Căn nguyên của những dòng ghi nhận này không phải để suy tôn hay sùng bái một cá nhân mà giản dị chỉ là lòng tri ân gửi lại, gửi về một cội nguồn âm nhạc của Việt Nam đương đại.
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Người đàn ông trung niên khẽ hát, như chỉ vừa đủ cho chính mình nghe.
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre còn tả tơi
Lúc đó là năm 1967, tôi mới vào Tiểu Học. Các câu hát trên nghe mông lung mơ hồ lắm, nhưng cũng có chi đó thân quen. Non nớt không hiểu gì là “kinh kỳ sáng chói”, nhưng tôi không xa lạ mấy với “lũy tre tả tơi” và “đồng cát dài”. Gia đình tôi sống tại thị trấn Phú Phong, nằm trên quốc lộ 19, con đường từ Qui Nhơn đi Pleiku. Nhà tuy ở mặt lộ, nhưng phía sau là ao bèo, những lũy tre, đồng cát dẫn đưa đến cầu Kiên Mỹ, nơi sông Côn (Kôn) mang dòng nước trong lặng lờ phía dưới. Và người đàn ông mình-hát-cho-mình là cha tôi.
Năm năm sau, tôi lên Trung Học. Tôi đã chuyển vào lại Sài Gòn từ năm 1969 và ngụ tại đường Thái Lập Thành gần ngã tư Phú Nhuận. Gần ngã tư này hơn nữa là đường và cư xá Chu Mạnh Trinh, nơi ở của khá nhiều người thuộc giới cầm bút. Một hôm, có người bạn cùng lớp tên Th. rủ tôi đến nhà chơi. Nhà Th. ở trong một con hẻm đường Võ Di Nguy, hẻm này đối diện thương xá Cẩm Vân ngày đó. Hai chúng tôi chơi với nhau ở khoảng đất phía sau nhà. Được một lúc, Th. bất chợt chỉ tay về phía xa của hàng rào thưa, rồi hỏi: Mày biết ai không? Bên kia hàng rào, một người đàn ông vẻ ngoài gần chớm lão niên, mặc bộ đồ bà ba, đang khoan thai tưới những khóm cây với chiếc bình thiếc đầu sen nhiều lỗ. Không đợi tôi trả lời, Th. nói luôn: Phạm Duy đó!
Chúng tôi, những thiếu niên chỉ vừa hơn mười tuổi, chẳng ai nói gì thêm. Th. mặc nhiên nghĩ là tôi biết. Mà tôi biết thật, qua tăm tiếng, còn ngoài đời sống thì chưa. Ở nhà tôi khi đó, tôi không còn nhớ có nhạc tập, nhạc tờ hay băng cassette nào của Phạm Duy không, nhưng nhớ rõ có cuốn “Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn”. Tôi chỉ đọc cuốn này khi đã trưởng thành và thấy một điều rất lạ. Có quá nhiều sự quan tâm dành cho Phạm Duy. Có quan tâm vì yêu mến, có quan tâm vì ghét bỏ; có quan tâm vì trông mong, có quan tâm vì thất vọng.
Nhưng chính những người ghét bỏ hay cảm thấy thất vọng về Phạm Duy lại là những người từng yêu mến và trông mong ở ông nhiều nhất. Họ mong ông giữ được phong độ sáng tác, họ mong ông không đi vào những đề tài dung tục khi cho rằng nó không xứng đáng với ông. Dù nói thế nào, rất hiếm có ai nhận được sự ưu ái như thế của công chúng, của đồng nghiệp, của giới văn nghệ ở cả các lãnh vực khác theo những cách đã kể.
Mới hai mươi, tôi đã vài năm xa nhà, có cuộc sống đầy bất trắc và không hình dung được những năm tháng trước mặt sẽ ra sao. Ngoài học Anh văn, tôi ngấu nghiến tìm hiểu mấy quyển sách nhạc lý mua được. Lúc đó tôi chẳng sở hữu gì, kể cả một chiếc xe đạp, nhưng chung quanh tôi là rất nhiều ấn bản văn nghệ của Sài Gòn còn sót lại, được những người bạn mới quen mà thương mến đem đến cho mượn. Nào triết học, nào truyện dịch, nào thơ. Rất nhiều ca khúc được đóng tập, riêng biệt trong đó có khoảng hai trăm ca khúc của Phạm Duy.
