Hình trên net
Điện thoại reng, Quỳnh nhất lên, “allo”. Đầu dây bên kia giọng nam hớn hở:
- Quỳnh đó hả?
Nhận ra giọng của “nhà văn lớn”, Quỳnh đáp:
- Dạ, thưa anh, em đây. Anh chị khỏe không?
- Khỏe. Cảm ơn em. Hôm trước em bảo là muốn đến nhà anh xem lan, em còn giữ ý định đó không?
- Dạ, còn. Khi nào em có thể đến được?
- Hôm nay. Được không?
- Dạ, anh cho em địa chỉ.
Sau khi Quỳnh ghi xong, “nhà văn lớn” hỏi:
- Bao lâu nữa em có thể đến được?
Nhìn đồng hồ, thấy chỉ mới chín giờ sáng thứ Bảy, Quỳnh vừa tiếc không được “ngủ nướng” vừa đáp:
- Thưa anh, có lẽ từ hai đến ba tiếng đồng hồ nữa.
- Chi mà lâu dữ vậy? Anh hồi hộp, anh nôn nóng muốn gặp em. Em không cần sửa soạn, trang điểm gì hết, cứ để tự nhiên như vậy mà đến với anh. Anh em mình biết nhau lâu rồi mà.
Quỳnh bối rối. Quỳnh quen với vợ chồng “nhà văn lớn” nhưng không thân mật đến độ… Quỳnh hỏi dò:
- Thưa anh, chị có ở nhà không?
- Không. Bà ấy đi thăm mấy đứa con.
Quỳnh thật sự hoảng sợ, nhưng chưa biết phải đối phó bằng cách nào:
- Thưa anh, anh cho em khoảng ba mươi phút, em sẽ gọi lại.
- Thì em cứ đến đi, anh chờ. Tại sao em phải gọi lại?
- Dạ, em sẽ gọi lại anh.
Quỳnh vội gác ống nói, rồi nhất lên, bấm số điện thoại của Đằng – người bạn độc thân, lớn tuổi hơn mà Quỳnh tin tưởng như tin tưởng một người anh. Không ai bắt điện thoại. Quỳnh gọi cô con gái hỏi ý kiến. Sau khi nghe Quỳnh kể rõ những câu nói thiếu đứng đắn của “nhà văn lớn”, cô con gái quyết định là Quỳnh không nên đến nhà và cũng không nên liên lạc với “nhà văn lớn” nữa. Quỳnh điện thoại đến nhà “nhà văn lớn”, xin lỗi, sẽ không đến được. “Nhà văn lớn” bất bình:
- Tại sao? Em làm anh thất vọng vô cùng! Em biết anh mong được gặp em từ lâu rồi không?
- Sorry, em không đến được! Chào anh.
Gác ống nói xong, tự dưng Quỳnh cảm thấy buồn và nàng ngạc nhiên khi nhận ra những giọt nước mắt tủi thân đang âm thầm lăn dài. Đã mấy mươi năm rồi Quỳnh tưởng rằng nàng không còn giọt lệ nào để khóc cho sự dại khờ và bồng bột của nàng khi nàng nhận lời cầu hôn của một người mà nàng lầm tưởng rằng người đó đã yêu thương nàng say đắm! Vậy thì tại sao bây giờ Quỳnh lại khóc một cách dễ dàng sau khi bị “nhà văn lớn” “tấn công” một cách bất ngờ như vậy? Suy nghĩ một chốc Quỳnh mới hiểu.
Đây không phải là lần đầu tiên Quỳnh bị “tấn công” mà kể từ ngày trở thành một phụ nữ độc thân, Quỳnh cảm nhận được nàng là nạn nhân của vài lớp người.
Lớp người cùng phái tỏ ra lo ngại rằng Quỳnh sẽ chinh phục chồng của họ; vì Quỳnh là một thiếu phụ còn nhan sắc, có đức hạnh.
Ngược lại, những người bạn khác phái – có vợ con – có thể chia ra ba lớp người.
