Tuy không có quan hệ tiếp biến văn hóa, nhưng điều thú vị là khi nói đến Ả Đào Việt Nam, người ta có tâm lý liên tưởng đến nàng Geisha Nhật Bản và ngược lại.
Từ thế kỷ 16, Việt Nam và Nhật Bản đã có quan hệ ngoại giao kinh tế, thành quả là khu phố cổ Hội An – một di sản nhân loại. Song quan hệ ngoại giao văn hóa giữa hai nước chưa có những sự kiện xứng tầm quốc tế. Trong tương lai, Việt Nam và Nhật Bản cần một đối tượng để đối thoại văn hóa, thông qua đó hai dân tộc biết được những điều mà họ có chung để cùng chia sẻ và chuyển hóa những giá trị văn hóa. Chúng tôi đề xuất hình tượng người ca nữ như một hiện tượng mà hầu như nền văn hóa nào cũng có từ rất lâu đời. Tuy không có quan hệ tiếp biến văn hóa, nhưng điều thú vị là khi nói đến Ả Đào Việt Nam, người ta có tâm lý liên tưởng đến nàng Geisha Nhật Bản và ngược lại.
Với khái niệm Ả Đào và khái niệm Geisha, hai dân tộc Việt – Nhật có chung một cách hiểu, đó là cách gọi biểu trưng cho cái đẹp, biểu tượng của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Người Việt Nam hình dung Geisha như một Ả Đào Nhật Bản, và có lẽ, để hiểu khái niệm Ả Đào, người Nhật sẽ cho rằng đó là Geihsa Việt Nam.
Geisha (tiếng Nhật: nghệ giả – con người của nghệ thuật) là người nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc, lại vừa có khả năng phục vụ nhu cầu văn hóa truyền thống Nhật Bản (trò chuyện, trà đạo, cắm hoa, thư pháp…). Trong lịch sử, Geisha là một nghề khởi đầu là nam giới, song, do tính tất yếu của nghề nghiệp và tâm lý nhìn nhận của xã hội, người ta vẫn nghĩ geihsa là nữ nghệ giả, chỉ đề cập đến geihsa nữ – như một đối trọng so sánh với Ả Đào Việt Nam.
Ả Đào là tên gọi (cổ xưa nhất) đã có từ đời Lý Thái Tổ (thế kỷ 11), theo truyền thuyết về Đào thị có nhan sắc, giỏi ca hát được vua khen tặng, nên dân gian gọi ca nương hát ca trù là Ả Đào nhằm chỉ người con gái đẹp, hát hay. Từ đây, ta có nội hàm của khái niệm: Ả Đào là chức danh của một nữ nghệ nhân hát ca trù, còn được gọi là cô đầu. Chữ “cô đầu” thì có người cho là cô đào bị nói trệch đi (ả là chữ nho có nghĩa là cô, Ả Đào có nghĩa là cô đào). Đỗ Trọng Huề thì cho là chữ đầu ám chỉ tiền hoa hồng (tiền đầu) mà các cô ca sĩ phải trả cho thày dạy hát của mình. Cô đầu lại cũng thường được dùng để chỉ những cô ca sĩ có nhiều học trò. Cô đầu thoát thai từ Ả Đào. “Tiếng cô thay tiếng ả cho rõ ràng, tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng bậc danh ca” (1).
Lịch sử ra đời của Ả Đào trước Geisha đến ba thế kỷ nhưng khách của Ả Đào – nhà nho tài tử lại ra đời muộn hơn khách của Geisha – tăng lữ và võ sĩ cũng ngần ấy thời gian. Nhà nho tài tử Việt Nam đến muộn mà còn ra đi sớm hơn võ sĩ Nhật. Nguyên nhân là do lịch sử phong kiến Nhật là một vương triều độc lập, đã sớm có những thành tựu văn hóa từ thời Heian (794-1192) – văn hóa của quý tộc, đến giai đoạn nội chiến của các lãnh chúa (1185-1603) tạm gọi là thời trung đại – văn hóa của các tu sĩ và võ sĩ.
Còn Việt Nam, sau 1000 năm Bắc thuộc, những triều đại được gọi là thịnh chỉ mới bắt đầu từ Lý – Trần (1010-1400), sau là Lê – Nguyễn (thế kỷ 15 – cuối thế kỷ 19). Sự ra đời của nhà nho tài tử gắn liền với sự phát triển của đô thị, mà ở Việt Nam do tình hình chiến tranh liên miên nên đô thị phát triển không mạnh và không liên tục. Vì thế tầng lớp thị dân Việt Nam cũng ra đời muộn hơn Nhật Bản (2).
