- Hết bàn rồi, cô chịu khó ngồi chung với người khác nhé!
Tôi cười dễ dãi:
- Không sao, có chỗ ngồi là tốt. Chỉ ăn qua loa dăm mười phút để kịp đi kiệu Đức Mẹ thôi.
Cô gái vừa kéo ghế cho tôi, vừa ngọt giọng:
- Chú ơi! cho cháu mượn chỗ một chút nghe.
Người đàn ông đang cúi gầm xuống trang báo, ngẩng lên cười thân thiện. Nụ cười chợt tắt khi ánh mắt của tôi và anh chạm nhau. Anh ngập ngừng với một chút ngỡ ngàng:
- Kiều An… phải không?
Tôi gật đầu giữa cơn bối rối -cũng như anh. Bé Trâm cất tiếng phát tan bầu không khí ngột ngạt:
- Mẹ An ơi! bé Trâm ăn phở được không?
Tôi cười âu yếm:
- Được. Phở tái con há? Cho cô hai tô phở tái đi cháu.
Cô bé hý hoáy ghi. Anh nhìn tôi mỉm cười, sau khi lấy lại bình tĩnh:
- Vẫn không hành, ít bánh phở và giá trụng phải không?
Tôi cười bằng cái mím môi, cúi xuống ôm bé Trâm, để ngăn nỗi xúc động bỗng ùa đến. Bao nhiêu năm rồi mà anh vẫn nhớ sở thích của tôi.
- Trâm, chào bác đi con.
Khoanh tay thật tròn, con bé gập đầu xuống với nụ cười thật tươi:
- Con chào Bác
- Con mấy tuổi?
Bé Trâm vừa ngước nhìn tôi, vừa rụt rè trả lời:
- Dạ con bốn tuổi.
Huân nhìn tôi. Trong ánh mắt long lanh của anh hình như chứa đựng rất nhiều câu hỏi.
***
Buổi tối, bé Trâm đòi ở lại xem văn nghệ, tôi gửi nó cho chị bạn rồi trở lại khách sạn. Thật tình cờ tôi lại gặp Huân ở đó. Như ngày nào đã xa, bên chiếc bàn con trong tiệm café, tôi và Huân ngồi đối diện với nhau. Nhưng thời gian và không gian, không phải là những năm về trước khi chúng tôi còn là đôi tình nhân, đôi vợ chồng son trẻ…
Tôi và Huân cưới nhau sau ba năm quen biết và yêu nhau. Theo kế hoạch, tôi đã phải tạm rời xa ngôi trường Đại Học quen thuộc để tìm việc làm, ổn định kinh tế gia đình cho Huân an tâm dồn hết thời gian có được trong việc học hành, hầu đoạt được mảnh bằng Dược Sĩ mà anh quyết tâm theo đuổi. Ngoài gia đình nhỏ của hai đứa, chúng tôi còn phải gửi tiền đều đặn cho mẹ và đứa em gái độc nhất của Huân đang còn ở Việt Nam. Mẹ Huân rất hiền lành. Tuy chưa một lần đối diện, nhưng qua thư từ, điện thoại bà chứng tỏ là một người mẹ thương con. Bà luôn dặn dò tôi “Hãy lo cho đời sống của hai con cũng như việc học hành của Huân trước đã, đừng lo nhiều cho mẹ và em. Ở bên đây, với công việc buôn bán hiện tại, mẹ có thể tiện tặn để sống, chứ không đến nỗi thiếu thốn, các con đừng lo”.
Đó là những lời chí tình của mẹ Huân. Nhưng còn Hương -em gái của Huân- thì tôi lắm phen cũng phải điên đầu vì những đòi hỏi của cô ta. Với ý nghĩ, có anh ở bên Mỹ thì phải ăn diện sao cho thiên hạ lé mắt, cô đã tới tấp gửi thư xin quà với những lời lẽ gây khó chịu cho tôi không ít “Anh gửi cho em đôi giày Bata, cái túi xách hiệu Adidas và bộ quần áo thể thao màu trắng cũng hiệu Adidas nha. Đừng để em mất mặt với bạn bè vì có anh ở Mỹ mà ăn mặc xệ quá… thì không giống ai hết. Kỳ này gửi mỹ phẩm về cho em nhớ phải hiệu Lancôme hoặc Estée Lauder chứ đừng ra chợ Walmart mua ba cái hiệu dỏm là em không xài đâu đó. Son môi và sơn móng tay phải chọn màu sang sang một chút đừng chọn màu Mỹ đen nha”
Tôi đưa lá thư cho Huân, môi không điểm nổi một nụ cười.
