Theo Cơ Quan Y tế Thế Giới,
Sức Khỏe là sự hài hòa giữa tinh thần, thể chất và gia đình xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh tật.
Trong tác phẩm Quốc Văn Giáo Khoa Thư các lớp Sơ Đẳng và lớp Dự Bị do các học giả lão thành Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn, do Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư, Nha Học Chinh Đông Pháp phát hành năm 1948 cũng đã ghi những ý kiến tương tự.
Thể Chất
Thể chất là phần hữu hình, phần mà ta cũng như thầy thuốc thấy được.
Với tuổi già, có một số bệnh thường xảy ra như là
*Viêm xương khớp
Nắng mưa là chuyện của trời,
Đau xương, nhức khớp, chuyện người tuổi cao.
*Ung thư (nhũ hoa, phổi, tử cung, nhiếp tuyến, ruột già).
*Bệnh tim mạch (cao huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến động mạch não).
*Giảm khả năng trí tuệ, giảm thính, thị giác.
Nhưng đây chỉ là một sự trùng hợp chứ không phải ai già cũng mắc những bệnh này. Và sự già của cơ thể cũng không đưa đến những bệnh đó. Theo nhiều nhà chuyên môn y khoa học, đa số người cao tuổi không bao giờ mắc các chứng bệnh kể trên. Đó là nhờ họ áp dụng cách sống phù hợp với sự sắp đặt của thiên nhiên. Họ không hoang phí sinh lực, không làm điều nghịch với lẽ thường, không rượu chè hút sách. Họ sống chừng mực, thư giãn.
Nhất là họ đã đọc làm lòng câu chuyện “Ba Người Thầy Thuốc Giỏi” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị.
Một ông thầy thuốc già, chữa bệnh giỏi có tiếng. Phải khi ông ốm nặng, các học trò đến chầu chực thuốc thang bên cạnh. Ông cố gượng nói rằng:
”Lão biết mình đã đến ngày tận số rồi nhưng lão có nhắm mắt cũng cam lòng, vì lão có để lại cho đời được ba thầy thuốc rất hay”.
Ông nói tới đây, nhọc quá phải nghỉ. Các thầy thuốc học trò thấy ông nói thế, đều lắng nghe, ai cũng nghĩ bụng trong ba người ấy thế nào chả có tên mình. Ông nghỉ một lúc rồi lại nói:
”Trong ba thầy thuốc ấy thì hay nhất là thầy Sạch Sẽ, thứ nhì là thầy Điều Độ, thứ ba là thầy Thể Thao. Sau khi lão mất rồi, nếu các anh biết theo ba thầy ấy mà chữa cho người ta, thì thiên hạ khỏi được bao nhiêu là bệnh tật”
Vâng thưa quý vị,
Ngày nay người ta nói tới y khoa phòng ngừa, nói tới y tế công cộng để giảm bệnh tật thì đó là ông thầy thuốc Vệ Sinh. Nói đến ăn uống cân bằng, đa dạng và vừa phải, duy trì nếp sống lành mạnh thì chắc phải là ông thầy Điều Độ. Còn thầy thuốc Thể Thao thì ai cũng thấy có nhiều ích lợi rồi. Chẳng thế mà nhà nào cũng đầy những dụng cụ thể thao “hiện đại” nhất; gặp ai cũng nói tới đi bộ, đi bơi, ngay cả “múa đôi” để thư dãn, và giảm mỡ vùng bụng, vùng mông.
Tâm Thần
Nói tới tâm thần là nói tới tâm trí, tinh thần, là những sinh hoạt nội tâm của con người như suy nghĩ, tình cảm, phần vô hình.
Đọc Luân Lý Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng, chúng ta thấy có đoạn văn sau đây:
“Người ta thì ai cũng có mặt mũi, chân tay, mình mẩy, tức là thân thể. Thân thể là cái phần hữu hình. Ở trong thân thể lại có cái phần vô hình, nó làm cho ta biết vui, biết buồn, biết yêu biết ghét và hiểu được sự nọ, vật kia. Cái phần vô hình ấy gọi là linh hồn. Thân thể và linh hồn hợp lại với nhau mới thành người.
Bổn phận mình đối với mình là phải giữ gìn thân thể cho được khỏe mạnh tốt tươi, và phải luyện tập tính tình cho tao nhã, mở mang trí tuệ cho thông minh. Hễ mình giữ được 'cái hồn lành trong cái xác khỏe' như cổ nhân đã dạy, thì chắc là mình có thể nên được người hoàn toàn vậy”.
Thì ra cái phần hồn cũng quan trọng vậy.
Nhưng nói đến cái phần nội tâm này thì người Việt mình vốn rất kín đáo, dè đặt. và chịu đựng, một mình mình biết, một mình mình hay.
Họ ít nói về mình, tránh tranh luận, ai sao ta vậy, “mọi sự xin tùy các cụ“.
Khi có khó khăn tâm thần người mình thường không chịu nói ra, kể cho ai nghe vì ngại vạch áo cho người xem lưng. Nhiều khi lại không tìm phương thức điều chỉnh một phần vì không quen với lối bộc lộ tâm tư để nghe người lạ khuyên nhủ và cũng không tin tưởng ở khoa tâm lý, khuyên giải nước đôi.
Cho nên mới có: “Sầu đong càng lắc càng đầy” để rồi “Giết nhau chẳng cái lưu cầu. Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa?”
Rồi tự cô lập, gặm nhấm nỗi buồn.
Sức khỏe tốt khi con người sống trong gia đình trên thuận dưới hòa, xã hội ổn định, thịnh vượng.
