Khác với đa số bạn bè, trong gia đình, chúng tôi luôn đứng về phe bố, bởi vì bố rất hiền lành nên cứ bị mẹ lấn quyền. Tôi thường hay nghe các bà bạn của mẹ nói, đàn ông Việt Nam cứ quen thói chồng chúa vợ tôi. Nhưng về nhà, theo dõi mãi, tôi chỉ thấy mẹ “chúa” chứ nào phải bố. Việc gì bố cũng cười hệch hạc rồi bỏ qua. Thấy thế, mẹ lại hay lên chân bắt nạt bố. Có lần mẹ bảo bố:
- Anh dời bụi sả ở cuối vườn ra phía hông nhà giùm em. Trông nó cứ tùm lum thế nào, ngứa mắt quá.
Trời nóng như đổ lửa, bố cũng phải xách cái xẻng, hì hục bứng bụi sả to tướng để chuyển đi theo “lệnh” của mẹ. Tuần sau, trong lúc mấy bố con đang chơi Domino hào hứng thì mẹ bước vào phòng, hét toáng lên:
- Cái bụi sả đang tốt lành sao khi không anh lại dời nó đi mà không hỏi em?
- Thì em bảo dời mà!
- Hồi nào…
- ….
Bố vừa dán mắt vào con cờ, vừa cười khoái chí vì đã hạ được chị Thoa không chú ý đến khuôn mặt đằng đằng sát khí của mẹ. Thế là “soạt”…. Mẹ vói tay đẩy hết mấy con cờ xuống đất:
- Có ai nghe tôi nói không?
Mấy chị em tôi nhanh chân chạy vào phòng, chỉ còn bố ở lại đối diện với “bà chằn”. Tôi nghe bố nói:
- Thì hôm trước chính em bảo anh dời chứ ai!
- Người ta bảo anh dời bụi bạc hà chứ có bảo anh dời bụi sả đâu!
Chẳng nghe bố trả lời, chỉ nghe tiếng mẹ đay nghiến, tru tréo đến điếc tai.
- Tội bố.
Chị Bích vừa nói, vừa xô cửa phòng đi ra.
- Có con làm chứng, hôm ấy mẹ nói bụi sả chứ không phải nói bụi bạc hà!
Mẹ nạt ngang:
- Này! đừng có bênh bố mày mà ăn nói lếu láo nhé!
- Con cũng nghe nữa.
Có thêm chị Thoa lên tiếng thì mẹ xìu xuống:
- Mai mốt nói gì tao phải thâu băng không thôi bố con mày cứ bênh nhau chầm chập.
Thế là mẹ thua. Bố nheo mắt thay lời cám ơn hai cô con gái cưng dám “liều mình” cứu bố.
Lần khác, mẹ lái xe vào garage, không biết lái thế nào mà quẹt vào cửa xe của bố. Rõ ràng là mẹ lấn “lane” vậy mà mẹ la lối:
- Anh đậu xe cái kiểu gì mà chàng hảng thế này?
Bố chạy ra xem. Sau khi quan sát tình hình, bố thừa biết là “địch quân” đã phạm lỗi nhưng lại ngoan cố đổ thừa, nên bố cười cười, nói:
- Ừ thì tại bố già rồi, mắt mờ nên chẳng thấy “lane” nào ra “lane” nào hết.
Bố định bụng nói thế cho mẹ vui mà quên giận, không ngờ mẹ “quê một cục” nên phản pháo bừa bãi:
- Có muốn chê con này già thì cứ bảo đừng nói xa nói gần. Tôi biết rồi, chỉ có Kiều Linh mới trẻ mới đẹp, chứ đây đã sáu lứa rồi còn gì nữa…
Tiếp theo đó là mẹ trút cơn ghen đã âm ỉ lâu ngày. Bố nhìn chúng tôi, đưa hai tay lên trời, lắc đầu ngao ngán. Khi đụng đến cơn ghen của mẹ thì bố con tôi phải chịu thua. Nhớ có lần cô Trâm nói với mẹ:
- Em thấy con nhỏ Kiều Linh có vẻ thân mật, ngọt ngào với anh Chí lắm, chị coi chừng đó nghe.
