Vợ chồng là sự kết hợp của một người nam và một người nữ do từ tình yêu đi đến hôn nhân. Ngoài tình nghĩa ra, không có yếu tố nào khác có thể tạo hạnh phúc cho đời sống lứa đôi.
Trong ca dao về tình yêu, chúng ta thấy nam nữ thanh niên Việt Nam ngay từ thời xa xưa đã không bị cấm đoán khắt khe như giáo điều của đạo Khổng “Nam nữ thụ thụ bất thân”, họ có thể làm quen với nhau trong bất cứ trường hợp nào như hội hè, cắt cỏ, tát nước, gặp gỡ ngoài đường...:
– Một đàn cò trắng bay chung,
Bên nam, bên nữ ta cùng cất lên.
Cất lên một tiếng linh đình,
Cho loan sánh phụng, cho mình sánh ta...
– Ăn chơi cho hết tháng Hai,
Để làng đóng đám cho trai dọn đình.
Trong thời trống đánh dập dình,
Ngoài thời trai gái tự tình cùng nhau.
Khi người con trai muốn làm quen:
– Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi?
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Và khi người con gái muốn làm quen:
– Hỡi anh đi đường cái quan,
Xin anh đứng lại em than đôi lời.
Đi đâu vội mấy anh ơi,
Cái quần cái áo như người nhà ta.
Cái ô em để trong nhà,
Khen ai mở khóa đưa ra cho chàng.
Từ quen nhau, yêu nhau, tìm hiểu rồi đi đến hôn nhân. Ngay cả khi hai gia đình chỉ định thì lấy nhau hay không phần lớn cũng do cặp trai gái quyết định sau khi họ gặp mặt nhau qua lễ chạm mặt hoặc chàng rể tương lai đến nhà bố mẹ vợ sêu tết – nếu ở xa, nhưng phần nhiều họ là những người ở cùng thôn xóm nên không xa lạ gì nhau. Sự ép duyên ít khi xảy ra vì từ xa xưa người ta đã có ý thức khôn ngoan, đáng trọng về hôn nhân:
– Ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép duyên.
Nên:
– Giàu giữa làng trái duyên khôn ép,
Khó nước người phải kiếp tìm đi.
Tiền trăm, bạc chục kể chi.
Cha mẹ Việt Nam phần nhiều chỉ lo khuyên dạy con cái chọn người đàng hoàng, có tư cách:
– Dặn con, con có nghe cho,
Chọn người quân tử, đói no cũng đành.
Chớ ham lấy chồng giàu có mà không biết tính toán làm ăn:
– Hẩm duyên lấy phải chồng đần,
Có trăm mẫu ruộng bán dần mà ăn.
Sự chọn lựa đầu tiên của cả con trai lẫn con gái là kén người hiền lành tử tế, con nhà nền nếp, sau đó mới đến tài và sắc, dù thường thì “Gái tham tài, trai tham sắc”:
– Chẳng tham nhà ngói ba tòa,
Tham vì một nỗi mẹ cha hiền lành.
Vì hạnh phúc lứa đôi không do sự giàu, nghèo quyết định mà do duyên phận có hợp hay không:
– Chẳng tham nhà ngói bức bàn,
Trái duyên coi bẵng một gian chuồng gà,
Ba gian nhà dạ lòa xòa,
Phải duyên coi tựa chín tòa gỗ lim!
Đối với người con gái, người chồng phải xứng đáng là chồng, không ngu dại, lười biếng, hư hỏng:
– Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng, răng đen.
Để tránh cái cảnh:
– Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu nặng mình.
– Chiều chiều lửa cháy, cơm sôi,
Heo la, con khóc, chồng ngồi nhậu say!
Đối với con trai, người vợ phải biết chút trang điểm, ăn nói dịu dàng dễ thương...:
– Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua...
Một gia đình lý tưởng là vợ chồng hòa thuận, cộng tác với nhau xây dựng cuộc sống chung:
– Đêm hè gió mát trăng thanh,
Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng.
Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt,
Duyên đôi ta đã chót cùng nhau,
Trăm năm thề những bạc đầu,
Chớ tham phú qúy đi cầu trăng hoa.
Một gia đình mọi người mong ước là hạnh phúc, đầm ấm, con cái đông vui:
– Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân,
Nay anh học gần, mai anh học xa.
Anh lấy em từ thủa mười ba,
Đến năm mười tám, thiếp đà năm con.
Ra đường người nghĩ còn son,
Vâề nha thiếp đã năm con cùng chàng.
Cái cả đã biết dọn hàng,
Cái hai đi học về tràng khoa thi.
Cái ba buôn bán trăm nghề,
Còn hai con nhỏ trở về ăn chơi...
Những cặp vợ chồng thật lòng thương yêu nhau dù chẳng may phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ họ vẫn một lòng son sắt, luôn luôn muốn sống bên nhau:
– Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
– Chàng đi cho thiếp theo cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
– Lên non thiếp cũng lên theo,
Tay vịn, tay chèo, hái trái nuôi nhau.
– Mồ hôi gió đượm,
Thiếp thương chồng, thiếp phải chạy theo.
Con ơi, mẹ dắt lên đèo,
Chim kêu bên nọ, vượn trèo bên kia.
Người chồng âu yếm yêu người vợ lam lũ, rách rưới của mình, không một chút để ý đến nhan sắc, hình dung bên ngoài:
– Áo vá vai vợ ai không biết,
Áo vá chằm chí quyết vợ anh.
