốn phăng ra thế nào cũng được. Anh học Văn Khoa chỉ vì anh cũng muốn có một cái vỏ bề ngoài “ta đây cũng là sinh viên mặc dù ta là lính”, với lại Văn Khoa không bắt buộc phải là Sinh Viên thuần túy như những phân khoa khác. Anh học hoài, thi hoài mà cứ năm thứ hai miết, có lên được năm thứ ba đâu, ông thầy dạy chữ Nôm, Chữ Hán có bao giờ thấy mặt anh, sở dĩ anh lên được năm thứ hai cũng may mắn thôi, vì ngày thi chữ Nôm của năm thứ nhất, anh ngồi gần một cô bé lên Lan, cô cho anh coppie bài, lại còn viết cho anh bài thơ Nôm, nhưng qua kỳ thi năm thứ hai cô ta đi lấy chồng, anh ngồi gần cậu con trai tên Lân, có lẽ vì anh đẹp trai còn cậu ta xấu nên không chịu cho anh coppie, vậy là anh thua luôn… Nói thật với em… mỗi lần đến kỳ thi là anh có được mấy ngày nghỉ phép để đi thi - ngoài những kỳ phép thường niên - thế là vui rồi.
Bỗng nhiên anh buồn buồn nói tiếp:
- Có lẽ anh bỏ luôn, không học nữa vì ở Pleiku anh không có nhiều thì giờ rảnh rỗi như lúc còn ở Nha Trang, nghĩ cũng lạ, khi anh được ở trong một thành phố bình yên thì tâm hồn, tình cảm của anh không thắm thiết gì cho lắm đối với mọi người, mọi vật, mọi thứ chung quanh, không có những chia sẽ hay cảm thông gì nhiều, nói nôm na là hơi vị kỷ, nhưng lên Pleiku rồi thì… con người, cuộc sống cũng như mọi thứ đều khác đi, lúc nào cũng nghe tiếng ầm ì của đạn Đại bác từ Hàm Rồng dội về thành phố như một âm thanh quen thuộc không thể thiếu, phi trường lúc nào cũng ở trong tình trạng bị pháo kích, bay trên trời nhưng có thể bị bắn rơi hồi nào không hay, tối tối các ông phía bên kia ưa mò vào các làng xã xa xa để bắn tỉa hay bắt bớ một ai đó… Sự bất an, khổ cực về mọi thứ mà người dân ở Pleiku phải thường xuyên đối mặt làm cho anh có nhiều nỗi cảm thương ray rứt khi nghỉ về họ và ngay với chính anh cũng là một trong số những người ấy, vì vậy anh cảm thấy gần gũi với Pleiku và yêu thành phố đó nhiều lắm. Tâm hồn anh rộng mở hơn, chỉ một điều là không có em nên anh buồn, vậy thôi.
Lối nói chuyện của anh có chút gì đó vừa hài hước nhưng cũng vừa đau đớn làm cô cảm thấy xót xa, nên cô không còn buồn lòng khi anh không viết thư cho cô… do làm biếng hơn là vì không có khiếu văn chương như anh đã nói. Đến giờ phải về nhà rồi vì hết thời gian cha cô cho phép.
Khi anh đưa cô về tới cổng nhà thì trời nhá nhem tối, đèn trong nhà cô bật sáng, cha cô đang đi qua đi lại nơi hiên nhà, cô cảm thấy áy náy với cha nhưng nếu cha biết rằng chiều hôm nay cô hạnh phúc biết là bao, chắc hẳn cha sẽ không nỡ giận cả hai. Anh đưa cô vào tận trong nhà, nói lời xin lỗi vì đã về hơi trễ giờ Cô lại tiễn ngược anh ra cổng, trong lòng đầy bịn rịn, lưu luyến, anh nói nhỏ vào tai cô:
- Nhớ ăn cơm nhiều và ngủ ngon nhé, nhưng phải có anh trong giấc mơ của em.
