User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Tác phẩm duy nhất và nổi tiếng của nữ nhà văn người Anh, Emily Brontë, là quyển Wuthering Heights, có tên Việt ngữ là Ðỉnh Gió Hú. Trong bài viết này tôi xin đề cập hai nhà văn cũng là hai dịch giả Nhất Linh và Nguyễn Tường Thiết liên quan đến những bản dịch trước và sau năm 1975.

"Đỉnh Gió Hú" là một truyện tình lãng mạn, bi ai vì yêu nhau mà không thành, rồi sinh lòng thù hận, cốt truyện xảy ra nơi miền đồng hoang Haworth, vùng West Yorkshire, bên Anh quốc, tác phẩm đưa tâm hồn độc giả qua những cảm giác bi thảm vì sự buồn bã, ảm đạm nhất trong loại chuyện hư cấu. Vào cuối thế kỷ 18, phong trào lãng mạn (romanticism) đã tràn vào nước Anh và nền văn học Anh có bộ môn văn chương đáng lưu ý nhất là thi ca, thi phú (poetry). Đề cập đến phong trào lãng mạn này của nước Anh, chắc hẳn phải nói đến những tài danh như Lord Byron, Samuel Taylor Coleridge, Robert Burns, Percy Bysshe Shelley, William Wordsworth,  John Keats, William Blake,... Hãy kể thêm nhà văn nữ Jane Austen, người được xem như thuộc trường phái lãng mạn cổ điển, nổi bật qua các tác phẩm Sense and Sensibility (1811), Pride and Prejudice (1813), Mansfield Park (1814) và Emma (1815). Và đến cuối giai đoạn của phong trào lãng mạn này bỗng xuất hiện là những ngòi bút gây sóng gió cho văn chương Anh là những chị em nhà Brontë với các danh tác như Jane Eyre (Kiều Giang), Villette và Wuthering Heights (Đỉnh Gió Hú).

Đọc lời giới thiệu sách của nhà văn Nguyễn Tường Thiết khi giới thiệu tác phẩm Wuthering Heights, ông viết:

"Đỉnh Gió Hú là tác phẩm dịch thuật duy nhất của văn hào Nhất Linh. Ông đã dành những giờ rảnh hiếm hoi trong cuộc đời rất bận rộn của ông để dịch cuốn Wuthering Heights này từ nguyên tác Anh ngữ phối hợp với bản Pháp ngữ Les Hauts de Hurle-Vent của dịch giả Frédéric Delebecque. Đầu tiên ông dịch nhan truyện là Mỏm Gió Hú, về sau được sửa thành Đỉnh Gió Hú trước khi đăng một phần trên Nguyệt san Tân Phong (Sài Gòn, Việt Nam) vào năm 1960.",

kể tiếp về bản dịch của thân phụ Nhất Linh, ông viết:

"Trong bản thảo viết tay mà chúng tôi hiện giữ có ghi những mốc thời gian từ lúc khởi dịch cho đến khi kết thúc: 19-12-1952, 21-8-1953, 27-6-1960 và 18-1-1962. Như vậy, sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết sau cùng Giòng Sông Thanh Thủy vào năm 1961, Nhất Linh đã cố gắng mà không dịch xong Đỉnh Gió Hú trước khi ông qua đời vào ngày 7-7-1963...  Năm 1974 chúng tôi phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang có nhờ nhà văn Bảo Sơn dịch tiếp và Đỉnh Gió Hú được xuất bản lần đầu tiên năm 1974 tại Sài Gòn, Việt Nam... Hiện nay vì không có trong tay ấn bản của nhà Phượng Giang để in lại, nên chúng tôi quyết định đánh máy từ bản thảo của Nhất Linh và tự dịch tiếp một số chương cuối để hoàn tất và tái bản cuốn truyện giá trị này. Chúng tôi cố gắng theo sát tinh thần dịch thuật của văn hào Nhất Linh để giữ cho hơi văn toàn tác phẩm được thuần nhất."

