Nhiều dân tộc có các món ăn chế biến từ các loài hoa như: người Nhật ăn hoa cúc đồng, người Pháp nấu thức ăn với choux-fleur, người Hy Lạp dùng bông bí để chiên, dân Nam Mỹ có hoa của cây yucca dùng làm salad, xào. Người Việt cũng có nhiều món ăn được chế biến từ các loại hoa như: bông bí, bông điên điển, bông sen, hoa thiên lý, v.v.. Dưới đây chỉ xin điểm qua một số loài hoa dùng trong ẩm thực và câu chuyện của chúng.
Bông bí
Bông bí dùng để ăn là bông bí đực của cây bí rợ, không thể đậu trái. Bông bí lớn, màu vàng tươi rất vui mắt, được cắt chừa cuống dài, bó thành bó nhỏ đem ra chợ bán, nhưng không có nhiều, chỉ có theo mùa.
(Ảnh qua vncgarden.com)
Thông thường bông bí đem về được rửa sạch, sau đó luộc chấm nước kho cá, kho thịt hay chấm nước tương dầm ớt. Bông bí luộc có vị ngọt, hơi nhân nhẫn, phần tiếp giáp giữa cuống và bông hơi dai dai, ăn rất ngon. Bông bí còn dùng để nấu canh, xào tỏi, xào thịt bò, xào nghêu… Xào bông bí phải canh cho vừa chín mới còn dòn. Món đặc sắc nhất của bông bí là “bông bí dồn thịt chiên“ hay còn gọi là chả bông bí.
Bông điên điển
Bông điên điển còn được gọi là “hoa mùa lũ” hay “hoa cứu đói”. Do mỗi năm, khoảng một tháng sau khi nước lên theo mùa, ở vùng châu thổ sông Cửu Long, bông điên điển trổ đầy cành những cánh hoa vàng rực rỡ, trên những cánh đồng ngút ngàn. Trong những ngày không làm việc được để kiếm tiền, người nông dân chống xuồng ba lá đi hái bông điên điển tươi bán đổi gạo, làm dưa, hay nấu cháo với bông, luộc bông ăn cầm cự đói.
(Ảnh qua emdep.vn)
Bông điên điển nhặt, rửa sạch, ngâm với giá sống trong nước muối có độ mặn vừa phải, chừng 3 ngày thì chua, thành dưa điên điển, dùng chấm nước kho cá, kho thịt, nấu canh với cá rô. Mùa nước nổi là mùa tôm cá sinh sôi đầy đặc dưới nước. Người ta giăng lưới, câu, xúc, kéo vó quanh nhà chừng nửa giờ là có cá rô con, rô mề cỡ mấy ngón tay. Canh dưa điên điển cá rô chẳng cần nêm, nếm gì thêm cũng đủ vị mặn, chua hấp dẫn.
Bông điên điển dùng làm rau sống nhúng lẩu cá, lẩu mắm, xào tép, thay giá làm nhân đổ bánh xèo với thịt heo, ăn với các loại rau, đọt trong vườn, chấm nước mắm pha tỏi ớt; bông điên điển làm mắm chay hoặc nấu canh chua rất ngon. Mùa điên điển ra bông cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ trôi giạt xuống vùng sông Tiền, sông Hậu. Cá linh nấu với me sống vừa chua, làm lẩu, nhúng chỉ duy nhất bông điên điển vào. Bông điên điển còn có thể được nấu canh chua với cá bông lau, đậu bắp.
Bông súng
Cây súng có lá tròn giống lá sen, phía trên màu xanh lục, phía dưới màu hồng nhạt, nổi trên mặt nước. Có hai loại bông súng: Súng sen được trồng ở đầm chùa, ao làng có bông màu tím đỏ, rất to. Súng dại có cuống lá nhỏ, bông màu trắng hay tím. Bông súng có nhiều lá noãn gắn với nhau thành một bầu nhiều ô. Bông có 4 lá đài, 20-30 cánh hoa, 30-50 nhụy. Nhụy bông súng màu vàng. Thật ra, người ta chỉ xài phần thân, cọng súng màu nâu, nhưng vẫn gọi đó là bông súng.