Anh lại thấy mình cải lương làm sao khi nói với cô câu nói đó, nhưng mà… có cải lương thì mới diễn tả được tâm trạng của mình chứ. Cô hỏi:
- Anh… còn ngày mai?
- Ah, anh quên mất, sáng mai anh sẽ đến thật sớm, chúng mình đi lễ nhà thờ Con Gà, sau đó đi ăn sáng, dạo chơi quanh phố…
Bây giờ cô mới cảm nhận được đôi chân mình đang mỏi rã rời vì chưa bao giờ cô đi bộ nhiều như thế, nhưng ước gì cô được đi bên cạnh anh mãi hoài như chiều hôm nay, cô sẽ quen dần với cảm giác này. Đêm thật lạnh, không khí trong veo đầy hương thơm của các loài hoa trong vườn, cô nhớ như in từng câu chuyện anh kể, từng lời tâm sự của anh. Giấc ngủ đến với cô thật nhẹ nhàng êm ái, cô mong sẽ có anh trong giấc mơ của mình.
Thật sung sướng khi vào một buổi sáng tinh mơ, sương mù bàng bạc trên khắp mọi con đường, người ta chỉ nhìn thấy nhau khi đứng gần nhau chưa đầy một mét, khí lạnh bao trùm thành phố, ai đi một mình thì co ro cúm rúm nhưng nếu có hai người cùng đi với nhau, tay trong tay nhau thì cái lạnh là sự đồng lõa dễ thương nhất để họ có cớ mà đi thật sát vào nhau, choàng vai nhau và đôi mái đầu được cận kề bên nhau.
Hai người đi bên nhau như thế trong cái lạnh rất cần có của Đà Lạt, qua cầu hồ Xuân Hương, leo lên một con dốc cao có hai hàng cây Anh Đào ở hai bên, rẽ tay trái băng qua bên kia đường là đến Nhà Thờ Con Gà, sáng Chúa Nhật có đông người đến dự lễ mặc dù trời còn tinh mơ. Cô quì gối bên anh, tâm hồn đầy hạnh phúc, một hạnh phúc trọn vẹn, tràn trề. Chiếc áo len cô đan tặng thật vừa với tầm vóc của anh, cô rất vui khi sáng nay anh mặc chiếc áo ấm đưa cô đi lễ, anh nói đùa:
- Em xem, anh đẹp trai hơn gấp mười lần khi mặc chiếc áo len này. Thích quá, anh sẽ mặc nó mãi hoài.
Hai người đều muốn tận dụng hết tất cả thời gian có được để ở bên nhau, sau Thánh lễ Lâm đưa cô đi ăn sáng, bây giờ cô mới cảm nhận được cái đói và vị thơm ngon của tô phờ Tùng. Loanh quanh dạo chơi trên phố anh tìm mua được một chiếc khăn voan choàng cổ màu hồng phấn để khi cô mặc áo dài màu tím, quàng lên cổ chiếc khăn voan mỏng manh này thì đẹp biết mấy, cô cảm động về món quà rất đổi dễ thương này.
Quán cà phê bên bờ hồ Xuân Hương vẫn rất nên thơ, lãng mạn, cô thích ngồi vào chỗ cũ mà hôm qua hai người đã ngồi, gió từ hồ thổi lên mơn trớn đôi má hồng hồng của những người con gái Đà Lạt. Nắng ban mai tươi thắm rực rỡ đang nhảy nhót trên từng cành cây ngọn cỏ hòa nhịp vào sức sống tràn đầy của mọi người, mọi vật.
Anh không nói nhiều như hôm qua, ngồi bên cô anh lặng thinh nghe nhạc và cảm nhận được hạnh phúc mình đang có thật ấm áp, thật quí giá vô cùng. Khó có thể phân tích tâm hồn mình cho thật đúng, thật rõ ràng những cảm xúc đang có, đôi khi lời nói không thể diễn tả được hết mọi ý nghỉ trong đầu mình, chỉ biết một điều là anh không cô đơn.