Mẹ cười tự tin:
- Ai muốn thân, muốn ngọt với ông ấy thì cứ tự nhiên. Đây không phàn nàn gì cả.
Thấy mẹ vui vẻ, dửng dưng, mấy chị em tôi bu nhau chọc ghẹo bố mẹ. Chị Bích ra vẻ “khẩn trương”:
- Mẹ phải ăn diện nhiều vào, con thấy cô Kiều Linh mướt lắm đấy.
Mẹ hừ một tiếng chẳng nói gì. Chị Thoa thêm vào:
- Cô Trâm bảo, ngày hôm qua cô Kiều Linh mời bố đi ăn trưa, thế bố có đi không?
Bố gật gù ra chiều thích thú:
- Ai mời thì bố đi, đời nào bố lại bỏ qua một dịp may hiếm có.
Mấy đứa con gái nhao nhao lên phản đối bố. Bố cười ha hả rồi bắt sang chuyện khác. Chị em tôi, ai cũng biết là bố nói đùa, vì chúng tôi đâu lạ lùng gì tính tình của bố. Bao giờ bố cũng coi trọng gia đình và luôn làm gương tốt cho con cái noi theo. Nhưng không ngờ mẹ lại để tâm câu nói của bố. Một lần, cả nhóm người trong văn phòng đi ăn trưa, dĩ nhiên có cả cô bạn đồng nghiệp Kiều Linh của bố. Không ngờ hôm đó mẹ đi chợ, tình cờ nhìn thấy, thế là mẹ cũng vào nhà hàng, chọn ngay chiếc bàn đối diện với bàn của bố mà ngồi. Thấy mẹ, bố đứng lên mời mẹ sang ngồi cùng, mẹ chẳng thèm trả lời, chẳng thèm chào hỏi ai, cứ thẳng mặt cô Kiều Linh mà ném một cái nhìn lạnh lùng. Bố quê lắm nhưng chẳng biết làm sao. Không lẽ bỏ bạn sang ngồi với vợ. Mà bỏ vợ, ngồi với bạn cũng không xong. Thế là bố đứng dậy, mang bụng đói đi thẳng một mạch ra cửa.
Tối hôm đó, mẹ giận, bỏ cơm, khóa chặt cửa phòng, không cho bố vào khiến bố phải ngủ chèo queo ngoài sofa. Rõ ràng, không phải lỗi của bố, vậy mà bố cứ phải xin lỗi mãi mẹ mới hết giận.
Đó chỉ là những chuyện vặt vãnh, nên bố chẳng lấy đó làm phiền. Nhưng một vấn nạn lớn cho bố là sự xung khắc giữa bà nội và mẹ. Từ thuở nhỏ, chị em chúng tôi đã nghe mãi câu chuyện bà nội không đồng ý cho bố cưới mẹ nên ngày đám cưới bà không đến tham dự. Chuyện đã mấy mươi năm, chị Bích năm nay đã hai mươi bảy tuổi mà mẹ vẫn nhai đi, nhai lại hoài không thấy chán. Mỗi khi cãi vã, mẹ lại mang chuyện cũ ra để hành hạ, dằn vặt bố. Bố lúc nào cũng phải xuống nước năn nỉ, chuyện đã mấy mươi năm, mẹ đã già rồi, xin em để cho mẹ được yên. Bố càng năn nỉ mẹ càng làm dữ. Mẹ càng làm dữ thì bố lại càng phải nhịn. Nhưng lần này thì lại khác. Người ta bảo nhất quá tam, mà bố phải đợi đến những hai, ba mươi lần “tam” mới chịu “phản pháo”.
Hôm đó, nghe tin bà nội ốm, bố định gửi một ít tiền cho bà thì mẹ gắt gỏng:
- Bà đã có tiền già cần gì phải gửi.
Bố nhỏ nhẹ:
- Biết là bà có tiền, nhưng dù sao cũng chứng tỏ được chút lòng hiếu thảo của mình.
