User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
202639 TranMongTu 02 4
Nhà thơ Trần Mộng Tú - hình trên YouTube
 
(Tiếp theo và hết)
 
Tôi nghĩ, nếu có nói tiếng thơ Trần Mộng Tú đã vượt khỏi bầu-khí-quyển-ngôn-ngữ-Việt, thì cũng không phải là lời nói quá - - Nếu chúng ta biết, một bài thơ của chị đã được chọn in trong một cuốn sách giáo khoa dậy văn chương “Glencoe Literature” do nhà McGraw Hill ấn hành.

Ghi nhận về sự kiện đáng hãnh diện này, trong một bài viết nhan đề “Trần Mộng Tú, Thi sĩ Việt Nam đầu tiên vào sách giáo khoa Trung Học Mỹ”, trang mạng Caothoaichau.blogs có những đoạn nguyên văn như sau:

“Nếu quý vị mở cuốn sách giáo khoa dạy văn chương “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành, quý vị sẽ thấy một bài thơ của một thi sĩ Việt Nam dịch sang tiếng Anh đi song song với bài diễn văn nổi tiếng của Tổng Thống Abraham Lincoln trong thời Nội chiến Mỹ, tại bãi chiến trường Gettysburg. Đó là bài thơ của Trần Mộng Tú, The Gift in Wartime, nhan đề tiếng Việt là ‘Quà Tặng Trong Chiến Tranh.’

“Hai tác phẩm trên được đem ra để dạy học sinh môn văn chương Hoa Kỳ. Trong phần thứ ba của cuốn sách giáo khoa, viết về văn chương thời kỳ nội chiến Nam Bắc ở Mỹ và sau cuộc nội chiến, các nhà soạn sách giáo khoa của công ty Glencoe – McGraw Hill, rất thông dụng trong các trường Trung Học ở Mỹ đã có sáng kiến đem bài thơ Trần Mộng Tú, qua bản dịch Anh ngữ cho học sinh nghiên cứu song song với bài diễn văn trầm hùng của Abraham Lincoln, so sánh cách dùng chữ, cách chọn hình ảnh, những ý tưởng trong mỗi bài của hai tác giả. Đây là một kinh nghiệm văn chương quý báu mà các học sinh Mỹ được hưởng khi tiếp xúc với một thi sĩ ngoại quốc để thấy hậu quả của chiến tranh trên tâm hồn một phụ nữ Việt Nam cũng mang những tính chất nhân bản và sâu sắc không khác gì vị tổng thống mà tất cả mọi người Mỹ đều quen thuộc. Có lẽ sau này học sinh Việt Nam khi học về văn chương thời nội chiến Nam Bắc ở thế kỷ 20 cũng sẽ có cơ hội nghiên cứu bài thơ của Trần Mộng Tú (…)

“… Bài thơ ‘Quà Tặng Trong Chiến Tranh’ được viết ở Việt Nam, khi thi sĩ còn rất trẻ, từ những xúc động trước cái chết của một chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, người yêu đầu của cô, sau đó đã được đăng trên các tạp chí khắp nơi ở hải ngoại.

“Lần đầu tiên hai bài thơ về chiến tranh của Trần Mộng Tú xuất hiện trong thế giới văn chương quốc tế vào năm 1990, đăng trong ‘Vision of War, Dream of Peace,’ (Viễn ảnh chiến tranh: Giấc mơ Hòa bình.) Đó là ‘The Gift in Wartime’(Quà Tặng Trong Chiến Tranh) và ‘ Dream of Peace’ (Giấc Mơ Hòa Bình) cả hai được dịch sang Anh Ngữ do Vann Phan, một ký giả cũng cộng tác với Nhật báo Người Việt.

“‘Vision of War, Dream of Peace’ là một tuyển tập Thơ của các Nữ Quân nhân và Y Tá phục vụ trong quân đội Mỹ vào thời kỳ chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam. Cuốn sách ra mắt tại Washington DC vào ngày Cựu Chiến Binh, Veteran’s 11 tháng 11 năm 1990 

“Bản dịch bài thơ The Gift in Wartime được in vào American Literature textbook do nhà xuất bản sách giáo khoa lớn nhất ở Mỹ, Glencoe / Mc.Graw-Hill phát hành năm 1999, trong các chương về văn học Mỹ trong thời Nội Chiến Nam Bắc Mỹ. Thơ Trần Mộng Tú được giới thiệu cho các học sinh so sánh với bài diễn văn nổi tiếng The Gettysburg Address của Tổng Thống Abraham Lincoln.

