Trong khi người nước ngoài tỏ ra kinh hãi khi ngay từ lúc 3 tuổi, trẻ em Nhật đã phải tự đi học, thì ở đất nước này, đó lại là việc ẩn chứa nhiều bí mật đáng ngưỡng mộ.
Tuần trước, con trai hai tuổi của tôi đã có một chuyến đi chơi “bí mật”. Trường mầm non của bé tự chuẩn bị mọi đồ đạc cần thiết cho các bé, đưa các bé lên một chiếc xe bus mà không hề thông báo với phụ huynh.
Khi chúng tôi nghe tin về chuyến đi này, tôi cùng các cha mẹ người Mỹ khác nhìn nhau đầy ngạc nhiên và bất ngờ bởi điều này chưa từng xảy ra ở Mỹ. Chúng tôi hình dung ra những ngọn núi, những con sóng vỗ bờ, những điều kỳ diệu mà bé không mấy khi được nhìn thấy trong trong cuộc sống thường nhật. Và dù ngạc nhiên nhưng chúng tôi không hề lo lắng, trái lại còn rất vui mừng.
Câu chuyện đằng sau hai từ “bí mật” này không hề đơn giản. Đây là chuyến phiêu lưu đầu tiên của các bé mà không có cha mẹ đi cùng. Nhà trường không muốn phụ huynh, dù chỉ một người, can thiệp vào “cuộc phiêu lưu” của các bé. Nhiều người nói đùa rằng sẽ bí mật đi theo quan sát, bởi đây là lần đầu tiên các bé vui chơi một cách tự lập.
Năm tới, tôi sẽ để bé ba tuổi nhà mình tự đón xe bus đến trường mẫu giáo. Bởi mọi trẻ em 5, 6 tuổi ở Nhật đều đi bộ hoặc đến trường bằng phương tiện giao thông công cộng mà không có cha mẹ đi cùng. Mẹ tôi, hiện đang sống ở Mỹ, thốt lên kinh hãi khi biết điều này: “Đi bộ cả quãng đường ư? Bé nhà mình vẫn còn quá nhỏ mà.”
Tuy nhiên, đối với một người nước ngoài như tôi, người Nhật thực hiện việc giáo dục con cái độc lập một cách tuyệt vời, điều mà hầu hết cha mẹ người Mỹ đều không thể hình dung ra.
1. Học cách buông tay bé
Công cuộc đó bắt đầu từ từ. Khi bé mới đi học mẫu giáo, nhà trường khuyến khích phụ huynh đến dự lớp học. Mẹ có thể tham gia các buổi học hoặc hoạt động ngoại khóa đầu tiên cùng bé. Và một tháng sau, bé đã có thể học và chơi ở lớp mà không có mẹ đi cùng.
Bằng cách này, trẻ em Nhật Bản dần xây dựng được tính cách độc lập. Chỉ có 1,7% trẻ em Nhật Bản đến trường mẫu giáo bằng xe bus. Nhiều trường còn cấm phụ huynh đưa đón bằng ô tô. Vì thế, trẻ bắt buộc phải tự đi bộ đến trường. Tất nhiên cha mẹ không chỉ việc đưa bé ra khỏi cửa, bảo bé đến trường mà còn phải hỗ trợ bé thực hành lối sống độc lập ấy. Ví dụ như để bé tự mình mua hàng, trả tiền, nhận tiền thừa với cha mẹ đứng sau quan sát và hướng dẫn, đồng thời giúp bé tự tin hơn.
2. Tin tưởng cộng đồng
Xã hội Nhật Bản cũng góp phần rất lớn trong việc giúp trẻ em trở nên độc lập hơn. Nếu một người hàng xóm thấy bé lang thang chơi một mình, họ sẽ không gọi cảnh sát mà thay vào đó, họ giúp đỡ bé. Vì sự hỗ trợ của cộng đồng, các bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn trong việc để con mình tự lập.
Một quãng đường đến trường cho trẻ em Nhật Bản đầy những tình nguyện viên gác ở ngã tư, những biển báo cửa hàng hoặc nơi trú ẩn an toàn phòng trường hợp khẩn cấp, chuông ở khu dân cư nhắc nhở trẻ em đang chơi bên ngoài về nhà ăn tối. Bằng cách này, trẻ em Nhật Bản vừa có thể vui chơi tự do và độc lập trong khuôn khổ cho phép, vừa được đảm bảo an toàn.
3. Từng bước nhận trách nhiệm
Trẻ cũng tiếp xúc với việc nhận trách nhiệm với cộng đồng theo từng bước. Trong bản báo cáo cuối buổi học đầu tiên, các cô giáo nói một số bé không thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Bé trẻ lời rằng: “Mẹ thường làm điều đó.” Điều này giống như một lời cảnh cáo với các phụ huynh. Và tôi hiểu rằng, từ nay, việc dọn dẹp đồ chơi ở nhà là trách nhiệm của bé, và trường mẫu giáo sẽ củng cố kỹ năng này bằng cách yêu cầu bé dọn dẹp trên lớp. Khi lên tiểu học, có khi bé sẽ phải quét dọn toàn bộ trường học. Làm được điều đó, bé không chỉ trở nên độc lập trong cuộc sống của bản thân mà còn có thể giúp ích cho cộng đồng.
4. Độc lập là bài học suốt đời
Độc lập là cả một hành trình dài để học tập. Thấm nhuần những kỹ năng độc lập sớm sẽ mang đến cho bé sự tự tin để làm chủ đời mình, không đơn thuần chỉ là việc đi bộ đến trường hay mua hàng ngoài tiệm. Cuộc sống đầy những thách thức mà nếu không vững tâm, bé sẽ bỏ cuộc trước những khó khăn trập trùng. Đây chỉ là một bước nhỏ trong việc giúp trẻ hướng đến một tương lai rực rỡ thành công.
Xã hội Nhật Bản tạo cơ hội và động lực để trẻ hoàn thành nhiệm vụ độc lập trong suốt cuộc đời. Có một chương trình truyền hình vô cùng được yêu thích ở Nhật mang tên Hajimete no Otsukai, có nghĩa là Lần đi công chuyện đầu tiên. Trong chương trình, các bé bốn tuổi sẽ được giao một công việc và phải hoàn thành một mình trong khoảng thời gian nhất định, thường là đi mua sắm cho cả nhà trong cửa hàng tạp hóa. Đây chỉ là một hành động nhỏ trong công cuộc nuôi dưỡng cả một thế hệ độc lập của xã hội Nhật Bản.
Kate Lewis là một cây viết tự do. Cô cùng chồng con có nhiều năm sống ở Nhật và đã có nhiều trải nghiệm thú vị tại đất nước mặt trời mọc.