Trong bài “Những Giá trị về Cần lao trong Văn học của Người Bình dân Việt Nam Như Là Những Động lực Thúc đẩy Phát triển Kinh tế”1, chúng tôi có trình bày một nghiên cứu của nhà xã hội học và cũng là kinh tế gia nổi tiếng người Đức, Max Weber, trong cuốn The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (1905), đưa ra giả thuyết là những đặc tính của các tín đồ Tin Lành, nhất là các tín đồ thuộc hệ phái Calvinism, như sự cần cù trong việc làm, tính tằn tiện, và không hoang phí đã đưa đến sự phát triển kinh tế ở những quốc gia chịu ảnh hưởng đạo Tin Lành. Alain Peyrefitte trong cuốn Le Mal Français cũng dẫn chứng bằng những thí dụ của những quốc gia tiến bộ chịu ảnh hưởng của đạo Tin Lành như Mỹ, Thuỵ Điển, Gia Nã Đại, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Đức, Na Uy, Úc, Hoà Lan, Phần Lan, Vương Quốc Liên Hiệp Anh, Tân Tây Lan, những quốc gia có lợi tức đầu người hằng năm trung bình là 3,500 đô; đối chiếu với những quốc gia phát triển chịu ảnh hưởng của Công giáo La Mã như Pháp, Bỉ, Áo, Ý, Ái Nhĩ Lan, Ba Lan, Á Căn Đình, Vê-nê-du-ê-la, Tây Ba Nha, Chí Lợi, Bồ Đào Nha, Uruguay thì lợi tức đầu người của những quốc gia này là 2,000 đô2.
Tuy nhiên Benito Arruñada, trong một bài nghiên cứu “Protestants and Catholics: Similar Work Ethic, Different Social Ethic”3 đăng trên tờ The Economic Journal, 2010, 120 (547), 890-918 (Barcelona Economics Working Paper Series Working Paper nº 497), đã phủ nhận giả thuyết về sự khác biệt giữa Tin Lành và Công Giáo về phương diện “cần cù làm việc”.
Benito Arruñada đưa ra hai mô hình nghiên cứu: Mô hình (1) dựa trên giả thuyết của Max Weber là sự cần cù làm việc của những người theo đạo Tin Lành đã thúc đẩy sự phát triển thương mại và kĩ nghệ hơn những người theo đạo Công Giáo. Mô hình (2) dựa trên giả thuyết là những đặc tính xã hội của tín đồ Tin Lành khác với những đặc tính xã hội của tín đồ Công Giáo và chính những đặc tính xã hội này của tín đồ Tin Lành đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại những quốc gia chịu ảnh hưởng của đạo Tin Lành hơn là ở những quốc gia dưới ảnh hưởng của Công Giáo La Mã. Mô hình (1) được gọi là mô hình “đạo đức cần lao” (work ethic) và mô hình (2) được gọi là mô hình “đạo đức xã hội” (social ethic).
“Đạo đức cần lao” được đo lường bằng (1) số giờ làm việc và (2) sự thành công (tiền lương) trong công việc. “Đạo đức xã hội” được đo lường bằng (1) sự kiểm soát xã hội, nghĩa là những người trong cộng đồng kiểm soát lẫn nhau về hành vi thi hành đạo đức, (2) sự tôn trọng luật pháp và các thể chế pháp lí, và (3) một hệ thống giá trị đồng nhất.
Benito Arruñada dùng “phân tích quy hồi tuyến tính bội” (mulitple linear regression analysis) để trắc nghiệm xem có sự khác biệt về “đạo đức cần lao” giữa người theo đạo Tin Lành và những người theo đạo Công Giáo hay không. Kết quả phân tích thống kê cho thấy là không có sự khác biệt giữa tín đồ Tin Lành và tín đồ Công Giáo về “đạo đức cần lao”, nghĩa là tín hữu Tin Lành không làm việc cần cù hơn tín hữu Công Giáo, nhưng có sự khác biệt rõ rệt về “đạo đức xã hội”, nghĩa là tín đồ Tin Lành (1) có khuynh hướng kiểm soát lẫn nhau về hành vi đạo đức hơn tín đồ Công Giáo; tín đồ Tin Lành (2) tôn trọng luật pháp và các thể chế pháp lí hơn tín đồ Công Giáo; và (3) tín đồ Tin Lành có một hệ thống giá trị đồng nhất hơn tín đồ Công Giáo. Theo Benito thì chính sự khác biệt về “đạo đức xã hội” này đã làm cho những quốc gia chịu ảnh hưởng của Đạo Tin Lành (Calvinism, Pietism, Methodist) phát triển hơn là những quốc gia dưới ảnh hưởng của đạo Công Giáo La Mã.