Nhà văn Nhất Linh và nhà văn Nguyễn Tường Thuyết

Nhà văn W. Somerset Maugham đã chấm tác phẩm Đỉnh Gió Hú là một trong mười cuốn tiểu thuyết mà ông cho là hay nhất của mọi thời đại, (selected by W. Somerset Maugham as one of the 10 greatest novels of all time).

Dịch giả Nguyễn Tường Thiết viết tiếp:

"Dịch giả Nhất Linh đã ca tụng Đỉnh Gió Hú như là một trong những cuốn truyện hay nhất thế giới. Trong cuốn biên khảo của ông Viết và đọc tiểu thuyết Nhất Linh đã xếp Đỉnh Gió hú vào "những sách hay của nhân loại, đời đời công nhận, có giá trị bền mãi với thời gian, như những cuốn  Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina, Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn của Tolstoĩ, cuốn Những linh hồn chết của Gogol, cuốn Mấy anh em Karamazov, Những người bị ám ảnh của Dostoievsky...". Cũng theo cuốn biên khảo đó, Nhất Linh còn viết: “Trong cuốn sách lạ lùng của nữ văn hào Anh quốc Emily Brontë, cuốn Đỉnh Gió Hú, xuất bản năm 1847, tác giả đã để một người vú già kể chuyện lại. Một vú già kể chuyện thì còn làm gì có những chỗ giảng giải về tâm hồn, ý nghĩ nhân vật nữa, tuyệt nhiên không có, tuyệt nhiên vú già chỉ là người đứng ngoài thôi. Thế mà chỉ bằng một giọng kể chuyện rất thường, bằng những chi tiết, vú già đó đã cho người ta thấy tất cả cái sâu xa của tâm hồn người trong truyện."

Nhà văn Nguyễn Tường Thiết định cư tại Seattle, Washington, trong cuộc sống hưu trí, ông bỏ thời gian đọc lại, và hiệu đính khi đánh máy lại bản thảo của thân phụ, và dịch phần cuối dở dang của bản thảo về tác phẩm Wuthering Heights:

"Tôi tìm được một nơi có thể thực hiện cả hai thứ một lúc. Hồ Green Lake và quán cà phê Starbucks. Buổi sáng tôi thức dậy sớm lái xe đến hồ, đậu xe ở parking, chạy bộ một vòng quanh hồ chu vi 5 cây số, rồi tay xách cặp laptop, tôi đi ngang vườn hoa băng qua đường vào quán cà phê. Nơi đó nếu phía trong quán khách không ngồi đông lắm như hôm nay, tôi có một chỗ ngồi lý tưởng có thể vừa đánh máy vừa nhìn được cảnh bên ngoài."
Green Lake tọa lạc ở phía bắc của trung tâm thành phố Seattle, Washington, bên cạnh hồ là cái công viên trùng tên đẹp đẽ và thơ mộng. Nhà văn làm công tác hiệu đính và dịch thuật trong khung cảnh thiên nhiên thật lý tưởng, có món café Starbucks đi kèm. Thật nhất dương chỉ rồi chứ nhỉ. Tôi đọc tiếp:
"Đó là tập bản thảo dịch Đỉnh Gió Hú của Nhất Linh tôi đang đánh máy 50 năm sau tại một quán cà phê Starbucks thành phố Seattle ngày 23 tháng 8 năm 2006. Nơi một chiếc bàn tròn nhỏ sát cửa kính nhìn ra hồ Green Lake...
Nguyễn Tường Thiết."


Green Lake/Green Park, Seattle, Washington.