Cũng như Ả Đào có tiền thân là con hát, ca nương (thế kỷ 2 trước CN), Geisha khởi thủy với hai tiền thân là Saburuko (cuối thế kỷ 7) nghĩa là người phục vụ và Shirabyoshi (thế kỷ 11) lúc đầu chỉ là tên một vũ khúc, về sau nó được đặt tên cho các cô gái thường biểu diễn vũ khúc này để phục vụ cho các võ sĩ (Samurai). Vào cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17, khi cấu trúc xã hội Nhật bị phá vỡ, sự sa sút của nhiều gia đình quý tộc khiến cho nhiều cô gái biến thành Shirabyoshi để có thể tồn tại.
Và trong khi Ả Đào khai sinh liền với sự ra đời của ca trù từ thế kỷ 15 thì mãi đến thế kỷ thứ 18, Geisha của Nhật Bản mới hình thành. Thế kỷ 18 ở Nhật là thời Edo (1603-1868) với văn hóa thị dân (Chonin): thương nhân, nghệ sĩ, kỹ nữ, thời của những thành phố không đêm, của nhà hát, lữ quán, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
Vào năm những năm 1945, nghề Ả Đào suy tàn thì nghề Geisha cũng tàn lụi khi Nhật Bản dốc toàn lực vào Thế chiến II, dù sau đó có được phục hồi, thời hoàng kim đã qua đi vĩnh viễn. Đội ngũ Geisha lại thiếu vắng người kế cận khi Quốc hội Nhật Bản ban hành luật cấm thiếu nữ chưa tròn mười lăm tuổi học làm Maikô (tức Geisha tập sự). Thống kê năm 1980 cho biết cả nước Nhật còn đến 17.000 Geisha hành nghề, đến nay chỉ vào khoảng 200, chủ yếu ở cố đô Kyoto.
Như vậy, về mặt lịch đại, Ả Đào có lịch sử hình thành sớm hơn Geisha rất nhiều. Nhưng xét về mặt đồng đại thì văn hóa đô thị của Ả Đào xuất hiện muộn và kết thúc sớm hơn Geisha. Sự chênh lệch này ảnh hưởng lớn đến văn hóa ứng xử trong tiếp biến văn hóa của hai hình tượng này.
Không gian của Ả Đào là giáo phường và ca quán. Giáo phường là trường dạy nhạc, ca quán là nhà hát, về sau các ca quán kiêm luôn chức năng vừa đào tạo vừa kinh doanh nghề hát như nhà Geisha. Nhà Geisha còn đặc biệt hơn ca quán ở chỗ, nó được xây dựng theo mô hình kiến trúc nhà Minh – dành riêng cho việc ăn chơi, hưởng lạc. Các Geisha tập trung hầu hết ở Kyoto, một cố đô với hình ảnh lặng lẽ, huy hoàng của một quá khứ, và thủ đô Tokyo với nhịp sống sôi động, ồn ào của xã hội công nghiệp. Các nàng sống tập trung tại một vài khu phố, người Nhật gọi là Hanamachi (hoa nhai). Geisha thành phố (Machi Geisha) hoạt động tự do tại các buổi tiệc bên ngoài các khu phố giải trí, trong khi các Geisha khu phố (Kuruwa Geisha) giải trí cho khách trong các buổi tiệc ở các khu phố giải trí.
Ca quán, cũng như nhà Geisha, là không gian giải trí, không gian cảm hứng nghệ thuật, không gian làm việc (viết báo, xã giao, bàn việc kinh doanh…) của khách làng chơi. Không gian văn hóa Geisha, cũng như không gian văn hóa Ả Đào, mang dáng dấp cung đình hơn dân dã, đó là không gian phòng, không có những tiết mục sôi động như ca vũ tạp kỹ. Vì thế, nhạc cụ cũng khá tinh giản, Ả Đào chỉ dùng đôi phách tre, Geisha ngoài cây đàn Shanmisen còn dùng sáo trúc và mấy chiếc trống, trống nhỏ Tsutsumi vác lên vai, trống nhỡ Okawa kê trên đùi, còn trống lớn Taikô đặt cạnh người diễn.