- Em của anh hay thiệt, ở Việt Nam mà rành hàng hiệu còn hơn em.
Huân đọc xong, cười chống chế:
- Nó còn con nít, em để ý làm gì!!!
Tôi nhìn Huân bất mãn, nhưng vốn quen nhịn nhục và cũng không muốn gây căng thẳng cho Huân trong thời gian anh đang thi cử, nên bỏ qua và cố gắng đáp ứng tất cả những đòi hỏi của Hương.
Một ngày cuối tuần, Huân đi Thư Viện học bài, tôi ở nhà làm tổng vệ sinh. Trong lúc dọn dẹp, tình cờ tôi tìm thấy lá thư của Hương được giấu dưới đáy thùng sách cũ. Nỗi tò mò đã làm tôi đánh mất sự tế nhị hằng có. Chắc chắn không phải là một lá thư bình thường nên Huân mới cất giữ riêng. Tôi mở thư ra, vẫn là những chuyện kể lể, vòi vĩnh thường tình. Tôi thầm nghĩ “có vậy mà cũng cất kỹ” và xếp thư lại. Nhưng mặt sau của trang thư cuối, một hàng chữ đập vào mắt tôi bằng hai chữ tái bút đỏ chói “Còn mấy tháng nữa là anh ra trường rồi phải không? Trời! tưởng tượng ông anh mình là Dược Sĩ mà lại ở Mỹ nữa, oai ra phết, tha hồ đếm tiền mỏi tay (em nghe mấy người Việt kiều nói, ở bên đó, Dược Sĩ làm lương hơn cả trăm ngàn một năm) Mà em nhắc anh một điều, đến lúc đó anh phải theo dõi tiền trong ngân hàng cẩn thận đó nghe. Em thấy nhà của ba má chị Kiều An sửa chữa mới toanh, lại còn mua thêm xe mới nữa. Anh coi chừng tiền của anh bị luồn cửa sau đó”
Nỗi tức giận làm cổ họng tôi nghẹn cứng. Từ ngày lấy Huân, tôi đã tự mình hủy bỏ lời giao kết với đứa em Út là mỗi tháng hai chị em chung tiền nhau để gửi về cho ba mẹ tôi, nuôi hai đứa cháu nội mồ côi cha -con của anh Hai- lại bị mẹ bỏ rơi và sửa chữa căn nhà đã cũ. Tôi dồn hết tiền bạc để lo cho Huân và gia đình anh để giờ đây phải nhận lấy những điều nghi kỵ thật phũ phàng.
Buổi chiều đó những nỗi bực tức mà tôi cố gắng kềm hãm bấy lâu đã bùng nổ. Huân cúi đầu im lặng giữa cơn thịnh nộ của tôi.
- Anh hãy nói cho em của anh biết, từ ngày về làm vợ anh đến giờ, tôi đã trở thành đứa con bất hiếu, chỉ biết cung phụng cho gia đình chồng, chứ chẳng còn lo lắng gì cho cha mẹ mình. Nếu không có thằng Út thì căn nhà của ba mẹ tôi đã thành cái chòi rách nát, mỗi lần mưa phải lấy dù mà che cho khỏi ướt. Đòi hỏi nào của nó tôi cũng đều đáp ứng còn muốn gì nữa mà soi bói. Nói với nó, nếu muốn anh mình không bị thất thoát tiền bạc thì lội biển qua đây để giữ của cho anh. Nói mà không biết mắc cỡ. Nó thừa biết, hồi nào tới giờ nó đã ngửa tay nhận tiền của ai, vậy mà trong thư của nó chưa bao giờ có được hai chữ cám ơn. Hay nó nghĩ bổn phận của những người ở đây là phải làm trâu kéo cày để gửi tiền về cho nó ăn xài? Anh phải dạy dỗ em của anh đi. Từ rày về sau, nó có chết cũng đừng gọi tôi. Tôi không dại gì mà tốn tiền cho cái thứ không biết ơn, biết nghĩa… cái thứ không ra gì.
Cơn giận tràn ra lai láng, phá vỡ cái bờ đê chịu đựng mà tôi đã cố gìn giữ bấy lâu. Tôi cầm chiếc chià khóa xe lao ra cửa với đôi mắt nhòe lệ và nỗi oán giận tràn ngập trong lòng.
***
Tú gọi điện thoại rủ tôi đi ăn trưa. Trên đường tới nhà hàng Tú hỏi tôi:
- Ông Huân lúc này thế nào?
- Thì cũng vậy, sáng xách xe đi, chiều xách xe về.
- Đi về đúng giờ không?
