User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
xet nghmau
 
Hỏi
 
Thưa bác sĩ, mỗi lần khám sức khỏe định kỳ, tôi thường được lấy máu để xét nghiệm. Sau đó, bác sĩ gia đình gửi cho tôi bảng kết quả. Tôi nhìn vào chẳng hiểu gì cả. Xin bác sĩ hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm. Cám ơn bác sĩ nhiều. (Trần K)
 
Trả lời
 
Kết quả xét nghiệm thuộc về chuyên môn nên người ngoài ngành thấy khó hiểu. Thông thường, khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ gia đình sẽ thông báo tình trạng sức khỏe cho mình biết. Trong bài này, chúng tôi cố gắng giải thích để ông hiểu phần nào thôi vì bác sĩ gia đình sẽ cho ông biết cụ thể.

1. Đếm tế bào máu (Complete Blood Count -C.B.C).

Kết quả thử nghiệm này cho ta biết thiếu hoặc thừa tế bào máu, ung thư máu, máu loãng hoặc đặc. Ðây là thử nghiệm mà hầu như mỗi lần khám bệnh là ta đều được làm:
 
– Hồng Huyết cầu (R.B.C): Từ 4 đến 5 triệu H.C./mm³.
 
– Bạch Huyết Cầu (W.B.C.): Từ 4000-5000/mm³.
 
– Tiểu cầu (Platelets): Từ 150,000-450,000 /mm3
 
– Huyết cầu tố (Hemoglobin): Từ 14-17 g/100mL.
 
2. Chất điện phân (Electrolytes) là những nguyên tử dẫn điện trong huyết tương. Khi nồng độ các chất này lên quá cao như trong bệnh thận suy hoặc quá thấp như khi ói mửa, tiêu chảy thì cơ thể đều bị ảnh hưởng. Và ta phải lấy bớt ra hoặc tăng cường thêm.
 
– Sodium:   135-145 mEq/L( Hoa Kỳ); 3.5-5 mmol/L(Quốc tế)
 
– Potassium:  3.5-5 mEq/L (Hoa Kỳ); 3.5-5 mmol/L (Quốc tế)
 
– Choride:  100-106 mEq/L (Hoa Kỳ); 100-106 mmol/L (Quốc tế)
 
Ba chất điện phân này cần cho sự cân bằng acid/base và duy trì áp suất thẩm thấu dung dịch chất lỏng trong cơ thể; dẫn truyền tín hiệu thần kinh.
 
– Calcium: 8.6-10.3/dL.
 
– Phosphore: 2.4-4.1mg/dL.

3. Chức năng gan

Khi gan bị viêm hoặc tổn thương, một số men của gan sẽ thay đổi.  Sau đây là các men gan chính:
 
– SGOT (AST):  0- 42 IU/Lít và SGPT (ALT) 0- 48 IU/lít: Các chất này tăng khi tế bào gan, tim, thận, tụy tạng, cơ bắp bị tổn thương.
 
– Alkaline phosphatase: 44 – 147 IU/lít: Lên cao khi hệ thống mật bị tổn thương.
 
– Billirubin: 0.2- 1.5 mg/ 100ml: Billirubin tăng khi gan bị tổn thương.

4. Chất protein

– Total Protein: 5.5- 9.0 gr/100ml: Protein giảm khi suy dinh dưỡng, bệnh gan, kém hấp thụ thực phẩm; tăng khi có nhiễm trùng kinh niên, suy gan, ghiền rượu, ung thư bạch cầu, lao phổi…
 
- Albumin: 3.5 – 5.gr/100ml: Albumin giảm khi suy dinh dưỡng, bệnh gan, tiêu chảy, nóng sốt, nhiễm trùng, phỏng nặng, thiếu chất sắt.
 
- Globulin: 2.0 – 3.5 gr/100ml: Globulin tăng trong bệnh của gan, nhiễm trùng kinh niên, thấp khớp; Globulin thấp khi suy dinh dưỡng, suy miễn dịch, bệnh thận.

