(Dàn Bài Chi Tiết này đã được dùng để thuyết trình ngày thứ Bảy 14 tháng 8 –Do Ban Dại Diện các TT Việt Ngữ tổ chức tại Coastline Community College, Westminster, Nam Calif. Sau đó, bài thuyết trình cũng được dùng để nói tại Đại Học Berkeley trong hai lớp khác nhau từ 12PM tới 3PM, ngày Thứ Hai 18 tháng 10 năm 2010, ở miền bắc California.)
I. Nhập đề:
1- Ở đâu, miền Nam hay Bắc, quá khứ hay hiện tại, cũng có nhiều áng thơ hay. Tuy nhiên, vì thời lượng có hạn, nên bài nói chuyện này sẽ chỉ dẫn chứng thi ca miền Nam Việt Nam và, thời gian từ 1954 tới hôm nay.
2- Tiếng Việt thuộc loại Đơn-âm (Monosyllabic). Không phải Đa-âm (Polysyllabic) như tiếng Anh hay tiếng Pháp.
3- Tuy nhiên, tiếng Việt phong phú hơn các loại đơn âm khác, bởi vì ngoài 5 dấu, còn có 3 dấu chữ là “ư”, “ơ” và “ô”. Bên cạnh đó, cũng chỉ tiếng Việt mới có những từ kép, như xa vắng, buồn bã, lạnh lùng, bâng khuâng, v.v…
Thí dụ:
Ngày vui xê xích hai hàng
Tháng so le đếm bờ ngăn bến rào.
(Thơ Bùi Giáng / bài “Thưa Em Saigòn.”)
II. Chứng minh sự phong phú của tiếng Việt qua cú pháp và, thi ca
A- Văn Phạm hay Cú Pháp
Nói tới văn chương hay thi ca là, nói tới văn viết. Mà, nói tới văn viết thì trước nhất, phải nói tới Văn Phạm, hay Cú pháp.
– Nói tới văn phạm hay cứ pháp là nói tới những yếu tố căn bản cấu tạo thành 1 câu (one sentence) hay một mệnh đề (one clause) đầy đủ.
– Một mệnh đề đầy đủ là mệnh đề phải có đủ 3 yếu tố:
(1) Chủ Từ (thường là nhân xưng đại danh từ.)
(2) Động Từ.
(3) Bổ túc từ (thường là tính từ.).
Thí dụ:
Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng.
(Nguyên Sa / bài “Áo Lụa Hà Đông.”)
Trong câu thơ thứ nhất, chúng ta có:
– Anh là Nhân xưng đại danh từ. “Anh” là Chủ từ / Subject (tức 1)
– Đi là Động từ / Verb (tức 2.)
– Chợt Mát là Bổ túc từ / Complement (tức 3.)
1- Nhân Xưng Đại Danh Từ / Person-Pronoun. (Viết tắt NXĐDT)
a- Như tiếng Anh, NXĐDT của tiếng Việt có 3 ngôi:
– Ngôi thứ nhất: Tôi. Ta. Tao. Tớ…
– Ngôi thứ nhì: Anh. Chị. Cậu. Đằng ấy…
– Ngôi thứ ba: Nó. Hắn. Y. Thị…
b- Như tiếng Anh, NXĐDT của tiếng Việt cũng có số nhiều và số ít.
Thí dụ:
- Tôi, Ta, Tao, Tớ (ngôi thứ nhất, số ít) / Chúng tôi, Chúng ta, Chúng tao (ngôi thứ nhất, số nhiều)
– Anh / chị (ngôi thứ nhì số ít.) / Các anh / các chị (ngôi thứ nhì, số nhiều.
- Nó, hắn (ngôi thứ ba, số ít.) / Chúng nó, bọn bay, bày, lũ… (ngôi thứ ba số nhiều.)
c- Trong khi đó, tiếng Anh chỉ có “I” cho ngôi thứ nhất số ít. “We” cho ngôi thứ nhất số nhiều. “You” cho ngôi thứ hai – Dùng cho cả số ít lẫn số nhiều. Và “He / She” cho ngôi thứ ba số ít. “They”, số nhiều, dùng cho cả nam lẫn nữ.
d- Đặc biệt, tiếng Việt còn phong phú hơn nữa, khi chúng ta có những nhân xưng đại danh từ tính theo bậc thang tuổi tác, hoặc theo trật tự cành nhánh của gốc cây gia tộc, nội ngoại. Như:
1- Chúng ta xưng Anh hay Chị với những người nhỏ tuổi hơn.
