User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
hathiunoibuon
 
- Má cố ăn hết dĩa trứng này giùm con đi.
Má chồng nhìn tôi, rồi nhìn đĩa trứng. Không nói một lời, bà đứng dậy, chậm chạp mở cửa đi ra vườn. Bốn tháng nay, cứ đến bữa ăn là tôi đều phải đối diện với khuôn mặt nặng nề của má chồng. Dù tôi cố gắng giải thích nhưng bà vẫn không chấp nhận việc kiêng cữ theo lời căn dặn của bác sĩ vì bệnh tim, cao huyết áp và mỡ trong máu. Má chồng cho rằng tôi ghét bỏ bà, nên muốn cho bà chết đói vì không ăn được với những thức ăn nhạt nhẽo, không đường, không muối. Bà gọi điện thoại rêu rao với bạn bè rằng, tôi là đứa con dâu ác độc, nham hiểm, đặt điều nói dối, chứ bà vẫn khỏe mạnh có bệnh hoạn gì đâu.
 
- Ủa! giờ này sao chưa đi làm?
Tôi nhìn Hữu đang từ cầu thang bước xuống, thở dài:
- Má không chịu ăn sáng… em phải chờ má ăn xong mới đi được.
Hữu nhíu mày nhìn tôi:
- Anh đã nói, má thích cái gì thì em cho má ăn đi. Cứ nghe lời bác sĩ, kiêng cữ đủ thứ, chưa thấy khỏi bệnh mà đã thấy người gầy rộc đi vì thiếu ăn…..
Tôi bực mình, ngắt lời Hữu:
- Bác sĩ chỉ dẫn những điều ích lợi cho sức khỏe sao không chịu nghe theo. Nói dại, lỡ có chuyện gì xảy ra cho má có phải là khổ cả nhà không?
- Thì ai cũng một lần chết, lo xa chi cho mệt.
- Chết thì nói gì, chỉ sợ nằm một chỗ. Anh thấy bác Tiều không, bác mới nằm có một năm mà bác gái và chị Hoàng xơ xác… rồi không biết sẽ nằm bao lâu nữa. Anh thử nghĩ, anh có lo nổi không?
 
Hữu quay lại nhìn tôi trước khi vói tay lấy chìa khóa xe.
- Đó là trách nhiệm của em, con dâu trưởng mà… sao lại hỏi anh?
Câu nói cho tôi cái cảm giác như Hữu và má anh là hai người hoàn toàn xa lạ không có chút liên hệ huyết thống gì với nhau. Trước khi ra cửa, Hữu không quên gằn giọng:
- Em cũng nên ăn nói cẩn thận hơn, đừng để người khác nghĩ là em đang trù ẻo má chồng.
Tôi tròn mắt nhìn Hữu đến lúc dáng anh khuất sau tấm vách của phòng ăn. Quay lại, nhìn ra cửa sổ, nơi má chồng đang lúi húi quét những chiếc lá bay là đà dưới gốc cây đào với nét mặt đăm đăm, tôi cảm thấy một ngày mới của mình bắt đầu bằng cõi lòng không được bình an. Hai năm làm vợ Hữu, chưa bao giờ tôi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ anh. Hữu luôn dùng ba chữ “con dâu trưởng” để đổ dồn mọi công việc, cũng như trách nhiệm lên đôi vai gầy gò của tôi. Đôi khi, tôi cảm thấy như mình đuối sức. Tôi thèm một lời an ủi, một sự cảm thông, nhưng quả là một điều viển vông nếu sự khao khát, trông chờ đó đặt vào nơi Hữu. Tôi ao ước được tâm sự, được kể lể với mẹ, nhưng làm sao dám mở lời. Ngày trước, mẹ đã tha thiết can ngăn tôi khi biết tôi là kẻ đến sau và tình nguyện làm người vá lại vết thương lòng của Hữu do người yêu đầu đời của anh đã để lại.
- Hôm nay con ở nhà, mợ để con trông bà ngoại cho, mợ đi làm kẻo trễ.
 
