Đêm đã khuya, chung quanh cô mọi vật đều rất yên tĩnh, chỉ còn chiếc đồng hồ ngoài phòng khách đang gõ từng tiếng tích tắc đều đặn, nhịp nhàng. Dù cố gắng bằng mọi cách nhưng cô vẫn không sao dỗ được giấc ngủ, mắt cứ mở lớn nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ, trăng mười bốn treo trên ngọn cây phủ một lớp ánh sáng màu vàng dịu lóng lánh trên sóng lá, gió nhẹ đong đưa làm cho ánh trăng chao qua đảo lại bên gối cô nằm, hương thơm của hoa Ngọc Lan lùa qua khe cửa sổ vào căn phòng nhỏ bé của cô, tràn ngập trong không gian; chỉ có cô; hương Ngọc Lan và ánh trăng vàng bầu bạn cùng nhau. Đồng hồ dạo một khúc nhạc ngắn rồi gõ một tiếng ngân nga; giữa sự im lặng mênh mông của bóng đêm; tiếng chuông đồng hồ trở nên lớn như tiếng nhắc nhở của thời gian; tiếp đó là tiếng ho của cha cô ở phòng bên cạnh, sau tiếng ho là tiếng ông trở mình; thêm một tiếng thở dài rất sâu và buồn.
Cô muốn khóc nhưng không thể nào khóc được; như lúc cô muốn ngủ mà mắt cứ mở to, nước mắt của cô không trào ra ngoài mà lại chảy ngược vào trong tạo thành những tiếng thổn thức chỉ riêng mình cô nghe được mà thôi, cô khát khao thèm muốn trong lúc này đây; hơn bao giờ hết được nép mình trong lòng mẹ, hít thở mùi hương từ người mẹ toát ra và được kể lể với mẹ đủ mọi điều chất chứa ở trong lòng. Lâu lắm; đã bao nhiêu năm rồi; cô thiếu thốn mùi hương, tiếng nói và ánh mắt của mẹ, thiếu vắng sự vuốt ve âu yếm từ bàn tay mềm mại của mẹ, cô biết không có gì có thể bù đắp được sự thiếu thốn đó.
Chiều nay trong lúc cô đang chăm sóc hàng rào hoa Dã Quỳ bên hông vườn; dù rằng đối với mọi người thì Dã Quỳ chỉ là một loài hoa dại nhưng cô lại rất thích nó, vì mỗi lần hoa nở thì hàng rào nhà cô lại rực rỡ với sắc vàng kiêu sa, lộng lẫy - cha cô đi làm về - đã nói với cô với vẻ chậm rãi, buồn buồn:
- Cha cảm thấy mỏi mệt, đã đến lúc con phải làm công việc này thay cho cha.
Cô cúi đầu im lặng, điều thay đổi đang đến, thâm tâm cô vẫn chờ đợi nó nhưng không nghĩ là nó lại đến với cô vào lúc này vì cô vẫn còn quá nhỏ, cô chỉ mới mười tám, vừa thi đậu Tú Tài, cô còn muốn tiếp tục vào Đại Học. Công việc của cha cô là làm Quản Thủ Thư Viện của viện Đại Học Đà Lạt, suốt ngày ông ngồi giữa bốn bức tường được bao vây bởi sách báo, công việc này tạo cho ông sự hiểu biết sâu rộng về thế giới, về con người và cuộc sống qua những quyển sách; báo mà ông đọc hằng ngày, nhưng ông lại khép kín tâm hồn mình kể từ ngày vợ ông qua đời, cái chết của mẹ cô là một điều phi lý hết sức đối với gia đình cô; là một sự mất mát vô cùng to lớn đầy đau thương nhưng lại đúng với quy luật của Tạo Hóa.