Cô đăm chiêu nhìn những gợn nước lăn tăn trên mặt hồ, bỗng nhiên cô cảm thấy rất buồn khi nghĩ rằng ngày mai anh đi rồi, mặc dù lúc này đây có anh đang ngồi bên cạnh, tay nắm lấy tay nhưng sao lòng cô đau đớn đến muốn khóc, hình như cô đa sầu đa cảm giống Thúy Kiều: “Chưa vui sum họp đã buồn chia ly”?
- Này em, kể anh nghe chuyện của em, những ngày không có anh thì em làm sao?
Cô giật mình khi anh lên tiếng hỏi, anh muốn biết chuyện của cô ư? Cũng là ngày hai buổi đến thư viện nhận thẻ của các anh chị sinh viên, ghi đề mục, tìm kiếm sách… trả thẻ lấy lại sách đưa trả về trên kệ, ở chỗ của nó, hết giờ thì về nhà, chơi đùa với hai đứa con của chị Thanh, ăn cơm… đi ngủ. Bây giờ thì chuẩn bị hồ sơ ghi danh qua năm tới đi học…
- Không nhớ anh à?
- Lúc nào cũng nhớ nên em không cần phải kể.
- Ha… ha… ha… em khôn quá trời luôn, sáng hôm qua anh thấy có nhiều anh chàng nhìn em… đắm đuối lắm à nghe.
- Mắt của họ, họ có quyền nhìn ai cấm được, nhưng em đâu có nhìn ai.
Anh cười vui:
- Này cô nhỏ của tôi, cô chỉ được nhìn một mình tôi thôi đó, nhớ chưa.
Cô cũng cười:
- Anh khôn dễ sợ luôn.
Cô không muốn âu sầu ảm đạm khi nghĩ đến ngày mai anh đi, cô cần phải thật vui dù trái tim cô tan nát và lo sợ vì những khổ cực hiểm nguy mà anh sẽ gặp phải bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu trên vùng trời Pleiku ấy.
Nắng cao trên đỉnh đầu, anh giật mình khi nhìn đồng hồ đeo tay:
- Trưa rồi, hèn chi anh đói bụng quá, chúng mình đi ăn cơm thôi, bên kia chợ Hòa Bình có tiệm cơm Phú Hòa rất ngon, anh đưa em tới đó ăn ha.
Biết là cha và chị Thanh đang chờ cô ở nhà nhưng cô không muốn xa anh vào lúc này, thôi thì đành để cha giận vì… cô chỉ còn ở bên anh buổi chiều nay nữa mà thôi, mai anh đi rồi, còn với cha… cô có rất nhiều ngày tháng trước mặt.
Nhìn anh ăn cơm một cách ngon lành không khách sáo, cô cảm thấy xót xa vô cùng khi anh nói:
- Ở Pleiku anh thường xuyên ăn mì gói Vị Hương thay cho cơm, còn nếu ăn cơm thì có gạo sấy đổ nước sôi vô cho nó mềm rồi khui đồ hộp ra ăn, vừa nhanh, vừa gọn nhẹ, sống độc thân là vậy đó, cuối tháng lãnh lương ra phố muốn ăn gì thì ăn, còn cơm trong quân đội… khó nuốt lắm, quang năm suốt tháng cứ món cá mối chiên với canh rau mà thôi, anh thì sợ nhất mùi cá mối, tanh muốn ói, giữa tháng thì cứ như là… ăn chay “đụng”.
Cô ngạc nhiên:
- Ăn chay đụng là gì anh?
Anh cười nheo mắt:
- Thì đụng gì ăn đó, ăn “lung tung xà bần” ấy mà.
Cô cũng cười vui vì kiểu giải thích của anh, nhưng mà cũng “tội cho anh quá chừng”.
