Tiếng Việt Nam mình, theo các từ điển và rất nhiều người, thì 2 tiếng Luân Lý và Đạo Đức có cùng một nghĩa và có thể dùng thay thế cho nhau. Nhưng về phương diện triết học và ngay cả chính vấn đề luân lý-đạo đức và văn hóa, hai tiếng này vẫn có một cái gì không giống nhau, dù cho đó chỉ là những quan niệm.
Nói rõ ràng hơn, Luân lý-Đạo đức liên hệ đến Đúng và Sai
Đạo Đức là những nguyên tắc hướng dẫn con người hành động, nhưng đó lại chỉ là một quan niệm về một tư tưởng hay ý kiến qui về điều thiện và điều ác. Luân Lý liên hệ đến những luật lệ đặc biệt về hành động hay cung cách ứng xử. Nó là một bộ luật được đưa ra buộc mọi người phải tuân thủ và thi hành. Trên nguyên tắc thì hai quan niệm về luân lý và đạo đức này giống nhau, nhưng thực ra lại có một khác biệt khá tế nhị…
Thế nào là Đạo Đức?
Tư tưởng về đạo đức của một người thường đến từ môi trường xung quanh, và đôi khi bị ảnh hưởng bởi niềm tin tôn giáo. Do đó giá trị đạo đức đúng hay sai là tùy con người đó với môi trường sống và niềm tin của họ…
Những khung cảnh này là căn nguyên đưa tới những tư tưởng tạo thành hệ thống luân lý, từ đó mới có những nguyên tắc đạo đức khúc mắc làm căn bản cho luân lý.
Người có đạo đức là người muốn làm điều đúng, và động lực thúc đẩy luân lý thường thường là ý tốt.
Thế nào là Luân Lý?
Luân lý khác với Đạo Đức thường trong phạm vi thực hành nhiều hơn. Một luật luân lý không buộc phải là đạo đức. Nó chỉ là những quy tắc phải tuân theo. Nhiều hiệp hội chuyên môn như Luật sư đoàn, Y sĩ đoàn…họ có những luật luân lý về những phạm vi khác nhau. Luật luân lý của họ chẳng có liên hệ gì đến môi trường hay niềm tin tôn giáo. Luật của họ được một nhóm người thảo ra để cho các thành viên khỏi bị lôi thôi đến pháp luật hoặc có được điểm tốt, tiếng tốt về nghề nghiệp.
Luân Lý không phải luôn luôn là Đạo Đức, và ngược lại…
Nhưng điều quan trọng là Luân Lý không phải luôn luôn là Đạo Đức, và ngược lại Đạo Đức không phải luôn luôn là Luân Lý. Lấy thí dụ Omerta là luật yên lặng của đảng Mafia cấm đảng viên không được nói lộ ra tội ác của đảng cho chính quyền. Đây là luật bảo vệ tội ác. Nó là luật “luân lý” của một tổ chức, dĩ nhiên là không đúng theo nghĩa luân lý cơ bản thông thường.
Một hành động đạo đức có thể đôi khi là vô luân lý. Một luật sư -theo lương tâm- ông ta biết là sát nhân thì có tội và kẻ giết người thì phải bị xử phạt. Nhưng, với tư cách là luật sư, bổn phận luân lý buộc ông phải bênh vực thân chủ của ông với hết khả năng cho dù ông biết thân chủ mình có tội.
Một thí dụ khác về phương diện y khoa. Một bác sĩ, theo luân lý nghề nghiệp, không thể giết bệnh nhân bằng cách cho chết cách êm thấm không đau đớn (euthaniasia) cho dù bệnh nhân đòi hỏi. Tuy nhiên, theo đạo đức của một bác sĩ thì ông tin rằng bệnh nhân ấy có quyền được chết.
Đến đây, chúng ta thấy có sự lẫn lộn giữa luân lý và đạo đức. Chúng ta thử trở ngược lại nguồn gốc của hai từ Ethic / Luân Lý và Moral / Đạo Đức.
Từ Ethic thì do từ tiếng Pháp cổ là etiquevà tiếng Latin sau này là ethica, tiếng Hy Lạp là ethos tất cả đều có nghĩa là phong tục hay triết lý đạo đức. Từ Morals thì do tiếng Latin moralis có nghĩa là tư cách ứng sử phù hợp với xã hội.