Cha mẹ cô chỉ có ba người con gái, mỗi người cách nhau đều đặn năm tuổi, cuộc sống của gia đình cô đang êm đềm, bình lặng, đồng lương của cha cô chỉ vừa đủ cho gia đình ăn no mặc ấm, mẹ cô phụ kiếm tiền thêm cho cả nhà được ăn ngon, mặc đẹp bằng cách nhận làm các loại bánh cưới và sinh nhật, nhờ khéo tay, kỹ lưỡng nên rất nhiều người đặt làm… Thế nhưng bà lại mất khi đang nặn những bông hồng trên chiếc bánh sinh nhật của khách hàng. Một cơn “đột kích” của trái tim. Lúc mẹ mất, chị Thanh - người chị lớn đã có chồng và một đứa con, Thảo là chị kế vừa tròn mười bảy tuổi, Thảo đã biết mộng mơ, biết gởi hồn mình bay bổng theo hình ảnh “chàng tráng sĩ trên lưng ngựa”, chị cũng có vài ba cuộc hẹn hò vui chơi, những lần nhóm họp bên ngoài, và những tình cảm riêng tư thầm kín, nỗi đau mất mẹ của hai chị phần nào được chia sẻ, được phân tán qua những niềm vui riêng tư nên đó không là sự mất mát to lớn, hoàn toàn như của cô, còn cô, lúc đó cô chỉ mới mười hai tuổi, vẫn còn lẽo đẽo bám theo gấu áo của mẹ, vẫn còn nằm rúc vào nách mẹ, mỗi tối vẫn đòi mẹ kể chuyện cổ tích và vòi vĩnh mẹ đủ mọi thứ trên đời - lúc đó - mẹ là tất cả: là trời; là đất; là núi non sông biển. Vì vậy cô chới với, hụt hẫng như bị rơi vào một khoảng không mịt mù thăm thẳm, nỗi đau của cô chưa có ai chia sẽ và không ai chia sẻ được, kể cả cha cô; vì ông cũng đau đớn như cô. Từ lúc mẹ mất, cha cô khép kín tâm hồn, ngày hai buổi ông lặng lẽ đến thư viện làm công việc của mình, bốn bức tường và không gian im ắng của thư viện hình như hợp với nỗi lòng của ông hơn, nên ông càng thu mình lại, mỗi buổi chiều đi làm về; ông chỉ thích ở trong phòng nghe nhạc; - những bản classic - trong đó có Symphonie Pastoral của Beethoven mà ngày xưa mẹ cô rất thích.
Sau ngày mẹ mất thì cha cô kêu vợ chồng chị Thanh về ở chung để thay mẹ lo cho cha và hai em, chồng chị hiền lành, vui tính lại thường xuyên đi công tác xa nhà. Cha cô chỉ nói chuyện với các con vào bữa cơm tối. Chị Thảo càng ngày càng đẹp, tính tình sôi động, ồn ào, hai năm sau ngày mẹ mất chị thi đậu vào ngành H’autesse de l’air, chị có điều kiện bay nhảy, ít khi về nhà. Riêng cô thì lớn lên trong sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ cùng với tâm hồn khép kín của cha. Đêm đêm; trong giấc ngủ cô thường mơ thấy trước mặt mình là một dòng sông bằng sữa trắng đục và một núi kẹo cao ngất; ở giữa dòng sông và núi kẹo là mẹ cô đang đứng đưa tay về phía cô vẫy gọi đợi chờ. Cô lao về phía mẹ nhưng đôi chân đã bị chôn chặt xuống đất còn mẹ cô thì cứ lùi dần… lùi dần về phía sau rồi khuất hẳn, cô gào khóc và giật mình thức giấc, nước mắt ướt đẫm gối, cô nức nở ôm lấy chiếc áo của mẹ phủ lên mặt mình; hít lấy hít để mùi hương trong áo mẹ dù đã phai nhạt từ lâu… nhưng đối với riêng cô thì cô vẫn cảm nhận được rất rõ mùi hương nồng ấm của mẹ.
Cô đến trường mỗi ngày nhưng luôn cảm thấy lạc lõng giữa các bạn học, mỗi lần nghe họ kể với nhau về những câu chuyện có mẹ ở trong đó, về những món quà mẹ họ mua cho… cô tủi thân tránh ra nơi khác, cô giáo dạy học biết tâm trạng của học trò nhỏ của mình, thường trìu mến, tỏ lòng yêu thương cô; nhưng đối với cô thì mùi hương, hơi ấm của mẹ cô vẫn diệu kỳ và khác hẳn với bao nhiêu người.