Phần kế người viết xin lược sơ về nội dung của danh tác Wuthering Heights, mà địa danh này mang tên vùng đất hoang vắng ở hướng tây của vùng Yorshire, nơi câu chuyện xảy ra. Về phiên bản được Holywood. Phiên bản điện ảnh đầu tiên của "Wuthering Heights" được quay tại Anh và đạo diễn bởi A.V. Bramble năm 1920 và các phiên bản kế tiếp sau đó.  2011 là phiên bản mới do Adrea Arnord đạo diễn, tham gia Liên hoan phim Venice. d quay thành phim vào năm 1939, do đạo diễn William Wyler thực hiện. Các diễn viên gồm:

1/ Vai chánh nữ do Merle Oberon Cathy [Catherine Earnshaw]
2/ Vai chánh nam do Laurence Olivier Heathcliff
3/ David Niven Edgar [Linton]
4/ Flora Robson Ellen [Dean]
5/ Geraldine Fitzgerald Isabella [Linton]
6/ Hugh Williams Hindley [Earnshaw]
7/ Leo G. Carroll (Joseph)
8/ Miles Mander (Lockwood)
9/ Cecil Kellaway (Earnshaw).
Hãng phim phân phối là Samuel Goldwyn, Inc.

Wuthering Heights đã nhiều lần được chuyển thể thành phim. Ngoài phiên bản trên được quay Mỹ trước Đệ Nhị Thế Chiến. Phiên bản điện ảnh đầu tiên của tiểu thuyết Wuthering Heights được quay tại Anh và đạo diễn bởi Albert Victor Bramble (1887–1963) vào năm 1920 và các phiên bản kế tiếp sau đó. Phiên bản gần nhất được sản xuất năm 2011 của Andrea Arnold, nữ đạo diễn từng đạt giải Oscar hạng mục phim ngắn năm 2005. Bộ phim từng được đề cử giải Sư tử vàng liên hoan phim Venice. Đây cũng là bản được Hội đồng Anh chọn giới thiệu.

Tác phẩm Đỉnh gió hú được nhà văn Emily Brontë cho xuất bản lần đầu năm 1847 dưới bút hiệu Ellis Bell, lần xuất bản thứ hai của tác phẩm là sau khi Emily đã qua đời và lần xuất bản này được biên soạn bởi chính chị gái của bà là Charlotte Brontë. Tên của tiểu thuyết bắt nguồn từ một câu chuyện tình yêu không thành giữa đôi tình nhân Heathcliff và Catherine Earnshaw, như hgai vai chính của cốt chuyện.

Đỉnh Gió Hú là một chuyện tìunh buồn, có yêu nhau và rồi có thù hận. Sự hận thù dai dẳng. Ngòi bút của Emily Brontë xoay quanh chủ đề Tình yêu và Thù hận, cốt truyện khai thác quan điểm chênh lệch về giai cấp xã hội. Người con nuôi Heathcliff không được dùng tên họ của dòng dõi Earnshaw đã cho thấy sự phân biệt ngay từ đầu. Heathcliff là nhân vật chính trong suốt cả tiểu thuyết. Anh là một đứa trẻ mồ côi được gia đình Earnshaw đem về nuôi nấng. Lọt vào gia đình Earnshaw Heathcliff dần dà đem lòng yêu thương con gái của cha mẹ nuôi là Catherine Earnshaw và trở thành cái gai trong mắt của anh trai của Catherine là Hindley. Rốt cuộc Catherine Earnshaw cũng đáp ứng yêu lại Heathcliff. Nhưng Catherine có tính cách phóng khoáng, thích bay nhảy và đôi khi quá bay bướm đùa giỡn với tình yêu, cô nàng yêu Heathcliff nhưng lại coi việc cưới anh này là không thể được vì hố sâu ngăn cách nề nếp xã hội, chênh lệch về địa vị của hai người. Để rồi người mà Catherine chọn làm chồng là Edgar, và chính sự lựa chọn này đã gây nên sự đau khổ cho cuộc đời Catherine, cùng cả hai người đàn ông Edgar và Heathcliff. Sự phiêu lưu tìunh cảm đưa đến sự trả thù nghiệt ngã của Heathcliff mà hậu quả là cái chết của chính Catherine vì bệnh tật và đau buồn ngay sau khi sinh con gái Cathy.