Lớp người thứ nhất, không muốn vợ của họ thân thiện với Quỳnh; vì họ ngại vợ của họ cũng sẽ hành động giống như Quỳnh – bỏ chồng.
Lớp người thứ hai tỏ lòng thương hại Quỳnh vì cảnh đơn chiếc, muốn giúp đỡ thật lòng thì bị mấy bà vợ nghi ngờ!
Lớp người thứ ba, chỉ thích tản tỉnh; vì nghĩ rằng đàn bà độc thân, dại gì không “tán”; “tán” được thì “hưởng”, không được thì thôi! “Nhà văn lớn” là một trong những nhân vật này.
Những người bạn khác phái – độc thân – có thể chia làm bốn lớp người.
Những người bằng hoặc hơn Quỳnh vài tuổi muốn kết thân với Quỳnh để đi nốt đoạn đường đời thì bị mặc cảm khi họ biết rõ chức vụ ngày xưa của người chồng cũ của Quỳnh.
Nhiều người lại dè bỉu, bảo về Việt Nam lấy con gái mười tám cũng được, chuyện gì phải “cặp” những người cỡ tuổi với Quỳnh. Nhưng, sau khi thấy nhiều người bạn của họ là “nạn nhân thê thảm” của chuyện lấy vợ trẻ từ Việt Nam đem qua, mấy ông thuộc lớp người này đâm ra sợ.
Vài người trẻ hơn Quỳnh có cảm tình với Quỳnh; vì Quỳnh trông trẻ hơn tuổi thật của nàng. Nhưng Quỳnh thấy nhiều bà bạn lấy chồng trẻ rồi phải đến thẩm mỹ viện căng da, cắt mí mắt để trông bớt chênh lệch thì Quỳnh lại không thích; vì Quỳnh là người thích sự tự nhiên, sống giản dị, không cần bề ngoài.
Những người lớn tuổi hơn Quỳnh thì Quỳnh lại ngại ngùng… Nhưng sự ngại ngùng của Quỳnh tan biến nhanh khi Quỳnh gặp lại Đằng – vợ của Đằng không còn nữa – trong một tiệc cưới. Đằng không hề giấu giếm tình cảm của Đằng dành cho Quỳnh. Chỉ có điều bất tiện là Quỳnh sống tại Dallas. Đằng ở Houston. Đằng muốn lên Dallas thăm Quỳnh, ở lại nhà Quỳnh nhưng Quỳnh không thuận; vì tư tưởng của Quỳnh đã bị mớ “luân lý tào lao” của ông Khổng, ông Mạnh, ông Trang, ông Lão nào bên Tàu khống trị rồi! Đối với Quỳnh, “nam nữ thọ thọ bất thân.”
Quan niệm “xưa như trái đất” của Quỳnh thường bị Kiều, cô bạn thân từ thời còn đi học, đả phá. Nghĩ đến Kiều, người bạn cũng độc thân như nàng, Quỳnh cảm thấy bớt tủi thân.
Quỳnh đang rửa chén, sau bữa ăn chiều, điện thoại reng. Quỳnh thầm vui vì nghĩ rằng Đằng gọi lại. Nhưng thật bất ngờ, giọng của Kiều:
- Hey! Đang làm gì đó? Mấy hôm nay nóng quá, máy lạnh ở nhà bồ có bị trục trặc không?
- Không. Bồ bị hả?
- Ừ, máy lạnh nhà mình không chạy.
- Khổ chưa! Vậy bồ phải làm sao?
- Hồi sáng mình gọi anh Đằng, nhờ anh Đằng tới xem giùm. Sau đó anh Đằng ở lại chờ thợ tới sửa chứ anh Đằng không muốn thợ biết mình sống một mình.
Dù biết Đằng là người đàn ông tốt bụng, Quỳnh cũng cảm thấy khó chịu, thầm nhủ: Hèn chi sáng nay Đằng không bắt điện thoại của mình! Không nghe Quỳnh đáp, Kiều tiếp:
- Đang bận hả?