Trong bữa cơm tối nay cha cô trở lại với câu chuyện mở đầu lúc chiều, ông nói với chị Thanh và cô:
- Cha đã xin với Viện Trưởng và Ngài đồng ý cho Thu vào thay cha, ngày mai Thu theo cha tập việc, đầu tháng chính thức vào làm, hồ sơ thủ tục xin việc cha lo. Nếu còn mẹ, Thu không phải vào đời sớm, cha rất buồn nhưng cha cần nghỉ ngơi, cha đã mỏi mệt rồi.
Cô chỉ im lặng, không có ý kiến gì vì mọi chuyện cha đã quyết định cho cô; chị Thanh ái ngại nhìn cô, chị không dám thở dài mặc dù chị rất muốn, chị thương đứa em gái út nhỏ bé nhưng chị cũng ít nói như cha, sự chăm sóc của chị nhẹ nhàng và kín đáo, chị tôn trọng mọi suy nghĩ và những tâm tư của cha và các em gái, chỉ có Thảo; cô như con chim nhỏ có giọng hót hay cùng với đôi chân thích nhảy nhót, đôi cánh bay lượn trên bầu trời xanh và miệng ưa ca hát líu lo. Thảo tự quyết định cho mình một nghề nghiệp, một cuộc sống phù hợp với ý thích và tâm tính của mình, sau mỗi chuyến bay cô trở về nhà cùng với vài người bạn, sự có mặt của Thảo đã làm khuấy động không khí tĩnh lặng trong nhà, cô vui đùa với hai đứa cháu nhỏ, cô ríu rít kể chuyện cho cả nhà nghe về những nơi cô đã đi qua… sau đó cô đi theo những chuyến bay, trả lại sự yên tĩnh như cũ cho ngôi nhà yêu dấu. Rồi có những lần chồng chị Thanh về phép, ngôi nhà có thêm hơi ấm của hạnh phúc, lúc đó chị Thanh được sống cho riêng mình; tuy ngắn nhưng đầy đủ và trọn vẹn.
Ngày mai cô sẽ theo cha đến thư viện để học việc, hai tuần sau sẽ chính thức trở thành cô Quản Thủ Thư Viện, đây là sự thay đổi lớn đối với cô, cô ước ao phải chi có mẹ ở đây, bên cô vào lúc này để bà biết rằng con bà sắp trưởng thành nhưng vẫn còn rất bé bỏng, vẫn rất cần có mẹ ở bên cạnh; cô thở dài.
Đêm thật sâu, thật yên tĩnh, trăng giờ này đã leo qua khỏi ngọn cây, ánh trăng bàng bạc, lấp lánh như lời mời gọi, chung quanh chiếc đĩa tròn vàng dịu là những quầng sáng ngũ sắc huyền ảo, giữa thinh không của im lặng và màu sắc; cô cảm thấy trong tâm hồn mình mênh mông một nỗi buồn.
***
Cô đi cùng cha ra khỏi nhà, hàng rào đầy hoa Dã Quỳ hình như đang ái ngại nhìn cô, thủa nhỏ lúc mẹ còn sống cô vẫn tung tăng theo cha đến thư viện nên đã quá quen thuộc với con đường, với nơi chốn, khoảng sân trống và những ghế đá nằm bên những gốc cây này, mỗi giảng đường nằm trên một ngọn đồi trong khuôn viên của trường quanh thư viện… Thế nhưng hôm nay mọi vật chung quanh cô dường như khác hẳn; tất cả thay đổi và lạ lẫm làm cho cô nôn nao bồi hồi, trong cô có những cảm xúc khó nói thành lời; cô như thấy mình lớn và quan trọng hơn.