Nhưng xét riêng từng khía cạnh, sự khác biệt cơ bản giữa Ả Đào và Geisha là chủ thể văn hóa: một bên là văn hóa làng xã và văn hóa quý tộc phong kiến, còn một bên là văn hóa thị dân. Nguyên nhân là do sự khác biệt về giai cấp giữa Ả Đào và geihsa. Ả Đào xuất thân từ giai cấp nông dân. Trong sinh hoạt đời thường của con nhà nông, Ả Đào ban ngày làm ruộng vườn hoặc chăn tằm dệt vải. Đến tối họ tới giáo phường để luyện tập đàn hát do quản giáp và mấy Ả Đào già nhiều kinh nghiệm chỉ bảo. Geisha xuất thân từ tầng lớp thị dân. “Con nhà gia thế sa cơ dấn thân vào chốn xa mã công khanh. Họ có giao ước với mụ chủ thời hạn làm việc, họ được tự do, không có một thế lực gì bắt họ phải theo ý muốn người khác được, ở phòng trà ấy, họ được giáo dục hoàn hảo” (3). Nhiều Giesha nhận được sự nâng đỡ từ những gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu, các dòng họ nổi tiếng.
Từ khác biệt cơ bản trên, ta hiểu văn hóa Ả Đào có nguồn gốc từ văn hóa tín ngưỡng tôn giáo dân gian, từ một nghệ nhân chuyên hát thờ ở đình làng về sau mới trở thành một cô đầu chuyên phục vụ giải trí cho quý tộc, trí thức. Trong khi đó, văn hóa Geisha chỉ thuần túy là văn hóa giải trí, không dính dáng gì đến tín ngưỡng tôn giáo.
Song, Ả Đào và Geisha đều tương đồng ở chỗ cả hai có một đời sống văn hóa theo những quy phạm nhất định. Họ bị cấm ăn mặc khó coi, phải mặc cùng một kiểu trang phục, tóc chải theo một kiểu đồng nhất, chỉ phục vụ những nhóm khách vài ba người và không bị ép buộc phải tiếp người khách nào mà họ không thích. Được yêu quý, trọng vọng, nhưng theo quy luật của nghề nghiệp, họ phải chôn chặt những khát khao thầm kín, ngay cả tình yêu trong thế giới đầy chuẩn mực.
Vì đối tượng khách của Ả Đào và Geisha đều là nam giới nên khi đề cập hai hình tượng này không thể không xét đến khía cạnh văn hóa giới – mối quan hệ nam và nữ nhìn từ văn hóa xã hội.
Ở đây có sự tương đồng về cấu trúc văn hóa giới, nếu Ả Đào luôn đi cạnh văn nhân Việt Nam thì Geisha không thể tách rời võ sĩ Nhật, cũng như thiền sư và kỹ nữ nói chung. Cấu trúc này không có gì thay đổi về bản chất, chỉ thay đổi về hình thức danh xưng, văn nhân xưa kia là nhà nho, hiện đại là trí thức, văn nghệ sĩ được gọi chung là quan viên; khách của Geisha trước đây là võ sĩ thì ngày nay là khách thượng lưu, gọi chung là người bảo trợ (Danna)…
Cấu trúc văn hóa này đã làm nên nét đặc thù riêng cho văn hóa Ả Đào và văn hóa Geisha, giúp ta nhận diện ra đó là thứ văn hóa giải trí. Ả Đào và Geisha đóng vai trò là người phục vụ văn hóa truyền thống (Ả Đào xướng thơ, hầu rượu), Geisha phục vụ bằng nghệ thuật hát, thưởng trà, rượu, ngâm thơ… Qua đó ta thấy Ả Đào và Geisha cũng có nhiều nét tương đồng về quan niệm mỹ học, triết lý nhân sinh. Văn hóa giải trí này tạo ra những điều kiện và phương tiện (ngôn ngữ và các hệ thống ký hiệu) cho mối quan hệ giao tiếp xã hội.
Như trên, ta thấy Ả Đào và Geisha luôn bị đặt trong mối quan hệ phụ thuộc nhà nghề và phụ thuộc người đàn ông – khách chơi nghệ thuật. Theo truyền thống, Ả Đào không được kết hôn với người ngoài nghề. Geisha cũng không được kết hôn hoặc khi kết hôn thì phải kết thúc sự nghiệp.
