User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Tết là do chữ tiết (節) đọc trại ra. Tết là ngày lễ lớn định kỳ hằng năm tính theo âm lịch, có cúng lễ, ăn uống, vui chơi, hội hè theo truyền thống dân tộc. Nước ta có 11 cái Tết vào các tháng Giêng, Ba, Năm, Bảy, Tám, Chín, Mười, Chạp; và trọng đại nhất là Tết Nguyên Đán tức Tết Đầu Năm còn gọi là Tết Cả.
 
I – Tết Nguyên Đán
 
Theo ngữ nghĩa, “nguyên” (元) là bắt đầu, khởi đầu; “đán” (旦) là sớm, buổi sáng sớm; vậy “nguyên đán” là ngày đầu năm, như chữ nguyên nhật.
 
Tết Nguyên Đán bắt đầu từ lúc Giao thừa (giữa giờ Tý, tức 12 giờ khuya) bước sang ngày Mồng Một tháng Giêng và đến Mồng Bảy mới chấm dứt. Ngày nay, cuộc sống không còn thư thả nữa, thời hạn Tết rút lại chỉ còn ba ngày, hết Mồng Ba là mãn.
 
Giao thừa là lễ Tống Cựu Nghinh Tân, có lệ đốt pháo để tan âm khí, trừ tà, xua đuổi mọi buồn phiền và đem lại sự giòn giã vui vẻ cho năm mới. Lễ này còn gọi là cúng Hành Khiển (行 遣), thường lập bàn hương án trước sân nhà với đủ phẩm vật, nhưng vẫn là “lễ quý hồ thành, bất quý hồ đa.” Tiếp theo là cúng đầu năm ở bàn thờ gia tiên, rồi đến lễ Xuất hành, đi về hướng tốt để lấy hên cho trọn một năm mới. Người ta còn hái lộc, tức là bẻ một nhánh cây nhỏ đem về nhà, tin rằng sẽ đem lại sự thành đạt tốt đẹp quanh năm. Có nơi, xin lộc bằng cách lấy nén hương đốt lễ nơi đền, chùa, đình, miếu, đem về nhà, và tin rằng đóm lửa sẽ mang lại vận đỏ cho gia đình. Ngoài ra, còn có tục Xông nhà, chọn một thành viên nhẹ vía nhất trong gia đình, dặn họ rời nhà trước khi trừ tịch, đợi cúng Giao thừa xong mới trở về; hoặc kén một người hàng xóm đến đạp đất giùm để lấy hên.
 
Tết Nguyên Đán còn là dịp sum họp gia đình và thăm viếng dòng họ. Đối với người chết, trên bàn thờ đèn hương không ngớt để đón mừng tổ tiên về thăm con cháu.  Đối với người sống, dù ở đâu cũng về đoàn tụ với gia đình, vì Tết xa nhà là điều bất hạnh. Đối với bà con xóm làng, nhân ngày Tết họ thăm viếng và chúc tụng nhau, vì đây là dịp đông đủ nhất. Ca dao đã phân định chương trình thăm viếng:
 
Mồng Một thì ở nhà cha,
Mồng Hai nhà mẹ, Mồng Ba nhà thầy.
 
Và sau khi cúng đưa ông bà vào chiều mồng Ba, hoặc sáng mồng Bốn thì coi như vãn Tết.
 
Tết Nguyên Đán, có lệ chưng hoa kiểng trong nhà, nếu không thì cũng sắm một bình hoa. Ở Miền Nam thường là hoa mai, Miền Bắc là hoa đào.
 