- Không. Chừng nào bồ lên đây chơi?
- Để hết Hè đã. Mùa này lái xe đi xa, máy xe nóng lắm, không tốt; thêm nữa, lái một mình trên xa lộ buồn thấy mồ!
- Kiếm một ông cho vui.
- Bồ có rồi hả?
- Không. Mình sợ đàn ông rồi! Còn bồ?
- Mình thì có cũng có mà không cũng không.
- Sao kỳ vậy?
- Bồ nên nhớ, cỡ tuổi này, đàn ông họ đến với mình là họ chỉ muốn có người chăm nom, săn sóc họ thôi chứ yêu thương gì nữa! Mà mình thì mình không muốn hầu hạ ai nữa cả. Quen để đi ăn, đi chơi, đi xi-nê, đi nhảy với nhau rồi ai về nhà nấy thì “okay”.
- Rủi họ ôm mình họ hôn thì sao?
- So what?
Không ngờ cô bạn lại có ý tưởng hoàn toàn trái ngược với mình, Quỳnh chưa kịp nói ra ý nghĩ của nàng thì nghe tiếng click báo hiệu có đường dây khác trên điện thoại. Quỳnh vội vàng:
- Nè, bồ! Chờ giùm chút, mình có đường dây bên kia.
- Thôi, được rồi. Mình phải đi chợ. Hôm khác nói nhiều.
Bắt sang đường dây bên kia, nhận ra giọng của Đằng, Quỳnh nói như than:
- Dạ, thưa anh! Lúc sáng em gọi mà không gặp anh.
- Ừ, lúc sáng anh phải đưa cháu gái đi có tý việc. Trong lúc lái xe anh nghe điện thoại reng, thấy số “phone” của em, nhưng anh không bắt vì ngại vừa lái xe vừa nói điện thoại nguy hiểm.
Im lặng. Thấy rõ sự thiếu thành thật của Đằng, Quỳnh không muốn tiếp nối câu chuyện. Tại sao Đằng không nói thật là Đằng đến nhà Kiều để xem ông thợ sửa máy lạnh cho Kiều mà Đằng lại bảo chở con gái? Từ gút mắt này Quỳnh suy ra: Đằng không bắt điện thoại của Quỳnh vì Đằng đang ở cạnh Kiều; vì Đằng có ý “gì đó” với Kiều cho nên Đằng không muốn Kiều biết Đằng có sự liên hệ với Quỳnh. Quỳnh xót xa trong lòng. Quỳnh đã xa ông “ex” vì Quỳnh không chịu được những gian dối, lừa lọc của ông ấy. Vậy mà bây giờ Quỳnh lại bị ràng buộc tình cảm với một người cũng dối dang như người xưa? Quỳnh tìm lý do lịch sự để cắt đứt cuộc điện đàm.
Biết Quỳnh không vui, hôm sau Đằng giả về bệnh, xin nghỉ làm để lái xe đi Dallas.
Đằng và Quỳnh lặng lẽ đi bên nhau trong công viên vắng người. Đằng tiếp nối câu chuyện:
- Anh đã giải thích hết lời mà em cũng vẫn không tin anh.
Quỳnh không muốn nói thật ý nghĩ của nàng; vì Quỳnh không muốn làm tổn thương Đằng, đành nói khác đi:
- Em nghĩ chuyện giữa anh và em sẽ không đi đến đâu cả. Thôi, anh về sớm còn nghỉ ngơi để mai đi làm.
- Anh mời em dùng cơm chiều với anh trước khi anh về lại Houston.
- Cảm ơn anh, nhưng em không thể đi ăn với anh được.
- Tại sao em cứ sợ thiên hạ dị nghị? Tại sao em cứ tự làm khổ em?
- Vì em đã được nuôi dạy theo cái ống, cái bầu (1) rồi. Em không tự làm khổ em. Em chỉ khe khắt với em thôi.
