Sau này vì nhu cầu ở chợ búa nhằm chiều khách, nhiều nhà hàng, tiệm ăn bày thêm món lẩu mắm. Ðây cũng là hình thức mắm kho nhưng mắm được đặt trong cái cù lao để giữa bàn với than hồng đỏ rực làm cho món mắm luôn luôn sôi nóng, mắm không bị nguội. Ngoài ra có thêm món nhúng mắm. Cũng mắm kho như lẩu mắm nhưng cá tôm sống được ướp gia vị và để một dĩa riêng, khi nào ai cần ăn bao nhiêu thì gắp cá tôm mà nhúng vào mắm như ăn món cá nhúng giấm thường lệ.
Ðiều đặc biệt đáng lưu ý là trong các lễ kỵ giỗ, dù là nhà quê nhưng không ai kho mắm cúng ông bà bao giờ. Lý do có lẽ những ngày giỗ kỵ là những ngày lễ quan trọng trong gia đình, lại nữa món mắm là món ăn cực ở nhà quê, mà ông bà cha mẹ lúc sanh tiền đã phải ăn mắm suốt đời rồi, nên con cháu không muốn tổ tiên phải ăn uống kham khổ thêm nữa.
Lẩu mắm – Nguồn Youtube.com
Lại nữa, thực tế ở nhà quê, ngày nào cũng ăn cơm với mắm, nên vừa ăn no đấy rồi lại nghe bụng kêu đói nữa. Ăn mắm nhiều sẽ có những hiện tượng như khô cổ, xót ruột, mắt bị mờ, miệng bị lở… Thỉnh thoảng có mướn thợ mộc cất nhà, tuyệt đối không ai dọn món mắm kho cho thợ mộc, dù mắm loại ngon, vì thợ mộc quan niệm chủ nhà cho ăn mắm kho là hà tiện, có thể thợ mộc không ăn, hoặc ăn nhưng để tâm “ếm” chủ nhà vì tính keo kiệt. Thông thường thợ mộc nào cũng có chút ít bùa, nên làm như mắc phải lời thề, cất nhà là phải ếm, chỉ khác nhau ở chỗ ếm nặng, hoặc ếm nhẹ mà thôi. Nên người chủ nhà nào khi mướn thợ cũng ngại chỗ phải lo thức ăn gần cả tháng trời, nhất là ở nhà quê việc bắt cá, bắt lươn đâu phải dễ dàng. Tuy vậy, vì ở thôn quê còn nhiều người mê tín dị đoan, nên lo xa vậy thôi. Chứ thực tình, tôi chỉ nghe người lớn kể lại những vụ ếm bùa hồi xưa, chứ sau này đến thế hệ tôi, tôi ít nghe ai nói nhà mình bị thợ mộc ếm.
Về các loại rau để ăn với mắm kho, mắm chưng, lẩu mắm, nhúng mắm, toàn là những loại rau có sẵn xung quanh vườn hoặc ngoài bờ mía, bờ ruộng. Chỉ cần cầm cái rổ đi một vòng ngoài vườn là có đủ thứ rau. Nào là rau thơm đủ loại, rau càng cua, rau đắng, cải trời, cải bẹ xanh, cải ngọt, rau má, lá lốt, lá chùm ruột, lá gừng, cọng bông súng, bắp chuối lá xiêm, bắp chuối hột, bắp chuối ngự, bắp chuối lá ta (vì các loại bắp chuối khác bị đắng, không ăn được), cây chuối con xắt mỏng làm rau ghém dùng để ăn với mắm kho. Còn những loại rau để luộc chấm với mắm có đọt bầu, đọt bí rợ, đọt bí đao, đọt mướp, bông bí rợ, bông so đũa, rau diệu, rau mát, rau muống, rau ngổ, rau giền (dền), lá vông nem, bông lục bình, bông điên điển… Tùy lúc, tùy mùa mà có sẵn từng loại rau để bữa cơm nhà quê thanh đạm với món mắm chưng, mắm kho, mắm sống, mắm chiên làm cho đời sống nhà quê nhẹ nhàng trôi qua mỗi ngày như mọi ngày …
Trong dân gian người ta cũng truyền miệng nhau về những câu tục ngữ, ca dao liên quan đến mắm. Mắm là nét đặc biệt tiêu biểu cái chất phác của nhà quê, cái chân thật của miệt vườn, cái tình cảm thật thà, đơn giản, bình dị của người dân nơi đồng ruộng. Bạn có dịp ghé qua làng quê tôi, bạn sẽ được bà con ở đấy mời bạn dùng bữa với lời lẽ chân thật, không khách sáo chút nào: “Mời em dùng cơm với qua, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, em đừng ngại!” Giản dị với chừng ấy, giống như tấm lòng của họ móc ruột để ra ngoài, bạn không phải e ngại gì. Và rồi mời bạn phủi chân, ngồi vào bộ ván ngựa ăn một bữa cơm no bụng với món mắm kho hoặc mắm chưng là họ mừng vô cùng…
Ðể nhắc nhở con cháu hãy liệu sức mình, đừng quá ôm đồm, tham lam mà thất vọng vì việc quá sức, không thành, nên người đời truyền khuyên nhau câu tục ngữ:
“Liệu cơm, gắp mắm.”
hoặc văn chương hơn, có vần có điệu hơn như mấy câu ca dao:
Thường thường, người dân quê vốn tin vào những điều hư ảo, điềm mộng, dị đoan, nên nếu con cháu có đứa nào nói điều gì có tính cách không hên, ông bà thường hay rầy dạy:
“Miệng ăn mắm, ăn muối đừng nói dại.”
Rau ăn với lẩu mắm – Nguồn ubndtp.soctrang.gov.vn
Và cũng để khinh ai, người ta cũng mượn mùi mắm mà dùng vào chốn văn chương, nghĩ mà thương cho mùi mắm quá đỗi. Mời các bạn đọc đoạn hồi ký sau đây của nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan:
“ … Những tờ đọc chán nhất lúc bấy giờ là Lục Tỉnh Tân Văn của Nguyễn Văn Của (tức Huyện Của) ra hằng ngày ở Sài Gòn, tờ Nước Nam ra hằng tuần ở Hà Nội của Lương Ngọc Hiển; tờ Nước Nam, anh em thường gọi là tờ “Nước Mắm”; bài vở của hai tờ này viết đã không ra gì, lại in lèm nhèm, nhưng tôi vẫn xếp riêng khi chưa đọc.”
Nhưng có lẽ chu trình biến hóa từ con cá thành con mắm là một chu trình biến đổi của đời sống thực. Nó thực đến nỗi trở thành một triết lý trong đạo vợ chồng. Sau bao năm mặn nồng, hạnh phúc để rồi chợt nhận ra đôi uyên ương mới ngày nào còn non trẻ, phơi phới xuân nồng, giờ đã răng long tóc bạc, gối mỏi chân dùn… Nhìn lại dòng đời mà nghe như hai tâm hồn chan hòa vào nhau, vui cùng hưởng, cực nhọc cùng chịu đựng, gánh vác qua biết bao mưa nắng dãi dầu rồi lại nghĩ đến một ngày… , và rồi bên ánh đèn dầu leo lét trong đêm trường, đôi vợ chồng người nhà quê già thì thầm tâm sự về một kiếp nhân sinh:
“Con cá làm ra con mắm,
Vợ chồng già, thương lắm mình ơi !”
Một ý tưởng tưởng chừng mộc mạc, đơn sơ mà thâm thúy và cảm động biết dường nào!!!
Hai Trầu
Source: baotreonline.com