Tôi vươn vai mệt mỏi:
- Làm sao biết được, giờ giấc ổng thay đổi liên tu, đâu có nhất định như người ta.
- Cẩn thận, coi chừng có ngày mất chồng. Đàn ông bây giờ ghê lắm, bà không nghe mấy ông thi nhau về Việt Nam cặp bồ nhí, cưới vợ trẻ sao?
Tôi cười hăng hắc:
- Vậy thì tôi khỏi phải lo, vì từ ngày bà cụ đi diện đoàn tụ với ông cụ ở thế giới bên kia, chàng không còn về Việt Nam nữa.
- Ủa! còn đứa em thì sao?
Tôi hững hờ:
- Không biết.
Ghé xe vào parking, Tú nhéo khẽ tay tôi:
- Đồ nhỏ mọn, thù dai.
Ăn xong tô phở, Tú gác đũa, chống tay nhìn tôi, ngập ngừng như có điều gì muốn nói:
- Bà có để ý xem lúc này ông Huân có gì thay đổi không?
Nhìn nét mặt trang nghiêm, không có vẻ gì là đùa giỡn của Tú tôi cứng giọng:
- Bộ bà khám phá được điều gì khả nghi hả? Nói đại cho tôi biết, đừng có ấp úng như vậy. Chẳng lẽ, bà không biết tính tôi vừa bướng, lại vừa lì sao?
Tú cầm chiếc điện thoại lên, ngón tay bấm liên tục… tìm kiếm…rồi đưa sang cho tôi:
- Xem đi… Bình tĩnh nghe!!!
Trên màn ảnh nhỏ xíu của chiếc điện thoại hiện ra hình ảnh Huân đang ôm một cô gái. Cô ta gục đầu lên vai Huân nên không thấy rõ mặt. Bàn tay vòng quanh tách trà nóng của tôi bỗng có cảm giác lạnh buốt. Phải lâu lắm tôi mới hỏi được bằng giọng đứt quãng:
- Hình này… chụp ở đâu?…. bao giờ?
- Bãi đậu xe của nhà hàng Black Eye Pea, cách đây hai tháng. Phân vân, suy nghĩ mãi, sợ bà bị sốc. Nhưng tôi nghĩ, phải cho bà biết để còn liệu cách mà “xử lý”.
Tôi nuốt nỗi đau vào trong tim, cố tìm câu khôi hài:
- Rồi bà có định đi đánh ghen phụ tôi không?
Tú nhìn tôi lo lắng:
- Đau thì cứ khóc. Khóc cho nhẹ rồi tìm cách nói chuyện với Huân. Nhẹ nhàng, ôn tồn vẫn là giải pháp tốt nhất để giữ chân chồng. Nóng nảy, ghen tương sẽ có cớ cho chồng đòi ly dị.
Tôi đứng dậy, cố ngăn nước mắt:
- Làm đàn bà khổ vậy sao Tú?
***
Tôi lặng lẽ theo dõi Huân mới khám phá ra một điều mà bấy lâu nay vì thờ ơ tôi không chú ý. Buổi tối về nhà, sau khi ăn cơm chiều xong Huân thường vào phòng làm việc và ngồi vào máy Computer rất lâu. Điện thoại cầm tay của Huân không bao giờ có số lưu lại. Ai gọi đến, nói chuyện xong là Huân xóa bỏ ngay số điện thoại ấy, không ngoại trừ người nào, kể cả tôi. Có thể đó là một thói quen mà Huân cố tập cho mình. Tôi cho Tú biết điều này, cô bạn bỗng nhiên hỏi:
- Bà có để ý đến tiền bạc trong ngân hàng không?
- Không để ý lắm. Tiền thì chung, nhưng mỗi đứa giữ một “account” để tiêu xài. Thật ra mình với Huân chi tiêu cũng có căn bản, đâu ra đó.
- Bà nghe lời tôi, xem lại “account” của ổng xem.
Nghe lời Tú, tôi lục lọi giấy tờ thì thấy tất cả các bảng báo cáo hàng tháng của ngân hàng gửi về đều biến mất. Xưa nay, Huân vốn là người thiếu ngăn nắp, giấy tờ vất vãi khắp nơi, tôi không dọn dẹp thì thôi, Huân có bao giờ ngó mắt đến chuyện cất giữ. Tất cả nghi vấn là ở đây. Tôi phải cầu nguyện thật nhiều để giữ được sự nhẫn nại hầu tìm ra manh mối. Cuối cùng, bài toán đã có giải đáp, tháng Mười Hai Huân đã rút ra một số tiền là mười lăm ngàn đôla từ trương mục của anh.
