Bài 1: Thân Phận Lạc Loài
Những ai, trong chúng ta, ở độ tuổi 60 trở về trước, hẳn còn nhớ bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ( QVGKT); Có thể đã từng đọc qua hoặc đã nghe đâu đó kể, hoặc đọc qua một vài đoạn, vài bài trong đó. Ðã nửa thế kỷ qua đủ để chúng ta quên nó. Và đủ để chúng ta nhớ nó; nhưng dù thế nào nay đọc lại cũng gây cho chúng ta ít nhiều hoài niệm về thời thơ ấu. Thời mà ngày hai buổi cấp sách đến trường, thời ăn chưa no, lo chưa tới của tuổi học trò.
Trong buổi sơ khai của chữ quốc ngữ (không phải chữ Hán, chữ Tây), bộ QVGKT là bộ sách giáo khoa, do nhà nước Pháp, mà trực tiếp là Nha Học Chánh Ðông Pháp, giao cho quí ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc và Ðỗ Thận cùng biên soạn. Bộ QVGKT gồm có 3 quyển:
- Quyển dành cho lớp Ðồng Ấu (Cours Enfantin) là quyển dạy về luân lý (Morale) qua các bài tập đọc và tập viết.
- Quyển dành cho lớp Dự Bị (Cours Préparatoire)
- Và quyển dành cho lớp Sơ Ðẳng (Cours Elementaire).
Hai quyển Dự Bị và Sơ Ðẳng gồm các bài tập đọc (lecture), chứa đựng nội dung bao gồm: Sử Ký, Ðịa Dư, Cách Trí, Vạn Vật, Vệ Sinh, Ðạo Ðức, Gia Ðình...
Chưa có dịp tìm một cách chính xác xem coi bộ QVGKT xuất bản đầu tiên năm nào, nhưng theo bản mà chúng tôi đọc, xuất bản năm 1939 thì đã in lần thứ mười ba. Như vậy án chừng sách xuất bản đầu tiên vào những năm đầu thế kỷ 20.
QVGKT là bộ sách giáo khoa đầu tiên của Việt Nam, dành cho học trò cấp Sơ Ðẳng (Cấp I, Tiểu Học ngày nay) từ Bắc vào Nam. Tuy là sách do thực dân Pháp chủ trương nhưng thực tình mà nói nó có giá trị giáo dục, Sư Phạm rất cao, mà tới nay chưa có bộ giáo khoa Việt Nam nào bì kịp; dù trong đó có dấu ấn chính trị thực dân! Mỗi bài trong sách đều có hình vẽ, theo lối tranh khắc trên gỗ, nét vẽ chân phương phản ảnh nội dung chứa đựng trong bài gây ấn tượng mạnh đối với đọc giả tí hon và người lớn nữa.
Các tác giả viết rất dễ hiểu, đơn giản câu văn ngắn, dùng chữ gợi hình, gần gũi với tuổi thơ Việt Nam.
Cuối bài, tác giả tóm lại ý nghĩa bằng một câu "toát yếu", mang tánh giáo dục về đạo đức, luân lý, như là mặc nhiên, không cần giải thích.
Thí dụ: - Anh em như thể tay chân...
hay:
- Cờ bạc là bác thằng bần...
- Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh...
- Học trò phải biết ơn thầy...
- Ði một ngày đàng, học một sàng khôn...
Toàn bộ nội dung bộ sách QVGKT phản phất toàn cảnh đất nước thanh bình, ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa (?).
Qua đó giáo dục tuổi thơ yêu quê hương, xóm làng, bè bạn, ông bà, thầy giáo... rất nên thơ, lãng mạn, đậm đà bản sắc, dễ nhớ, khó quên.
Chúng ta quen dùng một số câu, vài đoạn, một đầu bài trong sách QVGKT một cách tự nhiên, nhập tâm mà không biết của QVGKT. Mời quý bạn đọc lại mấy câu:
- Con ơi, muốn nên thân người.
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha... (Lời khuyên con)
- Thương người như thể thương thân (Tựa bài tập đọc)
- Tháng Giêng là tháng ăn chơi... (Bài công việc nhà nông quanh năm)
- Ðêm qua ra đứng bờ ao.
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ... (Vì nhớ mà buồn)
Ở xa xứ, tuổi già bóng xế... đọc lại vài câu, vài bài, nhìn lại hình ảnh vẽ trong QVGKT... ôi thấm thía làm sao! Có một người bạn cùng trường Ðại Học Sư Phạm Saigon năm xưa, điện thoại khoe với tôi rằng anh vừa nhận được bỘ QVGKT do đồng nghiệp từ Canada gởi tặng. Anh kể cho tôi nghe xúc cảm của anh khi đọc lại bộ sách mà anh đã học 50 năm trước.