Benito xét định hiện tượng không có sự khác biệt giữa tín hữu Tin Lành và tín hữu Công Giáo về “đạo đức cần lao” qua nhận định là vì cuộc nghiên cứu của Max Weber về ảnh hưởng của cuộc Cải Cách của Đạo Tin Lành (The Protestant Reformation) vào thế kỉ 16, 17 lên các quốc gia, kéo dài đến đầu thế kỉ 20 khi Max Weber cho phát hành cuốn The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (1905) phân tích tình trạng kinh tế của các quốc gia, thì trong khoảng thời gian này, theo Benito, có thể có sự khác biệt giữa hai nhóm tín đồ về “đạo đức cần lao”. Nhưng khi Benito cho phát hành cuộc nghiên cứu vào năm 2010 sau cuộc nghiên cứu của Weber (1905) hơn một thế kỉ, thì sự khác biệt đó, cũng theo Benito, có thể không còn nữa vì một khi nền kinh tế tư bản đã phát triển ở những quốc gia tiến bộ thì vì cạnh tranh, mọi quốc gia đều phải tranh đấu làm việc cần mẫn như nhau.
Sự khác biệt về “kiểm soát xã hội” (social control) trong ý nghĩa tín hữu Tin Lành kiểm soát lẫn nhau về hành vi đạo đức hơn tín hữu công Giáo được Benito và nhiều học giả khác giải thích là vì niềm tin của tín hữu Tin Lành, đặc biệt là hệ phái Calvinism, vào “tiền định” (predestination), nghĩa là niềm tin vào việc Chúa chỉ chọn cứu rỗi một số người nhất định, số người còn lại sẽ bị đoạ đày trong hoả ngục. Tiếp xúc với Thượng đế, theo quan điểm của tín đồ Tin Lành, hệ phái Calvinism, phải trực tiếp qua Thánh Kinh, không qua trung gian của hàng giáo sĩ. Và vì không qua trung gian của hàng giáo sĩ, họ – như là một cộng đồng – phải độc lập, miệt mài cố gắng thi hành đạo lí như là dấu ấn của sự chọn lựa của Thiên Chúa và phương pháp duy nhất để bảo đảm cộng đồng Chúa chọn thi hành đạo lí là phải kiểm soát lẫn nhau. Hiện tượng này khiến cho cộng đồng tín hữu Tin Lành có hành động độc lập, tự quản rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế thị trường. Những lỗi lầm về đạo lí, luân lí của tín hữu Công Giáo được các linh mục hoà giải ở toà giải tội và do đó đã cá nhân hoá hành vi đạo đức. Điều này không đưa đến sự hình thành cộng đồng độc lập và tự quản.
Kết quả phân tích cũng cho thấy là tín hữu Tin Lành tôn trọng pháp luật và các thể chế pháp lí hơn tín hữu Công Giáo. Benito có được kết luận này là vì ông tìm thấy tín hữu Công Giáo, do truyền thống bênh vực người thân trong gia đình hay bạn bè hơn người ngoài, nên có lẽ đã không tuân thủ pháp luật như tín đồ Tin Lành. Quan điểm này được minh hoạ bởi những câu trả lời khác nhau cho một câu hỏi mà ông đặt ra cho cuộc nghiên cứu là trong trường hợp một người bạn lái xe quá tốc lực hạn định bởi luật pháp, tông phải một em bé và gây thương tích cho em bé này, người Công Giáo có khuynh hướng bào chữa bạn mình và không tố cáo là bạn mình đã lái xe nhanh trong lúc tín đồ Tin Lành nói lên sự thật dù có thể mất bạn. Hai lí do chính mà Benito trưng bày khiến người Công Giáo không tuân thủ pháp luật bằng tín hữu Tin Lành là (1) vì người Công Giáo có truyền thống trân quý gia đình và người thân, và (2) vì các thể chế pháp lí được tài trợ bằng tiền thuế trong lúc lịch sử Âu châu cho thấy là đã từng có một sự tranh chấp giữa chính quyền và giáo hội Công Giáo về tiền thuế nên đã ảnh hưởng đến thái độ của tín đồ công Giáo đối với các thể chế pháp lí. Kết quả về việc tín hữu Tin Lành tuân thủ và hỗ trợ pháp luật và các thể chế pháp lí một cách công bằng chứng tỏ tính độc lập của cá nhân, không lệ thuộc vào những ràng buộc bà con thân thuộc hay bạn bè. Và đức tính xã hội này đóng góp vào sự phát triển của sự tự do, độc lập, và tin tưởng ở người khác, những yếu tố cần thiết cho phát triển kinh tế thị trường.
Sự khác biệt giữa tín hữu Tin Lành và tín hữu Công Giáo về sự đồng nhất của hệ thống giá trị có nguồn gốc từ sự độc lập của những cá nhân của tín hữu Tin Lành trong một cộng đồng tự kiểm soát và tin tưởng lẫn nhau một cách công khai trong mục đích tuân phục cùng chung một hệ thống luân lí và giáo lí được chấp nhận bởi cộng đồng tự quản và được tin là được Chúa chọn. Tín đồ Công Giáo, mặc dù cũng có một hệ thống giá trị chung dựa trên các “điều răn” của Thiên Chúa và của Hội Thánh, nhưng hệ thống giá trị này thường được cá nhân hoá bởi trung gian của các linh mục qua toà giải tội cho nên việc cắt nghĩa các giá trị cũng được cá nhân hoá và do đó không đồng nhất vì không công khai. Sự đồng nhất về giá trị của tín đồ Tin Lành đưa đến sự tin tưởng ở người lạ và làm cho kinh tế thị trường dễ phát triển trong lúc tín đồ Công Giáo ưa chuộng những hoạt động kinh tế mang tính chất gia đình hơn vì truyền thống tin tưởng gia đình, bạn bè hơn tin người lạ.
