Beurre Bretel được sản xuất bởi hãng Maison Bretel Frères năm 1871 sáng lập bởi hai anh em Eugène Bretel và Adolphe Bretel ở Valognes (Pháp). Hãng phát triển mau chóng, sản xuất từ 95 tấn năm 1871 nhảy vọt lên 1840 tấn năm 1879, là một trong những hãng sản xuất bơ quan trọng nhứt của Pháp thời bấy giờ. Hãng đã nhận được nhiều huy chương trong nhiều hội chợ quốc tế năm 1878, 1889, 1900 ở Paris, 1893 ở Chicago… và sống nhờ xuất cảng ra ngoại quốc (80% beurre được xuất cảng).
Hãng tiếp tục phát triển mua lại nhiều cơ xưởng khác trong vùng Normandie và mở thêm chi nhánh mới ở Rennes: Nouvelle Beurrerie d’Ile-et-Vilaine, sau đó hãng nầy được mua lại bởi Raoul Le Doux, là cháu của hai người sáng lập. Lúc đó Maison Bretel Frères đã có tất cả là 17 cơ xưởng và được sáp nhập với nhóm Union Laitière Bricquebec vào năm 1960 nhưng sau đó được mua lại bởi hãng Gloria vào năm 1972.
Nhà phân phối N.V.T in trên hộp beurre Bretel bây giờ là chữ viết tắt của tên Ngô Văn Thế, tôi có vào trong immeuble (building) để xem bảng tên đó vì tôi cũng làm việc trong quartier gần đó.
Thật ra N.V.T chỉ là nhà phân phối thôi, văn phòng ở địa chỉ 30 rue de la Montagne Sainte Geneviève chỉ là cái văn phòng nhỏ để liên lạc, còn entrepôt ở đâu tôi không biết. Cái hộp bơ bây giờ không giống cái hộp ngày trước, không có các mề đay trúng tuyển trong các hội chợ và cái hộp nhỏ hơn và nó không còn được sản xuất bởi Maison Bretel Frères nữa vì nó đã bị mua lại.
Tôi đoán có lẽ ông NVT đặt một số hàng với cái hiệu bơ Bretel để phân phối trong vài siêu thị Việt Nam ở Pháp và ở một số nước khác trên thế giới như Mỹ, Gia Nã Đại, Úc vì vẫn còn một số những người tiêu thụ ”hoài cổ“, là những người lớn tuổi, vẫn nhớ những hương vị của món ăn ngày trước, chớ còn giới trẻ Việt Nam ở Pháp bây giờ đâu có quan tâm đến loại bơ đó nữa đâu, nói thiệt xin quý vị đừng buồn, nó dở ẹt! Siêu thị ở Pháp bán thiếu gì các thứ bơ mặn, tươi có trộn với muối vùng Guérande của Đại Tây Dương ngon gấp mấy lần bơ Bretel.
Quý vị có qua Pháp chơi, gặp người Pháp hỏi họ có nghe nói đến beurre Bretel bao giờ chưa thì tôi chắc chắn họ sẽ lắc đầu và trong siêu thị Pháp không bao giờ có bán loại beurre đó vì một lẽ giản dị là nó chỉ để xuất cảng mà thôi và do đó beurre Bretel bán trong hộp là beurre trộn muối để giữ lâu không bị hư thối dù được bán trên quầy hàng chưng bày ngoài trời trong những quốc gia nhiệt đới.
Trong những siêu thị Tàu bây giờ thấy có bán loại beurre hộp hiệu Beur’tel, không biết có phải là một phiên bản khác của nhãn hiệu Bretel không, chớ cũng không bán beurre Bretel chính gốc.
Lâu lâu, tôi có vài người quen từ Mỹ đến Pháp chơi và bắt tôi dẫn đi mua beurre Bretel, tôi phải kêu lên:
”Chị đến từ một siêu cường Hoa Kỳ, đồ ăn thừa mứa, bơ sữa tràn đồng, bơ mặn thiếu gì, tội gì phải qua bên Tây ăn bơ Bretel!“.
Bà chị tôi trả lời tỉnh bơ:
”Tại chị ăn bơ Bretel quen rồi em à, hồi nhỏ ưa ăn bơ Bretel quẹt lên bánh mì, ông già chị uống cà phê phải cho một chút bơ vô tách cho thơm ổng mới chịu, với chị mua chút ít về làm quà cho mấy người quen ở Mỹ“.
Thiệt hết chỗ nói! Tôi cũng có mua thử một hộp về ăn coi hương vị nó có thay đổi hay không? Quả thật! Nó dở hết chỗ chê! Thua xa lắc mấy thứ bơ mặn trong siêu thị, mà bây giờ thì tôi đâu dám ăn bơ, sợ bị cholestérol thấy bà! Hay là bây giờ tôi sống lâu ở Pháp nên cái goût cũng thay đổi hoặc Bụt nhà không thiêng nên ăn beurre Bretel không thấy ngon như lúc còn trẻ chăng?
Chớ còn tôi nói chuyện với mấy bà chị ở Mỹ, mấy bả khen bơ Bretel đáo để, nói là nó thơm ngon và đậm đà hơn bơ Mỹ, không có mùi.
Bây giờ bơ Bretel chỉ được bán ở tiệm Thanh Bình ở khu Maubert Mutualité thôi chớ mấy chỗ khác không thấy bán.
Tôi chỉ giữ hộp bơ làm kỷ niệm, là hình ảnh của những năm tháng cũ ở Việt Nam và xin góp thêm vài ý với quý vị đồng hương Việt Nam để bà con “fan” của bơ Bretel có cái nhìn rõ hơn về loại bơ mà mình đã gắn bó từ bấy lâu nay.