Tôi nói lời cám ơn Mary, đứa cháu gái gọi Hữu bằng cậu. Mary lặng lẽ, ít nói, nhưng luôn dành cho tôi ánh mắt ẩn chứa sự thấu hiểu, cảm thông với những gì má chồng và Hữu đối xử với tôi. Bố của Mary qua đời chưa đầy một năm thì mẹ nó-cô em gái út của Hữu-đã mang người đàn ông khác về sống chung. Sau khi phản đối dữ dội bằng những hành động gần như điên cuồng không được, Mary trở nên lầm lì và phản kháng bằng cách bỏ học, không ăn uống, suốt ngày nhốt mình trong phòng, nhất định không gặp ai. Cuối cùng, Mary âm thầm theo xe buýt về đây. Có lẽ, số phận của Mary gắn liền với hai chữ bất hạnh nên cũng chẳng được bà ngoại và cậu quan tâm đến. Chỉ có tôi, vốn nhiều tình cảm và lòng thương xót nên lo lắng, chăm chút đứa cháu chồng tội nghiệp từ miếng ăn giấc ngủ cho đến việc học hành khiến con bé cảm động.
 
Từ khi Mary về đây, cô Út thỉnh thoảng lại lái xe sang thăm con gái. Từ đó, tôi phải gánh lấy nhiều phiền hà. Đối với tôi, má chồng không đến nỗi hà khắc, cũng không hay la rày, mắng mỏ, nhưng có điều gì không hài lòng bà lại gọi cô Út để tỉ tê, khóc lóc. Quanh quẩn những phiền hà của bà chỉ là việc tôi không chiều bà về những đòi hỏi, yêu cầu trong vấn đề ăn uống. Mỗi ngày, tôi muốn đưa má chồng đến Hội Cao Niên, gặp gỡ những người cùng trang lứa để trò chuyện cho vui vẻ, thoải mái, đồng thời cũng được ăn uống theo thực đơn nhẹ nhàng thích hợp với tuổi già yếu đuối, bệnh hoạn, nhưng má chồng lại nghĩ tôi không muốn bà ở nhà để khỏi phải hầu hạ vất vả. Khổ nỗi là má chồng không nói đúng sự thật, khiến cô Út giận dữ, trách mắng tôi. Tôi không dám nghĩ là má chồng nói thêm, nói bớt cho sự việc nặng nề hơn mà cho rằng vì trí nhớ giảm sút nên bà kể lể không chính xác. Tôi cố nghĩ như thế cho tâm hồn được nhẹ nhàng, vậy mà có yên được đâu với lời chì chiết của cô em chồng:
- Má già rồi, đâu còn sống bao lâu nữa mà chị keo kiết không cho má ăn những món má thèm.
Hay:
- Má có đòi bồng ẵm gì đâu mà chị nhất quyết phải “tống cổ” má đến những nơi má không thích.
 
Cô Út nhất định không đồng ý với tôi là ăn uống theo cách má chồng đòi hỏi sẽ nguy hiểm đến sức khỏe vốn không tốt của bà. Tôi đành chịu thua khi cô nói rằng lần này sẽ ở lại hai tuần để chăm sóc và đảm trách nấu nướng cho má chồng được ăn uống đầy đủ, thoả thích những món bà vẫn yêu cầu mà tôi không đáp ứng. Tôi im lặng không trả lời, không khuyên can, không góp ý như từ trước đến nay vẫn làm. May mắn là trong thời gian này, tôi sẽ vắng mặt một tuần vì được hãng cử đi công tác ở Mexico.
***
Chiếc xe của Hữu rời khỏi bãi đậu xe khá lâu mà tôi vẫn còn ngồi yên sau tay lái. Chị Hằng cũng im lặng không nói một câu. Đây có phải là lần đầu tôi nhìn thấy Hữu và Linh đi bên cạnh nhau đâu mà sao lòng tôi xốn xang, trái tim tôi đau nhói. Tôi đã chẳng từng mỉm cười một cách lãnh đạm khi có lần đối mặt với hai người sao? Tại sao lần này tôi lại thất thần, hoảng hốt? Vì chợt nhận ra gia đình mình thật sự đang đứng ngay bờ vực thẳm hay chỉ giản dị vì tôi cảm thấy mất mặt với chị Hằng? Bấy lâu nay tôi che đậy, giấu giếm sự khổ đau, bất hạnh của mình, lòng đau như cắt nhưng ngoài mặt vẫn tươi tỉnh nói cười, để mọi người lầm tưởng sự chọn lựa của tôi không chút sai lầm.
 
