User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

levat

Đây cả mùa xuân đã đến rồi
từng nhà mở cửa đón xuân tươi
từng cô em bé so màu áo
đôi má hồng lên nhí nhảnh cười.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi
lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
một án thơ đề nét chẳng phai.
Nguyễn Bính “Thơ Xuân“

Mỗi độ xuân về... nhi đồng, thiếu niên thì nao nức đếm từng ngày đợi Tết, thanh niên nam nữ thì xao xuyến trước hương xuân như không khí trong bài “Thơ Xuân“ của Nguyễn Bính. Riêng tầng lớp trung niên, thất thập cổ lai hy thì ngồi bên cốc trà, ly rượu để bâng khuâng hồi tưởng lại những xuân xưa, thầm tiếc cho những cái Tết cổ truyền đã qua. Tết xưa có rất nhiều hội hè gọi là “Xuân Bách Hí“, xuân có trăm trò vui nồng nàn bản sắc dân tộc. Có xuân vui thật trữ tình, lãng mạn, có thú vui thật thanh tao, nho nhã. Nhưng mọi xuân vui đều mang một ý nghĩa quyện trong hồn thiêng sông núi trải dài từ Bắc chí Nam.

Với cuộc sống tất bật bộn bề hiện nay, Tết chỉ thật sự đến vào ngày 30, Mồng 1 nhưng với người xưa thì Tết bắt đầu từ đêm 23, đêm cúng đưa ba Ông Táo về trời để tâu sớ mọi việc ở hạ giới với Ngọc Hoàng. Thời ấy cách đây hơn thế kỷ, Trần Tế Xương đã nâng cốc chúc ba vua bếp trong nụ cười châm biếm, hóm hỉnh:

Ba ông Vua Bếp dạo chơi xuân
đội mũ đi hia chẳng mặc quần
Trời hỏi làm sao ăn vận thế?
Thưa rằng hạ giới nó duy tân.
[Vua Bếp Chơi Xuân – Trần Tế Xương]

Sang ngày 24 AL là lễ khép ấn. Lễ khép ấn diễn ra thật long trọng từ triều đình cho đến các làng xã, những vị vua nhà Nguyễn thời ấy thì đóng lại ngọc tỷ, từ phủ huyện cho đến hương lý thì rửa sạch con triện bỏ vào tráp, bao nhiêu việc quan, việc dân xem như khép lại, nếu lỡ gặp việc trọng đại các quan bất đắc dĩ mới hành xử, còn những việc tuế toái như đánh lộn, trộm cắp, kiện cáo nợ nần... thì tạm thời giam lại đó, đợi qua ba ngày Tết chọn giờ lành ngày tốt mới gọi lên công đường khai ấn.

Sau ngày khép ấn các quan tha hồ vui chơi, rượu chè, cờ bạc, đàn ca xướng hát bằng thành quả của một năm thu hoạch của bàn dân thiên hạ. Cùng với ngày khép ấn thì bà con nhà nhà cũng khép lại bao việc ruộng nương, đồng án tứ cao nguyên cho đến biển xanh để chuẩn bị đón Tết. Chùa chiền bắt đầu treo phướng, làng dựng nêu để dành đất với ma quỷ. [thường các gia đình chiều 30 mới dựng nêu]. Nhưng nàng xuân chỉ có quyền khai hoa nở nhụy khi có lệnh vua sau lễ ban sóc.

Xuân từ trong ấy mới ban ra
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tú Xương

Ban sóc là ngày nhà vua ban lịch có ấn tín cho tất cả thần dân biết thời điểm năm cũ chuyển sang năm mới bằng một cái lễ hết sức trọng thể ở hoàng cung. Triều đình Huế thời ấy, các quan từ huyện, phủ phải theo về tập trung hai hàng văn võ theo thứ tự phẩm trật. Ở giữa điện Thái Hòa trên bệ cao có đặt một cái ngai sơn son thếp vàng, dù có vua hay không, các quan vẫn làm lễ hết sức cung kính như thể vua đang ngự ở đó. Xong lễ nghi mới được nhận lịch, đinh ninh rằng, nàng xuân sẽ theo lệnh vua nẩy lộc khắp nơi khắp chốn.

Sau lễ ban sóc, nhân dân mới tha hồ mua pháo, nấu bánh chưng, làm đủ loại bánh mứt theo phong tục mỗi miền, nhà nhà quét dọn, dựng nêu, treo câu đối... nợ nần chạy ngược chạy xuôi, bên đòi bên trả và cũng không thiếu cảnh cãi vã chưởi bới nhau cuối năm xôn xao cả góc làng góc xóm.

Nay trước thềm xuân Kỷ Hợi [2019], mặc dầu ngày Tết chưa tới nhưng sao những cánh mai vàng trước sân đã vội nở, lòng chợt bồi hồi nhớ lại những ngày xuân xửa xuân xưa với bao hội hè đã làm nao nức hồi hộp nhiều thế hệ cha ông. Bởi vậy xin gởi hồn về quá khứ để nhớ lại một vài hội lễ vui xuân của dân tộc ở miền Bắc mỗi năm vào Tết cổ truyền.