- Theo em thì anh nên làm gì để em tin anh?
- Em không hiểu tại sao anh phải theo đuổi em trong khi quanh anh có nhiều phụ nữ độc thân?
- Bạn khác. Em khác. Anh quen nhiều phụ nữ độc thân không có nghĩa là anh thương yêu tất cả những người đó.
- Em “mời” ông “ex” của em ra khỏi cuộc đời của em vì em muốn thoát khỏi sự phiền muộn triền miên. Bây giờ không lý do gì em lại “lao” vào sự phiền muộn khác mà em biết chắc chắn là nó sẽ đến.
- Tại sao em đa nghi quá vậy?
- Ông “ex” của em chỉ ôm những phụ nữ khác trong vòng tay; còn anh ôm những người đàn bà khác trong lòng anh. Đó mới là nguy hiểm.
- Em kết tội oan cho anh. Em giống như mấy quan tòa ở Texas. Mứt độ quan tòa xử nhầm tội phạm lên đến 7%, em biết không?
- Anh không ôm họ trong lòng tại sao anh vẫn giữ liên lạc với họ suốt bao nhiêu năm dài?
Đằng không biện luận được. Suy nghĩ một chốc, Đằng muốn đo lường tình cảm của Quỳnh dành cho chàng:
- Thôi, em không muốn phiền muộn vì anh thì em cứ “email”, bảo anh đừng liên lạc với em nữa.
- Dạ, anh muốn như vậy, em sẽ thực hiện.
Đằng cứ nghĩ rằng Quỳnh chỉ nói trong lúc buồn giận thôi; không ngờ, khi về đến Houston, sau khi thay đồ, mở “computer”, Đằng thấy “email” của Quỳnh:
Kính anh,
Một lần nào đó anh bảo rằng giao thiệp với một người quá nhạy cảm – như em – không phải dễ. Vâng, em biết. Vậy thì thôi, xin anh đừng liên lạc với em nữa.
Em,
Quỳnh
Đằng ngồi lặng yên. Nhìn “email” của Quỳnh một lúc, Đằng điện thoại cho nàng. Nhận ra giọng của Đằng, Quỳnh im lặng, tự hỏi, có nên trả lời hay không? Đằng lập lại, giọng thật chậm và dịu dàng:
- Qu…ỳnh!
- Dạ.
- Anh không ngờ em lại gửi cho anh cái “meo” như vậy.
- Chính anh bảo em mà.
- Anh đùa. Thôi, cho anh xem như anh không nhận được cái “meo” này, nha, em!
Im lặng. Đằng tiếp:
- Xem như không có “meo” này, nha, em. “Please”!
- Em gửi sang anh, anh muốn sử dụng như thế nào tùy anh.
- Quỳnh, em khóc, phải không? Biết em khóc anh chịu không được! Ước gì anh được đứng gần để em tựa vào vai anh mà khóc.
- Dạ, thôi. Em không còn cái lãng mạn đó nữa!
- Tại sao? Em là người có tâm hồn rất ướt lệ…
Nửa đùa nửa thật, Quỳnh cắt lời Đằng:
- Dạ, em thấy nhiều bà bị… “kiss and run và kiss and tell” rồi. Em sợ lắm!
- Mai anh sẽ nghỉ làm, lên em. Anh và em cần nói chuyện, tìm hiểu nhau nhiều hơn.
- Thôi, anh! Tìm hiểu nhau để làm gì khi mà chung quanh anh có cả “tiểu đội phụ nữ độc thân” mà bà nào anh cũng bảo là xinh đẹp, giỏi giang, học rộng, hiểu nhiều. Nếu những bà bạn của anh đều trội hơn người thì tại sao anh không chọn một bà mà anh lại theo đuổi em? Em tầm thường, em không có gì đặc biệt như mấy bà bạn của anh.