Cô bước vào cổng thư viện với cha; ông đưa cho cô chùm chìa khóa; cô hiểu ý: đó là công việc đầu tiên; cô mở rộng hai cánh cửa thư viện; cha cô đưa cho cô cây chổi lông gà: đó là công việc thứ hai… tiếp đến ông chỉ cho cô một cái quầy nhỏ; cao ngang ngực; có rất nhiều hộc đựng thẻ mượn sách và những danh mục sách, ông điềm đạm; nhỏ nhẹ dẫn giải cho cô từng công việc một, đưa cô đi quanh phòng và chỉ cho cô xem từng kệ sách từ thấp lên cao với các mẫu tự ABC…; các đề mục, các tài liệu, tiểu thuyết v..v… đó là công việc thứ ba, sau cùng ông dẫn cô đến một cánh cửa nhỏ và bảo cô mở ra: đó là một kho sách nhiều và nhiều vô kể, cô im lặng lắng nghe, ghi nhận tất cả những điều cha cô nói.
Một vài người bước vào thư viện, họ đến quầy; đưa thẻ và nói tên quyển sách; cha cô viết tựa sách vào một mẫu giấy nhỏ rồi đưa cô; chỉ cho cô nơi lấy. Căn phòng thư viện thoáng mát, ánh sáng vừa đủ, hai dãy bàn dài với bốn hàng ghế; cứ hai hàng ghế đối diện nhau giữa một dãy bàn. Ai vào đây cũng đều nhẹ chân bước, từ tốn ngồi xuống ghế, mọi người chăm chú, cắm cúi vào trang sách trước mặt mình, chỉ thì thầm trao đổi khi thật cần thiết, tiếng động có thể nghe được lớn nhất và rõ nhất trong phòng là tiếng từng trang sách lật qua hơi mạnh tay của một người nào đó vì sơ ý. Cô cảm thấy dễ chịu với khung cảnh và không khí này, cha cô nhìn cô với vẻ dò hỏi, cô gật đầu và thấy ông hơi mỉm cười.
Nhờ có trí nhớ tốt nên cô mau chóng làm quen với công việc này và yêu thích nó, những người khi bước chân vào thư viện thì giống như họ bước vào một thế giới khác; thật riêng biệt và không có những xô bồ náo nhiệt ồn ào hỗn tạp, họ im lặng và tôn trọng sự im lặng của người khác. Cô thích nhìn nét mặt của những người ngồi trong thư viện; nhất là các cô gái để đoán xem bên trong tâm hồn họ đang ẩn chứa điều gì; cô thấy mỗi người trong số họ đều mang một nỗi niềm riêng nhưng lại có chung một khát vọng là đạt cho được mục đích của mình bằng tri thức và lòng ham học hỏi, cùng sự chuyên cần, tính nhẫn nại.
Cuộc sống của cô đang từng ngày đổi mới, cô cảm thấy mình lớn dần lên, chững chạc trong suy nghĩ và thận trọng với từng công việc, nhưng trong thâm tâm mình; cô vẫn cảm thấy thiếu vắng, cô vẫn rất thèm được nép vào lòng mẹ, được kể cho mẹ nghe về tất cả những gì cô đang trải qua, và những gì sẽ đến với cô. Có những chàng sinh viên vào thư viện để đọc sách thì ít nhưng nhìn cô thì nhiều, có người khi đưa thẻ sinh viên để mượn sách lại kèm thêm vào đó một tờ giấy hẹn hò, trao gởi… Cô không có chút cảm giác gì khi nhận những mảnh giấy như thế, tâm hồn cô vẫn trống vắng và nhớ về mẹ mình. Cha cô có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn kể từ ngày cô chính thức trở thành người Quản thủ Thư viện, ông xoay qua thú chơi hoa kiểng, nuôi chim, cá và dành nhiều thời gian để chăm sóc cho những “bạn” mới của mình.
