User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
clip image002 thumb
 
Trong gia đình, chị Thanh thứ năm, tôi thứ sáu. Từ thuở nhỏ, chị Thanh đã ốm yếu, bệnh hoạn nên bố mẹ rất cưng chiều. Thêm một lý do nữa là chị rất xinh đẹp và thông minh. Anh em tôi thường bảo nhau, chị Thanh là “con gà đá độ” của bố mẹ. Vì đi đâu, lúc nào, bố mẹ cũng mang chị Thanh ra để khoe khoang và hãnh diện. Thật sự, chúng tôi chỉ đùa cho vui chứ chẳng hề có ý ganh tỵ. Gia đình tôi được cái may mắn là anh chị em rất hòa thuận và thương yêu nhau nên mỗi khi mẹ ngọt ngào “xin xỏ”, tội con Thanh yếu đuối, các con nhường cho nó nhé. Thế là bao nhiêu miếng ăn ngon, bao nhiêu quần áo đẹp và còn nhiều thứ nữa… hầu như tất cả chỉ có mình chị Thanh hưởng trọn.
 
Nhưng không biết, đó là điều may mắn hay bất hạnh cho chị Thanh. Bởi vì càng lớn tính tình chị càng kiêu căng, đỏng đảnh. Ngoài anh chị em trong nhà, chị ít được cảm tình của người chung quanh. Mỗi khi tôi góp ý về điều này, chị thường bỉu môi, nhún vai, chỉ vì thiên hạ thua tao nên mới ganh ghét.
 
Ngày chị Thanh mang anh Luân về giới thiệu với gia đình, bố mẹ và anh em chúng tôi rất vui mừng khi thấy anh hiền lành, tế nhị và rất dễ thương. Sang Mỹ từ thuở bé nhưng anh không bị Mỹ hóa mà vẫn theo nề nếp Việt Nam. Khi hai người quyết định kết hôn, mẹ nhắc nhở chị Thanh phải ý tứ, cẩn thận và cố gắng làm đẹp lòng anh Luân để giữ hạnh phúc gia đình, vì lấy được một người chồng đàng hoàng, đạo đức không phải là chuyện dễ. Chị Thanh cười với vẻ tự tin:
 
- Mẹ đừng lo, người phải giữ hạnh phúc gia đình là anh Luân chứ không phải con đâu. Mẹ không thấy có hàng tá người theo con đó sao? Anh Luân lấy được con là phúc đức của anh ấy. Để rồi mẹ xem ai phải chiều ai.
 
Lời tiên đoán của chị Thanh quả không sai chút nào. Anh Luân thương yêu và chiều chuộng chị hết mực. Chị cứ nhởn nhơ tiệc tùng, bè bạn như thuở chưa có gia đình. Đôi khi tôi thấy ái ngại nên phân trần:
 
- Bố mẹ chiều chị Thanh quá nên chị ấy hư hỏng.
 
Anh Luân cười dễ dãi:
 
- Không sao, miễn Thanh vui là được. Anh đi làm suốt ngày, chưa kể còn phải đi công tác xa nên chị Thanh phải có bạn bè cho đỡ buồn.
 
Hai đứa con lần lượt ra đời cũng chỉ một tay anh Luân lo tã, sữa cho con. Phần chị Thanh cứ tà tà như người ngoài cuộc. Mấy đứa bé cứ quấn theo cha, hầu như chả thiết tha gì với mẹ. Anh Luân thật chịu khó và giỏi giang. Việc hãng, việc nhà, anh tất bật lo toan không một lời than vãn. Nhưng anh càng giỏi thì chị Thanh càng tệ. Anh càng im lặng chịu đựng chị càng làm tới. Cho đến một hôm chị hí hửng báo tin trong dịp cả nhà tụ họp mừng lễ Thanksgiving.
 
- Hôm qua anh Hải mời Thanh hát cho ban nhạc của anh.
 
Tôi đùa:
 
- Bộ anh Hải định dẹp ban nhạc hả?
 
Anh Ba thêm vào:
 
- Chà! chắc “tiệm chạm phô” của vợ anh Hải còn dư cà chua thối, nên ảnh mời Thanh hát để có dịp khán giả mua cà chua ném lên sân khấu.
 
Chị Thanh cười cười không nói. Cuối tuần đó, giở báo ra tôi đã thấy ảnh của chị đăng trong quảng cảo của ban nhạc. Tôi gọi điện thoại hỏi, anh Luân trả lời giọng buồn bã:
 
- Anh mới vừa hỏi Thanh đã la toáng lên, rồi gây gổ om sòm cho là anh ích kỷ, không chịu tạo điều kiện để Thanh phát triển tài năng.
 
