User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
bíblia
 
Cánh cửa đã khép lại mà tôi vẫn còn nghe tiếng cười nhố nhăng của đám đàn ông đang nhậu nhẹt phía ngoài phòng ăn. Không biết từ đâu mà Lực có đám bạn này -tôi đã hỏi nhiều lần nhưng anh cứ ỡm ờ rồi đổi sang chuyện khác. Những người từ Việt Nam mới sang đây vài năm, phong cách vẫn còn rất… Việt Nam. Cái phong cách gia trưởng qua những câu chuyện họ trao đổi với nhau, dù không muốn tôi vẫn phải nghe.
 
- Thằng Bảo bết thiệt, chỉ một tiếng kêu mà đã bỏ bạn bè chạy về nhà với vợ.
 
- Không về vợ đập cho phù mỏ!
 
- Vậy sao? tao đâu biết nó sợ vợ dữ vậy. Cái thằng ngu… tao đã nói rồi, trước khi lên bàn nhậu, tắt mẹ cái phone đi. Không nghe kêu thì khỏi thắc mắc. Tao vậy đó, chịu thì ở, không chịu thì thôi, láp dáp tao cho ăn bạt tai.
 
- Thôi đi thằng ông nội, đừng nói chảnh, coi chừng có ngày Cảnh Sát còng tay đó nghe. Đàn bà ở xứ này được xếp hạng nhất, còn đàn ông bọn mình, xin lỗi… đứng sau con chó.
 
- Thì tại tụi mày dở ẹt. Phần tao, ở đâu cũng vậy. Việt Nam hay Mỹ cũng y chang. Bổn phận của vợ là hầu hạ chồng. Chồng bảo thì vợ phải nghe. Chuyện bếp núc là chuyện của đàn bà, đừng hòng tao rớ tay vào. Mấy thằng đàn ông ở đây cứ muốn chứng tỏ mình văn minh, lịch sự nên con vợ mới làm tới. Đúng là ngu. Tụi mày không thấy sao… tao chỉ nhìn một cái là vợ tao im re. Đâu phải khi không mà được vậy. Ít ra, nàng cũng đã bị tẩn hơn chục lần mới chịu vô nề nếp. Tao học theo cách cai trị của ông già. Tụi bây cũng ráng mà học hỏi ở tao thì mới tề gia được.
 
Có lẽ Lực cũng bắt đầu học hỏi từ người bạn này, nên xem ra anh đã có ít nhiều thay đổi. Những năm trước, vào mùa hè, cứ cuối tuần, tôi và Lực lại hì hục đào xới, vun phân, tưới nước, trồng tỉa, sửa sang cho khu vườn sau nhà thêm phần rực rỡ. Góc này là chiếc băng đá. Góc kia là tượng bé trai thật dễ thương đang vén quần xịt nước. Dọc theo vách tường là chiếc bàn tròn với hai cái ghế nhỏ nhắn, xinh xắn. Xen vào đó là những chậu hoa khoe sắc đủ màu, đủ kiểu trông rất đẹp mắt. Việc làm tuy có hơi vất vả vì tiết trời oi bức nhưng là công việc tôi yêu thích, đồng thời vợ chồng cũng có cơ hội ở cạnh nhau, vừa làm việc, vừa vui đùa thật hạnh phúc. Nhưng từ khi Lực nhập vào băng nhậu thì tôi phải lui cui làm một mình. Mới đầu Lực còn hẹn nay, hẹn mai, nhưng sau cùng thì anh từ chối thẳng thừng:
 
- Anh có thích công việc này đâu. Hồi đó, tại vì không có mục gì giải trí nên anh phải làm. Bây giờ, xin em hãy thông cảm… cho anh được hưởng thụ cuộc đời.
 
Vì tự ái, từ đó, tôi không bao giờ nhờ đến Lực, dù đôi khi, với cái xẻng trong tay, tôi loay hoay gần nửa giờ mà vẫn chưa đào được một lõm đất vừa đủ để thả chậu cây xuống. Có lẽ, ngồi trong nhà nhìn ra Lực cũng cảm thấy áy náy -nhưng không dám phụ giúp vì sợ bạn bè chế nhạo “thằng hầu vợ”- nên Albert -bố của Amy, bạn học con gái tôi- vừa ghé xe vào để thả Mimi xuống, Lực vội vã chạy ra nhờ vả:
 
- Anh rảnh chứ? … có thể giúp vợ tôi trồng cây đào không?
 