Tất cả ba đặc tính xã hội của người theo đạo Tin Lành: (1) kiểm soát xã hội, (2) hỗ trợ và tuân phục luật pháp và các thể chế pháp lí, và (3) một hệ thống giá trị đồng nhất, trong cuộc nghiên cứu của Benito, đều có hệ số tương quan (correlation coefficient) với và được tin là nguyên nhân của phát triển thương mại và kĩ nghệ.
Tóm lại, phân tích cuộc khảo sát của Benito Arruñada cho thấy là không có sự khác biệt giữa tín đồ Tin Lành và tín đồ Công Giáo về “đạo đức cần lao”, nghĩa là tín hữu Tin Lành không làm việc nhiều hơn và không thành công hơn tín hữu Công Giáo. Nói cách khác, điều này có nghĩa là trong kỉ nguyên này, người Công Giáo cũng làm việc cần mẫn, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế như tín hữu Tin Lành. Kể từ thế kỉ 17 thì có lẽ vì thời kì Cải Cách đã thúc đẩy tín đồ của đạo Tin Lành có một “đạo đức cần lao” khác với tín đồ Công Giáo và đóng góp nhiều hơn vào việc phát triển kinh tế. Nhưng một khi đã cất cánh bắt đầu từ cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, nền kinh tế tư bản tự bản chất đòi hỏi mọi quốc gia phải cạnh tranh để hội đủ những điều kiện “ắt có” cũng như những điều kiện “đủ” cho sự phát triển. Tuy nhiên, cho đến những thập niên đầu của thế kỉ 21 (Nghiên cứu của Benito, 2010), người ta vẫn còn thấy trong số những quốc gia tiến bộ, những quốc gia chịu ảnh hưởng đạo Tin Lành vẫn phát triển hơn những quốc gia dưới ảnh hưởng của đạo Công Giáo La Mã. Benito Arruñada đã cắt nghĩa sự vượt trội này bằng “đạo đức xã hội” của những người theo đạo Tin Lành bao gồm (1) sự kiểm soát xã hội, (2) sự hỗ trợ và tuân phục luật pháp và các cơ chế pháp lí, và (3) một hệ thống giá trị đồng nhất của những cộng đồng đạo Tin Lành.
Một vài điểm đòi hỏi phải được cẩn thận lưu ý về kết quả của cuộc nghiên cứu này vì lí do (1) cỡ mẫu (sample size) được dùng cho cuộc nghiên cứu rất lớn gồm 32 quốc gia với 19,246 điểm quan sát (observations) cho nên phân tích dễ đưa đến sự khác biệt thống kê (statistical significance) trong lúc trong thực tế có thể không có sự khác biệt, và (2) hệ số tương quan (correlation coefficient) giữa hai biến số không hẳn có nghĩa nguyên nhân và hiệu quả, và (3) dữ kiện phân tích dựa trên lời nói về hành vi chứ không dựa trên quan sát trực tiếp hành vi của đối tượng. Nói cách khác, sự khác biệt tìm thấy có thể chỉ là sự khác biệt giả tạo (artificial) vì mẫu nghiên cứu lớn hay vì đối tượng khi trả lời câu hỏi không phản ánh sự thật mà thôi. Ngay cả khi có sự khác biệt thực sự thì điều này cũng không cho phép kết luận là “đạo đức xã hội” là nguyên nhân của sự phát triển kinh tế tại những quốc gia chịu ảnh hưởng của đạo Tin Lành mặc dù có khá nhiều yếu tố kĩ thuật liên hệ giúp nhà nghiên cứu có lí do để tin vào kết luận của mình.
Nghiên cứu của Max Weber cũng như nghiên cứu của Benito Arruñada giúp chúng ta nghĩ đến hoàn cảnh của Việt Nam.
Trong bài “Những Giá trị về Cần lao trong Văn học của Người Bình dân Việt Nam Như Là Những Động lực Thúc đẩy Phát triển Kinh tế”, chúng tôi đã chứng minh là người bình dân thôn dã Việt Nam cũng thể hiện những đặc tính về “đạo đức cần lao” cần thiết cho việc phát triển kinh tế như tín đồ Tin Lành. Trong bài này “Những Giá trị Xã hội trong Văn học của Người Bình dân Việt Nam Như là Những Động lực Thúc đẩy Phát triển Kinh tế”, chúng ta thử cùng nhau khảo sát xem người Việt Nam có hội đủ những đặc tính của “đạo đức xã hội” bao gồm những đặc tính như (1) kiểm soát xã hội, (2) tuân thủ luật pháp và các thể chế pháp lí, và (3) có một hệ thống giá trị đồng nhất hay không.