Hệ quả của cấu trúc văn hóa đã tạo điều kiện cho nghề Ả Đào và Geisha một khả năng giao tiếp rộng, ma lực hấp dẫn cao nên nó đóng vai trò định hình bộ mặt văn hóa xã hội. Tiền đề này đã tạo nên một cấu trúc võ sĩ và Geisha trong lịch sử, văn chương và văn hóa. Hình tượng kỹ nữ đi vào văn học, như tác phẩm “Xứ tuyết” của Kawabata mang trong mình niềm mê hoặc đặc biệt về phụ nữ Nhật Bản – điển hình là giới Geisha. Ở Việt Nam, tác phẩm “Chùa đàn” của Nguyễn Tuân cũng dấy lên sự nỗi ám ảnh huyền hoặc về tiếng hát của Ả Đào có khả năng cứu rỗi số phận một con người, một cộng đồng thôn Mê Thảo.
Mặt khác, nhìn vào cấu trúc văn hóa “Văn nhân – Ả Đào, Võ sĩ – Geisha,” ta cũng phần nào hiểu được khả năng tiếp biến văn hóa của người Việt và người Nhật giai đoạn trung cận đại.
Cùng tiếp thu tư tưởng của Nho giáo Trung Hoa, nhưng Việt Nam và Nhật Bản có sự khác nhau. Để tiếp thu cách quản lý tập quyền của Nho giáo, Việt Nam thì rập khuôn, ngay cả giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, chính quyền cũng dựa trên chỉ một bộ máy trung ương- triều Lê, nghĩa là bộ máy quan chế của ta hoàn toàn giống như Trung Quốc. Còn ở Nhật Bản thì theo một hướng khác. Thời trung đại, Nhật Bản đã có 300 lãnh chúa cát cứ, đứng đầu là một lãnh chúa mạnh nhất Mạc Phủ kiêm tể tướng, một đại tướng quân (Shogun) chứ không phải một bộ máy quan liêu như ở nước ta. “Vì không có bộ máy quan liêu nên nó không dựa vào kẻ sĩ mà phải dựa vào võ sĩ, không có đẳng cấp sĩ phu mà chỉ có thứ bậc võ sĩ” (4).
Ngoài Nho giáo, Ả Đào và Geisha có chung ảnh hưởng Đạo giáo và tín ngưỡng thờ vật linh. Khởi thủy, Geisha là những con đồng ở phái thần đạo, tiêu biểu cho chủ nghĩa khoái lạc – cũng đeo vàng dát ngọc, cũng tin thần linh, bất cứ nhà Geisha nào cũng có mèo xứ, sành hay một con cáo – thần Inari, họ tin rằng cáo chạy nhanh sẽ mang những lời cầu khẩn của họ lên trời mau hơn (5). Ả Đào thì thờ Thanh Xà đại vương và Mãn Đường Hoa công chúa (Đinh Lễ – Bạch Hoa) và các vị thần của Đạo giáo như Đông Phương Sóc, Lã Đồng Tân…
Bên cạnh đó, phần lớn các loại hình nghệ thuật Ả Đào và Geisha đều tiếp thu cảm nghiệm của Phật giáo. Nghệ thuật hát Ả Đào lấy cảm hứng chủ đạo từ triết lý của nhà Phật. Nhiều loại hình nghệ thuật Geisha sử dụng như: trà đạo, hoa đạo, hương đạo, thư pháp… cũng nằm trong trường ảnh hưởng của Phật giáo Thiền tông (6).
Cái đẹp của Ả Đào và Geisha cũng ít nhiều tiếp thu từ cái nhìn mỹ học Trung Hoa, một hệ thống quan điểm về nghệ thuật làm đẹp của nữ giới theo hai hướng mỹ cảm: trau chuốt cầu kỳ đến mức điêu luyện; theo cái đẹp tự nhiên chân chất, mộc mạc nhưng sâu xa, ý vị (7).
Về mặt này thì Nhật Bản có ưu thế hơn Việt Nam vì tính duy mỹ là văn hóa truyền thống lâu đời của Nhật. Trong “Cổ sự ký” (Kojiki), huyền tích về thuở hồng hoang Nhật, Thái dương thần nữ Amaterasu là nữ thần của ánh sáng và sắc đẹp. Geisha được miêu tả cụ thể với hình tượng người con gái có làn da trắng xóa như búp bê sứ, đôi môi đỏ chót rực rỡ và đôi chân mày cong vút thanh mảnh đầy duyên dáng. Trang phục Kimono: mùa nào các Geisha cũng phải thắt lưng (Obi) bằng tấm lụa thêu rực rỡ quấn mấy vòng quanh bụng và buộc nút sau lưng, trông như đeo cái trống cho nên còn gọi là nơ trống. Cho thấy, Geisha có cả một nghệ thuật trang điểm và làm tóc.