chauhoamai
H 1: Mai kiểng bày bán trong dịp Tết Nguyên Đán - Ảnh từ Cuongde.org 
 
II – Tết Khai Hạ
 
Mồng Bảy tháng Giêng là ngày Khai Hạ (開 賀). Theo sách Phương Sóc Chiêm Thú thì 8 ngày đầu năm, mỗi ngày tượng trưng cho một loại: Mồng 1 ứng vào gà, Mồng 2 là chó, Mồng 3 là heo, Mồng 4 là dê, Mồng 5 là trâu, Mồng 6 là ngựa, Mồng 7 là người, Mồng 8 là lúa. Ngày nào nắng ráo, trong sáng thì giống loại thuộc ngày ấy sẽ được tốt đẹp suốt năm. Vậy Mồng 7 tháng Giêng là Nhân nhật, từ ấy mọi công việc hằng ngày đều trở lại bình thường và cây nêu [1] trồng trong dịp Tết cũng hạ xuống, nên còn gọi là Tết Khai Hạ. Theo tục lệ xưa, khi trồng nêu hay lúc hạ nêu đều có cúng chè xôi, ca dao còn ghi lại
 
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè
Ăn chè trở lại ăn xôi,
Còn ba đòn bánh tét để dành hạ nêu.
 
cayneu
H 2: Cây nêu ngày Tết, dựng tại chùa, ảnh từ Vikipedia.
 
III – Tết Thượng Nguyên
 
Rằm tháng Giêng là ngày vía của Đức Phật Tổ A-Di-Đà (Amitabhâ) nên Tết Thượng Nguyên (節 上 元) thường tổ chức tại chùa, không riêng gì thiện nam tín nữ mà cả dân chúng đều viếng lễ rất đông, đã thành tục lệ truyền thống. Tục ngữ có câu: 
 
Lễ Phật quanh năm 
Không bằng ngày Rằm tháng Giêng.
 
Đêm Rằm tháng Giêng còn gọi là Nguyên Tiêu, đêm đầu tiên có trăng tròn của một năm. Thời tiết vào xuân, cây cỏ xanh tươi, ngày trời trong, đêm trăng sáng, thích hợp cho việc du xuân ngoạn cảnh: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” và Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh có câu:
 
Cửa hàng buôn bán cho may,
Đêm đêm Hàn Thực, ngày ngày Nguyên Tiêu.
 
Ngày Rằm tháng Giêng còn là ngày vía Thiên Quan, người ta làm lễ cúng sao. Dân chúng tin rằng mọi người đều có một vị sao thủ mạng trong một năm, bước sang năm mới, đổi vị sao khác. Trong chu kỳ 9 năm ứng vào 9 vị sao gồm: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Hỏa Đức, Thổ Đức, Kim Đức, Thủy Đức, La Hầu, Kế Đô. Nếu năm trúng phải vị sao xấu  như : “Nam sao La Hầu, nữ sao Kế Đô” thì cúng giải trừ. Đàn ông gặp sao La Hầu là xấu nhất, lễ cúng quay về hướng chánh Bắc, có bài vị “Thiên Cung Thần Thủ La Hầu Tinh Quân” và thắp 9 ngọn nến. Đàn bà, xấu nhất là sao Kế Đô, đặt bàn cúng quay về hướng chánh Tây, viết bài vị “Thiên Vỹ Cung Phân Kế Đô Tinh Quân” và thắp 20 ngọn nến.
 
Tết Thượng Nguyên, ngoài việc lễ Phật, giải sao hạn, nhà nhà đều cúng Gia tiên, Thổ công và Thần tài.
 
IV – Tết Hàn Thực
 
Mồng Ba tháng Ba là Tết Hàn Thực (節 寒 食), tức Tết dùng thức ăn nguội lạnh. Đó là tục lệ ở bên Tàu, do tích Giới Tử Thôi (Jie Zi Tui) đời Xuân Thu (Chun Qiu), vào năm 654 trước Tây lịch, tại nước Tấn có loạn, Công tử [2] Trùng Nhĩ (Chong Er) và bề tôi trốn ra nước ngoài, nhiều lúc phải ăn rau dại trừ cơm. Giới Tử Thôi lén cắt thịt đùi của mình để Trùng Nhĩ ăn cho có sức. Khi phục quốc, Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn Công và trọng thưởng những người có công, nhưng vô tình quên bẵng Giới Tử Thôi. Sau, vua nhớ lại, cho người đi mời, thì Giới Tử Thôi đã cõng mẹ vào ẩn trong núi Miên Sơn. Chúa Công tìm không ra, sai người đốt núi, hy vọng sẽ gặp được ân nhân, không ngờ Giới Tử Thôi cùng mẹ chịu chết cháy, không ra. Chúa rất thương xót, cho lập miếu thờ và cấm dân hằng năm vào mồng Ba tháng Ba không được dùng lửa, để nhớ lại ngày mẹ con Giới Tử Thôi chết.
 
