User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
hayduaemdi
 
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không bình thường.
 
Không bình thường, vì tôi có đến hai người cha. Có thể quý vị đang nghĩ, hai người cha thì đâu có gì lạ. Một người cha ruột và một người cha nuôi, hay một người cha ruột và một người cha ghẻ. Đó không phải là chuyện xảy ra nhan nhản trên trái đất này sao?
 
Vâng! tôi đồng ý với lời giải thích này. Nhưng cái lạ là trong hai người cha này, tôi không biết ai là cha ruột của mình. Thế còn mẹ tôi thì sao? dĩ nhiên bà phải biết chứ! Nhưng ngay cả mẹ cũng không biết và hai người cha của tôi lại càng chẳng biết gì.
 
Tại sao lại có chuyện vô lý này?
 
Xin quý vị chịu khó nghe tôi kể về “gia đình kỳ quái” của tôi nhé!
***
Năm 1973, trong xóm nghèo ở quận Bình Chánh có một đám cưới đã diễn ra. Cô dâu tên Lệ, hai mươi hai tuổi, vừa xong lớp Chín đã nghỉ học để ở nhà phụ giúp mẹ bán cơm tấm. Chú rể tên Tại, hai mươi bốn tuổi, quân nhân, thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Họ quen nhau trong một lần Tại nghỉ phép và cùng bạn bè kéo nhau ra quán cơm tấm bình dân ở đầu ngõ. Cô con gái của bà chủ quán không đẹp, nhưng làn da nâu cho cô cái duyên ngầm, cộng với dáng dấp cao cao, thanh mảnh trông cũng khá bắt mắt. Nhưng điều khiến Tại để ý không phải là những gì vừa kể, mà là cái dữ tợn, chanh chua của cô. Nhìn đôi môi cong cớn và cặp mắt sắc lẻm, Tại hơi ớn khi lũ bạn xì xầm:
 
- Mày cua được con nhỏ này, tao đãi mày một chầu.
 
Thấy Tại cười hề hề kiểu như muốn thoái thác, người bạn bên cạnh thúc cùi chỏ vào hông Tại:
 
- Tao thấy bộ quần áo rằn ri của mày ăn tiền đó. Con nhỏ này chắc khoái làm người yêu của lính, nên suốt ngày cứ rên rỉ “nếu em không là người yêu của lính…”. Tới luôn đi bác tài.
 
Người bạn vừa dứt lời thì cô gái đã tiến đến bàn. Khác với giọng điệu chua như chanh mà Tại vừa chứng kiến vài mươi phút trước đây, lời cô nói còn ngọt hơn đường mía lau:
 
- Anh… Tài ơi! anh có cần uống gì thêm hông, em lấy cho!
 
- Lộn rồi em! tại bảng tên không có dấu, chứ nó là Tại, không phải Tài đâu. Tài là tiền, nó không cần thứ đó mà chỉ cần tình… nên suốt ngày cứ hát ra rả “ai cho tôi tình yêu…”. Nếu được, xin em mở lòng từ bi, tặng chút tình cho đời nó bớt khổ…
 
Cả đám cười rộ lên. Con gái bà chủ quán cũng thuộc loại “cứng cựa” nên không hề đỏ mặt, không hề mắc cỡ, chỉ liếc Tại bằng con mắt có đuôi. Cái liếc mắt vừa sắc như dao, vừa long lanh sóng tình khiến con thuyền tên Tại chao đảo ngay trong lượn sóng đầu tiên.
 
Thế rồi… họ yêu nhau nhanh chóng. Hai năm yêu nhau, tình yêu chỉ trao gửi qua những lá thư tình. Nhưng với Lệ, được làm người yêu của lính là một diễm phúc tuyệt vời, dù Tại chỉ là một anh lính quèn, không cấp bậc. Nhưng có cần gì, trong hàng chục, hàng trăm bài hát dành cho lính, có thấy nhạc sĩ nào viết, anh Thiếu Úy của em ơi, hay anh Trung Úy của em à đâu, mà chỉ có “từ khi anh thôi học và từ khi anh khoác áo Treillis…”. Ý nghĩ của Lệ đơn sơ như thế đó.
 