Ngày đó, cái ngày Hữu khóc mướt trên vai tôi khi nghe tin Linh sẽ lên xe hoa cùng với người đàn ông khác, giàu hơn Hữu, phong độ hơn Hữu và có địa vị hơn Hữu, bạn bè đã cười nhạo báng khi thấy tôi ôm đầu Hữu trong cánh tay, miệng thì thầm những lời an ủi. Trời! anh chàng này là đàn ông hay là con nít ba tuổi vậy? Khi thấy tôi mỗi ngày mang thức ăn, leo lên tầng lầu năm dỗ dành, năn nỉ Hữu hãy thương thân mà đừng tự hạnh hạ mình nữa, lũ bạn lại phủ đầu tôi bằng những câu hăm he, đừng nói với tụi tao là mày đang yêu anh ta vì “lòng từ bi bất ngờ”” nha. Ai nói gì thì nói, tình cảm tôi dành cho Hữu cứ tăng dần cho đến một ngày Hữu nhìn tôi bằng đôi mắt đờ đẫn với lời cầu hôn “Hãy nhận lời làm vợ anh đi… anh cần em, cần em hơn bất cứ ai trên cõi đời này”. Tôi hoang mang, không biết Hữu đang nói với tôi hay với ai khác, nhưng lòng vẫn khấp khởi vui mừng, dù biết rằng khi trở xuống căn phòng ở tầng một, lũ bạn sẽ hét vào mặt tôi “đồ điên, đồ khùng, mày đang bước chân vào địa ngục đó biết không? anh chàng đó không dễ dàng gì quên được nhỏ Linh, hắn ta chỉ kéo mày vào để lấp kín khoảng trống tình cảm, để vá cái lỗ hổng trong trái tim hắn”.
 
Tôi đâu phải là một cô gái ngu ngơ mà không hiểu điều đó. Nhưng tôi tin và tin một cách chắc chắc rằng những mũi kim khâu của tôi sẽ thật nhẹ nhàng, khéo léo để Hữu không còn nhận thấy vết sẹo do nỗi đau tình phụ để lại. Thật buồn cười bởi sự chủ quan đần độn của tôi. Tôi chưa từng bước chân ra đời, chưa từng đối diện với những chông gai, thử thách, nên cứ tưởng con đường bước vào tình yêu của mình dù có gập gềnh, nhưng cuối đường sẽ là thảm cỏ xanh mướt như nhung. Tất cả suy nghĩ của tôi chỉ là ảo tưởng ngốc nghếch. Hữu sống với tôi mà hồn lơ thơ, bay bổng tận đâu đâu. Nhìn vào mắt Hữu, tôi biết không có bóng dáng mình trong đó. Đôi lúc, tôi có cảm tưởng tôi không phải là vợ Hữu mà chỉ là một người giúp việc, được mang về nhà để hầu hạ má anh, để nấu cho anh những bữa ăn ngon, giặt cho sạch, ủi cho láng những bộ quần áo anh cần mặc.
 
Một năm sau khi chúng tôi cưới nhau, Hữu rất thành thật nói với tôi rằng, cuộc sống của Linh không có hạnh phúc, Linh đang gặp nhiều khó khăn và cần anh giúp đỡ. Tôi không biết phải nghĩ sao về Hữu. Có phải anh là một người chồng chân chất, đàng hoàng, không muốn lừa dối vợ hay anh không có chút lòng tôn trọng nào đối với tôi. Tôi nuốt nghẹn ngào vào trong tim để giữ bình tĩnh và nhỏ nhẹ hỏi anh:
- Anh và Linh đã chia tay và mỗi người đã có cuộc sống riêng, tại sao…
Với ánh mắt nghiêm nghị, Hữu cướp lời tôi:
- Ngày trước, khi chia tay nhau anh có hứa với Linh điều đó và bây giờ anh phải giữ lời hứa.
Tôi nhìn sâu vào mắt Hữu như đã từng nhìn vào mắt anh như thế khi hai đứa cầm tay nhau thề ước trước mặt Chúa.
- Vậy còn lời hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em thì sao?
Hữu cúi đầu. Chỉ một thoáng bối rối, anh rắn giọng:
- Anh không làm điều gì sai quấy, Linh và anh bây giờ là bạn bè. Chuyện anh giúp đỡ bạn bè là chuyện anh vẫn làm mà.
Rồi không đợi tôi đồng ý, Hữu quày quả bước ra khỏi nhà sau khi nói:
- Anh đi khoảng một tiếng thôi.
 
