Năm ấy, chị sống với gia đình cha mẹ nuôi, một gia đình người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, tín đồ Thiên Chúa Giáo La Mã thuần thành. Ngày Tạ Ơn đầu tiên, họ mừng lễ với gia đình ông chú, một người em trai của ông bố nuôi; gia đình ấy ở thành phố cách gia đình chị khoảng một tiếng rưỡi lái xe.
Tuyết đổ lất phất. Hai đứa trẻ và chị ngồi băng ghế sau, chúng chí chóe về những cuốn sách in hình nhiều màu. Chị im lặng nhìn tuyết rơi bên ngoài ô kính… Ở Việt Nam thì chẳng bao giờ thấy tuyết như thế này… mà cũng chẳng có lễ Tạ Ơn nhưng mình có giỗ Chạp để ghi ơn ông bà sinh thành nuôi dưỡng… Con đường như xa tít giữa trời âm u tối xám. Trên xa lộ thỉnh thoảng mới có một chiếc xe di chuyển chậm chạp như chiếc xe của gia đình chị. Thế rồi họ cũng đến nơi. Ðám con nít sàn sàn tuổi nhau tụ tập dưới hầm nhà, chơi các trò chơi khác nhau, cười nói ầm ĩ. Người lớn ngồi quanh lò sưởi chuyện trò về những điều xảy ra trong năm. Chị tuổi lỡ cỡ, tiếng Anh còn mới keng chưa đủ để “thấm” các câu chuyện nên im lặng ngồi đồng, bỡ ngỡ, lạ lẫm.
Chị vào bếp phụ tay bà thím chủ nhà. Hai con gà Tây to kềnh nằm sẵn trong hai lò nướng chờ lúc… xuống tay. Chưa bao giờ thấy một con gà to lớn nhường ấy, mắt chị mở to kinh ngạc trong khi bà thím gật gù giới thiệu, mỗi con gà Tây nặng cỡ sáu bảy ký lô nên phải nướng từ sáng đến chiều mới kịp chín! Bà thím bận rộn sắp xếp những thứ trên quầy nhà bếp sửa soạn bữa ăn. Chị được giao việc khuấy nồi khoai nghiền trộn sữa và bơ là món ăn phụ chưa kể bánh mì và ba bốn thứ rau cỏ khác.
Chiếc bàn ăn được “nối” thêm một khúc nữa và những chiếc ghế xếp được chèn dọc hai bên bàn ăn. Phòng ăn chật kín, người lớn, con nít chen vai bên nhau, hai chục con người. Chị rót nước, rót rượu vào những chiếc ly khác kiểu cọc cạch chờ bữa ăn bắt đầu. Ông chú đọc bài kinh tạ ơn Trời đất cho gia đình được bình an, mạnh khỏe để sum họp như hôm ấy. Nghe lời khấn nguyện, lòng chị ngân ngấn nước, môi mím chặt để nước mắt đừng rơi giữa bàn tiệc. Chị chùng lòng thương nhớ cha mẹ anh chị em mình bên kia trời ngàn dặm.
Buổi lễ Tạ Ơn đầu tiên trên xứ tạm dung, ấm áp pha lẫn với bùi ngùi. Chị có quá nhiều thứ để tạ ơn trời đất đã khoan dung, bảo bọc.
Nhiều mùa lá vàng bí đỏ, mùa lễ Tạ Ơn khác cũng đi qua. Có thời gian chị về thăm nhà hàng năm, phụ tay với bà mẹ nấu nướng hoặc theo gia đình mừng lễ Tạ Ơn với gia đình chú, dì ở những thành phố lân cận. Năm nào cũng ấm áp với người thân yêu chung quanh. Rồi ông bố chị tuổi già và bệnh tật chồng chất, bà mẹ không còn tổ chức lễ Tạ Ơn tại nhà nữa. Thỉnh thoảng, lúc khỏe thì ghé nhà con cháu mừng lễ chung. Truyền thống đáng yêu ấy đã được chuyển sang thế hệ kế tiếp. Có năm cô em gái nướng gà Tây và có năm chị tổ chức lễ Tạ Ơn tại nhà mình.
Một ngày Tạ Ơn sâu đậm hoài trong tâm trí là năm chị còn đang trong thời kỳ thường trú. Không phải phiên trực nhưng bạn bè gọi điện thoại năn nỉ nhờ vả vì họ bận rộn quá, quần quật không hở tay được giây phút nào. Nhận cú điện thoại, từ chối thì áy náy trong lòng nên chị nhận lời giúp bạn bè rồi tần ngần không biết phải giải thích với anh ra sao. Vợ chồng chị sửa soạn đến nhà người chú mừng lễ Tạ Ơn với gia đình nhưng anh đành đi một mình. Chị hứa hẹn, sẽ đến sau và có thể đến muộn. Khi công việc tạm ổn, chị nhìn đồng hồ, đã quá 4 giờ chiều. Chưa ăn uống gì suốt cả ngày nhưng đến lúc ấy chị mới cảm thấy mệt nhoài và đói bụng. Chân tay rời rã. Ðầu óc mụ mị bơ phờ. Như bạn bè, năng lượng ‘xăng dầu’ của chị đến từ nội tiết tố epinephrine, kích thích cơ thể hoạt động đắc lực vào lúc cần thiết.