Cưới nhau rồi Lệ vẫn là cô hàng cơm tấm, sáng sáng cùng mẹ buôn bán không ngưng tay. Tại thì vẫn miệt mài băng rừng, lội suối nơi những địa danh xa xôi hẻo lánh như Pleime, Đồng Xoài, Bình Giã…. Trong những lá thư gửi về, có một câu được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần “nếu một ngày nào đó anh bỏ thân trên chiến trường thì cuộc đời em sẽ ra sao?” đã lấy biết bao nước mắt của người vợ yêu dấu. Với tư tưởng bi quan đó, Tại cũng viết cho người bạn thân từ thuở Tiểu Học, người đã cùng anh đến quán cơm tấm của Lệ ngày trước “Mấy tháng nay đơn vị tao chạm địch liên tục, bạn bè mới ngồi ăn cơm chung, mới chuyền tay nhau điếu thuốc, ầm một cái đã ngã gục với thi thể không toàn vẹn. Chưa bao giờ tao sợ hãi như lúc này. Mỗi khi đi hành quân sao tao cứ nghe lạnh phía sau ót với linh cảm…. Khâm à! nếu tao có bề gì nhờ mày giúp đỡ, lo lắng vợ tao dùm. Tội nghiệp, Lệ còn trẻ quá…”.
 
Linh cảm đó không sai! Tại đã được báo cáo mất tích sau đó không lâu, khi địch tràn vào tấn công đồn. Mất tích nghĩa là còn hy vọng. Lệ đã bôn ba khắp nơi cùng với Khâm để dò la tin tức của chồng. Một tháng. Hai tháng. Ba tháng…
 
Rồi…
 
Không biết tình yêu Lệ dành cho Tại có thật sự là do sự rung động của trái tim hay chỉ là cô đang mơ về một huyền thoại “người yêu của lính” như cái mốt của các cô gái thời bấy giờ mà chỉ một năm sau khi chồng mất tích Lệ đã gá nghĩa với người bạn nối khố của chồng, vì cảm động trước những an ủi, chăm sóc Khâm đã dành cho cô. Hàng xóm, kẻ nguýt, người háy, bĩu môi mai mỉa, còn chưa biết chồng chết sống ra sao mà đã hát bài con sáo sang sông. Ai cười hở mười cái răng ráng chịu. Lệ giờ đây đã thôi vật vã khóc lóc mà chiều chiều, sau khi hàng quán xong xuôi, cô leo lên yên xe Honda, cánh tay dài vòng quanh bụng người tình mới, đầu tựa vai chàng, mái tóc dài thả tung theo gió, hạnh phúc đến không ngờ trong tiếng cười hăng hắc mãn nguyện.
 
Thêm một năm nữa trôi qua và chỉ một tháng sau ngày “giải phóng”, Tại hiện ra trước cửa nhà, cho Lệ tròn mắt sững sờ, cho Khâm bàng hoàng run rẩy, cho hàng xóm đưa tay ngoắc nhau thì thầm, coi chừng án mạng sẽ xảy ra, đáng đời con vợ mất nết, thằng bạn đểu giả. Cuộc tương phùng không biết nên vui hay nên buồn này tưởng sẽ long trời, lở đất khi anh chồng đã hiểu được tận cùng ý nghĩa của hai chữ thủy chung mà người vợ yêu dấu của anh ngày trước vẫn viết trên từng lá thư. Nhưng không, sau một thoáng bối rối, Tại cúi đầu, nhặt cái túi xách vừa rơi xuống đất, giọng khẽ khàng:
 
- Thôi tôi đi!
 
Khâm kéo tay bạn lại:
 
- Người đi là tao… chứ không phải mày!
 
Dùng dằng đi đi, ở ở, nhưng không có chân của người nào bước tới. Lệ ngồi đó, mắt đã hết tròn, da đã thôi tái. Cô nhìn chồng trước, rồi nhìn chồng sau, cái nhìn nào cũng quyến luyến, thiết tha. Hai người đàn ông đứng yên chờ đợi. Cuối cùng, lời phán quyết đã thoát ra từ đôi môi còn màu son đỏ chói:
 
- Không ai đi hết….
 
Một phút im lặng trôi qua. Có lẽ ba cái đầu đều đang làm việc dữ dội nên đôi mày ai cũng nhíu lại. Không biết ba người họ nghĩ gì? Chỉ thấy vài phút sau, Lệ cúi xuống, cầm túi xách lên trao qua tay Khâm, tay còn lại quàng vai Tại đi vào buồng. Hàng xóm tản ra, sau câu nói của một người đàn ông đứng tuổi:
 
- Ba ông bà Táo thời “giải phóng”!!!!
***
Tám tháng trôi qua, hàng xóm cũng chưa hết thắc mắc về cách ăn, cách ở của vợ chồng “chúng mình ba đứa” thì cái bụng cô Lệ đã nhô lên. Con của ai vậy kìa? người này hỏi người kia. Hỏi chi cho mệt, người trong cuộc còn không biết nữa là người ngoài, thôi thì chờ đứa bé ra đời xem nó giống ai, lúc đó không cần hỏi cũng có câu trả lời. Nhưng, đúng là ông trời khéo đùa, đứa bé sinh ra giống mẹ gần như một trăm phần trăm từ đôi mắt, cái mũi đến bàn chân, bàn tay, nên bài toán khó vẫn mãi mãi không giải được ẩn số.
 