Năm nay mùa mưa đến sớm hơn mọi năm, cơn mưa đầu mùa trút nước xuống thành phố ào ào mạnh mẽ. Mặc dù ngồi trong thư viện, giữa những kệ sách và bức tường bằng kiếng phía trước nhưng cô vẫn cảm nhận được mùi hăng nồng của mặt đất xông lên từ bên ngoài lọt vào, cơn mưa chiều đến bất ngờ sau vài ngày trời trở mình oi nồng ngột ngạt. Cô thầm nhủ: bắt đầu là những ngày ướt át khổ sở đây, cô lo lắng nhìn ra ngoài; gần đến giờ về mà mưa vẫn còn lớn, nước trên trời cứ tuôn xuống xối xả, những người đang ngồi trong thư viện cũng nhấp nhỏm nhìn ra ngoài, có lẽ họ đang sốt ruột, bồn chồn như cô, những trang sách lần lượt gấp lại, vài người đứng lên tới quầy trả sách, cô lặng lẽ làm việc, không bồn chồn nôn nóng. Tạm quên cơn mưa bên ngoài và nỗi lo trong lòng mình, mọi người rời khỏi ghế, họ ra đứng ngoài hành lang thư viện, cô cảm thấy buồn cười với ý nghĩ: tại sao người ta cứ thích ra đứng ngoài hiên nhìn mưa rơi hơn là ngồi thêm ít phút trên ghế để đọc thêm vài dòng chữ mà chờ đợi?. Cơn mưa nhẹ dần nhưng chưa dứt hạt - bây giờ thì có thể về được rồi - và họ; mỗi người rẽ một hướng để về nhà mình, trong thư viện không còn ai. Cô xếp dọn đâu vào đó xong xuôi rồi ra ngoài khóa cửa. Hình như trời muốn trêu cô nên bỗng nhiên nặng hạt, mắt cô lơ đãng nhìn mông lung ra màn mưa dày đặc và ý nghĩ thì cứ lênh đênh…
- Mưa lớn quá không về được đâu, cô bé à.
Cô giật mình nhìn về nơi vừa phát ra tiếng nói, một chàng trai đang nghiêng người đứng dựa vào cửa, một tay đút túi quần, tay kia vân vê cổ áo chemise, mỉm miệng cười nhìn cô vẻ thân thiện, cô mím môi không trả lời, trong cô vừa có một chút hồi hộp lẫn một chút nao nao. Mấy hôm nay chiều nào anh ta cũng đến thư viện, ngồi vào một chiếc ghế nhất định ở một góc phòng - mà - từ phía của cô là nơi dễ thấy nhất, cô không mấy chú ý đến anh ta; mặc dù từ nơi anh ta toát ra một vẻ hấp dẫn rất đàn ông, cô thích nhìn những người con gái hơn; để dò xem có ai trong số họ có mang một nỗi niềm như cô? cô thèm được tâm sự, được trò chuyện bằng lời với ai đó đồng trang lứa - bằng lời nói hơn là bằng ý nghĩ - niềm khao khát đó đến với cô từ khoảng thời gian cô nghỉ rằng mình đã lớn…
- Nhà cô bé ở gần đây không?
Cô lại mím môi không trả lời, đúng hơn là cô khó lên tiếng để đáp lại câu hòi của anh ta, cô dợm bước xuống bậc tam cấp để ra đường, anh ta nhìn thấy vẻ bối rối của cô, cười nhẹ:
- Còn mưa mà.
Cô có cảm giác hai bên má của mình nóng bừng như bị hơ lửa, mắt cô cay cay, một giây chần chừ; cô quyết định đội mưa mà về. Anh ta cũng bước ra đường; đi bên cạnh cô nhưng hơi cách xa một chút xíu, Cả hai cùng ướt, anh ta than vu vơ:
- Hai đứa như hai người điên.
Cô bật cười, anh ta cười theo, hôm nay đường về sao mà ngắn quá, đã đến nhà rồi; cô liếc nhìn anh và nhanh chân đẩy cổng bước vào. Anh ta dừng lại một giây; nhìn vào sân nhà cô rồi quay lưng trở lại lối cũ, chân hất nhẹ hòn đá nhỏ bên đường, miệng huýt sáo một điệu nhạc cao bồi nào đó. Nhìn người cô ướt mưa chị Thanh cuống quýt nấu nước nóng cho cô tắm: - phải tắm nước nóng để không bị cảm. Nhưng hình như cô bị cảm thật rồi - hình như thôi - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đêm nay cô không ngủ được, không dưng tâm hồn cô mênh mang một nỗi buồn chơi vơi lãng đãng, một nỗi xao xuyến dịu dàng ve vuốt trái tim, trong cô đang có những thứ tình cảm kỳ lạ; lẫn lộn lung tung, không làm sao phân tích được từng thứ một, đâu là nỗi bồi hồi? Là bâng khuâng? Là bối rối? đây là lần đầu tiên trong cuộc đời mình cô có những cảm giác như vậy, lẫn trong những cảm giác ấy… lảng vảng đâu đó hình ảnh của chàng trai ban chiều.
***
Nắng Đà Lạt không gay gắt dữ dội như Huế, không nồng nực oi bức như Sài Gòn, mà chỉ dìu dịu êm êm, màu nắng hồng trong veo vào buổi sáng và vàng hanh óng mượt vào buổi chiều, những con đường dốc đi lên đi xuống uốn quanh thành phố nhỏ, hai bên đường trồng hai hàng cây Anh đào mà mỗi mùa hoa nở là cả thành phố như chìm ngập trong màu hồng tươi non của những cánh hoa mỏng manh quyến rũ, những ngọn đồi nằm liền kề nhau tạo nên những thung lũng xanh mượt màu cỏ non, những ngôi nhà mái ngói đỏ kiến trúc theo kiểu Pháp ẩn hiện trong những vòm cây thông xanh mướt, hai màu sắc xanh đỏ chen lẫn vào nhau làm nổi bật cho nhau; cộng thêm vào đó là sắc xanh của trời và màu trắng nõn của mây tạo thành một bức tranh của màu sắc rất sống động và rất thật trong không gian. Đà Lạt là thành phố của màu sắc, của hương và hoa, của sự êm đềm lãng mạn. Chỉ cần bước ra đường là cảm nhận được mùi hương của hoa, mùi thơm của cà phê từ những quán bên đường tỏa ra ngập tràn cả không gian. Người Đà Lạt và những người bước chân lên Đà Lạt đều thèm đến da diết một tách cà phê nóng; vì trời Đà Lạt lành lạnh, vì cảnh Đà Lạt đẹp, và vì đôi má của thiếu nữ Đà Lạt thì đỏ hây hây, một tách cà phê nóng sẽ làm tăng thêm cảm xúc trong tâm hồn mỗi người, điều đó không thể thiếu được, những ai không biết uống cà phê; khi bước chân lên thành phố hoa Anh Đào này cũng phải tập nhâm nhi một vài ngụm và kêu lên rằng: - “ôi, sao mà ngon quá”… Đà lạt còn là thành phố của hoa Dã Quỳ, đi đâu cũng thấy Dã Quỳ nở vàng cả một khung trời đầy thơ mộng. Cô hãnh diện, tự hào về thành phố của mình và trên tất cả cô là người của Đà Lạt.
Nhưng Đà Lạt đang vào mùa mưa, bầu trời xám ngắt, buồn bã, ngày hai buổi cô vẫn đến thư viện đều đặn, chàng thanh niên đi cùng với cô một đoạn đường hôm nào; đã vắng mặt suốt cả tuần nay, chỗ anh thường ngồi không bị bỏ trống, thay vào đó là những người khác, thế nhưng cô vẫn cứ nhìn vào chiếc ghế cuối góc phòng, vẫn bất chợt giật mình; tim đập nhanh… và cô thở dài buồn bã, nỗi buồn của cô cộng với màu trời xám làm cô muốn khóc. Ngày qua ngày cô thầm mong anh xuất hiện, ngồi đó, trên chiếc ghế thư viện ở góc phòng. Sau những giờ làm việc cô trở về nhà mang theo một nỗi buồn man mác, con đường dốc mỗi ngày cô thường đi lên đi xuống nhẹ hẫng mà nay bỗng trở nên nặng nề, hai bên đường hoa quì vàng đong đưa trong gió như muốn hỏi han cô một điều gì, còn cô lại đang rất muốn được khóc, được tâm sự với một ai đó, nhưng với ai bây giờ? Ngôi nhà thân yêu của cô nằm ở gần cuối khúc quanh, trước cổng nhà là cây hoa Ngọc Lan mà mẹ cô trồng trước ngày bà mất; nay thì nó đã lớn lắm, đến mùa ra hoa, mùi thơm của Ngọc Lan bay ra xa; ngào ngạt, dịu dàng, bên hông nhà là một hàng rào hoa Dã Quỳ có màu vàng tươi thắm do chính tay cô trồng vào ngày sinh nhật thứ 16 của mình, hai bên cổng nhà cha cô trồng hai bụi hoa Tường Vi, những cánh tường vi màu hồng phấn nhỏ bé, mỏng manh, ở một góc sân bên phải có những cây hoa Cánh Bướm, Hoa Hồng, và thêm mấy cụm Cẩm Chướng đủ màu…Cô đẩy cổng bước vào; lòng thầm mong chàng trai ấy bất chợt xuất hiện phía bên kia đường, nhưng con đường vắng ngắt, không có ai ngoài những cánh Tường Vi và hoa Dã Quỳ cùng hàng cây Anh Đào lả lơi trong gió.