Anh đã về đến nhà và đang loay hoay sửa soạn bữa tối cho chị. “Care package” được gói ghém đầy đủ những món ăn trong buổi lễ. Chiếc đùi gà nâu vàng ăn kèm với sốt cranberry chua chua ngọt ngọt, hộp khoai nghiền trộn sữa, rau cỏ và cả món tráng miệng là miếng bánh bí ngô, pumpkin pie. Mỗi thứ một ít. Chị lỡ hẹn và vắng mặt trong buổi sum họp gia đình nhưng thân nhân vẫn nghĩ đến chị và gói ghém thức ăn gửi theo với cả tấm lòng.
Thời gian như bóng mây, bay mãi bay mãi. Ông bố chị đau ốm một thời gian rồi qua đời. Chỗ ông thường ngồi trên bàn ăn gia đình để trống suốt mấy mùa lễ Tạ Ơn, không ai muốn ngồi vào chiếc ghế ấy dù bà mẹ liên tục nhắc nhở. Hình như đám con cháu cứ muốn giữ mãi hình ảnh ông, chiếc bóng của ông lớn quá, đôi tay dang rộng ấp ủ bao bọc cuộc đời con cái suốt nhiều năm trời.
Chần chừ mãi rồi bà mẹ chị cũng dọn nhà. Chỗ ở mới ấm cúng và bớt quạnh quẽ. Phòng ăn nhỏ hơn, không còn cái bàn hình chữ nhật nơi ông bố ngồi ở chiếc ghế đầu bàn. Bàn ăn mới hình tròn, ai ngồi đâu cũng xong. Lễ Tạ Ơn trở nên xuề xòa hơn, bà mẹ chị không còn xoay trở nấu nướng nữa. Vả lại bà không còn đủ sức để khênh một con gà Tây năm bảy ký lô ra vào lò nướng như ngày xưa nữa rồi. Thức ăn được hàng quán mang đến, đủ mọi thứ. Nhanh và tiện. Thỉnh thoảng trong bữa ăn, ngậm miếng bánh mì trong miệng, chị nhớ ông bố năm xưa. Rồi bùi ngùi nhìn ngắm bà mẹ trước mặt, lưng bà đã còng, đi đứng chậm chạp… chắc chẳng còn bao lâu nữa cũng sẽ đến lúc chia tay?!
Chị nhủ lòng sẽ về thăm bà thường xuyên hơn nhất là vào dịp lễ Tạ Ơn năm tới.
Năm tới là năm 2020. Hơn nửa năm ròng rã, trận dịch Vũ Hán kinh hoàng lan tràn khắp nơi. Nhìn quanh nơi nào cũng thấy bệnh tật, chết chóc. Chị phải hủy bỏ ba chuyến đi nhưng vẫn le lói niềm hy vọng có thể về thăm bà mẹ vào cuối năm. Bà cụ trong tuổi 80, tuổi già mong manh, lỡ mang bệnh tật đến cho cụ thì ân hận biết nhường nào! Hai người em cũng ngần ngại nhưng sống gần hơn nên họ thỉnh thoảng lái xe đường trường đến thăm nom bà. Tuy sống lủi thủi một mình, nhưng ở chung cư nên bà mẹ chị vẫn có láng giềng gần gũi. Áy náy và bất an lắm nhưng không biết làm sao. Chị tự an ủi mình bằng cách đặt mua thức ăn qua liên mạng và chuyển giao tận nhà. Chị nhớ rõ từng món ăn ưa thích của bà cụ, các món phó mát, xúc xích, rượu trắng… rồi lại phân vân… Không biết bây giờ cụ còn thích mấy món ấy nữa không? Phó mát thì đã đành nhưng xúc xích hẳn là khó nhai, răng cỏ cụ đâu còn chắc chắn như xưa nữa? Hay là ta đặt món xúc xích đã cắt mỏng từng lát rồi đóng gói thì tiện cho cụ hơn?… Cứ như thế chị lan man từ chuyện này sang chuyện khác, nhưng lan man thế nào thì cũng vẫn đến khúc quanh tuổi già mây trắng của bà mẹ. Hình như tâm tư bà bình an hơn mấy chị em chị? Bà bình tĩnh chờ đợi ngày gặp lại người chồng 55 năm.
Hôm qua trong lần nói chuyện qua điện thoại, giọng bà cụ khàn khàn… Các con cứ ở yên trong nhà, ta vẫn mạnh khỏe, không sao cả… Hễ mọi người bình an là mẹ yên lòng… Chị hỏi thăm bà mẹ về chương trình lễ Tạ Ơn năm nay xem bà định làm gì hay có sửa soạn mừng lễ với bà cụ hàng xóm hay không. Bà cụ bảo rằng năm nay mẹ không cần đi đâu cả, chỉ muốn ở nhà. Các con cũng thế nhé… Giọng nói khàn đục ẩn chứa mơ hồ những lo âu.
Ðã qua rồi những ngày Xuân rộn rã bừng bừng. Những ngày Hè gay gắt chói chang. Những mùa đời thong thả trôi xuôi. Lễ Tạ Ơn là lúc nghỉ ngơi sau mùa gặt hái và cũng là mùa Thu. Không gian trầm lắng, thời tiết lẳng lặng sang mùa.
Mùa lễ năm nay, chị chẳng có gì để khấn nguyện cầu xin ngoài những lời cảm tạ, tri ân đất trời.
Trần Lý Lê