Trước tiên ta thử xét định xem người Việt Nam có có cùng chung một hệ thống giá trị đồng nhất hay không. Suốt dọc dài lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng của ba tôn giáo chính, Phật giáo, Khổng giáo, và Lão giáo. Mãi đến thế kỉ 17, Thiên Chúa giáo mới bắt đầu có mặt tại Việt Nam, và tỉ lệ tín đồ Thiên Chúa giáo cho đến ngày nay chỉ chiếm khoảng từ 6% đến 10% dân số. Lão giáo có rất ít ảnh hưởng. Khổng giáo có ảnh hưởng lớn nhất vì hầu như bất cứ người dân nào cũng biết đến nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu, đễ [tình anh em], công, dung, ngôn, hạnh. Căn bản đạo đức của Khổng giáo là “nhân”, rất gần với quan niệm “từ bi”, nền tảng của Phật giáo, và với “bác ái”, nền tảng của Thiên Chúa giáo. Ảnh hưởng của Khổng giáo mạnh và được phổ biến rộng rãi trong quần chúng là vì suốt 20 thế kỉ, từ thế kỉ thứ nhất đến đầu thế kỉ 20, nền giáo dục Việt Nam chính yếu là nền giáo dục Khổng giáo. Nấc thang xã hội duy nhất là nấc thang quan trường: Sĩ tử học Tứ Thư, Ngũ Kinh, nhuần nhuyễn văn chương, kinh sử và kiến thức đạo đức về tam cương, ngũ thường, ngũ luân, tam tòng, tứ đức để mong đi thi, đỗ đạt, và làm quan. Trên là thờ vua, dưới là cai quản người dân mà đại đa số (90%) là nông dân và một số ít người sống bằng tiểu công nghệ. Giới sĩ phu là thành phần ưu tú của đất nước và có ảnh hưởng mạnh, về hành vi đạo đức, trên quần chúng dân dã. Ảnh hưởng mạnh là vì họ có uy quyền và vì họ cũng là những nhân tố chủ yếu trong việc phổ biến kiến thức của nền giáo dục Khổng Mạnh. không phải ai cũng muốn làm quan: có người chỉ muốn dấn thân vào công cuộc giáo dục, có người thì vì thi hỏng nên làm nghề dạy học. Hầu như ở làng nào trước thế kỉ 20 cũng có ít nhất là một thầy đồ dạy học cho trẻ con cầu học ở trong làng. Nhưng chỉ một số ít trẻ con theo học đạt được mộng ước sĩ phu. Đa số vì gia cảnh hoặc vì khả năng sút kém phải bỏ học. Và để trẻ con có thể theo dõi, phương pháp dạy học, một cách trực giác, phải đi từ dễ đến khó. Dễ là dạy lễ nghĩa, đạo đức trước, sau mới đến văn chương chữ nghĩa: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Do đó phần đạo đức của Khổng giáo được phổ biến rộng rãi trong đại đa số quần chúng. Đối với giới sĩ phu thì tam cương, ngũ thường, ngũ luân, tam tòng, tứ đức là những huấn từ bất di dịch của các thánh nhân nên hoàn toàn không được phê bình, không thể thay đổi. Nhưng một khi đã được phổ biến vào đám người bình dân thôn dã thì những phạm trù luân lí này đã được thích ứng theo lí luận và hoàn cảnh sống thực tế của nông dân. Do đó người bình dân thôn dã cũng tin vào và sống theo nhân, nghĩa, lễ, trí, trung/hiếu, và đễ, còn tam tòng và tứ đức thì hình như họ tảng lờ vì không thích hợp với đời sống nông dân, để dành cho giai cấp trí thức, trung lưu. Chữ “trung” – trong ý nghĩa là trung thành với vua, được dành riêng cho giới sĩ phu hoặc cho các sĩ tử ước mong mộng quan trường – đối với người bình dân thôn dã, thường đồng nghĩa với “hiếu”, như được phản ánh qua ca dao, tục ngữ. Làng mạc, xa kinh thành, phương tiện giao thông giới hạn, người dân không cảm thấy phải trung thành với vua như giới sĩ phu, mà chỉ biết phụng dưỡng cha mẹ và trung thành với cha mẹ.
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Hoà,
Hỏi trong ba chữ, thờ cha chữ nào?
-Chữ Trung thì để thờ cha,
Chữ Hiếu thờ mẹ, chữ Hoà thờ anh.
Trời cho cày cấy đầy đồng,
Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê.
Một mai gặt lúa đem về,
Thờ cha kính mẹ, trọn bề hiếu trung.
Hữu bằng tự viễn phương lai,
Lạc hồ quân tử lấy ai bạn cùng.