Mà khi nói đến ổn định gia đình, xã hội, thì người cao niên Việt Nam mình định cư ở nước ngoài có khá nhiều điều để mà suy tư, đôi khi phiền muộn.
Khi chúng tôi tìm hiểu về những Vấn đề của Người Cao Tuổi Việt Nam tại Hoa Kỳ, thì có người hỏi: "Có gì khác biệt giữa người già mình với người già Mỹ mà phải nghiên cứu. Tài liệu viết về người già thì thiếu gì ở thư viện, ở internet. Cứ việc tới đó mà tìm, mà đọc."
Mới nghe kể thấy cũng thuận tai. Già thì ai chẳng già như nhau. Cũng răng long, tóc bạc, mỏi gối chồn chân, cũng góa bụa đơn côi, cũng ngủ khó khăn, ăn ít...
Nhưng nhìn kỹ thì ta thấy có những khác nhau. Nói chung, người tuổi cao bản xứ có một số đặc điểm mà dường như người cao tuổi mình cần có:
a. Họ có đời sống vật chất tương đối ổn định.
b. Họ có kế hoạch về lối sống và thời gian: chia công việc, không để khoảng trống rỗng.
c. Văn hóa cởi mở, lạc quan, hiếu động, làm nhiều việc thiện nguyện.
d. Nhìn thực tế và chấp nhận thay đổi.
Họ không nề hà làm việc chân tay đơn giản; chơi thể thao, đọc sách, đi câu, thăm bạn bè, du lịch, hội hè, ca nhạc, khiêu vũ, đi lễ; luôn luôn tích cực, tươi cười, ăn diện phấn son dù trong ví có cả chục loại thuốc cho nhiều bệnh kinh niên.
Nhưng họ không có những Đổ Vỡ, Mất Mát vào 30 tháng Tư, 1975; không có tức tưởi rời bỏ quê hương; không bị hành hạ tù đầy “cải tạo”; không bị dồn tới vùng kinh tế mới trên là trời dưới là đất cằn khô “sỏi đá khó thành cơm”; không bị kềm kẹp trong chế độ thù nghịch, kỳ thị; không có ám ảnh bị đồng minh cùng chiến tuyến bỏ rơi...
Họ không phải sống trên một mảnh đất hoàn toàn mới la. Ngôn ngữ văn hóa đến phong tục tập quán khác biệt; lập nghiệp từ đầu vào tuổi đã cao; kỳ thị mầu da, chủng tộc; mất căn cước: tên họ đổi ngược, tháng năm sinh mất thứ tự, mang quốc tịch mới...
Không ít quý vị cao niên ta có những mất mát, mới lạ kể trên. Từ đó sinh ra phiền muộn, ưu tư, phẫn nộ và nếu không thay đổi, thích nghi được thì e rằng cũng dễ dàng rơi vào tâm trạng bất an, làm sao có sức khỏe tốt được.
Cụ Trần Trọng Kim và đồng sự đã ghi nhận cách đây trên 60 năm về sự quan trọng của xã hội, cộng đồng:
“Trong thiên hạ, không thấy người ta ở lẻ loi một mình bao giờ. Người ta nếu cô độc thì khốn khổ trăm đường. Sức đâu mà chống lại với thú dữ, công đâu mà trồng được thóc gạo để ăn, may được quần áo để mặc, dựng được nhà cửa để ở và làm được các thứ đồ dùng khác nữa. Vả lại, tính người ta là phải ở quần tụ với nhau, để lúc vui lúc buồn có thể giãi bầy cái tình riêng của mình với kẻ nọ người kia. Vì những lẽ ấy cho nên người ta cần phải có xã hội thì mới được yên ổn, sung sướng và mới có thể tiến hóa lên được.” (Luân Lý Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng - 1941.)
Chúng tôi có hoài vọng gửi tới quý lão niên một vài “mẹo nhỏ” để thích nghi, ổn định, duy trì một sức khỏe tương đối “một bảy một mười” với thuở trung niên để an hưởng tuổi vàng với gia đình, xã hội.
Vì, có khó khăn, thay đổi, chẳng lẽ người cao tuổi mình lại ngồi im chịu trận, chấp nhận mọi an bài. Nhà hùng biện La Mã Cicero đã nói:
Tuổi già chỉ được trọng nể khi nó tự chiến đấu, duy trì cái quyền hạn của nó, tránh lệ thuộc và thừa nhận vị trí vĩnh cửu của nó trong xã hội.
Hoa Kỳ được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên phong phú. Họ cũng có nhiều nhân vật lưu danh thơm cho hậu thế.
Một trong những danh nhân này không những nổi tiếng về tài điều binh khiển tướng, mà còn có triết lý cao về đời sống. Đó là tướng Douglas MacArthur.
Với tuổi già, ông nói:
Chúng ta già không phải vì đã sống qua một số năm tháng, mà già vì trốn bỏ lý tưởng. Năm tháng làm da ta nhăn nhúm; chối bỏ lý tưởng làm nhầu nát tâm hồn. Lo âu, sợ hãi, thất vọng là những kẻ thù nó dìm ta xuống đất đen và biến đổi ta thành cát bụi trước khi ta chết.
Cái lý tưởng, cái ý nghĩ tốt đẹp nhất của con người khi về già là làm sao có tình trạng khỏe mạnh. Cơ thể ta cũng như căn nhà ta đang ở: cần tu bổ để chống mục nát.
Để đạt được lý tưởng đó, cần có một cái nhìn tích cực, một thái độ lạc quan kèm theo những hành đông hợp lý để chỉnh trang, kiểm soát sự hiện diện của cơ thể đó.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức