Tôi không phải sinh ra trong một gia đình quyền quý gì, cha tôi chỉ là một nhà giáo ở tỉnh lẻ, nhưng nếp sống gia đình cũng theo thói thủ cựu kéo dài cho tới khi tôi khôn lớn. Hồi ấy tôi mới lên sáu đang học lớp Ðồng Ấu trường Tiểu Học thị xã, và cho tới giờ này tôi không bao giờ quên được những bữa cơm gia đình. Ðó là lúc tập họp mọi người lại, đó cũng là lúc vui và cả lúc buồn phiền vì những sinh hoạt vui buồn của gia đình luôn luôn đi vào bữa cơm, không kiêng dè gì tới tuổi ấu thơ, non trẻ của tôi.
Nhà có ba bữa ăn luôn luôn đông đủ mọi người trong gia đình. Ban sáng, có lẽ từ lúc trời rạng đông, mẹ tôi đã dậy nấu một nồi cháo đậu xanh hay cháo gạo đỏ, múc ra từng chén (bát) nhỏ và bày lên tấm “phản gõ” (còn gọi là tấm phản ngựa làm bằng thứ gỗ tốt), nơi mỗi bữa ăn gia đình tôi vẫn quây quần ở đó. Lúc tôi thức giấc, làm vệ sinh xong chuẩn bị đến trường cũng là lúc cha tôi đã ngồi vào chỗ ăn sáng. Chiếc mâm đồng có chạm trổ rồng phụng, đã cũ, hơi vênh mặt, đã bày quanh những bát cháo xếp tròn. Ở giữa mâm là một chiếc dĩa lớn đựng những tảng đường đen đã được mẹ tôi chặt đều ra từ một bánh đường “đọi” (bánh đường có hình thể của một chiếc bát), hoặc có ngày sang thì chiếc dĩa đựng một ít đường cát vàng. Chung quanh mâm cháo đã có các anh chị tôi, trong khi mẹ tôi có lẽ còn loay hoay gì đó trong nhà bếp. Trong bữa sáng, tương đối ai cũng ăn vội vã và ít chuyện trò vì mỗi người đều phải có công việc riêng phải rời nhà. Trong khi lúc ăn, chúng tôi đều phải từ tốn, không khua đũa bát hay nói chuyện ồn ào. Cháo hay cơm thì người ăn phải vét cho sạch chén, không để lại một hạt cơm dính trong chén hay một vệt cháo còn lại cho khỏi phí của trời và mang tội. Ăn xong, chúng tôi không cần phải bưng chén không xuống bếp, nhưng phải để cái chén dùng xong ngay ngắn trước chỗ mình ngồi và nhất là phải gác ngang đôi đũa lên miệng chén để cho mọi người biết là mình đã ăn xong, xin phép và đứng dậy.
Trái lại, bữa cơm trưa và bữa cơm tối là hai bữa cơm gia đình sau khi mọi người đã trở về nhà. Thời Pháp thuộc chợ chỉ đông một buổi. Công chức, học sinh hay thợ thuyền cũng đều chia công việc hằng ngày ra làm hai buổi; trưa trở về nhà ăn uống, ngủ trưa, mãi đến ba giờ chiều mới làm việc lại. Những bữa cơm này chúng tôi phải chờ cha tôi về, đợi cho ông thay quần áo, rửa tay chân, mặt mày, ngồi vào mâm cơm. Ông cầm đũa lên anh em chúng tôi mới bắt đầu ăn. Vì vậy có lúc 11 giờ trưa tôi đã về tới nhà, bụng đói nhưng không bao giờ được mẹ tôi cho ăn trước, có ưu ái chăng là một cục kẹo, trái bắp hay một bó đậu nành luộc mà mẹ tôi đã mua từ buổi chợ về để làm quà cho tôi. Có khi đói và buồn ngủ tôi đã ngáy khò trên chiếc phản ngựa cho đến khi mẹ tôi gọi dậy để cho bà dọn bữa cơm trưa. Buổi tối, thường là gia đình tôi ăn cơm khi trong nhà đã lên đèn. Nếu cha tôi có tạt vào nhà một ông bạn nào đó có chút việc thì anh em chúng tôi cũng phải ráng lòng chờ, đó cũng là lòng kính trọng, là một nguyên tắc bất thành văn. Chưa lúc nào gia đình tôi được ăn cơm trước, trừ trường hợp có công chuyện cha tôi phải về nhà quá trễ và có dặn trước với mẹ tôi.
Bữa cơm gia đình luôn luôn là một buổi hội họp, trò chuyện, trao đổi ý kiến. Có lúc cha tôi nói về những ông bạn cùng sở, anh tôi nói về những người bạn, và tôi với những chuyện ngô nghê của tuổi nhỏ — nhưng ít khi ai lắng tai nghe kỹ và lâu một chút về những điều tôi nói. Bữa ăn cũng là lúc loan báo các thông tin qua các bức thư cha tôi nhận được ở sở, từ quê nhà, từ thân thuộc, nên cũng có khi bữa ăn trĩu nặng như bầu trời trước cơn mưa giông. Tuy vậy, tôi không bao giờ oán trách những bữa cơm gia đình đã dọn quá trễ với cái bao tử mau tiêu hóa của tôi, hay cả những lời nói không mấy vui trong bữa ăn mà ngày ấy cha tôi đã không có đủ kiên nhẫn để chờ cho xong bữa cơm. Những ngày lớn lên đi xa, điều làm tôi nhớ nhà nhất, là nhớ những khuôn mặt quen thuộc của gia đình trong bữa cơm sum họp ấy.