Ở Việt Nam, cái đẹp của Ả Đào chỉ mang tính ước lệ tổng hợp qua mấy câu thơ của văn nhân xưa (khuyết danh):
“Mặt tròn thu nguyệt
Mắt sắc dao cau
Vào – duyên khuê các
Ra – vẻ hồng lâu
Lời ấy gấm
Miệng ấy thêu
Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban, Tạ
Dịu như mai
Trong như tuyết
Nét phong lưu chi kém bạn Vân – Kiều.”
Trang phục “đầu vấn khăn, mặt tô son, điểm phấn, tóc bỏ đuôi gà, mặc áo năm thân dài quá gối, màu xanh điểm hoa (có khi dùng màu khác), cài khuy bên phải, quần dài đen chấm gót như các tố nữ trong tranh tứ bình…” (8). Trong lúc diễn xướng, làm trò, ấn tượng Ả Đào để lại cho người xem là sự trang nghiêm, trông có vẻ thụ động, có phần âm tính hơn Geisha.
Cái đẹp của Ả Đào tương quan với cái đẹp của Geisha
Vấn đề mặc quốc phục cũng là một biểu hiện giữ gìn bản sắc của Ả Đào và Geisha. Ngoài nghệ thuật, hình thức cũng là một cách thể hiện văn hóa cổ truyền: người hát trong trang phục truyền thống sẽ khác biệt rất nhiều so với người hát ăn mặc Âu phục.
Văn hóa tận dụng của Geisha là tiếp thụ các lợi thế của văn hóa Âu – Mỹ và phát huy nghệ thuật truyền thống để thu hút khách, phô trương sự lịch lãm, sang trọng. Chương trình phát thanh “Tokyo Rose” (chương trình Tâm lý chiến của Hoa kỳ, tương tự như Chương trình “Dạ Lan” của VNCH) thời Thế chiến II dùng giọng nữ tuyệt vời đã làm chao đảo tinh thần quân đồng minh. Kiharu Nakamura, một Geisha nổi tiếng nhất với biệt danh Geisha duy nhất nói được tiếng Anh, trở thành cầu nối về văn hóa giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. nhiều nghệ sĩ và ngôi sao thể thao thế giới đã từng thưởng thức tài nghệ múa hát của Kiharu. Bà cũng chính là nguồn cảm hứng để Cocteau viết nên bài thơ Geisha.
Sự quan tâm ngày càng cao đối với Geisha và ngoại hình đặc biệt của họ đã khơi lên nhiều hiện tượng văn hóa đại chúng ở cả Nhật Bản và phương Tây. Gần đây nhất là phong cách trang điểm kiểu Geisha được đề xướng sau thành công và sự nổi tiếng của tiểu thuyết Hồi ức của một Geisha và bộ phim cùng tên. Ca sĩ Madonna xuất hiện trên video âm nhạc Nothing Really Matters (1999) trong trang phục Kimono cách điệu với trang điểm đậm màu như một Geisha.
Ở Việt Nam, không có văn hóa tận dụng này, nguyên nhân chính là do tầng lớp trí thức theo xu hướng hoài cổ không có nhiều. Những năm sau 1945, Mỹ ném bom vào xóm Khâm Thiên (Hà Nội), Nguyễn Tuân đã gọi đó là “hành động cư xử thô bạo với tiếng hát Ả Đào.” Suốt những năm chiến tranh “chống Mỹ,” tiếng hát Ả Đào tưởng bị lãng quên, thập 1980, tiếng hát Ả Đào mới được Trần Văn Khê giới thiệu ra quốc tế, đào nương Quách Thị Hồ mang vinh quang về cho đất nước với bằng danh dự của UNESCO, các nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học trên thế giới bắt đầu bị mê hoặc bởi giọng ca độc đáo này. Có thể nói, ca trù được thế giới biết đến nhờ tiếng hát Ả Đào Quách Thị Hồ trực tiếp hoặc gián tiếp qua đĩa CD đầu tiên mà UNESCO phát hành có tên ca trù.
Đối phó với làn sóng Âu Mỹ hóa, bào mòn văn hóa truyền thống, chính quyền Việt Nam cũng như Nhật Bản có hai cách: cách tiêu cực là cấm hẳn nghề Ả Đào và Geisha, cách tích cực hơn là tìm việc làm mới cho những nghệ nhân, nghệ giả này, đưa họ vào hệ thống quản lý, xem như một nét văn hóa cần bảo tồn. Cũng như Ả Đào, Geisha cũng chịu áp đặt bởi văn hóa Âu Mỹ mà sản phẩm chính là khiêu vũ (9).