Chữ Hiếu, chữ Trung là thầy với mẹ,
Chữ Nhân, chữ Nghĩa là ái với ân.
Yêu nhau bao quản xa gần.
Đói lòng ăn bát cháo môn,
Để cơm nuôi mẹ cho tròn hiếu trung.
Mình về, ta chẳng cho về,
Ta nắm lấy áo, ta đề câu thơ.
Câu thơ ba chữ rành rành,
Chữ “trung”, chữ “hiếu”, chữ “tình” là ba.
Chữ “trung” thì để phần cha,
Chữ “hiếu” phần mẹ, đôi ta chữ “tình”.
“Trung” trong văn hoá bình dân còn có nghĩa là trung thành với người yêu, với vợ hay chồng:
Làm trai thì ở cho trung,
Chớ ở hai lòng mà hoá dở dang.
Ai về xóm Bóng, Hà Ra,
Đi ngang hòn Chữ cho ta nhắn lời.
Nhắn ai nuôi chí vá trời,
Lòng trung tạc đá muôn đời còn bia.
Tóm lại, mẫu số chung về hệ thống giá trị của người Việt Nam là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và trung/hiếu, đễ. Giới sĩ phu Việt Nam có thái độ khắt khe của chính thống và trong nhiều trường hợp, mang tính cố chấp, trong niềm tin này. Người bình dân thôn dã phóng khoáng và thực tế hơn. Tính thực tế và phóng khoáng này còn được thể hiện qua ca dao và tục ngữ bằng những hình thức đối kháng những bất công, nhất là những bất công của nam giới đối với nữgiới trong lãnh vực phân công và tình ái. Tuy nhiên, người ta vẫn nhận thấy một hệ thống giá trị đồng nhất cho tất cảmọi người Việt Nam.
Về phương diện “kiểm soát xã hội” thì ca dao, tục ngữ là phương pháp kiểm soát xã hội rất hiệu nghiệm. Người dân ở mọi tầng lớp thường thuộc lòng những câu ca dao, tục ngữ và hay đọc lên những câu này trong gia đình vì thích thú, hợp tình, hợp lí, hay có mục đích giáo dục: Khuyên răn, hỗ trợ, ca tụng những tập quán tốt hay chỉ trích, châm biếm, bài bác những thói xấu. Trong bài “Những Giá trị về Cần lao trong Văn học của Người Bình dân Việt Nam Như Là Những Động lực Thúc đẩy Phát triển Kinh tế”, chúng ta đã chứng kiến nhiều câu ca dao, tục ngữ ca tụng sự cần mẫn trong việc làm, sự tằn tiện trong việc tiêu xài. Sự kiểm soát này không chỉ dừng lại ở hỗ trợ, ca tụng những hành vi thích hợp mà còn tiến xa hơn nữa, nghĩa là, chỉ trích, chê bai, bài bác, khiển trách, nghĩa là công khai hoá sự kiểm soát những hành vi không thích hợp như
- Châm biếm sự lười biếng
Nam mô Bồ Tát,
Chẻ lạt đứt tay,
Đi cày trâu húc,
Đi xúc phải cọc,
Đi học thầy đánh,
Đi gánh đau vai,
Nằm nhà nhịn đói.
Bé đi câu, lớn đi hầu.
Bé đi câu, lớn đi hầu, già đi ăn cơm vợ.
Ngán thay cái kiếp lợn sề,
Ăn bèo với cám nằm lê trong chuồng.
Siêng ăn, biếng làm.
Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.
Làm trai cho đáng sức trai,
Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng.
Làm trai rửa bát, quét nhà,
Vợ gọi thì dạ, bẩm bà tôi đây.
Làm trai tập sảy, tập sàng,
Phòng khi vợ đẻ, lo làm mà ăn.
Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.
Ghét kẻ lười, không ai cười kẻ lấm gối.
Ai đâu thương kẻ ngu si,
Ai đâu thương kẻ nằm lì mà ăn.
Ai đâu thương kẻ ngu si,
Của đâu cho đứa nằm lì mà ăn.
Anh này rõ khéo làm ăn,
Đi cày chẳng biết, chít khăn mượn người.
Những người lêu lõng chơi bời,
Cùng là lười biếng, ta thời tránh xa.
Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
Những người lêu lổng chơi bời,
Cùng là lười biếng, ta thời tránh xa.
Làm vậy, làm vọ; làm nọ, làm khác.
Vô tác, gác mỏ.
Củ rủ, đuổi ruồi không đi.
Lánh nặng, tìm nhẹ.
Làm chẳng bằng ai, ngủ thì như chết.
Làm không đụng xác, vác không đụng vai.
Một người siêng bằng ba người nhác.
Ngồi gốc sung há miệng chực rơi.
Ăn thì hay, cày thì dở.
Ăn mau, làm chậm.
Ăn thì mau chân, việc cần thì đủng đỉnh.
Sáng tai họ [dừng lại nghỉ], điếc tai cày.
Điếc tai cày, sáng tai họ.
Sớm rửa cưa, trưa mài đục.