Ở Việt Nam, cũng có Tết Hàn Thực, nhưng được biến cải theo phong hóa nước nhà. Dân ta ăn Tết Hàn Thực là để nhớ đến tấm gương trung nghĩa của Giới Tử Thôi, nhưng không kiêng lửa, cũng không ăn đồ nguội lạnh. Nhà nhà nấu chè xôi nước, còn gọi trại là trôi nước, để cúng gia tiên. 
 
Những viên xôi nước bằng bột nếp màu trắng, giống như những cái trứng, nổi trong dung dịch nước đường. Gợi nhắc dân tộc ta là dòng dõi Con Rồng Cháu Tiên, bởi Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc có 100 trứng, nở ra 100 con trai. Ca dao đã ghi lại sự tích truyền thuyết này:
 
Sau vua Đế Lai
Gả cho Công chúa,
Dáng như phượng múa
Đẹp như bài thơ,
Tên là Âu Cơ,
Thuộc dòng TiênThánh.
Vai kề gối sánh
Được mấy năm tròn,
Hạ sinh bọc con,
Chứa đầy trăm trứng.
Mùa xuân mới hửng,
Thì ôi lạ thay!
Trứng Rồng nở ngay,
Trăm trai tuấn tú. 
 
denha
H 3: Đền Hạ ở Vĩnh Phúc, Nguyễn Huy Trực [3] chụp 1993. Tục truyền nơi đây bà Âu Cơ đẻ ra cái Bọc Trăm Trứng.
 
Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó.” Bèn chia con, từ biệt nhau, nửa theo mẹ về núi, nửa theo cha xuống biển, và phong cho con trưởng (không rõ tên húy) làm vua đầu tiên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, năm 1899 lập tỉnh Vĩnh Yên, nay sáp nhập với Phúc Yên thành Vĩnh Phúc), xưng là Lạc Vương quen gọi là Hùng Vương [4], nối ngôi 18 đời [5]. Trong ca dao đã ghi lại cuộc chia ly đầy bịn rịn:
 
Một chiều trời động,
Sóng biển gầm gào,
Rừng cây xôn xao,
Cảm điều chia rẽ.
Lạc Long cặn kẽ
Nói với Bà Âu:
Rằng ta ở lâu
Với nàng không được.
Ta, Rồng thuộc nước
Nàng, Tiên thuộc non
Đành chia trăm con,
Mỗi người một nửa.
Âu Cơ lệ ứa,
Yên lặng đưa chồng,
Cùng lũ con Rồng,
Theo cha xuống bể.
Đoạn rồi gạt lệ,
Đưa các con Bà,
Lướt gió bôn ba,
Lên vùng rừng rú,
Đến mùa nước lũ
Thì Bà Âu Cơ,
Bẻ lá đề thơ,
Gửi về biển rộng [6].
 
Theo truyền thuyết trên, chúng ta thuộc dòng dõi Con Rồng Cháu Tiên, ca dao phản ánh niềm tự hào dân tộc:
 
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
 
V – Tết Thanh Minh
 
Thanh minh là cái Tết vào độ ấy bầu trời trong trẻo và sáng sủa. Tết Thanh Minh không có ngày nhất định, tùy năm, trồi sụt trong khoảng từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch và luôn luôn nằm trong ngày 4 hoặc 5 tháng 4 Dương lịch. Thử nêu vài Tết Thanh Minh (節 清 明) ở những năm gần đây, nhằm vào:
 
– Ngày 30 tháng 2 năm Canh Thìn, tức ngày 4- 4- 2000, sau Xuân phân 14 ngày.
 
– Ngày 12 tháng 3 năm Tân Tỵ, tức ngày 5- 4- 2001, sau Xuân phân 16 ngày.
 
