66 năm hôn nhân với 16 đứa con.
Họ đã đi với nhau một đoạn đời 66 năm, đã có với nhau 16 đứa con, vừa sống vừa chết. Xuất thân trong một gia đình buôn bán ở xứ Ðạo Bùi Chu, gia đình neo người nên họ kết hôn từ lúc chàng trai mới 16 tuổi và cô gái lên 14. Năm nay ông đã 82 và bà cũng đã được 80, nhưng hai mươi năm ở cuối chặng đường, chữ nghĩa nặng hơn chữ tình.
Ông Nguyễn Văn Thịnh đọc sách cho vợ nghe. (Hình: Huy Phương)
Hai mươi năm mỗi ngày bà lặng lẽ trong thế giới riêng của mình, và ông mỗi ngày cần mẫn vào ra nursing home đúng giờ giấc, nhưng hai người không hề trao đổi với nhau một câu chuyện hay một lời tâm tình nào. Từ hai mươi năm nay, bà bị tai biến mạch máu não, khuôn mặt thay đổi, trí nhớ không còn. Bà được y tá đẩy xe lăn từ giường bệnh ra phòng tiếp khách, nơi có đầy đủ ánh sáng và người qua lại để thay đổi không khí cho bà vui, và có lẽ vui hơn, mỗi sáng, ông ngồi cạnh bà, đọc cho bà nghe vài trang Kinh Thánh... hay một mẩu chuyện trong cuốn sách mà ông mang theo. Bà có nghe, có hiểu không cũng không ai biết, không thấy bà cau mặt hay mỉm cười. Những lúc ông từ giã ra về, bà đưa cánh tay lên, nói những lời không nghe rõ như muốn giữ ông lại, những lúc ông vào, ông biết bà mừng rỡ nhưng không thốt ra được lời nói, nên ông phải lựa lời lúc từ giã: “Tôi về uống thuốc”; “Tôi đi bác sĩ!” cũng như lúc vào ông nói: “Nào hôm nay bà khỏe không!” Bà không nói gì, chắc hẳn thấy vui khi có ông ngồi bên cạnh, và ông như chiếc kim đồng hồ đều đặn mỗi ngày đều có mặt ở đây.
Tên ông là Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1930 tại Bùi Chu, Nam Ðịnh. Bà, Nguyễn Thị Tuất, nhỏ thua ông hai tuổi, người cùng quê với ông. Mặc dù là một người kinh doanh giỏi, cuộc đời hai lần di cư, trước năm 1975 ông đã thành công trên thương trường, qua đến Mỹ nuôi được một đàn con 11 trai, gái ăn học thành tài, ở nơi ông thể hiện một con người chơn chất thật thà của một người làm nghề biển.
Ông kể chuyện:
- “Hồi di cư vào Nam, ‘tàu ông Diệm’ lớn lắm, đậu ngoài khơi, chúng em đi tàu nhỏ ra và được kéo lên tàu. Mất hai ngày hai đêm, tàu mới đến Cap Saint Jacques (tên cũ của Vũng Tàu). Chính phủ cấp tiền, nơi tạm cư và đồng bào, tùy hoàn cảnh chọn lựa nơi sinh sống. Chúng em vốn làm nghề biển ở Nam Ðịnh, thấy Vũng Tàu đẹp đẽ, dân cư hiền hòa, dễ làm ăn nên ở lại đây. Thuở ban đầu, gia đình chỉ làm nghề xúc tép cũng đủ sống, tiền trợ cấp dựng được một ngôi nhà lá. Từ nhà lá lên nhà ngói, rồi nhà lầu. Chỉ bốn năm sau, đã có tiền mua đất, cả một hòn núi nhỏ ở bãi trước, thuê công binh quân đội bỏ cốt mìn phá núi, xây nhà lầu khang trang, nhưng đó cũng là năm gia đình ‘em’ chịu mất mát nhiều nhất, trong bốn năm liền, vợ em sinh ba đứa con, không đứa nào nuôi được quá ba tháng (?)”
