User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
mat ngu keo dai 3
hình trên net
 
Trong những căn bệnh không gây tử vong, bệnh mất ngủ là bệnh khó trị nhất, vì các loại thuốc để trị bệnh mất ngủ đều có tính chất gây nghiện. Một khi đã dùng đến thuốc ngủ, cho dù là liều nhẹ nhất, thì cơ thể người bệnh sẽ dần dần quen với thuốc và nếu ngưng uống thuốc, lại mất ngủ.

Vì thế, bài viết này, qua sự nghiên cứu từ các phương pháp Võ Học, Khoa Học Tâm Lý, phối hợp với sự theo dõi từ nhiều trường hợp của những người thân, mong sẽ giúp được ít nhiều cho những trường hợp mất ngủ trầm trọng đã kéo dài từ nhiều năm mà không phải sử dụng thuốc, dù thuốc Tây hay thuốc Ta.

Nhưng trước khi thực hành theo bài này, một điều cần lưu ý: Đây là việc luyện tập chống lại bệnh mất ngủ bằng Ý Chí, nên kết quả sẽ không giống nhau cho từng người, tùy theo sự cương quyết của người bệnh muốn dứt bệnh mất ngủ như thế nào. Sẽ có những người ngủ ngon chỉ sau một lần tập luyện nhưng cũng có người phải kiên trì tập cả tháng trời mới có kết quả.

Vì thế, nếu sau khi tập vài lần mà vẫn chưa ngủ được, thì nên suy nghĩ lại là mình đã thiếu sót yếu tố nào, rồi tập lại, nhất định sẽ có kết quả. (Trước đây, tác giả đã từng phổ biến một bài viết để trị bệnh mất ngủ bằng Thiền Định (Ngọa Thiền).

Phương pháp này có kết quả tức thì, ngay khi tập lần thứ nhất tại Võ Đường của tác giả, thời gian đó, chính tác giả đứng gần để chỉ dẫn, cho nên chỉ 15 phút sau, một số người bệnh mất ngủ cả chục năm, đã ngủ say và “ngáy” vang lớp tập. Rất tiếc, một vài người đọc bài viết này đã cố tập ở nhà nhưng không thành công, vì không hiểu thấu hết ý nghĩa của từng động tác.)

Cần chuẩn bị 3 yếu tố sau đây: chuẩn bị chỗ ngủ, chuẩn bị cơ thể, chuẩn bị tập luyện.
 
1. Chuẩn bị chỗ ngủ
 
Nhiều người đã dùng thuốc và cố gắng tập tại phòng ngủ của mình cả chục năm, nhưng vẫn không ngủ được. Đơn giản: Người bệnh đã “dị ứng” thầm lặng với Không Khí và Môi Trường của phòng ngủ cho nên cứ bước vào phòng ngủ là lập tức cơ thể ngấm ngầm khó chịu, và phản ứng bằng cách... Không Chịu Ngủ!

Việc dị ứng này có thể là do nhiều lần cãi nhau với người phối ngẫu, thất bại trong vấn đề chăn gối, nằm trằn trọc suy nghĩ, tính toán về chính trị, thương mại, xã hội, con cái hư hỏng, người phối ngẫu ngáy quá to. Đôi khi vì đã chán chường thân thể người phối ngẫu sau nhiều năm chăn gối, hoặc là từng nằm bên cạnh người vợ hay chồng mà tư tưởng lại mơ tưởng đến ai khác… Vì thế, để dễ ngủ, phải đổi chỗ ngủ bằng cách dọn ra ngủ riêng.

Nơi ngủ phải đơn giản, không bừa bộn đồ đạc, thoáng mát, không treo những tranh ảnh lòe loẹt, hình ảnh chiến tranh. Màu sơn phòng phải sáng sủa. Giường không kê gần toilet, để tránh khi đang ngủ, có ai giật nước… Nệm giường không cứng và không mềm. Nên mua loại gối tròn nhỏ, để dưới gáy, không kê đầu lên cao, vì gối cao làm cho máu chạy lên óc chậm hơn, tim phải đập vất vả hơn mới tiếp tế đủ máu cho các tế bào não hơn.

Không dùng khăn trải giường trắng toát sẽ gây ra cảm giác là giường bệnh viện. Chọn màu xanh da trời nhạt. Nếu không có phòng riêng, thì phải chuẩn bị một cái giường đơn (twin) nhỏ ở phòng khách, dặn gia đình là khi nào chuẩn bị ngủ, không một ai héo lánh, gây tiếng động. Nên để một đèn “night lite” nhỏ bằng ngón tay cái, cho đủ ánh sáng ban đêm, không sợ hãi, có thể dùng đèn màu xanh da trời.