Bữa cơm tối nay cô ăn rất uể oải, không cảm thấy ngon miệng, chị Thanh nhìn cô có vẻ thắc mắc; điều gì đã xảy đến với cô em út trầm lặng của mình? cha cô - như thường lệ - hỏi han công việc của con gái, truyền thêm cho cô một vài kinh nghiệm của mình, cô nghe cha nói nhưng sao trong đầu óc cô lại đầy ắp hình ảnh chiếc ghế trong thư viện - cuối góc phòng - lúc có lúc không người con trai ấy. Cô về phòng sau khi đã phụ chị Thanh dọn dẹp bàn ăn. Nằm trên giường cô ước chi có mẹ ở bên cạnh để kể cho mẹ nghe về tất cả, nhưng lần đầu tiên trong đời; hình ảnh mẹ cô bỗng lung linh, nhạt nhòa lẫn lộn với một hình ảnh khác, cô bật khóc nức nở, khóc ngon lành, thỏa thuê.
Một tuần lễ qua đi, cô đã quen dần với chiếc ghế không có anh ở góc thư viện, và cô cũng không còn nhớ chi tiết về khuôn mặt ấy nữa, đoạn đường về nhà đã có nhẹ đi được đôi chút tuy nỗi buồn trong lòng cô không vơi; nỗi chờ mong vẫn còn đầy… Thì… bất chợt anh ta lại đến lúc cô đang cúi xuống hộc bàn tìm thẻ sinh viên cho cô gái đến trả sách. Cô ngẩng đầu lên; niềm vui vỡ òa trong mắt không sao che giấu được. Hình như anh ta đọc được niềm vui trong đôi mắt ấy, anh ta mỉm cười bằng cả mắt, cả miệng; một nụ cười rất tươi làm sáng cả không gian, cô liếc nhìn về phía góc phòng; anh ta nhìn theo - chiếc ghế đang còn trống - anh ta đến đó ngồi sau khi chọn một cuốn sách. Bỗng dưng cô cảm thấy rất vui, chung quanh cô mọi bông hoa - nếu có - đều nở rộ, sáng lóa. Không khí nhẹ quá làm cho cô muốn bay bổng, văng vẳng bên tai cô hình như có muôn ngàn khúc nhạc êm ái du dương. Cô không thể giải thích được tâm hồn mình tại sao lại trở nên như thế, cô muốn tan loãng ra như hạt sương để hòa lẫn vào với không gian…
Dù cố gắng kềm chế nhưng thỉnh thoảng cô vẫn đưa mắt nhìn về phía cuối phòng, cô chỉ sợ hình ảnh ấy biến mất, lần đầu tiên cô nôn nóng đợi giờ tan việc; sao mà nó dài quá, dài lê thê. Chiều nay trời không mưa, nắng Đà Lạt vàng nhạt, óng ả như tơ tằm nằm ngả ngớn, lười biếng trên ngọn thông xanh cao vút, cô đưa mắt nhìn ra khung cửa phía trước, nơi đó là khoảng sân rộng trải sỏi, một số sinh viên ùa ra từ các giảng đường - vui đùa xôn xao trên những con đường trong sân trường Đại Học. Cô thở ra nhẹ nhỏm; hết giờ rồi - có ánh mắt nào đó nhìn cô thì phải; ở đâu cuối góc phòng, hai má cô chợt đỏ bừng…
Anh ta là người cuối cùng rời khỏi thư viện - hình như là cố ý? Cô cố tỏ ra dửng dưng nhưng anh ta thì đang chờ cô với những bước chân thật chậm, miệng huýt sáo nho nhỏ bài “cầu sông Waii” tay anh cầm một tờ báo cuộn tròn, chân nghịch ngợm đá tung những hòn sỏi nhỏ. Cô khóa cửa thư viện, bước xuống những bậc tam cấp và ngập ngừng đi ra cổng, trên nét mặt của cô là vẻ dửng dưng nhưng trong lòng thì có phần mong đợi…
- A, chào cô bé, cô bé khỏe chứ?.