2- Chúng ta xưng “Cháu” hay “Con” với những người có số tuổi có thể ngang bằng ông, bà, cha, mẹ, chú, bác dì, dượng, cậu mợ chúng ta.
- Thí dụ bằng thơ cho ngôi thứ nhất (số ít):
Chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng.
(Thơ Đinh Hùng / bài “Mộng Dưới hoa.”)
- Hay ngôi thứ nhất (số nhiều):
Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
Dăm bảy nụ cười không xóa nổi ưu tư
Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa.
(Thơ Nguyên Sa / bài “Bây Giờ.”)
- Thí dụ bằng thơ cho ngôi thứ nhì (số ít):
Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông.
(Thơ Tô Thùy Yên / Bài “Ta Về.”)
- Hay ngôi thứ nhì (số nhiều):
tụi bây muốn sống? – Quên cho lẹ
mũ đỏ, đen gì cũng đã xong.
tao cam phận kiếm tô canh cặn,
bây rồi cũng thế !- Liệu nghe con.
(Thơ Du Tử Lê / bài “Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi.”)
– Thí dụ bằng thơ cho ngôi thứ ba (số ít):
Hay là đêm ấy Ngưu lìa Chức
Xé nát da mình lau mắt ai?
Còn được gì đâu cho mặt trống
Đập lên hoang vắng đến ghê người
(Thơ Vũ Hoàng Chương / bài “Ba Kiếp Lang Thang.”)
- Hay ngôi thứ ba (số nhiều):
Mai mốt ta về sao gặp đủ
Những thằng em dại bỏ đi hoang
Những cô con gái ngày hai bữa
Chưa biết rời chân bước khỏi làng.
(Thơ Lâm Hảo Dũng / bài “Gởi Em Áo Bạc.”)
e- Tiếng Anh cũng không phân biệt nam / nữ như hệ thống NXĐDT của tiếng Việt. Họ chỉ có một chữ “I” và “You” mà thôi. Trong khi tiếng Việt, chúng ta có: Anh / Chị. Ông / Bà. Cô / Chú. Dì / Dượng v.v…
Thí dụ:
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc.
(Thơ Nguyên Sa / bài “Tháng Sáu Trời Mưa.”)
2- Động Từ / Verb.
– Như đã nói, tiếng Việt là tiếng đơn âm, nhưng có nhiều tiếng kép. Nhờ thế, tiếng Việt trở nên phong phú hơn bất cứ một ngôn ngữ đơn âm nào khác.
– Tính chất tiếng-kép của ngôn ngữ Việt không chỉ có với các danh từ mà, nó cũng có với các động từ, tính từ nữa. Thí dụ:
Động từ “chia”, chúng ta có một lọat những tiếng đi theo sau chữ “chia” như: Chia đôi. Chia tay. Chia lìa. Chia phôi. Chia ly v.v… Trong khi tiếng Anh chỉ có một chữ thông dụng nhất là “To separate.” Ta cũng tìm thấy rất nhiều động từ chia tay, chia ly, chia phôi, chia xa, chia tan…trong những bài thơ hay của Việt Nam.
- Thí dụ
Sao người không là một con đường
Sao tôi không là một ga nhỏ
Mà cũng có những giờ gặp gỡ
Cũng có những giờ chia tan?
(Thơ Nguyên Sa / bài “Tiễn Biệt.”)
3- Tính từ / Adjective:
Về tính từ (có người còn gọi là hình-dung-từ,) thì tiếng Việt còn phong phú hơn nữa với những tiếng kép như: Xấu xa, xấu xí, hay dối gian, dối trá, dối gạt… v.v…Trong khi tiếng Anh người thường chỉ dùng một chữ “bad” để chỉ cái xấu; và chữ “false” để chỉ điều dối trá.
Về chữ dối trá hay dối gian, trong thơ chúng ta có:
Người cũng vậy lòng muôn nghìn dối trá
Vờ thương yêu vờ đắm đuối ân tình
Tôi trót dại tin lời trao tất cả
Đâu biết người mang nửa dạ yêu tinh
(Thơ Nhã Ca / Bài “Bài Tháng Sáu.”)
Ngay tính từ “wild” của tiếng Anh, nếu chuyển sang Việt cũng có rất nhiều từ kép, cùng nghĩa như: Hoang vắng, hoang sơ, hoang tàn, hoang dã, hoang liêu…
Thí dụ:
thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
và cô đơn đã ghi dấu trên tay
chân đã bước trên lối về hoang vắng
còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy
(……)
ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ.