Đằng than thầm. Khi đọc được bài nào hay, Đằng chuyển đến Quỳnh mà Đằng không “xóa” hình/địa chỉ điện thư của mấy bà bạn độc thân. Điều tệ hại hơn cả là trong số địa chỉ “email” này lại có địa chỉ “email” của vài “người xưa” của Đằng mà Quỳnh biết.
- Tại sao lúc nào em cũng tự hạ mình vậy?
- Dạ, em không tự hạ mình. Em chỉ muốn biết nguyên nhân nào anh bảo anh thương em trong khi anh có cả “tiểu đội” bạn gái độc thân?
- Chuyện tình cảm, khi trái tim của mình giao động vì người nào thì mình biết mình yêu người đó chứ không lẽ anh có tình ý với tất cả mấy người bạn khác phái của anh sao? Hơn nữa, nếu anh có “tiểu đội phụ nữ độc thân” mà anh chỉ yêu một mình em, đó mới là quý.
- Anh nhìn kỹ những tấm ảnh anh chuyển cho em đi. Ở lứa tuổi đó mà đầu bà nào tóc cũng sum sê còn hơn thời con gái; mũi bà nào cũng cao, nhọn; mắt bà nào cũng xếch lên, nhắm lại không được; lông mi bà nào cũng dài ngoằn; bà nào cũng phấn son lòe loẹt như đào cải lương thì anh khen không tiếc lời. Anh “vẽ rắn thêm chân”. Trong khi đó, nhìn tấm ảnh của em, anh bảo em nên đổi kiểu tóc vì kiểu tóc này làm em trông già thêm năm tuổi. Anh thấy không? Anh vui vẻ chấp nhận những điều không thật nơi “tiểu đội phụ nữ độc thân” của anh; trong khi anh không thể chấp nhận em là em. Anh trái ngược với Billy Joel; vì Billy Joel chấm dứt ca khúc bằng một câu đầy ý nghĩa và hợp với cá tính của em:
- Câu gì, em?
Quỳnh “ư hử” một đoạn ngắn để bắt giọng, rồi hát câu cuối: “I love you just the way you are.” (2)
- Anh tình thật đưa ra nhận xét của anh, vì anh muốn em đẹp hơn. Còn mấy bà đó, họ chỉ là bạn thôi.
- Em nghĩ, dù họ chỉ là bạn, nhưng họ ở gần anh, vẫn thuận tiện hơn là em ở xa. Anh nhớ hoàn cảnh như anh và em người Pháp có câu gì không?
- Loin des yeux loin du coeur.
- Dạ. Đúng rồi.
- Anh đề nghị, hoặc là em dời về Houston hoặc là mỗi cuối tuần anh lên thăm em, ở nhà em mà em cũng ngại người đời dị nghị thì anh biết làm sao?
Đề nghị của Đằng tương tự như đề nghị của Quân – bạn học của Đằng. Ngày xưa Quân theo đuổi Quỳnh nhưng không thành. Sau khi liên lạc lại được với Quỳnh, Quân thường chuyển đến nàng những vần thơ rất ngọt ngào/rất dễ thương:
“…Mà em hỡi! Giữa biển sầu thiên cổ,
Sao dửng dưng như gỗ đá vô tình?
Sao lạnh lùng và mãi mãi lặng thinh?…”
Đang bị phân tâm vì những dòng thơ ướt lệ của Hoàng Vũ Bão, tiếng của Đằng đưa Quỳnh trở về với thực tại:
- Quỳnh! Em còn đó không?
- Ô, dạ, em “sorry”!
- Em đang nghĩ gì vậy?
Quỳnh không quen nói dối:
- Dạ, em đang nghĩ đến những vầng thơ của Hoàng Vũ Bão do anh Quân chuyển.
Đằng thoáng bất bình nhưng nói khác đi:
- Quỳnh! Anh yêu em. Em biết mà. Và anh cũng biết em có cảm tình với anh.
- Dạ, em có cảm tình với anh, đúng! Nhưng có cảm tình không hẳn là yêu. Chưa bao giờ em nói em yêu anh. Hơn nữa, lớp “choai choai” ở Mỹ còn phân biệt rõ ràng giữa “love” và “in love” nữa kìa.