Trang bản thảo dịch "Đỉnh Gió Hú" của nhà văn Nhất Linh

Hareton Earnshaw là con trai duy nhất của Hindley Earnshaw. Hareton được Heathcliff nuôi dưỡng với mục đích biến cậu thành một gã ngang tàng, du côn hầu trả thù những gì Heathcliff đã phải trải qua ở nhà của họ Earnshaw. Chuyện tìunh đời sau tiếp diễn khi Hareton vẫn nảy sinh ra tình cảm yêu Cathy và hai người cũng lấy suôn sẻ tránh lặp lại bi kịch như mối tình của Heathcliff và Catherine.
Catherine "Cathy" Linton là con gái của Catherine Earnshaw và Edgar Linton. Cô được thừa hưởng tính tình phóng khoáng và mạnh mẽ của mẹ cũng như tình thương người của cha. Chính vì tình thương này mà cô đã bị Heathcliff bắt ép phải làm đám cưới với Linton để rồi nhanh chóng trở thành người đàn bà góa chồng. Sau một thời gian bị giam lỏng trong căn nhà ở Đỉnh gió hú, cô có cảm tình với con trai của Hindley là Hareton và cưới anh tình nhân sau cái chết của Heathcliff.

Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights) là tên nơi ở của ông dữ dằn Heathcliff, nhân vật chính trong tác phẩm văn chương lừng danh của Emily Brontë, xuất bản vào năm 1847, vài tháng sau khi xuất hiện tác phẩm danh tiếng Jane Eyre của người chị ruột là Charlotte Brontë. Tưởng cần ghi nhận vào cuối thế kỷ 18, trào lưu lãng mạn (romanticism) đã tràn vào nước Anh và nền văn học Anh có bộ môn hấp dẫn nhất là thi ca, thi phú (poetry). Khi nghĩ tới phong trào này của nước Anh, người ta liên tưởng tới các danh tài như Robert Burns, William Blake, William Wordsworth, Samuel Taylor Coleridge, John Keats, Percy Bysshe Shelley và Lord Byron.  Về bộ môn tiểu thuyết, ngoài Sir Walter Scott và một số tiểu thuyết gia loại Gothic hạng trung (minor Gothic novelists), còn có Jane Austen, nữ văn sĩ thuộc trường phái lãng mạn cổ điển. Tới cuối phong trào là 3 chị em văn sĩ Nhà Brontë với các tác phẩm "Kiều Giang" (Jane Eyre), "Villette" và "Đỉnh Gió Hú".

Sau cùng người viết xin duyệt qua về gia đình Brontë của những nhân tài văn học nhưng yểu mệnh. Văn học thế giới đã và sẽ còn nhiều bàn bạc để nói về trường hợp đặc biệt của ba chị em nhà Brontë: Charlotte Brontë, Emily Brontë và Anne Bronte. Mặc dù tuổi sinh mệnh của mỗi người không dài lắm, hay khá ngắn ngủi (người thọ nhất đã không vượt quá nổi số tuổi 40), song vậy họ đã làm được những thành tích phi thường là để lại cho đời những kiệt tác văn chương. Tuy nhiên, xét cho cùng gia đình Emily Brontë là một gia đình bất hạnh.

Emily sinh năm 1818 là em gái của Charlotte Brontë và là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Ngay từ khi còn nhỏ, Emily đã phải sống trong bầu không khí u ám xám xịt từ những cái chết của người thân xung quanh bà. Lên 3 tuổi, Emily đã chịu tang mẹ. Hai chị gái của bà cũng chết khi ở độ tuổi lên 10. Anh cả Branwell đầy tài năng cũng không sống được qua tuổi thanh xuân. Một năm sau khi Emily mất ở tuổi 30 thì Anne, em gái bà cũng ra đi. Trong các anh chị em, đặc biệt như Charlotte, người được xem là sống lâu nhất trong gia đình cũng không qua được tuổi 40. Người cha đau khổ sống để chôn cất tất cả các con của mình thì một năm sau ông cũng qua đời. Có thể do ảnh hưởng bởi những cái chết trẻ của những người xung quanh ngoài đời rồi sự chết chóc đó đi vào văn chương bi kịch tính như những nhân vật trong truyện tiểu thuyết này, tựa sách được chọn phản ảnh sự bi ai của câu truyện, cũng như địa thế và thiên nhiên xung quanh của tên "Đỉnh Gió Hú" tại vùng Haworth, Yorkshire, nơi mà người cha Brontë của bà làm mục sư. Ngôi nhà của gia đình trông ra nghĩa trang xứ đạo yên tĩnh và sau lưng nhà là một ngọn đồi cô quạnh trên địa thế cao lộng gió. Là một người sống vói cái riêng tư của chính mình, Emily thường ra đứng trên ngọn đồi này để nhìn thiên nhiên bao la quanh mình là những dải đồng hoang hoang vu của miền Bắc nước Anh. Lấy bối cảnh cho cốt truyện như vậy để Emily dựng cấu trúc cho tiểu thuyết độc đáo độc nhất của tác giả.