Im lặng một lát, anh thở dài nói tiếp:
 
- Em thấy đó, con cái lu bu, anh thì công việc ở hãng ngập đầu không có thì giờ. Cái đà này, cứ cuối tuần Thanh đi hò hát, mấy đứa nhỏ ai lo đây! Em thử khuyên Thanh giùm anh.
 
Tôi gọi điện thoại, chưa kịp nói tiếng nào đã bị chị mắng như tát nước vào mặt, nào là tôi hùa với anh rể ém tài của chị, nào là chị còn trẻ đẹp phải để chị có dịp xuất hiện trước công chúng… Hết thuốc chữa! tôi giận quá, nói với chị:
 
- Cái gì cũng vừa vừa, phải phải. Chị làm quá có ngày anh Luân bỏ chị thì đừng kêu trời. Chị có biết, bây giờ đàn ông về Việt Nam cưới vợ nhiều lắm không? Có chồng tốt mà không biết giữ, mai mốt hối hận cũng không kịp.
 
Chị cười khẩy:
 
- Mày có nói lộn không? Chưa biết ai bỏ ai đấy nhá.
 
Tối đó, chị làm trời, làm đất với anh Luân rồi đùng đùng bỏ đi. Chờ mãi đến mười hai giờ khuya vẫn không thấy chị trở về, anh Luân gọi điện thoại nhờ tôi sang nhà ngủ để trông hai đứa cháu vì hôm sau anh phải đi làm từ năm giờ sáng. Lần đó, chị đi ba ngày mới về nhà. Mẹ tôi khóc hết nước mắt, khuyên can chị nên thương chồng, thương con mà lo lắng cho gia đình nhưng chị vẫn giữ nguyên thái độ thách thức:
 
- Anh ấy có ngon thì ly dị đi, con đâu có sợ.
 
Hò hát chán, chị chuyển sang niềm đam mê mới là khiêu vũ. Trước đó, chị cũng biết khiêu vũ chút ít, nhưng giờ đây, để điệu nghệ hơn chị “tầm thầy học nhảy”. Phải thành thật mà nói, với vóc dáng thon thả, cao ráo, cộng thêm những bước nhảy điêu luyện, chị trở thành một mỹ nữ kiêu sa trên sàn nhảy. Trong những buổi tiệc, chị được bạn bè ngưỡng mộ và khen ngợi hết lời. Trong vùng hào quang rực rỡ nhưng phù du ấy chị hầu như quên hẳn mình đã có chồng cùng hai đứa con ngày càng lớn và rất cần bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của người mẹ. Chị thản nhiên xách túi đi du lịch cả tuần mà không cần hỏi ý kiến anh Luân. Hai đứa nhỏ, chị đem sang cho bà ngoại để chiều chiều anh Luân đón về. Đối với chị như thế là ổn thỏa đôi bề. Không đi làm nhưng chị tiêu tiền không cần suy nghĩ. Cũng may, cơ sở kinh doanh của anh Luân làm ăn phát đạt nên anh cũng không khe khắt đối với việc tiêu xài hoang phí của chị.
 
Một hôm, tôi đến đón Thi Thi và Thu Thu để đưa chúng đi dự sinh nhật bé Alex, con anh Ba. Ngồi chuyện trò với chị Thanh một lát, nhìn thấy bàn tay trống trơn của chị, tôi buột miệng hỏi:
 
- Ủa! chiếc nhẫn “hột xoài” của chị đâu rồi?
 
Chị trả lời gọn gàng:
 
-Bán rồi!
 
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, trong lòng thắc mắc “không lẽ gia đình túng quẩn đến mức này sao”. Chị Thanh cười thản nhiên tiếp lời:
 
- Thấy ông Hải không có tiền mua nhạc cụ nên tao bán để lấy tiền cho ổng mượn.
 
Không biết có phải chị cố tình nói cho anh Luân nghe không vì anh đang mang giày cho Thu Thu gần đó. Tôi điếng hồn nhìn anh, chờ đợi một cuộc cãi vã sắp nổ tung. Nhưng không, anh Luân chỉ lắc đầu nhè nhẹ rồi dẫn con bước ra sân. Tôi bất mãn:
 
- Chị có hỏi anh Luân không mà làm chuyện đó?
 
Chị Thanh hất mặt cười:
 
- Anh Luân của mày dám nói gì tao. Khù khù khờ khờ, suốt ngày im ỉm không biết giao thiệp với ai, tao đến chán. Bởi vậy, tao thích gì thì cứ làm không cần hỏi ai hết. Có ngon thì ly dị đi, của cải chia đôi, con cái cho “thằng chả” giữ hết. Bảo đảm tao không giành giựt.
 
Sững sờ trước những lời nói vô trách nhiệm, thiếu lương tâm của chị, tôi đứng lên ra về mà không buồn từ giã, lòng thầm nghĩ, có phước mà không biết hưởng, ai đời chiếc nhẫn cưới mà đem đi bán để làm chuyện tào lao.
 