Im lặng. Một thoáng sau, Quỳnh tiếp:
- Cách nay mấy hôm, em nói là em sẽ giới thiệu một người bạn của em cho anh và anh hỏi người đó tên gì, anh nhớ không?
- Anh đùa, Quỳnh.
Quỳnh vẫn còn ấm ức vì Đằng vẫn không nói thật về lý do Đằng không bắt điện thoại của nàng hôm Đằng ở nhà Kiều. Nhưng nghĩ cho cùng, Quỳnh không có một tư thế nào để Đằng phải nói thật những gì Đằng làm và những gì Đằng nghĩ. Thôi, như vậy thì đừng làm buồn lòng nhau nữa. Quỳnh cương quyết:
- Bây giờ em cho anh biết tên bà ấy, nha. Đó là Kiều.
- Anh không hiểu tại sao câu chuyện giữa anh và em lại đưa đến chi tiết này? Anh chỉ biết anh thương em thôi.
- Dạ, không được đâu. Em đã “bàn giao” anh cho Kiều rồi.
Hiểu rõ sự nghi ngờ của Quỳnh, nhưng Đằng không thể đính chính được:
- Cái cô này! Em làm như anh là một đơn vị hay là một vật dụng, em muốn bàn giao lúc nào thì em bàn giao hay sao?
Biết Đằng cứ “quanh co” chứ không dám xác nhận và cũng không thể phủ nhận, Quỳnh dứt khoát:
- Dạ, thôi. Em nghĩ anh và em không nên liên lạc với nhau nữa.
Đằng thở dài. Quỳnh tiếp:
- Thôi, đây là lần sau cùng em nói chuyện với anh. Em chúc anh ngủ ngon. “Bye”, anh!
Sau khi Quỳnh gác điện thoại, với động tác vô thức, Đằng bấm nút TV. Elvis Presley xuất hiện trong y phục rực rỡ nhưng ánh mắt lại thăm thẳm xa xôi và giọng ca nồng nàn:
“Are you lonesome tonight.
Do you miss me tonight?
Are you sorry we drifted apart?…
Is your heart filled with pain,…” (3)
Tâm trạng đã buồn mà lời ca, tiếng hát của Elvis càng khiến Đằng buồn hơn. Đằng bấm nút chuyển đài, lại thấy John Waite đang quằn quại trong sự chối bỏ nỗi đau sâu hút trong lòng:
“…And I ain’t missing you at all.
Since you’ve been gone away.
I ain’t missing you...” (4)
Giọng ca nức nở và tiếng “bass” như một thôi thúc vô cùng mạnh mẽ. Đằng quyết định sáng hôm sau sẽ điện thoại xin nghỉ làm để đi Dallas gặp Quỳnh.
***
Đằng và Quỳnh ngồi bên nhau trên bệ xi măng, cạnh hồ nước nhân tạo, chia nhau phần khoai chiên và “Hamburgers”, mua từ McDonalds.
Ăn uống xong, Quỳnh đến gần bờ hồ, lấy phần bánh mì nàng ăn không hết, xé từng miếng nhỏ, rải xuống hồ cho đàn vịt.
Nhìn dáng Quỳnh nghiêng nghiêng trong nắng, Đằng cảm thấy tình yêu dào dạt dâng cao. Nhưng Đằng cũng hiểu Quỳnh không phải là một phụ nữ dễ chiếm đoạt như những phụ nữ trong “tiểu đội phụ nữ độc thân” của chàng. Phân tích lòng mình, Đằng nhận thấy “tiểu đội phụ nữ độc thân” Đằng không yêu, nhưng Đằng có thể mời bất cứ bà nào đi ăn, đi chơi, đi xi nê, đi nghe nhạc, đi nhảy cũng được. Còn Quỳnh là người Đằng thương yêu nhưng Quỳnh lại ở xa và có cuộc sống rất khép kín và đạo đức cao. Đằng không hiểu chàng phải hành động như thế nào để vừa được Quỳnh yêu thương lại vừa được thong dong vui chơi với những phụ nữ độc thân quanh chàng!
