Chỉ còn khoảng một tháng nữa thì khu vực Bắc bán cầu bước vào mùa Đông, và hiện nay các giới chức y tế tại Bắc Mỹ cũng đang chuẩn bị cho một giai đoạn cần tập trung nhiều hơn trong trận chiến chống lại đại dịch Covid-19 khi thời tiết bắt đầu trở lạnh.
Mùa đông và Covid-19 – nguồn CCO Public Domain
Các loại vi khuẩn đường hô hấp thường dễ lây lan trong những tháng mùa Ðông lạnh, mà vào những năm bình thường sẽ khiến cho nhiều người bị sốt nhẹ, ho và hắt xì cũng như gây viêm phổi và thậm chí tử vong đối với những người cao tuổi. Riêng với Hoa Kỳ, năm nay còn có thêm một rủi ro khác nữa là những trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 có thể tăng lên cấp số nhân cùng lúc với những căn bệnh mùa Ðông thông thường khác khiến cho nhiều bệnh viện có thể bị quá tải vì con số bệnh nhân tăng cao.
Các chuyên gia về y tế công cộng cho biết, với việc chính phủ muốn tránh quay trở lại tình trạng đóng cửa gây thiệt hại về kinh tế được áp dụng hồi đầu năm thì điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị sẵn sàng cho mùa Ðông sắp đến và cần có một kế hoạch nỗ lực tích cực để truy tìm và cô lập những người đã nhiễm vi khuẩn Corona cũng như các biện pháp có mục tiêu để ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh.
Hôm Thứ Ba 13/10 vừa qua đánh dấu ngày thứ bảy liên tiếp trong Tháng 10 mà các trường hợp nhiễm bệnh mới trên toàn quốc đã tăng lên hơn 50,000 người mỗi ngày.
Kể từ ngày 1 Tháng 10, con số trung bình vào khoảng 48,000 người nhiễm bệnh được ghi nhận mỗi ngày, là dấu hiệu tăng cao hơn so với sáu tuần lễ trước đó khi con số trường hợp nhiễm bệnh trung bình mỗi ngày luôn ở mức dưới 41,000.
Theo số liệu của Ðại Học Johns Hopkins, tính cho đến hôm Thứ Ba tuần qua, con số trường hợp nhiễm bệnh mới trong bảy ngày đã vượt quá con số trung bình trong 14 ngày tại 44 tiểu bang và khu vực thủ đô Washington – là con số tiểu bang cao nhất ở mức nhiễm bệnh trung bình đó kể từ giữa Tháng 7. Khi mức trung bình trong bảy ngày cao hơn mức trung bình trong 14 ngày, điều đó cho thấy các trường hợp nhiễm bệnh mới đang tăng lên.
Nhiệt độ lạnh dễ làm lây lan Covid-19 – nguồn Shutterstock
Một số nhà dịch tễ học và nhà nghiên cứu về y tế công cộng đã đưa ra một số yếu tố có thể đóng một vai trò nào đó trong việc khiến cho số trường hợp mới nhiễm Covid-19 tăng cao hơn. Trong đó, người ta cho biết con vi khuẩn bắt đầu lây lan tới nhiều khu vực nông thôn hơn, khiến cho nhóm dân số sống trong khu vực này có nhiều nguy cơ dễ bị nhiễm bệnh hơn vì chưa từng trải qua việc đối phó với dịch bệnh và nay chỉ mới biết cách phản ứng lại thay vì thực hiện những bước cần thiết để ngăn chặn con vi khuẩn.
Trong khi một số người khác bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với những hạn chế trong việc di chuyển của họ và nay chịu chấp nhận rủi ro nhiều hơn so với hồi mùa Xuân. Rồi thông điệp về các biện pháp đề phòng lại không nhất quán gây ra hiểu lầm và coi thường. Một số chính quyền địa phương thì cho nới lỏng biện pháp hạn chế đối với các doanh nghiệp cũng như giảm nhẹ việc bắt buộc đeo khẩu trang. Trong khi đó, các sinh viên Đại Học quay trở lại trường và sống trong môi trường chung đụng sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn lây lan, và thời tiết lạnh khiến cho nhiều người thích ở trong nhà, nơi vi khuẩn dễ lây truyền từ người này sang người kia hơn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng hiện thời rất khó – và có lẽ còn quá sớm – để có thể xác định nguyên do chính xác về con số người nhiễm bệnh tăng cao gần đây. Nhưng các vị này cũng nhìn nhận rằng con số trường hợp nhiễm bệnh mới mỗi ngày sẽ tiếp tục tăng hoặc nằm ở mức cao nếu không chịu áp dụng có phối hợp những biện pháp phòng ngừa như gia tăng việc xét nghiệm, khuyến khích mọi người đeo khẩu trang và đưa ra những thông điệp liên quan đến y tế một cách rõ ràng và nhất quán.