2. Chuẩn bị cơ thể

Ăn cơm trước khi đi ngủ 2 tiếng. Không ăn đồ nặng như tôm hùm, bíp tết, các món ít mỡ. Tuyệt đối không ăn da gà, da vịt, da heo. Dĩ nhiên là không bia, rượu, thuốc lá, cà phê. Ăn nhiều rau, trái. Trước khi đi ngủ, đánh răng xong thì đắp mặt bằng Khăn Mặt Nóng! Gấp khăn mặt làm 4 lần, hứng nước thật nóng vào khăn, ngửa đầu ra sau và nhắp nhắp khăn nóng lên trán vài lần cho đến khi chịu được thì đắp luôn lên mặt. Mục đích: kích thích cho máu tỏa ra trên trán và trên mặt, tạo cảm giác ấm áp, khỏe mạnh.
 
3. Tập luyện
 
a) Làm nóng người:

- Vặn và xoay từng khớp xương từ đầu đến chân, phối hợp với Hít Sâu, Thở Dài. Đầu tiên là xoay vòng cổ từ trái qua phải, nhắm mắt, hít vào thật chậm, thở ra thật chậm. Làm 5 lần. Ngược lại từ phải qua trái, cũng hít thở 5 lần.

- Xoay vai theo vòng tròn: tưởng tượng có 1 cái trục ngang chạy từ vai trái qua vai phải, thì xoay vai chung quanh cái trục đó, (không phải nhấc lên nhấc xuống.) Hít thở theo vòng xoay thật chậm.

- Vẫy cổ tay: vẫy cổ tay từ trên xuống dưới 10 lần. vẫy trái sang phải 10 lần. Hít thở thật chậm.

- Vuốt ngón tay: lấy ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải vuốt mạnh các ngón tay trái, rồi làm ngược lại, lấy ngón cái và ngón trỏ của tay trái vuốt mạnh các ngón tay phải. Hít thở thật chậm

- Xoay thắt lưng theo vòng Hullahup. Hai bàn tay chống hông, xoay thắt lưng chầm chậm từ phải qua trái 5 lần, rồi xoay từ trái qua phải 5 lần. Hít thở thật chậm.

- Xoay đầu gối: chụm hai đầu gối lại gần nhau, xoay đầu gối 10 lần từ trái qua phải rồi 10 lần từ phải qua trái. Hít thở theo vòng đầu gối thật chậm.

- Xoay cổ chân: đứng trên một chân. Bàn chân kia để dí ngón xuống đất rồi xoay cổ chân qua lại 10 lần. Đổi bên. Hít thở.

b) Tập Dịch Cân Kinh căn bản:

- Đứng thẳng, khoảng cách giữa hai chân bằng khoảng cách của vai. Ngậm miệng, lưỡi đè lên vòm họng. Từ từ giơ hai tay lên một lúc, nhấc gót chân lên, hít vào thật chậm, nhíu hậu môn. Khi hai tay đã giơ cao hết cỡ thì hạ tay xuống, hạ gót chân xuống, thở ra, mở hậu môn ra. Lần đầu tiên làm 200 lần, sau đó vài ngày, tăng lên thành 300, 400, 500. Thời gian để làm 200 lần đúng cách chỉ có 5 phút! Những người đã làm quen thì có thể làm 2000 lần một ngày.

c) Tập Dịch Cân Kinh biến thể:

Sau khi tập Dịch Cân Kinh căn bản vài trăm lần như thế, thì nghỉ xả hơi một chút rồi tập Biến Thế. Cũng giống như trên: hít vào, giơ tay lên cao, nhón gót, hít vào.. nhưng khi hạ tay xuống thì ngồi xuống như ngồi trên một cái ghế tưởng tượng. Không cúi gập người ra trước vì sẽ làm đau lưng, cố ngồi thẳng được bao nhiêu thì ngồi. Thế này rất mạnh, nên chỉ có thể làm 20 lần là đã mệt nhoài! Sau chừng 1 tháng, sẽ tăng lên thành 30, rồi 40 (tối đa).

Nghỉ xả hơi một lúc rồi lên giường nằm.

d) Tập Khí Công nằm:

Nằm thẳng, hai tay bỏ bên sườn. Từ từ co 1 chân lên, hít vào thật chậm, rồi thả chân ra, thở ra, nhưng không để chân xuống giường mà chỉ để gót chân song song với mặt nệm thôi. Lại hít vào, co chân… Làm chừng 20 lần thì mỏi, để chân xuống giường, nghỉ một chút rồi co chân kia… cứ thế, đổi chân, hít vào, thở ra.. Tổng cộng, mỗi bên chân phải làm tối thiểu 60 lần. Dần dần tăng lên thành 100 lần mỗi bên.

Tập xong, nằm thẳng, nghỉ xả hơi, hít vào, thở ra vài lần nữa là… Ngủ! Theo trao đổi của tác giả với một số người đã tập phương pháp này, có người đang tập co chân đã ngủ mất hồi nào không hay. Như đã nói trên, kết quả nhiều hay ít là tùy ý chí của người muốn dứt bệnh hay không. Trên phương diện tổng quát, đại đa số những người từng tập với tác giả bài này, đều đã ngủ ngon, không những thế, còn bớt cao máu, cao mỡ và tiểu đường cũng như thấp khớp. Một số vị đã dứt chứng tiểu són.

Vài hàng trao đổi, mong giúp được chút gì cho những ai đau khổ vì mất ngủ.
 
 
Chu Tất Tiến

 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com