Tôi vừa giận, vừa quê:
 
- Anh không làm thì tôi làm. Ngồi đó ăn nhậu, để người khác gánh việc cho mình, anh không xấu hổ sao?
 
Tôi bảo Albert về đi, nhưng anh sốt sắng:
 
- Không sao! cắt cỏ, làm vườn là sở thích của tôi mà.
 
Lực đưa ngón tay cái lên, gật đầu khoái trá. Đám bạn đang tụm ba, tụm năm ở patio, nhìn ra cười hô hố:
 
- Đúng là cái thằng Mỹ khờ dại gái.
 
Tưởng Lực sẽ phản đối những lời nói đùa vô ý thức của bạn bè, không ngờ anh còn góp thêm:
 
- Mà lại dại… gái già mới tội nghiệp cho nó.
 
Tôi nhìn Lực bất mãn. Anh vờ như không thấy, cầm ly beer đưa lên, miệng la to “dô, dô” liên hồi. Sự bất mãn càng lớn hơn khi Lực giao cho tôi việc đưa đón Mimi đi học đàn Piano. Tôi hỏi Lực, tại sao? Lực trả lời, tại bận. Bận nhậu phải không? Lực liếc xéo tôi một cái, quay lưng bỏ vào phòng. Rồi không biết bằng cách nào Lực liên lạc được với Albert và nhờ anh “sẵn đưa đón Amy, tiện đường cho Mimi quá giang luôn”. Dĩ nhiên Albert rất vui vẻ nhận lời. Nhưng tôi không thể lợi dụng lòng tốt của một người không phải là bạn bè của mình nên đành phải lãnh trách nhiệm để Lực có thì giờ đú đởn với đám bạn vô tích sự.
 
Từ đó, tôi và Albert thường xuyên gặp nhau nơi bãi đậu xe của lớp Piano hay sinh nhật của bạn bè Amy và Mimi, hoặc những buổi cắm trại của học sinh mà phụ huynh bắt buộc phải có mặt vì sự an toàn của con em mình.
***
Thật sự, tôi không ngờ có ngày trái tim mình lại chia thành hai ngăn và một ngăn được dành để cất giấu hình ảnh người đàn ông không phải là chồng mình. Người đàn ông, khác màu da và khác cả ngôn ngữ. Ngươi đàn ông, không chỉ diễn tả tình yêu bằng cái nhìn đằm thắm yêu thương, mà còn có cả câu nói “Honey, I love you so much”, vừa lạ lẫm, vừa quyến rũ ngọt ngào, làm tôi liên tưởng đến bộ phim “Love Story”“Titanic” với tình yêu đôi lứa thật nồng nàn, say đắm. Tôi biết mình hoàn toàn sai khi dấn thân vào cuộc tình tội lỗi cùng với Albert. Nhưng nếu không vì Lực đã bước một bước trước trong việc đưa hạnh phúc gia đình đến bờ vực thẳm thì tôi sẽ không bị lôi cuốn bởi người đàn ông mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Nghĩa là, việc làm của tôi khởi đầu chỉ vì tự ái, nhưng rồi tình cảm như những đợt sóng ngầm, nó cứ lặng lẽ tiến tới, cho đến khi giật mình nhìn lại thì trái tim tôi đã bị cuốn trôi theo con sóng nhẹ nhàng mà đầy nguy hiểm.
 
Lần đó, Lực nhất định theo đám bạn của anh về Việt Nam, dù tôi cực lực phản đối. Tôi biết, nếu cùng đi với những người này thì không những anh chỉ đến quán bia ôm mà sẽ còn chơi những trò chơi trác táng mà người đàn ông đã có gia đình và có chút đạo đức không nên làm.
 
Chị Lý, vợ anh Tần -người tự hào đã đánh vợ hơn mười lần- gọi tôi:
 
- Chị có gọi điện thoại cho anh Lực không?
 
- Không! nhưng anh Lực có gọi về.
 
- Anh ấy có nói gì không?
 
- Dạ không… mà chuyện gì hả chị?
 
Giọng chị Lý buồn bã:
 
- Em đọc trên internet, thấy bên đó… con gái bây giờ khủng khiếp lắm, trong quán cà phê ăn mặc hở hang, rồi còn có nhà trọ để mấy ông…. nhiều chuyện tầm bậy tầm bạ… em lo lắm, lỡ mấy ổng ham vui rồi về đây mang bệnh cho mình.
 
Tôi cười nhẹ, an ủi chị:
 
- Có lo thì cũng chẳng làm được gì. Chị sợ thì khi nào ổng về bắt đi khám bệnh.
 
- Em không dám làm như vậy đâu.
 
Chị Lý không dám, nhưng tôi sợ gì mà không dám. Ngày đầu tiên trở về, sau khi gột rửa bụi đường xa, Lực nhảy lên giường ôm chầm lấy tôi hôn tới tấp. Tôi nghiêng mặt né tránh. Lực trợn mắt nhìn tôi. Tôi vỗ nhẹ vào mặt anh:
 
- Muốn gì thì khám bệnh trước đi.
 
Lực nhíu mày:
 
- Bệnh gì mà khám?
 
- Bệnh phong nhã, hào hoa!
 
Lạc chồm tới, dúi đầu vào ngực tôi:
 
- Đừng chọc quê anh nghe! Em chỉ giỏi tài nói bậy… vợ người ta phục tùng chồng răm rắp, còn em chuyên môn kiếm chuyện móc ngoéo anh.
 
Lực nói với bàn tay sờ soạng khắp người tôi. Tự nhiên cái cảm giác gớm ghiếc làm tôi rùng mình. Đẩy Lực ra, tôi nghiêm giọng:
 
- Em đã nói rồi! em không tin anh được và cũng không muốn mang thứ bệnh giết người đó.
 
Tôi nói nhẹ nhàng mà Lực lại nổi nóng thật sự. Anh nắm chặt vai, đẩy tôi sát tường:
 
– Chỉ là tôi muốn đền bù cho cô thôi, chứ cô có đẹp đẽ, hấp dẫn gì đâu mà bày đặt phách lối. Thân hình cô khác nào toa xe lửa, cằn cỗi, khô khan, thua xa mấy em bên kia, đã sexy, lại còn lão luyện.
 
Lặng người trước những lời chê bai trần trụi của Lực, tôi ngước nhìn anh như nhìn một người rất xa lạ. Ánh mắt khinh miệt của tôi làm Lực bối rối. Anh buông tay. Tôi bước xuống giường. Trước khi ra khỏi cửa, tôi quay lại lạnh lùng:
 
- Suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên những lời nói ác độc của anh.
 
Tôi mím môi ngăn nước mắt. Những giọt nước mắt không nên chảy ra vì người chồng đang bắt đầu thay đổi, bắt đầu biết nói những lời châm biếm cay nghiệt. Từ lúc mới yêu nhau, tôi vẫn luôn mặc cảm về nhan sắc và ngoại hình của mình, nhưng Lực thường nói, trong mắt anh, tôi là người đàn bà đáng yêu nhất thế giới. Dù biết rằng, sự thật không phải thế, nhưng tôi tin rằng tình yêu chân thành đã cho Lực một cái nhìn bao dung, rộng lượng về người phụ nữ anh yêu và yêu anh. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có một ngày người chồng mà tôi rất mực yêu thương và tôn trọng lại có thể buông ra lời nói tàn nhẫn như thế. Lời nói đã gây cho tôi sự tổn thương không phải nhỏ. Và sự tổn thương đó đã đưa đến hành động trả thù, dù tôi biết rằng gia đình có thể sẽ tan nát. Điều đó, ngày qua ngày đã dần dần hiện rõ. Nhưng tôi không chút hối tiếc, vì muốn chứng tỏ cho Lực biết người vợ mà anh rẻ rúng, xem thường đang được một người đàn ông hơn anh rất nhiều -từ khuôn mặt, ngoại hình, đến địa vị xã hội- si mê đeo đuổi. Mối tình của tôi và Albert đã nẩy nở một cách thật tự nhiên và chính Lực là người đã đưa Albert đến gần tôi.
 
Một lần, tôi bị vết đứt khá sâu ở ngón tay khi dùng những mảnh gỗ để tấn một bờ rào, che chắn cho cây mướp đang trổ hoa, kết trái. Máu từ bàn tay tôi nhỏ giọt xuống mặt đất làm Albert hốt hoảng. Albert gọi Lực đem thuốc sát trùng, bông bòn và băng keo ra để trị thương cho tôi. Lực chẳng ghé mắt xem vết thương nặng nhẹ ra sao, chỉ vỗ vai Albert, cười thân thiện:
 
- Tôi chẳng biết làm những thứ này… anh giúp vợ tôi giùm.
 
Albert im lặng. Lần đầu tiên tôi thấy anh không nhếch môi cười. Trong lúc chùi rửa vết thương, Albert nói với vẻ lo lắng:
 
- Tôi nghĩ cô nên đi bác sĩ.
 
- Trời ơi! có đáng gì đâu. Chỉ bị thương một chút thôi mà.
 
Albert chỉ cho tôi vết đứt rất sâu, nhưng tôi lắc đầu từ chối. Anh sát trùng kỹ lưỡng, khiến vết thương tôi hết sức đau rát, nhưng vẫn cố kềm giữ tiếng xuýt xoa. Tay Albert làm, nhưng mắt anh theo dõi từng nét biến chuyển trên khuôn mặt tôi. Anh nói rất khẽ, nhưng trong đó có chút xót xa, có chút ngậm ngùi:
 
- Nếu cô là người đàn bà của tôi, tôi sẽ không bao giờ để cô phải làm những việc nặng nhọc như thế này.
 
Lời nói của Albert như khơi đúng nỗi niềm riêng buốt nhói trong lòng bấy lâu, tôi quay đi để giấu những giọt nước mắt tủi thân. Albert kéo tôi lại gần, lau nhẹ những giọt lệ buồn đang đọng trên khóe mắt. Và tôi đã bật khóc nức nở khi ngón tay của anh chạm rất khẽ trên khuôn mặt tôi, cùng với giọng ấp ám:
 
- Nếu cô là người đàn bà của tôi, tôi sẽ không bao giờ để cô phải rơi một giọt lệ.
 
…. Và tôi đã trở thành người đàn bà của Albert thật. Lần đó, đội banh của con gái anh và con gái tôi thắng trận trong một cuộc tranh giải. Vòng tay ôm bất ngờ của Albert dành cho tôi vì sự mừng vui chiến thắng và cái ngả đầu của tôi vào vai anh đã cho chúng tôi cảm giác gần gũi, thân mật hơn bao giờ hết. Để từ đó, Albert chính thức bày tỏ tình yêu của anh -người đàn ông đã ly dị vợ- dành cho tôi. Tôi tiếp nhận tình yêu của Albert với niềm vui và nỗi buồn lẫn lộn. Vui, vì Albert đã giúp tôi xóa tan mặc cảm mình là người đàn bà không xinh đẹp, không hấp dẫn. Buồn, khi tự hỏi, vì sao mình lại rơi vào hoàn cảnh éo le này? Lực thì không sao, nhưng còn hai con của tôi, nếu biết được mẹ nó đã làm ra chuyện không tốt đẹp, nó sẽ nghĩ thế nào?
***
Nỗi lo lắng đó không phải là vẩn vơ khi tôi nghe bạn của Vinh -con trai tôi- nói với nó trong lần tôi và Albert đưa hai đứa con gái đi xem buổi văn nghệ của trường Vinh vào dịp lễ Giáng Sinh.
 
- Vinh, tao thấy mẹ mày đang ngồi với “stepfather” của mày kià.
 
Người tôi như đông cứng. Tôi không dám quay lại, nhưng nghe rõ tiếng chửi tục tằn và lời hăm dọa của Vinh:
 
- Còn nói một lần nữa thì tao sẽ cho mày ăn quả đấm.
 
Thằng bạn của Vinh vừa bỏ chạy, vừa tiếp tục chọc ghẹo:
 
- Tụi bây ơi! đến xem “stepfather” của thằng Vinh kìa.
 
Có tiếng vật lộn huỳnh huỵch phía sau. Albert chạy ra can gián, tôi cắm đầu đi một mạch ra xe. Không biết vì xấu hổ hay vì sợ hãi mà tôi không dám đối diện với đứa con trai đang tuổi “teen” của mình.
 