Tôi sống những ngày đó hơi thiếu tự do vì không có phương tiện đi lại nhưng thời gian không thiếu. Nghiền ngẫm âm nhạc theo ngày tháng, dần dà tôi khát khao được học nhạc hơn là bất kỳ điều gì khác. Thật sự, tôi không hề nghĩ mình đang tìm cách trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp mà chỉ mong muốn mình có vốn liếng âm nhạc cần thiết cho sáng tác. Vậy là tôi tham dự lớp ký-xướng âm của nhạc sĩ Hùng Lân ở đường Tự Đức, Đa Kao. Có một người bạn thương tình nhận giúp tuần hai lần đạp xe chở tôi đi học.
Nhạc sĩ Hùng Lân vốn là Giám Đốc Trung Tâm Học Liệu Sài Gòn ngày trước, với cốt cách mực thước, mô phạm tuyệt vời. Ông có lần nhắc đến Phạm Duy với giọng tán thưởng: Anh ấy có thể viết nhạc trong mọi hoàn cảnh, dù là ngay ở giữa chợ! Thời gian sau đó, vẫn tuần hai buổi, tôi đến học hòa âm ở nhà thờ Ngã Sáu (Nhà thờ Nữ Thánh Jeanne d’Arc), đúng hơn là ở Nhà Hưu Dưỡng nằm khuất phía sau hang đá Đức Mẹ. Phụ trách giảng dạy mọi cấp lớp từ âm nhạc sơ khởi như nhạc lý cho đến contrepoint, fugue là Linh Mục An-tôn Tiến Dũng, người thích dùng chữ hòa thanh thay cho hòa âm. Tôi còn nhớ trong buổi truyền đạt về nhạc đề và phát triển nhạc đề, cha nói:
Một nhạc đề như:
Mùa đông đã đến đây rồi/ Gửi mau áo rét cho người chiến binh/ Nào ai vui thú gia đình/ Gửi ra chiến tuyến chút tình nước non (Mùa Đông Chiến Sĩ – Phạm Duy)
có thể được khai thác và phát triển thành một đại tấu khúc.
Đối diện với ca khúc của Phạm Duy, tôi luôn có hình dung ông đang dùng tay xoay cùng lúc hai khối rubic. Khối rubic thứ nhất là ngôn ngữ, là ca từ.
Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã chắt chiu những gì tinh túy nhất của văn chương truyền khẩu dân gian, những thanh đẹp đẽ êm đềm, cả những âm chói chang trong tiếng Việt hòa trộn vào thẩm mỹ sáng tạo cá nhân để tạo ra một tác phẩm trường cửu. Phạm Duy cũng không khác lắm:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều Quang chín chục đã ngoài sáu mươi
(Đoạn Trường Tân Thanh – Nguyễn Du)
Tình xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời
Ngày xuân con én đưa thoi
Có người nhớ tới những lời yêu mến nhau
(Xuân Thì – Phạm Duy)
Về sử dụng vần điệu, không chắc có một thi sĩ Việt Nam đương đại nào khác gần gũi với Nguyễn Du hơn là Phạm Duy. Thử đọc lại một đoạn lời ca bài Đêm Xuân, mà tôi ngờ rằng mang đầy hơi hướm và không gian huyễn hoặc của Đoạn Trường Tân Thanh:
Đêm qua say tiếng đàn
Đôi chim uyên đến giường
Chim báo tin Xuân
Đã về trong giấc mộng
Em yêu câu hát buồn
Lả lướt trong màn trăng
Yêu trời thanh vắng
Đón đưa em tới chàng
Hồn em chùng đêm tối
Tình em còn chơi vơi
Lòng em chưa tàn
Xin đừng nhạt phai
Đừng nhạt phai
Còn khi phổ nhạc cho thơ, sự tài tình của Phạm Duy là luôn tạo một prosodie mới – vận tiết mới – khác với vận tiết gốc của chính bài thơ. Ông đã chỉ dẫn tôi điều này qua một lá thư gửi về năm 1996. Trong thư, trước dòng chỉ bảo có dòng khen: Qua hai bản nhạc phổ thơ, tôi thấy anh là người rất có sensibilité trong nét nhạc.