Anh chia sẻ kỷ niệm và cảm xúc ấy với tôi, tôi rất đổi nghẹn ngào, nhắc lại bộ QVGKT, dù lúc đó tôi chưa có sách QVGKT trên tay. Tôi ra các nhà sách khu Little Saigon, tìm mua cho được bộ QVGKT. Ai đó đã cho in lại, có lẽ in lậu bộ QVGKT do nhà xuất bản Trẻ ở Saigon tái bản năm 1996. Hình ảnh nhòe nhoẹt, bố cục, mục lục lộn xộn
Quí ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc và Ðỗ Thận đồng tác giả, nay đã ra người thiên cổ. Nha học Chánh Ðông Pháp cơ quan (chủ trương) xuất bản đã thuộc về quá khứ mà không ai muốn nhắc tới; nhưng chúng ta, là một độc giả, là người học trò cũ của QVGKT lạc loài xa xứ, xa quê, thấy cảnh in lâu sách QVGKT thì làm gì có "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư" như chuyện nhà văn Sơn Nam kể trong tập truyện "Hương Rừng Cà Mau" của ông!!!
Bài 2: Bài Học Ðúng Giờ
Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng,
Hỏi rằng: "Sao đã vội vàng,
Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi"?
Sau nửa thế kỷ mà tôi vẫn còn xúc động khi đọc lại bài tập đọc lớp Sơ Ðẳng mà học trò thuở ấy ai cũng thuộc. Bài đọc thể song thất lục bát: "Ði Học Phải Đúng Giờ" mở đầu cho giáo trình lớp Sơ Ðẳng.
Không phải tự nhiên mà tác giả đưa bài "Ði Học Phải Đúng Giờ" lên đầu cuốn sách. Ý nghĩa bài tập đọc dạy cho học sinh phải đúng giờ, đã in sâu vào thế hệ trẻ Việt Nam thuở xưa, thành thói quen, như một thứ kỷ luật, để sau này thành những công dân biết tôn trọng giờ giấc trong các sinh hoạt. Thật vậy, hồi xưa xứ mình làm gì có đồng hồ, người ta đo thời gian: ngày thì nhìn mặt trời, đêm nghe tiếng gà gáy, chim kêu. Nông nhân nhìn nước sông lớn, ròng để biết thời gian, hoặc đo thời gian bằng bao nhiêu hơi thuốc hút, hoặc một nửa bả trầu! Các nơi công quyền thì tính thời gian theo canh giờ (3 giờ đồng hồ) và được báo bằng tiếng trống; nên sát suất chênh lệch hai hoặc ba giờ đồng hồ là thường. Ta nghe câu nói:
"Quan cần dân trễ "
Xưa nay là như vậy đó!!!
Học trò ngày xưa ít khi có đi học trễ. Học trò đi trễ không dám vô trường, cha mẹ anh chị phải dắt vô lớp. Thuở ấy đi học trễ dù có lý do chính đáng đều rất xấu hổ, mắc cỡ với bạn bè. Trường tôi có 3 lớp và 3 phòng học. Cái trống treo ở lớp Sơ Ðẳng, ở cuối phòng học. Thầy giáo phân cho trò lớn nhất lớp, thường là trưởng lớp, thủ đánh trống.
Học trò thuở đó ở xa trường, tận trong vườn, trong ruộng... vì hai ba làng mới có một trường học Sơ Học (Cấp I). Chúng tôi lúc đó đến trường rất sớm có khi cả hai tiếng đồng hồ và chơi đùa quanh trường học, ở nhà lồng chợ gần bên trường. Nghe ba hồi trống là chuẩn bị tề tựu về trường; rồi nghe một hồi trống sau đó (độ 15 phút) là chạy về lớp sắp hàng, rồi nghe 3 tiếng trống (độ 5 phút) là vào lớp theo sự hướng dẫn của thầy cô.
Cái trống báo giờ ngày xưa mà tôi được biết là nhờ được đi học và thói quen đúng giờ cũng do đó mà có.
Sau này ra tỉnh học Cours Moyen rồi lên lớp nhứt, tôi vẫn còn nhờ tiếng trống mà biết thời gian vào lớp đúng giờ. Trường tỉnh có cổng ra vào, mở đóng đúng giờ, và tôi chưa một lần bị nhốt ngoài cổng vì đi trễ. Lúc này ở nhà tôi có mua được cái đồng hồ hiệu con gà trống của Tây, số có màu xanh dạ quang, ban đêm nhìn rất đẹp; và má tôi trịnh trọng để ở bàn thờ giữa trước lư hương, có nhiều người hàng xóm đến coi giờ.