(Thơ Hoài Khanh / Bài “Ngồi Lại Bên Cầu.”)
B. Sự phong phú của tiếng Việt qua nghệ thuật chọn chữ
Chính vì sự giàu có của tiếng Việt mà các nhà thơ Việt Nam có nhiều cơ hội chọn lựa những chữ thích hợp mà danh từ của giới làm thơ gọi là “đắc địa.”
1- Nơi những áng thơ hay, người đọc ít nhiều thường gặp được những chữ đắc địa. Như một câu thơ sau đây, của Trần Dạ Từ:
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang.
(Trích bài “Nụ Hôn Đầu” thơ Trần Dạ Từ.)
Chữ “đắt” nhất trong 2 câu thơ trên là hai chữ “hết hồn.”
a- Trong trường hợp này, tiếng Việt cung cấp cho tác giả nhiều tiếng đồng nghĩa như: Giật mình. Kinh ngạc. Hoang mang. Hoảng hốt v.v…
b- Lại nữa, thay vì “con ve,” tác giả có thể chọn “con sâu,” “con chim”… Nhưng chọn “con ve” thì mới xác định được thời gian xẩy ra “nụ hôn đầu” đó, là mùa hè.
c- Nhà thơ Nguyên Sa trong một bài thơ nổi tiếng, nhan đề “Nga” cũng có hai câu thơ nhiều người thuộc là:
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh…
Cũng vậy, bên cạnh chữ “ốm,” sự phong phú của tiếng Việt cho phép tác giả có nhiều chữ khác như: Yếu. Bệnh. Đói.
Nhưng chữ “ốm” đặc địa hơn cả vì nó vừa mang tính chất thơ hơn cả, lại vừa nói lên được sự quan tâm một cách thiết tha, ân cần của tác gia dành cho người yêu.
2- Với những tác giả thực sự có tài thì, trong những áng thơ hay của họ, người đọc cũng nhận ra sự phong phú của tiếng Việt trong lãnh vực hiểu ngầm, còn được gọi một cách chuyên môn là “ngôn tại, ý ngoại” – Tức ý sâu xa nằm bên ngoài con chữ.
– Thí dụ 1:
Nhà thơ nữ Nhã Ca có hai câu thơ được nói tới nhiều:
Tôi vẫn biết tội thân làm con gái
Đời không thương tất cả héo khô dần.
Câu thơ hay vì tính chất thâm thúy của ngôn ngữ Việt, ngầm nói về sự khô héo các cơ phận trên thân thể người phụ nữ, khi không được kích thích.
– Thí dụ 2:
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường. (Thơ Nguyên Sa.)
Màu vàng của áo khiến tác giả liên tưởng tới mầu vàng hoa cúc. Trong khi màu xanh cũng của áo, khiến tác giả liên tưởng tới lá xanh.
C- Sự phong phú của tiếng Việt qua những từ ngữ địa phương được đem vào trong thơ
Sự phong phú của tiếng Việt còn nắm nơi những đặc ngữ, hay những tiếng nói mang yếu tố địa phương tính.
1- Như ở miền Trung, chúng ta có những từ ngữ đặc biệt như: “Bên ni, Bên tê.” “Ốt rột. “Dị hợm” v.v…
2- Hoặc những từ ngữ mang tính địa phương miền Nam, miệt vườn như “Chàng màng.” “Làm xàm.” “Khi không.” “Điếc lác.” “Lền lặc.” “Mèng đéc.” “Đen thui.” “Ốm nhom, ốm nhách.” v.v…
Những từ ngữ có tính địa phương ấy, người ta gặp rất nhiều trong thơ Phương Triều, Tô Thùy Yên, Minh Đức Hoài Trinh, Nhã Ca, Cao Đông Khánh…
3- Và, không phải chỉ những nhà thơ sinh trưởng ở Huế hay trong miền Nam mới sử dụng mà, hầu như tất cả các nhà thơ đều dùng nếu thích. Vì đó là ngôn ngữ chung của dân tộc. Điều này, cũng nói lên tính phong phú của tiếng Việt.
III. Kết luận
Sau quá nửa đời người sống với thi ca Việt Nam, tới hôm nay, tôi vẫn còn có những giây phút ngạc nhiên tới thích thú khi nhận ra sự phong phú kỳ diệu của tiếng Việt.
Du Tử Lê