Sớm rửa cưa, trưa mài đục, tối giục cơm.
Kẻ kéo cho chết, người không động mình.
Trước đau, sau nhác.
Đời người chỉ được gang tay,
Ai hay ngủ ngày, chỉ được nửa gang.
- Chê bai tính ỷ lại.
Bắc nước, chờ gạo người.
Của đời ông mệ để cho,
Mần không, ăn có, của kho cũng rồi.
- Chỉ trích cách làm việc nhếch nhác
Ăn như rồng cuốn,
Làm như cà cuống lội ngược.
Ăn thì mau chân, việc cần thì đủng đỉnh.
Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.
Ăn như thúng lủng khu,
Mần thì đủng đỉnh như du [dâu] mới về.
Làm như chỉ lộn cuồng.
Làm như chó ỉa vãi.
Làm như mèo mửa.
Làm như nhà trò giữ nhịp.
Làm như nhái bỏ dĩa.
- Phê phán hành vi trốn việc, giành hưởng thụ.
Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.
Ăn đàn anh, làm đàn em.
Ăn là anh, làm là em.
Ăn thì ăn những miếng ngon,
Làm thì chọn những việc cỏn con mà làm!
Ăn no, ngồi chỗ mát.
Ăn thì có, mó thì không.
Ăn thì cúi trốc [đầu], đẩy nốc [thuyền] thì van làng.
- Hài hước hoá hành vi ăn hại, không làm được gì
Ăn no, ngủ kỹ, chổng tĩ lên trời.
- Đả kích sự phí phạm.
Phí của trời, mười đời chẳng có.
Lắm bạc tiêu pha, chân sa vào lưới.
Giàu tiêu hoang không bằng nghèo chắt mót.
Ít chắt chiu hơn nhiều hoang phí.
- Dè bỉu chơi bời, phung phí, không nghĩ đến ngày mai
Phong lưu, rách một ống quần,
Còn một ống nữa, dần dần rách sau.
Ở trên đời ăn chơi thú vị,
Điếu thuốc giải phiền với chị đương xuân.
Mơ màng quán Sở, lầu Tần,
Đồ chơi hài hán, áo quần bảnh bao.
Đồ chơi vắt vẻo võng đào,
Đồ chơi ghế chéo, ngồi cao ngựa bành.
Nhập nhoè trên trướng dưới mành,
Bốn mùa thắp ngọn đèn xanh chơi bời.
Rồi trên đời không ai bạn nữa,
Rồi gia tài, nhà cửa sạch không!
Khi xưa áo thắm, quần hồng,
Mùa hè lương cấp, mùa đông kéo mền.
Bây giờ cắp nách, vo viên,
Tả tơi rách rưới, đảo điên bơ phờ.
Nhà không lạnh ngắt như tờ,
Ngày trông nắng dọi, đêm chờ trăng soi.
Phong lưu là cạm trên đời,
Hồng nhan là bả [bẩy] những người tài hoa.
Phong lưu là cạm ở đời,
Vẫn quen đánh bả [bẩy] lấy người hồng nhan.
Những biện pháp châm biếm, chỉ trích này có thể được xem là có hiệu lực kiểm soát hành vi xã hội vì người Việt rất trân quý danh dự, xem trọng trách nhiệm cá nhân, và tin tưởng vào trách nhiệm liên đới của tập thể, nên sẽ không chịu được sự chỉ trích công khai và cảm thấy cần phải thay đổi hành vi mà cộng đồng không chấp nhận. Và ca dao, tục ngữ là phương tiện truyền thông giáo dục rất phổ biên trong mọi tầng lớp dân chúng.
- Quý trọng danh dự:
Người ta hữu tử, hữu sanh,
Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.
Thế gian còn mặt mũi nào,
Đã nhổ, lại liếm làm sao cho đành.
- Xem trọng trách nhiệm cá nhân, nhất là trong việc hoàn thành sứ mạng của riêng mình.
Công ai nấy nhờ, tội ai nấy chịu.
Mình làm mình chịu.
Nên ra tay kiếm tay cờ,
Chẳng nên thì chớ, đừng nhờ cậy ai.
Ai ơi! Đã quyết thì hành,
Đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây.
Ai ơi! Đã quyết thì hành,
Đã đan thì lận tròn vành mới thôi.
- Tin tưởng vào tinh thần liên đới trách nhiệm của tập th
Con sâu làm rầu nồi canh.
Con sâu bỏ rầu nồi canh.
Một con sâu bỏ rầu nồi canh.
Con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.
Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.
Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ.
Xấu bao thì xấu bì, xấu tao cũng xấu mi.
Con sâu bỏ rầu nồi canh,
Một người làm đĩ, xấu danh đàn bà.
Con sâu bỏ rầu nồi canh,
Một người làm đĩ, xấu danh cả đàn.
Một người làm xấu, nhơ danh cả nhà.
Một người làm quan thì sang cả họ.
Một người làm bậy, cả họ mang nhơ.