Và nhắc nhở người vợ đừng vì hoàn cảnh khó khăn, gian khổ mà xa nhau:
– Rủ nhau xuống bể mò cua,
Đem về nấu qủa mơ chua trên rừng,
Em ơi chua ngọt đã từng,
Non xanh, nước bạc ta đừng bỏ nhau!
Tình nghĩa vợ chồng khắng khít với nhau như vậy nên khi vì một lý do nào đó phải chia tay, sống xa nhau là nước mắt và thương nhớ dâng tràn:
– Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.
Nàng ơi ở lại nuôi con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng...
– Tiếng ai than khóc nỉ non,
Hay vợ chú lính trèo hòn Cù Mông. (Đèo Cù Mông phân cách tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa – Nha Trang).
Trên đây là nỗi buồn của vợ người tiễn đưa chồng, một người lính thú trấn đóng nơi biên ải giáp nước Tàu.
Biết bao người vợ lính vất vả đi thăm chồng:
– Rủ nhau ra chợ Quỳnh Lâm,
Vai đỗ gánh xuống hỏi thăm tin chồng.
Xót xa như muối bóp lòng,
Nửa muốn theo chồng, nửa bận con thơ.
Những người vợ phải quán xuyến việc nhà không đi thăm chồng được thì ngoài cái buồn xa cách còn lo lắng người chồng nơi xa có biết nỗi buồn khổ của mỉnh và còn nhớ đến mình không:
– Đường trường cách trở nước non,
Mẹ già đầu bạc, thiếp còn xuân xanh.
Giang sơn thiếp gánh một mình,
Có hay chàng tỏ tâm tình thiếp chăng?
Trời ơi có thấu tình chăng,
Một ngày đằng đẵng xem bằng ba thu!
Ruột tằm bối rối vò tơ,
Gan vàng sao khéo thờ ơ dạ vàng.
– Trời mưa lác đác lá dâu,
Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay.
Bước chân xuống hái dâu này,
Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ.
Thương em chút phận ngây thơ,
Lầm tham đã trải, nắng mưa đã từng.
Xa xôi ai có tỏ chừng,
Gian nan tân khổ ta đừng quên nhau.
Giữa những cặp vợ chồng yêu thương, sắt son, hạnh phúc đó thì cũng có những cặp sống với nhau đầy bất hoà, chán ngán mà vẫn bắt buộc phải chung sống:
– Chồng gì anh, vợ gì tôi,
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây.
Mỗi người một nợ cầm tay,
Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng.
Cuộc sống lứa đôi thực ra rất khó. Nhiều lắm là vài phần trăm hay vài phần ngàn hoàn toàn hòa thuận, còn lại nhẹ thì “Lời qua tiếng lại” rồi lại vui vẻ bỏ qua, nặng thì xô xát, chửi bới, đánh đập nhau.
Người ta lý giải rằng vợ chồng là sự kết hợp của hai con người khác biệt: Một nam, một nữ. Một người sống thiên về tình cảm, một người thiên về lý trí; một người dịu dàng, nhu mì, một người nóng nảy, cứng cỏi. Đối vối với con cái, người vợ luôn luôn muốn che chở, bao bọc, tha thứ còn người chồng muốn con cái thoát ra sự che chở, bao bọc của gia đình để tập sống ngoài xã hội. Ngoài ra, hai người từ hai gia đình khác nhau về lối sống như cách tiêu pha, ăn mặc, làm việc, giải trí... chưa kể đến cá tính khác biệt của hai người nếu không chịu hay không biết dung hòa sẽ đi đến xô xát hay đổ vỡ. Một người hoang phí, một người tằn tiện; một người thích chưng diện lòe loẹt, một người ưa sự đơn giản... sống bên nhau rất khó tránh khỏi bất đồng, cãi cọ.
Nhưng khó khăn nhất là gặp phải người lười biếng, hư hỏng hoặc bị ép gả không xứng đôi, vừa lứa:
– Ăn rồi anh lại lên nằm,
Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.
– Chồng em nó chẳng ra gì,
Tổ tôm, sóc đĩa nó thì chơi hoang.
Nói ra xấu thiếp, hổ chàng,
Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà.
Nói đây có chị em nhà,
Còn năm ba thúng thóc với một vài cân bông.
Em bán đi trả nợ cho chồng,
Còn ăn hết nhịn cho hả lòng chồng con...
– Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Mẹ em tham thúng bánh chưng,
Tham con lợn đẻ, em lưng chịu đòn.
Những trường hợp trên đây người ta còn có thể chịu đựng, nhưng khi gặp những kẻ lợi dụng, bội bạc thì sự đổ vỡ chắc chắn xảy ra:
– Có ăn thiếp ở cùng chàng,
Không ăn thiếp tếch, cơ hàn thiếp đi.
– Tôi ở cùng mẹ, cùng cha,
Mẹ cha nâng dấc như hoa trên cành.
Bây giờ tôi ở cùng anh,
Anh tham nhan sắc, anh đành phụ tôi.
Đất xấu nấu chẳng nên nồi,
Anh đi lấy vợ thì tôi lấy chồng.
Anh đi lấy vợ cách sông,
Tôi đi lấy chồng giữa ngõ anh ra.
Phạm Hy Sơn