Sau nỗi lo âu khủng khiếp nhất của những ngày vác bút nghiên lên đường ứng thí, có lẽ nỗi lo âu ngày hôm nay đứng hàng thứ nhì trong cuộc đời vốn dĩ nhiều an bình, phẳng lặng của tôi.
Ảnh: HKL
Chiều nay, khi nắng đã dịu dần trên bầu trời trong xanh và lối đi ngoài đầu ngõ đã phủ đầy xác lá, sẽ có một cô bé (à không! cô giáo chứ), với tà áo tím ngoan hiền, tay ôm sách đếm từng bước chậm (không phải là đến trường đâu nhé!) trên con đường dẫn đến ngôi nhà sang trọng, và tà áo tím đó sẽ được những ánh mắt nai tơ, những nụ cười hồn nhiên, xinh xắn trên khuôn mặt mũm mĩm, hồng hào, đón tiếp bằng vòng tay bé thơ trước ngực, với tiếng “cô ạ” thật ngọt ngào, thánh thót.
Để xem, lúc đó cô giáo phải làm gì nhỉ? Cô giáo sẽ đưa bàn tay thon thả, vuốt ve mái tóc óng ả, và bắt đầu giảng bài bằng giọng nói dịu dàng, êm ả như ru (điểm này còn xét lại, vì nếu học trò lười, không thèm học, chả biết cô giáo có đủ kiên nhẫn để trau chuốt tiếng nói, giọng cười của mình êm đềm như giòng suối chảy nữa hay không?)
À! lại còn một vấn đề cần phải đề phòng, nếu bọn nhóc chả ngoan như cô giáo nghĩ thì sao nhỉ? Hẳn là cô giáo phải xăn tay, chống nạnh và toét quai mồm, hét ra lửa để thị oai. Nhưng… nếu thế thì còn gì là thơ với mộng nữa. Không, nhất định học trò sẽ ngoan, vì cô giáo còn nhớ rõ những ánh mắt rụt rè sau tấm rèm thưa của buổi đầu cô giáo đến trình diện cơ mà.
Hẳn đến đây quí vị đã biết cô giáo là ai rồi nhỉ? Từ ngày vật giá tăng lên vùn vụt, thấy ba mẹ âu lo vất vả cho cuộc sống gia đình, tôi có ý định tìm việc làm thêm vào buổi tối, để có thể tự lo tiền mua sắm quần áo, sách vở, khỏi phải nhọc lòng ba mẹ, và Lệ Nhung đã giúp bằng cách giới thiệu tôi đến dạy kèm cho những đứa con của cô Nhung.
Ngày đầu tiên đến để người ta “xem mắt” cô giáo, tôi rụt rè thu mình trong chiếc ghế sang trọng, giọng hồi hộp:
– Nhỏ ơi, ta sợ quá!
Lệ Nhung nhăn mũi, cười khúc khích:
– Mi tuổi con thỏ hay sao mà…
Lệ Nhung chưa dứt lời thì một người đàn bà xinh đẹp, tuổi độ tứ tuần bước ra với dáng dấp quý phái, tôi lúng túng đứng lên:
– Dạ chào cô.
Bà mỉm cười gật đầu và đưa mắt nhìn tôi từ đầu đến chân:
– Mộng Quỳ đấy à, cháu bao nhiêu tuổi?
Tôi bối rối đan những ngón tay vào nhau:
– Dạ mười tám.
– Cháu học ở đâu?
Lệ Nhung nhanh nhẩu cướp lời:
– Dạ Mộng Quỳ là nữ sinh Gia Long đó cô.
– Vậy à!
Giọng bà đượm vẻ hài lòng làm tôi an tâm. Nụ cười bà dường như tươi lên, khi hỏi han về gia đình và chuyện học hành của tôi, câu chuyện dần dần trở nên thân mật hơn. Khi tôi đứng lên xin phép ra về, bà nhắc lại:
– Được rồi, Nhung đưa bạn về. Cô sẽ nói chuyện với chú rồi cho Nhung biết nhé!