Mặc dù hiện nay con số trường hợp nhiễm bệnh mới gia tăng trên toàn quốc nhưng lại không đồng nhất trong từng địa phương, và thường là một khu vực này tăng khi một khu vực khác cho thấy có tiến triển. Trong khi những trường hợp nhiễm bệnh mới giảm ở những tiểu bang miền Nam như Arizona thì lại thấy tăng ở nhiều khu vực khác trên nước Mỹ, đặc biệt là ở những tiểu bang phía Bắc của vùng Trung Tây. Và tình trạng lây truyền trong cộng đồng vẫn tồn tại ở những tiểu bang như Florida và Texas, nơi mà trường hợp nhiễm bệnh mới có nhiều dấu hiệu đã giảm gần đây.
Triệu chứng của Covid-19 và cúm – nguồn Community Impact Newspaper
Hiện đã có nhiều người đang lên tiếng lo ngại về một đợt nhiễm thứ nhì đang sắp sửa thành hình. Tuy nhiên, theo Giáo Sư Marissa Levine thì thực ra đợt nhiễm thứ nhất tại Hoa Kỳ chưa hề chấm dứt, và con số trường hợp nhiễm bệnh mới gia tăng có lẽ là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đang bước vào một giai đoạn gập ghềnh khác của đợt nhiễm thứ nhất.
Trên bình diện quốc gia, Hoa Kỳ chưa từng chứng kiến con số người nhiễm bệnh giảm một cách đáng kể như đã xảy ra tại nhiều quốc gia Âu Châu trước khi con số trường hợp nhiễm bệnh mới tại đây gia tăng trở lại.
Theo nhận định của các giới chức y tế, cho đến khi chưa có thuốc chủng ngừa hoặc chưa có một phương pháp chữa trị chắc chắn, phòng ngừa là cách tiếp cận hiệu quả nhất để kiểm soát việc lây lan. Biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách xã hội sẽ giúp nguy cơ lây truyền bệnh thấp hơn nhưng không hoàn toàn loại bỏ được dịch bệnh, đặc biệt là khi người dân không tuân thủ đầy đủ các biện pháp như nói ở trên.
Sự thờ ơ mệt mỏi trong việc tuân thủ biện pháp phòng ngừa trong dân chúng được cho là một yếu tố góp phần vào làn sóng nhiễm bệnh thứ nhì hiện đang lan rộng khắp Châu Âu trong những tuần lễ gần đây. Tại nhiều quốc gia trên Châu lục này, biện pháp hạn chế đang được cho áp dụng trở lại và bệnh viện một lần nữa lại đầy ắp bệnh nhân của Covid-19.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh – nguồn NIH
Tại Hoa Kỳ, theo số liệu từ Dự Án Theo Dõi Covid, con số trường hợp nhiễm bệnh mới gia tăng đã đưa đến tình trạng số người nhập viện đạt mức cao kỷ lục tại những tiểu bang như Wisconsin, North Dakota, South Dakota, Montana và Utah. Chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận con số bệnh nhân nhập viện do Covid-19 trong mấy ngày qua đã đạt mức cao nhất kể từ cuối Tháng 8.
Trong khi số trường hợp nhiễm bệnh mới tăng cao hơn thì con số tử vong và nhập viện cũng sẽ tăng theo và có tiềm năng chuyển từ người trẻ qua nhóm người dễ bị tổn thương nhất, tức những người lớn tuổi và người đã sẵn mắc bệnh từ trước, là tình trạng đang xảy ra tại Âu Châu hiện nay. Dự báo mới nhất từ Viện Ðánh Giá và Ðo Lường Sức Khỏe thuộc Ðại Học Washington đưa ra cho thấy cho tới ngày 1 Tháng 2 trong năm mới (tức vào thời điểm cuối mùa Ðông) có thể có thêm gần 180,000 trường hợp tử vong xảy ra ở Hoa Kỳ.
Trong mùa Ðông tới đây, ngoài việc chống trả Covid-19, các giới chức y tế công cộng cũng cần phải chú ý đến bệnh cúm nữa. Là vì các triệu chứng của Covid-19 có thể giống với các triệu chứng của bệnh cúm, do đó các bác sĩ cần có những phương pháp xét nghiệm nhanh chóng và hiệu quả để phân biệt giữa hai căn bệnh này. Thuốc chủng cho dân chúng nếu có thì trong thời gian đầu không chỉ bao gồm những người lớn tuổi và người có bệnh nặng mà còn luôn cả những người thường giữ vai trò trung gian trong việc truyền bệnh, như trẻ em chẳng hạn.
Một dấu hiệu đầy hy vọng: Tại vùng Nam bán cầu, nơi mùa Ðông đã đến và đã đi, mùa cúm vừa qua tại khu vực này khá nhẹ. Ðiều này có lẽ phản ánh từ những biện pháp tăng cường vệ sinh và giữ khoảng cách xã hội được cho áp dụng chính yếu là để chống lại Covid-19, và nhờ vậy đã giữ cho bệnh cúm ở mức thấp.
Trong trường hợp nếu như mùa Ðông sắp tới khiến có thêm nhiều người nhiễm Covid-19 thì ít ra lúc này các bác sĩ đã hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc điều trị cho người bệnh.
Vũ Hiến