Gia đình sum họp những ngày bà Thịnh chưa vào Nursing Home. (Hình: Gia đình cung cấp)
Ông Thịnh dù đã lớn tuổi có thói quen xưng “em” với tất cả mọi người.
- “Hồi đó gia đình em làm nghề bán máy tàu loại lớn đi biển, đóng tàu rồi mua đi bán lại, nên cuộc sống rất khá giả. Vào những ngày cuối cùng trước khi rời Việt Nam, nhà có đến ba tàu trọng tải khoảng 300 tấn, nếu vượt biển có thể chở hàng trăm người, nên chuyện ra đi quá dễ dàng. Rời Vũng Tàu vào khoảng trưa ngày 29, khi ra tàu, còn thấy du kích Việt Cộng chạy trên bờ. Trên tàu có đủ 10 đứa con và gia đình nội ngoại. Ra khơi chừng ba cây số đã có tàu Mỹ đón. Cuộc đời mình không ngờ lại có chuyện ra đi lần thứ hai.”
Mối lo của người chồng tình nghĩa
Ðến Mỹ, ông bà Nguyễn Văn Thịnh sinh được thêm hai người con nữa, như vậy là đủ nhân số cho một “tiểu đội tác chiến”. Cách đây hai năm, người con trưởng của ông qua đời vì bệnh ung thư, nên ngày nay ông bà chỉ còn lại 11 người con, tất cả đã thành đạt và đều sinh sống, làm việc quanh quẩn trong vòng quận Cam. Ông bà Thịnh có hơn 30 đứa cháu nội ngoại mà ông khó nhớ hết tên tuổi.
Tuy đàn con trai, gái có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, mời ông Thịnh về ở chung nhưng ông đều từ chối. Ông thuê một căn phòng nhỏ cách nursing home có 5 phút lái xe, tự lo bữa ăn hàng ngày cho mình, để có thể dễ dàng đến thăm vợ mỗi ngày. Ðúng 9 giờ sáng ông có mặt bên vợ, 12 giờ trưa, sau khi bà dùng bữa xong, y tá đỡ bà về phòng nghỉ thì ông ra về. Chiều lại vào, sợ vợ trông hay chính ông cũng cảm thấy lòng không yên. Tuy đông con, nhưng ông không tin, khi ông qua đời trước bà, khó có đứa con nào, đều đặn sớm hôm bên cạnh bà, an ủi bà như ông đã làm.
Tuy đã 82 tuổi, trông ông Thịnh còn minh mẫn, lanh lẹ, còn lái xe được, nhưng vì sao ông lại có ý nghĩ như vậy? Ông Thịnh cho biết: - “Em biết một bà cụ năm nay đã 90 tuổi, bị ‘tai biến’ đã 28 năm, tưởng không qua khỏi, nhưng bà vẫn sống cho đến nay, dù phải nằm một chỗ. Tuy vẫn nhờ nền y tế ở Mỹ là chủ yếu, nhưng cánh đàn ông như mình có lẽ dễ ‘đi’ hơn! Ðó chính là mối lo của em! Nếu em đi là do ý Chúa, nhưng chỉ tội cho bà ấy!”
Tôi quay sang hỏi ông Nguyễn Na, người phụ trách phần bệnh nhân người Việt về tỷ lệ nam nữ vào nursing home này. Ông cho biết “bệnh nhân hết 70% là nữ, chỉ có 30% nam hay ít hơn”. Ðồng ý với ông Thịnh, ông nói: “Có lẽ đàn ông dễ chết hơn phụ nữ!”
Người chồng tử tế chỉ sợ mình chết sớm trong khi còn người vợ ốm đau, quạnh hiu tuổi già trong nursing home không ai lo lắng.
Huy Phương/Người Việt