Trên đường về, tôi buồn bã:
– Nhỏ ơi, vậy là ta có hy vọng trượt vỏ chuối phải không?
Lệ Nhung ra điều quan trọng, cắn môi suy nghĩ:
– Chưa biết, nhưng ta đoán cô đã bằng lòng. Tính bà cẩn thận, với lại cái gì cũng phải “để cô hỏi lại chú đã”. Dù sao bốn chữ nữ sinh Gia Long vẫn làm cô an tâm và tin tưởng hơn con cháu “cà chớn” này của cô, thi vào Gia Long tới ba lần mà vẫn đứng ngoài cổng.
Tôi mỉm cười, vuốt lưng Lệ Nhung. Nhỏ bạn thân của tôi vẫn mãi cay cú vì thi vào Gia Long ba năm mà không đậu. Hồi mới gặp nhau ở lớp Anh văn buổi tối, Lệ Nhung nhìn tôi với nét khinh khỉnh, bất cần. Tôi không hiểu mình đã làm gì để Nhung mất cảm tình như thế. Ngồi cạnh nhau gần hai tháng hơn, Nhung chưa bao giờ nói chuyện thông cảm với tôi, ngoài những câu trả lời nhát gừng mỗi khi tôi hỏi chuyện.
Một buổi tối tan học, xe Nhung bị hư, phải sửa ở đầu đường. Tôi chạy ngang, thấy Nhung ngồi co ro ở gốc cây, nét mặt đầy vẻ âu lo, tôi ghé hỏi thăm và ngồi lại với Nhung cho đến lúc xe sửa xong. Từ đó, Nhung ân cần, gần gũi với tôi hơn. Dần dần, hai đứa trở nên đôi bạn thân, có lần Nhung tâm sự:
– Bây giờ, đôi khi nhớ lại chuyện cũ ta cảm thấy xấu hổ, nhưng mi hiểu cho ta cái mặc cảm thua kém làm ta buồn. Ta học cũng đâu có tệ mà ao ước hoài vẫn không mang được cái phù hiệu Gia Long trên ngực áo.
Lệ Nhung im lặng suy nghĩ một lúc, rồi lôi từ trong cặp ra một mảnh giấy đưa cho tôi và nói:
– Đây là lý do ta ghét mi, dù rằng mi chẳng có gì đáng ghét, mà phải nói là đáng mến, vì khuôn mặt hiền lành nai tơ của mi.
Tôi nhìn vào tờ giấy và ngỡ ngàng khi nhận ra nét chữ của mình, Nhung hất đầu nhắc tôi:
– Đọc đi.
“Gia Long, mái trường yêu mến của em đây rồi, em đang đứng trọn trong vòng tay Gia Long, đưa mắt nhìn trìu mến những cảnh cũ quen thuộc. Vẫn con đường tráng nhựa ngập đầy màu trắng, vẫn những bãi cỏ xanh êm, ru mình trong nắng sớm ngoan hiền. Ánh nắng xuyên mình qua cành lá, hôn nhẹ lên mái tóc. Em đưa tay nâng cánh hoa vàng óng ánh và buông mình xuống tấm thảm cỏ mịn như nhung. Vài cọng cỏ dại len lỏi, vượt lên cao, đong đưa nhẹ nhàng trong gió. Em muốn nằm xuống để tận hưởng những giây phút êm đềm, sung sướng, nhưng em chợt giật mình khi nhìn thấy tấm bảng xanh kia, với hàng chữ “yêu cầu đừng đi trên cỏ”.
Em bước dọc theo hành lang xuống phía hồ bơi. Làn nước vẫn trong xanh như độ nào. Từng cơn gió thổi nhẹ, rung rinh tà áo, đẹp làm sao buổi sáng hôm nay trên vòm trời, mây đang lướt nhẹ. Em ngước mắt lên cao. Làn tóc rối như vui đùa trong gió, em nghe hồn thanh thản, chơi vơi. Em muốn ôm trọn khung trời Gia Long trong đôi tay nhỏ bé. Ôi! Gia Long yêu quý ngàn đời của em ơi.