– Ngày 23 tháng 2 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 5- 4- 2002, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Mồng 4 tháng 3 năm Quý Mùi, tức ngày 5- 4- 2003, sau Xuân phân  15 ngày.
 
– Ngày 15 tháng 2 năm Giáp Thân, tức ngày 4- 4- 2004, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Ngày 27 tháng 2 năm Ất Dậu, tức ngày 4- 4- 2005, sau Xuân phân 16 ngày.
 
– Mồng 8 tháng 3 năm Bính Tuất, tức ngày 5- 4- 2006, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Ngày 18 tháng 2 năm Đinh Hợi, tức ngày 5- 4- 2007, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Ngày 28 tháng 2 năm Mậu Tý, tức ngày 4- 4- 2008, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Mồng 9 tháng 3 năm Kỷ Sửu, tức ngày 4- 4- 2009, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Ngày 21 tháng 2 năm Canh Dần, tức ngày 5- 4- 2010, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Mồng 3 tháng 3 năm Tân Mão, tức ngày 5- 4- 2011, sau Xuân phân 15 ngày.   
 
– Ngày 14 tháng 3 năm Nhâm Thìn, tức ngày 4- 4- 2012, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Ngày 24 tháng 2 năm Quý Ty, tức ngày 4- 4- 2013, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Mồng 6 tháng 3 năm Giáp Ngọ, tức ngày 5- 4- 2014, sau Xuân phân 15 ngày.
 
– Và năm Ất Mùi, Tết Thanh Minh sẽ vào ngày 17 tháng 2, tức ngày 5- 4- 2015, sau Xuân phân 15 ngày.
 
Tết Thanh Minh cách tiết Lập Xuân (ngày 4 tháng 2 Dương lịch) khoảng 60 ngày. Và Tết Thanh Minh, rơi vào khoảng từ giữa tháng Hai (tháng Mẹo) đến tháng Ba (tháng Thìn) Âm lịch. Thi hào Nguyễn Du đã tính lịch rất kỹ để viết về ý nghĩa của lễ tết này qua vần thơ bất hủ:
 
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh Minh trong tiết tháng Ba,
Lệ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh.
(Đoạn Trường Tân Thanh) 
 
Có thể nói Tết Thanh Minh là ngày của mồ mả. Mọi người đi viếng mộ gia tiên, nếu cần tu bổ, nhân ngày ấy khởi công. Nếu muốn cải táng, hay xây mộ cũng đợi dịp này, khỏi cần coi ngày tốt xấu. Có nhiều nơi dùng ngày Tết Thanh Minh để tảo mộ cho tất cả những nấm mồ vô chủ, quen gọi là mả lạn hay mả cô hồn. Việc làm này do các chức sắc trong làng đôn đốc dân chúng tham gia. Nhờ nghĩa cử đó, những mồ mả vô thừa nhận, vẫn được tồn tại với thời gian. Xong lệ viếng mộ, mọi người về nhà cúng ông bà. Nơi đình làng cũng tổ chức lễ tế cho tất cả những người đã khuất mà không có thân nhân thừa tự.
 
VI – Tết Đoan Ngọ
 
Mồng Năm tháng Năm gọi là Tết Đoan Ngọ, hay Trùng Ngũ. Theo nghĩa “đoan” (端) là mở đầu, “ngọ” (午) là giữa trưa, tức là bắt đầu giữa trưa. Còn gọi là Tết Đoan Dương (端 陽), nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang lên. Ý nói, Tết này đánh dấu sự chuyển mùa, trời bắt đầu nắng gắt nóng bức, bệnh thời khí cũng trỗi dậy hoành hành. Vì vậy, ngày mồng Năm tháng Năm có các tục lệ:
 
– Lễ cầu an, cúng tế tại đình miếu, đền chùa, xin thần linh tiêu trừ tật bệnh. Mọi nhà cũng sắm lễ cúng Gia tiên, cúng Thổ công, cầu xin gia hộ. Ngoài các lễ vật, món chè bánh canh cổ truyền, không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Nhà khá giả, còn có món rượu nếp cũng được phổ biến. 
 