Cô bối rối, run rẩy và chỉ biết gật đầu, cô rất muốn trả lời, muốn hỏi anh rằng suốt tuần nay anh đi đâu vắng? Anh đã làm gì? Và anh có biết rằng trái tim cô đã thổn thức vì anh hay không? Nhưng cô chỉ im lặng đi bên cạnh anh, anh ta cười nhẹ, ngắn:
- Không thích nói chuyện với tôi chăng? Chắc tôi dễ ghét lắm hả?
Cô buột miệng:
- Không… không phải đâu ạ.
Hai người chầm chậm ra khỏi cổng viện Đại học, anh ta đá một viên sỏi nhỏ nằm bên vệ đường văng ra xa, anh chỉ cho cô xem vạt cỏ xanh phủ nắng vàng trải dài trên sân đồi cù:
- Cô bé nhìn xem, nắng đẹp quá chừng.
Trên đồi cù có vài đôi thanh niên nam nữ đang ngồi dưới những gốc thông già phía bìa đồi, đây là nơi lý tưởng để sinh viên họp nhóm, ôn bài thi và đàn hát với nhau. Nếu băng qua đồi cù, xuống hết một con dốc là đến được bờ hồ Xuân Hương.
Hai người chầm chậm đi xuống con dốc ngắn, cô thích nghe anh ta nói, giọng anh trầm ấm có vị ngọt, cô nhìn về phía trước mặt; xa thật xa là những luống cải xanh mượt mà trong nắng chiều sắp tắt, con đường về nhà cô ngắn dần, cô vẫn chưa nói gì được với anh ta mà chỉ nghe anh nói như những lời tâm sự. Hàng Tường Vi hiện ra, hoa Ngọc Lan tỏa hương thơm ngát, chiếc cổng màu xanh lơ trước mặt, cô dừng lại; nhìn anh ta và hơi mỉm cười, anh ta ngắt một cánh Tường Vi se se trên hai ngón tay:
- Cô nhỏ; nghe lý lịch của tôi đây: tên: Nguyễn Hoàng Lâm; tuổi: hai mươi lăm, nghề nghiệp: lái máy bay thám thính, cấp bậc: Trung Úy, nơi làm việc: Nha Trang; tình trạng riêng: đang độc thân, quê quán: Sài Gòn… hẹn gặp cô nhỏ chiều mai nhé.
Anh ta quay lưng ra về với vẻ dứt khoát không một chút bịn rịn; đó là một con người rất tự tin về mình. Cô mở cổng bước vào sân và quay nhìn anh ta phía sau lưng; cô vui, nhưng hơi có một chút buồn lòng phật ý vì anh ta không chờ cô vào trong nhà rồi hãy về, như thế cô sẽ có được một niềm vui trọn vẹn biết là bao.Cha cô đứng ở cửa hỏi:
- Ai thế con?
Cô lúng túng:
- Một người rất thường đến thư viện, cha ạ.
- Cũng nên cẩn thận nghe con.
(Còn tiếp)
Hồ Thủy
(Chương 1), (Chương 2), (Chương 3), (Chương 4), (Chương 5), (Chương 6)