Chịu tang Mẹ mất sớm, cha là người tu hành sống cô độc lặng lẽ, như trên đã nói nhà nằm ở một con đồi vắng vẻ, quạnh hiu nên chị em nhà Brontë thường lẩn trốn vào thế giới văn chương chữ nghĩa, họ làm bạn với những tên tuổi trong sách vở William Shakespeare, John Milton, Kinh thánh, tâm hồn họ được gần gủi với những câu chuyện hư cấu tưởng tượng về một thế giới hoang đường để sáng tác tác phẩm của họ. Emily là mẫu phụ nữ thích ẩn mình khép kín, sống về nội tâm, bà có những đam mê riêng tư như về sách vở văn học, thậm chí Emily không muốn ai can thiệp vào những cái thuộc về đời tư. Bà buồn lòng người chị cả, khi Charlotte xen vào bài viết muốn sửa đổi cốt truyện của bà.

Truyện Đỉnh Giói Hú của Emily Brontë như đã đề cập được các nhà văn W. Somerset Maugham và Nhất Linh ca tụng giá trị của danh tác này. Trong một cuộc bầu chọn những câu chuyện tình đẹp nhất mọi thời đại ở Anh quốc năm 2007, chuyện tình của Catherine và Heathcliff được chọn đứng đầu bảng chọn lựa, vượt trên cả chuyện tình bi thương Romeo và Juliet của Shakespeare (hạng thứ 2), chuyện tình giữa Elizabeth và Darcy trong tiểu thuyết Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và Định kiến), được in 1813 của Jane Austen (hạng thứ 3). Chủ đề chính của cuốn truyện Đỉnh Gió Hú là sự trả thù, dù rằng ở phần sau của cốt truyện Heathcliff đã bỏ ý định trả thù.

Duyệt qua cuốn truyện đầy bi kịch này ta nhận thấy nó đã mô tả những tội lỗi của mọi nhân vật và tất cả đều bị trừng phạt, ngoại trừ đôi tình nhân hậu sinh Catherine và Hareton thật sự thương nhau và vì nhau trong cuộc sống, hai người trẻ này đã vượt qua những khó khăn của quá khứ để làm điều lành lánh điều dữ. Do đó sự nhận xét của người viết bài Đỉnh Gió Hú trình bày sự tương phản giữa điều tốt và điều xấu, như tình yêu và sự thù hận. Tác giả Emily Brontë cho sự kết thúc của truyện của bà viết có hậu. Câu châm ngôn xưa cho rằng "Lòng thù hận chỉ dấy lên sự xung đột, nhưng tình yêu thương sẽ tránh được tất cả những tội phạm", hay như nhà văn Josh Billings quan niệm: "Không có sự trả thù nào hoàn chỉnh bằng sự tha thứ". Xin cho tôi chấm dứt bài viết trong những ý nghĩ này.

(Xin đặc biệt gửi bài viết đến nhà văn Nguyễn Tường Thiết nhân đọc bài viết của anh cho tôi ngẫu hứng khi đọc lại danh tác này mà nhà văn Nhất Linh đã chọn dịch thuật, bởi những giá trị cao quý của tác phẩm).

 

Việt Hải
Los Angeles, 15/01/2015

 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com