Tôi đổ xuống như một thân cây bị đốn ngã. Bao nhiêu câu hỏi không ngớt nhảy múa trong đầu. Huân làm việc gì với số tiền lớn như thế. Từ khi Huân ra trường, có việc làm ổn định thì tôi đi học trở lại và làm việc bán thời gian. Kinh tế gia đình rất thoải mái. Phần lớn, mọi sắm sửa trong nhà đều một tay tôi lo Huân ít khi để ý đến. Mức chi tiêu mỗi tháng của Huân cũng không đáng kể. Ngoài số tiền vài trăm mỗi tháng do Huân đích thân gửi về Việt Nam -vì tôi đã thề không dính dáng chuyện tiền bạc với gia đình anh- thì chúng tôi không có việc gì để phải tiêu xài một số tiền lớn như thế. Kết luận cuối cùng của tôi liên quan đến người con gái trong bức ảnh.
Buổi tối, khi tôi vừa bước vào phòng của Huân thì anh vội vàng tắt máy Computer. Ném về phía Huân một cái nhìn hằn hộc tôi gằn giọng:
- Anh xem cái gì mà vừa thấy em đã vội tắt máy.
Huân đứng lên cười giả lả:
- Anh vừa gửi email cho người bạn xong, định ra ngoài xem TV.
Tôi ném bảng báo cáo của ngân hàng lên bàn:
- Cho em biết, anh làm gì với số tiền mười lăm ngàn đô?
Để khỏi phải trả lời câu hỏi của tôi, Huân ngang giọng:
- Sao em có thể ngang nhiên lục lọi, lại còn hỏi cái giọng xấc xược đó. Tiền tôi làm ra thì tôi có quyền xài, không ai có quyền hạch hỏi. Tôi không làm điều gì sai hết.
Thái độ cả vú lấp miệng em của Huân làm tôi quên mất lời căn dặn của Tú “nhẹ nhàng, ôn tồn là giải pháp tốt nhất để giữ chân chồng”. Tôi chìa tấm ảnh mà Tú đã chụp được:
- Vậy cái hành động này của anh là đúng hay sai? Anh đang ôm ấp ai đây?
Mặt Huân tím ngắt, anh giật phăng tấm hình trong tay tôi:
- Cô lén lút theo dõi tôi à?
Tôi cười khẩy:
- Rất tiếc, tấm ảnh này là do người khác chụp được, chứ nếu tôi có mặt ngay giây phút đó thì bây giờ anh không còn đứng đây lên giọng kẻ cả để chạy tội đâu.
Huân nện bước ra khỏi phòng sau khi quay lại trợn mắt quát tháo:
- Cô hăm dọa tôi đó à. Cho cô biết, tôi không sợ ai mà phải chạy tội. Cô lúc nào cũng cố chấp, lấn át người ta quá đáng. Tôi không chịu nổi nữa, tôi chán lắm rồi cô biết không!!!
Huân đóng cửa thật mạnh và bỏ đi trong cơn giận dữ. Tôi đứng chôn chân chết lặng trong căn phòng vắng ngắt. Tôi bàng hoàng, sửng sốt vì phản ứng bất ngờ của Huân. Sáu năm dài chung sống, chưa bao giờ Huân có thái độ nóng nảy và ngang ngược như thế. Rõ ràng Huân đã làm việc sai quấy, thế mà anh quay lại đổ lỗi cho tôi. Tôi gọi Tú và khóc tức tưởi trên điện thoại. Bất kể đêm khuya, Tú chạy đến với tôi. Ôm tôi trong cánh tay ấm áp, Tú thở dài:
- Luận điệu của những kẻ phản bội giống hệt như nhau. Ông anh rể của mình hồi trước cũng vậy. Bà chị mình van nài, khóc lóc cách gì ổng cũng phủi tay, dứt áo ra đi.
Ngày hôm sau và suốt tuần đó Huân vẫn không trở về. Còn tôi thì ngã bệnh vì đã trải qua một cơn chấn động quá lớn. Những ngày vùi mình trong cơn đau chỉ có mình Tú lui tới chăm sóc tôi còn Huân thì biệt dạng. Tôi quyết liệt ngăn cấm, không cho Tú gọi điện thoại cho Huân. Với tôi, Huân đã có sự lựa chọn rõ ràng, vậy thì chẳng còn lý do gì để tôi níu kéo cái hạnh phúc mà từ lâu tôi vẫn tưởng sẽ không có gì có thể phá vỡ được. Những lời lẽ và thái độ của Huân đã vạch một vết thương sâu hoắm trong trái tim tôi.