Đi ngang rạp ciné Hòa Bình thấy có chiếu phim hay, tựa đề của phim là “La Mère”, cũng vừa với thời gian đang trống, anh mua vé và đưa cô vào rạp, phải một lúc cô mới làm quen được với ánh sáng mờ mờ trong rạp. Anh hỏi cô có thường đi xem ciné không? Cô buồn vì sự rụt rè khép kín của mình mà không dám phá bỏ cái vòng vây vô hình như một thứ rào cản ngăn cô đến với thế giới sôi động của bên ngoài, cô kể cho anh nghe là cô chỉ đi xem chiếu bóng khi nào có chị Thảo về thăm nhà, vì người đưa cô đi xem phim là chị Thảo, chị Thảo đẹp, sôi động, là H’Autesse de l’air nên đi hoài, chị ở trên máy bay nhiều hơn ở nhà… Anh bỗng cười và so sánh:
- Sao chị Thảo giống anh vậy ta.
Đã đến giờ chiếu phim nên cô không kể thêm về chị Thảo nữa mà im lặng say mê theo dõi những diễn tiến trong phim, đó là câu chuyện của một người mẹ và đứa con gái khi nước Ý bị chìm trong chiến tranh…
Cuốn phim thật hay với vai nữ chính là Sophia Lauren, cô tựa đầu trên vai anh mà khóc nức nở, không biết anh có hiểu được rằng cô vừa khóc vì cảm thương người mẹ trong phim, đồng thời vừa khóc vì nỗi buồn trong lòng mình khi mà lúc nào cô cũng nghỉ đến cuộc chia tay sắp sửa đến với hai người, hai thứ tình cảm đó đang trộn lẫn, cuộn tròn vào nhau trong trái tim cô nên dòng nước mắt của cô cứ thế được tự do tuôn trào.
***
Chia tay nhau trước cổng nhà cô lúc trời sắp tối, anh dặn dò:
- Như những lần trước, mai anh đi rất sớm, đây là số phi đoàn, số KBC của anh… nói chung đây là địa chỉ của anh, em hãy viết thư cho anh thường xuyên, ở trên đó buồn lắm, nhớ em lắm nhưng anh không giỏi viết thư, em gởi thư cho anh để anh lấy cảm hứng từ những lá thư của em mà trả lời. Anh sẽ kiếm phép lên thăm em như thế này. Chúc em một mùa Giáng Sinh an lành.
Giọng anh bỗng ngậm ngùi, chùng hẳn xuống, anh đưa cho cô tờ giấy ghi địa chỉ của mình, nói thêm:
- Tối nay mở ra đọc nhé, không phải là thư nhưng cũng như là thư, em vào nhà trước đi, rồi anh mới về.
Cô vẫn còn bịn rịn, không bước hẳn vào nhà mà lại chạy ra cổng để nhìn theo dáng anh khuất dần ở tận cuối con đường rồi mới quay vào.
Cô không ngờ cơn thịnh nộ của cha lớn đến như vậy, không phải dùng đòn roi mà là những lời la mắng, từ trước đến nay cha cô chưa bao giờ nặng lời với cô, đây là lần đầu tiên. Cô cúi đầu lắng nghe, không dám thở mạnh, cũng không dám phân trần, cô cảm thấy mình có lỗi nhiều với cha nhưng đồng thời cô cũng có đầy cam đảm, dũng khí để gánh chịu những lời trách mắng buộc tội của cha vì cô đang rất là hạnh phúc, một niềm hạnh phúc thật ngọt ngào đủ tiếp thêm sức mạnh cho cô, cô chỉ mong sao cha ngừng lời la mắng, tha cho cô được về phòng để nghỉ đến anh và đọc những gì anh viết trong tờ giấy.
Thêm một tiếng đập bàn thật mạnh kèm theo giọng nói run run và hình như có tiếng khóc vì giận của cha cô:
- Cha đã chờ con suốt buổi trưa, cha đã không thể nào nuốt nổi miếng cơm, cho tới buổi chiều thì cha không làm sao bình tĩnh được nữa, vào nhà thờ dự lễ mà cha cứ chia lòng chia trí lo ra không yên, con biết không hả?