Chung quanh em, các bạn nữ sinh đang ríu rít, vui đùa kể lể cho nhau nghe những mẩu chuyện vui nho nhỏ, những chuyến nghỉ hè thú vị trong những ngày xa cách. Mọi nhớ mong chờ đợi giờ đây đã tan biến, nhường lại cho yêu thương, lưu luyến trong muôn ngàn ánh mắt, nụ cười nở hoa.”
– Đây là bài tùy bút ta viết cho tờ bích báo của lớp, sao nhỏ có được?
– Tờ giấy này rơi dưới đất trong buổi học đầu tiên ta gặp mi. Và cái lý do ta không thích mi rất giản dị, vì mi là nữ sinh Gia Long. Do tự ti mặc cảm, mà dưới mắt ta, dân Gia Long luôn kênh kiệu đáng ghét.
Tôi ngỡ ngàng hỏi lại:
– Thật vậy sao?
Nhung búng mũi tôi:
– Bây giờ thì hết rồi, ta thấy các cô Gia Long rất hiền lành và dễ thương.
Tôi xiết chặt bàn tay Lệ Nhung, nghe thương bạn mình đến vô cùng.
Tối hôm sau, tôi long trọng báo tin:
– Ba Mẹ ơi, ngày mai con đi dạy.
Anh Khôi chồm lên gật gật cái đầu:
– Cái gì, bé con nói cái gì?
Tôi nghiêm nghị chống tay lên bàn, giọng thản nhiên:
– Ngày mai em đi dạy học.
Anh Khôi xoay xoay ngón tay út vào tai:
– Bé con nói lộn rồi đấy, Mộng Quỳ đi đến trường cho người ta dạy chứ!
Tôi quay đi với tiếng xí thật dài, trong khi mẹ tròn mắt, và ba gắt khẽ:
– Im, để ba hỏi lại em. Nào, Mộng Quỳ nói lại cho ba nghe đi.
Tôi nghiêng đầu nhìn ba với nụ cười rạng rỡ:
– Ngày mai con gái của ba sẽ là cô giáo của bốn đứa học trò bé tí.
– Đến những b..ố..n đứa cơ à!
Anh Khôi kéo dài chữ bốn với giọng cười chế giễu, tôi tức quá cấu vào tay anh thật mạnh:
– Rồi làm sao?
Mặt anh tỉnh bơ:
– Chả làm sao cả. À! có chứ, anh phải hãnh diện và vô cùng hãnh diện vì mình là anh của một cô giáo có đến bốn đứa học trò.
– Mẹ…
Tôi kêu lên với những giọt nước mắt đang chực chờ tuôn xuống. Mẹ vuốt tóc tôi giọng âu yếm:
– Khôi cứ trêu em hoài. Này Mộng Quỳ, nói cho Mẹ nghe, con dạy được bao nhiêu một tháng?
Tôi đưa năm ngón tay trịnh trọng:
– Năm ngàn đấy, mẹ.
– Năm ngàn? Tới năm ngàn thì xài đến mấy năm mới hết?
Tôi cốc lên đầu Nguyên một cái:
– Mi cũng bắt chước anh Khôi ngạo ta đấy hả?
Nguyên nhăn mũi cười:
– Chị dạy người ta mà cứ cốc đầu kiểu này là có ngày bị sa thải vĩnh viễn đấy.
Tôi bĩu môi:
– Làm gì mà cốc đầu, con người ta ngoan, chứ đâu có phá phách như Nguyên.
Quay sang ba, tôi nũng nịu:
– Tối nay ba phải đãi con một chầu bò viên để ăn mừng nhá!
Thằng Nguyên nhảy cỡn lên:
– Hoan hô chị Mộng Quỳ, ba bằng lòng nhé!