Rồi cái đồng hồ tay hiệu Cita (?) đầu tiên tôi có được khi vào lớp Đệ Thất (lớp sáu ngày nay) luôn bên tay nhắc tôi phải đúng giờ.
Xuân và Thu là hai chú học trò lớp Sơ Ðẳng đối đáp trong bài tập đọc "Ði Học Phải Đúng Giờ", 50 năm xưa vẫn gây cho tôi nhiều ấn tượng khó quên. Kỷ niệm học trò nên thơ cũng như kỷ niệm về cái trống báo giờ đến trường, là bài học đúng giờ mà QVGK đã dạy tôi từ lúc bé.
Ngày nay, chúng ta có rất nhiều dụng cụ đo giờ, báo giờ. Ðồng hồ tay, đồng hồ trên xe, đồng hồ trong điện thoại, trên radio, trên T.V, trên tủ lạnh, trên microwave... Nó ở nơi làm nơi ngủ, nơi làm vệ sinh... chỗ nào cũng có đồng hồ.
Thế mà chúng ta cố tình không thấy, không nghe, không care, không mắc cỡ... đủ "Bốn Không" để đi trễ!
Ði đám cưới trễ, đi hợp trễ, đi xem hát trễ,..v..v..
Dù nhớ, dù quên QVGKT, nhưng chắc chúng ta còn nhớ 4 câu thơ song thất lục bát:
Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng,
Hỏi rằng: "Sao đã vội vàng,
Trống chưa nghe đánh, đến tràng làm chi?"
nhắc nhở chúng ta bài học: Phải đúng giờ.
Bài 3: Chỗ Quê Hương Đẹp Hơn Cả
Ngày xưa người mình sanh ra ở đâu chỉ biết ở đó. Có người cả đời chưa biết tỉnh thành, phố chợ là gì! Ở xứ Nam Kỳ từ khi Tây vào thì hai hoặc ba làng mới có một cái chợ. Hồi còn nhỏ, được mẹ dẫn đi chợ là mừng húm; vì đi chợ là cái gì "ghê lắm". Hồi đó chưa có khái niệm "văn minh", "thành thị". Người dân ở ruộng rẫy, nông dân nói chung được Tây gọi là "nhà quê" có nghĩa là quê mùa, dốt nát, nghèo khổ... trong đó có ý khi thị! (le nhà quê)
Ở quê tôi, mỗi sáng sớm người ta hay gởi đi chợ, nghĩa là thấy người xóm giềng đi chợ thì nhờ mua đồ giùm mình. Có người lãnh đi chợ mua đồ giùm hai, ba người là thường. Ði chợ, ngoài mua đồ nấu ăn, mẹ tôi thường mua bánh về cho chị em tôi. Bánh là chỉ chung quà ở chợ, như xôi, củ mì, củ lang, bánh bèo, bánh bò... và ít khi mua bánh ở tiệm Tàu như cốm, kẹo, bánh in... vì rất mắc tiền.
Con nít nhà quê không có gì hạnh phúc cho bằng trông mẹ đi chợ về. Mẹ vừa về tới cổng thì con nít la ó lên: "má về, má về..."
Ngày nay trong dân gian có câu nói "trông như trông má đi chợ về", là như vậy đó.
Tuổi trẻ lớn lên, thế hệ chúng tôi chỉ sống với ruộng rẫy, sông rạch, ao làng, đình, chùa, cầu tre, cầu khỉ... và do vậy cảnh nhà quê để lại cho thế hệ chúng tôi nhiều ấn tượng sâu đậm, khó quên.
Cái đó tôi cho là Chỗ Quê Hương. Bạn sống ở vườn quanh năm cây xanh mát, cam quít trĩu nặng trên cành. Khi lớn lên, lưu lạc đó đây, bôn ba vì cuộc sống, nhưng không làm sao bạn quên được Chỗ Quê Hương ấy của bạn.
Có bạn sống ở đồng (1), lớn lên gần gũi với vườn cà, liếp rau, liếp cải hay nọc trầu...; có bạn quanh năm sống trên ghe, trên tam bản, xuôi ngược sông hồ; còn tôi lớn lên ở ruộng rẫy (2); sông nước 6 tháng ngọt, 6 tháng nước mặn, quen bắt còng, bắt cua, chăn vịt... Mỗi người chúng ta có một Chỗ Quê Hương trong lòng. Ðúng như bài hát "quê hương mỗi người có một" là như vậy.