Nghe thế, mẹ chua chát:
- Tôi không cần hiếu thảo với người đối xử với tôi không ra gì.
Bố từ tốn:
- Sao em cứ để mãi trong lòng những chuyện đã qua. Chuyện nào có thể quên được thì quên đi cho nhẹ nhàng.
Mẹ cười nhạt:
- Ai chết thì chết, chứ tôi nhất định không quên.
Nghe đến đây thì bố thật sự nổi xung thiên. Bố nhất định kết tội mẹ trù cho bà nội chết. Thế là một trận đấu khẩu ác liệt xảy ra. Mấy chị em tôi rút vào phòng, mỗi đứa ngồi một góc buồn xo đến khi nghe tiếng Ku Bảy vừa khóc, vừa mếu máo gọi bố, cùng lúc với tiếng cửa đóng thật mạnh và giọng mẹ rít lên:
- Đi đi, đừng bao giờ trở về nữa.
Chị em tôi nhìn nhau rơi nước mắt. Tội bố. Bố hiền lành mà chẳng bao giờ được yên. Một bên là mẹ, một bên là vợ, chẳng ai nhường ai, nên bố phải gánh hết những lời trách hờn, đắng cay. Bố đi suốt đêm đó không trở về. Gọi cho bố thì mới hay bố bỏ cell phone ở nhà. Chị em tôi cứ trằn trọc chờ tiếng mở cửa. Mãi đến sáng hôm sau, vừa thiếp đi thì điện thoại của chị Bích vang lên. Mấy chị em bật dậy, ùa đến, kê sát tai vào điện thoại để nghe tiếng bố. Giọng bố như nghẹt mũi. Chắc bố khóc. Minh Thi nói nhỏ với tôi rồi chăm chú theo dõi nét mặt của chị Bích. Chẳng thấy chị nói gì, chỉ dạ, dạ vâng, được đấy bố, rồi tắt máy chẳng thèm biết đến mấy đứa em đang chầu chực để được nói chuyện với bố. Với vẻ nghiêm trọng chị Bích nói:
- Bố bảo kỳ này bố không nhịn nữa. Bố chiều mẹ quá nên mẹ ngày càng quá đáng. Lần này, bố nhất định đi sang bà nội ở một tháng (vì bố vừa bị layoff và đang lãnh tiền thất nghiệp). Bố chỉ trở về khi nào mẹ thật sự biết lỗi. Bố nói mẹ làm gì bố, bố cũng chịu nhưng xúc phạm đến bà nội là bố không nhịn được, nên bố phải có thái độ để mẹ đừng vượt quá giới hạn.
Chị Thoa gật gù:
- Đúng rồi mình phải giúp bố.
Thế là mấy chị em xúm lại, xì xầm bàn tính kế hoạch. Khuôn mặt đứa nào trông cũng tươi như hoa khi nghĩ đến những ngày sắp tới gia đình sẽ vui vẻ, ấm êm hơn sau “biến cố vĩ đại” này.
Buổi sáng, đứa nào cũng dọn một bộ mặt rầu rĩ khi bước ra khỏi phòng. Ku Bảy thì cứ nhìn ra cửa tỉ tê:
- Con muốn bố!
Mẹ im lìm chẳng nói. Cả ngày hôm đó, căn nhà như không còn sinh khí dù là ngày cuối tuần. Sau bữa ăn, mấy chị em rút về phòng, mẹ nằm dài trên sofa trong phòng khách xem TV. Tôi biết mẹ đã bắt đầu nao núng -vì từ xưa đến giờ, có cãi nhau thế mấy bố cũng chẳng bao giờ đi đâu- nhưng cũng bởi tự ái, nên mẹ chẳng hé môi hỏi chúng tôi câu nào. Một tuần trôi qua, bố vẫn liên lạc hằng ngày với chị Bích vào những giờ chị rời chỗ làm đi ăn trưa. Bố nói bố nhớ nhà, nhớ chị em chúng tôi, nhất là Ku Bảy. Bố muốn về, nhưng chị Bích nói, bố phải kiên nhẫn để chờ thái độ của mẹ xem sao.
Sang tuần lễ thứ hai, giữa bữa cơm, mẹ buông đũa rưng rưng nước mắt:
- Mẹ buồn lắm, chẳng có đứa nào thương mẹ.
Chị em tôi im lặng, không một ai lên tiếng. Mẹ phân bua tiếp:
- Ngày xưa mẹ bị đối xử ghẻ lạnh tàn tệ, bị đau khổ đến chừng nào tụi con làm sao biết hết…
Chị Bích ngắt lời mẹ:
- Chúng con đã xin mẹ bao nhiêu lần là hãy bỏ qua chuyện cũ, sao mẹ cứ nhắc mãi làm cho bố đau lòng. Nếu bây giờ, bố nói xấu bà ngoại mẹ có buồn, có đau không?
Tôi đang chờ câu trả lời quen thuộc của mẹ “bà Ngoại tốt lành chứ không ác độc, xấu xa như bà ấy”. Nhưng không, lần này mẹ chỉ im lặng khóc rưng rức. Một lúc sau, mẹ ngập ngừng dò hỏi:
- Có đứa nào gọi bố không?
Chị Thoa lắc đầu, mặt ra vẻ thảm não:
- Bố bỏ điện thoại ở nhà, biết bố ở đâu mà gọi. Bố cũng tệ thật, đi đâu thì cũng phải gọi về nhà cho biết tin chứ. Con có nói chị Bích gọi điện thoại cho bà nội, hỏi xem có bố ở đó không, nhưng chị bảo mẹ đã cấm nên chị không dám gọi….
Mẹ bật khóc. Tối đó, chị Bích gọi điện thoại kể cho bố nghe và dặn bố đợi thêm một tuần nữa hẳn về.
Sang tuần lễ thứ ba, bố trở về ngay lúc mẹ đang bị cảm nặng. Sự xuất hiện của bố làm mẹ mừng rỡ đến nỗi không che giấu được sự xúc động. Dù không nói, nhưng ánh mắt của mẹ khiến chị em tôi tin rằng “thảm kịch” sẽ không xảy ra nữa. Bởi bây giờ thì mẹ biết, bố tuy hiền nhưng cũng có lúc đanh thép lắm.
Bố trở về, mẹ hết bệnh, cả nhà ăn mừng bằng một bữa B.B.Q ngoài sân. Thấy mẹ cứ sai bố đủ chuyện, chị Thoa nói:
- Ku Bảy phải ăn nhiều để lớn lên có sức khỏe làm việc nhà cho vợ nhá.
Mẹ đang mắt nhắm, mắt mở trong khói nướng mịt mù cũng quay sang lên tiếng:
- Đứa nào vào nhà này là phải hầu Bảy. Quý tử của mẹ chứ có phải đồ bỏ đâu.
Tôi giả vờ thắc mắc:
- Vậy sao mẹ không hầu bố?
Mẹ chưa kịp trả lời thì bố đã nhẹ nhàng:
- Tại vì Bảy là đồ quý, bố là đồ bỏ.
Chị Thoa thở dài, nói nhỏ:
- Bà nội mà thấy cảnh này chắc đau lòng lắm.
Chị làm ra vẻ đau khổ, nhưng sau đó lại ngoắc mắt nhìn mẹ rồi nhìn Ku Bảy, nói tiếp:
- Con trai hưởng đức mẹ. Sau này trời trả báo, Ku Bảy nhất định sẽ bị vợ hành ra trò. Có chạy đàng trời cũng không khỏi nắng đâu em ạ!
Ku Bảy đang gậm đùi gà cứ ngớ mặt ra, chẳng biết có hiểu gì không, bởi tiếng Việt của “chàng” không đầy lá mít. Còn mẹ tôi thì liếc ngang liếc dọc, vì biết mấy con “nữ tặc” này chẳng bao giờ đứng về phe mẹ.
Ngân Bình