Buổi tiệc sinh nhật cậu tôi nhanh chóng biến thành một ngày chúng tôi cùng trị liệu tâm lý tập thể trong gia đình.
Có lần, đại gia đình tôi tụ tập từ khắp nơi trên nước Mỹ để ăn mừng sinh nhật người cậu tại nhà anh tôi ở Fremont, California. Đó là kỷ niệm tôi sẽ không bao giờ quên. Bởi vì thay quà tặng, cậu đưa ra yêu cầu khác thường: mọi người phải chọn và hát một vài bài trên máy karaoke.
Khi động tới những vấn đề tình cảm, chuyện tình yêu, các thành viên trong gia đình tôi gần như không thể diễn đạt. Một cái gì đó vô hình trong văn hóa của người Việt ngăn cản sự thân mật bằng lời nói. Là một đại gia đình di cư từ Việt Nam tới Mỹ, chúng tôi hiếm khi chia sė với nhau những gì chúng tôi thực sự cảm thấy, những mất mát, những nỗi buồn mỗi người từng ôm ấp riêng trong lòng mình.
Cậu tôi, người đi qua cuộc ly hôn đau buồn, đã không thể kể cho gia đình tổn thương sâu sắc của mình. Vẫn còn yêu vợ, nhưng cậu bị ám ảnh bởi những ký ức chiến tranh, dễ nổi cơn thịnh nộ và hưng cảm làm cô ấy không thể chịu đựng. Cậu che giấu vết thương lòng bằng những trò đùa. Có lần, ông nói trong lúc say, “đàn ông Việt Nam không khóc ra ngoài. Nước mắt nó chảy vào trong, chảy ngược vào tim”.
Nhưng trong bữa tiệc hôm ấy, chúng tôi phát hiện ra rằng, những gì không thể nói ra lại có thể hát lên thành lời. Em họ tôi, cũng chất chứa nỗi niềm sau chia tay người vợ, hát bài “Delilah” với giọng đau lòng. Và cả gia đình cùng hát theo như thể chúng tôi chia sẻ nỗi đau của cậu ấy: “Tại sao, tại sao, tại sao Delilah? Delilah của anh!”
Một người cô khác, đang trong tình trạng suy giảm sức khỏe, đã cầm lấy micro hát ca khúc từ phim Bác sĩ Zhivago dành tặng cho tất cả mọi người. “Một nơi nào đó người tình của tôi ơi, sẽ có mùa xuân…”, cô hát trong tiếng thì thầm khàn khàn và lạc điệu, “rót thêm tình tôi, cho đến khi người là của tôi một lần nữa”. Tôi thấy trên mặt vài người những giọt nước mắt lặng lẽ khi nghe người phụ nữ gầy gò và ốm yếu hát đầy biểu cảm.
Sau một vài “ca sĩ” nữa, đến lượt cậu tôi. Cậu chọn bài hát tiếng Việt nổi tiếng có tựa đề “Niệm Khúc Cuối”. Giọng cậu tuyệt vời. Nhưng nửa chừng, khi nhìn ba đứa con trong số khán giả đang lắng nghe, cậu nghẹn ngào. Người chị thân nhất của cậu nhanh chóng nắm lấy chiếc micro, đặt tay lên vai em mình và hoàn thành bài hát: “Tình ơi, dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu em…”. Khi đó, nước mắt của cậu tôi không còn chảy ngược vào tim nữa. Cậu đã khóc trước mặt mọi người.
Chiều hôm đó, lắng nghe những người thân trút bầu tâm sự, tôi mới thực sự hiểu: phải thật can đảm mới dám bày tỏ tâm hồn. Chúng tôi từ lâu đều chất chứa quá nhiều nỗi đau trong những con tim rụt rè, chỉ có đêm hôm đó, lần đầu hé mở với những người thân yêu.
Trong thói quen văn hóa có phần bảo thủ của người Việt, sự thổ lộ tình cảm ít khi được khuyến khích. “Uất ức thì cắn răng mà chịu” là một câu mẹ tôi thường nói. Những uẩn ức đó dù không thể nói, nhưng cuối cùng có thể hát lên được, và thậm chí được hoan nghênh trong gia đình.
Khi tôi chứng kiến người thân thổ lộ cảm xúc, ký ức về những khoảnh khắc xa xưa ùa về. Tôi lại thấy ba rụt rè cố gắng nắm tay mẹ tôi vào một buổi tối nào. Cử chỉ của ông khiến bà bối rối nên rút tay ra khỏi tay ba. Mẹ không kịp thấy vẻ thoáng buồn trên khuôn mặt chồng mình. Tôi lại nhìn thấy bà nội tôi, vào một đêm khuya, bước vào phòng khách để đặt một phong bì vào giữa cuốn sách Toán của anh tôi. Anh đã cố gắng tiết kiệm tiền để mua một chiếc xe cũ lái đi học. Trong phong bì là một nửa khoản an sinh xã hội của bà, với dòng chữ “Nội cho con”.
Và tôi thấy mình nói lắp vào tối hôm nào, một vài năm sau khi học Đại Học, không thể tạo thành từ tiếng Việt khi mẹ hỏi: “Có chuyện gì vậy con?”. Mọi thứ đã hỏng. Tôi đã muốn nói với mẹ, rằng tình yêu của đời con đã rời đi và tim tôi đang chảy máu. Nhưng đó không phải là cách nói giữa mẹ và con. Tôi dường như thành kẻ bướng bỉnh, từ chối bày tỏ lời đau đớn của trái tim. Tôi chỉ có thể đáp lại bà: “Không có, con chỉ mệt thôi”.
Nếu sự kiềm chế cảm xúc vẫn được coi là vẻ đẹp trong tư duy Nho giáo và sức chịu đựng mà không kêu ca được coi là một đức tính truyền thống, thì quan niệm đó, khi thực hành như một thói quen sẽ gây hại cho người đang sống trong xã hội phức tạp hiện đại. “Làm thôi, đừng nói” là thói quen được cổ vũ hàng nghìn năm của chúng ta. Nhưng nhiều khi, sự thiếu giao tiếp dịu dàng bằng lời nói khiến tôi cảm thấy như mất mát điều gì.
Tôi cũng hát nhiều bài trong tiệc sinh nhật của cậu. Những bài hát về kẻ thất tình, về sự hồn nhiên đã mất, về trái tim tan vỡ. Nhưng bài hát tôi dành tặng cho tất cả thành viên trong gia đình mình là “Anh Có Một Người Bạn” của Carol King. “Khi anh buồn và gặp đầy khó khăn. Khi anh cần một bàn tay nâng đỡ. Khi anh lạc hướng, hãy nhắm mắt lại và kêu tên em. Em sẽ chạy đến bên anh”. Đó là cảm xúc thật từ đáy lòng, và trước mặt những người thân yêu, tôi cũng hát lên với một giọng đầy biểu cảm. Và tôi hát thật to.
Chúng ta không thể bắt mọi gia đình Việt, nơi các thành viên vốn sống khép kín về cảm xúc riêng tư, thổ lộ hết mọi điều. Nhưng chúng ta có tình yêu thương, và đừng quên cất lời yêu thương ấy khi có dịp, với những người thân thiết. Bởi chẳng ai đủ mạnh mẽ để một mình chống chọi mãi với những nỗi buồn đã đi qua đời mình.
Andrew Lâm