Trở lại bệ xi măng, thấy vẻ suy tư của Đằng, Quỳnh cười:
- Em cảm ơn anh đã bất ngờ lên thăm em. Thôi, anh về đi. Em cũng phải trở lại làm việc.
- Em đã cân nhắc kỹ càng về quyết định của em chưa?
- Dạ, em suy nghĩ kỹ rồi.
- Em không muốn làm người yêu của anh thì mình vẫn giữ liên lạc, xem nhau như bạn chứ tại sao phải cắt đứt?
- Em không muốn trở thành một thành viên trong “tiểu đội phụ nữ độc thân” của anh. Tự ái của em rất cao. Em không muốn bị đồng hóa, bị xem thường.
- Anh đồng hóa em với ai? Chưa bao giờ anh có ý xem thường em.
- Có thể anh không có ý tưởng đó. Nhưng anh đã nghĩ em cũng dễ dãi như “tiểu đội phụ nữ độc thân” của anh cho nên anh đề nghị ở lại nhà em vài ngày hoặc đi du lịch thì ở cùng phòng.
- Lý do anh đề nghị như vậy là vì…
Đằng nói chưa dứt câu, Quỳnh vội cắt ngang:
- Vì anh nghĩ, ở tuổi này người đàn bà đâu còn sợ mất trinh, đâu còn sợ bị mang thai, đúng không? Vậy thì lòng tự trọng của người phụ nữ vất đi đâu? Thú thật với anh, sau khi nghe hai đề nghị của anh, em rất thất vọng về anh và em cũng cảm thấy bị tổn thương nặng nề!
- Anh biết anh nhầm khi anh đưa ra hai đề nghị đó. Nhưng em không thuận thì thôi, tại sao lại phải đoạn tuyệt?
- Em đã “đẩy” ông “ex” của em đi không phải để đón nhận một “copy” của ông ấy. Em không có nhu cầu gì để phải cần một người đàn ông.
Đằng thở dài. Im lặng. Một lúc lâu, Quỳnh tiếp:
- Thôi, anh hãy an vui với “tiểu đội phụ nữ độc thân” của anh! Lúc nào em cũng quý anh, nhưng kết thân với anh thì em xin dừng lại ở đây.
- Nếu em nghĩ “tiểu đội phụ nữ độc thân” có thật thì đó là một tiểu đội… ”không quân”. Anh là một tiểu đội trưởng “không quân” (số)!
Biết Đằng bóng gió xa xôi để thanh minh, Quỳnh cười:
- Anh là “tiểu đội trưởng Địa Phương Quân” chứ không phải “không quân”.
- Em dùng chữ… Anh chịu thua em! Thôi, anh về. Em trở lại làm việc đi.
- Dạ.
Vừa bước về chiếc SUV Quỳnh vừa buồn buồn ngân nga nho nhỏ những câu ca chợt đến:
“…Yêu nhau mà chi,
Âm thầm lệ rơi khi biệt ly.
Xa xôi còn chi,
Vô tình em nhớ mối duyên hờ.
Tình như mây khói, bóng ai xa mờ…”
Trong khi Quỳnh thả hồn theo tình ca Bóng Chiều Xưa của Dương Thiệu Tước, Đằng tần ngần nhìn theo nàng.
Khi chiếc SUV của Quỳnh lăn bánh, Đằng thở dài, chợt nhớ một câu rất ý nghĩa để tự xoa dịu tự ái của chàng: “If you love something, set it free. If it comes back, it is yours. If it doesn’t, it never was.” (5)
Điệp Mỹ Linh
1.- Ngạn ngữ: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.
2.- Just The Way You Are của Billy Joel.
3.- Are You Lonesome Tonight? của Elvis Presley.
4.- Missing You của Tyler Hilton.
5.- Unknown.