– Hái lá làm thuốc vào giờ ngọ từ 11 đến 13 giờ. Dân chúng lùng sục các bờ bụi hái lộc, đem về rửa sạch, phơi trong mát cho khô, sao khử thổ; để dành sắc nước uống mỗi khi bị nhức đầu, sổ mũi, xây xẩm, cảm cúm. Tục ngữ có câu: “Trốn như rắn mồng Năm” để nói lên việc mọi người đồng loạt tìm hái lá thuốc, rắn rết sống ở các bụi rậm thấy động phải chạy trốn hết. 
 
– Treo chùm lá ngải cứu trước cửa nhà để khử gió độc và trừ tà, phòng ngừa đau ốm.
 
– Nấu các lá có mùi thơm như sả, chanh, ngò, húng, bạc hà, khuynh diệp… lấy nước tắm trừ độc, giải cảm.
 
– Làm phép dọa chặt cây để mùa sau sẽ cho hoa quả.
 
Ngoài những tập tục phòng bệnh, còn có lệ sêu, tức là trong thời gian đợi cưới gặp phải ngày Đoan Ngọ, nhà trai phải sắm lễ vật đến biếu nhà gái. Trong dân gian có câu: “Một năm sêu tết hai lần” để nhắc nhở đạo con rể đối với nhạc gia. Với thầy dạy chữ, dạy nghề, dạy võ, thầy chữa bệnh, thầy địa lý, người ban ơn cũng nhân Tết Đoan Ngọ đem biếu lễ vật để tỏ lòng tạ ơn.
 
Trong ca dao cũng nhắc nhở đến lễ tết này:
 
Tháng Tư đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Đoan Ngọ trở về Tháng Năm.
 
VII – Tết Trung Nguyên
 
Rằm tháng Bảy là Tết Trung Nguyên (中 元), còn gọi lễ Vu Lan, phiên âm từ tiếng Phạn, đọc thành Ô-lam-bà-nã (Ullambana), nghĩa là cứu nạn treo ngược. Do sự tích ngài Mục Liên (Maudgalyâyana), một trong Thập đại Đệ tử của Đức Phật Thích Ca, và là người con nổi tiếng chí hiếu, đã đem lòng thành cứu mẹ bị mắc đọa ở địa ngục.
 
Vu Lan là ngày “xá tội vong nhân” những vong hồn ở địa ngục đều được thả ra, vì thế các chùa làm chay chẩn tế và cầu kinh Vu Lan. Còn các nhà cũng sắm cỗ bàn chay cúng gia tiên và đốt giấy tiền vàng bạc cùng đồ mã. Ở làng xã có lệ cúng cháo cho cô hồn tại đình, miếu; các tư gia cũng theo lệ ấy.
 
Trong ca dao, cũng nói đến ý nghĩa của lễ tết này:
 
Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng Bảy hôm Rằm, xá tội vong nhân.
 
levulan
H 4: Lễ Vu Lan tại chùa Phật Quang, San Jose - Ảnh, Võ Văn Tường, 2014.
 
VIII – Tết Trung Thu
 
Tết giữa mùa thu vào Rằm tháng Tám nên gọi là Tết Trung Thu (中 秋), còn gọi Tết Nhi Đồng, vì người ta làm nhiều đồ chơi và lồng đèn đủ kiểu dáng để bán cho trẻ em. Vào độ này thời tiết đã dịu bớt, nhưng chưa vào mùa mưa. Trăng rằm tháng Tám thường trong sáng và đẹp hơn các tháng khác. Dân chúng hưởng Tết Trung Thu qua truyền thống sau đây:
 
Tục rước đèn của trẻ em, mỗi đứa xách một lồng đèn trong có thắp nến hay dầu, kết hàng một thành đoàn dài, vừa đi vừa hát rất vui.
 