Đánh Vật: 

Hội vật ở làng Mai Động, tổ chức hằng năm vào mồng 4 – 5 – 6 tháng Giêng AL, trong làng có đền thờ Bà Lê Chân, nữ tướng tiên phong của Hai Bà Trưng.

Thủa xa xưa, nữ tướng Lê Chân đã tổ chức những hội vật để tuyển tướng. Khi quân của Mã Viện sang xâm chiếm nước ta, Hai Bà Trưng đã sai Bà Lê Chân cầm quân chống giặc ở hồ Lãng Bạc, Bà đã dũng cảm ngăn bước quân thù nhưng không chống nổi tài thao lược của Mã Viện với hai phó tướng là Phù Lạc Hầu Lưu Long và Đốc Lâu Đoàn Chí. Cuối cùng Bà Lê Chân phải rút quân về Mai Động và tuẫn tiết ở đó. Dân làng Mai Động lập đền thờ Bà và tôn làm Thượng Đẳng Phúc Thần Công Chúa. Hằng năm sau Tết Nguyên Đán, dân làng mở hội “Chọi Vật“ để tưởng nhớ những cuộc thi tuyển võ tướng của Bà Lê Chân.

Vật là một môn võ kết hợp cả sức, miếng, thế rất được giới bình dân khâm phục. Thời bình đó là môn giải trí kích thích lòng người, còn thời chiến là môn võ để tự vệ và chiến đấu rất hữu hiệu. Ở những miền quê đất Bắc, thanh niên trai tráng ai cũng có vài miếng võ vật. Ngày xưa có rất nhiều tay đô vật nổi tiếng như ở làng Chung Màu, làng Yên Xã tỉnh Bắc Ninh, làng Vị Thanh, làng Hội Hạ ở Vĩnh Yên, làng Mộ Trạch ở Hưng Yên, làng Mai Động...

Đánh vật tất nhiên là dùng sức nhưng muốn thắng địch phải giỏi thế và dùng miếng mới quật ngã được đối thủ gọi là “vật ngã trắng bụng“ hoặc nhấc bổng đối thủ lên mới gọi là thắng cuộc. Hội vật thường tổ chức trước đình làng, già trẻ lớn bé ai cũng nô nức cổ vũ. Giải vật gồm ba giải chính: Nhất, nhì, ba và nhiều giải hàng, giải hàng là giải khuyến khích, kích động tinh thần thượng võ, thường cho đấu trước khi diễn ra cuộc đấu chính. Ba giải chính đấu vào ngày chính hội, thường người chiến thắng năm trước giữ giải đợi đối thủ phá giải, nếu trong ba ngày không có ai thách đấu, theo luật, người giữ giải là người thắng cuộc tiếp tục giữ giải cho đến năm sau.

Thể thức vật là, hai bên đều trần truồng chỉ đóng một cái khố che bộ hạ. Khố của các đô vật có màu xanh, vàng, hồng điều bằng lụa, bằng nhiễu. Đó là những vuông nhiễu, lụa họ đã đoạt được trong những lần thắng giải trước đây. Khi vào cuộc đấu, hai đô vật phải bái vọng Thần Hoàng của đình làng rồi mới diệu võ giương oai, xông vào ôm níu nhau dùng những miếng đòn quét ngáng cho đối thủ ngã xuống, hoặc dùng đầu húc vào bụng, nhấc bổng đối thủ lên. Có những đô vật thất thế phải vội nằm sấp xuống đất bò nhoài như con chạch mặc cho đối thủ tìm đủ mọi cách quật ngửa họ lên, rồi lựa lúc địch thủ hớ hênh họ bật dậy tiếp tục cuộc đấu. Lúc hai đô vật quần thảo, bà con ở ngoài chia làm hai phe, bên nầy bên kia la hét vang trời, còn các cụ đánh trống như thúc quân ra trận. Trên đài thường có một tuần đinh cầm cái trống quân chạy quanh hai đô vật đánh “bùng! bùng!“ bên tai họ để “thúc thúc! giục giục!“, tiếng trống càng dập dồn khi hai đô vật ra đòn ra thế quyết dành lấy giải vàng.

Ngày hội vật chính thực hào hứng làm xôn xao hồn xuân những ngày đầu năm mới. Các giải chính có tỷ lệ:

Giải nhất trong 6 ngoài 5
Giải nhì trong 5 ngoài 4
Giải ba trong 4 ngoài 3

Theo luật chơi thì người giữ giải phải thắng luôn 6 đối thủ, còn người phá giải chỉ cần 5 thắng là đoạt được giải và các giải nhì ba cũng theo tỷ lệ như vậy. Lệ thường giải ba vật trước rồi đến giải nhì. Mỗi lần có đô vật thắng, làng đánh trống thật rộn ràng rồi đốt chúc mừng người chiến thắng một phong pháo.

Đến giải chính mới thật sự sôi nổi hào hứng. Khi hai đô vật đã loại hết đối thủ, họ ra đòn, lừa nhau từng động tác khiến người xem hồi hộp, thú vị tưởng chừng như chính mình đang tham dự cuộc đấu trong những ngày đầu xuân vậy.