Khi buộc phải thêm lời, Phạm Duy vẫn cứ tài hoa khi chuyển:
Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
(Vầng Thơ Sầu Rụng – Lưu Trọng Lư)
thành như sau trong nhạc của mình
Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Em ngồi quay tơ
Quay đều, quay đều, quay đều
Có vẻ thiếu sót nếu không nhắc đến những ca khúc được Phạm Duy viết lời Việt hoặc dịch sang tiếng Việt. Cách công chúng thưởng ngoạn đón nhận những bài nhạc này không khác lắm cách họ đón nhận những bài hát do tự ông viết. Có thể kể Sérénade, Le Danube Bleu, Ave Maria… hay La plus belle pour aller danser, Both sides now, Love story… Theo ngôn ngữ ngày nay, thảy đều là Made by Phạm Duy! Made in Phạm Duy!
Tập ca khúc cổ điển Âu châu do Phạm Duy viết lời Việt có thể được xem là một dẫn nhập căn bản nhưng rất hoàn hảo dành cho công chúng yêu âm nhạc thính phòng. Trong mọi trường hợp, ngôn từ ông luôn giàu sang vần điệu:
Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người
Thấy run run trong chiều phai.
Vẻ sầu của đóa cười
Tình bền của lứa đôi
Thoáng hương trong chiều rơi.
Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời
Cho người thôi khóc thương ai
Cho niềm yêu đến bên tôi.
Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu
Ru người qua chốn thương đau
Cho làn nước mắt chìm sâu.
(Sérénade – Franz Schubert)
So với các phần hoạt động âm nhạc khác, phần dịch thuật của Phạm Duy cũng rất dồi dào. Điều này nghĩ cho cùng cũng là tự nhiên với một lyricist tầm cỡ như ông. Hãy thử chọn ra một mẩu nhỏ trong Love Story:
Where do I begin to tell the story
of how great a love can be
The sweet love story
that is older than the sea
The simple truth
about the love she brings to me
Where do I start
__________
Biết dùng lời rất khó,
để mà nói rõ
Ôi biết nói gì,
cuộc tình lớn quá
Chuyện tình đáng nhớ,
tuy cũ như là
biển già trắng xóa
Cuộc tình quý giá
như những ngọc ngà
nàng dành cho ta
Ôi biết nói gì?
Nói gì đây về đoạn dịch trên? Ít nhất có thể nói ba điều. (1) Lời Anh được chuyển tải rất tài tình sang tiếng Việt. (2) Lời/thơ tiếng Việt vốn dĩ khác vần hơn so với lời/thơ tiếng Anh (sự đòi hỏi mau có/đến vần hơn), thế nên sẵn mang trong mình ngôn ngữ giàu sang âm điệu là tiếng Việt, Phạm Duy đã hào phóng khi dùng chín vần so với năm của nguyên bản. (3) “Ôi biết nói gì” được lặp lại rất khéo khi repetition chính là yếu tố căn bản đầu tiên của âm nhạc.
*****
Bây giờ đến khối rubic thứ hai trong tay Phạm Duy: ngôn ngữ âm nhạc. Sẽ phải hơi một chút dông dài.
Âm giai bình quân luật, hay gamme tempérée, mà đúc kết của nó là hai điệu trưởng, thứ đã được các nhạc sĩ châu Âu khai thác đến mức tận cùng, tạm gọi là âm nhạc theo khuynh hướng tonalité. Khoảng nửa sau thế kỷ XIX, rất nhiều nhạc sĩ, vẫn khởi đầu từ châu Âu, muốn tìm hướng đi mới bằng cách chuyển sang modalité, theo thức, vốn là những âm giai (gamme/scale) cổ bị bỏ phế hoặc ít dùng và những âm giai ngũ cung như của châu Á.
Nói vậy không có nghĩa là từ đó các nhạc sĩ đoạn tuyệt hẳn với tonalité mà sẽ đi theo hướng kết hợp modalité với những gì mà khuynh hướng tonalité đã vài trăm năm gầy dựng. Rất có thể, sau khi cần có một thời gian để nhìn nhận, Phạm Duy đã chọn đi theo hướng này và áp dụng rất triệt để vào các sáng tác của mình.
Và phong độ ông đã đạt đến đỉnh điểm ở khía cạnh ngôn ngữ âm nhạc trong những bài hát đầy sự hài hòa giữa âm giai ngũ cung và âm giai bình quân luật, giữa modalité và tonalité, giữa interscalic/sequential và modulation, giữa Á Đông và Tây phương, giữa bản sắc địa phương và tính phổ quát toàn nhân loại. Rất cần chọn một bài như Nghìn Trùng Xa Cách để minh họa cho nhận xét trên.
Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Ngũ cung Jarai được khởi đầu như leitmotif.