Cuối tuần đó tôi sắp xếp hành trang rời xa căn nhà cũ. Sáu năm hạnh phúc đã kết thúc. Một kết thúc thật đơn giản. Đơn giản đến độ có đôi lúc tôi tưởng chừng như không có thật.
***
Giọng Huân vang lên như tiếng chuông kéo tôi về thực tại:
- Em hạnh phúc chứ?
Tôi cười:
- Không hạnh phúc làm sao sống nổi đến giờ này. Còn anh thì sao? Chị ấy đâu?
- Ai?
Tôi nhìn Huân nghiêm nghị:
- Người con gái trong tấm ảnh. Người con gái trong vòng tay ấm áp của anh. Người con gái đã khiến anh bỏ vợ đi cả tuần mà không cần biết vợ mình sống hay chết sau khi đã tặng cho vợ những lời cay nghiệt nhất.
Huân nhìn tôi. Ánh mắt chìm xuống buồn bã:
- Em muốn biết cô gái đó phải không?
Huấn mở chiếc ví đưa trước mặt tôi. Bên trái là tấm ảnh của tôi, bên phải là ảnh của Hương, em gái anh. Tôi nhìn Huân khó hiểu.
- Khi mẹ mất, chỉ còn một mình Hương bơ vơ nên anh muốn đem nó qua đây nhanh nhất bằng con đường kết hôn giả. Nhưng trước đó, Hương đã có những lời chạm tự ái, gây tổn thương cho em nên anh không thể nói với em. Mười lăm ngàn đôla là số tiền anh phải trả cho người ta. Khi Hương qua đây người đàn ông đó không muốn rời xa Hương. Dĩ nhiên, Hương không bằng lòng, nhưng không thể làm gì khác hơn vì sợ bị trả về Việt Nam nếu chuyện đổ bể. Hương phải sống với một người đáng tuổi chú bác, không thương yêu, lại còn ghen tương vô lối. Con bé khổ sở trăm điều. Nhìn em mình bị người ta hành hung đánh đập mà anh không biết làm cách nào để giúp nó. Mình đã làm chuyện phạm pháp thì còn mong gì mà thưa gửi, kiện cáo. Em đâu biết lúc đó anh bị đau khổ và căng thẳng đến chừng nào. Anh cần sự an ủi và hỗ trợ tinh thần từ nơi em biết bao. Nhưng em nhất định không muốn nghe nhắc đến tên Hương. Anh biết làm gì hơn là phải giấu em. Thật sự, sau khi xảy ra chuyện cãi vã anh bỏ đi chỉ là muốn né tránh, để khỏi phải trả lời câu hỏi của em. Anh định chờ em nguôi ngoai sẽ trở về xin lỗi… không ngờ em lại buông tay dứt khoát dễ dàng. Sáu năm qua, anh bị dằn vặt mãi về sự đổ vỡ vô lý của mình. Anh muốn tìm em mà không biết phải tìm ở đâu.
Tôi nhìn Huân trân trối, lòng bán tín bán nghi những lời Huân vừa nói.
- Dù sao, cũng cám ơn em đã nghe anh giải bày và chúc mừng em đã tìm thấy hạnh phúc, nhất là có được một đứa con gái xinh xắn dễ thương.
Tôi ấp úng trong nỗi hoang mang tràn ngập trong lòng:
- Bé Trâm không phải con em… là con của thằng Út… Mẹ nó qua đời khi nó vừa mới lọt lòng. Em đem nó về nuôi như tìm một an ủi trong cuộc sống đơn độc.
Ánh sáng từ đâu bỗng bừng lên trong khoảnh khắc tối tăm. Huân tìm bàn tay tôi siết chặt, giọng anh tràn ứa niềm vui:
- Em biết không, năm nào anh cũng đi đại hội, cũng cầu xin Mẹ cho anh được gặp em. Anh muốn được một lần nói với em rằng, anh không phải là một kẻ xấu xa phản bội như em đã nghĩ. Tạ ơn Mẹ đã nhậm lời cầu xin của anh.
Tôi gục mặt vào bàn tay Huân, khóc như chưa bao giờ được khóc. Những giọt nước mắt khổ đau ngày xưa và những giọt nước mắt hạnh phúc bây giờ không có gì khác nhau. Vẫn là những giọt nước làm thấm ướt đôi mi, nhưng trái tim tôi thì đã đổi thay nhịp đập. Nó không còn xót đau vì nỗi mất mát chia lìa, mà rộn ràng vì đã tìm lại được tình yêu tưởng chừng như đã vĩnh viễn đi vào dĩ vãng.
Ngân Bình