Một tiếng của Hữu đã được nhân lên gấp sáu lần. Tôi ở nhà đứng ngồi không yên với bao nhiều điều tưởng tượng phong phú trong đầu cho đến khi Hữu trở về với thái độ thản nhiên, không một lời xin lỗi. Tôi đau nhói trong lòng vì cảm thấy mình bị xúc phạm nhưng cố giữ thinh lặng. Sự lặng thinh đó vẫn được duy trì trong những lần “giúp đỡ” kế tiếp của Hữu. Thật sự tôi không biết phải làm gì. Tôi sợ phản ứng mạnh mẽ của mình sẽ đẩy Hữu đi xa hơn. Nhưng tôi cũng lo sự hiền lành, thụ động sẽ khiến tôi dễ dàng mất Hữu. Tôi sống với Hữu mà lòng lúc nào cũng nơm nớp âu lo. Nhiều khi tôi muốn gào thét, chất vấn Hữu, muốn hỏi cho ra lẽ, rồi cuộc hôn nhân này ra sao cũng mặc, nhưng viễn ảnh cuộc sống không có Hữu làm tôi cảm thấy sợ hãi.
Và tôi tiếp tục nhẫn nhịn, cam chịu.
***
Cuối cùng, điều tôi lo sợ đã xảy ra. Má chồng bị stroke vào giữa khuya, sau khi ăn món thịt ba rọi luộc chấm mắm nêm trong bữa cơm chiều. Cô Út nhìn má chồng chan từng muỗng mắm vào chén bún, cười hỉ hả nói “má ăn thấy mà thương”. Không biết đó là câu nói vô tình hay muốn ám chỉ tôi đã để mẹ chồng phải nhịn thèm, nhưng thật sự trong lòng tôi hồi hộp, lo lắng. Bởi tôi là người thường xuyên đưa má chồng đi bác sĩ và cũng là người được bác sĩ khuyến cáo cẩn thận về việc ăn uống của bà.
Cũng ngày đó, sáng sớm tôi phải ra phi trường đi Mexico theo lịch trình hãng đã ấn định. Cô Út tru tréo mắng nhiếc tôi, má chồng bệnh hoạn, không biết sống chết ra sao mà còn có thể ung dung ra đi à!? Tôi nhìn cô Út, không giận mà chỉ buồn cười. Không hiểu cô có biết là cô đang nói gì không? Cô thừa biết đây là công việc chứ đâu phải tôi đi nghỉ mát. Hữu im lặng không một lời giải thích với em mình, trong khi Mary cau mày nhìn mẹ:
- Đã có mẹ và cậu ở đây sao còn bắt mợ ở lại. Nếu mợ bị mất việc mẹ có chịu trách nhiệm không? Cũng tại mẹ thôi… bây giờ mẹ còn trách móc, còn lên án mợ nữa không?….
Tôi cúi đầu bước nhanh để khỏi phải nghe câu nói quen thuộc đến chán chường “nhưng đó là bổn phận của con dâu trưởng”.
***
Má chồng từ bệnh viện trở về nhà với nửa người bên dưới bất động. Gánh nặng trên vai tôi như mỗi ngày thêm oằn xuống. Hữu vẫn vô tư như người khách trọ trong căn nhà của chính anh và cả với người mẹ ruột của mình. Nhưng anh lại sốt sắng trong việc giúp đỡ người tình cũ những lúc cô ta cần. Chỉ cần một cú điện thoại là anh vội vã đi ngay… để cắt cái sân cỏ cao nghệu vừa nhận được giấy cảnh cáo từ “City”, hoặc thay cái vỏ xe bị nổ lốp. Đối với tôi, những việc đó không cần thiết phải nhờ cậy Hữu, vì cô thừa tiền để thuê người làm mà chỉ là cái cớ để gặp mặt, để kéo Hữu lại gần hơn.
Chiều nay Hữu nói với tôi, Linh đang tiến hành thủ tục ly dị với chồng, nên nhờ anh giới thiệu người bạn Luật Sư của anh. Tôi muốn hỏi Hữu, bao giờ sẽ đến lượt anh tìm Luật Sư để lo việc ly dị, nhưng nhìn vẻ mặt bình thản của Hữu tôi thấy chưa đến lúc để hỏi câu này, nên chỉ cười nhẹ:
- Luật Sư ở đây đầy nghẹt trên các trang báo quảng cáo, việc gì mà phải giới thiệu.
- Được người tin cậy vẫn hơn.
- Nhưng sao không đến văn phòng mà lại phải đến nhà? Tan việc rồi, người ta còn phải dành thời gian cho gia đình nữa chứ.
- Đây là bạn của anh, nên nó không phiền hà gì cả.
- Nhưng em thì cảm thấy phiền lắm…
 