Nhớ lại năm xưa, lên tỉnh học, cuối tuần mới được về nhà; đạp xe trên đường làng, qua hai ba khúc quẹo, nhìn xa xa, xóm nhà mình hiện ra... lòng rộn lên nỗi vui mừng khó tả!!!
Tình cảm ấy ngày càng sâu đậm hơn mãi khi sau này tôi lên Saigòn học hành và làm việc.
Càng đi xa, càng bôn ba đây đó, càng đi thăm viếng đó đây, thì càng thấy yêu thương Chỗ Quê Hương mình hơn.
Nay đọc lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT), mới thấy thương cho các tác giả và thông cảm nỗi lòng yêu quê hương của quý ông. Bài tả câu chuyện Người Đi Du Lịch Về Nhà; xin trích ra đây:
"Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giếng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: Ông đi du sơn du thủy, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp.Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?"
Người du lịch đáp lại rằng: "Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở lại chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất củ kỷ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được." - (Hết trích)-
Tác giả chọn tựa cho bài trên là "Chỗ quê hương đẹp hơn cả". Tựa của bài tập đọc nói về "Người Đi Du Lịch Về Nhà" thật đơn giản nhưng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đọc ai cũng hiểu và đúng với tình cảm của mọi người chúng ta.
Trên năm mươi năm, đọc lại QVGKT trong tâm cảnh làm người ly hương, thì thật vô cùng cảm động, và thấm thía biết chừng nào với câu "Chỗ quê hương đẹp hơn cả."
Chỗ quê hương trong mỗi chúng ta rất nhỏ bé, đơn sơ, không cần ai tô vẽ, bảo ta thương, bảo ta nhớ... nhưng sao nó mãi mãi chiếm trong tim ta một chỗ to lớn và mãi mãi bắt ta phải nhớ, phải thương.
Phải chăng chính Chỗ Quê Hương ấy nó nuôi lớn chúng ta, giúp chúng ta sống mãi mãi như là người Việt Nam?
Nên dầu ở đâu, tôi vẫn thấy quê hương Việt Nam của tôi là đẹp hơn cả...
Ghi chú:
(1) Ðồng: là vùng đất khô, nước sông không lên tới, làm ruộng nhờ mùa nước mua, trồng rau, cải vào mùa nắng tưới bằng nước ao, nước giếng.
(2) Ruộng rẫy: ruộng vùng nước mặn, mùa mưa tưới ngặp, đẩy nước mặn ra biển như vùng Gò Công Ðông Tiền Giang và một phần ở Bến Tre.
Bài 4: Phải Giữ Tấm Lòng Cho Trong Sạch
Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) lớp Dự Bị bài số 39 là bài học thuộc lòng Bài ca dao: "Con Cò Mà Đi Ăn Đêm". Xin trích:
"Con cò mà đi ăn đêm
Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong
Ðừng xáo nước đục đau lòng cò con". (hết trích)
Bài học thuộc lòng, mà "thuở còn thơ", hai buổi đến trường... tuổi trẻ của học trò chúng tôi thường ê a, vì đây là bài ca dao, thể lục bát, dễ thuộc, dễ nhớ. Năm mươi năm, nay đọc bài xem như mới ngày nào, đầu còn hớt tóc móng ngựa (1), mang cái cặp đệm (2) tung tăng đến trường làng, xa trên 5 cây số. Tuổi của chúng tôi mà có được "ba chữ" bỏ trong bụng, đọc được truyện Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Chém Chằng, hoặc viết được tờ đơn xin phép làng cho đám giỗ (3) là quý hơn vàng. Thuở nhỏ thích lật sách để coi hình, nhiều khi thích hơn là đọc nữa.
Trong bộ QVGHKT, mỗi bài đều có một cái hình minh họa cho nội dung bài học. Hình trong QVGKT vẽ đơn giản, chơn phương, in theo kiểu tranh khắc trên gỗ. (Nay thì kỹ thuật in đã qua thời kỳ Typo, chữ đúc bằng chì, hình làm bằng cliché đến thời in kỹ thuật offset hiện đại bốn màu).
Họa sĩ vẽ hình con cò đậu trên cành tre, cành mềm như sắp gãy, vẻ ủ rũ như sắp rớt xuống ao, mặt nước ao êm đềm cảnh đêm tối vào mùa thu thảm não...