Như vậy nghĩa của hai từ này rất giống nhau, nếu không muốn nói là đồng nghĩa theo nguyên thủy.
Đạo đức và Luân lý về cá nhân thì triết học đã đề cập đến và nghiên cứu khá nhiều từ cả hơn ngàn năm trước. Ý tưởng về nguyên tắc luân lý thì đã được đề ra và áp dụng cho từng nhóm người, không nhất thiết chỉ nhắm vào cá nhân, thì tương đối mới mẻ, mặc dù nó khởi đầu từ thập niên 1600. Phân biệt giữa Luân Lý và Đạo Đức quả thật rất quan trọng đối với những triết gia chuyên về luân lý đạo đức.
Về tiếng Việt Nam thì: Luân Lý gồm 2 từ: Luân là nề nếp và Lý là lẽ. Do đó luân lý là hệ thống những quy tắc làm chuẩn mực giúp con người –cá nhân hay xã hội- sống đạo làm người….Đạo Đức cũng gồm 2 từ: Đạo là đường lối và Đức là phẩm hạnh. Vậy đạo đức học là những nghiên cứu về cách ứng xử của con người theo lý trí tự nhiên nhằm đưa ra những nguyên tắc để phân định đúng sai trong hành vi nhân linh. Đạo đức học liên quan và là nền tảng cho nhiều phạm trù khác nhau như giáo dục, y tế, xã hội, kinh tế, chính trị, sinh học, môi trường…(theo Từ điển Công Giáo).
Xem vậy hai danh từ Luân Lý và Đạo Đức phải chăng nghĩa của nó vừa có tính cố định vừa du di biến đổi. Danh từ Luân Lý trong nghề y ở thế kỷ 21 thì thường cố định, không thay đổi tại các nhà thương, nhưng trong y pháp cũng ở thế kỷ 21 lại đổi khác.
Kết luận
Nếu lấy luân lý và đạo đức áp dụng vào chính trị, hay cắt nghĩa những hành động chính trị dựa vào luân lý đạo đức thì quả là nhiêu khê.
Là người dân, đứng ở cương vị luân lý và đạo đức thực sự và chính danh, chúng ta đòi hỏi những chính trị gia, chính quyền phải cai trị dân theo nguyên tắc của luân lý và đạo đức và áp dụng đúng hiến pháp và luật lệ quốc gia. Nhưng những chính trị gia hay chính quyền họ cũng có nhiều lý do để bào chữa cho những hành động bất nhân, vô luân lý đạo đức của họ. Châm ngôn:“Cứu cánh biện minh cho phương tiện” của cộng sản đã chẳng công khai biện minh cho những hành động vô luân lý vô đạo đức của họ sao, vì họ cho mục đích của họ là đúng. Vụ Thiên An Môn, công an csVN bắt người, thủ tiêu, đánh người, giết người hàng ngày, đối với họ là tốt vì lý do bảo vệ an ninh trật tự của quốc gia? Cảnh sát quá tay giết người rồi xẩy ra biểu tình phá hoại, cướp bóc nêu lý do ‘BLM’ để đòi công lý. Vậy đâu là Công Bằng, Luân Lý và Đạo Đức? Ai sẽ đền bù thiệt hại của người dân vì bạo động cướp của do họ gây ra? Ai sẽ đền bù thiệt hại của đất nước, của người dân do những xáo trộn gây ra bởi những thế lực ngầm chống chính quyền hiện tại gây ra về văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, y tế, sức khỏe….
Đòi hỏi công lý thì đúng, nhưng đâu là công bằng, luân lý, đạo đức và sự thật?
Trước hiện trạng xáo trộn trên toàn quốc Hoa Kỳ hiện nay, người viết mời gọi quí đàn anh và tất cả anh em chúng ta thử bàn về những vấn đề nêu trên xem sao.
Cám ơn tất cả các đàn anh và anh em đã đọc.
Cho ý kiến phê bình sửa đổi thì rất quí và đa tạ.
Nguyễn Tiến Cảnh
June 15, 2020