Ngày hôm sau, Lực nghỉ phép ở nhà thì được điện thoại của trường gọi đến, vì Vinh đánh bạn ngay trong lớp học. Vừa đi làm về đã thấy Lực nắm cổ thằng con lôi xềnh xệch từ xe vào nhà. Tôi chưa kịp hỏi câu nào Lực đã tát Vinh một cái nẩy lửa:
 
- Học không lo học, bày đặt đánh đấm. Đụng tới mấy thằng Mỹ thì không yên thân đâu, nó sẽ thưa gửi tùm lum cho mà xem. Tại sao lại đánh người ta đến chảy máu mũi.
 
Vinh nhìn tôi. Ánh mắt đầy oán giận và trách móc. Thấy Vinh im lặng, Lực càng tức giận, anh nhào đến đấm đá không nương tay. Thằng bé đứng im, mím môi chịu đựng, không nói một lời. Tôi cũng vậy, im lặng mà rơi nước mắt vì thương con, vì oán Lực, vì giận mình nhưng không đủ can đảm để nhận lỗi. Cho đến khi khóe môi Vinh tươm máu, tôi mới hoảng hốt la lên:
 
- Đừng đánh nữa… không phải lỗi của con, mà là lỗi của tôi.
 
Lực quay lại, hai tay chống nạnh, thở hổn hển:
 
- Em nói vậy là sao?
 
- Là tôi có bạn trai, là… tôi ngoại tình.
 
Mắt Lực trợn trừng. Anh gằn giọng, tra vấn tôi:
 
- Là ai? là thằng nào?… thứ đàn bà lang chạ…. con vợ hư đốn…
 
Bao nhiêu từ ngữ xấu xa Lực gán hết cho tôi. Nhìn Lực hung hãn, đạp đổ bàn ghế, mắng chửi xối xả, tôi bỗng chán chường. Nỗi sợ hãi trong lòng dần tan biến. Tôi nhớ lại từng câu nói của Lực với đám bạn của anh mà lòng căm giận vô cùng. Đã đến lúc Lực phải nhận về cho mình những gì tệ bạc nhất mà anh đã dành cho tôi. Với ý nghĩ đó tôi lấy lại bình tĩnh và thật chậm rãi nói với Lực:
 
- Anh muốn biết người đó là ai phải không? Là người đàn ông giúp tôi những lúc tôi cần. Là người đàn ông cùng đau với cái đau mà tôi phải chịu. Là người đàn ông đã nói với tôi rằng, dù ai có khen hay chê, thì với anh, em vẫn là người đẹp nhất. Là người đàn ông anh đã từng mở cửa rước vào nhà để anh có thì giờ vui chơi với bạn bè mà không cần biết đến niềm vui, nỗi buồn của vợ mình.
 
Mặt Lực xám ngắt, anh lắp bắp:
 
- Là… thằng Albert… nó phải không? cô… cô đã ngủ với nó bao nhiêu lần rồi?
 
Tôi giận tím gan vì bị đánh giá quá thấp:
 
- Rất tiếc là chúng tôi chưa vượt quá giới hạn. Không phải người đàn ông nào cũng ham mê xác thịt như anh.
 
Lực cười khinh khỉnh:
 
- Nó đâu phải là thánh, chẳng qua cô không có gì hấp dẫn đối với nó.
 
Câu nói chê bai phũ phàng của ngày nào đã được lặp lại – câu nói đã đẩy tôi vào một khúc rẽ tối tăm, để có lần với nước mắt ân hận, tôi tự trách mình đã làm vẩn đục hình ảnh người mẹ tốt lành trong mắt các con tôi, nếu sau này chúng biết được- Tôi nghênh mặt thách thức:
 
- Tôi có hấp dẫn hay không thì cứ ký giấy ly dị đi rồi anh sẽ có ngay câu trả lời.
 
Mắt Lực đỏ ngầu, anh hét lên như điên khùng:
 
- Đừng có hòng. Muốn ly dị hả? một mạng đổi một mạng!!!
 
Tôi bĩu môi, cười khẩy:
 
- Tại sao? Tôi có gì hấp dẫn đâu mà anh phải đổi mạng cho phí cuộc đời.
 