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu…
Hai câu nhạc trên, và tám câu nhạc tiếp theo, Phạm Duy sử dụng tonalité mà người nghe không dễ nhận ra ông dùng tonalité! Lý do là ông tạo ra một hành âm gồm đủ bảy note nhạc theo hướng đi lên bằng kiểu ziczac, nên tuyệt nhiên không hiện hữu một bán cung nào trong giai điệu. Có lẽ cần thể hiện hai câu nhạc trên bằng cách viết dưới đây để thấy cách giai điệu đi lên (1-5):
5 Đứng tiễn người vào…
4 Toàn vẹn thương yêu
3 Mời người đem theo
2 Về miền quá khứ
1 Mời người lên xe
Leitmotif/tiên đề sau đó được quay lại, lặp lại lần nữa để khẳng định đồng thời chuẩn bị cho phần tương phản, vẫn là tonalité, ở điệu thứ tiếp đến.
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
——
Trả nốt đôi môi gượng cười
……….
Từ đây là sự tiếp nối liên hoàn những modulation – chuyển cung – từ Cm đến Gm rồi đến G. Đến đây leitmotif đã trở lại nhưng ở một quãng 5 cao hơn so với ở phần một. Sau đó, leitmotif lặp lại lần nữa để khẳng định chính nó. Và thật bất ngờ, lại xuất hiện ngay một sequential, khi leitmotif bất ngờ hạ xuống một quãng 5 để kết thúc theo cách thức chính nó đã khởi đầu.
Giới nhạc sĩ Việt Nam không hề thiếu những bậc tài danh. Nhiều nữa là khác. Nhưng từng người trong họ, họ tài hoa chỉ để họ tài hoa. Phạm Duy không giống vậy, những gì ông dấn thân khai mở đem đến những mùa hoa trái.
Một nhạc sĩ tài hoa có thể để lại những nhạc phẩm bất hủ cho công chúng. Một nhạc sĩ bậc thầy thì để lại những gợi ý rộng rãi về sử dụng ngôn từ, về ngôn ngữ âm nhạc và hơn hết là tình tự dân tộc cho những con người rồi sẽ xuất hiện ở tương lai.
Phạm Duy sáng tác sung mãn trong mọi chủ đề âm nhạc mà ông góp mặt. Nhưng nếu chỉ với khả năng, dù có phi phàm tới đâu e cũng là không đủ nếu người ta không dám dấn thân. Phạm Duy đã mạnh mẽ dấn thân vào thời cuộc để thực hiện đến cùng một hoài bão âm nhạc và đã làm được. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được sống chung một phần thời đại, một phần những chốn nơi mà ông đã qua trong thế giới này.
Khi nghe tin Bob Dylan được trao Nobel Văn chương năm 2016 “vì đã tạo ra những cách biểu đạt mới bằng thi ca trong truyền thống âm nhạc tuyệt vời của Mỹ”, cá nhân tôi quá vui khi thấy các nhạc sĩ, qua những ngôn từ cả đời viết ra, đã có ít nhất một người được ghi nhận tương tự theo cách những thi sĩ được ghi nhận. Rồi tôi bất chợt nghĩ đến Phạm Duy.
Kết sổ cuối ngày, không dễ để nói giữa Bob Dylan và Phạm Duy về tài nghệ âm nhạc, về ngôn từ ai hay hơn ai. Vậy có phải Phạm Duy bị đánh giá thấp chăng? Không phải. Điều khác biệt và thua thiệt chỉ nằm ở chỗ ngôn ngữ viết của Bob Dylan là tiếng Anh; còn Phạm Duy, là tiếng Việt. Nói một cách khác, giả sử những sáng tác của Phạm Duy xuất phát từ một nền văn hóa Âu Mỹ và được viết bằng tiếng Anh chẳng hạn, tiếng tăm ông ắt phải ở một tầm mức rộng lớn hơn hẳn.
Bài viết chỉ còn vài câu nữa thôi. Căn nguyên của những dòng ghi nhận này không phải để suy tôn hay sùng bái một cá nhân mà giản dị chỉ là lòng tri ân gửi lại, gửi về một cội nguồn âm nhạc của Việt Nam đương đại. Phạm Duy nay đã về cùng cát bụi, nhưng để lại đó lớp phù sa chờ ghé những bờ mai.
Khang Thụy
Nguồn: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tram-nam-pham-duy-bui-phu-sa-cho-ghe-nhung-bo-mai/