Ông quát lớn:
- Thu…
Cô giật bắn cả người, mặt tái đi vì sợ hãi và òa khóc nức nở miệng lắp bắp:
- Dạ… cha… con nghe…
- Tại sao con trở nên hư đốn như thế… hả? Tại sao con làm cho cha phải lo lắng… hả? Tại sao con có thể xem thường lời dặn của cha mà đi cho đến giờ này mới về…hả? Tại sao ..? .tại sao…hả???... tại sao con không nghĩ rằng cha đã lo lắng cho con đến nỗi đứng ngồi cũng không yên… hả… Thu…?.
Hình như ông thấm mệt nên sau một loạt câu hỏi “tại sao” ấy ông thở nhanh và mạnh rồi thật bất ngờ, ông im lặng ứa nước mắt nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ, ông không chờ nghe cô trả lời và cũng không để ý là cô có trả lời hay không, những giọt nước mắt của đứa con gái út thiếu thốn sự chăm sóc, tình âu yếm của mẹ từ thủa nhỏ đã làm cho nó luôn sống khép kín, trong tâm hồn mong manh rất dể vỡ ấy đang khóc vì những lời la mắng, vì cơn thịnh nộ của ông làm cho lòng ông xót xa đau đớn, ông rất muốn ôm cô vào lòng, xoa vào mái tóc dài vừa chấm ngang vai của đứa con gái mà lúc nào ông cũng cho là còn bé bỏng, nhưng ông chỉ thở dài buồn rầu nói thầm: “Mình ơi, phải chi bây giờ có mình bên cạnh cha con tôi”.
Cha cô đứng lên, với phản ứng tự nhiên cô vội co rúm người lại nhưng ông chỉ ôn tồn nói:
- Thôi con về phòng nghỉ, mai còn phải dậy sớm, cha mong rằng từ đây về sau con đừng như vậy nữa.
Chị Thanh và hai đứa nhỏ ngồi nín khe bên kia bàn, cơn giận của ông làm cho hai đứa bé sợ hãi, ngạc nhiên, chị Thanh ái ngại nhìn em gái mình, không biết có đáng trách, đáng giận hay đáng thương, có lẽ đủ cả ba thứ tình cảm đó, nhưng mà đáng thương thì nhiều hơn, trông cô yếu đuối nhỏ bé như con chim sâu xinh xắn, nhưng trong đôi mắt nai ngơ ngác, sâu thẳm, đen láy ấy hình như đang muốn nổi loạn, muốn vứt bỏ mọi thứ và thêm vào đó là một sự phản kháng âm thầm mạnh như dòng nước ngầm chực chờ cuồn cuộn dâng sóng. Một nỗi lo sợ len vào tâm hồn chị, mới đầu chỉ nhỏ thôi nhưng càng lúc càng lớn làm choáng ngợp đầu óc, chị thở dài buồn bã thầm ước ao phải chi có mẹ vào lúc này, mẹ sẽ là nơi cho Thu nương tựa, mẹ sẽ gánh vác giùm cho cha, cho chị những nỗi lo lắng này. Còn Thu thì ân hận với cảm giác rất có lỗi đối với cha, nhưng cô đã biết trước sẽ xảy ra như vậy và cô sẵn sàng đón nhận cơn thịnh nộ của cha; để đổi lấy những giây phút còn lại ở bên anh vì sáng mai anh đi rồi, với lại cô chỉ cùng anh đi lễ, cùng anh lang thang trên phố, cùng anh ăn sáng, ăn trưa, ngồi bên bờ hồ nói chuyện, cùng anh xem phim, chỉ có thế thôi mà.
Trong tờ giấy anh viết: - “cô nhỏ của anh, cảm ơn em đã đem đến cho anh sự ấm áp, hạnh phúc trong hai ngày nghỉ phép này, nhớ viết thư cho anh nhiều thật nhiều”, nét chữ của anh đều đặn và thẳng đứng. Cô úp tờ giấy vào bên má, nghĩ đến anh, quên mất cơn thịnh nộ của cha và nỗi ân hận của mình.
(Còn tiếp)
Hồ Thủy
(Chương 1), (Chương 2), (Chương 3), (Chương 4), (Chương 5), (Chương 6)