Những lời đối đáp, đốp chát nhau như rạch da, như xẻ thịt đối phương cứ tiếp diễn, cho đến khi có tiếng chuông điện thoại vang lên và Mimi từ trên lầu chạy xuống, nước mắt đầm đìa, vừa khóc vừa nói:
 
- Ba mẹ đừng cãi nhau nữa. Anh Vinh bị xe đụng rồi….!!!!
***
Cho đến ngày thứ ba, Vinh vẫn chưa tỉnh dậy. Từng ấy ngày Vinh mê man trên giường bệnh là từng ấy ngày tôi ngồi bên cạnh đứa con thân yêu không buồn ăn, không thiết ngủ. Lực bảo tôi, hãy về nhà nghỉ ngơi để anh ở lại trông chừng con, nhưng tôi quyết liệt từ chối. Cuối cùng, cả hai đều ở lại trong bệnh viện sau khi Lực đưa Mimi đến nhà cô em út của anh. Trong những ngày “sống mà như chết” này, tôi đã nhìn lại những ngày tháng đã qua để nhận ra sự ích kỷ và cố chấp của mình. Tôi tự nguyền rủa mình không tiếc lời. Tại sao tôi chỉ nghĩ đến bản thân tôi, đến cái tự ái cao vời vợi mà nỡ lòng làm tổn thương đứa con đang tuổi còn ngây thơ. Tôi chưa làm một điều gì để con tôi được hãnh diện thì đã khiến nó phải cúi đầu giấu mặt, không dám nhìn bạn bè. Tôi đã trở thành người mẹ xấu xa từ lúc nào? Nỗi đau đớn và hối hận tràn ngập trong lòng, khiến nước mắt tôi tuôn chảy không ngừng.
 
Bốn ngày trôi qua, tôi và Lực không nói chuyện với nhau, ngoài những câu trao đổi cần thiết. Có lẽ, không phải là ghét, không phải là giận mà là sự ngượng ngùng, hỗ thẹn khi cả hai đều nhận ra rằng, vì mình mà đứa con tội nghiệp phải đau đớn trên giường bệnh với những sợi dây chằng chịt khắp người, không biết chết sống ra sao.
 
Bốn ngày trôi qua tôi không trả lời điện thoại của Albert. Lực cũng từ chối những cuộc viếng thăm của đám bạn thân thiết của anh. Đến giờ phút này, tôi -và có lẽ Lực cũng vậy- mới nhận ra rằng, không ai quan trọng bằng con mình, đứa con mà có lúc hình như tôi đã quên rằng, dù trái tim của nó hãy còn non nớt, nhưng cũng biết đau, biết buồn.
 
Nhìn Lực đang đứng cạnh Vinh, bàn tay vuốt nhẹ lằn băng trắng xóa trên chiếc đầu nhỏ nhắn với đôi mắt đỏ hoe, rươm rướm lệ, lòng tôi chợt chùng xuống. Không biết rồi đây chúng tôi còn có thể ăn chung một mâm cơm, ngủ chung trên một chiếc giường sau khi đã cứa vào trái tim của nhau những vết cắt rướm máu bằng những lời tàn tệ, cay độc nhất hay không?
***
Câu chuyện trên được viết theo tâm sự của một người giấu tên, gửi từ bệnh viện Jonhson Medical Center vào tháng 10 năm 2010. Phần tái bút được ghi:
 
“Kết cuộc nằm ở lá thư thứ hai mà em sẽ gửi cho chị trong những ngày kế tiếp. Buồn hay vui em cũng chưa biết, nhưng chắc chắn đây là một bài học đáng giá cho vợ chồng em và cho những ai đang rơi vào hoàn cảnh bi đát như em ngày hôm nay…”
 
Bảy tháng đã trôi qua. Tôi chờ mãi, nhưng lá thư thứ hai vẫn chưa đến. Dù sao, tôi vẫn hy vọng một kết cuộc tốt đẹp, vui vẻ: cháu Vinh sẽ bình phục, anh chị Lực sẽ quên đi cái vết đen trong quá khứ để bắt đầu một cuộc sống mới. Sự bắt đầu ấy có thể rất khó khăn. Nhưng hãy nghĩ rằng, anh chị làm điều này không phải vì anh, vì chị mà vì hai đứa con yêu quý đang rất cần một mái ấm gia đình.
 
Ngân Bình

 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com