“Bài diễn văn do Tổng thống Lincoln đọc ngày 19 tháng 11 năm 1863 trong dịp khánh thành một nghĩa trang cho các tử sĩ tại chiến trường Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania. Trước ông, một chính trị gia và nhà hùng biện nổi tiếng đã nói suốt 2 giờ; đến lượt Lincoln ông chỉ nói trong vòng 2 phút. Sau buổi lễ, các nhà báo tường thuật không ai nhắc đến những lời Lincoln nói, nhưng dần dần dân tộc Mỹ đã nhận ra đó là một tác phẩm văn chương bất hủ, xuất phát từ tấm lòng của một nhà lãnh đạo vốn rất ghét chiến tranh nhưng phải dẫn đầu nước Mỹ trong một cuộc chiến bất đắc dĩ và đã thành công trong việc bảo vệ một quốc gia thống nhất với những lý tưởng tự do, bình đẳng. Câu nói được cả thế giới ngày nay nhắc lại nhiều lần kết thúc bài diễn văn ca ngợi các chiến sĩ đã hy sinh để một ‘chính phủ của dân, do dân, và vì dân sẽ không bị hủy diệt trên trái đất.’

“Cuốn sách giáo khoa tiếp theo đã giới thiệu thi sĩ Trần Mộng Tú, sinh ở tỉnh Hà Đông,Việt Nam, người phụ nữ có kinh nghiệm chính mình sống với những hậu quả của cuộc chiến tranh trong đó hai triệu người Việt Nam thiệt mạng cũng như 57,000 người Mỹ. Sau khi đọc bài thơ Trần Mộng Tú, học sinh được hướng dẫn với những câu hỏi để khám phá những cảm xúc mà tác giả gợi cho người đọc cũng như tìm hiểu nội dung bài thơ. Cuốn sách giáo khoa cũng gợi ý cho học sinh tìm hiểu về kỹ thuật, học sinh tự hỏi tại sao thi sĩ đã dùng các điệp ngữ và nhắc lại các hình ảnh để gây ấn tượng nơi người đọc.
 
Sau đó, các học sinh được mời so sánh hai áng văn chương cùng viết trong thời nội chiến ở hai quốc gia, hai thế kỷ khác nhau. Abraham Lincoln đọc bài diễn văn của ông trước một đám đông, và ông nhắm vào công chúng. Còn Trần Mộng Tú viết một mình, cho mình.

Nhưng học sinh có thể tìm thấy những mục đích và cảm xúc giống nhau trong hai tác phẩm ngắn này. Học sinh cũng được dịp tìm hiểu khai phá sự khác biệt giữa hai nền văn hóa của hai tác giả, và thử hỏi một người Mỹ thời nay nếu viết về chiến tranh thì sẽ viết giống tác phẩm nào…” (2)

Dưới đây, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bài thơ nổi tiếng thế giới “Quà Tặng Trong Chiến Tranh” của nhà thơ Trần Mộng Tú:

Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lòng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
Phủ trên nấm mồ xanh
 
Anh tặng em bội tinh
Kèm với ngôi sao bạc
Chiếc hoa mai màu vàng
Chưa đeo còn sáng bóng
 
Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu
 
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương
 
Em tặng anh mây vương
Mắt em ngày tháng hạ
Em tặng anh đông giá
Giữa tuổi xuân cuộc đời
 
Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm
Anh tặng mắt không nhìn
Một hình hài bất động
 
Anh muôn vàn tạ lỗi
Xin hẹn em kiếp sau
Mảnh đạn này em giữ
Làm di vật tìm nhau.
Tháng 7/ 1969 (3)

Qua ngày tháng ghi dưới bài thơ, nhiều độc giả mới biết một cách chính xác rằng, họ Trần đã làm thơ từ khi chị còn rất trẻ. Và, theo Wikipedia thì tiểu sử của Trần Mộng Tú cũng được ghi nhận như sau:

“Trần Mộng Tú sinh năm 1943 tại tỉnh Hà Đông, miền Bắc Việt Nam. Di cư vào Nam năm 1954. Sang Mỹ tháng tư năm 1975 (thư ký cho hãng Thông Tấn The Associated Press ở Sài Gòn (1968-1975). Thường xuyên cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác. Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000. Có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature – Glencoe-1999. Đoạt giải về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.

Trần Mộng Tú đã xuất bản trên dưới 10 tác phẩm đủ thể loại…” (4)

Trần Mộng Tú, nhìn từ góc độ nào, theo tôi cũng đều là niềm hãnh diện Việt vậy.

Du Tử Lê
(Jan. 2015)
______
Chú thích:
(2), (3), (4) Nđd.

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com