Hình ảnh và sáu câu thơ lục bát nhìn và đọc lại mới thấy thương cho thân phận con cò. Con cò trong mắt của người mình, theo dân dã, hay theo thi nhân... là hình ảnh người mẹ Việt Nam. Thân cò lặn lội là hiện thân người mẹ quê tần tảo một nắng hai sương vất vả đêm ngày để nuôi con....
Hình ảnh người mẹ Việt Nam càng tuyệt diệu biết bao khi chúng ta đang sống ở Hải Ngoại, tại đây ta biết được thế nào là người mẹ Hoa Kỳ, người mẹ Mễ Tây Cơ hay người mẹ Tây mẹ Ðức ở bên trời Âu.
Quả thật bà mẹ Việt Nam của chúng ta tuyệt vời và nói như thế không có gì là cường điệu cả.
Ta hãy đọc lời của tác giả trong QVGKT phần Ðại ý sau đây -- Xin trích:
"Bài này mượn chuyện con cò mà ngụ ý luân lý rất cao. Con cò xa xuống nước, người ta bắt được sắp đem làm thịt, mà nó vẫn xin nấu bằng nước trong, để cho chết cũng được trong sạch. Cũng như người ta nghèo khó đi làm ăn lỡ sa cơ thất thế, bị phải tai nạn, nhưng bao giờ cũng giữ lấy tấm lòng trong sạch, không làm gì ô uế". Hết trích.
Con cò, người mẹ luôn luôn sống vì đàn con và chết cũng vì đàn con:
"Có xáo thì xáo nước trong,
Ðừng xáo nước đục đau lòng cò con."
Bài luân lý, ẩn du qua hình ảnh con cò, QVGKT dạy cho học trò bài học có giá trị muôn đời. Ở chúng ta, mỗi người một hoàn cảnh, một vị trí trong xã hội, mỗi người ai cũng có hình ảnh người mẹ mà mình trân quý: Mẹ của Thầy Tử Lộ, mẹ của vua Tự Ðức, bà mẹ quê trong tác phẩm của Phạm Duy, bà mẹ của Y Vân trong bài Lòng Mẹ, dù mẹ của bạn hay mẹ của tôi tất cả như nhau nào có phân biệt mẹ của vua, mẹ của quan, mẹ giàu mẹ nghèo...
Thuở nhỏ, cuối tháng, cuối tam cá nguyệt hay cuối năm tôi đem sổ học bạ hay sổ điểm, sổ danh dự về cho mẹ tôi ký, mẹ tôi ký quằn quèo có lúc ký chữ thập... Mẹ tôi là như thế nhưng thương con vô bến bờ lo cho con đến khi chết. Nhớ lại, sau này tôi đã thành danh, đi xe hơi có người lái, nhà ở có người hầu nhưng tôi vẫn thích được mẹ tôi nấu cho tôi ăn, thích ngủ với mẹ mỗi khi về quê!!!
Người mẹ Việt Nam chúng ta ai ai và lúc nào cũng muốn "giữ tấm lòng trong sạch" và đó là bài học sống mà tôi ấp ủ, mang theo trên bước đường lưu lạc.
Nay thì mẹ đã qua đời, ở tuổi 92, tuổi thượng thọ. Ngày lễ tang mẹ trên bàn thờ tôi chưng cặp đèn cầy nhỏ để mừng cho mẹ đã thượng thọ. Tôi nói lời "mừng vĩnh biệt" trước lúc di quan, trước hằng trăm thân quyến bạn bè và gia đình mà nước mắt ràn rụa, nghẹn ngào...
Ðọc lại bài con cò mà đi ăn đêm với ý nghĩ luân lý, lời dạy của mẹ phải giữ lấy tấm lòng cho trong sạch như tưởng nhớ đến mẹ tôi và mẹ của những người không may không còn mẹ.
Nhân mùa Vu Lan đọc lại QVGKT, hình ảnh con cò gợi tôi nhớ mẹ biết dường nào.
Mừng cho ai còn mẹ
Và xin chia sẻ nỗi đau những ai mất mẹ.
Hãy vì mẹ mà mỗi người chúng ta phải giữ tấm lòng cho trong sạch.
Mùa Vu Lan nơi xứ người
Ghi chú:
(1) Hớt tóc ngắn, gần như cạo trọc phía trước cao hơn phía sau giống như hình cái móng ngựa.
(2) Cặp học trò xưa dùng đựng sách vở để ôm đi học, giống như cặp da ngày nay nhưng làm bằng cỏ đệm chỉ có ở miền Nam, loại đệm dùng để đan nớp.
(3) Thời xưa ở trong làng muốn làm đám giỗ phải làm đơn xin phép.
(Còn tiếp)
Nam Sơn Trần Văn Chi