– Rồi, ba sẵn sàng đãi cô giáo của ba.
– Con nữa.
– Con nữa.
– Ừ! thì cả nhà.
Trong khi anh Khôi và Nguyên vỗ tay tán thưởng, tôi đến bên mẹ thủ thỉ:
– Mẹ ơi, ngày mai con phải mặc áo gì, phải chải tóc như thế nào để trông già đi một tí?
– Để làm gì?
Tôi cắn tay:
– Để học trò sợ con, chứ cô giáo bé tí ai mà sợ!
– Hừ, càng nhỏ thì càng dễ thương chứ sao!
– Nhưng con thích được già đi một tí.
– Mộng Quỳ thích già lắm hở?
Tôi ngẩng lên nhìn anh Khôi, che miệng cười:
– Già một tí thôi chứ bộ!
Anh Khôi đặt tay lên trán làm ra vẻ suy nghĩ:
- Ừ! hay là anh chạy ra chợ mua cái giỏ trầu, để Mộng Quỳ xách đi cho có vẻ già già.
Tôi đấm thình thịch vào lưng anh:
– Không thèm nói chuyện với anh nữa!
– Vậy Mộng Quỳ có thèm nói chuyện với anh không?
Tôi quay lại để thấy Duy đang nhìn tôi nồng nàn trìu mến. Ôi! sao mà ánh mắt người ta tuyệt vời, tha thiết đến thế! Tôi đứng lặng im và nghe hồn chết đuối trong đáy mắt chàng.
– Chuyện gì đó Mộng Quỳ?
– Cô bé xí xọn của Duy sắp lên chức cô giáo rồi đấy.
Duy tròn mắt:
– Cô giáo?
Anh Khôi bước lên cầu thang còn quay lại nói:
- Ừ, cô giáo này đi dạy học còn phải mang theo bình sữa nữa đấy!
Duy kéo tay tôi ngồi xuống ghế và trịnh trọng hỏi thăm tự sự. Tôi hân hoan kể lể đầu đuôi. Thật không ngờ, Duy tán thành nhiệt liệt và vui vẻ đề nghị:
– Ngày mai anh tới đưa Mộng Quỳ đi nhé!
Tôi nhìn Duy, ánh mắt chứa chan cảm động:
– Dạ bốn giờ chiều mai, em chờ anh nhé! À, mà anh nghĩ xem em nên mặc áo màu gì?
– Màu tím đi, để trông em có vẻ người lớn một chút.
Tôi gật đầu sung sướng. Lúc nào hai đứa cũng có những ý nghĩ trùng hợp rất dễ thương. Dễ thương như chuyện tình thơ mộng, nhiều hờn dỗi và in ít nước mắt của tôi và chàng.
***
– Mộng Quỳ ơi, anh Duy tới nè.
“Chết rồi!”. Tôi kêu lên bàng hoàng. Phút giây nghiêm trọng đã kề bên rồi sao? Thật hấp tấp, tôi ôm lấy hai quyển sách chạy nhanh xuống nhà, Duy nghiêng đầu ngắm tôi:
– Cô giáo Mộng Quỳ đẹp quá! Chắc học trò sẽ ngẩn ngơ mà quên cả bài học.
Tôi cúi đầu trên vai Duy thẹn thùng:
– Anh cứ trêu em mãi!
Khi chiếc xe dừng trước cổng, tôi nghe tim mình thắt lại, những quyển sách trên tay như lỏng dần. Tìm bàn tay Duy tôi nắm chặt, giọng lo âu:
– Em lo quá anh ạ.
– Lo gì?
– Không biết… nhưng thấy không được bình tĩnh.
Duy vuốt tóc tôi:
– Không có gì đâu, anh tin em sẽ vui với công việc mới này.
Tôi cười nhẹ và gật đầu thật ngoan.
– Anh về.
– Chiều nhớ đón em nghe Duy.
