User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
“Tôi muốn kể câu chuyện nhiễm Covid-19 của mình, để những người đang hoang mang khi mới bị nhiễm bệnh, chưa biết phải làm gì, có cơ hội tìm hiểu để được giúp đỡ.”
 
chuabenh
Chị Thùy Dương (trái) tại phòng khám bệnh. Đứng phía xa là bà Joél Marie Barra, giám đốc Hoạt Động Lâm Sàng (giữa) và y tá Fesyi Caballero. (Hình: Thùy Dương cung cấp)
 
Chị Thùy Dương mở đầu câu chuyện bằng việc kể lại những gì mình đã trải qua, quãng thời gian mà theo chị “nó thực sự kinh khủng không chỉ cho tôi, mà cho cả gia đình, những người thân yêu.”
 
Trong một tuần, 14 người trong gia đình bị lây Covid-19
 
Vào một ngày đẹp trời Tháng Chín, chị Thùy Dương và bốn người thân trong gia đình cùng đi chung một chiếc xe đến thành phố Baker Field dự một buổi tiệc. Dù ở khác nhà nhau, nhưng vì nghĩ là gia đình nên không ai mang khẩu trang khi đi chung xe. Đến nơi, mọi người dự tiệc đều mang khẩu trang khi trò chuyện, nên chị cũng phần nào yên tâm.
 
Nhưng mọi chuyện lại không kết thúc tốt đẹp. Ngay khi về đến nhà, chị Thùy Dương cảm thấy mệt mỏi, muốn bệnh.
 
Chị kể: “Thứ Năm cảm thấy người không được khỏe. Gọi cho hai người chị ruột, và chị dâu đi chung, họ cũng bị cảm luôn. Thứ Sáu tôi thực sự ngã bệnh nằm ở nhà. Thứ Bảy đi xét nghiệm Covid-19 ở CVS, Thứ Hai họ báo cho tôi biết mình đã bị nhiễm Covid-19.”
 
“Chỉ trong vòng một tuần, gia đình tôi có 14 người bị Covid-19. Chị ruột đi với chồng, nên hai vợ chồng bệnh, về lây cho hai đứa con, một đứa cháu. Gia đình anh ruột có bốn người bị hết cả bốn. Gia đình tôi, khi tôi bị cảm là cách ly chồng, ở trong phòng riêng. Chồng tôi đưa đồ ăn tới thì để trước cửa phòng, hoặc gặp thì đeo khẩu trang, găng tay. Nhưng cuối cùng vẫn bị lây. Một người bạn ổng đến chơi cũng bị lây luôn. Má tôi, 83 tuổi, ở căn nhà khác, bà chị tôi đến thăm, lây bệnh cho cụ luôn. Chỉ còn thằng em trai, bị bệnh tim, không bị lây, nên chúng tôi bảo nó ra khách sạn ở tạm.”
 
Chị thực sự lo lắng, vì đầu Tháng Chín chị mới chuyển bảo hiểm, đến Tháng Mười mới có giá trị, thì giữa Tháng Chín chị lại bị Covid-19. “Tai họa ập bất ngờ đến khiến tôi chới với, vì không có bảo hiểm.”
 
Năm ngày tự chữa bệnh ở nhà vẫn không bớt. Chị vẫn bị ho dai dẳng, dù không sốt. Lúc nào chị cũng thấy nhức đầu, mệt mỏi, ăn gì vô cũng đau bụng, đi tiêu chảy, thậm chí không ăn được.
 
Vì không có bảo hiểm, nên chị Thùy Dương phải đi Agent Care khám tự túc với giá $200/lần, để lấy toa bác sĩ mua thuốc uống.
 
“Mình mất tiền khám mà bác sĩ đâu dám gặp trực tiếp. Họ nói tôi đậu xe ở parking lot, bác sĩ đứng xa xa hỏi chuyện thôi cứ không lại gần. Hỏi chuyện xong, bác sĩ kê toa cho tôi mua thuốc ho, thuốc cảm, vậy thôi. Khi ông bác sĩ quay vô, tôi thấy ổng đứng bên ngoài cửa, cởi hết bộ đồ bảo hộ ra, bỏ vô thùng rác trước khi bước vào trong. Nhìn vậy, tôi mới thấy ngay cả bác sĩ cũng sợ con virus này như thế nào. Họ đứng xa tôi mà vẫn sợ bị lây.”
 
Thế nhưng dù uống thuốc theo toa bác sĩ, chị Thùy Dương vẫn không thấy bớt. Cả gia đình chị tiếp tục trải qua những giờ phút căng thẳng khi mỗi người phải tự mình chiến đấu với Covid-19.
 
chuabenh1
Bà Joél Marie Barra, giám đốc Hoạt Động Lâm Sàng AIR. (Hình: Joél Marie Barra cung cấp)
 
Tìm lối thoát bằng chương trình thử nghiệm lâm sàng
 
Mười ngày trôi qua, kể từ khi gia đình chị Thùy Dương bị lây nhiễm Covid-19, thì được một bác sĩ giới thiệu Viện Nghiên Cứu Lâm Sàng Sáng Tạo (Innovative Clinical Research Institute – ICRI) trực thuộc Viện Nghiên Cứu Hoa Kỳ (American Institutes Research – AIR).
 
