Hình trên net
Có phải đa số người Việt Nam tin rằng mỗi người sinh ra đều có số mạng? Nếu điều này đúng thì tôi có thể trả lời câu hỏi mà các chị của tôi vẫn đặt ra:
“Tại sao mày sợ chồng dữ vậy?”
“Thì tại cái số của em chứ sao?”
Trước ngày đám cưới, chị Hai ân cần dặn dò:
- Lúc rước dâu mày phải canh cái bóng của thằng Phi, làm cách nào đi vượt lên một chút để đạp lên đầu nó. Còn vô phòng, chờ nó thay áo ra trước, rồi thảy cái áo của mày đè lên cái áo của nó. Chưa hết, nhớ làm dấu cái gối nào của nó, leo lên ngồi một cái. Bảo đảm, nếu làm đủ mấy cái mẹo này, mai mốt mày sẽ nắm đầu nó như chơi.
Lạy Trời, xin Ngài làm chứng, tôi chẳng muốn nắm đầu ai hết, miễn sao vợ chồng tôn trọng, yêu thương nhau là tôi vui rồi. Nghĩ thế nên tôi chẳng thực hành lời khuyên răn của chị Hai. Bởi vậy, bây giờ chị mới tru tréo mỗi khi tôi xách gói về nhà, nước mắt giọt ngắn, giọt dài.
- “Cá không ăn muối cá ươn” sáng mắt ra chưa “con”?
Tôi chống chế:
- Em có làm theo lời theo chị dặn, nhưng tại ở xứ Mỹ mấy cái mẹo đó không “qượt” như ở Việt Nam.
Chị hứ hé rồi xúi tôi phải làm này làm nọ, nhưng tôi chỉ ừ à cho qua chuyện. Đã bảo, “số phận đã an bài” thì làm sao tôi cãi số được. Nhớ thời hai đứa yêu nhau, có lần Phi rủ đi chơi, tôi hẹn Phi ở bãi đậu xe của một rạp hát. Vì sợ bố mẹ và các chị biết sẽ bị rầy nên tôi phải nhờ Chiêu đến đón. Gặp con nhỏ chuyên xài giờ dây thun nên tôi trễ mất hai mươi phút. Khi đến nơi đã thấy Phi ở đó, tôi lúng túng bảo Chiêu đậu sát xe Phi. Xe vừa dừng lại, tôi nhìn sang Phi định nói lời xin lỗi thì thấy Phi nhìn tôi bằng đôi mắt nghiêm nghị, hằn học, rồi đưa tay xem đồng hồ. Tôi vừa sợ lại vừa quê. Đang loay hoay mở cửa xe, nhưng cánh cửa lại bị khóa cứng thì Chiêu đã quay kính xuống, cao giọng nói:
- Trời ơi! đàn ông gì mà hổng biết ga lăng chút nào hết, mới chờ có hai mươi phút mà mặt mày đã sưng sỉa lên rồi.
Tôi kéo tay Chiêu, chưa kịp nói lời nào thì Phi đã liếc Chiêu bằng đôi mắt sắc hơn dao. Gặp phải Chiêu cũng thuộc loại “chằn ăn trăn quấn”, con nhỏ xí một tiếng rồi nhấn ga vọt đi, không thèm đếm xỉa đến lời gào thét của tôi:
- Cho tao xuống.
Chiêu hét vào mặt tôi:
- Cái thằng cà chớn vậy mà mày còn đòi đi với nó à?
Tôi tiu nghỉu:
- Thì cũng là lỗi của tao, hẹn sáu giờ mà sáu giờ hai mươi mới đến.
- Đây là “luật giang hồ”. Con trai lúc nào cũng phải chờ con gái. Nếu nó không biết luật thì đừng có bồ.
Mặc cho tôi năn nỉ, ỉ ôi Chiêu nhất định không quay xe lại. Tôi vừa cầm điện thoại lên thì con nhỏ đã giật phăng đi:
- Gọi điện thoại làm gì?
Tôi ấp úng:
- Tao muốn xin lỗi Phi.
- Ngốc ơi là ngốc, về nhà, chờ nó gọi xin lỗi mày.
- Nhưng Phi đâu có lỗi.
Chiêu quẹo xe vào parking trước chợ Kroger. Tôi ngơ ngác hỏi:
- Vào đây làm gì?
- Để dạy dỗ mày chứ làm gì.
Tôi khoanh tay trước ngực, giận dỗi:
- Tao không cần ai dạy.
Nó nhìn chăm chăm vào mặt tôi:
– Nó là bồ chứ có phải là bố của mày đâu mà làm cái kiểu ngứa mắt vậy. Chưa chi mà đã giở giọng gia trưởng, sau này lấy nhau về làm sao mày sống nổi với nó.