Tiếng chuông vừa dứt, tôi đã nghe lao xao tiếng trẻ con reo lên:
– Cô giáo đến kìa!
Cô của Nhung đón tôi bằng nụ cười thật tươi và dắt tôi sang phòng học. Có lẽ, đọc thấy nỗi bối rối nơi tôi, bà dịu dàng:
– Cháu cứ tự nhiên, còn các con phải ngoan và nghe lời cô giáo nhé!
Bốn cái miệng xinh xắn đồng “dạ” to. Còn một mình, tôi lấy lại bình tĩnh, giở sách ra tôi tìm lấy tờ “cẩm nang”, trong khi bọn nhóc bắt đầu xì xào:
– Cô giáo nhỏ tí hà!
– Hồi nãy anh Thuyên bảo cô giáo giống con nai vàng ngơ ngác.
Tôi bấn lên bởi những lời phê bình của học trò. Chết rồi, tôi phải làm sao bây giờ? Duy ơi! Duy ơi!
Thật cố gắng, tôi lấy giọng nghiêm trang:
– Các em giở tập ra, cô cho Toán làm.
– Không thèm, viết Chính Tả cơ!
– Không, làm Luận đi cô!
– Xời ơi, tụi bây ngốc, bảo cô giáo kể chuyện cổ tích đi.
– Cô ơi, lúc nãy ai đưa cô đi vậy?
Tôi mím môi, tròn mắt. Thôi rồi! bao nhiêu sự tưởng tượng tốt đẹp của tôi đã bay mất từ bao giờ. Giây phút này, tôi chỉ muốn chạy ùa về nhà, gục đầu vào ngực mẹ mà khóc.
Giữa cơn nguy khốn ấy, bỗng có tiếng “suỵt” thật khẽ và một khuôn mặt khôi ngô, dễ mến hiện ra.
– Anh Thuyên…
Bọn nhóc kêu lên rồi im lặng.
– Học đi chứ, đứa nào ồn ào, phá phách anh đánh đòn, nghe chưa?
Quay sang tôi, anh cười thân mật:
– Đứa nào không học, cô giáo cứ cốc đầu nó đi.
Tôi cúi đầu cười gượng gạo.
– Cô giáo bắt đầu đi nhá!
Tôi nhìn theo bóng anh khuất sau cánh cửa, lòng thầm cám ơn. Bọn nhóc vẫn khúc khích cười.
– Im lặng!
Tôi quay lại gắt khẽ. Những đôi mắt trẻ thơ chìm xuống ngơ ngác. Chúng nhìn tôi e dè, ngoan hiền như tôi mơ ước.
– Các em không đùa nữa, cô gắng học. Học giỏi, cô sẽ kể truyện cổ tích cho các em nghe. Nếu ngoan hơn, cô sẽ dắt đi ciné, ăn kem, ăn bò bía…
Thôi chết rồi! cô giáo ai lại biết rành những thức ăn thế, mà lại toàn là những thứ ăn vặt. Bọn nhóc reo lên sung sướng:
– Hoan hô cô giáo!
– Nhất cô giáo của em!
– Nhưng hôm nay các em phải thật ngoan, nghe không.
– Dạ.
Buổi học đầu tiên đã trôi qua thật êm đềm, thật dễ thương. Khi đến đón tôi về, Duy đã nhìn tôi bằng đôi mắt xôn xao trìu mến:
– Học trò ra sao hở cô giáo?
Tôi nhìn Duy với ánh mắt rạng rỡ trong niềm vui chan chứa. Muốn nói với Duy, nói thật nhiều về nỗi hân hoan của mình, nhưng cuối cùng tôi chỉ biết diễn tả bằng nụ cười thật tròn.
Nga đầu lên vai Duy, tôi nghĩ đến bữa cơm chiều sắp đến, có ba mẹ, có anh Khôi, có Nguyên, và cả Duy yêu dấu của tôi nữa chứ…
Ngân Bình