Phản ứng cá nhân trước thời cuộc, các Ả Đào Việt Nam chọn con đường mai danh ẩn tích, đi làm thuê… trở về với công việc nhà nông là nguồn gốc xuất thân của họ. Trong nhận thức, Ả Đào hành động theo cảm tính phụ nữ Việt Nam giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Lịch sử đã ghi nhận những chiến công của các Ả Đào như nàng ca nhi Đào Đặng lập mưu giết giặc Minh, các Ả Đào hạt Quảng Yên phá súng thần công giặc (10)… Còn Geisha thì không tham gia chiến đấu, nhưng họ nhận thức bằng lý trí. Họ biết phát huy ưu điểm là sự cầu kỳ, giỏi thích nghi, khéo chiều chuộng, xa xỉ, khó gần (chỉ có giới quý tộc và doanh nhân mới trả nổi cái giá rất đắt để được gặp Geisha). Nhưng điều đó lại càng khiến Geisha trở nên hấp dẫn tính hiếu kỳ của mọi người hơn. Văn hóa Nhật còn cho Geisha cái đặc quyền được lựa chọn đối tượng phục vụ. Vì người Nhật ưa thực tế hơn và sẵn sàng dẹp bỏ tính tự tôn để thích nghi với tình huống mới. Lối ứng xử này mang đặc trưng rất Geisha.
Văn hóa Ả Đào và văn hóa Geisha là hiện tượng có thật, đã từng tồn tại trong lịch sử hai nền văn hóa Việt – Nhật. Đó là văn hóa giải trí, hiểu đơn giản là hình thức mượn tiếng mỹ nhân để thưởng ngoạn nghệ thuật.
Là hiện tượng văn hóa nghệ thuật, đồng thời cũng là hiện tượng xã hội, Ả Đào và Geisha vừa sống trong môi trường chính trị xã hội hiện hữu vừa sống trong môi trường văn hóa dân tộc, trở thành hình tượng văn hóa của mỗi quốc gia.
Cần phân biệt rõ sự lựa chọn nào của Ả Đào và Geisha là văn hóa và sự lựa chọn nào là phi văn hóa… để có cái nhìn khách quan và nhân văn khi đánh giá Ả Đào và Geisha. Từ đó, hai bên có cách quản lý văn hóa tích cực, giúp phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.
Hiện tại ở Việt Nam và Nhật Bản còn rất ít những Ả Đào và Geisha thực thụ có được thành công như những gì mà tổ nghề của họ đã gây dựng nên. Thế giới văn hóa tao nhã của Ả Đào và Geisha đang có xu hướng bị thu hẹp, ít mang tính truyền thống hơn để thay vào đó những hình thức giải trí phục vụ số đông. Cũng ít ai bận tâm đến văn hóa truyền thống của hai hình tượng này còn gì là bản sắc, có gì là tiếp biến văn hóa hay không. Chính vì vậy, nét sâu sắc, ý vị của Ả Đào và nét huyền bí của Geisha cần phải được khai thác ở nhiều góc độ.
Nguyễn Hoàng Anh Tuấn
(Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật)
_____________
Chú thích:
- Vũ Bằng, Hát Ả Đào – lịch sử ra sao? Ông tổ là người nào? Mà Ả Đào, cô đầu và nhà tơ có khác nhau không?, Tạp chí Văn học số 138-1971, tr.3-15.
- Trần Đình Hượu tuyển tập, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.640.
- Châm Vũ, Nghệ sĩ Việt Nam và Geisha Nhật Bản, Tạp chí Văn hóa nguyệt san số 7-1965, tr.1116-1173.
- Trần Đình Hượu, Các bài giảng về tư tưởng phương Đông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr.278.
- 9. Vũ Bằng, Geisha, Tạp chí Trung Bắc chủ nhật, số 39-1940, tr.11-15.
- Hợp tuyển văn học Nhật Bản, Nxb Lao động, Hà Nội, 2010, tr.590.
- Đỗ Văn Khang, Nghệ thuật học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.105.
- Dân ca Thanh Hóa, Nxb Văn học, Hà Nội, 1965, tr.36-38.
- Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb TP.HCM, tr.149.
- Arthur Golden, Đời kỹ nữ – hồi ức của một Geisha, nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.607.
Trần Văn Giang (ghi lại)