Ánh mắt tôi dừng lại trên khuôn mặt có chút sững sờ của Hữu vì thái độ gay gắt bất ngờ của tôi.
- Với thiên hạ, lúc nào anh cũng sẵn sàng, không nề hà giờ giấc hoặc mệt nhọc. Chỉ cần anh dành cho em phân nửa sự sốt sắng đó, có lẽ em sẽ đỡ vất vả hơn.
Đôi mày cau lại, nhưng Hữu Không nói một câu, lẳng lặng vào phòng thay quần áo. Tôi cảm thấy mình bất lực trong nỗi uất ức. Ngay lúc ấy điện thoại reo lên inh ỏi. Có tiếng chị Hằng vang lên:
- Hôm qua chị lại thấy ông Hữu chở con Linh đi bác sĩ.
- ….
- Em cũng ngộ ghê ta, không biết ghen hả?
- …
- Người ta nói, tình cũ không rủ cũng tới. Đừng bày đặt quân tử tàu, cao thượng không phải chỗ nghe.
 
Tôi bỗng bật cười. Tiếng cười của mình mà nghe như của ai đâu xa lạ lắm.
- Ha ha!!! chỉ có chị nói em cao thượng thôi, chứ tụi con Trinh gọi em là con khùng. Vì chỉ có khùng mới chấp nhận cho chồng mình làm “tà lọt” cho bồ cũ. Nhưng chị Hằng không nghe người ta nói, tức nước thì vỡ bờ sao? Em nghĩ cái bờ của em sắp sửa vỡ rồi đó.
- Thiệt hả? chà! lâu lắm chị mới nghe giọng nói quyết liệt cứng rắn của em. Nếu bờ có vỡ thì cứ bơi qua nhà chị.
- Dạ! dọn sẵn cho em một chỗ đi. Ngày ấy không xa đâu.
 
Có tiếng keng từ chiếc chìa khóa rơi xuống đất. Tôi quay lại, chạm phải ánh mắt của Hữu đang đăm đăm nhìn tôi. Tôi gác máy để chờ nghe tiếng chân của Hữu đi lần ra cửa trước. Nhưng không, Hữu đã quay trở vào phòng. Có tiếng nói từ chiếc TV trong phòng vọng ra. Tôi hình dung dáng Hữu đang nằm trên giường, hai tay lót dưới ót, bàn chân lắc lư một cách thoải mái. Nếu bình thường, trái tim tôi sẽ rộn ràng trong niềm vui bất ngờ. Nhưng bây giờ, tôi nghe lòng mình lạnh lẽo với câu hỏi, Hữu ở lại nhà là vì không muốn gia đình tan vỡ hay vì anh cần người săn sóc cho bà mẹ bệnh hoạn của anh?
 
Ngân Bình
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com