Tôi ngồi im để nghe Chiêu dạy đời. Trước khi thả tôi về nhà, con nhỏ còn bắt tôi phải đưa tay thề không được gọi điện thoại trước. Thấy tôi im lặng nó xuống giọng:
- Làm ơn, làm phước nghe lời tao một lần. Bảo đảm, nó sẽ gọi mày nếu… … nó thật tình yêu mày.
Quả tình tối hôm đó Phi gọi tôi. Nghe lời Chiêu tôi đòi chia tay một thời gian để xét lại tình cảm và tìm hiểu kỹ lưỡng hơn. Phi xuống nước xin lỗi và từ đó Phi đối với tôi có phần mềm mỏng hơn. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau khi cưới nhau về thì mọi chuyện đã quay ngược đến một trăm tám mươi độ. Phi được đằng chân lân đằng đầu. Tôi quen nhịn nhục nên chuyện gì cũng chịu thua. Phi càng ngày càng độc đoán, khó khăn. Khi nào chịu đựng được thì tôi làm thinh chiều chồng cho qua chuyện. Khi nào ấm ức quá thì về nhà khóc với mẹ. Các chị tôi biết chuyện rất tức giận nên thường xui tôi trăm kế. Nhưng tôi lại có một cái tật rất khó chữa, lúc đau khổ, bao nhiêu chuyện xích mích của hai vợ chồng mang ra kể hết cho các chị nghe, đến khi các chị lên án, sỉ vả Phi thì tôi lại đau lòng. Đã không làm thì chớ mà khi vợ chồng cơm lành, canh ngọt tôi lại mang ra kể hết với Phi. Nghe xong Phi nổi xung thiên, gọi điện thoại mắng mỏ “Mấy chị muốn phá gia cang của tôi hả?”.
Có lần chị Tư hỏi tôi:
- Sao mày ngu quá vậy, không làm thì thôi kể lại cho thằng Phi để nó trù rủa chị mình sao?
Tôi im lặng, thầm nghĩ “ừa! ngu thiệt. Tại sao mình lại làm vậy há… chắc là… chắc là… để lấy điểm với chồng. Thiệt tình!!! Lần sau, quyết không ngu như vậy nữa”. Nhưng rồi vẫn tính nào, tật nấy. Đầu óc tôi như ngu muội mỗi khi làm việc đó. Chỉ đến khi bị các chị lôi ra chửi cho một trận nên thân mới sáng mắt. Nhưng sau đó thì… mắt tôi vẫn tối hù.
Cách đây ba tuần, bốn chị em tôi rủ nhau đi “shopping”. Thật tình, tôi không có ý định mua sắm mà chỉ đi theo cho vui, nhưng khi nhìn thấy chiếc áo dạ hội rất vừa ý tôi chợt nhớ còn hai tuần nữa sẽ dự đám cưới cô em họ, thế là tôi cầm lên ngắm nghía.
Chị Hai ướm thử lên người tôi trầm trồ:
- Đẹp quá, mua đi Yên.
Tôi mặc thử, chiếc áo vừa vặn trông thật đẹp mắt và sang trọng. Tôi sung sướng ngắm mình trong gương giữa những tiếng khen ngợi của các chị. Chị Tư thúc giục:
- Mua đi Yên.
Chợt nhớ, tôi tìm bảng giá xem rồi bỏ xuống.
- Đắt quá em không mua đâu.
- Bao nhiêu mà đắt?
- Một trăm tám.
Chị Hai trợn mắt:
- Nếu thích thì cứ mua, một năm mày mua mấy cái áo mà phải đắn đo.
Thấy tôi dần dừ chị Tư có vẻ bực dọc:
- Sợ thằng Phi cằn nhằn chứ gì? Vậy thì chị Tư mua cho mày.
Tôi lắc đầu nguầy nguậy:
- Không phải, em muốn mua thì mua chứ anh Phi đâu có nói gì.
Chị Hai chậm rãi mà cứng rắn trong từng chữ, từng câu:
- Làm việc vất vả thì cũng phải xài. Lâu lâu chơi sang một lần đâu có gì quá đáng.
Tôi đã thích chiếc áo mà các chị còn nói vào nên tôi hớn hở xách về. Muốn dành cho Phi một bất ngờ, nên chờ lúc Phi xem TV tôi vào phòng mặc áo, rồi sải chân bước từng bước chậm trước mặt Phi -chẳng khác các cô người mẫu chuyên nghiệp.
- Anh thấy chiếc áo này có đẹp không?
Phi bảo tôi xoay từ trái sang phải cho anh ngắm. Sau cùng anh cười với vẻ hài lòng:
- Đẹp lắm.
Tôi chưa kịp hưởng trọn niềm vui Phi đã hỏi tiếp:
- Bộ “sale” hả? Bao nhiêu?