Và đứa bé ấy chính là tôi.
 
Mười tuổi, tôi đã biết xấu hổ với câu hỏi của những người rỗi công, rảnh việc, thích tò mò chuyện gia đình của người khác.
 
- Tối hôm qua, mẹ mày ngủ bên giường của ba Tại hay ba Khâm?
 
Tôi gầm mặt né tránh, nhưng thằng em nhỏ hơn tôi một tuổi – thằng bé được ông Trời ưu đãi nên giống ba Khâm như đúc- cung tay sừng sộ:
 
- Đứa nào hỏi nữa tao đập phù mỏ!
 
Hàng xóm dường như lúc nào cũng trông ngóng, chờ đợi để được xem một màn kịch ghen tương khốc liệt của mối tình một bà hai ông. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh, nên lại rì rầm, to nhỏ:
 
- Hai thằng này chắc không biết ăn ớt?
 
- Lãng xẹt, mắc mớ gì đến chuyện ăn uống ở đây, mà… không thích ăn ớt thì sao?
 
- Thì sao nữa… tại vì không biết ăn ớt nên nó không biết ghen. Chứ nếu không… chắc nửa khuya có thằng bị đánh bất tử phải la làng vì cái óc tưởng tượng phong phú của thằng kia.
 
Điều đáng nói là gia đình tôi lại là gia đình yên ổn, hòa thuận nhất trong con hẻm nhốn nháo này. Có lẽ, vì hai Ba luôn nhường nhịn nhau và nhường nhịn luôn cả người vợ nóng tính hay quạu quọ nữa. Mỗi khi mẹ nổi tam bành thì hai Ba nháy mắt nhau, kẻ trước, người sau, rủ nhau ra quán nhậu, nhâm nhi vài chai bia, chờ khi “mặt trận miền Tây yên tĩnh” thì kéo nhau về. Được cái, mẹ tuy nóng nảy nhưng mau quên nên đâu lại vào đấy. Đã thế, hai Ba thường hùa nhau chọc ghẹo mẹ, chẳng mấy chốc trong nhà lại vang vang tiếng cười đùa.
 
Tôi lớn dần trong mái gia đình êm ấm hiếm có, nhưng thật sự chưa bao giờ cảm thấy mình hạnh phúc vì mặc cảm nặng nề từ lúc tuổi thơ. Vào lớp học tôi né tránh bạn bè nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe sau lưng mình có tiếng phê phán, mẹ nó có hai chồng. Trở về nhà tôi khóc sưng cả mắt, vì không thể sống bất cần dư luận như mẹ “Đứa nào nói năng lạng quạng, xáng cho nó một bạt tai để bỏ thói xỏ mỏ vào chuyện nhà người ta”.
 
Tôi là người sống nội tâm nên trong lòng cứ băn khoăn hoài một câu hỏi, sao ngày đó mẹ không gắng chờ ba Tại thêm một năm nữa? và tàn nhẫn hơn nữa…. sao ngày đó ba Tại không trở về bằng hòm gỗ cài hoa cho tôi bớt khốn khổ. Mẹ và hai Ba đâu biết tôi rất xấu hổ. Xấu hổ đến nỗi không dám ngẩng mặt nhìn ai vì cái gia cảnh quá đặc biệt của mình.
 
Năm hai mươi mốt tuổi tôi nhận được lá thư tỏ tình của Bảng, một người con trai bình thường không có gì nổi trội, nhưng tôi yêu Bảng sâu đậm, vì anh đã dám đạp lên dư luận để quyết định tiến tới hôn nhân với đứa con gái của người đàn bà hai chồng. Anh thẳng thắn nói với tôi:
 
- Mỗi người có cuộc đời riêng. Cha mẹ có đời sống của cha mẹ. Con cái có đời sống của con cái. Anh bỏ ngoài tai những gì thiên hạ nói.
 
Tôi nắm chặt tay anh như nắm chặt lấy niềm tin vừa tìm thấy. Nhưng rồi mẹ Bảng tìm đến nhà tôi. Bà nhìn tôi từ đầu đến chân, lạnh lùng nói:
 
- Cô đừng bám theo con tôi trai nữa. Tôi không thể nhận đứa con gái xuất thân từ một gia đình thiếu đạo đức làm dâu nhà tôi.
 
May mắn là mẹ không có ở nhà. Đời nào bà chịu nhịn nhục khi bị người khác phỉ báng. Tôi đau đớn đưa tay lau nước mắt nhưng vẫn đủ lòng tự trọng để trả lời:
 
- Bác về mà giữ chặt con trai của bác. Bác còn chưa biết ai bám theo ai sao vội nói những lời khó nghe.
 
Người đàn bà quay lưng đi sau cái mím môi căm giận. Tôi muốn ngã gục vì sự tan vỡ của mối tình đầu nhưng vẫn cố gắng kềm lòng để viết một lá thư tuyệt tình đầy lời lẽ cứng rắn mặc cho Bảng điên đảo tìm kiếm tôi. Từ đó, tôi tự hứa sẽ không bao giờ yêu ai nữa.
***
Hai năm sau.
 
Một buổi tối, trên đường trở về nhà tôi đã nhanh chân bắt kịp thằng bé giật cái túi xách của một thanh niên đang ngơ ngác, hoảng hốt. Nhìn vẻ sợ sệt và rụt rè cuả anh, tôi đoán anh không phải là người sống ở đây.
 
- Anh ở đâu tới hả?
 
- Dạ…. ở… cám ơn… dạ… cám ơn đã giúp… tôi…
 
Tôi phì cười vì giọng nói lơ lớ của anh:
 
- Chắc anh là Việt kiều?
- …
- Anh tên gì?
 
- … A! a!… Tony.
 
Tony đưa tay gãi đầu, vẻ mặt có chút bối rối. Cái bối rối thật dễ thương khiến tôi tình nguyện đưa anh về nơi tạm trú. Đến khách sạn, anh đã lấy lại bình tĩnh nên kéo tôi ngồi xuống bệ đá dọc bờ tường. Chỉ sau một giờ đồng hồ trò chuyện, chúng tôi trở nên thân thiết nhanh chóng. Từ đó, mỗi ngày tôi lại đến đưa Tony đi đây, đi đó. Và cũng trong những ngày này tôi được biết khá nhiều về thân thế của Tony. Năm mười tuổi, Tony cùng cha mẹ và người chị đi vượt biên. Chuyến đi đầy gian nan, sóng gió với ba lần bị hải tặc uy hiếp đã cướp mất đi cha mẹ của Tony, còn người chị thì bị lũ người man rợ đó mang đi biệt tích. Tony được đưa lên trại tỵ nạn và sau cùng được đến Mỹ, sống với gia đình người bảo trợ -chồng Mỹ, vợ Việt Nam. Mười tám tuổi, Tony ra ngoài bắt đầu cuộc sống tự lập. Khi tốt nghiệp Đại Học và có việc làm vững chắc, Tony theo người bạn trở về quê hương để tìm kiếm người thân mà hình ảnh của họ vẫn còn lờ mờ trong trí nhớ của Tony. Nhưng tất cả đều quá đổi thay và xa lạ với những gì Tony còn giữ trong ký ức.
***
Có thể nói, buổi tối tôi gặp Tony là buổi tối định mệnh. Hai chữ định mệnh mà tôi vẫn thầm oán trách là cay nghiệt, là tàn nhẫn khi đặt tôi vào một “gia đình kỳ quái” bỗng trở nên đáng yêu khi đưa tôi đến với Tony để được anh yêu thương bằng mối tình chân thật. Dù tôi đã cho Tony biết rất rõ về gia đình của tôi nhưng anh vẫn kiên quyết cùng tôi kết chặt đời nhau bằng tờ hôn thú. Tony không quan tâm đến việc mẹ tôi có hai chồng. Tony cũng không thắc mắc, có thật là tôi yêu anh hay chỉ muốn được theo anh đến một đất nước văn minh, giàu có mà hàng triệu người trên quê hương nghèo khó của tôi đang mơ ước. Và tôi, dù ngay lúc đó hình ảnh của Bảng vẫn lộng lẫy trong trái tim nhưng tôi vẫn muốn trở thành vợ của Tony với lý do duy nhất là thoát khỏi cái xã hội quá nặng nề thành kiến đối với đứa con gái có đến hai người cha mà không biết ai là cha ruột của mình!!! 
 
 
Ngân Bình
 

 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com