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tim tím
Đèn xanh lam với đèn trăng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu.
(Bài hát Rước Đèn Tháng Tám)
 
tettrungthu
H 5: Tết Trung Thu, bày bán các loại đèn lồng. Ảnh từ Wikipedia
 
– Tục thưởng trăng, người ta trải chiếu giữa sân, bày mâm cỗ, ngồi uống rượu ngắm trăng, hoặc ăn bánh Trung Thu uống nước trà, cuộc vui đàm đạo đến khuya mới dứt, nên còn gọi là Tết Trông Trăng. Những nơi dân cư đông đúc, các đoàn múa lân, múa rồng đi quanh phố xá, trèo lèo lấy thưởng. 
 
– Có nhiều nơi tổ chức thi làm cỗ và bánh Trung Thu, hoặc thi lồng đèn đẹp. Có nơi bày cuộc hát trống quân mang tính dân gian, đôi bên nam nữ hát đối đáp rất vui. Nhiều khi gặp những câu đố bí hiểm gay go, cần phải nhờ thầy đề thông chữ nghĩa và tài ứng đối mới giải quyết được. Có những câu hát thông thường như:
 
Trống quân, trống quýt, trống còi,
Ta chẳng lấy nó, nó đòi lấy ta,
 
Thình thùng thình.
 
Trống quân anh đánh nhịp ba,
Lúc vào nhịp bảy, lúc ra nhịp mười,
 
Thình thùng thình…
 
IX – Tết Trùng Cửu
 
Mồng Chín tháng Chín là Tết Trùng Cửu (重 九), còn gọi là Tết Trùng Dương. Theo Phan Kế Bính [7], nguồn gốc tết này từ bên Tàu, ông viết: “Nguyên từ đời nhà Hán, có người Hoàn Cảnh theo học người Phí Tràng Phòng. Tràng Phòng một bữa bảo Hoàn Cảnh rằng: mồng 9 tháng 9 nhà anh có nạn to, nên cho người nhà mỗi người may một cái túi lụa, đựng hoa thù du, buộc trên cánh tay, rồi lên chỗ cao mà uống rượu cúc, thì tiêu được nạn ấy. Hoàn Chỉnh nghe lời thầy, quả nhiên bữa đó người không việc gì, mà gà chó ở nhà thì chết cả.” Do tích ấy, cứ đến ngày Trùng Cửu, người Tàu rủ nhau lên núi hái hoa thù du đem về thờ tại nhà, và tin rằng sẽ trừ được tai họa bất ngờ.
 
Ở Việt Nam, trước kia, các thi văn sĩ cũng có lệ ăn Tết Trùng Cửu, nhưng với ý nghĩa khác. Ngày ấy, họ rủ nhau lên núi nhưng không hái hoa như Tàu, mà để thưởng ngoạn, rồi cùng nhau uống rượu, ngâm thơ, tức cảnh, xướng họa.
 
X – Tết Trùng Thập
 
Mồng Mười tháng Mười có Tết Trùng Thập (重 十). Theo sách cổ của Đông Y, trong một năm, đến ngày 10 tháng 10, dược tính của các cây thuốc lên cao nhất vì thời điểm đó mới kết được sắc tứ thời (Xuân, Hạ, Thu, Đông) và tích tụ đầy đủ khí âm dương, nên dùng chữa bệnh công hiệu nhất. Có thể nói ngày Trùng Thập là cái Tết của giới Đông Y. Họ cúng lễ và sắm Tết linh đình, nên còn gọi là Tết Thầy Thuốc.
 
Ngoài dân gian cũng ăn Tết, nhưng với ý nghĩa khác, quen gọi Tết Cơm Mới, có tên chữ Thường Tân (嘗 新), nghĩa là nếm của mới vật đầu mùa. Vì vậy, họ dùng những sản vật thu hoạch ở đầu mùa để cúng tạ thần linh, lễ gia tiên và làm quà biếu cho bậc trên hay người đã thi ân cho mình; nên có thể nói, ngày Trùng Thập là Tết Tạ Ơn của Việt Nam. 
 
Nhiều nơi lại tổ chức Tết này vào ngày Rằm tháng Mười, nên gọi là Tết Hạ Nguyên để đối với Tết Thượng Nguyên nhằm ngày Rằm tháng Giêng.
 