Tôi ngọt giọng than thở:
- Em chọn cả ngày mới được cái áo vừa ý.
- Bao nhiêu tiền?
Thấy cái kiểu đánh trống lảng của tôi, có lẽ Phi đoán được, nên anh hỏi với giọng gay gắt. Nhớ chị Hai nói “làm việc vất vả thì cũng phải xài” nên tôi không ngần ngại trả lời:
- Một trăm tám.
Phi đưa mắt nhìn thẳng vào màn ảnh TV, giọng mỉa mai:
- Sao hôm nay em sang vậy, chắc có người xúi phải không?
Thái độ lầm lì, giọng nói móc ngoéo của Phi làm tôi khó chịu, nhưng cố nuốt giận, nhẹ nhàng phân trần:
- Cả năm nay em có mua sắm gì đâu…
Phi cướp lời:
- Nên bây giờ mua một lần cho đáng phải không? Tại sao không chờ đến lúc “sale” rồi hẳn mua?
Tôi ngồi xuống thảm, gác tay lên thành ghế sofa Phi đang ngồi, nhẹ nhàng:
- Kiểu áo này không mấy khi “sale” đâu. Vã lại, em nghĩ… làm việc cực khổ thì cũng phải xài chứ.
Phi quay sang nhìn tôi giận dữ:
- Em có biết còn bao nhiêu người ở Việt Nam khổ sở không mà mình ở đây ăn xài phủ phê.
Phủ phê?. Sao Phi nói mà không biết ngượng. Có bao giờ tôi được ăn xài, sắm sửa cho bằng bạn bè đâu. Muốn mua gì cũng phải chờ “sale”, mà đợi đến khi “sale” thì muốn tìm được “size” của tôi không phải là chuyện dễ. Thế là tôi cứ phải vác về nhà những cái áo khi thì thùng thình, khi thì chật cứng. Những lúc thấy tôi nhìn vào gương với đôi mắt thất vọng, Phi lại ngọt giọng “Em đã đẹp thì mặc gì cũng đẹp”. Mỗi lần tôi muốn mua sắm thì Phi cứ lặp đi, lặp lại câu nói cố hữu “còn biết bao nhiêu người ở Việt Nam khổ sở”. Không lẽ người khác khổ rồi tôi cũng phải khổ theo, trong lúc tôi làm ra tiền bằng chính khả năng và sức lực của tôi. Mà có phải tôi ăn xài phí phạm gì cho cam, những gì tôi mua cũng chỉ là nhu cầu hàng ngày cần phải có.
- Ngày mai đem trả đi. Tháng này còn phải gửi tiền cho má lo đám cưới thằng Út nữa.
Tôi nhìn sửng Phi. Hình như trong mắt Phi không có tôi mà chỉ có gia đình anh. “Anh phải lo cho chị Năm, anh phải lo cho con nhỏ cháu, anh phải lo…”. Trăm thứ lo của anh không hề có tên tôi trong đó. Cơn giận ùn ùn kéo tới, tôi áp dụng ngay câu nói chị Tư dạy tôi lần trước:
- Tại sao người ta ở không mà được xài tiền, còn tôi nay lưng ra làm vất vả mà không được quyền xài.
Mặt Phi đỏ bừng. Tôi bồi thêm:
- Anh thử nghĩ lại xem, những người ở Việt Nam có chịu thương, chịu khó lo làm ăn hay chỉ chờ tháng tháng anh gửi tiền về để thong dong cả ngày ngồi lê la ở quán…
Tôi chưa nói hết câu Phi đã ném chiếc ly vào góc nhà. Tiếng “xoảng” vang lên khô khan làm tôi điếng hồn. Tôi chạy vội vào phòng, leo lên giường nằm im thin thít, mồ hôi toát ra ướt đẫm lưng áo. Những ngày kế tiếp Phi không thèm nhìn mặt tôi, không nói với tôi một lời. Không khí nặng nề trong gia đình làm tôi nghẹt thở… nên cuối cùng, tôi đành lẳng lặng đem áo đi trả cho êm nhà, êm cửa.
Tuần sau, gặp tôi trong tiệc cưới, nhìn chiếc áo tôi đang mặc chị Tư hỏi:
- Ủa! áo mới đâu?
Tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Chị Tư nghe xong lắc đầu ngao ngán:
- Con nhỏ này làm mất mặt “dòng dõi anh thư nữ kiệt” nhà họ Đào quá.
Tôi thở dài não nuột:
- Thì tại em… “phận má hồng” nên phải chịu nỗi “truân chuyên”, biết làm sao bây giờ hả chị?
Giọng nói là của tôi nhưng sao… cam chịu đến tội nghiệp. Tôi bỗng nghe thương mình quá đỗi.
Ngân Bình