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Về lãnh vực tôn trọng luật pháp và các cơ chế pháp lí thì ở cấp bậc triều đình, luật pháp chỉ xoay chung quanh vấn đề có trung với vua hay không và những thủ tục trong việc điều hành hành chánh của giới quan lại, ít liên quan đến sinh hoạt của người bình dân ở các làng, xã: “Luật vua thua lệ làng”. Mỗi làng, mỗi huyện đều có những phong tục, tập quán riêng. Quan huyện sẽ xử án những ai vi phạm những phong tục tập quán này, dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức của Khổng giáo. Tuy nhiên, người bình dân tôn trọng luật pháp dựa trên những tiêu chuẩn công lí mà họ, như là một cộng đồng, chấp nhận như đã được trình bày trong bài “Ý Nghĩa của Công bằng trong Văn hoá của Người Bình dân Việt Nam”. Những tiêu chuẩn này gồm có (1) chống đối bất công, (2) hành vi phải sòng phẳng, (3) đòi hỏi công bằng, và (3) chân lí là sự thật hiển nhiên và tự tại4. Trong thực tế, khó mà kết luận chính xác về mức độ thi hành và ứng dụng luật pháp ở vùng thôn quê. Tuy nhiên, nếu người dân ca tụng và sống theo những giá trị của hệ thống đạo đức về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung/hiếu, đễ thì người ta có thể kết luận với phần nào tự tin là quần chúng hỗ trợ và tuân phục luật pháp, vì đạo đức trong bối cảnh lịch sử văn hoá của người Việt cho đến đầu thế kỉ 20 cũng là luật pháp.
Như vậy, người Việt Nam, cũng như những người theo đạo Tin Lành, đều có đủ “đạo đức cần lao”, nghĩa là (1) cần cù trong việc làm, (2) tằn tiện trong việc chi tiêu, và (3) không hoang phí; cũng như có đủ “đạo đức xã hội” bao gồm (1) kiểm soát xã hội, (2) tôn trọng luật pháp, và (3) có một hệ thống giá trị đồng nhất. Và “đạo đức xã hội” là yếu tố mà theo nghiên cứu của Benito đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở những quốc gia chịu ảnh hưởng của đạo Tin Lành, đối chiếu với những quốc gia chịu ảnh hưởng của đạo Công Giáo La Mã ít phát triển hơn.
Thế nhưng tại sao, suốt hai ngàn năm lịch sử, Việt Nam, dù hội đủ tất cả những đặc tính nêu trên, vẫn là một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới mãi cho đến khi đất nước bị hiệp định Genève 1954 chia đôi thì miền Nam Việt Nam tự do mặc dù chiến tranh suốt 20 năm, với chính sách kinh tế thị trường vẫn khởi sắc về phát triển kinh tế và trở thành giấc mơ của Nam Hàn trong lúc miền Bắc, dưới sự quản trị chuyên chế qua chính sách kinh tế chỉ huy của nhà nước cộng sản, trở nên nghèo đói, xơ xác?
Để bổ túc cho nhận xét trên, biến cố lịch sử năm 1975 đã chiếu rọi ánh sáng vào tâm nhìn của người Việt về những yếu tố khẩn yếu cho việc phát triển kinh tế quốc gia. Khi chế độ cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam tự do, đảng cộng sản đã biến miền Nam trù phú thành phần đất nghèo đói như miền Bắc, bằng cách áp dụng chính sách kinh tế chỉ huy theo lí thuyết cộng sản chính thống. Người ta đã từng chứng kiến cảnh những cán bộ, quân nhân miền Bắc, trong những năm sau 1975, khuân vác đồ đạc như radio, TV, bếp ga, quạt máy, tủ lạnh, xe đạp, xe gắn máy chiếm đoạt được của người dân miền Nam, đưa ra Bắc. Đó là những đồ dùng hằng ngày của người dân miền Nam, nhưng là “gia sản hoành tráng” của nhân dân miền Bắc. Mãi đến năm 1985, theo đuôi chính sách kinh tế của Đặng Tiểu Bình ở Trung quốc, đảng CSVN đưa ra chính sách “đổi mới”, đặt nền tảng phát triển kinh tế trên lí thuyết “kinh tế thị trường” của tư bản, nghịch đề với bản chất của lí thuyết cộng sản, với cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” theo sau “kinh tế thị trường”. Sự “đổi mới” mang tính mâu thuẫn nội tại này đã đưa đất nước đến những bước tiến kinh tế nửa vời (như đã được trình bày trong bài “Những Giá trị về Cần lao…”) và vì chính quyền không theo nguyên tắc tam quyền phân lập, hoàn toàn tổ chức theo nguyên tắc trung ương tập quyền, chuyên chế, toàn trị nên không có luật pháp công minh, lí do đưa đến những tệ đoan văn hoá, xã hội khó có thể vãn hồi trong tương lai.