Riêng dân chúng vùng Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là huyện ngoại thành Hà Nội) ăn Tết Cơm Mới vào ngày 21 tháng Mười, lúc đó vừa xong mùa gặt. Tục lễ sêu trong dịp Tết Cơm Mới thường có các sản vật như: gạo đầu mùa, chim ngói [8] và trái hồng. 
 
XI – Tết Táo Quân
 
Hai Mươi Ba tháng Chạp là Tết Ông Táo. Theo truyền thuyết, ngày xưa có hai vợ chồng thương yêu nhau, nhưng vì nghèo quá nên đành chia tay, để người vợ lấy chồng khác, sống sung túc hơn. Một hôm, nhà giàu nọ làm lễ cúng đốt vàng mã ở ngoài sân, có người ăn mày vào xin, người vợ nhận ra chồng cũ, bèn cho nhiều gạo thóc tiền bạc. Người chồng sinh nghi vặn hỏi, người vợ ức quá đâm đầu vào bếp mà chết. Thương tình vợ cũ, người ăn xin nhảy vào bếp lửa chết theo. Người chồng thấy thế, hối hận, cũng lao vào bếp chết nốt. Ngọc Hoàng thương cảm tình nghĩa của ba người, nên phong cho họ làm vua bếp, ca dao có câu:
 
Thế gian một vợ một chồng,
Chẳng như vua bếp hai Ông một Bà.
 
Trong Lão Giáo có nói: ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo Quân lên trời, tâu với Ngọc Hoàng việc làm thiện ác của thế gian suốt một năm qua. Vì vậy, ta có tục cúng tiễn đưa Táo quân chầu Trời vào giờ Dậu (từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối). Lễ cúng, ngoài thức ăn còn có chè xôi, hoa quả, rim mứt, bánh tét. Và trong lễ cúng, phải có bộ đồ cho Ông Táo bằng giấy, gồm: 3 mũ, 3 áo, sớ tâu Ngọc Hoàng và hình vẽ con cá chép để cỡi lên trời. Đến ngày 30 tháng Chạp (ngày 29, nếu tháng thiếu) cũng vào giờ Dậu, lại cúng lễ rước Ông Táo trở về trần gian, tiếp tục phận sự vua bếp. Lần này, cũng có bộ áo mũ cho ba vị, cúng xong đem đốt. Trong văn chương, các giai phẩm Xuân hay các tạp chí số phát hành vào dịp Nguyên Đán, thường có bài sớ Táo Quân.
 
XII – Lời Kết
 
Tóm lại, nước ta có nhiều lễ Tết, hầu hết có ngày nhất định, ngoại trừ Tết Thanh Minh. Còn Tết Trùng Thập, tuy được ấn định ngày, nhưng không thống nhất trên toàn quốc. Dù cho một số lễ Tết du nhập từ nước Tàu, nhưng ta không bao giờ rập khuôn, mà đã biến đổi hẳn cho phù hợp với dân tộc tính và phong hóa Việt Nam. 
 
Có người cho rằng, ngày xưa, lễ Tết của ta quá nhiều, choán hết thì giờ làm việc (Tháng Giêng ăn Tết ở nhà), lại tổ chức ăn uống linh đình (Có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa) làm hao hụt kinh tế gia đình. Xét cho cùng, dân nước ta sống về nghề nông, lại không có lệ nghỉ vào cuối tuần như các nước Tây Phương, làm việc cực nhọc, ăn uống đạm bạc. Cần có những ngày lễ Tết để nghỉ ngơi, giải trí, và sắm cỗ bàn trước là để cúng gia tiên, tạ ơn thần thánh, sau là có dịp sum họp bà con ăn uống bồi bổ sức khỏe, bù lại những ngày mùa làm lụng vất vả. Hơn nữa, những lễ Tết lớn đều rơi vào dịp cày cấy xong, hoặc mùa gặt đã chấm dứt, không cản trở việc sản xuất. Ngày nay, Tết Nguyên Đán và Trung Thu được coi là lớn nhất trong một năm, không khí Tết kéo dài trong nhiều ngày. Kế đến, Tết Thượng Nguyên và Trung Nguyên được tổ chức trong các đền chùa với đông người tham dự. Thứ nữa là Tết Thanh Minh, Đoan Ngọ, Táo Quân, Hạ Nguyên một số người còn nhớ đến. Các Tết khác như Khai Hạ với tục dựng nêu, Hàn Thực nấu chè xôi nước, và nhất là Trùng Cửu lên núi uống rượu ngâm thơ hầu như không còn nữa.
 
Đào Đức Chương
 
Ghi chú
 
[1] Cây nêu, Tết Nguyên Đán ở giữa sân trước nhà có trồng nêu, là một cây tre thẳng, trảy nhánh, còn chừa phần lá ở gần đọt, dưới chòm lá có treo lá cờ đuôi nheo dài, cái khánh và một giỏ mồm đựng bánh mứt, đôi khi còn có lá phướn. Dưới gốc cây nêu, rắc vôi trắng hình cung tên để trừ ma quỷ.
[2] Con trai trưởng của vua nước chư hầu gọi là Thế tử, các con trai kế (thứ nam) đều gọi là Công tử. Con thứ mà được vua cha chọn nối ngôi, cũng gọi là Thế tử.
[3] Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Trực (1926 – 2009), người Hoàng Mai, Hà Nội. Tổng Thư ký Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam (1957 – 1975). Sáng lập và Chủ tịch Hội Nhiếp Ảnh Việt Mỹ (1963 – 1975). Giám đốc các lớp nhiếp ảnh nghệ thuật Hội Nhiếp Ảnh Việt Mỹ. Năm 1975 ông định cư tại California và có nhiều bài biên khảo đăng trong Việt Nam Nhật Báo (San Jose, CA), Bán Nguyệt san Ngày Nay (Houston, TX). Ông còn là nhà sưu tầm sách với 3700 cuốn, đủ các bộ môn và gồm ba thứ tiếng Việt Anh Pháp.
[4] Theo Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố phải chép là Lạc Vương mới đúng; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng chép: “Lạc tướng hậu ngoa vi Hùng tướng” nghĩa là Lạc tướng sau lầm làm Hùng tướng (Việt Sử Tân Biên, Quyển 1, trang 75 – 76).
[5] Theo Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 25: Họ Hồng Bàng làm vua nước Văn Lang truyền ngôi được 18 đời, nếu kể từ Kinh Dương Vương đến vị Hùng Vương cuối cùng, cả thảy là 20 ông vua. Nhưng theo Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển (Gia Định, Tác giả xuất bản, 1966), Quyển 1, trang 534: Nếu kể Hùng Vương Đệ Nhất húy là Lộc Tục, hiệu Kinh Dương Vương và Hùng Vương Đệ Nhị húy là Hùng Hiền, tước Lạc Long Quân, hiệu Sùng Lãm thì mới đủ 18 vị vua Hùng.
[6] Kim Vũ sưu tầm và dịch; Việt Nam Những Áng Thơ Tuyệt Tác, song ngữ Việt Anh (Không đề nơi, tác giả xuất bản, 2003); Phần một: Truyền Thống Thơ Dân Gian, trang 14 và 16. Trích đoạn ca dao từ câu “Ngày xưa xưa lắm” đến câu “Gửi về biển rộng…
[7] Phan Kế Bính; Việt Nam Phong Tục (Sài gòn, Phong Trào Văn Hóa xuất bản, 1970); trang 46.
[8] Chim ngói là giống chim cùng họ với bồ câu nhưng nhỏ hơn, lông màu nâu nhạt, sống thành đàn, ăn hạt lúa.
 
Tài liệu tham khảo
 
Phan Kế Bính; Việt Nam Phong Tục; Sài gòn, Phong Trào Văn Hóa xuất bản, 1970.
Thanh Lan và Vũ Ngọc Thành; Nhân Vật Đông Châu; Sài Gòn, Trung Tâm Học Liệu xuất bản, 1968.
Toan Ánh; Nếp Cũ, Tín Ngưỡng Việt Nam, Quyển hạ; Sài Gòn, nxb TH/HCM, 1992.
Trần Độ chủ biên; Văn Hóa Việt Nam; Hà Nội, Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương xuất bản, 1989.
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com