Thật ra, không phải chị làm chuyện tào lao mà chị đã quyết lòng hy sinh cho “tình yêu mới” của chị. Có lẽ gia đình tôi là những người sau cùng biết được câu chuyện long trời, lở đất này. Mẹ ngã bệnh vì đau buồn, xấu hổ với họ hàng, láng giềng. Bố nổi giận, bảo tôi đưa sang nhà chị Thanh, quyết tìm chị “đánh cho nó một trận nên thân, cái thứ hư thân mất nết”. Anh Luân ôm chặt lấy bố, bảo chị Thanh chạy nhanh. Còn anh, miệng cứ van xin bố bớt giận. Khi chị Thanh đi rồi, anh dìu bố ngồi xuống ghế, nhỏ nhẹ nói:
 
- Con xin lỗi bố.
 
Bố ôm chầm lấy anh. Những giọt nước mắt già nua lăn dài trên khuôn mặt đỏ bừng vì tức giận:
 
- Bố phải xin lỗi con mới đúng..
 
Rồi bố đập tay lên thành ghế, giọng đau đớn:
 
- Bố có con mà không biết dạy. Bố không biết dạy con gái bố… để nó gây khổ cho con.
 
Sau ngày đó, chị Thanh không dám bén mảng về nhà. Bố mẹ tôi giận dỗi cũng chẳng buồn hỏi đến chị. Anh Luân thì mỗi cuối tuần lại dắt hai con về thăm ông bà ngoại. Phần tôi cứ sống mãi trong nỗi thấp thỏm, lo âu. Trong linh cảm tôi nghĩ rằng, sự yên ắng chỉ là bề mặt của một cơn sóng ngầm mà hậu quả không ai có thể lường trước được. Nhưng chị Thanh vẫn bướng bỉnh khi nghênh ngang thách đố:
 
- Có chứng cớ gì không mà dám đặt chuyện phao vu làm tổn thương danh dự của tôi.
 
Anh Luân trước sau vẫn im lặng. Một sự im lặng và chịu đựng đến khó hiểu. Bạn bè mắng nhiếc anh. Nào là “đàn ông gì mà nhu nhược, yếu hèn”. Nào là “sẽ có ngày hết tiền, hết của vì cái màn ly dị”. Nào là “say mê vợ đến mức mù quáng”. Không một câu trả lời. Anh Luân vẫn ngày qua ngày đắm mình trong công việc, bận rộn chăm sóc con cái. Chị Thanh thì khỏi nói, thấy anh Luân nhân nhượng chị lại càng tung hoành vì nghĩ rằng anh Luân sợ chị sẽ bỏ anh.
 
Chuyện gì đến rồi cũng đến. Một buổi sáng đẹp trời, chị vất tờ đơn ly dị lên bàn và yêu cầu anh Luân ký tên. Anh cười nhẹ nhàng rồi nhanh tay ký vào. Chị Thanh quá bất ngờ vì cứ ngỡ rằng anh Luân sẽ năn nỉ, ỉ ôi để chị eo xách đòi hỏi nọ kia. Tức giận, chị nói với tôi:
 
- Ra tòa tao sẽ đòi chia tài sản, đòi giữ con để thằng chả “support” chết luôn.
 
Kết cuộc… một kết cuộc không ai có thể ngờ được. Sau khi nghe bạn bè bàn tán, anh Luân cố tình theo dõi và đã chụp được một số hình ảnh thân mật của chị Thanh và tình nhân. Tiền bạc trong ngân hàng anh đã rút ra hết. Cổ phần của anh trong công ty cũng được sang tên lại cho người bạn thân. Và như thế, đến ngày ra tòa thì tài sản của anh chỉ còn lại duy nhất là căn nhà hai người đang ở, chiếc xe anh đang đi. Chị Thanh ngỡ ngàng, hoảng hốt. Chị không ngờ người chồng mà chị luôn miệng chê bai là khù khờ lại có sẵn một kế hoạch để đối phó với chị. Chắc hẳn ước mơ sẽ cầm được một số tiền lớn trong tay để cùng tình nhân xây tổ uyên ương đã tan tành theo mây khói. Chị nhìn anh bằng đôi mắt rực lửa căm hờn. Bước ra ngoài, chị chạy theo níu áo anh Luân, không ngớt lời chửi rủa. Vẫn nụ cười nhẹ nhàng, anh gỡ nhẹ bàn tay chị và thong dong mở cửa bước lên xe.
 
Chuyện xảy ra, bố mẹ cũng như anh em tôi không ai trách anh Luân một lời. Đó là hậu quả mà chị Thanh phải gánh chịu về những sai trái mà chị đã làm.
 
Ngân Bình

 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com