(Ảnh qua cookstar.asia)
Món gỏi bông súng khá dễ làm lại mang đến hương vị thật lạ mà ngon. Bông súng muốn ăn phải tướt vỏ, xắt khúc, ngâm nước cho sạch. Bông súng dùng trộn gỏi; ăn sống với mắm kho; nấu canh chua với cá đồng; bóp muối cho héo, ngâm giấm làm dưa.
Bông sen
Trong địa hạt Đông y, mỗi bộ phận của cây sen có tính trị liệu khác nhau. Về ẩm thực, các phần của cây sen đều được sử dụng. Gương sen phơi khô đem đun thay củi. Lá sen gói cơm, xôi, quà bánh giữ được hương vị rất lâu. Lá sen non nấu cháo trị chứng giữ nước, phù thũng… Hạt sen tươi hay khô được xỏ xâu dùng nấu chè, làm bánh, làm mứt, tiềm vịt, tiềm gà. Ngó sen làm gỏi. Củ sen làm mứt, luộc, chiên bột, hầm canh… cho đến trà ướp hương sen. Hoa sen vị ngọt, hơi đắng, không độc, có tánh ấm, giúp an thần, trị xuất huyết.
(Ảnh qua Pinterest)
Có một món ăn nấu từ hoa sen của nhà văn Tản Đà, đã trở thành giai thoại: Vịt hấp hoa sen. Ông cho rằng tinh túy của sen đọng lại ở hoa, nên dùng cánh hoa sen phủ kín vịt để hấp cách thủy. Vịt ở đây là vịt tơ vừa, được làm sạch bằng rượu, khử mùi bằng gừng, ướp gia vị cho thấm trước. Khi vịt chín, bao nhiêu hương hoa ngấm hết vào thịt. Ăn cả thịt vịt mềm, không bị béo ngậy cùng hoa thơm, ngọt. Đến hết vẫn còn “vương vấn” hương vị, cứ như là: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” (Nguyễn Du).
Bông so đũa
Cây so đũa hoặc mọc hoang, hoặc được trồng nhiều ở các vùng bờ quanh ruộng của đồng bằng sông Cửu Long. Cây so đũa thon cao, thẳng, vỏ nham nhám, xù xì, nứt nẻ. Bông so đũa mọc ở trên cao, kết thành từng chùm, có 2 màu: trắng và tím. Bông so đũa có vị nhân nhẫn đắng, nhưng ngọt hậu.
(Ảnh qua cookpad.com)
Đầu tháng 10 âm lịch trở đi, cây so đũa đồng loạt ra hoa, cùng lúc với mùa cá linh để có món ăn nức tiếng là cá linh nấu canh chua bông so đũa. Bông so đũa nhặt cuống, rửa sạch. Nấu nước sôi, dầm me, thả cá linh, nêm vừa miệng, hớt bọt, cho bông so đũa vào là nhấc xuống liền, để bông còn giòn mới ngon. Trên mặt bỏ ngò gai, rau om xắt nhỏ, thêm một chút tỏi phi, vài lát ớt tươi.
Không có cá linh, người ta nấu canh chua so đũa với tôm, tép. Bông so đũa còn dùng luộc, xào, đặc biệt là món cá lóc bọc bằng bông so đũa hấp, chấm nước mắm đồng dầm ớt.
Hoa thiên lý
Cây thiên lý là một loại dây leo, dài hàng mét, thân non có lông, lá mọc đối. Hoa mọc thành chùm màu vàng chanh hay trắng ngà. Ban đêm hoa tỏa hương thơm ngát, nên còn được gọi là Dạ lai hương. Hoa thiên lý giống như cái chuông gió nhỏ, lấp ló trong những tán lá xanh mướt. Bên cạnh mùi hương, hoa thiên lý còn có vị ngon ngọt, tánh mát, được người nông dân miền Bắc coi như một loại rau có sẵn trong nhà.
(Ảnh qua emdep.vn)
Canh thiên lý mang hương vị đặc trưng của mùa hè. Người ta có thể nấu canh hoa thiên lý với thịt heo bằm, giò sống. Nhưng kết hợp độc đáo của hoa thiên lý là cua đồng giã nhỏ, khiến canh có hương vị đậm đà. Hoa thiên lý còn có thể xào với thịt bò, có ướp chút gừng và nước tương cho thấm.