Theo bà Joél Marie Barra, giám đốc Hoạt Động Lâm Sàng, Viện Nghiên Cứu Hoa Kỳ phối hợp với Tiến Sĩ John Kowalczyk và Tiến Sĩ David Mcdonough, đã ký hợp đồng giúp dược phẩm ATEA tiến hành nghiên cứu một loại thuốc mới giúp điều trị Covid-19. Nghiên cứu đã được mở từ Tháng Bảy, 2020 và sẽ tiếp tục cho đến khi chương trình có những con số thích hợp để tiến hành phân tích trên toàn thế giới.
 
Vẫn theo bà Barra, những bệnh nhân Covid-19 được chữa trị tại đây đều tự nguyện, và phải hội đủ một số điều kiện.
 
– Tuổi nằm trong khoảng từ 45 tuổi đến 80 tuổi.
 
– Có xét nghiệm dương tính với Covid-19.
 
– Khởi phát triệu chứng Covid-19 ban đầu trong vòng 5 ngày trước khi Khám sàng lọc.
 
– Có tiền sử bệnh: béo phì (BMI> 30), tăng huyết áp, tiểu đường hoặc hen suyễn.
 
– Phải sẵn sàng ở lại viện nghiên cứu trong 5 đêm.
 
Gia đình chị Thùy Dương có 6 người hội đủ điều kiện, và đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng này.
 
Chị nói: “Tôi biết chỗ này là chỗ thử thuốc Covid-19 xem hiệu nghiệm như thế nào. Bác Sĩ David Mcdonough cũng nói với tôi rất rõ điều này. Nhưng tôi không có nơi nào để đi cả, khi cả hai vợ chồng đều bị Covid-19. Đến bệnh viện họ cũng đuổi về vì ‘chưa nặng đến mức.’ Họ nói mình tự cách ly rồi uống thuốc ho, thuốc cảm thôi.”
 
Cảm thấy như bị “bỏ rơi” trước ngưỡng cửa “sinh – tử,” vợ chồng chị Thùy Dương quyết định ghi danh tham gia chương trình của Viện Nghiên Cứu Hoa Kỳ.
 
chuabenh2
Bác Sĩ David McDonough. (Hình: David McDonough cung cấp)
 
“Trước hết chúng tôi phải gặp bác sĩ, chụp hình phổi, X-ray, để bác sĩ xem tình trạng phổi như thế nào. Cùng lúc đó, họ kiểm tra lại bệnh án của mình từ trước tới nay. Khi họ cảm thấy mình hội đủ điều kiện thì họ báo là mình được nhận vào chữa bệnh.”
 
Đêm trước ngày nhập viện, hai vợ chồng chị được Bác Sĩ David Mcdonough còn gọi điện thoại trình bày và giải thích mọi thắc mắc khiến anh chị yên tâm.
 
“Ông bác sĩ nói chuyện với tôi cả tiếng đồng hồ, để giải thích về những quyền lợi, về những nguy cơ ngẫu nhiên có thể gặp phải, để mình quyết định có tham gia hay không. Khi vào đó, tôi mới thấy mình quyết định đúng, vì tinh thần ổn định rất nhiều. Không như ở nhà, cứ tự chữa mà không biết kết quả ra sao, rồi còn có nguy cơ lây bệnh cho người khác.”
 
Bác Sĩ David McDonough bắt đầu điều trị Covid-19 ngay khi đại dịch bắt đầu, và có kinh nghiệm điều trị hàng trăm trường hợp bệnh nhân ngoại trú. Ngoài ra, ông cũng có kinh nghiệm về thử nghiệm lâm sàng từ năm 1994 với tư cách là điều tra viên trên 41 thử nghiệm.
 
Ông chia sẻ: “Tôi cảm thấy rằng nhiều bộ phận của ngành y tế cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được thách thức của Covid-19. Tôi cho rằng bệnh nhân cần được điều trị sớm, chứ không phải chờ đến lúc nặng. Chính nhờ điều trị sớm và tích cực, sẽ làm giảm tổn thương viêm dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan, chống tăng đông máu do tác động của virus.”
 
Những suy nghĩ tích cực về chữa trị của Bác Sĩ McDonough, khiến chị Thùy Dương yên tâm khi tham gia chương trình thử nghiệm thuốc này. Vì chị biết, chị sẽ được một bác sĩ chuyên về virus, có trách nhiệm chữa trị.
 