Những ngày lớn lên, lấy vợ sinh con, gia đình nhỏ bé của tôi cũng có những bữa cơm đoàn tụ vui cười, đó là những lúc mọi người đã gác bỏ công việc và những suy nghĩ riêng để có thể ngồi lại với nhau. Tôi đâu có biết, một ngày nọ những bữa cơm gia đình này sẽ không còn tồn tại trong nếp sống của mình nữa. Khi vào tù, lãnh vội một phần ăn đạm bạc với miếng bánh bột mì luộc hay hai củ khoai và tí nước muối đựng trong cái chén nhôm cũ tồi tàn, kiếm một góc sân nào đó, hay ngay trên sàn tre chỗ nằm của mình, nuốt cho qua bữa, tôi mới thấy xót xa nhớ tới những bữa cơm gia đình. Phải chăng những gì mất đi chúng ta mới thấy quý giá, thương tiếc.
Ngày tôi trở lại nhà sau những năm tháng tù đày, giữa một thành phố đổi họ thay tên, điều tôi nhận xét đầu tiên khi về đến nhà là bữa cơm gia đình từ nay đã mất dạng. Tới bữa cơm, một đứa con tôi xúc một chén với miếng khô, tìm một góc nhà lặng lẽ ngồi ăn. Ðứa ăn trước, đứa ăn sau. Chúng ăn đủ phần, có nhường nhịn theo thói quen sau khi cha chúng vào tù, cửa nhà sa sút. Nhưng tuyệt nhiên không có ngồi lại với nhau, vui đùa như ngày trước. Ðứa con trai đi làm chỗ sản xuất đồ nhôm có cơm ngày hai bữa, nhường phần ăn lại cho em gái; đứa nhỏ đi học về, đứa lớn sau giờ học còn đi lượm than vụn ngoài bến xe, nhặt bã mía về phơi khô thổi cơm. Không còn có bữa cơm gia đình, không có giờ ăn cơm chung. Cái mái ấm ngày xưa ấy đã bị phá nát rồi, sẽ chẳng bao giờ có lại được bữa cơm, nói cười rộn rã dưới ánh đèn ấm cúng nữa. Bữa cơm gia đình bây giờ hóa ra một cái gì biểu tượng cho một lề thói rất “tiểu tư sản”, nó không cần thiết phải tồn tại. Trong cái xã hội chạy không ra miếng ăn, có cái gì để ngồi lại trên mâm cơm với nhau.
Ở trong xã hội Mỹ, trái lại thức ăn thừa mứa, vật chất quá đầy đủ nhưng trái lại thời giờ quá hạn chế, căng thẳng. Những ngày mới chân ướt chân ráo đến đây, buổi sáng lúc tôi thức giấc thì con gái đã ra khỏi nhà. Buổi tối lúc ngủ đã một giấc thì đứa con trai mới mở cánh cửa ra vào lích kích trở về. Buổi ăn trưa thường là những bữa ăn đơn giản, một miếng bánh kẹp thịt, một chén cơm đựng trong cái hộp nhựa hay một tô mì ăn liền. Vợ chồng giờ giấc đôi khi khác nhau. Thông tin thường để lại qua một miếng giấy găm trên tủ lạnh trong nhà bếp, hay những lời dặn viết nguệch ngoạc trên cái bảng con. Họa hoằn lắm mới có một bữa cơm vợ chồng con cái ngồi lại đông đủ với nhau trong các dịp sinh nhật hay lễ Tết. Vì vậy bây giờ tôi mới thấy ở trên đất Mỹ, một bữa cơm sum họp vào chiều Lễ Tạ Ơn, hay ngày Hiền Mẫu, Nghiêm Phụ là điều cần thiết biết bao nhiêu. Có khi ta thấy nó phiền toái, nhất là đối với lũ trẻ thích bạn bè, quen với các loại hàng quán “fast food”, gò bó chúng lại trong một bữa cơm chiều có đông đủ anh em, bố mẹ có lẽ cũng là điều hơi khó khăn cho một vài gia đình.
Ðôi lúc, trong một giấc mơ nào đó, tôi thấy mình ngồi lại trong một bữa cơm chiều với tất cả người đã quá vãng trong gia đình, đây là ông bà nội, đây là bố mẹ tôi… Có cả con mèo mướp đang gừ gừ, cọ thân mình vào đùi tôi, đang xếp bằng tròn trên tấm phản ngựa. Hình ảnh đó thật là đã xa lắm rồi, không bao giờ tôi có lại được. Ðó chỉ là một chút rong rêu trong cái ao tiềm thức của thời thơ ấu, lúc trở trời trồi lên trên mặt nước, hiện vào những giấc mơ.