Những tình trạng thoái hoá đạo đức cũng như sự trì trệ trong phát triển kinh tế của đất nước trong 47 năm qua cho ta thấy rõ sự lựa chọn nào đưa đến phát triển và văn minh và sự lựa chọn nào đưa đến băng hoại đạo đức và nghèo đói.
Còn có thêm bằng chứng minh xác là độc tài, toàn trị với chính sách kinh tế chỉ huy đưa đến sự trì trệ trong việc phát triển kinh tế và băng hoại đạo đức, khiến cho dân chúng và quốc gia nghèo đói và phải gánh chịu nhiều tệ nạn xã hội. Ngược lại tự do kinh doanh và tổ chức chính trị dân chủ tự do tản quyền đưa dân chúng và quốc gia đến thịnh vượng, giàu có, và văn minh. Alain Peyrefitte trong cuốn Le Mal Français5 đã đối chiếu những quốc gia dưới ảnh hưởng của cuộc Cải Cách Tin Lành (Protestant Reformation) có tính độc lập và tổ chức chính trị dân chủ tự do và tản quyền với các quốc gia, đặc biệt là nước Pháp, dưới ảnh hưởng của Công Giáo La Mã mặc dù có tự do dân chủ nhưng có tổ chức chính trị trung ương tập quyền, ít thoả hiệp với tự do, sáng kiến, cồng kềnh gây trở ngại và trì trệ trong việc thi hành các dự án cải cách. Cơ cấu trung ương tập quyền này, theo Alain, đã đưa đến trì chậm trong phát triển kinh tế và cũng là môi trường thích hợp cho sự phát triển của lí thuyết và tổ chức cộng sản. Tuy nhiên, đạo Công Giáo và thể chế dân chủ dị ứng với lí thuyết cộng sản nên đã không cho phép cộng sản có cơ hội thống trị tại những quốc gia này. Nguyễn Gia Kiểng trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn6 dẫn chứng Khổng giáo ở Việt Nam cũng mang tính chất độc tôn và toàn trị, trung ương tập quyền trong suốt 20 thế kỉ, lí do lịch sử đưa đến sự trì chậm trong việc phát triển kinh tế quốc gia và cũng là môi trường thích hợp cho việc người dân dễ chấp nhận sự thống trị của lí thuyết và tổ chức chính trị trung ương tập quyền của đảng cộng sản vì không có dân chủ tự do và đạo Công Giáo không có ảnh hưởng mạnh trên toàn quốc để làm rào cản sự thống trị của đảng cộng sản.
Những đặc tính “ắt có” cho việc phát triển kinh tế là cần cù, tằn tiện, không hoang phí, kiểm soát xã hội, thượng tôn pháp luật, và đồng thuận về những giá trị nòng cốt. Nhưng những đặc tính này phải có môi trường thích hợp mới có thể phát huy được, như đã được chứng minh bởi miền Nam Việt Nam dân chủ tự do từ 1954 đến 1975. Những đặc tính “ắt có” này chỉ là điều kiện tiềm năng. Môi trường “dân chủ tự do” với tổ chức chính trị “tản quyền” mới là điều kiện “ắt đủ”. Con đường phát triển kinh tế cho cá nhân và cho quốc gia trong hành trình đi đến phồn thịnh và văn minh, đồng hành với các quốc gia tiến bộ khác trên thế giới đã rõ. Vấn đề còn lại là quyết định chọn dân chủ tự do và tổ chức chính trị tản quyền với chính sách kinh tế thị trường thay vì chính sách kinh tế chỉ huy và tổ chức chính quyền chuyên chế toàn trị. Và quyết định này phải là sự thức tỉnh của toàn dân yêu nước.
Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.
North Wales, Pennsylvania
Ngày 3 Tháng 9 Năm 2022
___________________________________
Tham Khảo
1 Thái, Nguyễn văn, “Những Giá trị về Cần lao trong Văn học của Người Bình dân Việt Nam Như Là Những Động lực Thúc đẩy Phát triển Kinh tế”. North Wales, Pennsylvania, Ngày 2 tháng 9 Năm 2022.
2 Nguồn: Le Mal Français @ Alain Peyrefitte et Librairie Plon, 1976, tr.143 lấy tài liệu từ la Banque nationale năm 1974.
3 Arruñada, Benito, “Protestants and Catholics: Similar Work Ethic, Different Social Ethic”, Barcelona Economics Working Paper Series Working Paper no 497, The Economic Journal, 2010, 120 (547), 890-918.
4 Thái, Nguyễn văn, “Ý Nghĩa của Công bằng trong Văn hoá của Người Bình dân Việt Nam”. Ngày 10 Tháng 8 Năm 2022.
5 Peyrefitte, Alain, Le Mal Français @ Alain Peyrefitte et Librairie Plon, 1976.
6 Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, Imprimé en France (Paris, JOUVE, 18 Rue Saint Denis, 75001, 2001
Tài Liệu Đọc Thêm: https://drive.google.com/drive/folders/0B2xRw_cSQGrydS1VWjNIaVRuRG8?resourcekey=0-d61ILOsr03AVSPLSqbAQpw