Chị kể: “Mỗi người được ở phòng riêng, rộng rãi. Ngày nào cũng có bác sĩ, y tá tới phòng khám bệnh, cho thuốc. Sáng khi mình dậy thì báo cho họ biết, muốn uống cà phê Starbucks, muốn ăn gì thì gọi những tiệm ăn gần đó, họ sẽ mang lại. Y tá giúp uống thuốc, đo, thử máu.
 
Tôi với chồng mình ở hai phòng khác nhau, mỗi ngày chúng tôi chỉ gặp nhau 10 phút thôi.
 
Điều làm tôi cảm động là khi mình bị Covid-19 không ai dám lại gần mình, thì bác sĩ y tá ở đây lúc nào cũng sẵn sàng tới hỏi thăm, chia sẻ. Họ làm tất cả để chữa bệnh cho mình.
 
Hồi trước nghe Covid thì cũng sợ, nhưng chưa bao giờ thấy nó ghê gớm đến như thế. Nó làm cho mình sợ hãi vô cùng, và cũng chính vị đó mà tôi muốn làm mọi cách để chặn đứng nó lại.”
 
Tiến trình chữa trị hai vợ chồng chị Thùy Dương tại viện tiến triển rất tốt. “Hai ngày đầu tiên tôi thấy mình vẫn còn bị mệt, còn ho, ăn uống không được. Nhưng qua ngày thứ ba, rồi thứ tư, sức khỏe tôi ngày càng hồi phục.” Chị Thùy Dương kể, “Điều quan trọng là tinh thần tôi rất tốt, không lo lắng, hết căng thẳng, nhất là cảm thấy con virus này trong người tôi, ngày càng bị khống chế.”
 
Đánh giá về thành quả chữa trị, cũng như thử nghiệm lâm sàng của chương trình, bà Barra cho biết:
 
“Đối với Viện Nghiên Cứu Hoa Kỳ, chúng tôi đã thực hiện thử nghiệm thành công tất cả bệnh nhân, không có người thiệt mạng. Chúng tôi làm việc rất chặt chẽ để bảo đảm thuốc thử nghiệm hoạt động tốt và an toàn cho người bệnh.”
 
Thái độ làm việc của bác sĩ, y tá tại đây cũng được chị Thùy Dương khen ngợi.
 
“Tôi thấy ở clinic này, nhóm bác sĩ nghiên cứu của họ làm việc ngày đêm, để tìm ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Tối khuya vẫn thấy họ đọc film, theo dõi tiến triển bệnh của từng bệnh nhân, trong đó có vợ chồng tôi. Rồi khi chúng tôi về nhà họ vẫn gọi lại hỏi thăm tình trạng sức khỏe chúng tôi.”
 
Phong cách làm việc của ê kíp bác sĩ, y tá ở đây làm cho chị Thùy Dương yên tâm chữa trị. Nhất là Bác Sĩ McDonough, người luôn mang lại niềm tin cho bệnh nhân mà ông tiếp xúc. “Niềm tin được tạo ra bằng cách lắng nghe bệnh nhân và giải thích một cách trung thực và đơn giản nhất có thể về bệnh tình của họ.”
 
Bác Sĩ McDonough chia sẻ thêm: “Điều quan trọng là phải chào đón bệnh nhân bằng tấm lòng của người bác sĩ, giải thích, đối thoại qua lại để bệnh nhân và bác sĩ hiểu nhau. Tôi yêu công việc của mình. Tôi đã yêu thích nghiên cứu và tìm ra cách điều trị HIV trong gần hai thập niên, và đây chỉ là một thách thức mới của tôi về virus.”
 
Nhờ sự tận tâm của Bác Sĩ McDonough, hiện nay sức khỏe chị Thùy Dương “phục hồi được 95%” nhưng vẫn còn trong thời gian cách ly để bác sĩ tiếp tục theo dõi.”
 
Chị chia sẻ: “Nếu thuốc hiệu nghiệm mà mình đóng góp được cũng tốt. Lúc mình bệnh mà được chữa trị thì đâu có sợ gì nữa đâu. Muốn thử nghiệm thì cứ thử thôi.”
 
Đề cập đến những bệnh nhân được chữa trị qua chương trình thử nghiệm lâm sàng này, bà Barra cho biết: “Họ đều là tình nguyện viên và có quyền lựa chọn tham gia chữa trị hay không. Họ có quyền dừng lại bất cứ lúc nào họ muốn. Quyền lợi và trách nhiệm của họ được liệt kê rất rõ ràng trong biểu mẫu tham gia. Chúng tôi đánh giá cao và tôn trọng tất cả những bệnh nhân tình nguyện tham gia các thử nghiệm lâm sàng vì họ đang làm rất nhiều cho xã hội và thế giới và họ là anh hùng thực sự của chúng tôi.” 
 
(*) Tìm hiểu thêm tại: Website Viện Nghiên Cứu hoa Kỳ – AIR: www.americaninstituteofresearch.com
– Chương trình thử nghiệm lâm sàng thuốc AT-527: https://ateapharma.com
 

 

 

 

 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com