5. Chất béo

Ðây là chất mà bà con lưu tâm nhiều nhất và cũng rất e ngại nhất. Y giới cũng dành nhiều công sức để nghiên cứu các chất béo này vì khi quá cao trong máu, chúng có thể gây ra nhiều rủi ro bệnh tim mạch.
– Cholesterol: Total Cholesterol toàn phần lý tưởng là dưới 200 mg/ 100ml;
 
. Từ 200 -240 mg/ 100ml thì tạm chấp nhận được nhưng cần giảm tiêu thụ chất béo, vận động cơ thể;
 
. Trên 240 mg/ml thì đến lương y ngay để khám nghiệm thêm rồi điều trị, dinh dưỡng đúng cách để trở lại bình thường.
 
Hầu hết cholesterol được gan tạo ra cho nên nhiều khi ta không phải ăn thêm thực phẩm có chất này. Cholesterol có nhiều trong chất béo động vật và hầu như không có trong thực vật.
 
– LDL: Viết tắt của chữ Low Density Lipoprotein, một thứ cholesterol do protein với tỷ trọng rất thấp. LDL dưới 100 mg/100ml máu là tốt, cao hơn số này là xấu, phải giảm tiêu thụ mỡ và nên uống thuốc.
 
– HDL: Viết tắt của High Density Lipoprotein là cholesterol tỷ trọng cao, được coi như lành tính có ích cho cơ thể. HDL dưới 35 mg/100 ml là không tốt mà càng cao lại càng tốt.
 
– Triglycerides dưới 200 mg/100 ml là bình thường mà trên số này là có rủi ro gây bệnh tim.

6. Đường huyết. 70-110 mg/ml (Hoa Kỳ); 3.9-5.6 mmol/L (Quốc tế)

Glucose là đường lưu hành trong máu do tự tiêu hóa thực phẩm carbohydrates mà ra. Ðường huyết được duy trì ở mức trung bình phần lớn là do chất insulin của tụy tạng. Nếu insulin thiếu hoặc không còn tác dụng thì đường huyết lên cao, ta bị bệnh tiểu đường. Ðường huyết thấp trong bệnh gan, thiểu năng tuyến giáp, ghiền rượu.

7. Sắt. 30- 170 ug/100 ml máu. Iron cần cho sự tạo hồng huyết cầu, chuyên chở dưỡng khí. Thiếu sắt ta bị bệnh thiếu máu (anemia).

8. Thử nghiệm tuyến giáp (Thyroid).

Thyroxine (T4): Từ 4- 12 ug/100 ml;
 
– T3-Uptake: Từ 27- 47%;
 
– T4: Từ 4- 12
 
– TSH: Từ 0.5- 6IU/L.
 
Kích tố tuyến giáp rất cần thiết cho sự chuyển hóa căn bản và sự phát triển tâm trí, cơ thể. Nếu thiếu gây ra chứng đần độn ở trẻ em, phù niêm ở người trưởng thành.
 
9. B.U.N. (Blood Urea Nitrogen): Từ 8-25mg/100ml (Hoa Kỳ); từ 2.9-8.9 mmol/L (Quốc tế)
 
– Creatinine: Nam: Từ 0.2-0.5 mg/dl (Hoa Kỳ); 15-40 umol/L (Quốc tế). Nữ: Từ 0.3-0.9mg/dl (Hoa Kỳ); 25-70 umol/L (Quốc tế)
 
– Uric acid: Từ 3.5- 7.5.
 
Ðây là các chất thải của sự tiêu hóa chất đạm cần được loại ra khỏi cơ thể qua thận. Các chất này ứ đọng trong máu là chỉ dấu của nhiều bệnh khác nhau như bệnh suy thận, thoái hóa cơ thịt, ăn nhiều thịt, tác dụng vài loại dược phẩm, uống ít nước. Uric acid lên cao trong bệnh thống phong (Gout).
 
 
BS Nguyễn Ý Đức
 
 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com