Đánh Trung Bình Tiên:

Trung bình tiên là một cây thảo dài hơn hai sải tay, khi vào thế phải xuống trung bình tấn, thời trước ở miền Bắc, thanh niên trai tráng rất mê luyện tập, tương truyền môn võ nầy có từ thời Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh, Ngài đã dùng thảo roi để luyện tập ba quân tướng sĩ và để nhớ lại thời cờ lau tập trận trong thủa còn chăn trâu.

Đánh trung bình tiên còn gọi là đánh thảo, đánh roi. Ở huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình có thảo đường Ô Mê, tại phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, thanh niên rất mê say môn võ trung bình tiên. Thường các làng xã tổ chức lễ hội vào Mồng 6 tết. Đó là ngày hội kích thích tinh thần thượng võ, quy tụ nam phụ lão ấu khắp nơi về dự hội trong những ngày đầu năm mới.

Đánh trung bình tiên là hai võ sĩ thượng đài thi đấu, vũ khí là một cây gậy dài được bịt bằng vải để tránh nguy hiểm, đầu gậy được nhúng vào nước vôi để khi đánh trúng đối phương còn để lại dấu trên mình và lấy đó mà tính điểm. Ai đánh trúng đối thủ vào chỗ hiểm nhiều nơi trên thân thể thì ban giám khảo lấy đó mà tính điểm để quyết định người thắng cuộc, Thường trận đấu có nhiều hiệp được phân ra theo động tác của hai đối thủ. Trung bình tiên là môn võ hữu dụng trong thời chiến, một mình có thể chống cự được nhiều kẻ địch. Ông cha ta đã biến hóa thành thú vui lễ hội đầu xuân để giữ gìn khơi dậy bản lĩnh tự cường của dân tộc trước hiểm họa giặc phương Bắc luôn luôn dòm ngó. Thời bình thanh niên rất ưa thích luyện tập để tham dự những ngày hội và để bảo vệ nhà cửa phòng khi có trộm cướp.

Với cây trung bình tiên bằng tre đặc, một người có thể tả xung hữu đột với bọn cướp hoặc đám côn đồ quậy phá, thời bình là môn võ đem thú vui trong lễ hội nhưng thời loạn trung bình tiên là môn võ hữu hiệu để chiến đấu với kẻ thù.

Đánh Phết:

Đánh phết cũng như môn thể thao khúc côn cầu ngày nay, khác biệt là quả phết bằng gỗ to như bong bóng trâu thổi phồng, nặng như quả tạ. Người chơi phải thật khỏe mạnh mới đánh nổi, tương truyền đánh phết là môn thể thao ưa thích của Hai Bà Trưng, vừa để giải trí, vừa để cho ba quân luyện tập cơ thể để chiến đấu.

Gậy đánh phết là một gốc tre đào nguyên cả cây chặt dài khoảng 1m, vạt bỏ rễ lấy gốc cong cong, vì vậy người chơi phết phải khí lực mới vung được gậy phang vào phết. Chơi phết chia làm hai đội, phải chọn khu đất rộng, mỗi bên đào một cái hố tròn. Khi hai đội vào cuộc đấu phải lừa phết bằng gậy như cầu thủ lừa bóng, làm sao đánh phết rớt xuống hố mới được tính điểm, nhưng phải coi chừng khi tinh thần tranh thắng dâng cao thì những chiếc gậy tre kia sẽ trở thành quả chùy nguy hiểm, đối thủ nào không kịp né tránh những đối thủ phang trật vào phết thì chỉ có đường cấp cứu phải rời sân.

Thủa xa xưa khi nữ binh chơi phết Hai Bà Trưng thường ngự lãm treo giải thưởng để cổ động tinh thần tướng sĩ. Khi Hai Bà thua Mã Viện nhảy xuống sông Hát Giang tuẫn tiết, tướng sĩ của Hai Bà có nhiều người chết theo để giữ lòng trung. Tướng Cao Nguyên sau khi trầm mình xác trôi về phủ Vĩnh Tường ở Phong Châu, dân làng Thượng Lập vớt lên mai táng lập đền thờ. Những làng có thờ các danh tướng thời Hai Bà Trưng hằng năm đều tổ chức hội đánh phết để tưởng nhớ thời oanh liệt của đoàn nữ binh.

Ngày xưa chơi phết đều là đàn bà con gái nhưng về sau các làng Bình Đại, Thượng Lập... các cụ cho thanh niên trai tráng giả làm gái để chơi phết trong những lễ hội mùa xuân. Chơi phết là môn khí lực tràn trề sức sống, đúng như câu nói “vui ra phết“. Những lễ hội đầu năm ở miền Bắc ngày ấy đầy tinh thần thượng võ, tôi luyện dũng khí của dân tộc, hẳn đó cũng là một trong những tầm nhìn xa trông rộng của tiền nhân trước hiểm họa giặc Tàu luôn luôn mưu đồ xâm chiếm.

Vương Kiều

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com